TIN TỨC
  • Chân dung & Phỏng vấn
  • Nhà văn Trầm Hương: Tôi suốt đời chỉ phấn đấu cho sự giản dị, trong sáng trên trang viết

Nhà văn Trầm Hương: Tôi suốt đời chỉ phấn đấu cho sự giản dị, trong sáng trên trang viết

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-29 09:35:02
mail facebook google pos stwis
515 lượt xem


Nhà văn Trầm Hương (ảnh: Nguyễn Hoàng)

Viết văn, viết báo, viết kịch bản phim… Ở lĩnh vực nào nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) cũng đạt nhiều thành công trên chặng đường sáng tạo. Có thể nói, chị là một điển hình nữ nhà văn trên “trường văn trận bút”, luôn chăm chỉ, cần mẫn và giữ trong mình nguồn năng lượng dồi dào cho công việc sáng tạo.

Tháng 10, tháng của phụ nữ Việt, tạp chí Sông Lam đã có cuộc trò chuyện với tác giả của Người đẹp Tây Đô, Đêm Sài Gòn không ngủ, Trong cơn lốc xoáy, Chuyện năm 1968


Giải thưởng văn chương có ý nghĩa như thế nào đối với chị?

Nó mang tính khích lệ. Đặc biệt với những tác phẩm viết về một đề tài nào đó, nhân vật nào đó. Tôi thấy vui vì không chỉ tác phẩm được vinh danh mà những con người tôi thể hiện trong tác phẩm không bị quên lãng...

Có được giải thưởng, tất nhiên rất vui, rất hạnh phúc nhưng phần thưởng lớn nhất của tôi là lòng yêu mến của bạn đọc. Khi ngòi bút mang lại công bằng, an ủi cho những số phận bị lãng quên tôi thấy mình hạnh phúc hơn mọi giải thưởng văn học được trao tặng. Thực tế cho tôi bài học rằng, nếu như khởi đầu trang viết bằng tấm lòng trong sáng, nồng nhiệt; nhà văn được cuộc đời đền bù xứng đáng. Tôi nói điều này là cũng cảnh giác mình với "cái bẫy" của giải thưởng. Hãy viết vì không thể không viết chứ không phải vì những đoá hoa và những lời chúc mừng khi tên mình được xướng danh. Hoa rồi sẽ tàn, lời chúc mừng rồi sẽ lắng, còn lại chỉ có nhà văn và nỗi cô đơn bên trang viết...

Trong cuộc sống, người phụ nữ vẫn phải tề gia, ra xã hội, họ không kém cạnh phái mạnh. Theo chị, điều gì làm nên sức mạnh của người phụ nữ?

Sức mạnh của người phụ nữ là hy sinh, thương khó, nhẫn nhục. Xin được gởi đến độc giả đoạn kết bài thơ “Vết nhẫn trên ngón tay thiếu nữ”: “…Có một lần biết anh rất cần tiền/ Chị nhìn xuống bàn tay lặng lẽ/ Khi trao cho anh giấy, màu và cọ vẽ/ Vật kỷ niệm của người mẹ thân yêu đã không còn/ Dấu chiếc nhẫn bệch bạc hằn trên ngón tay gầy? Chị nhìn anh mỉm cười không nói/ Chị si tình ư?/ Không. Hoặc là có thể/ Nhưng tôi tin chắc một điều/ Bàn tay của người đàn bà si tình kia/ Nâng trái đất này tồn tại”. Tôi muốn nói đến vẻ đẹp “cho đi” của người phụ nữ kia - người đàn bà dành cho sự nghiệp người đàn ông mình yêu thương vật kỷ niệm quý báu cuối cùng. Đàn bà khi yêu là đốt cháy hết mình, là dâng hiến, vô điều kiện. Họ bị lên án dại trai, ngu xuẩn. Nhưng trái đất sẽ ra sao khi vắng bóng những người phụ nữ hy sinh và cam chịu, những người phụ nữ sẵn sàng lui vào một góc khuất cho sự tỏa sáng, thăng hoa của người đàn ông mà họ yêu thương, cho sự thành đạt của những đứa con.

Tôi là một trong hàng triệu phụ nữ đã từng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để sống và tồn tại. Và trong cuộc trường chinh để được sống một cuộc sống có ý nghĩa, tôi biết mình sẽ phải tiếp tục đương đầu với những khó khăn, thách thức mới. Tất cả là để người thân mình được hạnh phúc. Tình yêu giúp người phụ nữ làm nên điều kỳ diệu của cuộc sống, đặc biệt là tình mẫu tử...

Văn chương đứng ở vị trí nào trong cuộc sống của chị?

Văn chương với tôi là sứ mạng nói thay cho những điều thầm lặng. Có những thứ trong cuộc sống này không giải quyết được bằng pháp luật, chính sách, những quy tắc thông thường của xã hội, những chuẩn mực đạo đức mặc định... nên cần tới văn chương để giãy bày. "Tình và lý". Văn chương là cầu nối để cái "lý" được người hơn và "tình" có ánh sáng của lý trí. Con đường văn chương của tôi bắt đầu từ trái tim đa cảm. Tôi thi vào y khoa vì thương người nghèo, mong làm bác sĩ để người nghèo bớt khổ. Nhưng tôi bị đưa qua học trồng trọt. Tôi học khá, không đến nỗi tệ. Niềm rung cảm từ thực tế cuộc sống thôi thúc tôi cầm bút. Thân phận người nông dân khiến tôi rung cảm, đứng về phía họ, nói thay họ những ước mơ… Hơn lúc nào hết, đất nước cần ngòi bút của những người có tâm. Viết văn, kịch bản, viết báo… hay viết gì đi chăng nữa cũng cần điều đó. 

Đã có lúc nào chị muốn bỏ nghề viết, khi nhiều người vẫn nhận thấy văn chương không phải vui chơi mà là “trời đày”?

Tôi chỉ ngộ ra viết càng lúc càng khó, càng nhọc nhằn nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Cho đến lúc này, trong tôi đầy ắp những dự án, những ý tưởng và tôi phải chạy đua với thời gian để thực hiện nó. Tôi chỉ mong mình được khoẻ và minh mẫn cho đến lúc chết để viết. Và thật hạnh phúc, khi một ngày nào đó, tôi ra đi khi đang ngồi viết... Có nghĩa là tôi làm việc cho đến phút cuối cùng của cuộc đời.

Chị đã vượt qua những trở ngại trong "trường văn trận bút" nói riêng và cuộc sống nói chung như thế nào?

Cần sự dũng cảm. Tôi phải dũng cảm để vượt qua chính mình, vượt qua những định kiến, mặc định của xã hội về chọn lựa cuộc sống riêng của mình. Khi dám đương đầu với cái xấu nhất, biết đâu đó là cơ hội để xuất hiện những nhân tố mới, tốt đẹp hơn. Tôi cũng không có chọn lựa khác là dám đối mặt và trách nhiệm với những việc mình làm. Tôi không có gì phiền trách khi mình là phụ nữ nhưng công bằng nhìn nhận, làm phụ nữ đã khó, phụ nữ viết văn càng khó, khổ nhiều lần. Thật khó cho những người phụ nữ để đi đến tận chân trời mơ ước khi họ tự ràng buộc và tự giới hạn mình với trách nhiệm và bổn phận duy trì mái ấm gia đình. Thiên chức làm mẹ, làm vợ là thiêng liêng nên có được sự hài hoà giữa gia đình và sự nghiệp là bài toán khó.

Bản thân tôi, trên con đường song hành giữa tình yêu và sự nghiệp, tôi đã mài mình đi rất nhiều. Một chút tâm sự: Tôi từng học đạo diễn điện ảnh, cũng máu mê nghề lắm nhưng tôi tỉnh táo nhìn nhận, hoàn cảnh làm mẹ của mình không thuận lợi với nghề đạo diễn. Hơn nữa, bao nhiêu ý đồ sáng tác đang chờ tôi. Nếu dấn thân vào nghề đạo diễn, tôi sẽ từ bỏ nhiều thứ, cả công việc mà tôi đang làm rất hiệu quả, bởi chẳng còn thời gian cho gia đình, cho những quyển sách. Trái tim người mẹ mách bảo tôi phải biết chọn lựa con đường đi thích hợp cho mình. Cho đến lúc này, tôi rất cám ơn các con của tôi. Đó là những đứa bé đa cảm, rất sợ nhìn mẹ buồn, mẹ khóc nên rất ngoan và sớm tự lập. Trước áp lực công việc, thấy tôi lo lắng, bực bội, đứa con gái lên 10 nhìn tôi, dịu dàng hỏi: “Mẹ ơi, con chia sẻ được gì với mẹ”. Tôi đã ôm con, chảy nước mắt, lòng vơi đi biết bao phiền muộn. Nếu không có tình yêu của các con, liệu tôi có làm nên được điều gì?!

Nhà văn, triết gia Ý Umberto Eco từng nói từ rất lâu: "Dưới ánh mặt trời không có gì mới". Chị nghĩ sao về lao động sáng tạo và hành trình tìm cái mới trong văn chương?

Khi tôi bắt đầu tiếp cận với thiền, tôi thú vị với "thiền đi", "thiền nằm", "thiền rửa chén", "thiền hơi thở","thiền..."; có vô số điều trong đời sống cần phải thiền để thấu đáo, làm đến nơi đến chốn một điều gì đó thì lao động sáng tạo với tôi cũng là thiền. Với người cầm bút là "thiền viết". Thật vậy, để viết một cái gì đó là chúng ta phải tìm hiểu, học hỏi, lắng nghe, suy xét, cầu thị, thấu hiểu nội tâm, đắm mình vào những gì chúng ta cần thể hiện. Tôi cũng thường nghĩ nhiều về "cái mới" trong văn chương, rồi ngộ ra chẳng có gì là mới cả. Sẽ có người phản bác tôi vì điều đó. Tôi nghĩ nhà văn có nhiều cách nói, mới hay cũ, truyền thống hay hiện đại, mô-típ quen thuộc hay cách tân thì cốt lõi văn chương vẫn là sự trong sáng, giản dị, truyền cảm. Một tác phẩm làm lay động trái tim con người, làm người ta thức tỉnh, thay đổi hành vi, hướng thiện để thế giới được chữa lành, được tốt đẹp hơn thì tôi nghĩ đó là tác phẩm đích thực. Tôi suốt đời chỉ phấn đấu cho sự giản dị, trong sáng trên trang viết mà thật không dễ...

Nhà văn nữ cần những tố chất gì để có thể bền bỉ với nghề?

Chữ nhẫn.

Tác phẩm mới của chị đang ấp ủ là...?

Là "Khoảng lặng nước mắt" ba tập Bắc, Trung, Nam về những bà mẹ có con hy sinh cho Tổ quốc khắp miền đất nước, là "Sâu thẳm áo dài" - những câu chuyện về phụ nữ Việt Nam gắn với tà áo dài, về "Những bông hoa bất tử" – những cô gái hy sinh khi còn rất trẻ để lại những ước mơ, về "Giá của hoà bình" - những cựu binh Mỹ mà tôi được gặp đã nỗ lực làm nhiều điều để hàn hắn mối quan hệ Việt - Mỹ, để hai dân tộc hiểu nhau sau mất mát, tang thương;  về những bộ tiểu thuyết mà tôi còn mắc nợ... Nhiều quá mà sức người  có hạn, thời gian bị cắt vụn bởi những công việc mưu sinh đời thường. Tôi vùng vẫy, vượt qua chính mình để từng bước hiện thực hoá giấc mơ. Nói ra nhiều mà không làm được cũng thẹn lắm nhưng tôi tự nhủ nói ra để tự hứa với chính mình.


Nhà văn Trầm Hương cùng nhà văn Larry Berman và nhà văn Lely Hayslip thăm tàu Midway, San Diego, California, nước Mỹ tháng 7/2022

Nhà văn Trầm Hương từng tốt nghiệp đại học Nông lâm, làm kỹ sư nông nghiệp trước khi là nhà văn, nhà báo. Chị từng là phóng viên truyền hình Bà Rịa Vũng Tàu, chuyên viên Bảo tàng Phụ nữ, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Chị từng đạt nhiều giải thưởng văn chương uy tín: Giải Sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh, giải Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM, giải Thơ hay báo Văn Nghệ, giải truyện ngắn Văn Nghệ Quân Đội… Một số tác phẩm nổi tiếng của chị: Người đẹp Tây Đô (được chị chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng cùng tên), Trong cơn lốc xoáy, Đêm Sài Gòn không ngủ, Chuyện năm 1968…

VÕ THU HƯƠNG (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Sông Lam.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm