- Góc nhìn văn học
- Phi hư cấu
Phi hư cấu
Thuật ngữ Phi hư cấu, (tiếng Anh: Non-fiction hoặc Nonfiction) thường được dùng trong văn học, đặc biệt là trong văn xuôi; viết về người thật, việc thật, thông tin thật. Khác với máy quay phim, mọi sự thật đi vào đầu óc con người ít nhiều bị thay đổi theo kiến thức, định kiến và được viết ra có thêm yếu tố chủ quan. Do đó, các khẳng định và mô tả trong nội dung của tác phẩm phi hư cấu không thể chính xác ở mức 100%. Tác giả có thể đưa vào nhận định chủ quan (đúng hoặc sai) nhằm khắc sâu chủ đề… với điều kiện tác giả phải thực sự tin và trung thực với suy nghĩ của mình tại thời điểm đưa ra quan điểm; hoặc ít nhất, người viết phải nhằm thuyết phục khán giả câu chuyện đã được viết như trong lịch sử hoặc theo kinh nghiệm thực tế.
Chân dung tự họa Nguyễn Thanh, người nghệ sỹ mang nỗi buồn u hoài đi cùng năm tháng.
Trước khi vào lớp sơ đẳng trường làng đến khi hết bậc trung học, cậu bé Nguyễn Tấn Thành té (ngã) sông được cứu, mang bệnh suyển gần chục năm và đặc biệt bị chó dại cắn, có vẻ là người duy nhất qua được.
Năm 1951, Nguyễn Tấn Thành vào Tiểu học Cần Thơ. Hòa bình lập lại (1954), Thành học Phan Thanh Giản. Cả hai kỳ thi gian nan, Thành đều đỗ cao.
Ở lớp Đệ Tam (tương đương lớp 10 bây giờ), chàng thanh niên Nguyễn Tấn Thành đứng nhất lớp về các môn toán, lý và môn ngoại ngữ. Thời đó ngoại ngữ học 3 môn: Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Tiếng Hán.
Năm 1955, Nguyễn Tấn Thành đạt Giải Nhất bài văn viết “Mừng Đất nước vào Xuân”.
Năm 1957, trường chưa có lớp đệ Nhất (tương đương với lớp 12). Học sinh xuất sắc Nguyễn Tấn Thành được thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Kính gửi lên trường Chu Văn An. Ngôi trường nằm ẩn trong tán cây ở cuối đường Trần Bình Trọng, tại đô thành Sài Gòn. Giáo viên của trường hồi đó chủ yếu di cư từ Bắc vào. Nguyễn Tấn Thành may mắn được học môn Triết với thầy Trần Bích Lan – nhà thơ Nguyên Sa.
Từ năm 1959, Nguyễn Tấn Thành đỗ luôn cả hai bằng Tú tài Toàn phần Toán và Tú tài Tòan phần Văn - Ngoại ngữ . Sau đó, anh về dạy học ở Trường Trung học Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ. Trường đóng trong vùng tạm chiếm giáp ranh vùng giải phóng. “… ban ngày không ngớt rè rè chói tai tiếng phi cơ trinh sát L.19 của giặc, đêm đêm tiếng đại bác tru đêm rơi nổ vùng quê trộn lẫn với tiếng bom ầm ầm xuống rừng U Minh thượng từ pháo đài bay B52... Bên trung học tôi (Nguyễn Tấn Thành) cũng vừa dạy học vừa phụ trách ban Văn nghệ - Báo chí và khóa Võ thuật của trường… Đặc san Niềm tin ra mắt vào Tết Nguyên Đán mỗi năm và vào thời điểm tháng cuối học kỳ 1… tôi lựa chọn kỹ những tác phẩm, bài giảng lành mạnh, có nội dung ca ngợi quê hương, cổ vũ lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc”. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy “có cha hoạt động cách mạng… Thanh Thúy sở hữu một giọng hát u hoài như mang nỗi buồn vạn cổ… tôi luôn phải ôm đàn guitar (ghi ta) đệm … mỗi khi cô ra sân khấu”. Sau đám cưới Nguyễn Thanh, Thanh Thúy; họ xa nhau 3 năm để Thanh Thúy về nuôi mẹ đẻ lâm trọng bệnh và “cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy – đã nằm khuất trong áo quan bao quanh bởi rừng lẵng hoa phúng điếu của học trò” - Truyện ngắn TIẾNG HÁT U HOÀI - trang 62 - tập truyện ngắn BẾN TÂM HỒN – tác giả Nguyễn Thanh (trong bài này, sẽ không nhắc đến tên tác giả Nguyễn Thanh nếu tác phẩm của chính Nguyễn Thanh).
Ảnh chụp lại tranh chân dung Ca sỹ Thanh Thúy – tác giả Đan Thanh.
Thời gian trước năm 1975, thầy giáo Nguyễn Thanh dạy học trong vùng tạm chiếm, mưu sinh, trốn quân dịch và kiểm duyệt của chế độ cũ khiến anh không có nhiều điều kiện viết văn. Truyện ngắn đầu tay BẾN SÔNG QUÊ - tác giả Nguyễn Thanh in trong tập truyện Hoa Mù U tại Cần Thơ ấn quán năm 1965.
Năm 1967, “Sau thời gian gần 10 năm trốn quân dịch sống lầm lũi ngoài vòng pháp luật, giờ đây qua tuổi lính, Đan (Đan Thanh – một bút danh của Nguyễn Tấn Thành) được “Giám đốc nha Trung học Sài Gòn cấp quyết định cho chàng về dạy giờ tại thành phố Vị Thanh”. Truyện ngắn RIÊNG CHUNG - trang 69 - tập truyện ngắn BẾN TÂM HỒN.
Thời gian này, ngoài dạy học, Nguyễn Thanh cùng nhà văn Sơn Nam, nhà văn Vũ Hạnh, nhà thơ Kiên Giang… ra tờ tạp chí Văn nghệ miền Tây (1967-1970) có lập trường yêu nước, chống đế quốc, thực dân.
Tuy nhiên, hầu hết các truyện ngắn, tiểu thuyết được anh viết sau ngày giải phóng để ghi lại ký ức. Dễ tìm thấy những mảng văn hoài cổ về một miền văn hóa thực tình, đậm tình thương dân dã dành cho người nghèo kẻ khổ, những tâm hồn dễ bị tổn thương và tinh thần Lục Vân Tiên: “Giữa đàng thấy sự bất bằng đâu tha”. Đó là tố chất còn lại của những người xa xứ đến lập nghiệp giữa vùng sông nước mênh mông, thiên nhiên hào phóng, dân cư thưa thớt đến mức dư đất, không thiếu chỗ: thích ở, không thích, nhổ neo chống xuồng đến mãnh đất khác lập nghiệp; đã tạo nên sự công bằng trong nếp nghĩ, suy tư….
Viết in báo giấy, dung lượng mỗi truyện của anh trên dưới 2 200 chữ; cộng với phần tiêu đề truyện và một vi nhét (là hoạ tiết; hình vẽ trang trí trong sách, báo, giấy viết thư…) minh họa truyện; vừa đủ 1 trang báo khổ A3. Đó là con số khô khan nhưng đối với những người viết chuyên nghiệp, để phấn đấu có một bài viết vừa trọn trong một trang viết, đầy đủ, đạt chủ đề… là một việc cam go nếu không có tài hoa đặc biệt.
Chiếc nóp bàng, sản vật riêng có ở Nam Bộ; thân thiết đến mức không thể thiếu trong cuộc sống của bà con miền quê. “Nó vừa dùng để phơi ngủ cốc, vừa làm chiếu và cũng vừa làm mùng ngủ lúc lao động. Nơi nào ta cũng có thể lật nóp ra ngủ. Muỗi mòng, rắn rết đều không thể chui vào. Có thể lật nóp ngủ trên bộ ván, dưới nền nhà khô ráo, trước sân nhà, trên xuồng hoặc mui ghe thương hồ, ngoài đồng”.
Người lính ra trận, người cán bộ ở bưng biền mang theo vật dụng cần thiết của gia đình trong đó có chiếc nop, như mang cả quê hương cùng vào trận. “…để ngủ cả trong rừng lúc đi chiến đấu… Hầu hết nam nữ thanh niên tự trang bị tầm vông vạt nhọn và mang theo chiếc nop như đeo ba lô bây giờ…. Khi cần thiết, ta có thể cho vào nóp mọi thứ đồ lặt vặt như quần áo, khăn tắm sau đó cuốn gọn lại đeo trên lưng. Ngủ ban ngày, chiếc nóp dùng làm gối, đi xuồng, nếu gặp gió xuôi, có thể xổ nóp ra, chống cây biến thành buồm”.
Trong văn hóa Hán – Việt cổ, số 4 biểu thị tử (chết) và số 44 là chết của chết cũng có thể suy diễn là chết lần 2 để cho sự sống bừng lên. “Chúng tôi chỉ kịp bó anh vào chiếc nóp rồi vội vã chôn người bạn ngay trong đêm. Anh bạn vắn số của chúng tôi nằm đó, chiếc nóp quấn thân anh như tráng sĩ ngày xưa da ngựa bọc thây chốn sa trường” - Truyện ngắn CHIẾC NÓP QUÊ HƯƠNG - trang 69 - tập truyện ngắn BẾN TÂM HỒN. Với 44 chữ bình dân, chiếc nóp bình dị đi theo người chiến sỹ lam lủ, cùng anh bừng sáng lên, vượt qua đau thương trở thành hình ảnh biểu tượng cho quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh; đậm hơi thở truyền thống giữ nước của dân tộc khiến độc giả rưng rưng cảm phục.
Khi trả lời phỏng vấn của tôi qua điện thoại, nhà văn Nguyễn Thanh cho biết, do bận rộn vì thường phải hoạt động cùng lúc ở nhiều lĩnh vực, ngoài vẽ bìa, ông không thể vẽ ký họa cho tất cả các tác phẩm của mảng văn xuôi vốn là những lát cắt nhỏ của lĩnh vực văn hóa Nam bộ. Hy vọng, trong các lần tái bản sau; những đồ vật như chiếc nop, những khung cảnh như đêm giáp tết trong ánh lữa lập lòe; các chàng trai giả nếp chày ba, các mẹ, các cô say mê làm cốm dẹp… theo vào tác phẩm bằng tranh ảnh minh họa; đời sau có thêm góc nhìn trọn vẹn hơn.
Mảng văn xuôi mang đậm chất hiện thực trong sáng tác của anh do sử dụng một phần đời thực của mình: “Cô giáo Thúy, vợ Văn (Chàng Văn là bút danh của nhà văn Nguyễn Thanh)… đã mất vì bệnh ung thư hơn mười năm, để lại cho anh ba đứa con nhỏ dại, đứa lớn nhất khi ấy chưa đầy bảy tuổi, đứa bé nhất chỉ tròn 2 tháng. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, hằng ngày anh phải đi dạy học”. Tiếp đến là phần có vẻ như được hư cấu. Hoàn cảnh làm nền để Anh Thư, một học sinh cảm thương và muốn mang cuộc đời mình hiến dâng cho thầy giáo Văn, hy vọng chia sẻ cảnh gà trống nuôi con. Họ gặp lại nhau khi Anh Thư phải lấy chồng để trả ơn cứu cha. Cô có hai người con riêng. Cô quyết tâm kết nối lại trong lần cưới đầu tiên với Văn lúc đã ở tuổi hoàng hôn cuộc đời. Gian khổ buộc Anh Thư cứu gia đình bằng cách nhờ người Dượng của nàng bảo lãnh cho cả nhà định cư ở Hoa Kỳ. Chàng Văn không chấp nhận. Với tính cách quyết đoán và chủ động khi đến với Văn, Anh Thư quyết định chia tay. Không làm lớn chuyện sau ly hôn, họ cư xử hiền hòa, trọng nghĩa cũ và tôn trọng quyết định của nhau. Trong thời gian chờ xuất cảnh, Anh Thư tìm hiểu, nhận ra văn hóa Hoa Kỳ không phù hợp với mình. Với tính cách chủ động, lần thứ hai, bà tìm cách nối lại với ông giáo Văn. Một đoạn văn được viết như tả thực mặc dù là hoàn toàn hư cấu: “Bà con … vui mừng tở mở khi thấy Anh Thư và Văn, mặt mày rạng rỡ, tay trong tay, sánh bước bên nhau. Họ đi ra từ văn phòng Ủy ban phường sau thủ tục đăng ký KẾT HÔN LẠI. Đứng trước nhà, một bác trọng tuổi, mắt hướng về Anh Thư, ra vẻ biết chuyện, chân thành: “NGƯỜI VỢ HAI LẦN CƯỚI” - [1] Truyện ngắn NGƯỜI VỢ HAI LẦN CƯỚI - trang 5 - tập truyện ngắn NGƯỜI VỢ HAI LẦN CƯỚI – tác giả Nguyễn Thanh - Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh in năm 2010.
Truyện đặt ra vấn đề văn hóa trong cư xử gia đình của người dân Nam Bộ vốn trọng nghĩa tình và tôn trọng suy nghĩ, quyết đinh của từng cá nhân. Cùng với tư duy phản biện vốn ăn sâu trong suy nghĩ của người phụ nữ Nam Bộ mà chúng ta gọi là suy nghĩ thực tế. Duy tình và duy lý khiến cho chuyện trong mơ, lần cưới thứ hai phải đến như một lẽ tất nhiên mà người đọc dễ nhầm tưởng là kết thúc có hậu. Đây là một truyện ngắn viết về tư duy và phong tục đậm chất miệt vườn: vừa nghĩa tình vừa thực tế, vừa mạnh mẽ, rõ ràng, trên nền tôn trọng tự do cá nhân một cách nhân văn.
Trong bài Ghi chép “CÓ MỘT “ĐÊM QUAN HỌ BÃO TÁP” in ở Tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam, số 3299; tác giả Đan Thanh (bút danh thơ của Nguyễn Thanh) kể về buổi biểu diễn của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, mừng chiến dịch đại thắng Điện Biên Phủ. Trưởng đoàn Hoàng Cầm đã cho đưa vào 20 phút các liền anh, liền chị hát Quan họ. Lúc bài quan họ Ngồi tựa sông đào vang lên đến đoạn:
“Gió giục cái đêm đông trường,
Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó chờ ai”.
Ở dưới sân khấu có tiếng đả đảo vang lên lan nhanh như sấm buộc phải hạ màn. “Đại tướng Võ Nguyên Giáp quay lại phía sau nhìn xem là cái gì. Nét mặt ông bình thản” đủ cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Tổng chính ủy đứng lên dẹp loạn và buổi biểu diễn tiếp tục.
Phản văn hóa luôn tồn tại cùng văn hóa như hai mặt của tờ giấy đầy hình hài, con chữ. Một số người có trí thông minh tự nhiên, không có điều kiện rèn giũa kiến thức văn hóa, họ duy tình và có kiến thức nửa vời, đôi lúc tạo ra phản văn hóa để thể hiện nhận thức của mình trước một vấn đề cụ thể của xã hội mang tính văn hóa, thậm chí đụng đến một lát cắt văn hóa (văn minh). Nó được một số người ủng hộ và tạo nên hiện tượng phản văn hóa, như đốm cháy lan trong xã hội cho đến khi những người có văn hóa chung tay dập tắt. Tuy phản văn hóa chỉ xảy ra nhất thời, không thể làm sụp đổ văn hóa nhưng nó để lại hậu quả lâu dài, tạo nên sự phai nhạt một số giá trị văn hóa trong một thời gian dài cũng như tạo ra nhận thức và hành động thiếu văn hóa cho một số ít người trước khi phản văn hóa trở thành phép thử để cuối cùng khẳng định các giá trị văn hóa đúng nghĩa.
Nguyễn Thanh không viết về sự kiện giật gân. Thông điệp ẩn trong ghi chép này là vai trò của người lãnh đạo có văn hóa trong việc dập tắt đốm lửa phản văn hóa khi nó mới bùng lên. Như chữa bệnh, dập tắt phản văn hóa càng sớm, ở thời khắc phản văn hóa mới bùng nổ trong phạm vi nhỏ, tạo ra sự kiện nhỏ và đơn lẻ… càng dễ dàng và hiệu quả cao. Tiếp đến là tôn vinh, khẳng định văn hóa. Đó là vòng xoáy trôn ốc đi lên của văn hóa.
Văn xuôi của nhà văn Nguyễn Thanh không mầu mè, không dùng các từ hoa mỹ, không đảo trật tự thời gian, không sử dụng các thủ pháp phi tự nhiên như hiện thực huyền ảo được một số nhà văn dùng khi bút lực bị đuối hoặc do khả năng lo-gic bị hạn chế. Bút pháp của anh là kể chuyện như thực tế anh thấy theo mũi tên thời gian đi từ quá khứ về hiện tại. Hầu hết các chuyện có bóng dáng người chứng kiến là anh; với giọng văn tả thực, ngắn gọn, với các tình tiết chắt lọc. Tất cả những gì anh sử dụng không nhằm tôn vinh tài năng của người viết mà chủ yếu ghi lại trung thực đối tượng, nhân vật, câu chuyện, bám sát chủ đề.
Tách bạch thơ văn trong sáng tác, Nguyễn Thanh không cho ra văn vần gọi là thơ mới, và không tìm cách biến văn có chất thơ. Văn xuôi của anh là lát cắt văn hóa được viết công phu về những ngành nghề cổ, phong tục tập quán, nhân tình thế thái bị phong hóa do khoa học kỹ thuật, do tiến bộ xã hội quá nhanh làm phôi phai. Ẩn vào trong đó là nỗi buồn, tiếc nuối về những giá trị cũ vô giá bị vùi lấp, như là sự níu kéo trong vô vọng của mình.
-----------------------
Nhà văn Nguyễn Thanh đã in 3 tập truyện ngắn:
- NGƯỜI VỢ HAI LẦN CƯỚI, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh in năm 2008;
- YÊU CHỈ MỘT LẦN, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 2020 - Mã số ISBN: 978-604-9950-83-4.
- BẾN TÂM HỒN, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2022 – Mã số ISBN: 978-604-383-246-4
Và 3 Tiểu thuyết: Thằng Mực, Hồn chữ và Bến sông quê.
Các truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Thanh đậm chất văn học phi hư cấu.
Sài Gòn, ngày 05 tháng 8 năm 2024
LTH
Ghi chú: Các chữ in nghiêng là trích nguyên văn một đoạn trong tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Thanh.
Nguồn: Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 27 tháng 8/2024