TIN TỨC

Tác phẩm Trang Thế Hy tiếp tục làm thuốc giảm đau cho độc giả

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-01-03 16:14:58
mail facebook google pos stwis
340 lượt xem

"Đọc tác phẩm Trang Thế Hy, mỗi người đều có thể dễ dàng tìm thấy sự chiêm nghiệm và sự bao dung. Đặc biệt, ông luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm của người cầm bút", Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân nhấn mạnh.

Sáng 3.1 tại TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM và Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) đã tổ chức buổi tọa đàm "Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Trang Thế Hy" nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh "người hiền của văn chương Nam bộ".


Nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) tại tọa đàm sáng 3.1


Các khách mời là nhà văn, nhà phê bình văn học của Hội Nhà văn TP.HCM chia sẻ về các tác phẩm Trang Thế Hy - - Ảnh: P. HUYỀN

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân cho biết: "Mặc dù, đồng nghiệp và công chúng không còn thấy bóng dáng gầy gò và trầm tư của ông trên cõi đời nữa, nhưng tác phẩm Trang Thế Hy và nhân cách vẫn là câu chuyện được truyền tụng một cách trìu mến trong sinh hoạt tinh thần không chỉ riêng vùng đất Nam bộ và cũng không chỉ trong giới cầm bút. 15 năm sau ngày đất nước thống nhất là khoảng thời gian chín muồi của hành trình sáng tạo Trang Thế Hy, với một loạt truyện ngắn tạo được ấn tượng mạnh, như: Mưa ấm, Nợ nước mắt, Nghệ thuật làm bố dượng, Về nhà trước cơn mưa, Tiếng hát và tiếng khóc, Vết thương thứ 13…".

Biên tập viên Ngô Thị Hạnh nhắc lại nhiều kỷ niệm với nhà văn, đặc biệt là khi làm tập thơ Đắng & ngọt: "Tôi nhớ thơ chú, hay cũng là nhớ về chú, nét đẹp giữa đời thường bình dị, những khoảnh khắc mà tôi được chiêm ngưỡng cho dù đã gần 16 năm trôi qua. Năm đó, năm 2009, tôi cùng nhà thơ Chim Trắng thường xuyên đến thăm chú, khoảng 2-3 tháng 1 lần, còn lần này là cho tập thơ. Trước đó chú hay khiêm tốn bảo chú đâu có làm thơ, chỉ là những ghi chép ngắn của người làm văn mà thôi. Nhưng sau nhiều lần trò chuyện, chú đành chịu thua, tại nhỏ Hạnh làm… nên bây giờ lục lại. Tôi có duyên được cùng ngồi lục lại những ghi chép ngắn của chú, những bài thơ viết bằng máy đánh chữ có sửa lại đôi chỗ - chỗ sửa viết tay. Tổng cộng lúc đó, tôi gom được 13 bài thơ chú viết và khoảng hơn 10 bài thơ dịch. Vậy là tôi có tập Đắng & ngọt, nhan đề tập thơ là do tôi chọn, và được chú chấp nhận khá nhanh".

"Thong dong làm một người bào chế thuốc giảm đau"

Theo thạc sĩ Đoàn Thị Nhung: "Trang Thế Hy là một nhà văn Nam bộ chính gốc, gắn bó và am hiểu với quê hương Nam bộ, chất Nam bộ ấy thể hiện rất rõ trong từng tác phẩm của ông. Tác phẩm của ông không nhiều nhưng mỗi truyện ngắn Trang Thế Hy thật sự là những hạt ngọc đã được tác giả gạn lọc từ cuộc sống. Cái đáng quý trong truyện ngắn Trang Thế Hy chính là những cái rất quý được tác giả nhìn thấy, tìm thấy từ những thứ rất đỗi bình thường. Nguyên Ngọc gọi ông là 'Người hiền của văn chương Nam bộ', Phạm Quang Trung gọi ông là 'Kỳ lão', Ngô Thảo gọi ông là 'Cây cổ thụ của văn học Nam bộ'. Tất cả các tên gọi ấy cho thấy trong đánh giá của một số người, đóng góp của Trang Thế Hy cho vùng văn học Nam bộ là khá đáng kể".


Giải Cống hiến năm nay của Hội Nhà văn TP.HCM vinh danh nhà văn Trang Thế Hy (1924-2015)


Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân ví von: "Suốt cuộc đời Trang Thế Hy thong dong làm một 'người bào chế thuốc giảm đau'" - Ảnh: P. HUYỀN

Còn nhà văn Trịnh Bích Ngân thì cho rằng: "Thái độ tự trọng được nhất quán suốt cuộc đời Trang Thế Hy để ông thong dong làm một "người bào chế thuốc giảm đau", như tên gọi một truyện ngắn ông viết năm 1963. Dù nhà văn Trang Thế Hy đã không còn nữa, nhưng tác phẩm của ông vẫn tiếp tục làm "thuốc giảm đau" cho độc giả, cho cộng đồng. Chẳng điều gì có thể nghi ngờ trước một sự thật đáng trân trọng bởi một di sản văn hóa: nhân cách và tác phẩm Trang Thế Hy".

Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29.10.1924 tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, mất ngày 8.12.2015 tại quê nhà. Ông sáng tác không nhiều, cả cuộc đời chỉ có khoảng 50 truyện ngắn, 20 bài thơ và 4 tiểu thuyết được in nhiều kỳ trên các báo.

LÊ CÔNG SƠN (báo Thanh Niên)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024: Hoạt động sôi nổi, hiệu quả và lan tỏa
Năm 2024, Hội Nhà văn Thành phố đã phát huy tinh thần chủ động sáng tạo trong sáng tác, trong nhiều sự kiện nâng tính chuyên nghiệp...
Xem thêm
Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương 40 “Tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ 6
Sáng 24/12, tại Nhà hát Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần 6 năm 2024.
Xem thêm
Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh công bố Danh mục giải thưởng và Danh sách tân hội viên năm 2024
Ngày 20 tháng 12 năm 2024, Ban chấp hành Hội Nhà văn TP. HCM đã họp phiên cuối năm và thông qua kết quả xét Giải Văn học và kết nạp hội viên mới năm 2024.
Xem thêm
Hình ảnh tư liệu về Hội thảo “Anh Đức – cuộc đời và sự nghiệp”
Một số hình ảnh về Hội thảo; Hình ảnh tư liệu về nhà văn Anh Đức; Trích đoạn phim “Hòn Đất”
Xem thêm
Tự hào truyền thống 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải
Xem thêm
Mời dự hội thảo tưởng nhớ nhà văn Anh Đức
Vào sáng 18/12/2024 tại 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3 TPHCM.
Xem thêm
Hơn 1.200 học sinh hào hứng tham gia Trò chuyện với tương lai
Mới đây, Trò chuyện với tương lai đã thu hút hơn 1.200 em nhỏ tại 4 điểm trường ở Ninh Thuận tham gia.
Xem thêm