TIN TỨC

Trưng Nữ Vương - Bản hùng ca độc lập dân tộc

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
681 lượt xem

(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - Sau khi bộ Tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương 02 tập được xuất bản, nhà báo Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có trò chuyện với nhà văn Phùtng Văn Khai xoay quanh bộ tiểu thuyết này.

Bộ tiểu thuyết Trưng Nữ Vương

Nguyễn Thị Bích Ngọc (N.T.B.N) : Thưa nhà văn Phùng Văn Khai! Anh vừa mới xuất bản bộ Tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương 02 tập với hơn 700 trang in, mở đầu là Bài ca Trưng Nữ Vương với hai câu thơ chính là câu đối ở Đền thờ Mê Linh - Hà Nội, nơi thờ nhị vị Trưng Vương: Đồng trụ triết hoàn, Giao Lĩnh trĩ - Cẩm Khê doanh trạc, Hát Giang trường đã nói lên tinh thần quật cường và sự trường tồn của dân tộc Việt luôn tươi xanh mãi mãi, mặc cột đồng Mã Viện đã gãy đổ từ lâu. Khởi đầu tiểu thuyết như vậy, có phải là sợi chỉ đỏ, thông điệp xuyên suốt của Trưng Nữ Vương?

Nhà văn Phùng Văn Khai (P.V.K): Cảm ơn bạn đã tham gia cuộc trò chuyện này! Quả thực đúng là như vậy! Xin nói dài dòng một chút. Câu đối trên là một trong những câu đối hay nhất tại hệ thống đình, đền, chùa, miếu thờ Hai Bà Trưng trên khắp cả nước. Đây chính là tinh thần của người Việt suốt nghìn năm lịch sử. Chúng ta cách thời đại Trưng Vương khoảng gần 2000 năm (40-2023) có thể nói là rất xa rồi. Song tinh thần độc lập dân tộc luôn là một thể thống nhất, khát vọng ngày trước của các cụ luôn truyền mãi tới hôm nay. Trưng Nữ Vương là bộ tiểu thuyết thứ 7 của tôi đều trên tinh thần ấy. Càng có độ lùi thời gian, các dấu mốc lịch sử càng cần các thế hệ con cháu của Trưng Vương hôm nay phải có ý thức vun đắp và làm sáng tỏ. Đây cũng là trăn trở rất lớn khi thực hiện Trưng Nữ Vương. May mắn tôi luôn được sự ủng hộ của nhiều người, nhất là giới nghiên cứu khoa học lịch sử cung cấp tư liệu. Ban quản lý di tích đền thờ Trưng Vương ở Mê Linh đã tạo điều kiện và cung cấp tư liệu quý. Các nhà văn đi trước như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, đặc biệt là tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ luôn động viên và cung cấp các tài liệu liên quan để tôi hoàn thành bộ sách với những thông điệp như bạn vừa đề cập đến.

N.T.B.N: Từ những chia sẻ của nhà văn, đã hé lộ và khơi dẫn nhiều vấn đề khác liên quan tới lịch sử dân tộc, nhất là đối với các anh hùng giải phóng dân tộc như: Trưng Trắc, Trưng Nhị. Điều này có gì cần phải làm rõ, thưa nhà văn?

P.V.K: Đúng là có vấn đề cần phải làm rõ ở đây! Đến hôm nay, còn có không ít bạn trẻ không phân biệt được thế nào là anh dùng dân tộc và anh hùng giải phóng dân tộc. Cũng không hoàn toàn lỗi ở các bạn, bởi chỉ cần tinh ý một chút, tư duy một chút sẽ thấy ngay anh hùng giải phóng dân tộc là các vị anh hùng đã lãnh đạo nhân dân đánh đổ ách đô hộ ngoại bang giành độc lập dân tộc như các vị Trưng Vương, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Lê Lợi… và hôm nay chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn anh hùng dân tộc cũng rất nhiều như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ,...  Như thế có thể thấy, các vị anh hùng của Việt Nam ta thời nào cũng có, ở đâu cũng được nhân dân ngưỡng vọng và ghi nhớ công lao. Đây chính là nét đẹp văn hoá của con người Việt Nam, nền tảng kiến thức để mỗi nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử lấy làm hồn cốt cho ngòi bút của mình.

Hai Bà Trưng theo sử sách mang họ Hùng, dòng dõi Hùng Vương, thuộc hàng trâm anh thế phiệt. Cặp song sinh Trưng Trắc - Trưng Nhị là cặp nữ nhân vật lịch sử đặc sắc nhất trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Đánh giặc, khai quốc. Xưng vương, phong chức tước, đất đai ngàn dặm cho đông đảo tướng lĩnh, tù trưởng các sắc tộc người Việt, người Hán, ai nấy đều một lòng tuân phục theo nữ vương. Đối với nước trung nghĩa kiên cường, cùng bách dân gỡ nạn nước giành độc lập dân tộc vang danh bốn biển. Đối với nhà theo lời thề buổi phất cờ tụ nghĩa, trả thù nỗi chết oan của người chồng Thi Sách cũng là một thủ lĩnh lừng danh đất Chu Diên, vì có ý kình chống với bọn Thái thú Tô Định mà bị giết. Nữ vương đã tuyên cáo giết Tô Định, trả lại danh tiếng cho chồng cũng là cổ kim hiếm có. Cũng trong công cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc của Hai Bà Trưng, những đấng nam nhi, anh hùng hào kiệt theo về với hai bà vô cùng đông đúc.

N.T.B.N: Với Trưng Nữ Vương, viết về một triều đại đã lùi xa như vậy, hẳn nhà văn sẽ gặp khó khăn không ít? Vấn đề mang mặc, trang phục chẳng hạn? Tượng binh chiến giáp của Trưng Vương sẽ được huấn luyện và chiến đấu như thế nào? Các chiến thuyền sẽ được tổ chức đóng và chiến đấu ra sao? Một vấn đề bạn đọc đặt ra là, có hay không có việc các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng đem binh thuyền sang đất Hán, tới tận hồ Động Đình khiến nhà Đông Hán phải kinh sợ? Điều này nhà văn phải giải quyết như thế nào?

P.V.K: Bạn đã đặt ra nhiều câu hỏi với biên độ rất rộng lớn nhưng thú vị đối với tôi. Là người viết tiểu thuyết lịch sử, nhà văn buộc phải trả lời và trả lời thấu đáo, đúng với sự thực lịch sử, và cao hơn là tầm tư tưởng trong tác phẩm từ những sự kiện lịch sử đó. Đây là điều sống còn đối với mỗi nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Anh có quyền hư cấu trong sáng tạo tác phẩm, nhưng tuyệt nhiên không được xa rời, càng không được bôi đen lịch sử. Nếu nhà văn chép lại lịch sử y như nó vốn có sẽ là những trang viết khô cứng, không có hồn vía, rất ít lợi ích với bạn đọc. Ngược lại, nếu nhà văn hư cấu quá đà, nhân vật lịch sử quá xa rời thực tế không còn đúng với như nó vốn có cũng tai hại không kém. Bởi khi đó sẽ là thực - giả bất phân, người đọc không còn phân biệt được đúng - sai, thiện - ác, chính - tà, sẽ là những mầm tai hoạ khi thế hệ sau tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Bởi vậy, các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử không những cần phải có vốn kiến thức rộng lớn, sâu sắc, mà còn rất cần cái tâm trong sáng, đúng đắn, nhân văn. Chính điều này quyết định tầm vóc của nhà văn và tác phẩm.

Nhà văn Phùng Văn Khai (ngoài cùng, bên phải) tại hội thảo khoa học

Về loạt câu hỏi bạn vừa nêu trên, tác giả đã phải giải quyết bằng hàng chục, thậm chí là hàng trăm cuộc đi điền dã khắp các tỉnh, thành có đình, đền, chùa, miếu thờ nhị vị Trưng Vương để tìm hiểu phong tục, tập quán, truyền thuyết dân gian, lễ hội, các nghi thức thờ cúng, các làng nghề cổ truyền, việc mang mặc các thời kì khác nhau, canh tác sản xuất nơi miền núi, vùng đồng bằng, bến sông, bãi chợ, các làng nghề rèn, nghề dệt, nghề đóng thuyền, dựng nhà cửa, khai mỏ đồng, mỏ thiếc, cách thức vận chuyển giao thương đường bộ, đường thuỷ; cách thức săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, việc tổ chức các phường săn vùng thượng du thời thượng cổ... hàng năm trời. Từ kiến thức trong dân gian, cộng với kiến thức trong hệ thống chính sử đã giúp nhà văn có được nền tảng để trả lời các câu hỏi trên bằng những trang văn như bạn thấy.

N.T.B.N: Quả thực nhà văn có rất nhiều công việc phải đòi hỏi đi thực tế tới nhiều vùng đất như vậy. Với riêng Trưng Nữ Vương, ngoài khó khăn, anh hẳn có nhiều thuận lợi mới có thể hứng khởi viết liền một mạch hơn 700 trang như vậy? Xin nhà văn hãy chia sẻ với bạn đọc!

P.V.K: Đối với cá nhân tôi, việc ngồi vào bàn viết trong khoảng gần 20 năm nay đã như cơm ăn nước uống hàng ngày. Buổi sáng mà không được viết sẽ vô cùng khó chịu. Các bạn thư kí đều rất hiểu cá tính của tôi. Tôi rất biết ơn vợ tôi, nhất là trong những tháng covid căng thẳng đều phục vụ chồng ngày này qua tháng khác. Tôi viết cuốn Triệu Vương phục quốc trong 5 tháng covid căng thẳng nhất. Tổ dân phố rào kín các ngõ ngách, nội bất xuất ngoại bất nhập, nên chỉ còn đối diện bàn viết với các nhân vật lịch sử cũng là một chuyện hay. Một bạn giúp tôi đã gần 20 năm là Nguyễn Thị Nhường ở Phụng Công - Văn Giang - Hưng Yên. Hơn 20 đầu sách của cá nhân của tôi và trên 300 đầu sách tôi tổ chức thực hiện đều có bạn ấy cộng tác hết sức tích cực. Anh em thảo luận với nhau từ nội dung, phông chữ, khổ sách, thiết kế bìa, nơi in ấn, xuất bản đều rất hợp ý. Một bạn trợ giúp liên tục đã 3 năm gần đây là Hà Thy Linh, bạn ấy đã cùng tôi thực hiện nhiều bộ sách quan trọng dày hàng nghìn trang, phải trực tiếp đánh máy, làm online thường ngày. Hà Thy Linh rất tinh ý và cẩn trọng. Linh làm việc với các giáo sư, tiến sĩ, tướng lĩnh vừa chỉn chu vừa linh hoạt đã tiết kiệm rất nhiều thời gian cho tôi. Và bạn Bích Ngọc, bạn do nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn giao nhiệm vụ thực hiện một số dự án sách cùng tôi đang khẩn trương tiến hành. Biên độ công việc khá rộng, từ gặp gỡ và xử lý công việc với các vị tướng lĩnh, văn nghệ sĩ có tên tuổi, đến tổ chức các khu vực bài nghiên cứu, phim, ảnh, truyền thông trung ương và địa phương rất vất vả. Nhiều buổi phải tới thực địa để làm phim tài liệu truyền hình, trực tiếp tham gia xây dựng kịch bản ra mắt sách, tổ chức đặc san, trực tiếp làm những nhiệm vụ khác theo yêu cầu đều rất tươi tắn và chính xác. Chính vì có những cộng sự nhiệt thành và tài hoa như vậy, tôi luôn có nhiều điều kiện thuận lợi trong sáng tác. Đi đâu cũng vậy, đều được các cấp chính quyền và người có trách nhiệm nơi đình, đền, chùa, miếu nhiệt tình giúp đỡ, bởi dường như ai cũng trân trọng lịch sử dân tộc, trân trọng các nhà văn viết về lịch sử.

N.T.B.N: Có thể thấy rằng, trong bộ tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương, các nhân vật chính phần lớn đều là các nữ tướng tài sắc vẹn toàn xuất thân trong giới danh gia vọng tộc đều chiến đấu và hi sinh lẫm liệt cùng nhị vị Trưng Vương?Nhà văn hãy khái quát vài vị nữ tướng điển hình với độc giả...

P.V.K: Tôi viết nhiều về lịch sử, nhưng phải đến Trưng Nữ Vương mới có điều kiện viết sâu về các nữ tướng đều là những anh hùng hào kiệt không riêng gì của thời đại Trưng Vương mà còn là của cả Việt Nam ta. Đó là nữ tướng Lê Chân người cửa biển An Bang (Hải Phòng ngày nay) anh dũng quả đoán, văn võ song toàn, chính là một trang nữ kiệt của người Việt với những chiến công đã đi vào sử sách. Lê Chân là điển hình của người phụ nữ Việt Nam âm thầm, bình dị, nhưng khi giặc đến thì anh dũng quật cường, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Hiện nay, nhiều nơi lập đình đền thờ nữ tướng Lê Chân mà tiêu biểu nhất là đền thờ bà tại thành phố Hải Phòng. Nhiều tên đường, tên trường học mang tên vị nữ anh hùng - nữ thần tướng Lê Chân.

Vị nữ tướng xuất sắc nữa là Thánh Thiên. Thánh Thiên - nữ thần tướng hiện có đền thờ nơi chân núi Phượng Hoàng (Yên Dũng - Bắc Giang) và nhiều nơi khác, bà là một trong những dũng tướng lập nhiều chiến công suất xắc trong thời đại Trưng Vương. Truyền thuyết từng cho rằng, bà cùng với nữ đô đốc Phí Phật Nguyệt đã dẫn binh thuyền vượt biển đánh vào Hợp Phố, cùng với các nữ đô đốc Trần Thiếu Lan, Trần Vinh Quốc đánh quân Hán tại hồ Động Đình, khiến chúng phải kinh sợ. Hiện nay, ngoài các đình, đền, chùa, miếu có thờ bà ở Việt Nam, còn có những nơi trên đất Trung Quốc có dấu tích đền thờ các vị nữ tướng kể trên.

Các nữ tướng xuất sắc của Trưng Vương nữa là các vị Đô đốc Phùng Vĩnh Hoa, Đô đốc Phí Phật Nguyệt, nữ tướng Hồ Đề, nữ tướng Bát Nạn, nữ tướng Phùng Thị Chính, nữ tướng Đàm Ngọc Nga... đã bằng tài năng và sắc vóc của mình sát cánh cùng Trưng Vương tạo lập ra những trang vàng lịch sử.

N.T.B.N: Vậy các nam tướng trong triều đại Trưng Vương thì sao? Nhà văn hãy khái quát một số vị tiêu biểu trong triều đại của Hai Bà?

P.V.K: Triều đại nào cũng có các nam thần và các nữ tướng, những người có công với nước đã được sử sách lưu danh. Các nam tướng trong triều đại Trưng Vương tiêu biểu phải kể đến Nguyễn Tam Trinh, Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống, Đào Tam Lang, Dương Thi Bằng, Bạch Uy, Phạm Danh Hương, Lê Đạo... Theo thống kê trong gian thờ các nam tướng của Hai Bà Trưng tại đền Mê Linh, có đến 147 vị cùng với 97 vị nữ tướng đã cho thấy thời trong đại Trưng Vương, vấn đề nam nữ đã hết sức bình đẳng, hễ là người có tài đều được dùng tài năng vào việc nước. Đây cũng là tiến bộ rất đáng kể của thời đại Trưng Vương. Sử gia đời Lê trung hưng Nguyễn Nghiễm đã nhận xét: “Trưng Vương là dòng dõi bậc thần minh, nhân lòng dân oán hận, nổi giận, đã khích lệ người cùng chung mối thù. Nghĩa binh xa gần đều hưởng ứng, 65 thành ngoài miền Ngũ Lĩnh một buổi sớm đều thu phục được, người dân chịu khổ từ lâu không khác gì được ra khỏi vực thẳm thấy ánh mặt trời. Bà quả là bậc anh hùng khí khái hơn người. Khi đất nước bị chìm đắm, lại được khôi phục do một nữ chúa ở Mê Linh. Lúc đó bậc con trai mày râu phải cúi đầu ngoan ngoãn tuân theo không dám làm gì, chẳng đáng thẹn lắm sao?”.

Quả là nhận xét vô cùng sinh động và xác đáng.

Càng nghiên cứu về về xuất xứ dòng dõi và hành trạng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc của Hai Bà Trưng, chúng ta càng thấy rõ khát vọng độc lập luôn chảy trong huyết thống của dòng dõi Lạc Hồng suốt nghìn năm lịch sử. Chúng ta càng thấy rõ sự quật cường của các bậc anh hùng hào kiệt, trong đó có cả các bậc nữ kiệt như Hai Bà Trưng không chỉ khao khát độc lập mà còn biết cách thực hành để danh chính ngôn thuận giành lấy nền độc lập cho đất nước mình, nhân dân mình. Đến nay đã gần hai nghìn năm kể từ ngày các vua bà khai nguyên lập quốc, con cháu hậu duệ hôm nay không chỉ biết ơn tiên tổ trong công cuộc giành lấy độc lập mà còn biết học tập Hai Bà Trưng về cách thức thực hành để giữ vững nền độc lập ấy. Điều này chính là nét đẹp văn hóa truyền thống đã được hun đúc, trao truyền từ đời này sang đời khác một cách hết sức tự nhiên.

N.T.B.N: Vậy bài học lịch sử nào được rút ra từ những đặc điểm nổi trội, ưu việt ấy? Đến hôm nay, chúng ta cần phải phát huy những giá trị hữu ích như thế nào từ khát vọng độc lập dân tộc của thời đại Trưng Vương?

P.V.K: Tôi luôn cho rằng, có rất nhiều bài học lịch sử đã được rút ra và được vận dụng linh hoạt trong đời sống hôm nay từ thời đại Trưng Vương. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều vị nguyên thủ Quốc gia, trong đó có các đời Tổng thống Mỹ. Tổng thống Donal Trump khi đến thăm chính thức Việt Nam đã nhắc đến Trưng Nữ Vương. “Ở Mỹ, chúng tôi hiểu rằng, không có gì quý giá bằng quyền được sinh ra, độc lập và tự do. Chính nhận thức đó dẫn dắt chúng tôi trong suốt lịch sử đất nước. Nó tạo cảm hứng cho chúng tôi dấn thân và đổi mới nhiều hơn. Những vị chủ nhà Việt Nam của chúng ta cũng từng trải qua cảm xúc đó không chỉ trong 200 năm mà là gần 2.000 năm. Vào độ năm 40 sau Công nguyên, lúc Hai Bà Trưng đánh thức tinh thần của người dân đất nước này. Đó là khi nhân dân Việt Nam đứng lên vì nền độc lập và tự hào của các bạn. Những người yêu nước, anh hùng trong lịch sử nắm giữ những câu trả lời cho những câu hỏi lớn về tương lai và thời đại của chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta là ai, sứ mệnh của chúng ta là gì. Cùng với nhau, chúng ta có sức mạnh để nâng người dân và thế giới lên những tầm cao mới chưa từng có. Hãy chọn tương lai của lòng yêu nước, thịnh vượng, niềm tự hào chứ không phải nghèo đói hay sự tôi tớ”. 

Chúng ta thấy đằng sau đó, chính là sự công nhận từ những phương trời khác, hiện giờ đang văn minh hơn, các chỉ số xã hội ở bậc cao cái nhìn bình đẳng và tôn trọng người Việt Nam hôm nay và cả tổ tiên chúng ta ngày trước. Đó không chỉ là sự tinh tế trong ứng xử ngoại giao, mà còn là sự trọng thị về văn hóa, văn hóa đánh giặc, văn hóa khát vọng và thực hành độc lập trước kẻ thù hùng mạnh của dân tộc Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, chính khát vọng giành độc lập dân tộc của triều đại Trưng Vương đã lần lượt mở ra những dấu mốc huy hoàng của lịch sử Việt Nam các thời kì tiếp đó. Tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương cũng chính là một trong những dấu mốc quan trọng trong hành trình sáng tác của tôi.

N.T.B.N: Xin chúc mừng chặng đường đã vượt qua của anh với các bộ tiểu thuyết lịch sử luôn được bạn đọc đón nhận. Hiện nay, anh đang thực hiện sáng tác mới về triều đại nào và cộng sự như thế nào?

P.V.K: Ngay sau khi kết thúc dòng cuối cùng của Trưng Nữ Vương, cứ tưởng cho phép mình nghỉ ngơi ít ngày, thì đã lập tức có PGS.TS.Hoả Diệu Thuý gọi điện động viên và mong muốn tôi viết về nhân vật lịch sử Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế. Tôi đã tiếp cận nguồn tài liệu rất dồi dào do họ Mai cung cấp và các khu vực tài liệu khác. Cũng xin nói thêm rằng, thời gian gần đây, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn và các cộng sự của ông luôn hỗ trợ tôi rất nhiều trong sáng tác và quảng bá tác phẩm. Các bạn trong Liên minh Kinh tế luôn đồng hành và động viên tôi trong mỗi chặng đường sáng tác của mình. Các bạn ấy trẻ trung, xinh đẹp và năng động, còn rất chu đáo trong mỗi buổi ra mắt sách, quảng bá truyền thông về sách không riêng với tôi mà còn với các văn nghệ sĩ có tên tuổi khác. Chính tấm lòng thơm thảo của Liên minh Kinh tế, của nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn và các cộng sự của ông đã tiếp thêm động lực và niềm tin để tôi vững bước trong chặng đường văn bút phía trước của mình.

N.T.B.N: Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Phùng Văn Khai đã tham gia thực hiện cuộc trò chuyện thú vị này!

Nguyễn Thị Bích Ngọc (thực hiện)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm