TIN TỨC

Sống thế nào để tự tin kể lại trong hồi ký?

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-12-08 05:20:21
mail facebook google pos stwis
1664 lượt xem

LÊ THIẾU NHƠN

Cuốn hồi ký Gánh gánh gồng gồng của đạo diễn Xuân Phượng được trao giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa qua, thực sự là một điều thú vị với giới cầm bút nói riêng và với bạn đọc nói chung. Đạo diễn Xuân Phượng tên thật Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh năm 1929 tại Huế. Xuất thân trong một gia đình quý tộc phong kiến, đạo diễn Xuân Phượng đi theo kháng chiến từ năm 16 tuổi. Đạo diễn Xuân Phượng ghi tên mình vào lịch sử phim tài liệu Việt Nam, với các tác phẩm Việt Nam và chiếc xe đạp (1974), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976), Hai tiếng quê hương (1978), Tôi viết bài ca hồi sinh (1979)… Cuộc đời của Xuân Phượng là một pho lịch sử thu nhỏ của Việt Nam thế kỷ 20. Bà đã chứng kiến vua Bảo Đại đại diện vương triều cuối cùng trao ấn kiếm cho nhà sử học Trần Huy Liệu đại diện chính quyền cách mạng tại cửa Ngọ Môn vào tháng 8/1945. Đồng thời, bà đã chứng kiến ở Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, giới chốp bu chính quyền Việt Nam cộng hòa lầm lũi rời khỏi quyền lực và những chiến sĩ giải phóng lau chùi bùn đất trên chiếc xe tăng vừa trải qua đợt hành quân thần tốc. Xuân Phượng nói về nguyên nhân viết hồi ký Gánh gánh gồng gồng rất đơn giản: “Tôi muốn giải thích với họ hàng vì sao tôi dấn thân vào cuộc cách mạng để gia đình ly tán, và muốn giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về cuộc chiến tranh đầy bi hùng của Việt Nam ở thế kỷ 20”.


Đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng và bìa sách "Gánh gánh gồng gồng"

Khác biệt với đạo diễn Xuân Phượng, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy phát hành hồi ký Một kiếp cầm ca - Sinh ra để hát dưới dạng video - clip. Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy thực hiện sản phẩm này như một cách nhìn lại 60 năm gắn bó cùng sân khấu cải lương. Một kiếp cầm ca - Sinh ra để hát cũng là một gợi ý về phương pháp kể lại đời mình của những người nổi tiếng. Trong bối cảnh sàn diễn cải lương đang gặp nhiều thử thách, những tên tuổi như Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy có bất cứ hoạt động nghệ thuật nào cũng góp phần kích hoạt sự quan tâm của công chúng. Trước đây, Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Châu từng phát hành cuốn sách Chút tạ tình tri âm dày hơn 250 trang, đã giúp độc giả hiểu thêm về một giai đoạn vàng son của cải lương. Bây giờ, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy tiếp tục bằng hồi ký đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của công chúng thời kỹ thuật số.

Cách kể Một kiếp cầm ca - Sinh ra để hát gồm 32 tập, để phát sóng trên Youtube là một thử thách đối với nghệ sĩ cao niên như Lệ Thủy. Thế nhưng, may mắn thay, bà có con trai là ca sĩ Dương Đình Trí hỗ trợ tích cực. Người ta chỉ nhìn thấy một Lệ Thủy xiêm áo lộng lẫy trong các vai diễn, nhưng không ai hiểu được những lầm lũi cay đắng mà bà từng trải qua. Hồi ký đã làm công việc ấy, để những ai hâm mộ Lệ Thủy biết rằng bà từng sinh ra trong một gia đình rất khó khăn “người ta nói người nghèo ăn ngày nay lo ngày mai, còn nhà tôi ăn bữa sáng lo cho buổi chiều không có gạo mà ăn”. Là chị Hai của bảy đứa em, Lệ Thủy sớm bỏ học để phụ mẹ chăm em. 12 tuổi, Lệ Thủy bước ra khỏi tấm màn nhung để chào khán giả. Thành công nhanh chóng, 16 tuổi thì Lệ Thủy được trao giải Thanh Tâm. Từ đó đến nay, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy là một ngôi sao của nghệ thuật truyền thống đặc trưng Nam bộ. Bà không vướng scandal nào, sống êm ấm bên chồng và ba đứa con.

Hồi ký Một kiếp cầm ca - Sinh ra để hát có phải một sản phẩm ăn khách không? Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy chia sẻ: “Thú thật tôi không nghĩ ra sản phẩm này để buôn bán, lấy lại vốn. Mục đích của tôi làm để kỷ niệm như một gia tài của gia đình. Sau này con cháu sẽ biết bà của mình là Lệ Thủy đã đi hát cải lương và trải qua những khó khăn như thế nào. Tôi cũng đâu biết xin tài trợ. Khi mà xin tài trợ thì rất là khó khăn, phải làm thủ tục và giấy tờ thì công ty mới chi tiền. Tôi sợ mang tiếng vì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra nên tự mình làm là tốt nhất!”.

Cách làm hồi ký của Lệ Thủy hơi độc đáo, nên cũng chưa có công ty giải trí nào đồng hành. Ngược lại, những hồi ký của nghệ sĩ khác được phát hành dưới dạng cuốn sách thì có rất nhiều đơn vị xuất bản tranh nhau đầu tư in ấn rất công phu và quảng bá rất rầm rộ. Hồi ký của Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương có tên gọi Sống cho mình, sống cho người và hồi ký của Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc có tên gọi Tâm thành và lộc đời đều có số lượng phát hành hàng vạn bản và bán đắt như tôm tươi, khiến các nhà văn chuyên nghiệp cũng phải ganh tỵ. Tuy nhiên, khi hồi ký được cộng thêm bài toán kinh doanh, thì lại phát sinh không ít tình huống dở khóc dở cười. Thứ nhất, đơn đặt hàng của đối tác đã hình thành biên độ cảm xúc cho nhân vật muốn bộc bạch sự riêng tư. Thứ hai, bản quyền giữa nghệ sĩ và người chấp bút hơi khó rạch ròi. Mọi chuyện hôm nay có thể êm thắm, nhưng ngày mai chẳng ai đoán được. Bởi lẽ, khi nghệ sĩ không còn nữa thì những thế hệ thừa kế sẽ chi phối ngược lại bản quyền và tranh chấp với người chấp bút là điều có thể mường tượng rõ ràng.

Hầu hết nghệ sĩ đều nhờ người chấp bút hồi ký, trừ những người có khả năng viết lách như Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh. Riêng ca sĩ Ái Vân, ban đầu nhờ người chấp bút, nhưng sau đó tự viết và có bạn bè hiệu đính dùm. Do vậy, cuốn hồi ký Để gió cuốn đi của Ái Vân có giọng điệu riêng biệt và hấp dẫn. Ngược lại, có không ít hồi ký của nghệ sĩ được chấp bút bởi một… nhóm tác giả, mỗi người viết một quãng đời, nên tổng thể cuốn sách hơi chệch choạc và rời rạc!

Không ai đòi hỏi hồi ký của nghệ sĩ phải chất chứa những ưu tư về thăng trầm thời cuộc, như hồi ký của các bậc tri thức cỡ học giả Nguyễn Hiến Lê hoặc học giả Đào Duy Anh. Thế nhưng, nếu hồi ký của nghệ sĩ chỉ hướng đến sự tò mò và nhằm thỏa mãn sự tò mò từ phía một bộ phận công chúng hiếu kỳ, thì cũng hơi lãng phí sự chờ đợi mà giới mộ điệu dành cho thần tượng. Vì không có ý thức gìn giữ tư liệu cá nhân, nên phần lớn hồi ký của nghệ sĩ được hình thành một cách chắp vá những ký ức lẫn lộn. Điều này rất nguy hại, làm ảnh hưởng đến tính chính xác và tính thuyết phục của hồi ký. Mặt khác, phải trách những người chấp bút hồi ký của nghệ sĩ cũng chưa chuyên nghiệp trong công việc nhiều cám dỗ và lắm rủi ro là tái dựng một chân dung từ các mảnh ghép phủ bụi thời gian.

Một khuyết điểm dễ dàng nhận ra ở hồi ký của nghệ sĩ là sự mơ hồ các tình huống và các chi tiết. Ví dụ, nghệ sĩ bày tỏ “vai diễn của tôi đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt” thì chỉ có ý nghĩa đãi bôi, mà phải trích dẫn cụ thể lời khen ngợi thể hiện ở nơi nào, hoặc lời khen ngợi xuất phát từ ai. Còn nghệ sĩ thổ lộ “thù lao của tôi đạt số tiền kỷ lục là 30 triệu đồng”, thì phải đưa ra căn cứ giá vàng thời điểm ấy bao nhiêu hoặc một triệu đồng thời điểm ấy có thể mua sắm tài sản gì… Hồi ký không chấp nhận tin đồn, do đó từng thông tin phải được phản biện cụ thể và rành mạch! Nếu nghệ sĩ cứ thao thao bất tuyệt và người chấp bút cứ hồn nhiên ghi lại nguyên văn, thì chẳng khác gì cùng nhau tạo thêm bức màn sương khói cho gương mặt cần được nhận diện sắc nét qua hồi ký!

Nói một cách sòng phẳng, kỹ thuật của hồi ký không quan trọng bằng số phận của nghệ sĩ. Sống sao để có chuyện kể lại là bước thứ nhất, còn bước thứ hai là kể sao cho người khác tin cậy. Mọi yếu tố thổi phồng thành tích hoặc đánh bóng nhân cách đều vô nghĩa trong hồi ký. Bởi lẽ, không có sự tô vẽ nào đủ sức đánh tráo giá trị tồn tại của nghệ sĩ theo dòng chảy nghệ thuật. Sau những tranh cãi ồn ào xung quanh hồi ký Yêu và sống của Lê Vân do Bùi Mai Hạnh chấp bút, thì giới nghệ sĩ dường như chọn thái độ an toàn để kể lại đời mình. Đó là một bước lùi cho chất lượng hồi ký của nghệ sĩ. Cũng may, dù chưa hẳn hoàn toàn do một mình ca sĩ Khánh Ly tự viết, nhưng cuốn sách Đằng sau những nụ cười lại đạt được những yếu tố cần thiết của hồi ký. Khánh Ly dùng nước mắt để viết Đằng sau những nụ cười, nên những dòng bẽ bàng và những trang ngậm ngùi đã giúp khán giả hiểu hơn và yêu hơn người đàn bà lừng danh hát nhạc Trịnh. Một ví dụ khác là tự truyện Ngẫu hứng của nhạc sĩ Trần Tiến được viết dưới dạng kết nối những tản văn, giúp công chúng hình dung con đường sáng tạo của người đã viết nên những ca khúc nổi tiếng Ngẫu hứng sông Hồng, Ngẫu hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng lý qua cầu, Ngẫu hứng giao duyên…

Hồi ký được xếp vào dòng văn chương tự sự, vì nó là tấm gương soi rọi dĩ vãng, hấp thu cả ánh sáng lấp lánh lẫn bóng tối âm u từng khỏa lấp một mệnh kiếp trên cõi dương gian. Những người sống giả tạo, sống khép kín, sống thờ ơ, sống nông cạn… thì không thể có hồi ký đúng nghĩa hồi ký. Tuy nhiên, khi đã kể chân thật về người khác thì phải chân thành phán xét bản thân. Sở dĩ hồi ký Một đời giông bão của diễn viên Thương Tín gây “giông bão” cho những người liên quan với các cuộc tình điên đảo lẫn cuộc tình chớp nhoáng, vì nhân vật chính không nhìn thấy trách nhiệm của mình trong những “giông bão” ấy. Diễn viên Thương Tín chỉ hả hê kể về những bóng hồng đi qua đời mình, mà không hề có chút băn khoăn hay chút dằn vặt cho bao nhiêu tai ương từ một người đàn ông đa tình đối với những người đàn bà yếu đuối. Nói cách khác, ở những khoảng trống giữa nhớ và quên, giữa đúng và sai, hồi ký của diễn viên Thương Tín đã thiếu cái âu lo về phẩm giá và lương tri mà một nghệ sĩ đích thực phải theo đuổi và tôn thờ!

Nếu như hồi ký của nghệ sĩ đã thịnh hành ở phương Tây từ lâu, thì thể loại này chỉ mới nhen nhóm ở nước ta. Sự thưa vắng những người chuyên viết tiểu sử nhân vật đã khiến hồi ký của nghệ sĩ đang tạm dừng mức độ giải trí. Hồi ký của nghệ sĩ nếu chỉ lớn giọng khoe khoang hoặc rao giảng đạo đức, thì không ai hứng thú. Nghệ sĩ là những người đặc biệt, có cái năng khiếu trời cho và có cái trả giá riêng tư để đạt được sự nghiệp. Trong hồi ký của nghệ sĩ, đôi khi sự nao núng, sự lầm lạc, sự bồng bột lại thú vị hơn sự ngọt ngào được thương lượng và sự ngăn nắp được dàn xếp.

Nguồn: Văn nghệ số 6+7+8/2021.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Phi hư cấu
Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 27 tháng 8/2024
Xem thêm
Chuyện Làng Văn và... người văn
Nguồn: Mục Góc nhìn của Tạp chí Sông Lam.
Xem thêm
Nét văn hóa độc đáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ việc làm báo. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp ngành ngữ văn, ông về làm báo tại tạp chí Cộng sản (trước đây là tạp chí Học tập) - cơ quan lý luận của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Được đào tạo cơ bản, đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và nhà nước, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của TBT Nguyễn Phú Trọng đậm dấu ấn văn hoá từ quan điểm chính trị đến mối quan hệ giữa con người với con người.
Xem thêm
Kỷ niệm sâu sắc với Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP gửi cho Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Công và tội của việc khen sách
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 29, ngày 20/7/2024.
Xem thêm
Thích Minh Tuệ: Thức tỉnh mê trầm - Góc nhìn văn học
Những ngày gần đây, có vẻ như Phật giáo đang rơi vào cơn bão của sự khủng hoảng truyền thông, con người lạc vào mê trận niềm tin tín ngưỡng ồn ã đa chiều, mặc dù trước đây, Phật giáo cũng đã từng gây ra tranh cãi trong cộng đồng phật tử từ câu chuyện một vài sư thầy giảng đạo đi ngược lại tinh thần nhà Phật, gieo rắc những bài thuyết giảng tà kiến hù dọa con người, đã không ít lần dư luận lên án và bức xúc, nhưng nó giống như một con sóng dồn dập rồi tan vào cát, tiếp nối, kéo dài làm người ta trở nên chán ngán đến dửng dưng, nhưng thường khi điều gì vụt lên quá cao hoặc rơi xuống đáy sâu thì sẽ có một sự việc, hiện tượng làm cho nó đảo chiều ngược lại.
Xem thêm
Chúng ta học gì từ sư Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Đang cảm hứng thì trải nghiệm, nhưng các bạn tin tôi đi, chỉ một thời gian nữa, vẫn chỉ một mình sư, với đôi chân bền bỉ của mình tự rong ruổi muôn nơi...
Xem thêm
Làm mới Truyện Kiều
Truyện ngắn “Mây bồng” tác giả Nguyễn Trường in Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 18+19, ra ngày 30/4/2022 đặt ra vấn đề bảo tồn Truyện Kiều trong xã hội phát triển.
Xem thêm
Có duyên gặp Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy đời sống Phật giáo xuất hiện nhiều “nan đề” như lúc này. Xuất hiện những ngôi chùa vận hành kiểu doanh nghiệp với “doanh thu” không bao giờ được công bố. Sự kiện pháp hội được tổ chức rình rang bị nghi là lừa đảo. Sư phạm giới chỉ cần hoàn tục đem theo hàng trăm tỷ đồng thu được trong quá trình tu về tiêu riêng là xong…
Xem thêm
Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
GS Mai Quốc Liên – Người đất Quảng cương trực
Tôi gặp GS-TS Mai Quốc Liên tại nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Trong các cuộc họp, mỗi khi đăng đàn, ông sang sảng chất giọng Quảng đậm đà, khảng khái, thẳng thắn, thậm chí có lúc tranh luận khá gay gắt, chẳng cần rào trước đón sau, mà cũng chẳng ngại va chạm, có thể hơi làm “nghịch nhĩ” ai đó, nhưng tư duy logic, liên tưởng, liên kết các vấn đề mạch lạc. 
Xem thêm
Để thơ không “thất lạc nhau” nữa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 9/2024
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít
Chiều 29.02 phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã dành thời gian nói về vấn đề xây dựng văn hóa.
Xem thêm