TIN TỨC

Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh - Một năm nhìn lại

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-01-16 20:29:20
mail facebook google pos stwis
196 lượt xem

ĐỌNG LẠI NGHĨA NHÂN, MỞ RA NIỀM TIN

TỐNG PHƯỚC BẢO

Có lẽ so với nhiều Hội nhà văn các tỉnh thành khác thì Hội nhà văn TPHCM là nơi hoạt động rộn ràng với nhiều chương trình sự kiện gây dấu ấn không chỉ với đại đô thị này mà trên bình diện toàn quốc. Năm 2024 khép lại với những cột mốc ghi đậm chất văn lẫn người văn của mảnh đất trù phú sự hào sảng này, mở ra một niềm tin khởi nguyên cho văn chương đa dạng sự phát triển lẫn tiếp nhận nhiều dòng chảy mới.


Các nhà văn TPHCM nhận giải thưởng
“Thành phố Hồ Chí Minh - 50 năm tự hào bản anh hùng ca”

Chất đô thị trong tác phẩm và người viết

Năm 2024, Hội nhà văn TPHCM biên soạn và thực hiện 4 ấn phẩm gồm: Thành phố này tôi đến tôi yêu (tập thơ), Âm thanh & và Ký ức (tập ký và truyện ký), Ngôi nhà rường bản Trăng (tập truyện ngắn), Đổi mới và tiếp nhận VHNT TP.HCM 1975 - 2025 (tập lý luận và phê bình văn học). Với hơn 2500 trang sách in này cho thấy một diện mạo tổng quát của văn chương TPHCM sau 50 thống nhất đất nước. Chất đô thị được hiện hữu thông qua các cây bút hiện đang sinh sống tại thành phố này. Với hơn 500 hội viên và đa dạng vùng miền, nên hầu hết các tác giả mang đến những tác phẩm đa chiều kích, mỗi người một góc nhìn, một thông điệp. Khởi nguồn từ ký ức của một phố thị Sài Gòn và tiếp nối bằng đại đô thị TPHCM. Nửa thế kỷ đó, đã cho những cây bút của TPHCM quãng sống và quãng lặng đủ để tạo nên một đô thị giãn nở giữa xưa – nay và cũ – mới.

Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất Phương Nam” lần 2, sau 9 tháng phát động đã có trên 1500 bài thơ của hơn 450 tác giả khắp mọi miền đất nước tham gia cuộc thi. Không chỉ ở TPHCM, cuộc thi lan tỏa đến đông đảo người sáng tác trên toàn quốc, cho thấy chí ít với mảnh đất này ai từng đến cũng có cho riêng mình một tình yêu thiết tha. Từ cuộc thi này, tập thơ “Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya” đã rơi đời, bao gồm những bài thơ vào vòng chung khảo. Rõ ràng, cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” không phải chạy theo phong trào, mà tiếp nối tinh thần của những con người muốn tìm thấy nhau, muốn thấu hiểu nhau, muốn động viên nhau giữa nhịp sống hối hả không ngừng nỗ lực với nhiều trăn trở âu lo. Để trả lời cho câu hỏi “Thơ hôm nay có ý nghĩa gì cho cộng đồng không, khi nhiều nhu cầu vật chất thúc bách hơn và nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn hơn?”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đã nói ngắn gọn: “Trong bụi bặm xô bồ, thơ mang đến một bóng râm. Trong hoang mang ngơ ngác, thơ mang đến một điểm tựa.”

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên BCH Hội nhà văn TPHCM, Ủy viên Hội đồng Thơ Hội nhà văn Việt Nam, cũng là thành viên Ban giám khảo cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất Phương Nam” lần 2 đã đánh giá: “Mang phẩm chất một đại đô thị, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ nhiều dòng chảy, hội tụ nhiều tính cách, hội tụ nhiều số phận. Phía sau sự hào nhoáng, phía sau sự nhộn nhịp, phía sau sự tất bật là bao nhiêu câu chuyện cười khóc mưu sinh, bao nhiêu câu chuyện đua chen thành bại, bao nhiêu ấm áp sẻ chia. Viết về Sài Gòn –Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài sự chân thành quan sát, còn đòi hỏi sự đồng cảm tinh tế. Bởi lẽ, đâu có cao ốc tráng lệ nào, che chở được sự cô đơn và an ủi được sự bơ vơ của con người.”

Cũng từ đại đô thị này, họ đến sống, và yêu, để rồi cho ra đời những tác phẩm đậm chất đô thị đó cũng khởi phát từ cách sống của người thành phố. Có lẽ không nơi nào mà sự hào sảng, trượng nghĩa đậm đà như đất này. Văn đàn TPHCM từ những ngày dịch Covid đã đi đầu trong sự chia sẻ đến với nhiều hoàn cảnh khó khăn bằng gạo, rau củ, các nhu yếu phẩm. Thời đó hai cái tên nổi trội là nhà thơ Trần Mai Hường và nhà văn Phương Huyền. Rồi ngay cả những bạn văn không may khi đối diện với nghịch cảnh, chỉ cần một lời kêu gọi là bạn bè văn chương TPHCM lập tức quyên góp, giúp đỡ như Trần Đức Tín, Phùng Hiệu, Mạc Tường Vy… Cũng chính cách sống đó đã làm nên một tâm thức nhân nghĩa trong nghề viết lẫn thông điệp trải trong tác phẩm của những cây bút đến từ TPHCM. Năm 2024 này, nhà văn Phương Huyền đã vinh dự được UBND TPHCM, Ủy Ban MTTQ Việt Nam TPHCM tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”, là 1 trong 23 cá nhân được chọn lựa trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM lần 6. Ngoài ra, Phương Huyền cũng được Hội nhà văn Việt Nam chọn trao giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2024.

Đồng hành cùng một thế hệ trẻ khởi nguyên văn chương thời đại

Trong danh sách kết nạp hội viên năm 2024 của Hội nhà văn TPHCM dễ dàng nhận thấy một sự trẻ hóa và xác tín chất tươi mới của một mảnh đất mà sự năng động luôn đi đầu trong cả nước. 10 hội viên dưới 40 tuổi được kết nạp trong tổng số lần kết nạp năm nay chỉ 19 hội viên. Vẫn biết số lượng không làm nên chất lượng, nhưng con số này cho thế một thế hệ trẻ đam mê, dấn thân và quyết liệt trên hành trình văn chương vốn dĩ chông gai đầy thử thách nhưng cũng đầy sự quyến dụ. Trẻ nhất có tác giả chỉ mới sinh năm 1999 như Nguyễn Đoàn Anh Minh, một cây bút thơ đã có giải thưởng văn chương của Đại học Quốc Gia, đã in 2 tập thơ. Hoặc như cây bút trẻ Nguyễn Thị Như Hiền, đoạt các giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, Bộ Công An, Giải thưởng Lê Lựu. Riêng tác giả Đinh Khoa, năm 2024 này vừa kết nạp vào hội vừa nhận giải thưởng tác giả trẻ của Hội nhà văn TPHCM, sau các giải thưởng uy tín như Giải Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ.

Kể từ sau Hội nghị Những người viết trẻ TPHCM lần 5 được tổ chức vào tháng 10/2024, một lứa viết trẻ được qui tụ và đồng hành, tạo ra một diện mạo mới cho văn chương TPHCM. Cây bút 16 tuổi, Cao Việt Quỳnh với bộ tiểu thuyết “Lục địa rồng” như một điểm sáng của văn đàn TPHCM. Bộ tiểu thuyết thể loại kỳ ảo pha trộn khoa học viễn tưởng gây một tiếng vang lớn cho thấy sự dấn thân mạnh mẽ trên hành trình văn chương của tác giả đã từng đoạt giải Sách Quốc Gia khi 14 tuổi cũng với tác phẩm kỳ ảo mang tên “Người Sao Chổi”. Hay như cây bút trẻ Võ Chí Nhất, một chàng thượng úy Công an, có tiểu thuyết “Hoàng Cung” được một đơn vị phát hành sách ở Ý mua bản thảo. Để có được điều này, là cả quá trình giới thiệu từ những người quen với các đơn vị ở Ý. Thêm thời gian chuyển ngữ và thẩm định mới được kí kết hợp đồng. Tác phẩm “Hoàng Cung” đã được xuất bản ở Việt Nam 5 năm trước, đến nay sẽ hiện diện ở Ý với tựa đề “II Palazzo Reale di Thang Long”, do Fiori Picco biên tập, được họa sĩ Asia Picco Zhao vẽ tay và bán với giá 16 Euro. Và mới đây trong những ngày cuối cùng của năm 2024, Võ Chí Nhất vừa cho ra mắt tập truyện trinh thám “Án sau vết chân”. Dự kiến trong năm 2025, chàng trai trẻ này sẽ có 1 tiểu thuyết hình sự được NXB CAND in ấn.

Cũng từ mảnh đất văn chương phương nam này mà một số tác giả trẻ tìm đến, cất cao đôi cánh văn chương của mình như Trần Đức Tín, Vĩ Hạ - Giải thưởng tác giả trẻ năm 2022 của Hội nhà văn Việt Nam, Bùi Tiểu Quyên – Giải Sách Quốc Gia năm 2022. Cá biệt cô gái Emma Hạ My, cô gái sở hữu 2 tập truyện dài khiến cộng động mạng tranh nhau mua. Chỉ 1 ngày mở bán 1000 quyển sách hết ngay và phải tái bản. Cho đến nay, tập truyện “Tổng đài kể chuyện lúc 0h” của cô gái 9X này đã bán được 20.000 bản, thông qua các kênh thương mại số, và từ các trang mạng xã hội mà cô đang có. Đặc biệt, Emma Hạ My đã chọn cách quảng bá văn chương mình bằng kênh Youtube và TikTok. Kênh TikTok “Truyện của Emma” sở hữu 315,2 ngàn lượt theo dõi và gần 4 triệu lượt tương tác. Riêng Youtube của cô đã nhận được nút Bạc.

Một trong những ghi nhận cho sự vươn dậy của các cây bút trẻ TPHCM là sự góp mặt trong dòng văn học thiếu nhi. Sau Giải sách Quốc Gia dành cho nhà văn Trần Gia Bảo với bộ sách “Chuyện kể trước giờ đi ngủ” thì cuối năm nay cặp đôi tác giả trẻ Huỳnh Long – Mai Chi với tập truyện “Chiếc xe buýt bay” đã được Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng Văn học thiếu nhi. Tiếp bước các tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh, Lưu Thị Lương, Kim Hài, Trần Quốc Toàn… văn học thiếu nhi TPHCM như lại khơi thông được dòng chảy mới.

Khép lại một năm 2024, văn chương TPHCM vẫn luôn là một khu vực hoạt động sôi nổi và sáng tạo nhất. Tuy thế, vẫn đọng lại sự nghĩa nhân và mở ra những niềm tin vượt thoát hướng đến một tinh thần mới, trong một kỷ nguyên mới như chung nhịp phát triển cùng đất nước.

Nguồn: Văn nghệ Công an số ngày 16/01/2025.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Làm sao để văn học Việt Nam vươn ra thế giới?
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TPHCM số 156, ngày 26/12/2024.
Xem thêm
Cần một “Hội nghị Diên Hồng” cho giáo dục
Bài viết của nhà văn Nguyễn Trường
Xem thêm
Phi hư cấu
Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 27 tháng 8/2024
Xem thêm
Chuyện Làng Văn và... người văn
Nguồn: Mục Góc nhìn của Tạp chí Sông Lam.
Xem thêm
Nét văn hóa độc đáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ việc làm báo. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp ngành ngữ văn, ông về làm báo tại tạp chí Cộng sản (trước đây là tạp chí Học tập) - cơ quan lý luận của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Được đào tạo cơ bản, đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và nhà nước, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của TBT Nguyễn Phú Trọng đậm dấu ấn văn hoá từ quan điểm chính trị đến mối quan hệ giữa con người với con người.
Xem thêm
Kỷ niệm sâu sắc với Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP gửi cho Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Công và tội của việc khen sách
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 29, ngày 20/7/2024.
Xem thêm
Thích Minh Tuệ: Thức tỉnh mê trầm - Góc nhìn văn học
Những ngày gần đây, có vẻ như Phật giáo đang rơi vào cơn bão của sự khủng hoảng truyền thông, con người lạc vào mê trận niềm tin tín ngưỡng ồn ã đa chiều, mặc dù trước đây, Phật giáo cũng đã từng gây ra tranh cãi trong cộng đồng phật tử từ câu chuyện một vài sư thầy giảng đạo đi ngược lại tinh thần nhà Phật, gieo rắc những bài thuyết giảng tà kiến hù dọa con người, đã không ít lần dư luận lên án và bức xúc, nhưng nó giống như một con sóng dồn dập rồi tan vào cát, tiếp nối, kéo dài làm người ta trở nên chán ngán đến dửng dưng, nhưng thường khi điều gì vụt lên quá cao hoặc rơi xuống đáy sâu thì sẽ có một sự việc, hiện tượng làm cho nó đảo chiều ngược lại.
Xem thêm
Chúng ta học gì từ sư Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Đang cảm hứng thì trải nghiệm, nhưng các bạn tin tôi đi, chỉ một thời gian nữa, vẫn chỉ một mình sư, với đôi chân bền bỉ của mình tự rong ruổi muôn nơi...
Xem thêm
Làm mới Truyện Kiều
Truyện ngắn “Mây bồng” tác giả Nguyễn Trường in Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 18+19, ra ngày 30/4/2022 đặt ra vấn đề bảo tồn Truyện Kiều trong xã hội phát triển.
Xem thêm
Có duyên gặp Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy đời sống Phật giáo xuất hiện nhiều “nan đề” như lúc này. Xuất hiện những ngôi chùa vận hành kiểu doanh nghiệp với “doanh thu” không bao giờ được công bố. Sự kiện pháp hội được tổ chức rình rang bị nghi là lừa đảo. Sư phạm giới chỉ cần hoàn tục đem theo hàng trăm tỷ đồng thu được trong quá trình tu về tiêu riêng là xong…
Xem thêm
Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm