TIN TỨC

Ocean Vuong: Viết một cuốn sách là xây một cái nhà, rồi bước ra

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-04-07 13:10:24
mail facebook google pos stwis
2316 lượt xem

Ocean Vuong chia sẻ gì về tập thơ mới "Time is a mother", về thi ca, và về việc vì sao thời gian lại là một người mẹ?

“Vài người nói lịch sử đi theo vòng xoắn ốc, không phải đường thẳng như ta hằng nghĩ. Chúng ta đi qua thời gian theo một quỹ đạo tròn, xa khỏi trung tâm chỉ để sau đó quay trở lại, đã cách thêm một vòng.” (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian)

Cứ cách 3 năm, Ocean Vuong lại đi một vòng quanh quỹ đạo văn chương của mình. Năm 2016, anh xuất bản tập thơ Night Sky with Exit Wounds (Trời đêm những vết thương xuyên thấu). Năm 2019, tiểu thuyết On Earth We're Briefly Gorgeous (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) ra đời. Và tháng 4/2022, tập thơ mới nhất của anh Time is a mother (Thời gian là một người mẹ) vừa được phát hành.

Trò chuyện với host Thùy Minh và Tiến sĩ Đào Lê Na trong tập mới nhất của Have A Sip, Ocean Vuong cho biết vì sao cho đến cuốn sách thứ 3 anh mới thỏa mãn, vì sao thơ sẽ không chết, và vì sao, thời gian là một người mẹ.

Ở Việt Nam, thơ có lẽ không còn thịnh hành như nó đã từng. Bạn nghĩ gì về việc này?

Ở thơ có sự nguy hiểm và phản kháng. Nó len lỏi rất ngọt vào trí nhớ qua vần điệu, câu từ. Nó biến cơ thể ta thành những bộ lưu trữ sống, để thông điệp truyền từ người này sang người khác mà không cần thư viện.
 


Tác phẩm đầu tiên của Ocean Vuong - Night Sky with Exit Wounds (Trời đêm những vết thương xuyên thấu) - là một tập thơ. | Nguồn: Fully Booked

Nhưng dù thế nào đi nữa, thơ sẽ không bao giờ chết. Sức mạnh của thơ, thứ mà chỉ nó có thể làm, đó là chạm thẳng đến người đối diện mà không cần cốt truyện hay ngữ cảnh. Bằng cách này, thơ rất giống âm nhạc. Âm nhạc có khả năng xen ngang vào cuộc sống chúng ta, khiến ta xao động ngay lập tức.

Mình nhớ có nhiều lúc, bà ngoại mình chỉ cần chốt hạ bằng một câu ca dao tục ngữ tiếng Việt nào đó là giải quyết xong một cuộc tranh cãi. Như thể những vần điệu nằm lòng ấy chính là kinh nghiệm, trí khôn mà bao thế hệ đã đúc kết, rồi truyền tai nhau để đời sau giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.

Nên thơ vẫn luôn có giá trị dù đang mai một.

Bạn thấy người trẻ đang tiếp cận thơ như thế nào?

Tại Mỹ, thơ đang trở lại, và phổ biến hơn bao giờ hết trong 30 năm trở lại đây. Tập thơ của nhà thơ trẻ, mới hơn 20 tuổi, Amanda Gorman hiện là cuốn sách bán chạy nhất theo The New York Times.

Thơ văn đang thích nghi với công nghệ. Giờ đây chúng ta có những nhà thơ đăng tác phẩm của mình trên Instagram - những bài thơ nằm gọn trong khung hình vuông làm mình liên tưởng đến thể sonnet (một dạng thơ cổ điển viết trong 14 dòng). Quá hay, vì qua đó mình biết là mỗi thế hệ đều cần thơ theo cách riêng.

Dù không tìm đến thơ ở tạp chí hay sách báo, người trẻ vẫn đang đọc và thể hiện mình qua thơ ở những phương tiện khác. Điều đó cho thấy thơ linh hoạt như thế nào.


Ocean Vuong yêu thơ và viết thơ theo một cách rất đặc biệt. | Nguồn: The New Yorker

Phương Tây cho rằng thơ là loại nghệ thuật vốn dành cho người trẻ. Mình không đồng ý. Họ nghĩ vậy có thể vì thấy nhiều nhà văn Mỹ thế hệ trước lúc còn mới bắt đầu sự nghiệp đã chọn viết thơ. Như Denis Johnson, Raymond Carver, Ernest Hemingway chẳng hạn.

Họ đều sáng tác thơ, nhưng khi được hỏi, họ trả lời rằng đó chỉ là tôi lúc trẻ dại, nhưng khi là một nhà văn "nghiêm túc", tôi chỉ viết tiểu thuyết.

Mình thấy không đúng. Và cái không đúng này xuất phát từ nỗi sợ rằng thơ là một hình thức nghệ thuật nữ tính. Tóm lại, trong mắt nhiều người, thơ “non trẻ”. Mình chịu thôi, miễn là nó đẹp.

Viết thơ và viết tiểu thuyết có sự khác biệt nào không?

Có, nó rất khác. Tiểu thuyết giống như một thế giới của riêng nó, như một sự mô phỏng. Bạn phải tạo ra cả một thế giới để nhân vật đi qua, và tôn trọng dòng thời gian ở một mức độ nhất định. Trong khi ở thơ, bạn có thể mặc kệ thời gian.

Nên thơ quan trọng hơn về câu từ, vần điệu, cách phát âm, chơi chữ. Và cũng vì vậy thơ thỏa mãn hơn, vui hơn, và khó để thành công hơn. Trong khi đó tiểu thuyết thì rộng lượng, bởi nó cho mình không gian để sai sót. Còn thơ thì “trần trụi”, gần như không có khoảng hở cho bất kỳ sơ sẩy nào, nên rất khó. Nhưng cũng vì vậy mà khi bạn làm một bài thơ đủ tới, bạn sẽ cảm thấy sướng vô cùng.

Bạn từng nói mỗi khi hoàn tất một cuốn sách, bạn thường thấy hối hận, nhưng điều đó không xảy ra với Time is a mother. Vì sao?

Đúng là mình thường sẽ muốn bỏ hết và viết lại từ đầu khi chuẩn bị xuất bản một cuốn nào đó. Vì mình thường thấy nó không đủ tốt. Nhưng với cuốn này điều đó không xảy ra, có lẽ vì mẹ mình đã mất.

Tất cả những gì mình làm, mình viết là vì mẹ, là để ủng hộ mẹ. Nên sau khi mẹ mất, mình cảm thấy là mình có thể làm bất kỳ gì mình muốn, mà không quan tâm người khác sẽ nghĩ gì nữa. Mình không còn quan tâm là độc giả, công chúng sẽ nhìn nhận tác phẩm của mình thế nào nữa. Mình hoàn toàn tự do để là chính mình, tinh nghịch, hài hước. Thậm chí đến cái tựa mình cũng đặt rất bạo. Time is a mother.


Tác phẩm mới của Ocean Vuong sẽ ra mắt trong tháng 4. | Nguồn: Thanh Niên

Ở Mỹ, nhiều người không muốn nói trắng từ “motherfucker”, nên họ thường dừng ở chữ “mother”. Ví dụ thay vì “Time is a motherfucker” thì họ nói “Time is a mother”. Đây là một cách nói tránh để thể hiện sự phản kháng. Nó hàm ý sự mệt mỏi, như thể ai đó đã bị đánh bại. Theo mình biết thì người Việt mình cũng có cách cảm thán tương tự, như chỉ dùng một từ “đ*” chẳng hạn.

Và trong tiếng Anh, người ta thường ví von thời gian như một người đàn ông. Father time stops for no one (Thời gian chẳng chờ đợi ai). Trong khi thực ra, thời gian là một người mẹ hơn là một người cha. Thời gian, với khả năng giữ trong lòng nó mọi thứ đang diễn ra ở đây lúc này, thật sự là một người mẹ. Vì vậy tựa đề này có thể hiểu theo 2 nghĩa.

Mình tự hào vì cuốn sách này cho thấy mọi kỹ năng mình đang có. Mình thấy cuốn đầu tiên mình xuất bản giống một đứa học sinh ngoan - nó an toàn, gọn gàng, rụt rè, ra sức cố chứng tỏ rằng nó xứng đáng. Còn cuốn này thì giống một nghệ sĩ thực thụ.

Vì sao sau khi mẹ đã mất, bạn có thể viết một cách tinh nghịch hơn?

Vì mình lúc này nghĩ rằng ai mà quan tâm nữa. Mẹ đã mất rồi. Sau khi chứng kiến toàn bộ cái chết của bà, mình thấy văn chương thật nhỏ bé. Ai mà quan tâm chuyện viết lách, chuyện làm nhà văn, chuyện viết thơ... sau tất cả?

Trong đầu mình chỉ còn 2 lựa chọn. Hoặc là hoàn toàn quên chuyện sáng tác. Hoặc, nếu tiếp tục viết, thì làm nó mà không còn sợ gì nữa. Lựa chọn đầu tiên không khả thi lắm vì mình thật sự không biết làm gì khác ngoài viết. Nên mình chọn cách thứ hai, là viết, và thật sự chạm đến tận cùng của viết.

Với mình, một áng thơ là ADN của một con người. Thơ văn, là dấu vân tay của hành trình làm người. Khi bạn đọc một cuốn sách, là bạn đang đọc tâm trí của người viết nên cuốn sách ấy.


Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đã được đón nhận rất nhiệt liệt. Tuy nhiên, Ocean Vuong vẫn thấy nó chưa hoàn chỉnh. | Nguồn: Nhã Nam

Nhìn lại 2 cuốn sách trước, mình thấy chuỗi ADN của mình trong đó chưa hoàn chỉnh. Vì nhiều lý do khách quan: để làm hài lòng thầy cô thế này, để khiến độc giả cảm nhận thế kia. Còn giờ đây, ai mà quan tâm những điều đó nữa. Ai mà quan tâm các nhà phê bình sẽ nói gì về sách của mình, sau khi người sinh ra mình đã mất?

Sự thật tối thượng nhất là cái chết đã giải phóng mình.

Sự trung thực là gì? Là cách chúng ta truyền tải sự thật. Dù vậy, cái chết, vốn là một sự thật, không cần bất kỳ sự truyền tải nào, tự thân nó đã là phương tiện. Cái chết xảy ra mặc cho sự có mặt hay vắng mặt của bạn.

Và khi chúng ta chứng kiến người thân mình mất, khoảnh khắc đó rất mạnh, rất đáng sợ, nhưng cũng rất đẹp. Nó là một trải nghiệm thật đến nỗi chúng ta không thể, và không cần diễn tả. Như khi ta thể hiện rằng mình buồn, mình vui, người đối diện có thể phần nào đồng cảm được, trả lời được. Nhưng với cái chết, để diễn tả nó dường như là điều không thể. Điều này rất hiếm có.

Thế là mình nghĩ: mình phải mạo hiểm tất cả, thì mới xứng đáng. Mình muốn nhìn xuống trang giấy và thấy một chuỗi ADN đầy đủ của mình trên đó.

Từ cuốn sách đầu tiên đến hiện tại, dường như bạn vẫn trở đi trở lại với chừng ấy câu hỏi?

Ở xã hội tư bản, như Mỹ nơi mình sống chẳng hạn, nhiều người nghĩ rằng một cuốn sách sẽ phải giải quyết dứt điểm điều gì đó. Như thể khoảng không giữa trang đầu tiên và cuối cùng của một cuốn sách là đủ cho một mệnh đề mở ra và đóng lại. Và rồi cuốn sách tiếp theo sẽ nói về một mệnh đề mới. Mình thấy điều này rất sai.

Không có cách nào mà một cuốn sách có thể gói gọn và trả lời xong một câu hỏi. Với mình, những ý tưởng, những ám ảnh trong sách của mình, chúng giống năng lượng hơn là chủ đề hay đề tài. Nói cách khác, sách của mình không phải là những chiếc hộp để đựng chủ đề, mà là dây điện, để truyền một thứ năng lượng nào đó đến người đọc.


Nguồn: Megan Farmer

Hiểu theo cách này, mỗi cuốn sách là một loại dây điện làm từ một vật liệu khác nhau, và mỗi vật liệu đều có phương thức của riêng nó để dẫn truyền cùng một thứ năng lượng.

Viết một cuốn sách mà giải xong một câu hỏi, sẽ là dấu chấm hết của sáng tạo.

Vì sao? Vì trước đến nay, tất cả những gì chúng ta viết về đều là tình yêu, cái chết, niềm vui và nỗi buồn. Vậy mà chúng ta chưa bao giờ chán. Nếu chúng ta chán, chúng ta đã mời Shakespeare nói lời từ tạ cho văn chương từ lâu rồi. Nên nỗ lực thật sự của chúng ta ở đây chính là tìm kiếm một cấu trúc mới, hình thức mới, để kể những câu chuyện vốn phổ quát và xưa như trái đất của con người.

Nên cuốn tiếp theo của mình chắc chắn cũng sẽ lại nói về chừng ấy điều. Cái khác là mình sẽ dùng hình thức mới nào để làm điều đó.

Liệu chúng ta phải toàn tâm toàn ý, là một người viết toàn thời gian, mới có thể làm thật tốt việc sáng tác?

Mình nghĩ là viết lách sẽ lôi ra hết toàn bộ những thứ bạn có. Tâm hồn, trí óc, con tim của bạn sẽ phải trả một cái giá đắt cho công việc này. Điều đó không có nghĩa là mọi người phải làm giống mình, là buông tất cả để cầm bút lên viết.

Mình bắt đầu lúc 20 tuổi, bằng cách đọc tiểu sử của tất cả những nhà văn mình yêu thích. Và mình nhận ra họ đều ra đi trong nghèo khổ. Nhưng nếu đó là cái giá phải trả cho nghiệp viết, thì mình sẵn sàng. Trước đó mình đã bỏ học trường kinh tế, nên mình đã là một sự thất bại. Mình tự nói với bản thân: "Mày cũng không còn gì để mất, vậy thì hãy làm bất cứ thứ gì mày muốn”. Mình sẵn sàng để sống khổ, và sự thật là mình đã sống khổ.

Mình mất 8 năm để viết tập thơ đầu tay. Mình dành hầu hết thời gian trong thư viện, ăn mỳ gói, trứng luộc. Có lúc không có tô chén, mình dùng cái đĩa ném (frisbee), úp ngược lại để đổ nước vào, ăn mỳ trong đó. Mình không làm công việc nào khác ngoài viết. Nếu có đi làm, mình làm trong những tiệm café, từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Để sau đó mình có toàn bộ thời gian còn lại để viết.

Thật ra nếu nhìn vào những nhà văn đi trước, ta sẽ thấy họ cũng làm giống vậy. Kafka, Tolstoy, họ đều dành cả cuộc sống cho công việc này. Điều quan trọng là bạn có dám hy sinh cuộc sống thoải mái của mình để viết toàn thời gian?

Là người Việt, mình có bổn phận làm con. Mình tự nói với bản thân lúc đó là nếu thử sống như vậy trong 3 năm mà không có gì xảy ra, thì mình sẽ quay lại, lấy tấm bằng dạy tiểu học chẳng hạn, sau đó về nhà tìm một công việc ổn định để lo cho mẹ.

Tức là mình đã ký với bản thân một hợp đồng có thời hạn. Điều khoản là nếu mình dành tất cả để viết, như thể nó là một công việc thực thụ, nhưng nếu trong vòng 3 năm mà nếu không có kết quả gì thì mình sẽ phải bỏ.

Điều may mắn là trong 3 năm đó, mình nhận được một khoản tài trợ, thơ của mình được lên vài tạp chí. Fellowship đầu tiên mình nhận được, Whiting Awards, lên đến 50 nghìn đô. Cả nhà mình, trong cả cuộc đời của họ, chưa ai từng làm ra được 50 nghìn đô. Chuyện này như viễn tưởng vậy, rằng với thơ mình có thể nuôi gia đình.

Nhưng không phải ai cũng gặp được chuyện cổ tích như mình, nên mình không cổ xúy mọi người làm theo. Chỉ là bạn phải tự hỏi chính mình, liệu bạn có sẵn sàng 100% chú ý hết sức làm công việc này, trong 2, 3, 4 năm? Để rồi nếu nó không có kết quả thì thôi, nhưng ít nhất, bạn đã thử.

Bạn có kỳ vọng gì ở độc giả của mình không, nhất là ở độc giả Việt Nam?

Mình không kỳ vọng gì cả. Với kinh nghiệm ít ỏi của mình, mình nhận ra ở mỗi nơi mình đến là một tệp khán giả khác nhau. Viết một cuốn sách, nó giống như mình ra bờ sông, làm một chiếc bè, chuyển tất cả những gì mình có lên bè, rồi thả nó đi.

Nhưng điều quan trọng là mình vẫn ở lại trên bờ, vì nếu mình cũng lên chiếc bè đó, mình không thể làm một điều gì đó mới.

Cái hay ở đây là độc giả có toàn quyền tự do với cuốn sách mà mình đem đến cho họ. Viết một cuốn sách cũng giống như thiết kế một căn phòng. Lúc mình xây, mình muốn xây nó kiểu gì cũng được. Nhưng khi xong rồi, thì mình phải đi ra, để người đọc đi vào, để họ tự do sống trong đó theo cách mà họ muốn. Tất cả những gì họ cảm nhận sẽ đều đúng và thật. Mình không thể kỳ vọng rằng họ phải hiểu mình theo một cách nhất định.

 

Nhưng phải nói rằng mình là một nhà văn như thế này bởi vì mình là người Việt Nam. Không phải vì mình có câu chuyện của người Việt. Mà vì mình được thừa hưởng cách tưởng tượng, sáng tạo của người Việt. Siêu năng lực của mình là tiếng Việt.

Với bất kỳ người Việt nào, ở bất kỳ đâu, mình nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải biết chăm sóc cái rễ Việt Nam của mình. Một cái cây khỏe, nó không chỉ nở ở trên, mà còn tiếp tục nở ở dưới. Vậy nên mình lúc nào cũng phải chăm sóc cái rễ, phải hiểu, phải chú ý, phải tôn trọng và bảo vệ nó. Cái rễ Việt Nam mình là cái quan trọng nhất.

Với mình, nếu không có tiếng Việt, thì mình không có tiếng.

Nguồn: https://vietcetera.com/.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm