TIN TỨC

Tiến sĩ ngữ văn Hà Thanh Vân: Sát thủ diệt đạo văn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-09-23 17:41:05
mail facebook google pos stwis
5124 lượt xem

Một câu chuyện thật khó tin, tính đến nay, cuốn sách nghiên cứu: So sánh loại tiểu thuyết “tài tử giai nhân” ở một số nước phương Đông thời kỳ trung đại (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên) (NXB KHXH, 2010) của TS Hà Thanh Vân đã liên tục bị đạo văn, dù tác giả nhiều lần lên tiếng.

Trước “mùa” luận văn mới, rất cần phải cảnh báo về vấn nạn này trong hàng ngàn, hàng vạn những “công trình khoa học đầu đời” của các vị cử nhân tương lai. Điều này không chỉ phản ánh vài thực trạng đáng buồn của giáo dục Việt Nam, mà còn cho thấy sự sa sút nghiêm trọng về văn hóa và đạo đức khoa học.
 
“Trong những năm gần đây, do công việc nên tôi thường xuyên có dịp chấm khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, đề tài nghiên cứu. Do vậy khi ngồi các hội đồng, điều quan tâm của tôi không chỉ là chất lượng của các đề tài nghiên cứu, mà còn hình thành thói quen “cảnh giác” xem thử đề tài ấy có “đạo văn” của ai không. Sở dĩ hình thành thói quen như vậy là từ thực tế, tôi đã gặp quá nhiều vụ đạo văn ở mọi cấp độ, mọi hình thức”, TS Hà Thanh Vân bắt đầu câu chuyện.
 
Tràn lan cách đạo văn “hiện đại”
 
* Vụ đạo văn gần đây nhất mà chị phát hiện là vụ nào?
- Chỉ cách đây vài tuần thôi, với chính công trình của tôi. Một sinh viên ở đại học dân lập đã viết khóa luận dài 85 trang, thì 80 trang là sao chép y nguyên không sai một dấu chấm, dấu phẩy từ cuốn sách So sánh loại tiểu thuyết “tài tử giai nhân” ở một số nước phương Đông thời kỳ trung đại (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên). Điều đáng nói là em ấy không hề đưa cuốn sách của tôi vào danh mục tài liệu tham khảo, nhưng lại sao chép nguyên văn, thậm chí đến cả phụ lục và hình ảnh. Đây là lần thứ 4 cuốn sách bị đạo văn mà tôi phát hiện được; còn chuyện đạo văn bây giờ thì phổ biến lắm, mùa bảo vệ nào mà chả có.
Tôi biết, nói thì phải có chứng cứ, nhưng xin phép không nêu tên cụ thể ra đây, vì lý do duy nhất: không nên “nổi tiếng hóa” những trường hợp xấu này.
 
Hà Thanh Vân sinh năm 1974, bảo vệ luận án tiến sĩ ngữ văn năm 2004. Chị là đồng tác giả của khoảng 15 đầu sách đã xuất bản, đơn cử như Văn hóa, văn học từ một góc nhìn (2002), Thơ văn nữ Nam Bộ thế kỷ XX (2002), Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (2004), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại (2 tập, 2006), Nam bộ nhìn từ văn hóa, văn học và ngôn ngữ (2011)…; và hai đầu sách riêng, trong đó Văn học trẻ TP.HCM 1975 – 2000 (tập 1, NXB VHVN TP.HCM, 2011).
 
* Lúc trước, cách đạo văn là tìm chép các luận văn, sách cũ, sách ít người biết, cách thức bây giờ thì thế nào?
- Cách đó đã là “truyền thống” rồi. Bây giờ “hiện đại hơn”, nhờ vào công cụ trên internet. Năm 2012 khi nhận phản biện độc lập đề tài nghiên cứu khoa học của một tỉnh miền Đông Nam Bộ, có kinh phí lên đến hàng tỷ đồng, tôi đã nhận ra có đến 50% là copy nguyên văn từ một số bài viết đăng trên trang web của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học KHXH&NV TP.HCM, 30% là copy từ một luận văn thạc sĩ ngành nhân học. Còn khi ngồi hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp đại học, có thể nói là tràn lan hiện tượng sao chép này.
* Có những luận văn giống luận văn 70, 80, 90%, phải chăng nó có nguồn cung cấp dữ liệu đặc biệt?
- Đúng là có tình trạng như vậy, mà không chỉ là 70%, 80% hay 90% mà có khi đến 100%. Và nguồn cung cấp không từ những người làm lần trước, số này ít thôi, mà chủ yếu từ trên mạng.
Hiện số trang web công khai bán luận văn nhiều không đếm xuể, tôi không nêu tên ra ở đây, vì ngại “nối giáo cho giặc”. Những trang này nếu đăng ký làm thành viên, bạn sẽ có quyền tải đầy đủ những cuốn luận văn. Điều kiện mua cũng rất dễ dàng. Mua bằng thẻ cào điện thoại, bằng chuyển khoản ngân hàng, bằng tin nhắn trên điện thoại. Thậm chí chủ trang web còn khuyến khích mọi thành viên nên đổi tài liệu lấy… tài liệu. Có nghĩa là bạn tải lên (upload) một tài liệu, sẽ có quyền tải về (download) một tài liệu khác miễn phí.
 

Bất lực trước nạn đạo văn

* Lúc trước thường chỉ người dốt, không có năng lực mới đạo văn, bây giờ thì thế nào?
- Trái với suy nghĩ của nhà báo đấy nhé. Không chỉ người dốt mới đạo văn đâu, mà cả người giỏi, có năng lực (hay tỏ ra có vẻ giỏi cũng không chừng) cũng đạo văn, mà không phải chỉ ở các em sinh viên, mà còn ở đủ nhóm người, tầng lớp xã hội. Bản thân tôi đã từng bị một nhà sư đạo văn.
Thời gian gần đây, ngồi hội đồng chấm luận văn cao học, có một em đang là giáo viên dạy văn ở một trường trung học phổ thông nổi tiếng ở TP.HCM cũng chép 80% từ một luận văn khác. Tôi cứ băn khoăn trường hợp này mãi vì bản thân em ấy cũng là giáo viên dạy văn, không hiểu em ấy sẽ dạy dỗ học trò như thế nào? Một trường hợp khác là một em sinh viên cử nhân tài năng của một trường đại học danh tiếng, cũng đạo văn. Thậm chí đề tài cấp tỉnh do tổng biên tập một tờ báo làm chủ nhiệm, cũng đạo văn.
 
* Lúc trước ở môi trường đại học Việt Nam thì hiếm khi có chuyện bảo vệ thạc sĩ hay tiến sĩ mà bị chấm rớt, dù nhiều luận văn sai be bét hoặc đạo văn tùm lum. Khi phát hiện, chị làm gì với các người đạo văn đó?
- Tôi thì hết sức kiên quyết trong những trường hợp này. Cho đến nay tôi đã chấm rớt 3 luận văn cao học, không cho bảo vệ nhiều luận văn đại học mà bắt chuyển sang thi tốt nghiệp.
Nhưng điều đáng nói là hành động của tôi có vẻ “lạc lõng”. Như trường hợp em sinh viên đạo văn vừa rồi, hội đồng định cho em ấy 5 điểm, cho qua, thậm chí còn định tổ chức bảo vệ riêng để bưng bít, “xấu che, tốt khoe”. Tôi đã không đồng ý và đến thẳng nơi bảo vệ, ngay trước giờ em ấy báo cáo, yêu cầu hội đồng ngưng lại. Kết quả là em sinh viên ấy không được bảo vệ và chuyển sang thi tốt nghiệp.
Tuy nhiên ở nhiều nơi vẫn còn có hành động du di, như trường hợp đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh nói ở trên, dù tôi đã viết văn bản đề nghị hội đồng nghiệm thu nên cho viết lại và bảo vệ lại, nhưng sau đó tôi nghe tin đề tài vẫn được cho qua, thậm chí xếp loại khá. Tôi buồn bã một thời gian vì thấy mình bất lực.
 
Ngồi hội đồng 3-4 nơi với tình trạng đạo văn tùm lum làm tôi ức chế, nhưng rồi cũng có một nơi để lấy làm vui, đó là khoa Văn học và Ngôn ngữ (ĐH KHXH&NV TP.HCM). Các thầy cô, đồng nghiệp của tôi ở đấy rất có tâm và trách nhiệm. Họ chấm thật sự dựa trên chất lượng của luận văn. Chính ở nơi này, tôi đã chấm cho 3 luận văn cao học “đạo văn” phải bảo vệ lại. Ngoài ra, việc cho điểm số cũng rất công minh. Bây giờ đã có những luận văn 5, 6, 7 điểm, chứ không phải chỉ toàn 8, 9,10 như lúc trước, như mọi người vẫn nghĩ.
 
Bìa cuốn sách So sánh loại tiểu thuyết “tài tử giai nhân” ở một số nước phương Đông thời kỳ trung đại (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên), với ít nhất 4 lần bị đạo văn trắng trợn.

Thụ động, ăn sẵn

* Có phải sự “kiểm định” đề tài quá khắt khe, quá lối mòn mà đẩy người viết đến chỗ ăn sẵn hoặc chẳng còn hứng thú gì để viết? Giá mà đại học chúng ta phát huy được tinh thần độc lập, khách quan trong nghiên cứu khoa học thì sẽ khác hơn?
- Hoàn toàn đồng ý với câu hỏi, cũng là câu trả lời rồi. Có một hiện tượng là với văn học Việt Nam hiện đại, với đề tài về những tác giả quen thuộc, là bị đạo văn nhiều nhất. Điều đáng nói là quỹ đề tài của chúng ta còn khá nghèo nàn, quanh đi quẩn lại chỉ một số vấn đề, một số tác giả. Phải chăng nên mạnh dạn và thông thoáng hơn trong cách nhìn, cách nghĩ, cổ vũ những đề tài mới thì mọi việc chắc sẽ khá hơn.
 
* Chị cắt nghĩa vì sao có hiện tượng “gà què ăn quẩn” đề tài quen này?
- Tôi cũng muốn nói là nhiều thầy cô bây giờ cũng có tư tưởng “an toàn”, không muốn học trò mình đi vào những đề tài mới. Họ sợ động chạm.
Mặt khác, làm những đề tài mới thì cũng khó khăn hơn rất nhiều, nên sinh viên cũng thích “ăn sẵn” cho đỡ mệt mỏi. Đơn cử, khi làm về văn học Nam bộ giai đoạn 1900-1945, nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu phải bỏ hàng năm trời đi đọc vi phim trong kho tài liệu hạn chế của thư viện, rất vất vả, nên ít ai dám làm. Hay viết về giai đoạn 1945-1975 của văn học miền Nam, ngoài những vấn đề “động chạm”, còn phải đi tìm nguồn tư liệu từ những cửa hàng sách cũ, hay từ thư viện, cũng rất khó khăn.
Bây giờ thì có những tác giả đang là “ngôi sao đường cũ”, tuy là tác giả chưa trở thành “kinh điển”, nhưng cũng có tiếng tăm và sinh viên làm đề tài về họ rất nhiều. Đó là Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Mạc Can… và gần đây thì có 2 tác giả nước ngoài rất được ưa chuộng là Murakami Haruki và Mạc Ngôn. Tôi ngồi không biết bao nhiêu luận văn về các tác giả này và bắt đầu… phát ngán vì nhiều luận văn cứ na ná nhau.
* Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thẳng thắn này.
 
Ao ước có phần mềm “diệt” đạo văn
“Vì tôi có “duyên” với chuyện phát hiện đạo văn, nên đã phát hiện khá nhiều vụ và đều kiên quyết xử lý hợp tình, hợp lý. Có em bị tôi phát hiện đạo văn, sau này cũng trở thành cô giáo, vài năm sau ngày ra trường, đã viết lời cảm ơn trên tường Facebook của tôi và nhờ hướng dẫn luận văn cao học. Đó là động lực và niềm vui. Nhưng để trở thành “sát thủ” thì cũng tốn khá nhiều công sức. Tôi lặn lội vào rất nhiều trang web, đăng ký thành viên và bỏ tiền mua nhiều luận văn thuộc chuyên ngành của mình. Bây giờ trên máy tính tôi có hẳn một kho luận văn và tôi vẫn tiếp tục tìm cách bổ sung dữ liệu… để “soi”.
Tôi vẫn ao ước có một phần mềm lọc dữ liệu để phục vụ công việc, nhưng xem ra ước mơ đó còn quá xa vời. Ở nhiều trường đại học nước ngoài, họ có phần mềm này và sinh viên buộc phải nộp bản file. Chương trình sẽ chạy và lọc ra những chỗ giống nhau. Nhưng ở Việt Nam thì chưa có, và có lẽ, cũng chưa ai để ý đến việc cần thiết phải có phần mềm này”
(Phát biểu của TS Hà Thanh Vân).
 
Như Hà thực hiện
(Nguồn:
https://thethaovanhoa.vn/)
 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm