- Góc nhìn văn học
- Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh 2025: Vượt sóng thời cuộc, khẳng định bản sắc
Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh 2025: Vượt sóng thời cuộc, khẳng định bản sắc
Năm 2025, trong vòng xoay thời gian, một lần nữa trở thành dấu mốc quan trọng đối với Việt Nam. Đây là thời điểm của sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, từ kinh tế, xã hội cho đến văn hóa, văn học trong một thế giới không ngừng biến động.
Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, đây không chỉ là trung tâm kinh tế lớn của cả nước mà còn là nơi hội tụ và lan tỏa của sức sáng tạo văn chương. Trong sự giao thoa giữa thách thức thời cuộc và niềm tin vào tương lai, văn học thành phố đang vươn mình mạnh mẽ, khẳng định bản sắc.
Bối cảnh kinh tế, xã hội
Năm Ất Tỵ mang biểu tượng của loài rắn – đồng nghĩa với sự linh hoạt và kiên cường. Thời điểm này là lúc Việt Nam bước vào một giai đoạn nhiều thử thách, khi kinh tế đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu. Các hiệp định thương mại tự do tạo ra những cơ hội lớn, nhưng cũng đòi hỏi khả năng thích nghi nhanh chóng từ các doanh nghiệp và cá nhân.
Trong xã hội, những thách thức như chênh lệch giàu nghèo, biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng đang làm ảnh hưởng sâu sắc tới những mối quan hệ xã hội truyền thống. Tuy nhiên, trong khó khăn, người Việt Nam lại càng cho thấy ý chí kiên cường, đoàn kết, vươn lên, biến thách thức thành cơ hội để định hình lại bản sắc và vị thế quốc gia.
Văn chương TP. Hồ Chí Minh khởi sắc
Trong bối cảnh sự đổi mới mạnh mẽ của kinh tế – xã hội, văn chương TP. Hồ Chí Minh năm 2025 đang trở thành điểm nhấn sáng tạo của nền văn hóa Việt Nam. Các nhà văn, nhà thơ không chỉ khai thác những giá trị truyền thống, mà còn tiên phong trong việc đưa văn học lên các nền tảng kỹ thuật số. Ebook, audiobook và các diễn đàn văn chương trực tuyến sẽ trở thành những cây cầu kết nối hiệu quả giữa tác giả và độc giả.
Văn chương TP. Hồ Chí Minh sẽ không chỉ đi sâu vào tình cảm, mối quan tâm cá nhân mà còn phản ánh tinh thần phản biện xã hội. Sẽ không ít tác giả mạnh dạn khai thác những đề tài khó như môi trường, nữ quyền và giá trị truyền thống trong bối cảnh hiện đại để truyền tải những thông điệp của người cầm bút có trách nhiệm.
Những cuộc thi văn chương gần đây do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của văn chương TP. Hồ Chí Minh.
Với hai cuộc thi trong hai năm liên tiếp, Tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo nên sinh khí mới cho văn chương Thành phố Hồ Chí Minh và góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác và phát triển văn họctrong cả nước nói chung. Cuộc thi “Truyện ngắn hay -2022” và cuộc thi “Thơ hay – 2023” thực tế đã trở thành sân chơi văn học cho cả các cây bút thành danh và những tác giả trẻ; đã góp phần kích thích sự sáng tạo, phản ánh tâm thế xã hội qua những ngòi bút đầy cảm xúc và khát vọng…
KTS Nguyễn Trường Lưu và nhà báo Trần Trọng Dũng trao giải Nhất cuộc thi “Thơ hay – 2023” cho tác giả Nhiên Đăng.
Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” năm 2024 do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, có thể coi là một sân chơi văn học ý nghĩa, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử và con người vùng đất phương Nam – vùng đất giàu truyền thống yêu nước, nghĩa tình và giàu lòng nhân ái. Đây không chỉ là cuộc thi về thơ ca, mà còn là dịp để các tác giả khắp cả nước và kiều bào nước ngoài bày tỏ tình cảm đối với vùng đất mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm tự hào về tinh thần “nhân nghĩa” – một giá trị cốt lõi xuyên suốt trong lịch sử hình thành và phát triển của phương Nam. Các tác phẩm dự thi không chỉ thể hiện tình yêu quê hương mà còn khám phá những khía cạnh văn hóa, phong tục, lối sống và tinh thần đoàn kết của người dân nơi đây, từ thời khai hoang mở cõi cho đến thời hiện đại.
Các tác giả đoạt giải cuộc thi "Nhân nghĩa đất phương Nam" năm 2024: Đinh Nho Tuấn (Nhất), Đào Phong Lan (Nhì), Hoàng Thị Hiền (Ba), Quang Chuyền (Ba) và Phan Duy (Ba).
Xin điểm qua phần tác phẩm của 2 tác giả đoạt giải cao để giúp bạn đọc phần nào hình dung được sự thành công của cuộc thi này:
1) Chọn cách tiếp cận đời thường, khéo léo lồng ghép những thi ảnh sinh động mang đậm hơi thở của đời sống, với chùm thơ Khuôn mặt Sài Gòn, Thành phố của tôi và Lòng ta ở trọ, tác giả Đinh Nho Tuấn đã mang đến cho người đọc một Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một đô thị mà còn là nơi dung chứa, cưu mang và đồng hành cùng mỗi con người; rằng nơi đây hiện diện những giá trị tử tế, sự sẻ chia giữa các thế hệ, là sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của thành phố qua thời gian.
2) Với sự chiêm nghiệm về thân phận và tâm thế dung hòa những quy luật của cuộc đời trong hai bài thơ Như tung đám lửa lên trời và Di chúc người phương Nam, tác giả Đào Phong Lan đặt con người trong mối quan hệ với thiên nhiên và vũ trụ và muốn gửi đi một thông điệp: con người cần phải hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên; cái chết không phải là sự kết thúc mà là sự trở về với cội nguồn. Triết lý sống hòa hợp với thiên nhiên và sự tiếp nối của cuộc đời được tác giả khắc họa một cách nhẹ nhàng, sâu lắng, giúp người đọc cảm nhận được sự bình yên giữa những nỗi buồn.
Hai chùm thơ của Đinh Nho Tuấn và Đào Phong Lan là hai góc nhìn bổ sung cho nhau: một bên sôi nổi, mạnh mẽ; một bên tĩnh tại, chiêm nghiệm. Cả hai đều góp phần làm phong phú thêm bức tranh thơ ca Việt Nam hiện đại, mang đến cho người yêu thơ những rung động và suy ngẫm ý nghĩa.
Hai tập thơ chọn từ 2 cuộc thi 2023 và 2024.
Có thể nhận thấy, các cuộc thi văn thơ thời gian gần đây tại Thành phố Hố Chí Minh đã phát hiện được những cây bút mới nhiều triển vọng từ nhiều miền khác nhau trong cả nước. Và, những tác phẩm nổi bật từ cuộc thi không chỉ mang giá trị văn học mà còn có thể là nguồn cảm hứng cho các hoạt động văn hóa khác như: sáng tác thành ca khúc, chuyển thể thành kịch bản sân khấu, làm chất liệu dựng nên các chương trình giao lưu văn nghệ. Điều này góp phần lan tỏa giá trị nhân văn và tinh thần đoàn kết của người dân đất phương Nam nói riêng và dân tộc Việt nói chung.
Kỳ vọng vào thơ ca và bản sắc văn hóa Việt
Trong giai đoạn này, thơ ca không chỉ dừng lại ở việc truyền tải cảm xúc cá nhân mà còn trở thành phương tiện khẳng định bản sắc văn hóa. Những bài thơ về quê hương, con người, tình yêu đôi lứa gắn liền với những giá trị Việt Nam đã và đang được lan tỏa rộng rãi ra thế giới. Với sự hỗ trợ của công tác dịch thuật và quảng bá văn chương, từng câu thơ như những nhịp cầu nối kết văn hóa Việt với bạn bè quốc tế, giúp họ hiểu hơn về đất nước của những con người kiên cường, nhân hậu.
Năm 2025 đặt ra không ít thử thách nhưng đồng thời cũng mở ra những cánh cửa lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước, trong đó, văn học và thơ ca hy vọng sẽ nổi lên như một điểm sáng. Để vượt qua những biến động của thời cuộc, Việt Nam không chỉ cần sức mạnh kinh tế mà còn cần cả sức mạnh của văn hóa, của những câu chuyện được kể bằng trái tim và tâm hồn. Và chính văn học, đặc biệt là thơ ca, sẽ tiếp tục là nơi lưu giữ và truyền tải tinh thần Việt Nam qua mọi thế hệ.
(Bài đăng trang web Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống)