- Góc nhìn văn học
- Tính nhân văn - giá trị bất biến của mọi thời đại
Tính nhân văn - giá trị bất biến của mọi thời đại
Công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo (AI) dần thay thế con người ở rất nhiều công việc; nghề báo đứng trước những thách thức vô cùng gay gắt. Nhà báo phải làm gì để thích ứng với xu thế chuyển đổi số? Câu hỏi này là vấn đề lớn của thời đại. Phóng viên Thời báo Văn học Nghệ thuật (VHNT) có cuộc trò chuyện với Đại tá, Nhà báo, Nhà văn Phan Tùng Sơn xoay quanh chủ đề chuyển đổi số.
Báo in và… phở
- Làng báo cả nước vừa tổ chức các hoạt động kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Cảm xúc của anh thế nào?
Đại tá, nhà văn, nhà báo Phan Tùng Sơn - Trưởng Cơ quan đại diện Báo Quân đội Nhân dân tại TP.HCM.
Đó là một ngày bận rộn đầy ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí, bạn bè, đồng nghiệp trong làng báo. Với riêng tôi, ngày này càng đặc biệt hơn, bận rộn hơn bởi ngoài công tác quản lý và chuyên môn nghiệp vụ của một nhà báo, tôi còn nhận được nhiều lời mời từ các báo bạn, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp với vai trò là một diễn giả, một khách mời đặc biệt.
Đây cũng là dịp Các cơ quan báo chí đón nhiều đoàn đại biểu các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp… đến chúc mừng. Điều này cho thấy, niềm tin, sự trân trọng và kỳ vọng của cả hệ thống chính trị lẫn đời sống xã hội đối với báo chí không hề suy giảm mà có phần sâu sắc hơn dù môi trường báo chí truyền thông đã và đang bị ảnh hưởng, chi phối mạnh từ mạng xã hội.
Chúng ta kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam trong xu hướng chung của thế giới; báo chí, bên cạnh đẩy mạnh đổi mới, đi tắt, đón đầu thành tựu công nghệ cần phải đặc biệt coi trọng tính bản sắc đặc thù, đặc trưng. Đó là nhân tố cốt lõi quyết định đến thành bại của cả nền báo chí nói chung và mỗi cơ quan báo chí, truyền thông nói riêng
- Bản sắc ấy là gì, thưa anh?
Bản sắc báo chí cách mạng Việt Nam thể hiện dưới nhiều thuộc tính, trong đó tính nhân văn là giá trị cốt lõi, bất biến. Người Việt mình có văn hóa duy tình! “Trăm cái lý không bằng tý cái tình”! Thế nên, trong các mối quan hệ xã hội, sự nhìn nhận, đánh giá các vấn đề thường thiên về cảm tính. Lịch sử dân tộc hàng nghìn năm và lịch sử phát triển báo chí gần tròn trăm năm đã kế thừa, sàng lọc, chưng cất nên tính nhân văn của báo chí cách mạng và được biểu hiện trên ba thuộc tính: Chân, thiện, mỹ. Trượt khỏi hay chối bỏ giá trị cốt lõi ấy, báo chí sẽ “chết”!
- Chân, thiện, mỹ vừa là tiêu chí, vừa là mục tiêu nghề nghiệp của nhà báo. Nhưng giờ đây, AI đã có thể thay thế công việc của nhà báo ở rất nhiều công đoạn: Làm phim, viết phóng sự, sản xuất các sản phẩm truyền thông… và được lập trình chuyên nghiệp, không liên quan đến cảm xúc. Trong bối cảnh đó, báo chí nuôi dưỡng tính nhân văn như thế nào?
AI là bước tiến mới của công nghệ, theo quy luật phát triển, nó rồi cũng bị thay thế bằng những công cụ khác, ưu việt hơn, hiện đại hơn; chính vì vậy tôi luôn có niềm tin dù công nghệ phát triển đến đâu thì mãi mãi vẫn chỉ là sản phẩm do con người sáng tạo ra và không thể thay thế con người một cách hoàn toàn, tuyệt đối. Người làm báo nên coi AI là công cụ chứ không nên xem nó là “đối thủ” cạnh tranh với mình. Công nghệ càng phát triển, báo chí càng phải coi trọng, nuôi dưỡng giá trị nhân văn. Tác phẩm báo chí là sản phẩm truyền thông, hướng đến chức năng định hướng dư luận xã hội theo cách tích cực, tốt đẹp chứ không đơn thuần là phản ánh hiện thực; phải chạm đến trái tim của công chúng để khơi dậy, cổ vũ họ hành động theo chân, thiện, mỹ. Cảm xúc ấy, tinh thần ấy chỉ có nhà báo mới làm được, AI không thể nào thay thế. AI phát triển đến một trình độ nào đó có thể làm biến mất nhiều ngành nghề, nhưng với nghề báo và sáng tạo văn học nghệ thuật thì không bao giờ.
- Nhận định của anh rất lạc quan, trên thực tế từ khi mạng xã hội xuất hiện, báo chí (nhất là báo in) gặp vô vàn khó khăn, nhiều tờ báo đang “sống dở chết dở”.Với đà phát triển của AI như hiện nay, báo in liệu có bị“khai tử” như lo lắng của nhiều người không thưa anh?
Tôi khẳng định báo in không bao giờ chết! Công chúng đọc báo in giống như người ta ăn phở vậy. Phở có từ hàng trăm năm rồi, nghệ thuật ẩm thực hiện đại cũng đem đến cho thực khách sự lựa chọn đa dạng; cách thức chế biến món ăn cũng bỏ xa thời “chém to kho mặn”- Nhưng trong chúng ta có ai quên được phở? Tất nhiên, cách ăn phở và nghệ thuật chế biến phở đã khác xưa rất nhiều. Nếu ngày xưa dân ta ăn phở cứ phải thịt mỡ thật nhiều, váng mỡ đầy tô, thì nay, người ta thích cái thứ nước dùng phải “ngon từ thịt, ngọt từ xương, dễ thương từ cách chế biến”. Ai nấu phở giống như xưa, chắc chắn sẽ mất khách. Báo in cũng vậy. Sự phát triển của báo điện tử và mạng xã hội đẩy nó vào guồng quay của cuộc sàng lọc, đào thải gắt gao. Công chúng của báo in bị thu hẹp đáng kể; nhưng tôi luôn có niềm tin đến một lúc nào đó, công chúng bão hòa với không gian mạng, giống như người ăn phở ngán váng mỡ và độc giả sẽ quay lại với báo in, đó là nhu cầu tất yếu. Sự trở lại ấy với báo in không phải là lặp lại cái cũ, cách cũ, tư duy cũ mà sẽ theo một cách mới, đẳng cấp mới, nhu cầu mới… Tức là văn hóa tiếp cận ở một góc độ hoàn toàn khác.
Đại tá, nhà văn, nhà báo Phan Tùng Sơn trong vai trò MC truyền hình.
Nhanh nhạy nhưng không hốt hoảng
- Hỏi gần hỏi xa chẳng qua hỏi thật! Anh cảm nhận như thế nào về Thời báo Văn học nghệ thuật trong môi trường chuyển đổi số hiện nay?
Tại cuộc họp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam do Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức ở TP.HCM, tôi đã phát biểu với tư cách là một độc giả, một cộng tác viên rằng: Thời báo Văn học nghệ thuật có vai trò, vị thế rất lớn; có tiềm năng “phủ sóng” và thị phần độc giả rất rộng. Hiện nay, rất ít ấn phẩm báo chí còn được gắn hai chữ “Thời báo”. Đó là lợi thế mang tính đặc trưng, đặc thù của Thời báo Văn học nghệ thuật. Thông điệp xuyên suốt và dòng chảy chủ lưu của Thời báo Văn học nghệ thuật là bảo tồn bản sắc dân tộc, chấn hưng văn hóa, thúc đẩy sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của đất nước. Đó là mạch nguồn vô tận của đời sống xã hội.
Trong xã hội hiện đại, có thể những tờ báo mang sắc thái văn hóa đang kén độc giả, bị thu hẹp thị phần công chúng, việc phát hành gặp khó khăn… Nhưng, đừng vì thế mà chúng ta hốt hoảng. Văn hóa là những gì còn lại sau khi tất cả những thứ khác đã mất đi. Cứ trung thành với tôn chỉ mục đích của mình và không ngừng thu hút, nuôi dưỡng các cây bút tài năng, nâng cấp chất lượng chuyên môn cho từng số báo, cho từng tác phẩm báo chí… sẽ đến ngày chúng ta hái được quả ngọt.
- Ngày đó sẽ đến vào lúc nào, thưa anh?
Làm báo VHNT chính là làm văn hóa; mà văn hóa thì không nóng vội được. Chừng nào độc giả tìm thấy ở tờ báo của chúng ta các giá trị chân, thiện, mỹ đích thực; tìm thấy thứ người ta cần chứ không đơn thuần chỉ là thứ chúng ta có, chừng ấy tờ báo sẽ có chỗ đứng, có vị thế mới trong đời sống công chúng và truyền thông. Ngày đó sẽ đến vào lúc nào, tùy thuộc vào sự bền bỉ và tâm huyết của chúng ta dựa trên nền tảng của tính nhân văn…
- Nói như vậy nghĩa là không cần phải thúc đẩy chuyển đổi số?
Ngược lại, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Song, đối với báo chí, chỉ nên coi đó là phương tiện chứ không phải mục tiêu, không nên cưỡng cầu chuyển đổi số bằng mọi giá, bất chấp sự thụt lùi của lao động ngôn ngữ và chất lượng chuyên môn; đó mới là hành động đưa tờ báo đến chỗ chết. Thực tế, trên không gian mạng, không ít tờ báo đang bị hội chứng “đu trend”, câu view… để tăng tương tác mà bỏ qua chất lượng chuyên môn. Tình trạng phóng viên viết sai chính tả, loạn ngữ pháp, diễn đạt lủng củng, chạy theo thị hiếu tầm thường… diễn ra khá phổ biến. Những tờ báo làm văn hóa mà “đu trend” theo cách đó cũng chỉ có con đường “chết”!
Đại tá, nhà văn, nhà báo Phan Tùng Sơn tại cuộc họp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam do Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức ở TP.HCM.
- Với Một người lính làm báo, làm văn, như anh - từ anh binh nhì tò te đến một đại tá, một nhà quản lý, một nhà báo, một nhà văn có nhiều giải thưởng báo chí và văn học nghệ thuật. Xin hỏi anh cơ duyên và động lực từ đâu?
Tôi đến với văn chương trước khi làm báo, và tất cả đều đến một cách tự nhiên như là nhân duyên vậy. Tôi quan niệm, mình không phụ nghề thì nghề sẽ không bao giờ phụ mình. Cứ yêu hết mình, theo đuổi đam mê hết mình, không thành công thì cũng… thành nghề (cười)…
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
_______________________
Đại tá, Nhà báo, Nhà văn Phan Tùng Sơn sinh năm 1971 tại xã Sơn Trà, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Anh hiện là Trưởng Cơ quan Đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP.HCM, cộng tác viên của Thời báo Văn học nghệ thuật. Phan Tùng Sơn là cây bút đa năng, hoạt động đa diện trên nhiều lĩnh vực: Báo chí, văn học, diễn giả, giảng viên, người dẫn chương trình… Anh là tác giả của 4 cuốn sách in riêng và nhiều cuốn in chung, được trao hơn 20 giải thưởng báo chí, văn học nghệ thuật các cấp…
NGUYỄN LOAN thực hiện/ Thời báo Văn học Nghệ thuật