- Truyện
- Nặng một chữ thương - Truyện ngắn của Minh Phong
Nặng một chữ thương - Truyện ngắn của Minh Phong
Là biên tập viên một tạp chí văn nghệ ở một tỉnh miền núi, công việc của tôi khá nhàn hạ và có phần tẻ nhạt. Hàng ngày, tôi nhận các bản thảo văn thơ từ email hoặc từ bưu điện chuyển đến tòa soạn rồi đọc và biên tập. Rất hiếm khi có một tác phẩm hay của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi gửi đến. Đa phần là các bản thảo chất lượng thấp, liếc qua đã thấy không thể dùng. Có bài nào kha khá một chút tôi đều gắng biên tập để có thể sử dụng.
Bài vở thường thiếu hụt, nhưng cũng may tạp chí xuất bản mỗi tháng một số nên cuối cùng tòa soạn cũng gom đủ bài để đăng. Thú thật, tạp chí in ra chủ yếu để phát cho hội viên văn nghệ địa phương và một số cơ quan ban ngành trong tỉnh. Các sạp bán báo không còn, nhà sách cũng không nhận vì hiếm người mua. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn tồn tại vì được rót kinh phí. Một tỉnh mà không ra nổi một tờ tạp chí văn nghệ thì còn ra cái gì. Chắc nghĩ thế nên người ta phải cố.
Một buổi chiều ở tòa soạn, khi chỉ còn mình tôi trong phòng thì một ông khách gõ cửa chậm chạp bước vào. Đó là một người đàn ông xấp xỉ tuổi 70, tóc bạc trắng, dáng người khắc khổ, ăn vận lịch sự như một công chức, tay cầm một cái túi nhỏ. Vị khách rụt rè chào tôi rồi cất tiếng:
- Xin lỗi, đây có phải là phòng biên tập…
- Dạ đúng, thưa bác cần gì ạ?
- À, tôi có một tập bản thảo thơ, muốn nhờ các anh xem giúp.
Tôi miễn cưỡng kéo ghế mời ông khách ngồi. Ở tòa soạn lâu lâu vẫn thế, một ông khách đột ngột từ đâu xuất hiện để trực tiếp gửi bản thảo, rồi hỏi han, tâm sự thao thao bất tận về văn chương, thời cuộc… Thật khó lòng dứt ra được để tiếp tục làm việc vì phép lịch sự, vì nguyên tắc phải tôn trọng cộng tác viên, người lớn tuổi. Mà nhiều khi không chừng đó là một cây đa cây đề trong làng văn, tuy hết thời nhưng vẫn còn giữ cái “uy” xưa khiến lớp hậu sinh không thể coi thường.
Khi vị khách mở túi xách lôi ra một tập bản thảo, tôi chủ động lên tiếng:
- Thưa bác, bác có thể gửi bản thảo qua email của tòa soạn thì tiện hơn, đỡ phải mất công đến đây mà tòa soạn cũng thuận tiện khi biên tập và sử dụng ạ.
- Tôi cũng biết thế, nhưng mắt mũi giờ cũng kém anh ạ. Với lại cái món máy tính tôi cũng không thạo, anh thông cảm.
Tôi đón tập bản thảo rồi nói:
- Vậy bác cứ gửi lại đây, có gì tòa soạn sẽ phản hồi sớm. Bác có ghi số điện thoại trên bản thảo thế này là tốt rồi.
- Vâng cảm ơn anh. Anh ạ, cái tập thơ này tôi chọn lọc trong gần 200 bài làm suốt từ thời gian nghỉ hưu đến nay. Sở dĩ tôi không gửi qua bưu điện phần vì sợ thất lạc, phần vì có việc này muốn nhờ các anh giúp cho...
Ông khách run run rút một tờ trong xấp bản thảo, đưa cho tôi rồi tiếp:
- Riêng bài thơ này tôi làm là để tặng đứa cháu gái nhân ngày sinh nhật lên 10 của nó. Cháu học giỏi, chăm ngoan lắm anh ạ. Nó sinh ngày 17/4, nếu được tạp chí đăng vào số sau thì tuyệt quá. Đó sẽ là món quà vô giá đối với cháu và cả nhà. Nên tôi nhờ anh xem trước giúp…
Thật là một tình huống khó nghĩ. Tôi lịch sự cầm tờ giấy, liếc qua bài thơ thấy khó lòng đăng được. Lời lẽ chân tình, mộc mạc nói về tình thương của ông với cháu, nhưng đó không phải là thơ mà chỉ là một bài văn vần. Nhìn vẻ mặt đầy xúc động và chứa chan hy vọng của ông, tôi đành nói tránh: “Thưa bác, cháu chỉ biên tập về văn xuôi, còn phần thơ do một nhà thơ phụ trách, cháu sẽ chuyển cho anh ấy. Có gì tòa soạn sẽ trao đổi sau với bác”.
May quá, ông khách cảm ơn rồi chào ra về. Nhìn dáng gầy gò, lưng hơi còng, bước đi có phần nặng nề, tôi chợt thương cảm và nghĩ giá có thể giúp ông có chút niềm vui. Lật xấp bản thảo để lại, tôi hy vọng sẽ có một vài bài thơ kha khá. Nhưng thật tiếc là không bài nào có thể đăng tạp chí. Biết làm sao được, tôi đành xếp tập bản thảo vào ngăn “Không dùng”.
*
Chừng vài tuần sau, khi tôi đã quên bẵng câu chuyện trên thì ông khách bữa nọ lại xuất hiện. Tôi lịch sự bắt tay ông, thầm trách ông bảo vệ đã dặn kỹ rồi là khách không quen đến tòa soạn thì đừng cho lên phòng, có gì phải điện thoại hỏi trước đã. Nhưng quả thật trong vụ này tôi thấy mình có lỗi. Lẽ ra tôi phải điện thoại báo cho ông biết là tập bản thảo không sử dụng được vì “chưa đạt”, nhưng rồi tôi lại quên.
Vị khách nhấp nhổm trên ghế, bối rối nói: “Tôi biết các anh rất bận, chắc chưa có thì giờ thẩm định tập thơ của tôi. Nhưng thú thật là tôi cũng sốt ruột anh ạ. Nhất là hy vọng bài thơ được đăng dịp sinh nhật đứa cháu nội…”.
Thật là khó nghĩ. Kể ra sau bữa đó tôi gọi điện thoại hoặc nhắn tin sớm cho ông là tập thơ không đạt, sẽ dễ dàng hơn. Đến nước này thì cũng đành phải nói thật: “Thưa bác, bộ phận thẩm định thơ cho biết là bản thảo chưa đạt yêu cầu, mong bác thông cảm”. Vị khách ngước mắt lên rồi cúi xuống rất nhanh. Một thoáng buồn, thất vọng lướt qua nhưng ông vẫn nở một nụ cười lịch thiệp: “Vâng, vâng… tôi cũng cảm thấy thế, thưa anh”.
Thấy ông toan đứng dậy chào ra về, tôi chợt nảy ra một ý và nói: “Thực ra thì không nhất thiết phải in thơ trên tạp chí đâu bác ạ. Nếu có điều kiện, bác có thể in một tập thơ cho riêng mình tại các nhà xuất bản danh giá hẳn hoi”. Vừa nói tôi vừa đứng dậy với tay lấy vài cuốn thơ trên giá sách. Đó là những tập thơ của các tác giả tự bỏ tiền ra in mà tôi thường được “kính biếu”, nhưng thú thật nhiều khi chỉ lật qua không đọc. Tôi đưa vài cuốn thơ cho ông khách, nói tiếp: “Đây, bác có thể tự in một tập thơ như thế này. Bác in chừng vài trăm cuốn, tha hồ ký tặng bạn bè, con cháu mà chẳng cần phải chiều lụy ai”. Ông khách ngạc nhiên cầm mấy tập thơ lật lật nói:
- Hay quá, mình tự xuất bản được hả anh?
- Vâng, bác mốn in bao nhiêu bài, bao nhiêu cuốn cũng được, miễn nộp tiên đủ và nội dung đừng có phản động là được, hi hi… Bác biết không, bây giờ các nhà xuất bản người ta cũng “đói” bản thảo lắm, bác tha hồ lựa chọn.
- Có nhiều tiền lắm không anh?
- Để cháu xem, như mấy cuốn này chắc hết chừng vài chục triệu. Cũng còn tùy độ dày mỏng, số lượng nữa. Bác in chừng 300 cuốn là vừa.
Vị khách mân mê cuốn thơ trên tay ra chiều suy nghĩ rồi hỏi: “Thủ tục thế nào, có khó lắm không anh?”. Tôi cho ông biết là cũng không có gì phức tạp, rồi nhiệt tình nói: “Bây giờ thế này, bác về cho đánh máy lại tập bản thảo rồi gửi meo cho cháu. Địa chỉ meo với số điện thoại của cháu đây. Cháu sẽ liên hệ giúp nhà xuất bản làm các thủ tục cần thiết, khi nào họ gửi bản chi phí thì bác trực tiếp chuyển tiền cho họ. Nếu thuận lợi thì chỉ chừng hai tháng là bác có tập thơ. Bác thích in ở nhà xuất bản nào?”. Ông khách xúc động:
- Cảm ơn anh rất nhiều, không ngờ lại đơn giản và dễ dàng như thế. Vậy tất cả tôi cậy nhờ anh giúp cho nhé. Để tôi xem, có thể in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn như cuốn này được không anh?
- Được ạ, có tiền thì bác tha hồ lựa chọn. Cháu thấy người ta cũng hay bỏ tiền ra in sách ở chỗ đó. Nghe nó có vẻ sang trọng bác nhỉ!
Nhìn ông khách cười rạng rỡ khi cầm lại tập bản thảo và mấy cuốn “thơ mẫu” ra về tôi cũng vui lây, lòng như trút được gánh nặng.
*
Nhưng rồi bẵng đi hơn một tháng không thấy ông gửi bản thảo qua meo hay gọi lại. Thôi kệ, mình có lòng giúp mà họ không còn thấy cần nữa thì thôi, cũng đỡ mất thì giờ. Đúng lúc đang nghĩ thế thì tôi nhận được cuộc gọi với số lạ. Đã định không trả lời nhưng rồi tôi lại bấm máy, vì nghĩ biết đâu người ta shíp hàng gì đó. Giọng một người đàn ông trung niên: “Dạ, có phải anh Long ở tạp chí văn nghệ không ạ? Thưa anh tôi là Hòa, con của ông Minh có nhờ anh in tập thơ, chắc anh còn nhớ. Không biết anh có rảnh không, tôi xin phép trình bày câu chuyện hơi dài dòng một chút…”.
Hòa cho biết anh là một công chức hành chính ở ủy ban phường X, vợ có một tiệm may nhỏ, hai con còn học phổ thông. Ông Minh cha anh là một nhân viên bưu điện đã nghỉ hưu sáu, bảy năm nay. Góa vợ ở với con trai, ông rất thích đọc sách, làm thơ tặng bạn bè, con cháu. Vừa rồi ông có ngỏ lời với Hòa về việc in tập thơ, nhưng anh cứ ậm ờ rồi phản đối làm ông rất buồn. Giọng Hòa nghèn nghẹn trong điện thoại:
- Thực ra thì tôi cũng muốn in thơ cho cụ vui, nhưng có điều này cụ không biết. Đó là thời điểm cụ về hưu, cả nhà có tích lũy được hơn 300 triệu. Nhưng đợt rồi vợ tôi nghe người ta rủ rê hùn hạp làm ăn gì đó, âm thầm mang hết tiền nhà đi đầu tư rồi mất trắng, tiệm may cũng dẹp theo luôn. Vợ chồng lục đục cãi vã. Cả nhà giờ sống lay lắt nhờ vào đồng lương công chức của tôi và lương hưu của cụ. Đã thế dạo này cụ lại phải điều trị huyết áp với tiểu đường cũng tốn kém. Nên anh tính còn hơi sức đâu mà bỏ ra mấy chục triệu lo chuyện in thơ phú. Nhưng khổ nỗi cụ lại không biết chuyện, cứ giục đưa tiền để in thơ mới khổ. Vì thế tôi xin nhờ anh giúp cho, là nói khó thế nào đó để cụ đừng in thơ nữa”.
Buông máy, tôi thấy thương cho gia đình ông Minh và chợt thấy thơ văn nhiều khi cũng thật tầm phào trước cuộc sống. Nghe lời Hòa, tôi tính gọi điện cho ông Minh thông báo rằng thủ tục xét duyệt của các nhà xuất bản dạo này rất căng, bản thảo của ông chắc cũng phải đến cuối năm mới xong được, nên tiền bạc chưa cần gấp gáp gì. Nhưng rồi tôi không gọi vì không muốn nói dối để ông nuôi hy vọng, vả lại cũng không nên can thiệp sâu vào chuyện nhà của người ta.
Cuộc sống cuốn trôi, rồi tôi cũng quên bẵng câu chuyện in thơ kể trên. Khoảng nửa năm sau, khi tôi đang ở tòa soạn thì một vị khách đến liên hệ bảo vệ cơ quan xin gặp. Đó chính chính là Hòa, con ông Minh.
Giọng Hòa trầm lắng: “Tôi đến để nhờ anh làm thủ tục in giúp tập thơ của bố tôi. Cụ đang nằm viện và yếu lắm rồi anh ạ. Cụ không hỏi tập thơ nữa, nhưng tôi biết cụ không quên. Có hôm nhìn cụ tay vừa chuyền thuốc vừa run run cầm cuốn thơ của ai đó, thương đứt ruột. Cả đời cụ sống cần kiệm, ngay thẳng, hết lòng vì công việc, yêu thương con cháu hết mực; cuối đời chỉ ước một niềm vui nhỏ nho là in một tập thơ để làm kỷ niệm, tặng cháu con, bạn bè mà cũng không toại nguyện. Tôi thật có lỗi với cụ quá, bất hiếu quá!”.
Tôi quyết định không hỏi thăm gia đình Hòa đã vượt qua khó khăn chưa, làm sao anh có tiền để in thơ cho bố. Tôi chỉ biết dốc sức để cuốn thơ có thể đến với ông Minh nhanh nhất. Ngày tôi báo tin cho Hòa tập thơ đã in xong, đang trên đường vận chuyển về nhà, cũng là lúc anh nghẹn ngào trong điện thoại: “Không kịp rồi anh ạ. Bố em mới mất trưa nay!”. Tôi lặng người. Vậy là ông Minh đã không kịp nhìn thấy đứa con tinh thần hằng mong ước. Không biết rồi Hòa sẽ xử lý sao với 300 cuốn thơ vừa in của bố.
Tôi đến viếng ông Minh theo địa chỉ ông ghi trên bản thảo. Căn nhà nhỏ trong hẻm có rất nhiều vòng hoa kính viếng. Thật ngạc nhiên, Hòa đón tôi rồi chỉ vào một chồng sách trên bàn nước, xúc động nói: “Anh biết không, cũng may là trước khi cụ nhắm mắt, tôi kịp thông báo với cụ là cuốn thơ sắp in xong. Mặt cụ như sáng bừng lên, rồi cụ cố dặn dò: Con nhớ tặng thơ cho mọi người thay bố! Nên ai đến viếng tôi cũng đều thay mặt cụ tặng một cuốn thơ anh ạ. Chắc cụ vui! Anh vào viếng đi, cụ hay nhắc anh lắm. Tôi chờ anh đến để làm cái lễ hóa thơ cho cụ”.
Khi tôi thắp nhang, Hòa đứng cạnh tay cầm một cuốn thơ, miệng lầm rầm khấn vái. Quay ra trước quan tài, anh cúi lạy nhiều lần, nước mắt chứa chan. Rồi Hòa bật chiếc hộp quẹt gas, ngọn lửa quét vào bìa cuốn sách. Giây lát, tập thơ có tựa “Nặng một chữ thương” bỗng bùng cháy, tàn tro bay lên quấn quýt trước di ảnh người đã khuất, với nụ cười còn đọng trên môi.
(Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số Xuân Ất Tỵ 2025)