TIN TỨC

Mùa vàng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1066 lượt xem

Tôi thường gọi mùa gặt là mùa vàng. Bởi sắc vàng tràn ngập nơi nơi. Đó là sắc vàng tơ của nắng hè đang buông mình bung tỏa. Điểm giữa thênh thang muôn ngàn sợi nắng là những chiếc nón lá đang mải mê đứng giữa mùa vàng, mồ hôi rơi rơi, bàn tay thoăn thoắt cầm liềm gặt hái. Cánh đồng lúa chín vàng rộm trải dài đến tận triền đê, bãi cỏ, điểm xuyết trên đó vài chiếc máy cắt đang hăng say làm việc trong sự tất bật của mùa màng.

Thả ánh nhìn đến bao la, ta còn thấy trong đáy mắt là sắc vàng óng của từng đụn rơm phơi mình giữa thôn xóm đồng nội, phơi dày đường quê xóm nhỏ. Cả làng quê bừng dậy trong niềm vui thu hoạch, tiếng cười tiếng nói rộn rã khắp chòm xóm. Ta như nghe trong lòng niềm hân hoan kỳ lạ, cố hít hà hương thơm lúa mới, nghe xót xáy thấm dần trong da dẻ, nghe nắng cháy trên từng bàn tay mỏng, vẫn thoăn thoắt với người, hốt từng nạm thóc rơi.

Bỗng chợt nhớ ngày xưa, khi chưa có máy gặt như bây giờ. Ông bà tôi thường dậy từ rất sớm, khi trời còn mờ sương chưa tỏ mặt người, đó là khoảng khắc mát mẻ nhất trong ngày. Ông bà o chú cùng nhau gặt lúa rồi bó lại thành những bó lúa to tròn lẳn. Ba tôi sẽ lấy đòn xóc xóc hai đầu hai bó thật to và gánh trên vai đưa vào sân phơi. Đòn gánh cong ưỡn mình trên bờ vai gầy đen bóng, hai bó lúa rung rinh nhịp nhàng trên từng bước chân đi. Mồ hôi cứ túa ra khắp mặt khắp người, mặn mòi cay cay cả khóe mắt.

Khi bó lúa đưa vào máy tuốt, từng thân rơm sau khi được tuốt hạt sẽ bay lên phấp phới, bụi bay khắp nơi xa xót, nhưng không giấu được niềm vui ngày mùa dâng lên trong đáy mắt những người nông dân ngày ngày tảo tần một nắng hai sương trên đồng khuya hôm sớm. Tôi thích nhất là được nhảy múa bên những cọng rơm vàng, những cọng rơm mà bà sẽ bện thành những chiếc chổi to chổi nhỏ, như bện từ những gian khó bao năm chất chứa về.

Hôm nay máy cắt đã về trên từng thửa ruộng, đã thay cho bao năm ròng cúi mặt cong lưng, chiếc máy ấy vừa cắt vừa tuốt sẵn thành những bao lúa đầy. Những chiếc xe máy đã đợi sẵn sẽ nườm nượp chở lúa về sân phơi, từng hạt ngọc trời tròn căng ưỡn mình trong nắng. Nhưng không khi nào tôi có thể quên được bao mùa nắng rát, bao mùa nồm thổi, hanh hao gió lùa. Bàn tay tảo tần nhịp nhàng lưỡi hái, cho mùa vui rộn rã vang trong lòng. Nắng sẽ cháy trên từng khoảnh ruộng, bàn chân trần rát bỏng mỗi sớm trưa. Và trên mỗi nẻo đường quê, vẫn sẽ còn đâu đó dáng hình những chuyến xe trâu, tre bò, kéo sau mình nó bao bó lúa vàng tươi, dưới bóng tre già vẫn sẽ rì rào bao câu hò mênh mang diệu vợi.

Có thể nói trong cuộc đời của mình, cây lúa được hiến mình đến tận cùng. Từ những hạt thóc chín đẫy nảy mầm sẽ trở thành những cây mạ non xanh ngát. Khi lớn lên hạt vàng trĩu xuống cũng là lúc con người gặt về cơ man nào là thóc, phần thân lá được phơi khô thành rơm. Rơm ủ ấm chuồng trại, rơm đốt trở thành phân xanh. Rơm làm thức ăn cho trâu bò khi giá lạnh. Rơm làm mồi nhen lên bếp lửa quê sớm hôm ấm nồng.

Những hạt ngọc trời khi được gặt về, phơi rộm dưới nắng giòn rồi thổi tách lép. Sau đó sẽ được người nông dân đổ đầy vào bao và cất lên chạn hoặc trong sập gỗ. Đến khi cần thì những bao vàng ấy sẽ được lấy xuống và đem đi xay thành gạo. Hạt thóc chín được xay xát sẽ thành những hạt gạo béo mẩy, trắng tinh, thơm nồng mùi cơm mới. Vỏ trấu được dùng làm chất đốt nơi bếp lò, làm chỗ ủ ấm, làm tổ cho gà mẹ đẻ trứng,... Cám được làm thức ăn cho lợn, bò, gà... Lớp cám trắng tinh sau cùng còn được các chị gái lấy về đắp mặt sạch da.

Ngày xưa người ta xay gạo bằng cối xay gạo. Trong mông lung của trí tưởng tượng, tôi thường nhìn thấy trong chiều nhá nhem tối hoặc bên ánh đèn dầu liu điu, hình bóng người xưa đứng níu hai tay lên cao. Một chân sẽ đặt trên bàn cối còn chân kia đặt vào đuôi cần giã. Mỗi nhịp chân đạp,  đuôi cần giã sẽ lún sâu xuống hố. Đầu chày cũng vì thế mà được nâng lên cao rồi tự rơi xuống cối. Tiếng giã đều đều, những giọt mồ hôi rơi rơi, đầu chày xát mạnh vào gạo, gạo lăn tròn xát hột nọ vào hột kia cho đến khi tróc hết vỏ. Vỏ nát thành cám, những hạt gạo trắng ngần ra, mình mẩy tròn đầy, kiêu hãnh, thơm lành.

Ngày trước, mỗi khi xay gạo xong, các bà các mệ thường bày ra cơ man nào là dần, sàng, rổ, rá. Tôi thường ngồi chăm chú nhìn đôi tay nội tôi sảy đều chiếc sàng nhỏ để lắng nghe tiếng hạt gạo rơi rào rào xuống chiếc dần tre. Những vỏ trấu mỏng được sàng lại riêng, bụi cám bay lên đậu trên tóc bà như nhuộm bạc. Chỉ còn những hạt gạo trắng ngần vừa bước qua một hành trình dài đầy đau đớn nhọc nhằn của đời lúa. Ông tôi thường gọi tên những hạt gạo thơm thảo ấy là những hạt ngọc trời: ngọc quý trời ban.  

Tuổi ấu thơ, chẳng hiểu vì sao tôi thích nhất là được ngồi ngắm bà sàng lúa. Cảm giác ấy như là hành trình đãi cát tìm vàng. Chính là dao có mài mới sắc, gạo có sàng mới ngon. Không phải chỉ là vì tránh trong miếng cơm nhai vội có lẫn những viên sỏi làm mẻ răng. Không hẳn chỉ là vì bát cơm trắng tinh thơm ngát bỗng lại vướng lẫn những hạt trấu khô. Đó như là cảm giác được gột rửa giữa một sớm tinh khôi thanh lành.

Nhưng đứa con trưởng thành, không chỉ từ công sinh thành, còn có công dưỡng dục. Trong công dưỡng dục, khó nhất chính là chỉ ra điểm yếu để sửa tâm, sửa tính, sửa mình. Vậy mới nói, cây cối vươn lên vẫn phải trải qua sự đào thải khốc liệt của tự nhiên. Hạt gạo trắng ngần phải vượt qua giã sàng mấy bận. Một bài văn có thể đẹp đẽ, cần nhất chính là sự gột rửa tinh tế từ “công dưỡng dục” của những bậc tri nhân, tri giao. Mỗi bài văn là một đứa con tinh thần mà mỗi câu văn chính là huyết mạch. Sinh ra nó, bản thân đã vì yêu mà nghĩ nó trọn vẹn, đã thương nó bằng tình thương máu thịt và có phần cuồng luyến. Nhìn ra chỗ khiếm khuyết của nó cũng khó như bảo người mẹ nhìn ra cái xấu của đứa con mình dứt ruột sinh thành.

Bản thân có thể tự mình sửa một câu văn cũng khó như tự mình cắt đi những huyết mạch ban đầu, ấy nên vẫn là nhờ tay người sàng gạo, nhờ trí người biên soạn mà thành. Những tác phẩm được chắp cánh, không chỉ là từ đôi tay người sáng tạo, đó còn là từ tâm trí những văn sĩ tri giao. Sống trên đời, ngọc không giũa không thành đồ đẹp. Một bài văn, cũng như một con người, nếu hoang sơ mà phóng túng, hẳn không thành một “hạt ngọc thơm”.

Tôi lại tưởng như có thể sờ nắn được vết đau của gạo khi bung ra từ chiếc vỏ áo vàng rộm kia. Sự trưởng thành trong đời, nếu không có những lần “lột vỏ kén” liệu có thể tỏa nắng ươm tơ. Bất giác trong tâm thức hiện ra những câu thơ của Bác :

“Gạo đem vào giã bao đau đớn.

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông.

Sống ở trên đời người cũng vậy.

Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Trong mắt tôi lại dàn trải mênh mông sắc vàng của lúa, của nắng, của rơm. Lại nghĩ đến những hạt ngọc trời, để thêm yêu những những hạt ngọc đời!

TRẦN HIỀN

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm