- Truyện
- Chuyện của mắt | Thanh Túy
Chuyện của mắt | Thanh Túy
THANH TÚY
1. – Anh Huy làm chi mà ngồi thẫn thờ ra rứa? Nhớ bạn gái à?
Thằng Tí từ đâu chạy về vồ vập hỏi. Vừa nói nó vừa cười cười ra vẻ như kiểu mọi chuyện trên đời nó đều biết tất. Tí là em của Huy. Nó thua Huy 5 tuổi mà nhìn rất láu cá. Lúc nào nó cũng tranh giành mọi thứ với Huy và tỏ vẻ cụ non lắm. Huy vẫn ngồi lặng thinh không đáp. Bây chừ Huy không có tâm trạng để đấu võ mồm với thằng em mới tí tuổi đầu mà luôn học đòi làm người lớn. Thấy anh Hai vẫn lặng thinh, Tí lại trêu:
- Nói đúng tim đen rồi chớ chi nữa. Nhớ bạn gái cái mặt cứ đờ ra. Chưa đủ lớn mà bày đặt yêu với đương, không chịu học hành chi hết. Ai dà! Kiểu ni làm răng đỗ lớp 10 Quốc học không biết.
Nói xong Tí te cò chạy vào phòng riêng đóng cửa lại không để cho Huy kịp phản ứng. Nó sợ anh trả đũa nên chơi bài chuồn. Nhưng Huy vẫn ngồi thẫn thờ không thèm mở miệng hò hét hay chạy theo rượt đuổi như mọi khi. Ngồi ngoài nhà, Huy vẫn còn nghe tiếng cười khoái chí của nó vọng ra. Hai anh em nó là vậy, cứ oai oái suốt ngày. Chỉ có hôm nào Tí về nhà ngoại chơi, ngày đó căn nhà mới được yên. Bây giờ trong đầu Huy đang bận tâm đến chuyện khác. Nó bận suy nghĩ có nên nói chuyện với mẹ về việc đó không, nhưng lần lữa cả tuần nay nó vẫn chưa dám mở miệng. Sợ mẹ mắng thì ít mà lo mẹ buồn thì nhiều nên nó vẫn im lặng chưa biết quyết định thế nào. Ngồi bần thần mãi, Huy buông tiếng thở dài đứng dậy vào chuẩn bị sách vở cho tiết học chiều.
2.Sân trường ngày đông trở nên vắng lặng. Cái lạnh lẽo, ướt át bên ngoài đã giữ chân mấy đứa học trò tinh nghịch ở yên trong lớp. Với lại, sau kì nghỉ dài vì dịch bệnh, nhà trường cũng khuyến cáo học sinh không được ra sân chơi trong giờ giải lao. Mấy đứa hiếu động thì chọc ghẹo nhau rồi rượt đuổi trong lớp. Mấy đứa nhu mì hơn thì đem truyện tranh ra đọc hoặc thì thầm nhỏ to với bạn cùng bàn. Có đứa gạo học thì đem bài vở ra ôn. Trong đám hỗn loạn đó, Huy vẫn ngồi đờ ra không làm gì. Ý nghĩ nói hay không nói với mẹ vẫn luẩn quẩn trong đầu Huy như chiếc xe chạy lòng vòng vì chưa tìm được điểm đến.
- Ê, tí kiểm tra 15 phút Lí, bạn nhớ bày tớ với nghe – Nhỏ Tường ngồi cạnh bên hích nhẹ vào vai Huy khẽ nói.
Bao bọc – điêu khắc đá granite – Nguyễn Hữu Vẹn.
Tường là bạn cùng bàn với Huy từ hồi đầu năm học đến giờ. Cô bé người nhỏ nhắn có đôi mắt đen láy, to tròn như biết nói trông rất dễ thương. Tường học không giỏi, kém xa Huy nhất là môn Lí nhưng được cái cô đáng yêu vì khiếu nói chuyện khá duyên và sâu sắc.
Không thấy Huy trả lời, Tường lại hích nhẹ vào vai Huy thì thầm:
- Nì, làm chi mà như kẻ mất hồn rứa? Có chuyện chi kể tớ nghe coi?
Đột nhiên Huy thấy cần có người tâm sự để tìm lối thoát, chứ cứ để mãi trong lòng thế này chắc Huy không có tâm trạng nào mà học hành được. Còn hai tuần nữa là thi cuối kì phải giải quyết sớm thôi. Chắc chắn Tường sẽ gỡ rối được cho mình. Bụng nghĩ vậy nên Huy mở lời:
- Tớ hỏi bạn chuyện ni hấy?
- Ừ, nói lẹ đi, sốt ruột quá. Sắp vào học rồi tề.
- Có lẽ mắt tớ có vấn đề. Hơn tuần ni tớ nhìn bảng không rõ lắm. Nó nhòe nhòe. Có cảm giác mắt khô rát rất khó chịu.
- Hèn chi tớ thấy mấy ngày ni bạn chép bài chậm rì à. Lại còn nhìn vở của tớ nữa. Mọi khi chỉ toàn tớ nhìn bạn mà. Thấy là lạ nhưng tớ không nghĩ là mắt bạn không khỏe.
Rồi chưa kịp để Huy phản ứng, cô bạn cạnh bàn tiếp luôn:
- Rứa bạn chưa đi khám à? Răng không đi kiểm tra sớm đi?
- Tớ đang suy nghĩ liệu có nên nói với ba mẹ không?
- Răng bạn lạ rứa? Đau mắt thì cứ nói đau mắt. Mẹ biết đường còn chở đi khám cho kịp thời. Việc chi phải giấu giếm, suy nghĩ cho mệt xác. Đau thì cũng đã đau rồi. Bạn để lì rứa hắn lại đau nhiều hơn.
- Ừ, thì tớ cũng muốn nói nhưng sợ mẹ tớ buồn, ba tớ mắng. Huy tiếp:
- Như thằng Hùng bên lớp 9/1 đó. Chiều qua nghe nó kể mà thảm ghê. Nhìn bảng không thấy, nó phải xin cô giáo lên bàn đầu. Nhưng về nhà không dám kể với mẹ. Mãi đến hai tuần sau không chịu được mới dám nói. Nghe nó nói xong mẹ nó làm một tràng không kịp thở luôn.
Tường tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Rứa mẹ bạn ấy mắng à?
- “Mặc xác mi, tao không biết. Tao đã nói cả trăm lần mà không chịu nghe. Suốt ngày hết tivi đến điện thoại. Chừ hư mắt hư mũi. Nói không nghe chừ lo ráng chịu. Không khám không khiết chi hết. Con với cái, tưởng chuyện sướng hết à!”.
- Rứa chừ nó vẫn chưa được đi đo mắt à?
- Chưa. Mẹ nó rứa, ba nó cũng chửi không kém. Nghe nói nó sẽ rủ thằng Quỳnh cuối tuần đến tiệm mắt kính để đo.
- Rứa tiền mô ra? – Tường tò mò hỏi tiếp.
- Hình như là có con heo đất để dành hôm Tết vẫn chưa dùng đến.
Tường thở dài ra vẻ thông cảm:
- Tội nghiệp thằng Hùng quá hi. Mà ba mẹ nó cũng quá đáng thiệt. Đằng mô cũng lỡ rồi, ai lại bỏ mặc con rứa không biết.
Tường thở dài nói tiếp, tỏ vẻ hiểu biết:
- Mà ba mẹ cậu thì khác. Tớ chắc chắn rứa luôn. Mẹ cậu rất tâm lí. Cậu đừng quá lo lắng, tối ni về nhà tâm sự đi. Chứ để lâu là nguy hiểm. Độ nó tăng lên đó nghe.
Không để Huy trả lời, nhỏ nhanh nhảu kết luận:
- Cứ quyết định rứa đi. Chừ lấy giấy ra chuẩn bị kiểm tra.
3. Cơm tối xong, thằng Tí lẹ làng vào bàn học theo thói quen lệ thường. Nó ngồi ngay ngắn tập trung như học trò trong tiết học có thanh tra dự giờ. Nó lúc nào cũng thế. Bởi vậy mà mẹ Huy ưng ý lắm. Cho dù nó có quậy phá, chọc ghẹo mọi người thế nào cũng được tha bổng không trách phạt vì cái sự rất nghiêm túc khi đã vào giờ học. Nó là chúa đại diện cho những kẻ “giờ nào việc đó”. Nó luôn đứng hạng cao trong bảng danh sách học sinh xuất sắc của trường. Mẹ Huy, bà Tâm, người phụ nữ đẹp nhất nhà luôn lấy nó làm đề tài những khi có khách đến thăm.
Dọn bếp xong, bà Tâm lên nhà nghỉ ngơi. Bà ngạc nhiên khi thấy Huy vẫn còn ngồi đăm chiêu bên bàn khách.
- Răng chưa đi học bài hả con?
Huy đáp giọng buồn buồn:
- Dạ, con đi đây mẹ.
Nói vậy nhưng Huy vẫn không nhúc nhích. Mắt hết nhìn bà Tâm lại nhìn xuống nền nhà. Bà Tâm như chưa nhận thấy sự khác lạ của cậu con trai cả. Bà chăm chú nhìn vào chiếc tivi trước mặt. Thỉnh thoảng mắt lại hóng ra ngõ.
- Chà, ba Huy hôm ni về muộn dữ. Nghe ba điện hơn tiếng nữa mới thấu nơi.
Mắt Huy sáng lên:
- Rứa mẹ hả?
Không đợi bà Tâm trả lời, Huy lấy hết can đảm nói tiếp:
- Mẹ ơi, mấy bữa ni con thấy mắt khô, đau đau lắm mẹ ạ. Lỡ con có bị cận, mẹ có giận không mẹ?
Bà Tâm thoáng sững người rồi hỏi với giọng bình tĩnh:
- Đau lâu chưa con?
- Dạ, cũng lâu lâu. Có lẽ gần hai tuần rồi ạ!
Bà Tâm nhìn thật lâu vào đôi mắt của con trai rồi nhẹ nhàng:
- Sáng mai, mẹ chở con đi gặp bác sĩ. Bây chừ vào học rồi ngủ sớm.
Huy lí nhí “Dạ” và đứng dậy. Nó ngạc nhiên khi thấy mẹ không vặn vẹo hỏi han gì thêm. Mọi khi bà Tâm là người luôn nhắc nhở anh em nó về giờ giấc học hành, xem máy móc để giữ gìn mắt. Huy biết mẹ luôn tự hào với bạn bè khi hai anh em nó đến giờ vẫn không phải đeo kính như nhiều đứa trẻ đồng trang lứa khác. Chắc mẹ buồn lắm, chỉ là mẹ không nói mà thôi. Huy thở dài, đóng cửa phòng lại.
4.Trưa hôm sau, nhân lúc bà Tâm bận lúi húi trong bếp, thằng Tí sang nhà ngoại, Huy chui vào phòng tắm đứng ngắm nghía thật lâu. Cặp kính đen ốp lên gương mặt điển trai vốn có càng làm Huy thêm bảnh bao hơn. Nhưng điều đó không làm Huy thú vị hay hãnh diện tí nào. Huy nghe lòng se sắt, nặng trĩu. Nó đã cố giấu những giọt nước mắt khi nhìn mẹ tái mặt lúc bác sĩ báo nó phải mang cặp kính 3 độ. Trên đường về nhà, Huy không dám nói câu nào. Huy tự hứa từ nay nó sẽ không lờ đi những lời dặn dò của mẹ, sẽ tuân thủ những lời dặn của bác sĩ. Câu nói của mẹ trên đường từ phòng khám về vẫn văng vẳng trong đầu Huy:
- Huy à, ba mẹ sinh con ra, cho con một hình hài đầy đủ, một đôi mắt sáng tinh anh. Những thứ quý giá ấy bây chừ là của con. Chúng phục vụ cho cuộc sống của con. Con phải biết cân bằng giữa học hành và giải trí để giữ gìn cho thân thể luôn khỏe mạnh, cho đôi mắt luôn sáng long lanh. Làm được điều đó là món quà vô giá mà con dành tặng cho ba mẹ và cho chính bản thân con. Con phải ý thức được điều đó. Ba mẹ không thể ở bên cạnh để lo cho con mãi được.
Cuộc đời vẫn còn dài phía trước. Mọi thứ sẽ ổn. Huy sẽ không làm mẹ rơi nước mắt lần nào nữa. Một Huy mới mẻ sẽ bắt đầu từ đây. Nhất định thế! Huy hít thật sâu, bước ra khỏi phòng tắm.
Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 32-33