TIN TỨC

“Chia lửa” với chiến dịch Điện Biên Phủ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
166 lượt xem

NGUYỄN MINH NGỌC

Lâu nay, nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết mọi người bị hút vào chiến trường chính trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Âu đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi chiến dịch mở màn từ ngày 13-3 đến 7-5-1954, trải qua 3 đợt tiến công, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống viên tướng chỉ huy Đờ Caxtơri (De Castries), giành toàn thắng trận quyết chiến chiến lược oanh liệt, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Vậy nên, có lẽ rất ít người được biết về một chiến dịch Điện Biên Phủ ở bên ngoài đất nước.

Bấy giờ để nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của quân Pháp và cô lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phân tán lực lượng của đối phương, từ cuối tháng 1-1954, Đại đoàn 308 nhận lệnh mở chiến dịch tiến công vào phòng tuyến địch ở lưu vực sông Nậm Hu, Thượng Lào. Chiến công vang dội của Đại đoàn chủ lực này đã đi vào sử sách. Trong phạm vi bài viết nhỏ, chỉ xin đề cập đến một tiểu đoàn độc lập khác. Đó là Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 101 (danh hiệu Trung đoàn Trần Cao Vân), Đại đoàn 325.

Một ngày đầu tháng 4-2024, tôi có may mắn được hầu chuyện Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Là một người lính của Tiểu đoàn 436 lăn lộn trong khói lửa chiến tranh, ở tuổi 93, song với trí tuệ mẫn tiệp, vị tướng vẫn nhớ như in từng chi tiết của hơn 70 năm trước. Ông kể:

… Cuối năm 1952, từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, Trung đoàn 101 được lệnh hành quân ra vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, vừa củng cố tăng cường khả năng chiến đấu của đơn vị, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ hậu phương khi ta tiến hành chiến dịch ở Tây Bắc. Đêm 19-12-1953, Tiểu đoàn 436 được lệnh tách khỏi đội hình Trung đoàn 101, và mang tên “Chí Long”, trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, nhận nhiệm vụ mới.

Trước lúc lên đường, tiểu đoàn vinh dự được đón nhận thư của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Thư viết tay, có đoạn: “Các đồng chí lần này đi làm nhiệm vụ yêu nước và quốc tế, rất gian khổ, nhưng rất vẻ vang. Phương châm hoạt động là: quân sự và chính trị song song; củng cố và phát triển song song; độc lập hoạt động, tự lực tự cường và tự túc; chiến trường không hạn chế; thời gian không hạn định. Chúc các đồng chí đã đi là chiến thắng, xứng đáng với truyền thống bộ đội Cụ Hồ”. Vì giữ bí mật, nên nội dung thư chỉ được phổ biến hạn chế cho một số ít cán bộ đơn vị. Bấy giờ, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, đặc phái viên của Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) chỉ nói vắn tắt với cán bộ tiểu đoàn, đại ý: Các đồng chí càng tích cực chiến đấu thì càng gần đến ngày gặp đơn vị bạn... Tuy nhiên, “đơn vị bạn” là đơn vị nào thì không ai được biết cả. Nhưng cán bộ, chiến sĩ đều răm rắp chấp hành mệnh lệnh cấp trên.

Giã từ làng Sen, huyện Nam Đàn, quê hương Bác Hồ, cả tiểu đoàn hành quân bộ vào Quảng Bình, cứ luồn rừng đi miết, khi đến Ba Lòng (Quảng Trị) thì xẻ dọc Trường Sơn, tránh đồn bốt địch đóng dày đặc. Ngày đi, đêm nghỉ. Hơn một tháng rưỡi hành quân, mỗi người mang vác 40kg, băng sông, lội suối, trèo đèo. Có 4 ngày, điện đài không bắt được liên lạc với Bộ Tổng tư lệnh, vì cả tiểu đoàn đi lạc vào sườn phía tây đỉnh Ngọc Linh cao hơn 2.000m. Địa hình hiểm trở, khi leo dốc, một tiểu đội trưởng bị trượt chân, 2 quả lựu đạn mỏ vịt đeo bên lưng vướng phải dây rừng, phát nổ, đồng chí ấy hy sinh. Đánh giá về sự kiện này, trong cuốn sách “Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954”, Đại tướng Hoàng Văn Thái viết: “Để tới được Hạ Lào, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 436 đã thực hiện một cuộc hành quân đường dài vô cùng gian khổ, vượt qua miền rừng núi hiểm trở phía tây Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam, Tây Nguyên”.

Đặt chân lên đất nước triệu voi, bộ đội mới ngỡ ngàng biết đích đến của mình. Tuy anh em hãy còn rất mệt mỏi, nhưng đơn vị khẩn trương tổ chức chiến đấu ngay. Với sự giúp đỡ của Ban cán sự quân tình nguyện ở Lào, công tác chuẩn bị hậu cần chiến đấu khá thuận lợi. Từ căn cứ, qua một ngày đêm hành quân băng rừng, đúng 5 giờ sáng ngày 3-2-1954 (nhằm mùng 1 Tết Giáp Ngọ), đơn vị nổ súng tấn công cứ điểm Pui. Bọn địch ngoan cố chống cự, nhưng Tiểu đoàn 436 với khả năng đánh công sự vững chắc, tương đối thành thạo, chỉ sau 30 phút, đơn vị đã diệt gọn cứ điểm quan trọng vòng ngoài, khiến cho địch ở thị xã Mường Mày, tỉnh Áttôpơ, rúng động. Mặc dù quân giải phóng Pathét Lào làm nhiệm vụ bao vây, vẫn chưa tấn công vào thị xã, nhưng đã xuất hiện dấu hiệu địch bị rối loạn, chuẩn bị chạy về Pắc-xế. Buổi chiều cùng ngày, Tiểu đoàn 436 kịp thời tiến công tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch, giải phóng thị xã Mường Mày. Thừa thắng, đơn vị tiếp tục truy kích một bộ phận quân địch rút theo hướng Nha Hớn, chạy về Pạc-xoòng. Đến giữa tháng 2, Tiểu đoàn 436 tiến về cao nguyên Bô-lô-ven. Đơn vị truy kích và tiêu diệt các căn cứ phỉ, các đồn ở Huội Coòng, Tha Teng, Làm Ngam, Bừng Khảm… giải phóng toàn bộ cao nguyên Bô-lô-ven.

Qua 10 ngày chiến đấu, Tiểu đoàn 436 và đại đội 200 tình nguyện cùng quân dân Hạ Lào đã giành được thắng lợi to lớn, loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên địch, giải phóng vùng đất rộng 20.000km2 với 30 vạn dân. Trước việc một địa bàn có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng rơi vào tay liên quân quân kháng chiến, thực dân Pháp buộc phải điều 1 binh đoàn cơ động từ Bắc bộ (Việt Nam), 1 binh đoàn 51 ngụy Lào từ Xê-nô xuống Pắc-xế và Saravan để đối phó. Vô hình trung, đối phương bị sập bẫy của ta giăng ra, buộc chúng phải điều chuyển quân, xé nhỏ lực lượng, thay vì tập trung binh lực cho trận quyết chiến chiến lược.

Với thành tích này, trung tuần tháng 3-1954, Tiểu đoàn 436 được Bộ Tổng tư lệnh gửi thư khen và động viên đơn vị đánh nhanh, đánh mạnh hơn nữa. Đặc biệt, bức điện của Bộ thông báo ta đã đánh “Trần Đình”. Khi biết đó là mật danh của Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ mới hiểu nhiệm vụ chiến đấu thọc sâu của đơn vị mình nhằm phối hợp với chiến trường chính, quan trọng biết nhường nào. Toàn tiểu đoàn cũng được phổ biến thư của Bác Hồ gửi bộ đội trước ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang…”.


Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh và nhà văn Nguyễn Minh Ngọc trong một sự kiện sách.

Cuối tháng 3-1954, từ Hạ Lào, Tiểu đoàn 436 được lệnh hành quân sang đông bắc Campuchia, tấn công diệt cứ điểm Vơn-xai có 1 đại đội thiết giáp bảo vệ, giải phóng thị trấn Vơn-xai trên bờ sông Xê-xan thuộc tỉnh Ra-na-ta-ki-ri. Ngày 1-4-1954, đơn vị diệt 1 tiểu đoàn cơ giới (thiếu) của địch đến tăng viện, ta thu được rất nhiều vũ khí trang bị hiện đại do Mỹ viện trợ còn mới nguyên. Nhờ có vũ khí mới, đơn vị tổ chức thêm 1 trung đội cao xạ 12,7 ly và 1 tiểu đội thông tin vô tuyến điện. Tiểu đoàn được trang bị mạnh bằng chính vũ khí của Mỹ.

Hành quân trên chiến trường Lào và Campuchia, đơn vị băng qua những cánh rừng thưa, có nhiều cây dầu rái và ụ mối. Mùa khô nắng nóng khô cháy cả cỏ cây, có khi đi suốt ngày không hề gặp một khe suối nào còn nước, bộ đội lả người vì khát. Ban ngày trời nắng hầm hập, nhưng về khuya sương lạnh thấu xương. Những ngày chiến đấu trên cao nguyên Bô-lô-ven, bộ đội ngủ giữa rừng, trải lá cây làm chiếu. Sáng thức dậy, anh nào cũng thấy lưng áo thủng lỗ chỗ, hóa ra đêm nằm bị mối cắn. Đến Xiêm-pạng, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 436 phân công Mai Xuân Vĩnh quay lại Hạ Lào, mang thư báo cáo tình hình đơn vị với đồng chí Trần Quý Hai - Chỉ huy trưởng Quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Trung, Hạ Lào lúc bấy giờ.

Từ giữa tháng 4-1954, công tác bảo đảm hậu cần của đơn vị vô cùng gian nan, gặp lúc giáp hạt, không bói đâu ra lương thực để mua. Anh em phải lấy củ nần[1] cạo vỏ, thái nhỏ đem ngâm và luộc đi luộc lại nhiều lần cho bớt ngứa để lót dạ. Tình thế buộc Tiểu đoàn 436 tiến xuống khu vực đồng bằng, gần đường 13, thuộc tỉnh Krachiê (Campuchia), vượt hàng trăm cây số qua vùng Bô Keo, Lumphat, Xê-rê-pốc… để mong giải quyết lương ăn, tiếp tục chiến đấu.

Đến tỉnh Krachiê, đơn vị phục kích đoàn xe chở sĩ quan, binh lính ở Pháp mới qua, từ Sài Gòn lên tăng viện cho Binh đoàn 51 ở Pắc-xế, Pắc-xoòng (Lào). Đoàn xe chở lính Pháp có quân bảo vệ, nên một số chủ hãng gạo ở Sài Gòn lợi dụng bám theo đoàn, chở lương thực và thực phẩm qua Lào để bán. Khi đoàn xe chở lính Pháp bị diệt, ta bắt 35 tù binh. Trong số các xe gạo theo sau, nhiều xe liền quay đầu tháo chạy, số còn lại dạt ra hai bên đường. Trên trời, máy bay địch ập đến ném bom và bắn dọc theo đường 13 vừa xảy ra trận đánh.

Mặc cho máy bay địch quần thảo, bộ đội ta vẫn khẩn trương thu chiến lợi phẩm. Đối với các xe chở gạo và đường sữa của dân, đơn vị đứng ra thương lượng để mua. Là cán bộ hậu cần, đồng chí Mai Xuân Vĩnh ôn tồn giải thích:

- Bà con đừng sợ! Bộ đội tình nguyện Việt Nam không lấy của dân mà xin được mua và trả bằng tiền Đông Dương ngay tại đây.

Chỉ trong chốc lát, mọi người hiểu ngay sự tình. Họ đồng ý và nhanh chóng cho bốc dỡ gạo và hàng hóa xuống bên đường. Ông Vĩnh trao tiền cho bà con để họ kịp chạy khỏi vùng nguy hiểm. Cứ thế, cho đến tối mịt, bộ đội mới chuyển hết số lương thực và thực phẩm vào rừng. Không chỉ có gạo, đơn vị còn mua được nhiều đường sữa cho thương binh, bệnh binh. Nhờ có chủ trương đúng đắn và táo bạo, Tiểu đoàn 436 đã tạo nguồn được một lượng gạo khá lớn, giải quyết được khâu bế tắc dai dẳng, đe dọa làm mất sức chiến đấu của đơn vị.

Càng đánh, càng mạnh, càng trưởng thành, Tiểu đoàn 436 tiếp tục nhận được thư khen của Bộ Tổng tư lệnh, đặc biệt là đón nhận thư khen các đơn vị chiến thắng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 của Bác Hồ.

Trải hơn 200 ngày quân chiến đấu, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, Tiểu đoàn 436 với danh hiệu “Chí Long” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thực hiện triệt để phương châm chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tinh thần tự lực, tự cường, mưu trí và sáng tạo, đơn vị đã nhiều lần tấn công địch với hiệu suất chiến đấu cao. Phối hợp cùng các đơn vị bạn, cùng quân dân Hạ Lào và đông bắc Miên để “chia lửa” với chiến dịch Điên Biên Phủ lịch sử, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, để lại tình cảm tốt đẹp của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng và nhân dân hai nước bạn Lào, Campuchia.

Sau khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái, về nước, Tiểu đoàn 436 trở lại đội hình của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Đồng chí Mai Xuân Vĩnh được bầu là Chiến sĩ thi đua của đơn vị. Cuối năm 1954, ông được bổ nhiệm làm chính trị viên và là bí thư chi bộ đại đội 40 của tiểu đoàn. Tháng 6-1961, người cán bộ của Tiểu đoàn 436 được cử sang Liên Xô học đào tạo sĩ quan chỉ huy Hải quân, từ đó, ông trở thành người lính biển giữ nhiều vị trí khác nhau. Sát cánh cùng Tư lệnh Giáp Văn Cương, trên cương vị là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, ông Mai Xuân Vĩnh trực tiếp chỉ huy tại Sở chỉ huy của Quân chủng Hải quân đặt tại Vùng 4 HQ Cam Ranh, và ông là người đặt tên “CQ-88” cho cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa năm 1988. Những năm tháng ở cương vị Tư lệnh Hải quân, Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh đã cống hiến tất cả tài năng và trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng Quân chủng Hải quân chính quy, từng bước hiện đại. 

Năm 2000, khi ở vào tuổi “xưa nay hiếm” Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh mới được nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng trong cả hai cuộc kháng chiến luôn sôi động trong tâm khảm của vị tướng.

Đầu năm 2017, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (đồng tác giả) cho cụm công trình: “Các giải pháp khoa học công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng cụm công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa…”. Cùng thời gian, ông được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 122, thứ năm 2-5-2024


[1] Củ nần, gần giống với củ ráy, củ môn dại.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đan Thanh - nghệ sĩ kết nối thi ca và hội họa
Với hiểu biết khiêm tốn của một nhà giáo hâm mộ văn học nghệ thuật, tôi được biết thầy giáo - nhà văn Nguyễn Thanh. Thầy Nguyễn Thanh tên thật là Nguyễn Tấn Thành sinh ra tại xã Tân Quới, quận Bình Minh, Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long). Khi làm văn nghệ, thầy Nguyễn Thanh còn dùng những bút danh khác để viết cho nhiều thể loại bài khác nhau : Thanh Huyền, Ngũ Lang, Đan Thanh, Phương Đình, Tương Như, Diễm Thi, Minh Khuê, Minh Văn, Lan Đình, Chàng Văn… Thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm - Cử nhân Văn khoa và đã qua 3 năm chưong trình Cao học Văn chương và Ngoại ngữ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1975).
Xem thêm
Giao hưởng Điện Biên – thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
Chiến thắng Điện Biên là một chiến thắng vĩ đại của chúng ta “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu). Chiến thắng đó làm rạng danh nước Việt trên thế giới. “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thằng bay trên nóc hầm tướng Đờ cát, ngày 12 tháng 5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân : “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó Tố Hữu mới có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Điện Biên còn được các nhà thơ, nhà văn Việt Nam nhắc đến nhiều trong các bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Điện Biên cũng được nhắc đến trong các cuốn sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, nhà báo của ta và phương Tây.
Xem thêm
Nhà thơ lê Đình Hòa chỉ thấy hoa phượng trắng
Bài viết của Lê Thiếu Nhơn về nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa ở Phú Yên
Xem thêm
Lãng tử trong đời, chí thú trong văn
Bài viết về nhà văn Nguyễn Hoàng Thu trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm