TIN TỨC

Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-01-18 18:53:19
mail facebook google pos stwis
752 lượt xem

NGUYÊN BÌNH
(Đọc tác phẩm Vọng thiên hà của Hoa Mai)

Từ Bước huyền đêm phiêu linh dưới vòm sao mờ tỏ, em mặc áo cô dâu trong ngày tân hôn làm Người đàn bà cưới nỗi buồn. Rồi hai năm sau hóa thân thành Cát trong sa mạc hoang vu để rồi triệu năm sau mở mắt Vọng thiên hà, đem linh hồn “cây sậy có tư tưởng” phủ dụ nhân gian, dù “hạt bụi” em “mệt nhoài” lăn lóc sau “bao nhiêu năm làm kiếp con người” (TCS).

Tôi không muốn gọi em là thi sĩ như mọi người hằng gọi, mà phong tặng em định nghĩa ấn tượng nhất đính vào ngực trái em huy hiệu “chiến sĩ kiêu hãnh của tự do” (Puskin). Bởi:

 Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày

Tâm hồn xanh dẫu trái tim chi chít sẹo.

(Hoa Mai).

Em kiêu hãnh chẳng cần đớn đau với trái tim thanh tân đã trải qua một lần bị người ta phản bội. Em khẳng định mình là đóa Hoa Mai vàng rượm của mùa xuân tận hiến:

Việc của hạt muối là mặn mà thôi

Việc của Hoa Mai đón xuân rồi cười.

(Dặn),

 

Vâng, tôi hiểu, muối thì cứ mặn mòi từ lòng biển khơi và Hoa Mai trong một sớm mù sương luôn kiêu bạc nở nụ cười, dù trong ánh xuân ngời còn có đôi làn gió buốt. Em vững chải vươn lên như cây lúa trong cánh đồng mẹ thơm nức mùi mạ non, để làm ra hạt gạo cha trắng ngần trong đêm thanh hò hụi nhặt khoan.

Qua rồi thuở làm thơ sầu muộn, thời hoàng kim của những lời thở than lên ngôi, người ta đội vương miện nữ hoàng thơ tình ái cho những câu thơ tuyệt tác trong nỗi tuyệt vọng. Cũng qua rồi những yếu đuối nhi nữ thường tình được tôn vinh qua bao thế hệ thơ lãng mạn.

Em bây giờ bỗng tự thân cựa mình ôm chầm lấy tự do, kiêu hãnh nhún nhảy bài luân vũ hiện đại. Ngôn ngữ thơ em ngậm sữa nhân văn tinh khiết như ngàn lúa trổ đòng, tâm cảm thơ no tròn như hạt gạo, và giọt lệ em bây giờ không rơi xuống từ sự yếu mềm:

Cây lúa đội bùn mới làm ra hạt gạo

Hạt lệ của mình không thể dễ dàng rơi.

(Bớt ngốc).

 

Em bay lên cùng cánh chim trí tuệ để nhận thức thế giới, biểu đạt triết lý tồn sinh bằng thứ ánh sáng nhiệm mầu:

Tiếng vọng trong đất mọc cây gọi chim về làm tổ 

Mỗi tiếng chim giục nở một bông hoa 

Tiếng vọng đáy sông làm sóng ngân nga 

Ru thuyền say ngủ 

 (Tiếng vọng)

 

Chính vì thế, em là phồn sinh, là bản năng, là khởi nguyên của ý thức hạnh phúc lứa đôi. “Định nghĩa yêu” bộc bạch tự nhiên như đá sỏi tồn tại, câu thơ em gần gủi như hơi thở của xác thân. Giọng thơ kiêu hãnh thách đố, ẩn hiện dấu vết hiện sinh “Buồn ơi chào mi” của Francois Sagan, tiệm cận với phong cách hậu hiện đại:

Thèm yêu à, có gì là lạ

Đến đất trời cũng muốn nép bên nhau”.

(Tháng mười một, Sài Gòn lập đông).

 

Tôi từng viết về thơ sex thánh thiện của Trần Hạ Vi trong tác phẩm “Bài luân vũ của giao cảm thi ca”: “Cảm xúc yêu đương đến từ thực tại bản thân được THV tỏ bày bằng cái nhìn thánh thiện, xây dựng nên lâu đài thơ tình độc đáo, rất trẻ thơ và cũng rất đàn bà:” “của em, Trần Hạ Vi”/em chết cứng người/tê tê đầu lưỡi” Và Hoa Mai, đắm đuối trong tình yêu, em thắp lên ngọn đuốc hoan lạc trong thời khắc âm dương giao hoan:

Anh nghiêng xuống vạm vỡ một linh hồn

Em tan chảy lững lờ trong hạnh phúc

Phút thăng hoa giữa đôi bờ nhật thực

Nồng ấm mùi hương khai mở suối ngà

(Cho em được là đàn bà).

 

Tôi bỡ ngỡ về khả năng phân tích cái hữu hình và vô hình, minh triết và nhân văn. Sen và Quỳnh là hai chủ thể vật chất độc lập, hời hợt, tồn tại song song, vô cảm: “Sen cười vui với nắng/ Đâu biết Quỳnh đã tàn”. Thế mà, với “hương” và “gió” thì em rộng lượng cho cả hai hòa quyện phồn thực để sinh tồn: “Còn giọt hương đi muộn /Níu gió mà giao hoan”. (Thắp đuốc dỗ quỳnh).    

Em lắng nghe tiếng vọng tri âm từ trong thinh lặng, nên thơ chảy tràn từ dòng suối mật ngôn của tượng đá:

Thôi về làm tượng đá

Lặng nghe Trăng thì thầm

Cầu hôn thơ bằng sóng

Hoang mộng lời tri âm

(Dột nát)

    

Cho phép tôi nhắc lại câu danh ngôn: “Điều duy nhất có giá trị trong cuộc đời chính là những dấu ấn của tình yêu mà chúng ta đã để lại phía sau khi ra đi.” (Albert Schweitzer). Có vẻ như hụt hẫng đánh mất niềm tin vào tình yêu sau một lẩn bị lừa dối, thơ em trơ gầy:

Ngón tay gầy vun xới những hư ngôn

Run run trên cành cây mùa đông không còn trút lá

Lãng mạn hóa điều xa lạ

Cố tin: Vừng ơi...

Tình yêu sẽ quay về.

(Bào chữa)

 

Càng yêu thương bao nhiêu, người làm thơ càng hụt hẫng cô đơn bấy nhiêu. Em biết “lắng nghe nỗi buồn của con người”:

Xuân cứ chín theo thời gian lạnh lẽo

Kệ ta ngồi ngả mộng phía lao lung

(Xuân quá lửa)

 

Vọng thiên hà là tác phẩm thứ năm của nhà văn - nhà thơ Hoa Mai. Năm 2020, chị xuất bản 2 tập thơ “Bước huyền đêm” và “Người đàn bà cưới nỗi buồn” thu hút sự chú ý của độc giả trên văn đàn. Bước sang năm 2021, HM cho ra đời hai đứa con văn xuôi Người trong giấc mơ (tiểu thuyết) và Duyên (tùy bút), khẳng định sự đa dạng của ngòi bút và niềm đam mê văn chương của nữ thi sĩ duyên dáng này.

Bút lực của Hoa Mai còn rất sung mãn, nhà thơ xinh đẹp vẫn luôn khao khát vươn tới dòng thơ hiện đại, tôi tin rằng, đích đến của Hoa Mai ở tận đỉnh Olimpia, mặc dù nhà thơ muốn tựa vào bình an:

Thôi ghé vào với cỏ

Tìm hoa vàng như nhiên

Học giọt sương cách vỡ

Trên lối về bình yên.

 

Trân trọng giới thiệu với bạn bè bốn phương tác phẩm tuyệt vời này. Vọng thiên hà xứng đáng được xếp trang trọng trên tủ sách thơ của những người yêu thơ, những người bạn văn của nhà thơ Hoa Mai.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm