- Truyện
- Chuyện từ một hoang đồi | Nguyễn Bá Hòa
Chuyện từ một hoang đồi | Nguyễn Bá Hòa
NGUYỄN BÁ HÒA
1.
Không thể quên ngày Tảo xách ba lô đến cái xứ khỉ ho cò gáy này. Nói thế cũng không đúng, nơi đây chẳng có con khỉ con cò nào cả, một hoang đồi không một bóng người bóng thú vắng tanh đến rợn người. Dưới chân đồi, đất khô đến nỗi không một cây cỏ nào sống sót, trên đồi cũng chẳng hơn gì, một màu đất bờn bợt tai tái không có sự sống.
Đó là cảm nhận của chàng sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn về nơi anh đến nhận công tác vào những ngày mùa hè của năm 1976. Từ chốn đô thị phồn hoa, học hành dang dở, trở về quê, rồi nghe lời rủ rê của bạn bè anh xin đi dạy học. Cầm cái Quyết định chữ nhòe nhòe trên tờ giấy ố vàng còn lẫn cả xác rơm rạ, anh lần mò tìm đường đến đây. Nói rõ như vậy để thấy cái cảm nhận của Tảo không hề cường điệu cho thêm phần bi lụy, chỉ là cái nhìn của người phố thị lần đầu đến với một vùng quê xa xôi hẻo lánh.
Thực ra đứng trên đồi nhìn về hướng Đông sẽ thấy một làng nhỏ, Tảo đã ghé qua làng, nơi ấy có dân cư, có trường học, có cả những người quản lý công việc của anh. Nơi ngọn đồi này chỉ là một điểm trường lẻ, chỉ có lèo tèo vài chục đứa học trò cả lớp 6 và lớp 7, chúng sống ngay trên đồi này mà khi ấy anh chưa hề biết. Leo lên đồi, mệt nhoài, ngồi bệt xuống một mô đất, đưa mắt nhìn quanh, bất chợt phát hiện ra phía bên trái chỗ ngồi nhìn theo hướng Tây có một con đường lên đồi thoáng và rộng. Vậy là phải vòng qua bên kia mới có trường học, nơi ấy sẽ có dân làng và dĩ nhiên là có các trò nhỏ nữa. Nghĩ vậy, một chút hứng khởi thoáng qua khiến anh đứng dậy xách ba lô đi tiếp.
Trường là một nhà phên tre mái tôn thấp lè tè, ngăn thành hai phòng học. Phía sau lại có một ngôi nhà nữa, cũng lợp tôn, là phòng làm việc kiêm phòng ở của giáo viên. Khu dân cư sống ở lưng chừng đồi, cách trường độ chừng 1 cây số. Người Tảo gặp đầu tiên là Tứ, vừa là giáo viên vừa là điểm trưởng điểm trường này. Tứ nhìn Tảo ngạc nhiên đến không nói được gì. Khi ấy trên người Tảo là một bộ đồ tây được ủi thẳng thớm, áo bỏ vào trong quần, nịt da bản lớn, đôi giày dù đã lấm tấm bụi vẫn còn sáng bóng. Gương mặt vuông trắng hồng, Tảo không cận nhưng vẫn mang kính trắng, mái tóc hơi dài thỉnh thoảng lòa xòa xuống trán. Một phong cách quen thuộc của thanh niên phố thị thời đó, nhưng lại không giống ai ở làng này, tất nhiên là càng không giống Tứ. Tứ học xong lớp 11, theo cha nhảy núi làm cách mạng, cha hy sinh, Tứ vẫn là anh du kích cho tới ngày giải phóng. Sau 1975 trở về quê rồi xin làm giáo viên. Tứ ăn mặc như anh chàng du kích ngày nào, bộ đồ ka ki sẫm màu đã cũ, chỉ đôi dép cao su là còn mới. Tóc đầu đinh khê nắng, mặt rỗ sạm đen, môi thâm răng vẩu, trông không được bảnh trai lắm!
Tảo nhìn Tứ, bất ngờ với lời khen nhận xét hơi lạ.
- Tôi mê đôi dép cao su của anh, vừa đẹp vừa tiện sử dụng, ước chi...
Tứ nhìn Tảo dò xét, nét mặt hiền lành, thái độ chân thành, có thể cậu ấy nói thật.
- Tôi có dư một đôi, lát nữa cậu lấy mà dùng. Chừ ra sau rửa ráy mặt mũi tay chân, thay bộ đồ khác, chúng ta đi chuyển bàn ghế ở xóm dưới về trường.
Chỉ có hai giáo viên, Tứ dạy tất cả các môn khoa học tự nhiên, Tảo dạy các môn khoa học xã hội cho cả hai lớp 6 và 7. Ngoài việc soạn bài lên lớp, còn phải đến nhà từng học sinh kiểm tra việc học, giúp cha mẹ các em việc nhà việc cửa.
Hai chàng trai trẻ trông bề ngoài khác nhau nhưng do hoàn cảnh họ lại dễ thân nhau. Cả hai chung niềm vui, cùng nỗi buồn, nhưng vui thì ít mà buồn thì nhiều. Lũ học trò nhếch nhác khờ khạo chưa mang lại cho họ một tia hy vọng hoặc ít ra một niềm an ủi nhỏ nhoi nào. Những đêm mưa lạnh, tiếng côn trùng đơn điệu rên rỉ, cô đơn tột cùng, những đêm trăng tỏ, nỗi nhớ quê càng da diết. Đã đôi lần, họ muốn từ bỏ nơi này trở về nhà hoặc đi tìm một công việc khác. Tuổi thanh xuân, sức trẻ và những hoài bão bị bào mòn bởi sự nhàm chán và cô quạnh, sự buồn tẻ mòn mỏi gặm nhấm tâm hồn họ. Chẳng có gì khá hơn ngoài những giấc mơ đêm. Cuộc sống chỉ tồn tại nhờ những bữa cơm tự nấu ghế độn khoai sắn và những tiếng thở dài tồi tệ. Ý thức về cuộc sống mới trong một xã hội mới chưa hình thành, những khó khăn vất vả nhọc nhằn thì cứ lồ lộ đeo bám họ từng ngày.
Một ngày mùa đông mưa to gió lớn, lạnh rét cứa da, nhưng không khiến họ nản lòng bởi hôm nay điểm trường có thêm một giáo viên mới lên chi viện, ông Trưởng ban điều hành đã thông báo như vậy. Tứ và Tảo dọn dẹp phòng ở gọn gàng để đón khách, hai chiếc giường tre kê nối lại gần nhau, để ba người có thể nằm chung mà không cảm thấy chật chội. Họ phân nhau công việc, Tảo xuống làng tìm thêm ít rau củ quả và một chai rượu gạo, Tứ phân chia lại giờ dạy, điều chỉnh gấp thời khóa biểu để áp dụng ngay ngày mai, rồi tranh thủ lo cơm nước.
Rồi... một giáo viên trẻ nữa đã đến hoang đồi, y hệt như ngày Tảo đến đây, mò mẫm tìm đường, hết thở dốc đến thở dài và thất vọng. Điều khiến cả hai bất ngờ, bất ngờ nhưng lại rất vui, bởi đây là một cô giáo. Hoa, cô giáo từ Thanh Hóa vào chi viện, dễ nhìn, dạn dĩ, nhanh nhẹn, hoạt bát, tràn đầy sức sống. Mọi dự định, mọi sắp xếp đều đảo lộn. Cô giáo Hoa đã được bố trí ở nhà của một người dân trong làng, hai chiếc giường tre lại được trả về chỗ cũ, nhưng hai chàng trai đã bớt cô đơn.
Từ ngày cô giáo Hoa về trường, mang theo niềm háo hức được giảng dạy sau khi vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, mang theo ước mơ hoài bão được đóng góp sức mình cho một vùng đất mới, khiến hai chàng trai thay đổi quan niệm sống của mình. Họ nhận ra hoang đồi này rồi sẽ được phủ xanh cây lá, ngôi trường này sẽ thay phên tre mái tôn bởi tường vôi mái ngói, cái nắng không còn oi bức, cái lạnh không còn cứa thịt cứa da nữa. Họ tươi vui hơn, thấy học trò dễ thương hơn và những cuộc trò chuyện ấm áp thân tình hơn.
Nhưng rồi, trong cái chật chội của một khoanh đồi bé nhỏ, họ còn nghe được hơi thở của nhau, huống hồ lời ăn tiếng nói. Trong những tháng mưa dài dằng dặc họ chia cho nhau hơi ấm tình người, sưởi ấm lòng nhau bởi ánh mắt nụ cười và những kỳ vọng. Trong những đêm trăng thanh gió mát họ ngồi bên nhau cùng mơ mộng, cùng nghĩ đến một tình yêu đang ẩn trong loang loáng sắc vàng trăng. Cuộc tình tay ba nở giữa ngày cuối xuân, bay hờ hững như những cánh hoa sưa vàng rơi về phương vô định. Tứ và Tảo đều yêu cô giáo Hoa, nhưng rất khác nhau cách thể hiện. Tứ kín đáo, biết mình biết ta, nên ngại ngùng và giữ kẽ. Trái lại, sự hồ hởi, vồ vập và nhất là cái bề ngoài hào hoa phong nhả của Tảo đã khiến Hoa chú ý, Tứ nghĩ vậy, và đương nhiên khiến Tứ im lặng. Cuộc sống nơi hoang đồi bỗng thi vị khi có thêm hương sắc của tình yêu. Mỗi ngày nơi hoang đồi những tia nắng mặt trời rọi qua phên tre khiến da mặt đám học trò hồng hào hơn, và tất nhiên nụ cười thầy cô giáo cũng roi rói màu vui. Mỗi đêm tiếng côn trùng kêu không còn là nỗi lo âu sợ hãi, không còn là nỗi khắc khoải nhớ quê, hình như chúng đang cất giọng yêu đương tìm nhau trong mờ nhạt trăng khuya. Sự thổn thức có chăng là của ba con người trẻ tuổi đang chờ đợi và hy vọng.
Ngày tháng dài dằng dặc vun vút trôi qua, một năm học nữa đã kết thúc, một buổi sáng đầu hè nhưng rất nhiều sương, Tứ tiễn Tảo và Hoa xuống đồi, những cái ôm thân tình, tay nắm chặt tay bịn rịn và lưu luyến. Không bao giờ Tứ nghĩ rằng đây là lần cuối cùng họ nắm tay nhau.
2.
Hoang đồi đã có sắc xanh của cây lá, ngôi trường đã thêm phòng thêm lớp khang trang rộng thoáng, dân làng đã đông vui hơn, nhưng ở đây không còn ba thầy cô giáo trẻ ngày nào. Tảo và Hoa sau lần xuống đồi năm ấy không bao giờ trở lại nữa, biệt vô âm tín. Tứ trụ lại được một năm học nữa, nỗi buồn Trương Chi khiến Tứ rồi cũng xuống đồi, những bước chân nặng buồn nặng nhớ đưa anh tìm ra phố thị.
Cái xô bồ của phố đã lấn át sự tĩnh lặng vốn có trong Tứ, miếng cơm manh áo đã kéo Tứ luôn thay đổi chỗ làm chỗ ở. Hơn năm năm lăn lộn với công việc tại quê nhà, không nguôi nỗi nhớ hoang đồi, hay đúng hơn không thể quên mối tình câm lặng, Tứ theo bạn vào Sài Gòn lập nghiệp, và nữa, để quên, quên cảnh quên người.
Được nhận vào làm bảo vệ một công ty xuất nhập khẩu, lương cũng tạm đủ sống. Một buổi sáng, như thường lệ, chiếc xe con bốn chỗ màu vàng chanh của ông Phó Tổng giám đốc đi vào cổng, bỗng nhiên dừng lại. Nghĩ rằng chiếc xe bị chết máy, Tứ chạy lại định trợ giúp, ai ngờ...
- Tứ phải không? Mình là Tảo đây, Tảo trên hoang đồi ngày xưa với cậu đó!
Tứ trố mắt nhìn, không tin vào mắt mình, đúng là Tảo, nhưng sao lại là...
Thế là đôi bạn trẻ ngày xưa lại gặp nhau, tâm trạng chỉ có thể là niềm vui khôn tả. Tuy đã là một sếp lớn nhưng Tảo vẫn dễ gần, thân thiện, chân thật có hơi chút lãng tử. Họ kể cho nhau nghe về cuộc sống về công việc. Tảo có bố đi tập kết về, cả nhà chuyển vào Sài Gòn sinh sống vì bố đang giữ trọng trách trong ngành kinh doanh xuất nhập khẩu ở trong ấy. Nghe lời bố, Tảo trở lại giảng đường đại học, tất nhiên là học chuyên ngành kinh tế, ra trường được bố trí về công ty này, rồi chỉ vài năm sau đã lên được chức vụ này. Tứ kiệm lời hơn, thực ra anh cũng chẳng có chuyện gì để dông dài. Tảo không kể về chuyện gia đình, khiến Tứ càng tò mò. Không nhìn Tảo, làm như chợt nhớ ra, giọng Tứ vừa đủ nghe.
- Hoa dạo này ra sao?
Sau vài giây thảng thốt, Tảo đập vai Tứ.
- Tôi hỏi ông câu này mới phải chứ! Vậy là ông không gặp Hoa sao?
- Nghĩa là ông cũng không gặp Hoa?
Họ đổi cách xưng hô nghe thân tình hơn.
- Hôm xuống đồi, tôi đưa Hoa ra ga mua vé tàu về Thanh Hóa, chẳng hiểu sao tôi lại thổ lộ tình cảm của mình, Hoa bật khóc khiến tôi lo lắng, gặng hỏi mãi Hoa mới nói, rằng, Hoa yêu Tứ và xem tôi như một người bạn, nhưng Tứ không hề để ý đến Hoa. Khi ấy tôi buồn lắm, lặng im suốt thời gian chờ tàu, trước khi lên tàu Hoa có hẹn sẽ gặp nhau trên hoang đồi sau kỳ nghỉ hè, còn muốn tôi phải giữ bí mật, nếu không sẽ không coi tôi là bạn nữa.
Tứ nghe không sót lời nào, đôi mắt cay cay, trái tim như thắt lại, tự nhiên buột miệng thốt lên những lời như than thở lẫn nuối tiếc.
- Nhưng cô ấy không về trường nữa như lời đã hẹn, cả ông nữa!
- Chắc cũng vì chuyện ấy nên tôi dễ dàng nghe lời bố đi học tiếp, còn Hoa sao lại không về trường!
Tứ đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt, mắt buồn rười rượi.
- Tôi đợi các bạn đúng một năm học, rồi cũng bỏ trường bỏ lớp ra đi.
Tảo không thể hiểu được nỗi lòng của Tứ, một lẽ là Tứ khá kín đáo, một lẽ do sự xởi lởi vô tư của Tảo.
Đôi bạn tuy ở hai vị trí khác nhau nhưng họ vẫn thường xuyên gặp nhau, lúc tại nhà của Tảo, lúc ở quán cà phê, lúc cùng nhau đi nhà hàng ăn uống. Họ ôn lại kỷ niệm xưa, chuyện nắng gió ở hoang đồi, chuyện học trò lem luốc mang khoai sắn đến cho...
Bỗng một ngày có tin Tảo bị bắt về tội làm thất thoát công quỹ. Cả công ty xôn xao, nhiều thông tin trái chiều, kẻ bảo Tảo ăn chơi nên lâm thế, người bảo Tảo bị cấp trên đánh bẫy vì tranh giành quyền lực, kẻ bảo còn trẻ mà làm lớn nên trên ghét dưới không ưa, có kẻ còn bảo họ ghét cha nên đánh con... Vốn yêu quý bạn, những lời không đầu không đuôi, vô thưởng vô phạt đó vô tình như những nhát dao đâm vào tim mình, Tứ bỏ việc.
Vì sao Tảo bị bắt thì Tứ không biết, nhưng Tảo bị kết án 10 năm tù là có thật, thông tin đại chúng đưa tin, đêm ấy một mình nơi căn phòng trọ Tứ đã uống say mềm, trong cơn say Tứ réo gọi những người thân yêu nhất.
- Hoa ơi...! Tảo ơi...! Hoang đồi ngày xưa ơi...!
3.
Đã hai lần Tứ đến thăm Tảo, nhưng lần thứ ba thì Tảo từ chối không tiếp, sau này Tứ mới biết, khi bố mất, vợ con Tảo cũng bỏ đi luôn, nỗi đau mất những người thân yêu nhất khiến anh đau khổ đến tột độ, rồi cắt đứt các quan hệ, như một cách ứng xử của người không còn niềm tin vào cuộc sống.
Tứ về quê chịu tang mẹ. Anh tìm thăm trường cũ, đường lên đồi rợp bóng cây, nhìn từ xa một ngôi trường hai tầng sơn trắng thấp thoáng trong màu xanh lá. Nhìn hoang đồi, anh vẫn cứ gọi nó là hoang đồi, một cảm giác nhoi nhói trong tim, ăm ắp nỗi niềm. Sự đổi thay của quê hương không làm anh bất ngờ, điều không thể lại xảy ra, khi anh bỏ trường đi thì Hoa lại về trường sau một năm học thêm gì đó. Công tác hai năm, Hoa được chuyển về dưới vùng xuôi, nhưng rồi cũng không bám nghề thêm được bao lâu nữa. Nỗi buồn tưởng vu vơ cứ đậm dần sánh đặc đến không thở nỗi. Lần này Tứ quyết định sẽ ở lại quê, phụ giúp vợ chồng đứa em trai công việc buôn bán và chăm sóc vườn cây trái mẹ để lại.
Một hôm đứa em bất chợt hỏi.
- Anh đã gặp cô giáo Hoa chưa, ngày anh đi cô ấy có đến nhà tìm anh, nghe cô ấy nói cô sẽ tìm anh bằng được để trao gởi một cái gì đó.
Lại một hôm, khi gặp chú Ba, người cùng Tứ làm chung trong một đội sản xuất gạch, chú cũng nói có một cô gái đến tìm, và chú đã bảo Tứ vào miền Nam tìm việc. Tứ tự trách mình vội vàng bỏ trường quá sớm rồi lại tự an ủi mình bằng hai chữ “số phận”. Không cam chịu cái phận số hẩm hiu của mình, một sáng mùa xuân, những tia nắng hồng rực rỡ đan dệt thành những tấm lụa hồng vắt qua vòm cây lá, trong vườn tiếng chim ríu rít, Tứ ngước nhìn bầu trời trong vắt, lững thững đến từng gốc bưởi gốc cam vườn nhà, nói lời giã biệt. Tứ lại vào Nam mang theo chút hy vọng mong manh sẽ gặp được Hoa ở đó.
Hơn 10 năm, lần trở lại này khiến Tứ có chút ngỡ ngàng, không vì đường phố tấp nập người xe hay nhà cao tầng mọc lên như nấm, Sài Gòn bao giờ chẳng thế, là cái tình sâu nghĩa nặng đã lâu rồi chìm lỉm đâu đó tự nhiên trỗi dậy xốn xang làm sao. Ngang qua những đường phố quen, những khu nhà trọ cũ, ký ức nhắc lại chuyện xưa khiến ngùi ngụi buồn vui. Cái quán nước trước công ty cũ, nơi Tứ và Tảo lần đầu trò chuyện sau nhiều năm xa cách vẫn còn nguyên đấy nhưng bạn thì đã xa rồi. Cây xà cừ trước cổng công ty lớn quá, che mát cả một khoảng sân, nơi cổng ấy biết còn ai quen lạ. Những vòng xe rạo rực, những bước chân bồi hồi dẫn Tứ đến trước ngôi nhà nằm trên con đường rợp mát bóng cây, cổng nhà phủ đầy hoa giấy đỏ, ngôi nhà của Tảo ngày xưa.
- Ông tìm ai?
- Đây phải nhà anh Tảo không ạ!
- Ngày xưa là nhà ông Tảo, bây giờ là nhà tôi. Muốn tìm ông Tảo phải đến các chùa, nghe đâu ông ấy đi tu rồi!
Cánh cổng khép lại lạnh lùng vô cảm. Đôi mắt hoa lên, ngôi nhà chòng chành, hàng cây chòng chành, Tứ vịn vào gốc cây gần nhất, trân người cho khỏi quỵ ngã. Ngay lúc ấy, ai đó gọi đúng tên mình, Tứ gắng gượng lắng nghe.
- Anh Tứ, là Hoa đây, biết thế nào anh cũng tìm đến nhà anh Tảo nên ngày nào em cũng đợi anh ở đây!
Lẽ ra Tứ phải mừng vui khi gặp lại Hoa, mục đích của chuyến vào Nam lần này mà, nhưng sao trong anh chỉ là nỗi đớn đau tuyệt vọng.
- Để làm gì?
Hình như Hoa cũng vậy, cuộc hội ngộ lần này không còn là chuyện riêng tư của hai người yêu nhau nữa.
- Để cùng nhau đi tìm anh Tảo! Rồi chúng ta sẽ tìm được Tảo thôi, như chúng ta đã tìm thấy nhau.
Tứ và Hoa cầm tay nhau đi dưới bóng cây râm mát, con đường trong khu phố mới này vắng xe vắng người, thi thoảng những chiếc lá rơi, rơi rất khẽ, những cánh cổng khép kín im lìm, hình như để lắng nghe họ nói những điều thầm kín nhất.
- Tìm được Tảo chúng ta sẽ làm gì?
- Chúng ta lại chung sống với nhau như những ngày ở hoang đồi!
- Nhưng hoang đồi bây giờ khác xưa rồi.
- Mình tạo một hoang đồi mới, có thể ngay thành phố này hay ở một vùng quê nào đó, chỉ có ba chúng ta thôi!
- Anh sẽ về quê gả bán mảnh vườn.
- Em cũng đã có một số tiền bố mẹ cho khi vào Nam lập nghiệp.
- Chỉ có ba đứa mình thôi!
- Ôi những đêm trăng loang loáng hoang đồi, ôi những ngày mưa sụt sùi... sụt sùi...
- Hoa khóc sao?
- Hoa vui nên thế!
Con đường bỗng bừng sáng, họ đã thoát ra khỏi khoảng trời bị che phủ bởi cây xanh. Cái nắng Sài Gòn vô tình soi rõ khuôn mặt họ, hình như đã có những giọt nước mắt và cả những nụ cười.