TIN TỨC
  • Truyện
  • Tấm ảnh | Truyện ngắn của Đỗ Viết Nghiệm

Tấm ảnh | Truyện ngắn của Đỗ Viết Nghiệm

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-13 08:12:39
mail facebook google pos stwis
1194 lượt xem

TRUYỆN NGẮN ĐẦU TAY

Lời tác giả: Năm 1985, khi đó tôi chưa theo nghề văn chương chuyên nghiệp, hiện công tác tại Quân Khu 5. Nhân dịp Tạp chí Văn học nghệ thuật Non Nước, Hội văn học nghệ thuật thành Phố Đà Nẵng, phát động cuộc thi viết tuyện ngắn chào mừng 5 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nên đã tham gia. Kết quả truyện ngắn này, đạt giải nhất năm đó. Xin trân trọng giới thiệu.

ĐỖ VIẾT NGHIỆM

Tháng hai Hà Nội còn rét đậm, hàng sấu bên đường trước cửa nhà tôi dáng đứng ủ ê lá cành run rẩy. Phố vắng, gió lao xao thổi cuốn theo những chiếc lá vàng rơi lăn tròn trên mặt đường nghe lan ran buồn tênh tênh. Đã thế vợ và con gái tôi chiều qua vội vàng đi Nam Định thăm bà nội bệnh, tôi đóng cửa, pha một ấm trà ngồi nhâm nhi đốt nỗi cô đơn, rồi định đem mấy tấm ảnh chụp các cháu mầm non trường Chu Văn An ra sửa. “Cọc, cọc, cọc” có tiếng ai gõ cửa vậy? Tôi sỏ dép, nhưng chưa kịp lại đã nghe tiếng gõ tiếp lần này nhanh nặng hơn “Cọc cọc cọc”, trong âm thanh đó ẩn một vẻ vừa như rụt rè vừa như gấp gáp và vội vàng. Tôi cẩn thận khẽ hắng giọng đánh tiếng, như để báo trong nhà có người. Tôi mở cửa, đứng trước mặt tôi là một người đàn ông lạ có màu da bắt nắng, nhưng hơi gầy, độ chừng ba chục tuổi, nét mặt phảng phất buồn xa xăm. Quần áo anh phong phanh trên tay xách một chiếc túi vải, đầu đội mũ bê rê màu cỏ úa có chỗ rách lòi ra những sợi thô ráp như cọng rơm khô.

-  Cháu chào bác ạ. - Cùng với tiếng chào, đầu anh ta hơi cúi xuống giọng run run vì rét. Nhìn người khách lạ tôi đoán, “anh không phải người Hà Nội và chắc mới ở quê lên tìm việc làm?”.

Anh … - Khi câu nói của tôi còn đang lấp lửng, anh đã nói tiếp:

Thưa... bác có phải là Hồng không ạ?

Một chút ngạc nhiên, nhưng nghĩ “vì sao anh ta lại biết tên mình?”. Tôi gật đầu, rồi nói lời từ chối.

Tôi không có việc gì để thuê anh làm! - Đến lượt anh ta bối rối, đôi mắt hanh hao buồn, rồi đáp:

Không ạ. Thưa bác cháu tên là Lập, ở trong Thanh ra muốn tìm gặp bác.

Anh tìm tôi?

Vâng!

Lạ thật. “Một thằng thiếu tá quân đội nghỉ hưu gần chục năm, không quyền hành, không địa vị, giờ là một phó thường dân, công việc hàng ngày còn lại tôi có được là nghề chụp ảnh, nhờ thế có đồng ra đồng vào bù thêm khoản chi phí sinh hoạt đan leo thang tăng chóng mặt, vậy mà bỗng dưng có người đến tìm? Tôi phỏng đoán: “hay anh ta có việc gì hệ trọng?”, linh cảm đó chợt ùa về mách bảo. Người thanh niên rụt rè bước vào trong nhà ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, tôi rót nước trà nóng mời anh cùng uống và lặng im chờ đợi. Anh đưa hai tay nâng ly nước nhấp một ngụm rồi ngụm nữa xong đặt xuống, hơi nóng của trà làm anh như ấm hẳn lên và tự tin hỏi:

Bác có còn nhớ, một người quen nào tên là Luận không ạ?

Luận? – Tôi nhắc lại cái tên ấy. Tôi nghe đâu đó như trong tiếng gió tên người vừa xa lại vừa gần “Luận, Luận”. Tôi nhớ ra Luận! Thằng Luận lực sĩ, khỏe như con trâu mộng, đẹp trai nhưng hiền khô.

Luận. Trịnh Đình Luận phải không? Anh ta là bạn tôi, cùng đi bộ đội, cùng vào Nam một ngày!

Nghe tôi nói anh bật đứng bật, cái túi để ở đùi rơi tuột xuống đất và tiếng anh reo lên sung sướng.

Bố cháu đấy bác ạ!

Tôi sửng người, vì tin ấy quá bất ngờ. “Con thằng Luận đấy ư? Nó có một đứa con?”. Tôi nắm chặt hai cánh tay người thanh niên trẻ lắc mạnh. Tôi hỏi dồn:

Thế hả? Thật vậy sao? Nói đi, chuyện gì đã xảy ra với cháu?

*       

Lập kể, tiếng anh tê buồn như gió trời đang thổi.

Năm 1966, mẹ cháu tốt nghiệp trường sư phạm tỉnh. Ra trường mẹ làm đơn xin về dạy ở một trường cấp một tại quê, mẹ muốn vậy là để có điều kiện chăm sóc bà ngoại vì tuổi đã cao sức yếu. May quá người ta nhận, vì gia đình mẹ thuộc diện chính sách. Trong công việc mẹ cháu là người có chí hướng và lòng đam mê nghề nghiệp. Dạy mới được một năm chuyên môn của mẹ đã vững, cuối năm đó mẹ được bầu danh hiệu “giáo viên dạy giỏi” toàn trường. Mẹ cháu còn là một người phụ nữ xinh đẹp. Cái đẹp của mẹ không kiêu sa lộng lẫy như người hàng phố, nhưng đằm thắm chân quê, điều ấy càng làm cho mẹ nổi trội ở những chốn đông người. Vào thời kỳ ấy mẫu người như mẹ là lý tưởng, nhiều chàng trai muốn tìm cách làm quen và xin được cầu hôn với mẹ, nhưng mẹ đều tìm cách từ chối khéo “cảm ơn anh, em còn trẻ lại mới vào nghề …”. Nhưng mọi tính toán của mẹ đều bị đảo lộn, nếu như không có sự xuất hiện của bố trong một lần về phép đặc biệt, để chuẩn bị vào Nam. Mẹ bảo, buổi chiều đó không bao giờ quên trong cuộc đời mẹ. Hình ảnh bố vai đeo ba lô vừa bước xuống ô tô ở phố huyện, băng qua ba quả đồi trồng mía đang độ vào mùa heo may bông trổ cờ trắng xóa. Hoa mía có hàng, có lớp, xa trông như một đại quân thời cổ xưa trùng trùng ra trận. Bữa đó ở trường mẹ cũng vừa tan học, mẹ đi trên bờ đê sông, con đê nhô lên như một vệt cắt kéo dài chia bên ni đồng, bên tê bãi bồi phù sa do sông tấp vào ráng vàng như bánh mật. Mẹ vẫn thường đi về như thế, để được thư giản sau những giờ lên lớp. Chính lúc ấy có một cơn giông bất ngờ ập đến, gió thổi mạnh làm bật tung cái cặp đựng xấp bài kiểm tra mẹ đang cầm trên tay. Những tờ giấy cuốn theo chiều gió như một đàn cò trắng, mẹ cuống lên như muốn khóc vì sợ mất bài kiểm tra của lớp. Mẹ đuổi theo để cố giành lại. Mẹ vấp ngã dúi dụi, còn những tờ giấy kia cứ dập dờn lên xuống cứ như nó đang chọc tức mẹ, trong lúc phía tây một màn mưa đen đặc ào ào đổ tới. Đúng cái khoảnh khắc tuyệt vọng đó bố cháu xuất hiện. Bố quẳng ba lô bên vệ cỏ, rồi rượt đuổi theo từng tờ giấy. Hôm ấy bố giống một thiên thần có cánh trong truyện cổ Hy Lạp. Bố bay, bố nhảy, khi tiến, khi lùi, trong sự gào rít của gió cuốn bay mịt mù. Rồi bố nhặt đủ số bài kiểm tra giao lại cho mẹ, vừa lúc cơn mưa cũng đổ xuống. Những hạt mưa đầu tiên to nặng, căng nhức, quất vào mặt mẹ rát rạt. Bố vội vàng mở ba lô lấy tấm vải dù rồi khoác lên người mẹ, cử chỉ ấy làm mẹ xúc động rưng rưng. Mẹ định nói với bố một lời cảm ơn, nhưng lưỡi mẹ lại líu ríu không nói được gì. Bố nhìn mẹ và mẹ nhận ra trong đôi mắt ấy rằng con tim bố đang nói gì.

Mười ngày phép của bố là mười ngày thần tiên của mẹ. Bố chẳng hề đi đâu nếu không có mẹ. Đêm nào bố và mẹ cũng ra cánh đồng ngô ven sông để ngồi trò chuyện. Rồi đêm cuối cùng ngày bố trở lại đơn vị, mẹ khóc nhiều vì thương bố. Mẹ sợ một cái gì đó không rõ ràng, rập rờn như ma quỉ muốn cướp bố đi của mẹ. Nước mắt mẹ tuôn đầm ngực áo bố, còn bố thì luôn vỗ về nói với mẹ “đợi anh về”. Mẹ càng khóc và chợt nhớ đến những vần thơ của Ximônốp trong bài “Đợi anh về em nhé”. Nhưng đợi tới bao giờ? Thế là mẹ không cầm lòng được và đêm ấy mẹ không giữ được chữ trinh của mẹ. Mẹ đã tự nguyện hiến dâng cho bố. “Chao ôi, chính cái đêm ấy đời cháu đã được định đoạt”.

Có tiếng “sẹt” nghe rất mỏng bên ngoài cửa sổ, hình như một chiếc lá vàng rơi bị gió lùa đập vào ô kính. Lập dừng một lát đầu hơi gục xuống, tiếng Lập như nén lại chầm chậm xót xa: “Ở đời khó ai lường trước cái gì sẽ đến...”. Bố cháu đi được một thời gian thì bất hạnh đổ xuống đầu mẹ. Lúc đầu mẹ sợ cái thai mỗi ngày một lớn và mẹ đâm ra lú lẫn. Mẹ tránh né những chổ đông người. Mẹ sợ những ánh mắt săm soi như vạch tìm chấy rận và cả cái nhếch mép cười không thành tiếng. Mẹ sợ người ta qui trách nhiệm là kẻ phá hoại công lao một năm của nhà trường để mất điểm thi đua. Vậy là mẹ phải dùng nịt vải quấn chặt quanh bụng, mặc áo rộng hơn để che mắt mọi người. Nhưng khi thai được bảy tháng, mẹ không đủ lòng can đảm để tiếp tục làm như thế. Nịt bụng là mẹ tự trói buộc con, tư do của con đã mất. Mỗi lần con đạp, con cựa là nước mắt mẹ ứa ra vì thương con. Đêm về khi chỉ có hai mẹ con mình, tay mẹ đặt lên bụng nhè nhẹ xoa và thì thầm nói chuyện với con. Mẹ bảo: “Tha lỗi cho mẹ, vì mẹ làm con khổ”. Con không nói được, nhưng con cựa quậy, bụng mẹ vồng lên xẹp xuống chắc là con đồng ý. Mẹ sung sướng vô cùng. Từ đấy mẹ nhất quyết không giằng, không buộc nữa. Mẹ muốn con như bao đứa trẻ khác khi sinh ra phải được phát triển bình thường khỏe mạnh và thông minh. Bao giờ chiến tranh kết thúc, bố về mẹ sẽ không phải xấu hổ với bố. Tháng cuối cùng cái bụng mẹ to gióng lên như cái nón úp, mẹ đi đứng khó nhọc. Rồi chuyện vỡ oà, tiếng dữ đồn xa bay như cơn lốc. Người đầu tiên mẹ phải đối mặt là ông hiệu trưởng. Ông yêu cầu mẹ phải làm kiểm điểm, nhưng mẹ nói “tôi không có tội!”. Ông ta giơ tay đập bàn, cao giọng: “Thế cái quái gì lù lù ở ngay bụng cô?”. Mẹ cãi: “anh đã biết cần gì phải hỏi?!”. Ông hiệu trưởng uất như bị điện giật, đứng phắt dậy mặt nhăn nhúm gào to: “Láo, cô… cô láo, tôi sẽ đề nghị sở cho cô nghỉ dạy”. Một tháng sau mẹ có quyết định mất việc làm, lý do ghi “vi phạm đạo đức, phẩm chất người giáo viên nhân dân”. Cái kỷ luật rơi xuống đầu mẹ quá nặng, lại thêm những lời đàm tiếu cay độc giống như tảng đá ập xuống làm nát bươm thân cỏ. Rồi mẹ ốm liệt giường. Có lúc mẹ đã nghĩ tới cái chết để giải thoát khỏi nỗi oan ức, nhưng thật may trong sự tuyệt vọng mẹ còn đủ tỉnh táo để nghĩ tới giọt máu của bố mà mẹ đang mang. “Nó chẳng có tội tình gì, chết tức là phản bội bố”. Thế là mẹ trụ được. Nhưng mẹ cháu như con thuyền nhỏ giữa đại dương mịt mù giông tố, cuối năm 1968 mẹ sinh con và đặt tên là Lập.

Lập, hay nhỉ.

Tôi khen cái tên mẹ anh đặt. Chợt nét mặt Lập sáng lên làm biến mất vừa mới đó cái buồn rười rượi.

Lập, Trịnh Độc Lập. Chọn tên ấy mẹ cháu nuôi hy vọng ngày giải phóng miền Nam bố cháu sẽ về, vậy mà chờ mãi, chờ mãi, không một tin tức, một lá thư nào mẹ cháu nhận được.

Chiến tranh cháu ạ, việc trao đổi thư từ tiền tuyến đến hậu phương là hết sức khó khăn.

Tôi cố lý giải ngắn gọn để Lập hiểu. Lập nói tiếp:

Phải mất bảy năm kể từ khi sinh cháu, tới năm 1975 giải phóng Sài Gòn. Bảy năm lúc cười, lúc khóc, lúc héo mòn chờ đợi. Không đêm nào khi về khuya thanh vắng, mẹ thường đứng như một tượng đá mặt ngẩng cao hướng về phương Nam xa thẳm. Mẹ mong bố về. Mẹ bảo chỉ có bố mới minh oan cho mẹ! Nhưng hy vọng của mẹ dần trở thành thất vọng. Miền Nam giải phóng, niềm vui chung quá vĩ đại nên tổ chức chưa kịp báo tin, mãi ba tháng sau bên bà nội có giấy báo tử bố cháu hy sinh.

Năm 1975? – Tôi thảng thốt hỏi.

Vâng, năm 1975!

Bố hy sinh làm mẹ cuồng lên hoảng loạn. Lần trước mẹ đã vực dậy vì còn có niềm tin. Lần này mẹ sụp đổ hoàn toàn vì mất chỗ dựa là bố. Người đời bây giờ nhất là những kẻ ưa đơm đặt càng có lý do để rỉa rói mẹ, coi mẹ như một con bệnh hủi. Đau đớn, mẹ sinh quẫn trí và mẹ đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng thật may mùa này nước sông cạn, tụi trẻ chăn bò nhìn thấy gào người kêu cứu. Vậy là người ta vớt được mẹ, thoát chết, nhưng mẹ cháu cũng câm lặng từ đấy bác ạ. Bà ngoại cháu khổ đời góa bụa, giờ lại đau nỗi đau của con. Bà thương mẹ, khóc nhiều, thân thể bà quắt quay như cây gỗ mục. Bà sinh bệnh rồi mất. Nhà còn hai mẹ con, mẹ cháu sống như chết, gặp người lạ mẹ sợ, mẹ chạy trốn và run cầm cập. Ngày đó cháu đang học dở năm cuối cùng cấp ba, đành phải bỏ học để đi làm kiếm tiền nuôi mẹ.

Lập ngừng kể, quay mặt giấu những giọt nước mắt đang rơi. Tôi im lặng nhìn Lập lòng dâng trào cảm thương. Lập già nhiều so với tuổi, bù lại coi bộ gân cốt rắn chắc, cái đầu hơi to mặc dù mái tóc cắt cua nhưng vẫn không cho ta cảm giác nhỏ hơn. Khuôn mặt giống bố, nhất là cái cằm vuông có đường chẻ giữa, đôi môi hơi dầy biểu hiện chất đàn ông mạnh mẽ, riêng cái mũi hếch lên một chút là dấu hiệu của nhiều thiệt thòi và bất hạnh. Đôi bàn tay Lập thô ráp chứng tỏ năm tháng ngày qua, Lập phải làm việc cật lực để kiếm sống nuôi mình nuôi mẹ. Tôi chờ Lập ngửng đầu lên, mới hỏi:

Mẹ con cháu sao không sang thưa chuyện với ông bà nội?

Bất chợt Lập thở dài và nói thật nhanh cùng cái lắc đầu chua chát:

Rồi bác ạ.

Tốt chứ? – Tôi cắt ngang lời Lập. Lần này Lập bật lên tiếng khóc. Lạ thật, tiếng khóc như cứa vào ngực tôi buốt rát.

Đấy là nỗi đau lớn nhất của mẹ con cháu. Tin bố mất, đẩy mẹ tìm đến cái chết. Người ta cứu mẹ, tuy sống nhưng mẹ lại câm. Lẽ ra mẹ không nặng đến thế. Sau một tuần được bà ngoại và những người tốt xung quanh vào viện chăm sóc mẹ đã đi được trong nhà, nhưng khi nghe bên nội không chịu nhận cháu là con bố Luận, mẹ thét lên rồi đổ xuống. Từ hôm đó mẹ hoàn toàn cấm khẩu.

Ai đi bên nội? – Tôi hỏi.

Khi còn sống bà ngoại cháu sang.

Còn cháu?

Chưa lần nào ạ.

Vì sao?

Năm bảy lăm cháu còn nhỏ, bây giờ lớn cháu nghĩ …

- Cháu nói tiếp đi.

- Cháu biết gia phong bên ấy. Bố cháu là con thứ, trên bố có bác cả, sau bác cả là ba người em gái, tất cả đều có gia thất đàng hoàng. Bác cả lại có tới bốn người con trai, hai người đã lập gia đình, nội ngoại cháu chắt tới vài chục. Ông nội mất sớm, nghe đâu là hậu duệ thứ chín thứ mười gì đó của Chúa Trịnh lang bạt về đất Thọ Xuân lập nghiệp ở đó đến nay.

Vì thế mà cháu không sang?

Vâng. Họ cần gì tới cháu, một đứa con vô thừa nhận. Nhưng nhiều đêm cháu không ngủ được, khi nhìn thấy mẹ đứng trân trân giữa trời mỏnh mảnh như tàu lá chuối khô, hướng về phương Nam xa vời là máu trong người cháu sôi lên căm giận. Rồi ý nghĩ phải tìm lại cội nguồn của mình để rửa nhục cho mẹ.

Bác ủng hộ cháu, nhưng cần phải bình tĩnh, khoa học ngày nay họ có thể giúp cháu tìm ra sự thật!

Tôi nói với Lập bằng ý niệm tự tin, còn Lập lại nhìn vào một thực tế khác.

Khoa học hả bác. Khoa học bao giờ cũng đúng, nhưng có khi bất lực trước một tập tục cổ hủ ạ.

Ý cháu muốn nói đến gia phong nhà họ Trịnh?

Vâng, mẹ cháu thì phải trả giá, còn họ vì cái gia phong chết tiệt ấy mà vô trách nhiệm.

Có thể vì lý do nào đó mà bên ấy cần có thời gian?

Lập khẽ nhếch môi cười nhạt.

Thời gian ư? Mấy chục năm chưa đủ cho họ soi xét sao?

Không, bác muốn nói về mặt pháp lý.

Nghĩa là hai bên gia đình không biết gì về mối quan hệ của bố mẹ cháu?

Đúng! Giá ngày ấy, bố cháu xin hai bên được phép tìm hiểu thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn nhiều. Phần cháu bác nghĩ nếu như cháu đã sang, biết đâu cái huyết thống trong con người ta… lạ lắm cháu ạ.

Nói là nói vậy, để an ủi Lập ít ra lúc này. Nhìn khuôn mặt vẫn căng cứng chưa chút mềm đi, hai cánh mũi đỏ lựng, tôi nghĩ tới Luận. Tôi không muốn trách nó, một con người đã chết thật tội, bởi dẫu sao nó cũng có một đức tin mãnh liệt hẹn ngày trở về với mối tình đầu.

*

Cuối năm 1967, đoàn 1103 của tôi thần tốc vào chiến trường “B1” rồi cuốn ngay vào chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Sau đấy địch phản công ta quyết liệt, nhiều đơn vị phải tạm lui về hậu cứ để củng cố lực lượng. Ngày đó tôi và Luận cùng biên chế trong một đơn vị kho “K2” thuộc Cục hậu cần Quân khu 5.

Kho “K2” ẩn mình trong một khu rừng nguyên sinh rộng khoảng hơn hai chục héc ta, nhìn từ trên cao xuống rừng xanh ngăn ngắt, giống một tấm thảm choàng khổng lồ phủ kín mặt đất. “K2” có một tầm quan trọng đặc biệt nhận hàng từ miền Bắc chuyển vào theo đường Trường Sơn, và cũng từ đây chúng tôi cung cấp đi các mặt trận Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa. Ngày đó ô tô vận tải chưa có, phương tiện chủ yếu là dùng sức người gùi cõng vô cùng gian khổ. Giai đoạn năm 1969 đến năm 1971, cái đói tựa thần chết ám ảnh những người lính chúng tôi thật khủng khiếp. Ở kho “K2” lại chứa toàn vũ khí, chỉ một phần rất nhỏ là gạo, thuốc chữa bệnh cùng thực phẩm, nhưng gạo chỉ ưu tiên giành cho thương bệnh binh và khi có lệnh của trên mới được xuất. Để sống được đơn vị tôi phải nhờ vào ăn củ mì, củ chụp, rau tàu bay, rau môn thục rừng. Những trận sốt rét rừng đến rụng tóc, nhiều đồng đội tôi đã hy sinh chỉ vì thiếu gạo, thiếu thuốc. Tôi, chính tôi sống được đến hôm nay là nhờ có Luận. Một lần sau chiến dịch “B10” ta đánh vào chi khu Thượng Đức làm tôi kiệt sức, tôi bị sốt rét ác tính nằm liệt đến hơn hai chục ngày. Sốt làm tôi đái ra huyết, người gày rọc chỉ còn da bọc xương và nghĩ rằng mình sẽ chết. Để cứu được tôi, ở viện người ta bảo phải cần có máu. Vậy là cả đơn vị thử máu sẵn sàng hiến cho tôi, nhưng chỉ có Luận là đủ sức khoẻ và cùng nhóm máu với tôi. Thế là người ta đã lấy máu của Luận gần ba trăm mililít để truyền cho tôi. Tôi đã vượt qua cửa tử thần đó, nhờ trong tôi có máu của Luận. Cuộc sống khốc liệt tiếp theo càng gắn giữa hai chúng tôi như hình với bóng, lại cùng quê, nên chẳng dấu nhau chuyện gì. Rồi một lần tôi và Luận được cử đi xuống gianh cõng gạo. Mừng vì đơn vị sắp có cơm ăn và mình thế nào cũng được một bữa no chặt dạ. Nhưng chuyến đi ấy không thành, giữa đường gặp một tốp người của đơn vị khác đang ngược chiều lên, họ báo cho biết phía trước có địch. “Địch càn”. Địch đã chặn mất lối, đành quay về. Thế rồi trên đường về lại gặp mưa. Mưa rừng thật khủng khiếp, gió quất vào ngàn cây, mưa phủ mù mặt đất, âm thanh cuồng nộ, dữ dằn như đất trời muốn đổ sụp thoắt cái nước đục ngầu ập xuống, con suối lúc chiều chúng tôi đi qua chỉ le te một vệt nước, giờ đã biến thành dòng thác hung dữ. Tôi và Luận vội chạy lên một gò đất cao hạ trại, chân tay rã rời và cái đói cồn ào sôi réo trong bao tử. Đúng lúc đó Luận móc trong bao gùi kéo ra một chiếc ăng gô, tôi mừng quýnh nhớ ra buổi trưa chúng tôi ăn vẫn còn để giành lại một ít bắp phòng khi bất trắc. Nằm trên võng hai đứa chuyền tay nhau, thò tay vào ăng gô bốc từng hạt bắp nhai tóp tép. Úi chao thật khó tả ngon đến mức nào, tôi cảm nhận mỗi hạt bắp là một viên thuốc thánh, bắp làm cho chúng tôi tỉnh lại, nhưng đêm dài quá, mưa vẫn rơi dầm dề, chốc chốc một cơn gió bất thần ùa qua xô mái tăng làm nước bắn tung tóe cả vào người vào mặt lạnh ngắt. Rồi hạt bắp cuối cùng cũng hết, mưa ngớt dần, tiếng vượn hú tìm đàn vọng ra từ trong rừng sâu thẳm càng thêm buồn mênh mang. Tôi cố chợp mắt để quên đi cái không gian rờn rợn đó. Lại một tiếng con nai kêu “ù… oác, ù… oác” nghe đâu đấy rất gần. Tôi khẽ cựa mình cho đỡ mỏi sợ làm mất giấc ngủ của Luận, không ngờ Luận cũng không ngủ được và Luận hỏi với qua: “Chưa ngủ à?”. Tôi đáp: “Chưa”. Luận tiếp: “Nhớ ai phải không?”. Tôi bảo: “Nhớ nhà”.  Luận im lặng, nhưng tôi nghe tiếng hắn cười nho nhỏ và hai bàn chân nó đì sát mặt võng kêu rin rít. “Xạo mi? Nhớ nhà đứa đếch mô không nhớ, tau muốn hỏi mi cái nứ”. Giọng xứ Thanh đặc sệt, hóa ra Luận muốn hỏi tôi về một vấn đề nghiêm túc. Tôi hỏi “cái gì?”. Một tiếng thở dài phả vào đêm mưa đặc quánh, rồi nó nói: “Có thể cô nứ đã có con!”. Luận làm tôi ngạc nhiên. Tôi nhổm dậy làm cánh võng chao nghiêng và hỏi gấp: “Cậu có vợ?”. “Không!”. Luận trả lời cộc lốc. Tôi gắt “cái quái gì vậy?”. Tôi mệt mỏi nằm xuống nín thở chờ đợi. Rồi trong cái đêm ấy Luận đã kể tôi nghe câu chuyện tình lãng mạn của nó.

*

“Nàng tên là Liên, lần tau về phép đặc biệt trước khi vào Nam mi nhớ không?”. Mẹ khỉ, ai đã nói rất có lý: “Aí tình bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên”. Luận nói hắn đã gặp nàng và yêu nàng chính là như thế. “Mi không tưởng tượng được tau mê nàng ra răng. Những ngày đó tau như sống ở một thế giới khác. Đêm mô tau và nàng cũng dắt tay nhau ra bờ sông trò chuyện. Ngồi ở đấy thật yên tĩnh, trên sông những chiếc thuyền buồm căng gió xé nước ngược dòng và từ mạn sơn tràng nối đuôi nhau nhiều mảng bè tre, bè gỗ lững lờ về xuôi, tiếng mái chèo cạy nước “ắc ọp” đều đều khoan thai. Xa xa ngoài vụng Vực gần cầu Hàm Rồng, thỉnh thoảng vẳng đến tiếng ì ầm của máy bay Mỹ, tiếng nổ của đạn pháo phòng không vạch trời đêm vút lên những đường lửa đỏ lừ như máu.

Đêm cuối cùng ngày mai về đơn vị, chưa bao giờ tau thấy thời gian dài và tàn nhẫn như rứa Hồng ơi. Tau muốn níu thời gian dừng lại, nhưng làm sao có thể làm được? Tau chạy đua với nó. Tau cầm tay nàng bàn tay thon trắng như búp măng, rồi cả hai luồn lách qua những hàng ngô đang mùa trổ hoa trắng xóa, phấn ngô bung bẩy bay bay theo gió tỏa ngát mùi hương thơm dìu dịu. Dọc sát mép sông dài tít tắp có nhiều bông hoa cải vàng, trong đêm cái màu ấy đẹp tựa màu ngà voi, gió thổi làm hoa chung chiêng đẹp như một dải lụa. Chạy mãi thấm mệt, nàng bắt tau dừng và biểu tau nhắm mắt. Nàng nói - Em cấm anh không được đi mô. Nàng bắt tau nhốt trong vòng “tránh yêu” của Tôn Ngộ Không, như giữ Đường Tam Tạng ngày xưa đi Tây Thiên lấy kinh ấy. Nàng biến đi mô một lúc, sau đó đến nắm tay tau rồi dắt đi. Tau dò dẫm theo nàng. Tau đếm thầm trong miệng được chừng ba chục bước thì dừng lạ, rồi biểu tau mở mắt. - Đẹp quá. Tau khẽ reo lên. Ở giữa gianh giới bên ngô, bên cải, nàng hái những bông ngô và hoa cải vàng xếp trên mặt đất tạo thành một vuông thảm hoa nho nhỏ mỗi chiều dài hơn một mét. Nàng ấn vai biểu tau ngồi xuống. Tau nói với nàng - Làm chi vất rứa? Nàng cười, rồi ghé sát vào tai tau thủ thỉ - Làm chi à, để rồi anh phải nhớ em suốt đời. Mai đây anh có đi mô, dù vinh hoa phú quý ra răng anh cũng luôn nghĩ về quê nhớ cái mùi thơm của hoa ngô, hoa cải đêm nay nhé. Cái đêm ấy tau đã say. Tau say cái chất quê quyến rũ như rút ra từ ruột gan của đất. Tau hôn nàng cuồng nhiệt. Nàng cứ để cho khao khát của tau thoả thích. Tau đặt bàn tay của tau vào nơi trái tim nàng. Tau cảm nhận nhịp tim nàng run rẩy như vang lên tiếng - Em yêu anh! Tau đờ đẫn trước đức tin cao thượng đó và tau đã chiếm đoạt nàng trong niềm hoang lạc cuồng si. Sự sâm thực quá lố khiến tau thành kẻ tội phạm, do đi quá xa cái ngưỡng mà lẽ ra tau phải biết dừng. Tau xót xa thương nàng đến rơi nước mắt. Nhưng muộn rồi, tau chỉ còn một cách. Tau đứng bật dậy ôm thốc nàng trên tay, rồi ngẩng cao đầu nhìn lên trời cao vời vợi, tau thề - Xin trời đất hãy chứng giám cho tình yêu của chúng con đêm nay. Nàng khóc oà, hai tay nàng ghì chặt cổ tau vít xuống cho đến khi môi tau kề bên môi nàng”.

Chuyện Luận kể tôi nghe như đọc tiểu thuyết. Với ai thì khác, với Luận tôi tin. Nghĩ vậy tôi xoay người về phía Luận nói: “Tao mừng cho mi Luận ạ, nhất định mi có một đứa con”. Vừa lúc có tiếng gà rừng gáy te te bên kia suối. Trời sắp sáng.

Hai tháng sau tôi và Luận lại được phân công đi nhổ mì giúp chị nuôi. Sáu giờ trời còn sâm sẫm tối, phía đông hạ lưu sông Tranh hơi nước qua đêm còn đọng trên những ngọn cây tạo nên một vệt mù trắng xoá. Ở rừng đẹp nhất là thời khắc này, vừa thực, vừa huyền bí giống như ta đang ngắm một bức tranh cổ Trung Hoa. Tôi và Luận vai gùi tay rựa, trước ngực lủng lẳng cây AK47, thắt lưng đủ cơ số đạn bốn băng AK và hai trái lựu đạn hìng trái thông khô. Rẫy cách xa đơn vị gần ba ngàn mét ngược suối đi lên. Rẫy xa cũng vì để giữ bí mật, thời gian đi về, cộng thời gian nhổ mì tại rẫy không có trở ngại gì phải mất hơn ba giờ đồng hồ, nhưng hôm ấy đi mới được non cây số đã nghe tiếng vo vo của máy bay trinh sát hai thân OV10. Cái thứ này bay cao, xuất hiện ở đâu là quần dai như đỉa. Nhìn trời tôi bảo Luận “có đầm già”. Luận đáp tỉnh queo: “Con mèo hen, kệ bố hắn”, rồi hai đứa vẫn bước nhanh về phía trước.

Khoảng tám giờ rưỡi con đầm già vọt lên cao rồi biến mất, tôi và Luận nhổ xong mì rồi đang lom khom xếp củ vào gùi. Bỗng Luận đứng bật dậy, đưa tay lên che ngang tầm mặt nhìn về hướng đông. Tôi nghe tiếng Luận nói gấp “địch càn”. Chúng tôi chụp vội cây súng rồi cùng lao vào bìa rừng. Một cơn lốc tiếng động tràn tới mỗi lúc dữ dội dần lên, liền đó một loạt tiếng nổ đanh lạnh như xé vào óc “oành, oành, oành”. Chớp lửa nhoắng nhoằng vun vút chém sau lưng, hơi nóng chực đẩy tôi ngã sấp, mùi khói thuốc cay nồng thổi vào miệng vào mũi làm tôi muốn tắc thở. Luận tựa vào một mô đất mối. Tôi áp sát người dưới một gốc cây bằng lăng to đùng làm bia tránh miểng. Hai đứa cách nhau trên mười bước chân, mắt Luận trừng trừng nhìn về khoảng trời trước mặt, miệng mấp máy đếm lũ máy bay xong quay sang tôi nói: “Chín con cá lẹp HU1A, hai con rọ”. Bầy trực thăng chia làm ba tốp từ hướng chính diện mặt trời vọt lên. Hai con rọ (máy bay trông giống cái rọ) là là theo triền sông Tranh rồi tách trái, lóc lách bay dọc con suối về phía kho “K2” xả đạn như vãi cát. “Oành, oành, oành”. Một loạt tên lửa từ trực thăng phóng ra. “Nằm xuống”. Tôi nghe tiếng Luận gào và chỉ kịp úp mặt xuống đất. Mặt đất rung lên như chao võng, tiếng cây đổ ào ào, một vạt rừng bị phạt ngã ngổn ngang lá rụng để trơ những thân cây như một đống xương cá. Tôi ngóc đầu nhìn sang Luận thấy nó trồi lên trong lớp lá cây, tôi định hỏi nó có sao không nhưng đã nghe tiếng Luận chửi “đồ chó, bọn ni sắp đổ quân”. “Pằng… pằng… pằng”, bây giờ là tiếng đại liên của chúng khạc ra từ trên máy bay bắn xuống. Tôi có cảm tưởng loạt súng máy kia là chúng nó giành cho Luận. Đạn chít chéo trên đầu sắc lẻm, rồi tiếng súng im bặt, đàn trực thăng đảo vòng hạ thấp độ cao. Trong tiếng rít của động cơ máy bay và tiếng gió ào ào thổi ra từ cánh quạt trực thăng, tôi nghe tiếng Luận gấp gáp “Hồng, mi về ngay đơn vị báo cáo nhé ...”. Vào chiến trường ít nhiều tôi đã có kinh nghiệm trận mạc, nhưng lúc này đây chỉ có hai đứa tôi không thể bỏ Luận một mình. Nghĩ vậy, tôi bảo “không, tau ở lại với mi”. Lại tiếng Luận khẩn khoản “Hồng nghe tau, nếu không cả hai ta đều chết!”.

Giờ tôi đã hiểu Luận. Kho “K2” tuy có khoảng cách an toàn từ đây về, nhưng rất có thể sau khi đổ quân địch mở hướng càn theo dòng suối “K2” có nguy cơ bị lộ. Toàn bộ chiến trường “B1” từ sau tết Mậu Thân đều trông đợi vào cụm kho chiến lược này. Nhưng còn thằng Luận? Chao ôi nó đã yêu, tôi nghĩ đến Liên, người vợ chưa cưới và đứa con của nó, nước mắt tôi tự nhiên trào ra. Tôi thương thằng Luận. Tôi gào lên phản kháng “mi cần phải sống, tau ở lại kìm chân chúng, về đi Luận”. Thời gian bắt đầu tính bằng giây, ngoài kia từng chiếc trực thăng lần lượt thay nhau đáp xuống đổ quân, rồi bay lên để lại một cơn lốc tung mù mặt đất. Tôi vẫn lì cố nán để ép Luận phải về. Tôi nhìn sang nó và bắt gặp ánh mắt Luận đỏ ngầu, chợt tiếng Luận rít qua kẽ răng “Cút đi”. Trời ơi, không còn cách nào khác ư? Cổ tôi nghẹn ứ rồi xách súng vọt đi, phía sau tôi đã vang lên tiếng súng AK nổ. Trận đánh không cân sức giữa một bên hàng trăm tên lính Sài Gòn và bên ta chỉ một mình Luận.

Mười hai giờ trưa trận đánh kết thúc, thật may đơn vị tôi đã tổ chức kịp một mũi bất ngờ tập hậu. Địch bị thương vong đậm, tôi đếm được mười ba xác chết chúng khênh lên trực thăng rồi tháo chạy. Tôi bổ đi tìm Luận. Tôi tới chổ ban đầu nơi hai đứa giành nhau ở lại nhưng không thấy Luận đâu. Tôi tuyệt vọng bới tìm trong đống đất đá sẫm bầm thuốc súng. Tôi nhặt được chiếc mũ tai bèo rách bươm vướng trên cành cây gãy. Tôi nắm chặt chiếc mũ trong lòng tay mình và lao vào rừng ngược lên hướng Bắc. Tôi đoán, chắc Luận đã cơ động về phía ấy để nghi binh địch. Tôi gào thật to gọi “Luận ơi …” hy vọng Luận đang ở một nơi nào đó nghe được. Tôi tiếp tục gọi, gọi mãi, nhưng chỉ nghe tiếng suối Tà Bưng chảy và tiếng gió hú từ rừng sâu hắt về “Lua ơ…”. Người Kà Tu bảo, tiếng ấy không còn là tiếng gọi của người nữa, đó là tiếng hú của “ma rừng”. Luận đã chết thật! Luận nằm sấp một tay vẫn nắm khẩu AK, tay kia cầm trái lựu đạn chưa kịp rút chốt và chân co, chân duỗi. Xác Luận không còn nguyên vẹn, cái đầu nát bấy, óc bắn vung vãi do nhiều vật đâm nhọn sắc cắm vào đầu. “Luận, Luận”. Tôi ôm Luận khóc thảm thiết.

*

Đơn vị tôi tổ chức cuộc họp đột xuất do K trưởng Vũ Đình Mộc chủ trì. Cuộc họp chỉ một nội dung nhận xét về Luận, chúng tôi đều thống nhất cao tinh thần hy sinh quả cảm của anh, đúng như lời K trưởng Mộc kết luận: “Nhờ đồng chí Luận mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, nghi binh đánh lạc hướng quân địch nên cứu được vùng kho khỏi bị huỷ diệt. Toàn đơn vị đề nghị Đảng, Nhà nước, xét truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Trịnh Đình Luận”.

Bác Hồng . – Tiếng Lập gọi làm tôi sực tỉnh.

Ờ… ờ, nhưng làm sao cháu biết được bác ở đây?

Cháu nhờ cái này. - Nói rồi Lập kéo chiếc túi vải đặt lên đùi, đôi bàn tay run run mở nút thắt. Lập kéo ra một cái bao ni lon mỏng, trong bao có một chiếc phong bì giấy cũ đã bạc sờn, rồi rút ra một tấm ảnh mầu đen trắng cỡ sáu nhân chín. Lập cầm hai tay đưa cho tôi. Nhìn tấm ảnh tôi sửng sờ, rồi bật lên tiếng kêu khe khẽ “Luận”. Trời ơi, đó là tấm ảnh tôi và Luận chụp chung trước lúc đi B, mấy chục năm rồi mà nước ảnh vẫn còn sáng đẹp rõ từng chi tiết. Ảnh đặc tả hai khuôn mặt tròn căng phúng phính, môi nở nụ cười rạng rỡ. Sau ảnh vẫn còn nguyên dòng chữ của tôi viết đề tặng: “Mến tặng con trâu mộng, ngày 20 tháng 10 năm 1967. Nguyễn Đình Hồng, 15 Tống Duy Tân, thị xã Thanh Hoá”.

Chữ bác phải không?

Ừ chữ bác. Chữ bác cháu ạ!

Cháu coi tấm ảnh như là báu vật, ngoài nó ra bố cháu không để lại một thứ gì cho mẹ. Gia đình cháu đã bất lực trước mọi lý lẽ. Cháu còn hy vọng duy nhất vào tấm ảnh này, vào bút tích của bác. Cháu tin chỉ có bác, biết mọi bí mật của bố cháu. Bác sẽ giải mọi oan khuất cho mẹ con cháu. Nghĩ thế mà cháu đi. Cháu nhảy xe đò về Thanh Hóa, cháu tìm tới số nhà 15 Tống Duy Tân, nhưng chủ nhà mới bảo gia đình bác đã chuyển ra Hà Nội và còn cho biết cả địa chỉ, nhờ vậy cháu tìm được tới đây.

Chao ôi, vô tình tôi trở thành kẻ nhẫn tâm. Tôi cũng có một tấm ảnh như thế, có lời đề tặng tên, tuổi, quê quán của Luận. Có điều tôi không có người yêu để gửi tặng. Tôi đã đem theo tấm ảnh đó vào chiến trường, nhưng vào thời kỳ ác liệt tôi sơ suất mất lúc nào không hay. Rồi chiến tranh kết thúc, tôi ở lại miền Nam một thời gian dài, năm 1979 tôi sang Cămpuchia, ra hải đảo và về hưu khi ở tuổi bốn lăm. Tôi trở thành thường dân, cuộc sống hàng ngày biết bao nhiêu thứ không tên làm tôi vô tình quên lãng.

Vâng, tôi có rất nhiều lý do để biện hộ cho sự chậm trễ của mình, nhưng để làm gì? Tôi không giữ được lời hứa đối với Luận “ngày thống nhất đứa mô còn sống nhớ về quê thăm nhau”. Luận đã chết. Tôi còn đây. Máu của Luận vẫn tồn tại chảy trong người tôi. Tôi có lỗi với Luận. Tôi có lỗi! Nghĩ vậy, tôi quay sang nói với Lập:

Ngày mai ta về quê con ạ. Ngày mai. - Bất giác tôi gọi Lập bằng con.

Lập nắm chặt bàn tay tôi nấc lên. Ngoài kia gió tạt vào hàng sấu, lá vỗ lao xao và nắng đã bừng lên nhưng cái lạnh vẫn còn tê tái.

Đà Nẵng năm 1985.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm