- Truyện
- Mùa hoa về trên núi
Mùa hoa về trên núi
Đêm nay gã lại say. Say là gã chửi. Đầu tiên, gã chửi vợ. Gã chửi vợ là con đàn bà không biết đẻ, đẻ đến lần thứ ba mà vẫn chỉ ra toàn con gái. Gã muốn vợ đẻ cho gã một đứa con trai để sau này khi gã chết đi còn có đứa cúng ma, nhưng vợ gã đã kiên quyết, nếu cứ bắt đẻ nữa nó sẽ ăn lá ngón mà chết. Đương nhiên gã sợ vợ chết, nếu nó chết thì sẽ không có người đi nương, trồng lúa để đổi lấy rượu cho gã uống. Mà không có rượu để uống thì gã bứt rứt, khó chịu trong người lắm. Mà con vợ, gã có chửi thế nào nó vẫn cứ nằm mà ngủ được chứ, nó ôm đứa con gái út quay lưng vào tường, mặc gã ở gian ngoài cứ chửi.
Chửi vợ chán, gã lại quay sang chửi con Dơ – đứa con gái đầu. Gã đã hứa gả nó cho thằng Dếnh, con trai lão Sử chủ quán bún lòng ngoài trung tâm xã rồi. Thế mà nó nhất quyết không nghe, nó đòi đi học tiếp cấp ba. Con gái thì học làm gì nhiều, học nhiều cái chữ chỉ giỏi về cãi bố, cãi mẹ. Mà con gái sau này cũng đi lấy chồng, rồi cũng thành người nhà người ta thôi. Nhà thằng Dếnh giàu lắm, giàu nhất cái xã này, nhà nó có mấy cái xe máy, quán lại to và đông khách, phải thuê thêm cả người làm nữa. Về làm dâu nhà đấy, Dơ sẽ không phải lo cái ăn cái mặc, sau này còn được làm bà chủ nữa. Mà thằng Dếnh thì thích mê con Dơ rồi. Nó bảo với gã “Bố mà gả con Dơ cho tôi, thì cái quán bún lòng này như nhà của bố, bố muốn ra ăn lúc nào cũng được, muốn uống bao nhiêu thì uống”. Cứ nghĩ đến cảnh con Dơ sẽ làm bà chủ quán đấy, gã được thỏa sức uống rượu mà không phải lo tiền trả, gã thấy ưng cái bụng lắm.
Con Dơ càng lớn càng giống mẹ nó, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, mà nó vẫn đẹp, càng lớn nó càng đẹp. Đôi má phúng phính, làn da trắng hồng, hàm răng như những hạt bắp trên nương, trắng đều tăm tắp. Nửa ngày đi học, nửa ngày còn lại nó theo mẹ đi nương, đi rẫy. Ngày đông rét cắt da thịt hay ngày hè mồ hôi thấm ướt hết áo nó cũng không ngơi tay. Ấy thế nhưng nó vẫn học giỏi, nó học giỏi nhất cái xã vùng biên viễn này, kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vừa rồi nó được giải nhì môn gì gã nghe lạ tai lắm, mà rượu làm gã quên mất rồi. Gã bắt nó nghỉ học ở nhà lấy chồng, vậy nhưng thầy cô vẫn đến nhà động viên vợ chồng gã cho nó học tiếp cấp ba dưới tỉnh.
Mấy hôm đấy gã thấy con vợ lạ quá, nó lại sai con đi mua rượu về cho gã uống, mua lòng lợn cho gã ăn nữa. Mấy ngày liền gã say, say không biết gì. Sau này gã mới biết, vợ gã làm như vậy để mấy ngày đấy con Dơ ra ngoài tỉnh thi vào trường cấp ba dân tộc nội trú. Không, nhất định gã sẽ không cho con Dơ ra tỉnh học tiếp, con Dơ phải ở nhà lấy chồng, lấy thằng Dếnh nhà lão Sử. Nhắc đến chuyện học, gã lại nhớ đến thằng Tủa. Thằng Tủa là phó chủ tịch xã, là người yêu cũ của vợ gã. Gã lại chửi. Gã chửi thằng Tủa, gã chửi con vợ. Chắc trong lòng chúng nó còn nhớ thương nhau lắm. Thằng Tủa giờ đã là phó chủ tịch xã mà.
Ngày đấy, Vàng A Thống - bố gã, giàu lắm, giàu nhất cái xã vùng biên này. Trâu ngựa, gà lợn đếm không xuể, thảo quả thì chất đầy nhà. Cả cái xã này hầu như không có nhà nào không nợ tiền, nợ trâu nhà gã. Bố mẹ gã lại hiếm hoi, cúng mãi, xin mãi tổ tiên cũng chỉ cho mình gã. Mười hai tuổi, những đứa trẻ khác vẫn mặc áo rách, đi chân đất thì gã đã được bố mua cho con xe Win tàu, cứ chiều đến gã lại nhảy lên con Win lượn lờ đến các bản để trêu ghẹo lũ gái mới lớn. Một lần, gã theo chúng bạn vào bản Chiềng chơi. Gã đã gặp Dua - vợ gã bây giờ. Lần đầu tiên gặp Dua, gã đã quyết tâm sẽ bắt bằng dược nó về làm vợ. Lúc ấy gã mười tám tuổi, còn Dua mới mười sáu. Dua đẹp, đẹp rực rỡ như những bông hoa lan rừng mọc trên những thân cây cổ thụ trên đỉnh núi cao. Nhưng Dua đã có người yêu, người yêu của Dua là Tủa. Tủa hơn Dua hai tuổi. Tủa đang theo học cao đẳng dưới xuôi. Dua học giỏi, nhưng vì bố Dua mất sớm, nhà Dua lại nghèo, nên học xong cấp hai, Dua phải ở nhà để giúp mẹ lên rẫy trồng lúa, trồng ngô, nuôi các em. Tủa cũng học giỏi lắm, nhà Tủa cũng nghèo, nhưng bố mẹ Tủa dù có phải bán hết trâu, hết lợn, phải vay nợ tiền nhà gã, cũng quyết tâm cho Tủa đi học tiếp. Ngày Tủa về trường nhập học, Tủa đã thề học xong sẽ xin về xã làm anh cán bộ và sẽ đến nhà xin cưới Dua làm vợ. Dua yêu, Dua tin và Dua chờ đợi Tủa. Tủa yêu Dua. Nhưng Tủa không có tiền. Để có tiền cho Tủa nhập học, bố mẹ Tủa đã phải vay tiền nhà gã, số tiền cũng khá lớn và chưa biết đến bao giờ mới trả được. Mẹ Dua để làm ma cho bố cũng phải vay tiền nhà gã. Nếu tính cả gốc và lãi thì phải gán cả đồi thảo quả và hai nương lúa có khi còn chưa hết nợ. Đã mấy lần bố mẹ gã đến đòi mà mẹ Dua cứ xin khất vụ sau sẽ trả, mấy vụ thảo quả qua rồi mà gốc và lãi vẫn chưa trả được đồng nào.
Gã mê Dua, nên ngày nào gã cũng cắm chân ở bản Chiềng từ sáng đến tối khuya. Gã cấm không cho đứa trai nào được bén mảng trước cổng nhà Dua. Có lần Tủa về, đến nhà Dua, nhưng bị gã chặn ở cổng, dọa đánh, nhưng Tủa không sợ. So với gã thì Tủa to cao hơn hẳn cái đầu. Đứng từ ngoài cổng nhìn vào, thấy Tủa và Dua ngồi bên bếp lửa, vừa thủ thỉ cười nói, chốc chốc lại cấu véo nhau. Máu trong người gã sôi lên, gã sai mấy thằng trai đi cùng về gọi thêm người, đêm ấy gã chờ bằng được Tủa rời nhà Dua. Chờ Tủa đi xa một đoạn, gã và lũ bạn đã đánh Tủa một trận tưởng như Tủa đã về gặp tổ tiên luôn rồi. Gã cấm Tủa không được đến nhà Dua nữa. Dua căm hận gã lắm, đã không biết bao nhêu lần Dua xua đuổi gã, thậm chí Dua đã nói thẳng vào mặt gã, rằng nếu như phải lấy gã thì Dua thà ăn lá ngón mà chết, chứ nhất định không bao giờ làm vợ gã. Dua càng xua đuổi, gã càng muốn phải bắt Dua về làm vợ bằng được.
Trận đòn đêm ấy của gã, vẫn không chia cắt được Dua và Tủa. Gã và Tủa còn đánh nhau mấy trận nữa. Một mặt tấn công Tủa, mặt khác gã gây áp lực để bố mẹ đòi nợ nhà Tủa và Dua. Vì chỉ có duy nhất gã là đứa con trai để sau này còn cúng ma cho nên bố mẹ gã cũng chiều theo ý muốn của con trai. Vừa đến xin hỏi Dua về làm vợ cho gã, lại vừa đòi nợ ráo riết nhà Tủa. Mẹ Dua mặc dù thương con, nhưng không có tiền trả nợ nên đành chấp nhận gả con gái cho gã. Dua khóc, Dua nói mẹ mà ép quá, Dua ăn lá ngón tự tử. Mẹ mới bảo “mày chết rồi, tiền thì vẫn không trả được, nhà nó mà lấy đồi thảo quả và nương lúa thì tao và các em cũng đến chết theo mày thôi. Mà nếu mày đồng ý lấy nó thì bố mẹ nó cũng xóa hết nợ cho nhà mình, mày thương mẹ, thương các em thì ưng cái bụng về làm dâu nhà A Thống đi”. Một bên là Tủa, một bên là mẹ và các em. Lòng Dua như cuộn chỉ rối. Vụ lúa vừa thu hoạch xong, bố mẹ gã cho người đến siết nợ, mẹ Dua khóc, hết lúa rồi mẹ con Dua lấy gì để ăn. Mẹ Tủa cũng tìm gặp Dua “Dua ơi, mày đi lấy chồng đi, đừng chờ thằng Tủa nữa. Nhà thằng A Thống đang đòi nhà tao phải trả nợ, không thì nhà nó đến lấy đồi, lấy nương thôi. Mà thằng Tủa còn phải học sau này về làm cán bộ, mày không chờ được đâu”.
Đám cưới của gã to nhất xã. Bố mẹ gã mổ bò, mổ dê khao ba ngày ba đêm. Đêm ngày thứ ba, tiệc tàn, nhạc tắt. Khi gã đang như con thú say mồi lao vào ngấu nghiến vầy vò Dua thì Tủa được đứa em báo tin vội vã trở về. Tủa đứng trước cổng nhà gã mượn tiếng sáo mà gọi Dua. Nằm trong buồng nghe tiếng sáo gọi của người yêu, lòng Dua tê tái đau buốt, nước mắt lăn dài chảy ướt gối. Còn gã nằm bên cạnh, thỏa mãn ngáy như bò rống. Những ngày sau đấy, Dua như cái bóng lẫm lũi trong nhà gã. Lên nương, vào rừng... Dua lao đầu vào làm, dường như chỉ có làm việc mới làm Dua khuây khỏa, không nghĩ, không nhớ đến Tủa...Mấy đêm sau, đêm nào Tủa cũng ngồi thổi sáo dưới gốc cây sung già ở ngoài cổng nhà A Thống, tiếng sáo não nề, ai oán. Bên trong gian buồng nhỏ, Dua nước mắt ướt đẫm gối. Rồi Tủa cũng không đến tìm Dua nữa. Chỉ có vài lần Tủa và Dua chạm mặt ngoài đường, nhưng lần nào Dua cũng cúi mặt bước nhanh. Giờ đây Dua đã là gái có chồng, là vợ người ta rồi. Cuộc đời Dua giờ đã chôn vùi nơi góc bếp nhà họ Vàng rồi. Dua không cón lý do gì để gặp Tủa nữa.
Dua về làm dâu nhà họ Vàng được mấy năm thì bố mẹ gã cũng lần lượt theo nhau về với tổ tiên. Từ ngày bố mẹ mất, gã như con ngựa bị tuột dây cương, mất phương hướng. Từ bé gã đã bao giờ phải cầm đến cái cuốc, đã bao giờ đặt chân lên nương, ra ruộng đâu. Nhà có bao nhiêu lợn, dê gã còn không biết. Mọi việc trong nhà giờ giao cả cho Dua. Dua thì vẫn vậy, lặng lẽ như cái bóng trong nhà. Nhiều khi gã cũng muốn được như những cặp vợ chồng ở bản Mông này, đến ngày chợ phiên, vợ chồng cùng đèo nhau xuống chợ ăn bát phở, uống rượu ngô, trong hơi men ánh mắt say tình. Nhưng Dua luôn tìm cách để không phải đi cùng gã. Đến cả việc làm vợ gã Dua cũng làm trong nước mắt, mỗi lần gã nằm đè lên bụng Dua, ánh mắt Dua đau đớn nhìn ra ô cửa nhỏ ở góc buồng, qua ánh sáng bàng bạc của đêm trăng hạ huyền, hai hàng nước mắt lặng lẽ rơi. Thấy vợ khóc gã càng điên tiết, hành động càng thô bạo. Chắc nó lại nhớ thằng Tủa đây mà. Thằng Tủa thì có gì hơn gã chứ, thằng Tủa nhiều chữ thì gã có nhiều tiền, tiền thì còn tiêu được chứ cái chữ có giã thành gạo, thành mèn mén mà ăn được đâu. Và gã tìm đến rượu. Ngày nào gã cũng lê la khắp các hàng quán ở phố huyện. Hắn có tiền mà, gã muốn gì chẳng được, chỉ có tình yêu của Dua là gã mãi không bao giờ có được. Tiền tiêu mãi rồi cũng hết. Rồi cứ thế, lần lượt ba đứa con gái ra đời. Hết tiền mua rượu, gã bán ruộng, rồi bán nương. Giờ cả nhà chỉ còn trông vào đám ruộng ở sâu trong núi, năm được mùa thì còn đủ ăn, năm nào mất mùa thì cả nhà ăn mèn mén thay cơm. Sau này Tủa lấy vợ, là giáo viên dạy cấp hai của xã. Tủa lấy vợ rồi, nhưng gã vẫn hậm hực. Mỗi lần rượu say gã lại lôi Tủa ra để chửi, gã chửi thì chỉ có Dua phải nghe. Cũng có mấy lần gặp Tủa ngoài đường, gã kiếm cớ gây sự, nhưng Tủa chỉ nhẹ nhàng “Bỏ rượu đi, suốt ngày say khướt thế này thì làm sao mà lo được cho vợ con”. Chửi chán, chửi mệt, gã lăn ra ngủ.
Gã tỉnh dậy thì trời đã quá trưa. Gã thấy cổ họng khô khốc, bụng đói cồn cào, cố lần ra chỗ gian bếp tìm nước uống. Gã nhìn quanh, căn nhà vắng lặng. Gã mở vung nồi trên bếp, chỉ có ít cơm nếp và ít canh rau cải. Bưng bát cơm nếp chan với canh cải, gã nhai nhệu nhạo. Gã thấy trong lòng trống trải, một cảm giác cô đơn xâm chiếm đầu óc gã. Ăn xong, gã đi quanh nhà. Không thấy vợ và lũ con gái đâu. Gã đi vào gian buồng. Trên chiếc bàn nhỏ kê trong góc, có một tờ giấy, gã cầm lên đọc “ĐƠN LY HÔN”. Dua viết đơn ly hôn với gã. Một cảm giác lo sợ dấy lên trong lòng. Lẽ nào Dua làm thật, Dua đã từng nói với gã, rằng nếu gã cứ uống rượu rồi về chửi vợ con thì Dua sẽ mang các con đi và không bao giờ trở về nữa. Gã vội vàng đi khắp bản tìm vợ, nhưng hỏi ai cũng không biết vợ con gã đi đâu. Dua dẫn các con đi thật rồi
Ngồi trên xe khách, Dua ôm đứa con gái út vào lòng, cô nhìn sang bên cạnh, hai đứa con gái lớn đang chuyện trò rôm rả. Bên ngoài, bầu trời trong và xanh vời vợi, dọc hai bên đường những vạt dã quỳ nở vàng trong nắng báo hiệu mùa đông đang về. Cô khẽ mỉm cười, loài hoa dại này đến là lạ, dù mọc ở những nơi khô cằn khắc nghiệt, không tưới tắm, không chăm sóc nhưng vẫn vươn mình xanh tốt, dâng cho đời những đóa hoa rực rỡ. Cô nhớ lại quãng thời gian gần một năm trước, lần Dua ra ngoài tỉnh thăm đứa em trai út. Khi biết hoàn cảnh của chị gái, hai vợ chồng em trai đã bàn bạc đưa mẹ con cô ra ngoài thành phố, chẳng là vợ chồng em có mở cửa hàng chuyên bán dược liệu Tây bắc, cửa hàng rất đông khách, mà vợ chồng em thì bận công việc trong cơ quan nhà nước, muốn Dua đưa các con ra, vừa giúp em bán hàng, vừa để các cháu có điều kiện học tập tốt hơn, Dua cũng đỡ vất vả. Sau này nếu Dua quen khách và buôn bán tốt thì sẽ giúp chị tách ra buôn bán riêng. Dua đã mất gần một năm suy nghĩ và cân nhắc. Đã động viên, khuyên giải, nhưng gã vẫn chứng nào tật đấy, biết không thể thay đổi được chồng, Dua quyết tâm đưa các con ra đi, đây cũng là cơ hội để cô và các con thay đổi cuộc sống. Phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng cô tin, rồi đây cô và các con sẽ có cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
NGA NGUYỄN