TIN TỨC

Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?

Người đăng : vanchuong
Ngày đăng: 2024-10-18 15:23:25
mail facebook google pos stwis
1046 lượt xem

LÊ XUÂN LÂM

Bài đăng Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống:

Cầm Ký họa thơ của Nguyên Hùng trên tay, ấn tượng trước tiên mà tôi nhận được là từ bìa sách đồng hiện một bức tranh đa sắc mầu... với những  là một nửa  hình ảnh các gương mặt văn nhân...  Và giữa đó nổi lên, thật rõ ràng, ba chữ tên gọi tập sách, mà ngay dưới đó là cái ngoặc đơn này: “(81 chân dung văn học)”...
 

 

Hình ảnh bìa sách đậm chất biểu trưng, ẩn dụ chuyển đi từ nơi đó không chỉ là thông điệp tư tưởng của tập Ký họa thơ, mà còn cũng chính từ  bìa sách đó, sức hấp dẫn người đọc đã được tạo ra... Có đến 81 văn nhân đã được ký họa, khiến tôi rất muốn cầm lấy sách để mở ra xem, nhất là những văn nhân mà tôi từng biết; khuyến – động  tôi lật tìm xem những văn nhân mà tôi chưa biết.

Tôi hồi hộp tự hỏi, Nguyên Hùng đã như thế nào, đường nét có thật không; đã Họa ra sao, sắc mầu có giống không; những văn nhân được Nguyên Hùng vẽ bằng Thơ  ấy,  có Thơ  không? Ký họa thơ của Nguyên Hùng, tóm lại là ĐẸP  hay XẤU? Bìa sách càng tạo sức hấp dẫn, gây xung động hồi hộp đối với tôi. Bởi tôi biết, sẽ là rất khó khi vẽ chân dung văn học của văn nhân, nhất là lại vẽ bằng thơ!

1.  Đọc Ký họa thơ, tôi thấy trên tất cả là tình yêu văn chương và tấm lòng quý yêu bạn văn của Nguyên Hùng. Bằng “Lời tác giả”, Nguyên Hùng  chia sẻ: “Đây chưa phải là tập hợp những gương mặt tiêu biểu được chọn, mà chỉ gồm các phác họa về những tác giả thân quen, hoặc những tên tuổi lớn mà tôi được đọc, ít nhiều hiểu về họ và đem lòng quý mến”.

Vâng! Đúng chất giọng chân thành của một nhân cách khiêm nhường rồi! Sau bìa sách, được đọc thêm “Lời tác giả” như trên kia nữa, tôi lại càng thêm đồng cảm hơn... Và, tôi đã xem Ký họa thơ một mạch từ đầu đến cuối... Để khi gấp tập sách lại rồi... tôi lại mở ra xem lại... nhất là những bức chân dung mà bản thân tôi cũng thực sự thích thú... (vui như chính mình đã vẽ được nên nó).

Với  Ký họa thơ, tôi thấy, quả thực Nguyên Hùng không có động cơ, không đặt ra mục đích làm “Chân dung văn học”, như một nhà văn viết chân dung văn nhân, cũng không như một nhà nghiên cứu sử học văn chương làm TUYỂN VĂN.  Tập Ký họa thơ cho tôi thấy, là một nhà thơ, trên tất cả, Nguyên Hùng chỉ muốn bày tỏ sự yêu quý và mê say hứng khởi biểu thị quý yêu riêng mình, bằng cách khắc họa chân dung về những văn nhân mà anh đồng cảm được với tất cả tấm chân tình của anh...

Tuy nhiên, không gian, thời gian và con số những gương mặt, được Nguyên Hùng hướng đến và đồng cảm nhận, là khá sâu rộng, đã cho thấy diện hiểu biết và năng lực ký họa của anh, nhìn từ tầm vóc và giá trị sử lịch (chữ dùng của Bùi Giáng) về nhân diện văn chương...  quả thực là rất không nhỏ hẹp. Tôi và bạn đọc hoàn toàn có thể minh định điều này bằng một thông kê số lượng và phân loại chất lượng văn nhân có mặt trong Ký họa thơ một cách dễ dàng, mau lẹ và đơn giản, đúng không! 

Trong Ký họa thơ“Lá cờ đầu” của thơ ca cách mạng, cũng đồng thời là một nhà lãnh đạo, từng giữ trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng Thường trực), đó là nhà thơ lớn Tố Hữu. Góp mặt trong ký họa của Nguyên Hùng, thời đổi mới xây dựng Kinh tế thị trường, còn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, đó là nhà thơ tài danh Nguyễn Khoa Điềm. Bạn đọc cũng dễ dàng nhận ra những yếu nhân văn chương thế kỷ XX, như Văn Cao, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi...; những gương mặt đã và đang chốt định những vị trí quan trọng như Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Vương Trọng...; những ngôi sao đã tỏa sáng như Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Nguyễn Trọng Tạo..., và đang ngày một sáng lên như Trần Đăng Khoa... hay Nguyễn Phúc Lộc Thành...

Từ đó, tôi thấy cảm hứng “vẽ” chân dung văn nhân của Nguyên Hùng hẳn là đã đến với anh trước hết như một thú chơi Thơ... cứ như người ta chơi chim trời, cá nước vậy mà. Rồi khi tôi biết, có đến con số cả trăm văn nhân đã được Nguyên Hùng phác họa, dù chỉ mới 81 gương mặt được anh chọn vào tập Ký họa thơ để xuất bản kỳ này, thì tôi đã thấy thêm một điều ý nghĩa nữa, là chính Nguyên Hùng, dù vẫn đang vô tư vui thú vẽ chân dung, nhưng quả thực là anh đang phục dựng lịch sử văn chương... Đọc xong sách rồi, tôi không thể không cảm ơn Nguyên Hùng, bởi tôi đã thấy, chẳng những thật sâu nặng và hiếm hoi là tình cảm và đam mê anh dành cho các tên tuổi lớn và bạn bè văn chương mà anh “...đem lòng quý mến...”; mà sẽ còn đó là những giá trị sử lịch văn học mà anh đã xây dựng được.

2. Có đúng thật là thế không thì xin bạn đọc hãy nhìn ngắm  “81 chân dung văn học” kia, để thấy nổi lên hai sắc mầu chính yếu mà Nguyên Hùng đã dùng để ký họa. Đó là thành tựu văn chương và đặc trưng thân phận của văn nhân. Chính là tác phẩm và con người làm nên tác phẩm ấy. Với hai sắc mầu chủ đạo đó, Nguyên Hùng đã đặc tả, khắc họa nên những gương mặt văn nhân thật ĐẸP như tình yêu anh giành cho họ, bằng bút pháp thơ của anh.

Tôi xin dẫn một thí dụ thôi, như về Văn Cao, bức chân dung được Nguyên Hùng vẽ bằng thơ của anh đây:
 

VĂN CAO
 

Trai Hải Phòng trong Một đêm Hà Nội

Hồn mơ màng theo khúc Thiên Thai...

Những bản tình ca như Suối mơ mềm mại

Như khói như sương như ra đời.

 

Cung đàn xưa gọi mời Đàn chim Việt

Cho Làng tôi ríu rít những Ngày mùa

Trường ca Sông Lô thẳng Tiến về Hà Nội

Cùng triệu tim hồng hòa Tiến quân ca.

 

Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

Càng ngẫm càng yêu Khuôn mặt em

Càng thương Những người trên cửa biển

Bạc đầu chờ Mùa xuân đầu tiên.

 

Anh có nghe không những bài ca sống lại

Về Bến xuân hát mãi không thôi?

Tự lúc nào trong âm thầm gác tối

Buồn tàn thu ám vận suốt một đời?

[Những chữ đậm trong bài thơ là tên của những bản nhạc bất hủ, những bài thơ chan chứa tình đời của Văn Cao].
 

Bức Ký họa về Văn Cao của Nguyên Hùng chỉ có 16 câu thơ, nhưng  xem ký họa này, tôi đã thấy hiện rõ một Văn Cao thiên tài âm nhạc, cùng một Văn Cao tài danh thơ rất Văn Cao.

Với mảng mầu âm nhạc, Nguyên Hùng đã đưa vào ký họa 13 nhạc phẩm nổi tiếng từ trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945 như: Buồn tàn thu, Thiên thai, Bến Xuân, Suối mơ, Đàn chim Việt, Trường ca Sông Lô, Làng tôi, Cung đàn xưa, Ngày mai, Tiến quân ca, Tiến về Hà Nội, Ngày mùa  và nhất là nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên. 

Tôi chỉ xin lưu ý bạn đọc, riêng  Mùa xuân đầu tiên, đã đủ khắc họa được một thiên tài âm nhạc Văn Cao. Ca khúc Mùa xuân đầu tiên ra đời trong dịp Tết Bính Thìn 1976 để mừng “kháng chiến đã thành công” (Phạm Tuyên), nước nhà đã Thống nhất; Mùa xuân đầu tiên cũng là tiếng lòng  Văn Cao cất lên sau 20 năm (1955 – 1975) bị buộc phải im lặng... nhưng rồi liền ngay sau đó, nó lại đã bị cấm hát trong suốt 24 năm (1976 – 2000)...

Riêng mảng mầu thơ ca, số lượng hiện diện trong chân dung này chỉ có 7 tác phẩm, bằng phân nửa mảng mầu âm nhạc. Đó là những thi phẩm: Anh có nghe không, Một đêm Hà Nội, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá (tập thơ xuất bản năm 1988), Có lúc, Những người trên cửa biển (trường ca). Tôi chỉ dẫn lại đây một câu thơ trong Ký họa của Nguyên Hùng: “Càng ngẫm càng yêu Khuôn mặt em; và thay vì bình luận câu thơ này của Nguyên Hùng, tôi xin dẫn nguyên văn trọn vẹn bài thơ Khuôn mặt em, mà Văn Cao viết về người vợ yêu thương của mình, bà Nghiêm Thúy Băng... ra đây để chúng ta cùng đọc:

        Khuôn mặt em

Giữa những ngày dài dằng dặc
Chỉ còn khuôn mặt em
Sáng trong và bình lặng

Dù hai đứa chúng ta
Chưa lúc nào sung sướng
Những ngày đau khổ ấy
Khuôn mặt em
Như mảnh trăng những đêm rừng cháy

Trên đường đi
Anh đặt em trên đồng cỏ
Thấy đẹp mãi màu xanh cỏ dại

Trên đường đi
Anh đặt em trên dốc núi
Để tìm lại những đường mềm của núi

Trên đường đi
Khuôn mặt em làm giếng
Để anh tìm lấy đáy ngọc châu
Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng
Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng.

Chân dung thơ khép lại bằng hai câu thơ nhói lòng :

Tự lúc nào trong âm thầm gác tối

Buồn tàn thu ám vận suốt một đời?

Ai đã biết Văn Cao một đời sống trên căn gác hẹp; đã biết  Buồn tàn thu là ca khúc đầu tay nổi tiếng được Văn Cao sáng tác năm 1939 khi mới 16 tuổi; đã biết  thủ phạm bằng việc quản thúc ông suốt 30 năm, từ 1955, khi mới ngoài ba mươi tuổi, cho đến tận ngày ông qua đời năm 1995; thì sẽ biết kẻ đã giết chết thơ ca – nhạc họa của thiên tài Văn Cao là ai;  thì mới biết cái  “... ám vận suốt một đời?”... Văn Cao là gì ?!...

Trên kia, tôi đã có một lưu ý bạn đọc về ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” , là câu thơ thứ 12 của bài thơ ký họa của Nguyên Hùng, nhưng là ghi dấu một sự kiện bi kịch thân phận một đời của Văn Cao. Với sự kiện ấy,  Nguyên Hùng chỉ phác một nét đồng cảm tâm can: Bạc đầu chờ Mùa xuân đầu tiên” thôi,  nhưng đã khiến trào lên biết bao nỗi niềm nhức nhối, bi phẫn khôn nguôi... Ai hôm nay nghe  Mùa xuân đầu tiên  mà không khỏi ngậm ngùi, đắng cay, đau xót... trong tưởng nhớ  hình dáng  Văn Cao ngồi gác tay lên cây đàn số mệnh “...CHỜ...”  Mùa xuân đầu tiên sẽ lại về... đến bạc trắng mái đầu  xanh... mà mùa xuân của  Văn Cao vẫn không trở lại...

Còn chúng ta nay, dù vẫn biết thi lễ trang nghiêm, mắt nhìn cờ Tổ quốc, miệng hát Quốc ca do Văn Cao sáng tác, nhưng phần đông vẫn dè dặt, rón rén... không dám công nhiên thừa nhận, ngay đối với cả những nhạc phẩm đã trở thành những tượng đài âm nhạc vĩ đại, những thi phẩm đã trở thành những dấu mốc đặt nền móng cho một nền thơ ca trữ tình lãng mạn  mà Văn Cao đã để lại… Chỉ khi đã biết như thế về Văn Cao, thì đọc hai câu kết bức tranh của Nguyên Hùng, ta mới thấy câu thơ ký họa kia gợi lên sức liên tưởng về bi kịch thân phận kiệt cùng nghiệt ngã của Văn Cao...

3. Vậy là đã rõ! Cái ấn tượng mà tôi đọc được, trong mỗi Ký họa thơ của Nguyên Hùng về bạn văn của anh, bao giờ cũng không chỉ trước hết là văn tài đóng góp của văn nhân, mà còn đồng thời là cả cái thân phận riêng có của riêng họ nữa. Đó là hai phẩm chất, hai sắc mầu chủ đạo, hai chất liệu chính làm nên diện mạo văn nhân mà Nguyên Hùng thường sử dụng để dựng nên những bức chân dung ĐẸP. Tôi đã dẫn ra đây trường hợp Văn Cao, một gương mặt khó phục hiện nhất, bởi cả văn nghiệp lẫy lừng, cũng như chướng nghiệp bão giông của Văn Cao đều thực sự quá vĩ đại, thực sự quá phi thường. Dừng lâu nhìn ngắm ký họa chân dung Văn Cao là để tôi nói rằng đó là thành công của Nguyên Hùng mà tôi ghi nhận được từ Ký họa thơ của anh.

Thành công đó do đâu? 

Là nhờ thi pháp mà Nguyên Hùng đã đặc dụng, biểu thị ở thủ pháp sắp đặt (Installation Art) lấy ra từ nghệ thuật trưng bày gây ấn tượng tri giác ý niệm của triển lãm và thủ pháp lắp ghép (Montage) lấy ra từ nghệ thuật không gian đa chiều đồng vọng tri nhận ý niệm của điện ảnh.

Cần chứng minh ư? Thì đấy! Ta đã xem và đã thấy thao tác đầu tiên của Nguyên Hùng là chọn lựa những  tác phẩm tiêu biểu của Văn Cao (cái có sẵn) và đưa nó vào câu thơ, vào bài thơ (sắp đặt), để tạo dựng chân dung. Như vậy là Nguyên Hùng đã dùng  thủ pháp của nghệ thuật sắp đặt (Installation Art). Thí dụ, những tên gọi của những tác phẩm của Văn Cao, chính là “cái có sẳn”, và nó vốn đã là những ẩn dụ chuyển tải thông điệp tư tưởng của tác phẩm, được Nguyên Hùng chọn ra, đặt vào Ký họa, chính là để biến nó thành ẩn dụ ý niệm cho bức tranh ngôn ngữ của ký họa của anh.

Tôi dẫn xin làm thí dụ một khổ thơ 4 câu này:

Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

Càng ngẫm càng yêu Khuôn mặt em

Càng thương Những người trên cửa biển

Bạc đầu chờ Mùa xuân đầu tiên.

Đọc 4 câu thơ ký họa kia, bạn cần phải xem lại 3 thi phẩm bước ngoặt và một nhạc phẩm tuyệt tác của Văn Cao, thì mới phần nào hình dung ra được chân dung thiên tài Văn Cao.

Như đọc câu thơ thứ nhất của khổ thơ trên, bạn sẽ phải tự hỏi tại sao Nguyên Hùng lại dùng cả cái tiêu đề của bài thơ đầu tiên của Văn Cao: “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, xuất hiện trên thi đàn năm 1940 khi ông mới 18 tuổi, để làm câu thơ ký họa của mình?  Đây, tôi xin dẫn 4 câu kết của bài thơ này để trợ giúp ý niệm về  cái tình thơ thuở mười tám của Văn Cao:

“Em cạn lời thôi anh dứt nhạc

Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh

Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”

Đọc biết thế, để kế đến bạn sẽ thấy và lại tự hỏi, tại sao liền theo đó Nguyên Hùng có câu thơ ký họa: “Càng ngẫm càng yêu Khuôn mặt em”; là thấy và lại phải tự hỏi, tại sao Nguyên Hùng lại lấy ngay cái tiêu đề bài thơ Khuôn mặt em, để làm ẩn dụ cho câu thơ ký họa của anh. Tôi đã dẫn ra nguyên văn như ở trên bài thơ Khuôn mặt em,  giờ dẫn thêm 4 câu kết của bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, là để bạn có cơ sở hình dung ra Em của Văn Cao thời thanh xuân cũng đúng là, mà cũng không phải chỉ là một Nghiêm Thúy Băng của ông lúc đầu đã điểm bạc.

Đặc biệt những kết nối “càng ngẫm”, “càng yêu”, “càng thương” ... “Những người trên cửa biển” – Một trường ca tiên phong Văn Cao đặt nền móng cho loại hình thơ Trường ca mới với những tài danh như Thu Bồn... đặc biệt là Trần Mạnh Hảo sau này... Tôi đọc câu thứ 4 của khổ thơ: “Bạc đầu chờ Mùa xuân đầu tiên” mà lòng cứ rưng rưng, đau xót, hận trào... tưởng nhớ Văn Cao...

Đấy sắp đặt và nghệ thuật sắp đặt đã được sử dụng hiệu quả, đã tạo ra hiệu ứng nghệ thuật như vậy đấy!

Còn với thủ pháp lắp ghép (Montage) thì sao? Cần chứng minh ư? Thì đó, như trên, là từ 4 câu thơ ký họa, Nguyên Hùng đã liệt kê ra những tiêu đề các tác phẩm của Văn Cao làm chất liệu, chính là Nguyên Hùng đã dựng đối tượng cho độc giả đối thoại bằng độc thoại với bản thân, để qua đó mà nhận thức về Văn Cao; đặc biệt, anh lắp ghép các hình tượng nghệ thuật (có sn), là từ  tác phẩm của Văn Cao, để tạo thành câu thơ ký họa của mình, gây ấn tượng chốt định không gian đa chiều đồng vọng trong liên tưởng thức nhận của độc giả, về quá trình thành tựu của chính Văn Cao.

Bắt đầu là “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, rồi đến “Càng ngẫm càng yêu Khuôn mặt em / Càng thương Những người trên cửa biển / Bạc đầu chờ Mùa xuân đầu tiên”. Mỗi một tác phẩm thơ – nhạc kể trên, đều có không gian và thời gian xuất hiện, gắn với đời sống nghệ thuật và nhân sinh mang tính bước ngoặt thân phận văn chương của Văn Cao, trong bối cảnh văn chương và lịch sử  thời ông sống, nên chính nó khơi dậy cảm hứng thẩm mỹ cho cho độc giả, khi xem Ký họa thơ của Nguyên Hùng.

Tựu trung, giá trị thi pháp mà tôi nhận thấy được từ 81 ký họa thơ của Nguyên Hùng là như vậy. Tôi nói 81 ký họa thơ kia là những Chân dung ĐẸP bởi nó khiến cho tôi hứng thú khi xem; nó giúp tôi thức nhận được thành tựu văn chương và nhân cách thân nhân của văn nhân; nó định vị được văn nhân trên đồ bản văn chương được Nguyên Hùng ký họa.

4. Cần nói cho thật rõ ở đây là không phải bức ký họa thơ nào của Nguyên Hùng cũng tròn đầy sắc đẹp toàn bích cả. Thú chơi mà, có chân dung Nguyên Hùng phác họa đặc tả nét đẹp này, có chân dung anh đặc ta nét đẹp kia, tạo ra bức tranh đa sắc mầu văn chương của một nền văn học – nghệ thuật vẫn đang trên đường phát triển và định hình giá trị.

Tôi xin dẫn ra đây một ký họa thơ” khác, mà ai cũng thích dừng lại trong “cái phòng tranh” của anh để ngắm xem, đó là chân dung Hoàng Cát, (đúng là cát vàng  trong làng văn), người mà Nguyên Hùng xếp thứ tự  “an pha bê”  (ABC)... ngay sau Văn Cao. Bức họa về Hoàng Cát của Nguyên Hùng đây:

HOÀNG CÁT
 

Một chân mất bởi chiến tranh

Một chân còn lại ông Lành bẻ đôi

Tháng giêng dai dẳng nghẹn lời

Cầu Ngôi sao biếc nhưng trời chẳng nghe...

 

Cám ơn mưa nắng vỉa hè

Mùa thu nem chạo, bóng bì, chè tươi...

Tưởng đâu Thanh thản cuối đời

Mà sao khổ nạn Cõi người chưa buông.


                                  19/2/2017 – 19/4/2024

 Tôi xin không nói thêm về cảm nhận của mình khi xem bức chân dung “đời thường” văn nhân Hoàng Cát, mà tôi cũng đồng cảm với rất nhiều thẩm bình của bạn đọc ký họa thơ”. Tôi chỉ muốn kể lại đây cái ấn tượng, là khi xem bức chân dung này, tôi đã tưởng thấy bàn tay cầm ‘cọ’ của Nguyên Hùng run rẩy như thế nào khi ‘vẽ’ ra  chữ “BẺ” trong hai câu thơ: Một chân mất bởi chiến tranh/ Một chân còn lại ông Lành bẻ đôi”,  để đặc tả chướng nghiệp Hoàng Cát mắc phải trong cuộc đời văn nghiệp của ông, mà nguyên nhân gây ra chỉ bởi một thứ công quyền ngẩn ngơ, ấu trĩ...

Dẫn thêm Hoàng Cát, là để tôi xin nói ở đây rằng, điều tôi còn thấy nữa khi xem Ký họa thơ của Nguyên Hùng là sức đọc, là năng lực quảng giao, là sức cảm thức văn chương... của nhà thơ Nguyên Hùng thật đáng kính phục và nể trọng. Phải đọc nhiều, bao quát rộng, hiểu kỹ, cảm sâu... thì mới có thể phác họa được như thế. Ký họa thơ ra đời như ánh lửa đã góp khuyến thức tình yêu văn chương đã có phần ngật - ngà - ngủ -  gật trong sôi động thị trường kim tiền hiện nay...

 Ánh lửa từ Ký họa thơ  ấy tỏa sáng là nhờ đâu, nếu không phải là từ đam mê và năng lực phát sáng của chính tác giả? Đọc Ký họa thơ, cái mà tôi thấy ở đây nữa là tài năng thi pháp thực sự của Nguyên Hùng. Ký họa vẽ bằng thơ kia mà! Về vẻ đẹp này, của những bức chân dung, tôi xin nêu khái quát thêm, rằng Nguyên Hùng đã biết biến các thi phẩm của bạn văn thành những ẩn dụ và định vị chúng trong những bức chân dung, để chuyển hóa chúng thành những thi ảnh, những hình tượng thơ; để chuyển tải đi những thông điệp về dung mạo của văn nhân từ chúng. Không có năng lực, không có đam mê, không có tình yêu văn chương đủ rộng, đủ sâu... đối với văn nhân mà mình yêu quý, thì không thể Ký họa bằng thơ về họ được.

Cần thí dụ thêm ư? 81 chân dung văn học trong Ký họa thơ, tuy sắc mầu đậm nhạt có khác nhau, nhưng thảy đều là 81 thí dụ minh chứng cho một nhận định như thế!

Như Văn Cao, Như Hoàng Cát mà tôi đã chứng dẫn ở trên.

Hay như đây, xin chỉ dẫn hai câu thơ Nguyên Hùng khắc họa một nét chân dung nhà thơ nổi tiếng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Khoa Điềm: “Từ ngày trở lại làm dân/ Thơ nơi Cõi lặng trở trăn phận người”, khiến tôi giật mình khi đọc đến hai chữ  “Cõi lặng” – tên một tập thơ của Nguyễn Khoa Điềm; và lòng bỗng dậy sóng khi liên tưởng so sánh đến sự nghiệp văn chương muôn đời dân sinh và hào quang chính trị chói ngời một thời quan chức của ông. Đấy! Chính cái tên tập thơ, được Nguyên Hùng đem vào đặt trong hai câu thơ kia, đã vụt biến thành ẩn dụ, thành hình tượng thơ gây nổ sức liên tưởng đến đời Dân và đời Quan của tác giả “Trường ca Mặt đường khát vọng”... khi người lại biết “trở trăn phận người”...

Hay như đây nữa, là khi vẽ chân dung  nhà văn Nguyễn Trường, Nguyên Hùng đã dùng những nét màu thật bình dị khiêm nhường, như chính bản thân nhà văn, để phác thảo: “Lặng lẽ viết mà văn đàn báo bão”... “Luận chuyện hôm nay bằng chuyện ngỡ đã xưa” ... để rồi Nguyên Hùng đưa một nhát cọ: ông Đạo Dừa – nhân vật chính trong truyện ngắn  “Khai khẩu”, rút từ tập truyện ngắn cùng tên, ở trang 183,  “tấu trình” lên Tổng thống Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, rằng: “Thua dân thì còn, thắng dân thì mất” để làm nền chốt hạ ký họa bức chân dung, mà ai đã xem cái ký họa này, đều không thể không nhớ đến Nguyễn Trường... Nguyên Hùng như muốn nói to với mọi người, rằng: “Thua dân thì còn, thắng dân thì mất”, là đạo lý cầm bút làm văn của Nguyễn Trường!

5.  Đến đây, xin bày tỏ thêm điều mà tôi trân quý nhất đối với tập Ký họa thơ của Nguyên Hùng, chính là cảm thức luôn xốn xang, xáo động trong tôi, mỗi khi đọc từng trang sách, như đọc từng tấm chân tình mà Nguyên Hùng ký thác, gửi nhờ mỗi bức chân dung chuyển đến bạn bè văn chương và cả bạn đọc của anh...

Nguyên Hùng chỉ “coi ấn phẩm này như một cuốn kỷ yếu nho nhỏ có thể giúp bạn đọc biết thêm hoặc nhắc nhớ tác phẩm của các nhà văn nhà thơ, những người đã có những đóng góp xứng đáng cho nền văn học nước nhà” , với  “... hy vọng rằng, cuốn sách sẽ góp một phần nhỏ trong việc cổ động văn hóa đọc, đặc biệt trong điều kiện sách báo in đang bị lấn át bởi các phương tiện nghe nhìn của thời đại công nghệ số”.

Còn riêng tôi, tôi thấy Ký họa thơ của Nguyên Hùng, như trên tôi đã nói, rằng, sự  ra đời của nó sẽ như ánh lửa, góp khuyến thức dậy, giúp đốt cháy lên... ngọn lửa tình yêu văn chương đã có phần leo lắt, vật vờ, ngật ngủ ... giữa sôi động thị trường kim tiền hiện nay...

Vì thế, xin có hai khuyến nghị:

1. Những bạn văn chương của Nguyên Hùng hãy quảng bá thật rộng rãi tập Ký họa thơ này đến nhiều tầng lớp độc giả, viết và đăng thật nhiều bài giới thiệu tập sách này... Thế là đã như cùng Nguyên Hùng giới thiệu ra diện rộng, chân dung của các văn nhân đương đại. Bởi đã từ lâu, diễn đàn văn chương lý luận phê bình của ta vắng lặng quá, trong khi những vấn đề của nó ngày một chất chứa những vấn nạn thời cuộc, neo giữ, trì níu... ngay cả sự phát triển tự nhiên...

2. Từ ngay sau lần ra mắt bạn đọc này, Nguyên Hùng nên đầu tư thêm sức lực, huy động thêm nguồn lực để mở rộng, khai sâu thêm chiều kích của những bức chân dung, bằng chỉnh sửa gia cường thêm chất thơ để Ký họa thơ thêm thơ hơn. Đồng thời, tôi cũng mong muốn giới văn chương ta nhìn thấy từ Ký họa thơ của Nguyên Hùng như một sáng kiến khởi phát việc xây dựng và thực hiện dự án TUYỂN TẬP CHÂN DUNG VĂN HỌC VIỆT NAM, bằng phương thức “ký họa thơ” rất lý thú và hấp dẫn này, trên quy mô rộng lớn hơn, khoa học hơn, tạo dựng nên những Biên niên kỷ Ký họa văn nhân hữu dụng hơn!...

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm