- Truyện
- Nỗi buồn sương khói – Truyện ngắn của Cao Chiến
Nỗi buồn sương khói – Truyện ngắn của Cao Chiến
“Anh Toàn chết rồi!” Đấy là câu đầu tiên Tuyển nói với tôi khi hai người vừa gặp nhau. Khoảng trước 1990, tôi, anh Toàn, anh Thành, Dũng, vài người nữa, ở cùng với nhau trong một căn hộ tập thể ở Lủ. Lúc ấy còn nằm giường tầng.
Năm sau cơ quan được cấp thêm một số căn ở Nghĩa Đô, phía bên kia Cầu Giấy, mọi người lại lục tục về đấy. Bấy giờ có thêm Tuyển, anh Long, biệt danh Henri Long, tôi cũng không biết vì sao anh Long có biệt danh này, và một người nữa, phải rồi, là Nhẹn, dự vào cuộc chung chạ. Căn hộ khép kín có hai phòng. Tôi, Tuyển, anh Toàn ở phòng lớn, chừng hai chục mét vuông, phòng nhỏ hơn, chừng hơn chục mét, anh Long và Nhẹn ở. Chừng ấy mét vuông, với chừng ấy con người, bếp núc, nồi niêu xoong chảo, tắm giặt, không gian sinh tồn tất tật đều diễn ra trong ấy, nhưng ai cũng cảm thấy thoải mái. Riêng việc không phải nằm giường tầng, người ở trên, xin lỗi, lỡ xả ra chút khí độc thì người ở dưới hít đủ, đã vui hết biết!
Nước máy xả ào ào. Nhớ lại thời gian ở Lủ nhiều người không khỏi rùng mình. Lủ tuyệt đẹp. Những buổi sáng mùa đông đi làm, một bên là sông Tô đen ngòm, một bên là cánh đồng hoa cải vàng rực, cảm xúc nôn nao rất khó tả. Nhưng khổ nhất vẫn là nước. Có nhiều đêm, chưa khuya khoắt lắm, chỉ chừng chín mười giờ, không gian tĩnh lặng, tôi, anh Toàn, anh Thành xách thùng đi lấy nước. Một quãng đường hơn nửa cây số mà lắm khổ ải. Có một cái rãnh thoát nước từ bên cánh đồng vàng qua bên sông đen, nước lớn thì không sao, gặp hôm nước nhỏ, nước đen từ ngoài sông Tô Lịch đổ ngược vào, lỡ tuột xuống cái rãnh thì khốn khổ. Chân cẳng ngứa râm ran. Lấy được thùng nước về, mất nửa thùng cho việc rửa chân.
Anh Toàn tướng người to tê, tiếng cười hào sảng lắm. Cặp mắt có hai con thì một thật một giả. Tóc ngắn, lộ ra vầng trán cao, hơi dô. Anh rất mê đọc sách, vớ được cuốn gì là đọc ngấu nghiến. Nhiều buổi chiều muộn, tôi thấy anh nằm nghiêng, đọc, con mắt bên thật nước ròng ròng.
- Đéo ai đánh đấm như mày để bị móc mất con mắt! - Anh Thành thường châm chọc mỗi khi anh em trà dư tửu hậu.
- Ông hơn đếch gì tôi! - Anh Toàn vừa đáp trả, vừa chỉ bàn chân anh Thành. Chiến trận, anh Thành năm lần bị thương. Bàn chân bị gãy xương lệch qua một bên, chỗ khúc xương chòi ra có hình chữ V. Người khác đi giày theo cỡ còn anh phải đóng riêng.
Anh em đang sống vui vẻ thì đột nhiên một buổi chiều anh Toàn mất tích. Anh Thành bảo tôi, gọng gấp gáp:
- Mày đi với tao!
- Đi đâu?
- Đi, đừng hỏi nhiều! - Anh Thành ra lệnh.
Mãi tới lúc ấy tôi mới biết anh Toàn đã lên đường đi làm thực tập sinh. Hai anh em tôi phóng xe như bay trên đường Láng. Điểm đến là Trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân. Nhưng hai anh em tôi đã đến muộn. Trước đó ít phút, xe đưa anh Toàn và những người khác đã đi rồi. Ngoài cổng trường, chỉ còn lại những vệt bánh xe mờ mờ. Trong buổi chiều tím, nhìn những vệt bánh xe ấy, tự nhiên tôi cảm thấy buồn. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao anh Toàn không cho mọi người biết việc mình đi làm thực tập sinh.
Hơn năm sau anh Toàn về. Nhưng cũng từ lúc ấy, anh bỗng như biến thành một người khác. Nhiều lúc, trà dư tửu hậu, tôi thấy anh trầm ngâm. Tôi rất thèm được nghe lại tiếng cười hào sảng ngày nào của anh. Nhưng hiếm khi lắm. Anh đã biến thành người khác thật rồi!
- Tớ đang nghiên cứu vũ trụ! - Anh bảo mọi người.
- Nó thế nào? - Mọi người hỏi. Nhưng hỏi là để cho có chứ tôi biết chẳng ai quan tâm đến cái vũ trụ đầy hồ nghi của anh. Isaac Newton, Stephen Hawking, Trịnh Xuân Thuận. Thế giới đã đầy kẻ nghiên cứu vũ trụ.
- Chẳng có gì huyền bí, - anh Toàn nói một cách đầy tự tin, - các ông có biết tại sao có nước giàu tài nguyên, nước lại chẳng có gì, nước thì ở xứ nóng quá, lại có nước ở xứ lạnh quá, lại có nước khí hậu quanh năm ôn hòa, các ông không biết nhưng tôi biết, lý do là vì sự mất cân bằng vũ trụ, tôi có nhiệm vụ phải dịch chuyển, sắp xếp lại vũ trụ và của cải thế giới!
Ai nấy há hốc miệng. Cha này điên loạn rồi. Nhưng tôi biết anh Toàn không điên. Chẳng qua suy nghĩ của anh có dị biệt với người khác.
- Gorbachốp sẽ phá tan Liên bang Xô Viết! - Lần khác anh lại bảo.
- Tào lao! - Mọi người ồ lên. Thời gian này, cuốn Perestrôika-Cải tổ - của Gorbachốp đang hot. Anh Thành kiếm được một cuốn, tôi phải năn nỉ mãi anh mới cho mượn. Bảo Gorbachốp phá tan Liên bang Xô Viết thì khác gì bảo quả đất sắp nổ tung bởi vụ Big Bang. Nhưng nhiều năm về sau, khi cái Liên Bang gần gũi kia sụp đổ thì lúc ấy bất chợt tôi lại nhớ cái dự báo dị thường kia của anh Toàn. Những người tôi kể tên trong câu chuyện này, có người đã nghỉ, nhưng đa phần còn làm việc, tôi tin, họ chưa quên những tiên tri điên rồ kia.
- Hãy đợi đấy! - Anh Toàn cười rung con mắt giả. Anh Thành, anh Long, Nhẹn, Tuyển, tôi, đều cười. Nhưng mỗi người cười theo cách riêng của mình. Anh Thành hơ hơ độ lượng. Anh Long tóp tép nghi hoặc. Nhẹn cười ngơ ngơ. Tuyển cười phun nước bọt. Tôi cười lăn lộn. Có lẽ đấy là lần cuối cùng tôi được nghe lại tiếng cười hào sảng của người đàn ông này.
Anh Toàn toàn tâm cho việc nghiên cứu vũ trụ. Anh trở nên trầm lặng. Đọc sách, ghi chép suốt ngày. Tôi không biết anh ghi chép gì. Cơm nước cũng vậy. Tôi chưa thấy ai nấu nướng như anh. Chỉ có cá khô. Hoặc bữa nào sang thì thêm chút thịt. Cơm sôi, vừa se nước, anh bỏ cá vào, để đấy. Luộc rau, ăn luôn. Vừa hết rau thì cơm cá cũng chín. Mở vung, mùi cơm cá quyện vào nhau bốc lên, chua chua, hăng hăng, muốn ói!
Sếp tổ chức là ông Văn Minh. Hẳn có người đã nói gì với ông Minh về anh Toàn. Nhà tổ chức nào cũng thế, rất quan tâm đến con người. Mọi sự bất thường, chỉ như con ruồi bay qua, đều không qua mắt họ. Sự bất thường của anh Toàn làm ông lo lắng. Vài lần ông gặp riêng tôi và anh Thành.
- Phình phường! - Anh Thành nói tếu táo.
- Bình thường! - Tôi nói y như anh Thành. Ăn uống, cũng như lối sống, mỗi người đều có lối riêng của mình. Ép người khác giống mình, có lẽ, còn tệ hại hơn ép duyên.
Nhưng ông Văn Minh không nghĩ thế. Không ít người trong cơ quan cũng không nghĩ thế. Dư luận râm ran anh Toàn hoang tưởng. “Lão ấy bị dính phóng xạ Chernôbưn!”. Không biết ai là kẻ đầu têu tung ra cái tin khủng khiếp này. Anh Toàn có bị hoang tưởng không? Có bị dính phóng xạ Chernôbưn không? Tôi không tin. Chính xác hơn là không muốn tin.
Ông Văn Minh suy tính, có lẽ nên điều anh Toàn đi tăng cường cơ sở. Ý ấy, cũng không biết là tốt hay xấu. Con người ta, mỗi người mỗi cơ địa. Giống như ma trận, có những người bị viêm xoang mạn tính, chọc tới chọc lui kiểu gì cũng không khỏi, nhưng chuyển vùng đi thời gian sau hết bệnh. Nhưng thật không may, người làm việc với ông Văn Minh lại là bạn đồng ngũ của anh Toàn.
- Tăng cường cho chúng tôi à, OK thôi! - Anh ta cười, thoáng chút mỉa mai.
- Ông Toàn được đào tạo căn bản, chắc chắn sẽ giúp được nhiều cho cơ sở! - Ông Văn Minh mừng rỡ.
- Cho tôi hỏi ông một câu nhé? - Người bạn đồng ngũ với anh Toàn vẫn cười.
- Xin mời! - Giọng ông Văn Minh nhã nhặn.
- Anh Toàn là thương binh, sức khỏe tâm lý cũng không được tốt, chẳng lẽ các anh không biết? - Anh ta nói chậm rãi, nhìn xói vào ông Văn Minh, đôi mắt sáng rực.
Ông Văn Minh cúp mặt xuống, lưỡi cứng ngắc.
Anh Thành yêu. Tuyển lấy vợ. Nhẹn có bồ. Henri Long có bồ. Henri có kiểu nhặt thóc rất lạ, không bằng tay, mà bằng đũa. Anh cứ gắp từng hạt, bất kể là thóc hay sạn, mỗi khi gắp được một hạt Henri lại reo khe khẽ, gõ keng keng vào cái nồi nhôm. Sau anh đi Quảng Ninh, tham gia Hội Văn nghệ ở đấy, trở thành một nhà thơ khá có tiếng. Người đi theo vợ, người đi theo bồ, lần lượt rời khỏi căn hộ. Tôi bỏ công chức đi làm báo. Lênh bênh, lúc ở Nam, lúc ở Bắc. Quanh đi quanh lại, còn lại một mình anh Toàn giữ chùa.
Không chỉ riêng căn hộ của chúng tôi mà nhiều căn hộ tập thể khác cũng ở tình trạng tương tự. Lâu lâu, lúc tôi điện thoại, lúc anh Thành, Tuyển điện thoại. Nhưng riêng anh Toàn thì hầu như chả có liên lạc gì. Tuyển nói sau khi mọi người đi hết, anh Toàn chả chơi với ai nữa. Thậm chí cả những người làm cùng cơ quan anh cũng xa lánh. Sức khỏe ngày một tệ. Nhưng vẫn không bỏ việc nghiên cứu vũ trụ. Hàng tháng, người ở cơ quan nhận lương cho anh. Họ cột tiền vào một cái que dài, chọc qua khe cửa.
Nhưng tôi không tin anh Toàn cố chấp đến mức không cho ai vào nhà!
Lần gần đây nhất tôi gặp anh Toàn đã bốn năm. Tôi ở Nam ra, anh Thành, Tuyển rủ đến anh Toàn. Nhà có chai vang, hẳn anh Toàn đã để lâu bởi ngoài vỏ đầy bụi. Mấy anh em ngồi cưa hết chai thì về. Anh Toàn vẫn thế. Lầm lầm lì lì. Nhưng nhìn ánh mắt, tôi biết anh xúc động.
- Anh Toàn đi thế nào? - Tôi hỏi Tuyển.
- Em không biết nhưng có người hàng xóm biết, lúc ấy anh Toàn đã bốc mùi! - Giọng Tuyển nghẹn lại.
“Anh Toàn ơi, cọp chết còn để lại da, anh chết đi để lại gì?” Tôi thầm thì, cảm thấy trong lòng tê buốt. Trước mắt tôi bỗng vụt hiện lên cánh đồng hoa cải vàng rực, con đường với những vệt bánh xe mờ mờ ở Thanh Xuân, đâu đây vẫn còn nghe tiếng nước róc rách chảy qua cái rãnh ở Lủ và tiếng cười hào sảng của người đàn ông có cái trán dô từng một thời có mặt và đã đi qua cuộc đời với mỗi một thứ duy nhất để lại là nỗi buồn!