- Truyện
- Truyện ngắn được in | Đặng Nguyên Sơn
Truyện ngắn được in | Đặng Nguyên Sơn
Chiều thứ bảy, tôi chẳng còn ai để hẹn hò. Nàng đã bỏ rơi tôi. Cuộc sống của tôi bỗng trở nên vô vị. Vừa lên facebook giải sầu, tôi nhận được liên kết chia sẻ của Lâm. Đó là những tấm hình Lâm và tôi chụp hồi còn tóc để chỏm. Tôi không nhịn được cười. Lâm chẳng khác gì so với bây giờ. Mắt híp, mũi tẹt, miệng hô, cười hay không cười cũng chìa hàng răng vẩu.
Tôi và Lâm nhà ở cạnh nhau. Gia đình chúng tôi đều làm nông. Chúng tôi lớn lên cùng nhau tại miền quê gió Lào cát trắng. Mùa mưa, nước ngập lên tận mái còn mùa nắng thì nắng khát cả người. Tốt nghiệp cấp 3, tôi thi vào Đại học Xã hội nhân văn theo nghiệp viết lách. Lâm thi vào Đại học Bách khoa chuyên ngành kỹ thuật hóa học. Cả hai đậu đại học, khăn gói lên đường ra Thủ đô. Ngày tốt nghiệp, tôi được nhận vào làm việc trong một tòa soạn có tiếng. Lâm vẫn lông bông, chưa ổn định công việc theo đúng chuyên môn. Chán, Lâm viết văn. Viết một cách bản năng nên văn của Lâm đọc lên không nhịn được cười. Chợt điện thoại kêu tít tít. Tin nhắn của Lâm. Lâm muốn gặp tôi có chuyện cần nói. Lâm bao giờ cũng thế, luôn làm cho mọi người bất ngờ để rồi hụt hẫng bởi những chuyện không đâu.
Tôi ngồi đợi Lâm trên chiếc ghế đá dưới góc phượng vỹ vào mùa hoa bung đỏ rợp trời. Từ xa, tôi thấy Lâm tiến đến phía mình khuôn mặt không dấu được niềm vui. Trên tay Lâm là một cuốn tạp chí. Vừa ngồi xuống cạnh tôi Lâm khoe “Thế là truyện ngắn của tớ đã được in!”. Mắt Lâm long lanh sáng lên nhìn tôi. Dỡ cuốn tạp chí bằng khổ giấy A4, Lâm lướt vội các trang thật nhanh đến truyện ngắn của cậu. Cố gấp cuốn tạp chí sao cho cái truyện ngắn của mình đứng vị trí mặt bìa. Lâm dí vào tay tôi. Đôi mắt ánh lên sự nài nỉ. Tôi cầm hờ cuốn tạp chí. Những truyện ngắn được đăng kiểu này tuần nào tôi chẳng có một vài bài.
- Để sau được không Lâm? Hôm nay tớ không có tâm trạng tán chuyện văn chương.
Lâm cụp mắt xuống, niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt bỗng rơi tõm tận đẩu tận đâu. Kiểu tâm trạng này của Lâm tôi đã bắt gặp từ năm chúng tôi học lớp 9. Hồi đó làng tôi toàn là nhà tranh vách đất và nấu bếp củi. Mùa gió Lào, không cẩn thận là lửa bén vách cháy phừng lên. Một hôm đi học về tôi nghe Lâm hét: “Nhà cháy!”. Để nguyên đồng phục quần xanh áo trắng, vứt cái cặp ở sân, tôi lao vào nhà ôm cái chăn ra giếng tẩm nước và chạy sấp ngửa sang nhà Lâm. Âm thanh loảng xoảng cùng với xô chậu trên tay, bà con trong xóm cũng ùn đến nhà Lâm chữa cháy. Cùng căng tấm chăn cho Lâm một đầu, tôi hét lớn: “Xung phong!”. Chúng tôi lao vào đám lửa đang cháy ngùn ngụt. Bà con cũng liên tục tạt nước lên tấm chăn. Lát sau lửa tắt. Khói xuyên qua tấm chăn nghi ngút bay lên như ống thải khí nhà máy xi măng. Chúng tôi và những người có mặt hôm đó toàn thân lấm lem màu nhà cháy. Lâm nhìn tôi cười hề hề, khoe đã có ý tưởng mới cho bài văn tả. Lâm cho rằng màu xanh của hành tinh sẽ thay thế bởi màu đen của khói bụi và ánh nắng gay gắt. Con người lúc đó sẽ giống như người chui ra từ mái nhà tranh bốc cháy. Da cũng sẽ dày lên và đen thậm chí mộc lông để thích nghi với biến đổi khí hậu. Mở đầu bài văn cậu viết “Hành tinh xanh của chúng ta trong tương lai sẽ thành hành tinh chết”. Bài văn của Lâm được cô giáo cho 0 điểm. Cô giáo cho rằng, Lâm vì đói khổ nên hằn vào đầu những ý nghĩ đen tối. Các bạn cùng lớp được dịp no cười. Từ đó, Lâm ghét học văn và điểm môn văn của cậu luôn đội sổ.
Bây giờ, mỗi lần sáng tác được cái gì là Lâm lại bắt tôi đọc. Thực sự mà nói, truyện ngắn của Lâm đọc phát ớn đi được. Văn phong chẳng ra gì, câu cú cứ hỗn lên. Nể bạn lắm, tôi mới đọc. Đôi khi tôi thấy đọc truyện của bạn thật mất thời gian, trong khi đó các tác phẩm nổi tiếng trên thế giới tôi chưa được đọc. Mà phải đọc những tác phẩm hay thì tay nghề mới lên được. Không phải tôi ích kỷ nhưng viết lách là cái nghiệp đã vận vào tôi, trói buộc tôi, không còn lựa chọn nào khác. Tôi khen và khuyên Lâm: “Văn của cậu có nội lực nhưng thiếu đọc”.
Tôi quay sang nhìn Lâm nhưng không bắt gặp ánh mắt đồng cảm của Lâm. Tôi lướt mắt qua truyện ngắn của Lâm trên cuốn tạp chí và không đọc, lật sang những trang khác. Bỗng tôi thốt lên:
- Truyện của cậu được đăng chung cùng những nhà văn lớn có tác phẩm đỉnh cao ở trong nước đấy.
- Tớ biết họ mà, tớ đã gửi bài nhờ họ góp ý.
- Cậu nói thiệt chứ?
- Thiệt!
- Rứa họ nói răng?
- Họ nói văn tớ thiếu những “chi tiết”, thiếu những “cái cây”. Nghe xong, lỗ tai tớ lùm bùm, cảm thấy mơ hồ và gần như bấn loạn.
- Họ nói đúng đó! Văn xuôi sống bằng chi tiết!
- Chi tiết? Cậu cho tớ một ví dụ xem, chẳng hạn cái truyện ngắn “Hun hút” nổi đình nổi đám trên trang mạng tuần qua của cậu nờ?
- Theo cậu có hay không?
- Hay!
- Rứa cậu có nhớ được chi tiết mô trong nớ không?
Lâm đờ người, câu hỏi của tôi làm Lâm rối trí không thể nghĩ ra câu trả lời nào một cách nhanh chóng. Nắm được điểm yếu của Lâm, tôi hỏi dồn:
- Chi tiết mô khiến cậu nhớ vì tính lãng mạn, chi tiết mô khiến cậu thích thú, chi tiết mô khiến cậu ghê rợn? Rồi tự đặt câu hỏi tại sao nó làm mình thích hoặc ghê sợ? Nếu thay đổi đi thì có còn thích hoặc ghê sợ nữa không? Muốn tạo ra chi tiết như rứa thì buộc người viết phải làm chi, nghĩ ngợi kiểu chi?
Lâm vẫn lặng im nghe tôi nói.
- Cậu cần phải đọc nghiền ngẫm rồi nói cho tớ những gì cậu hiểu bất cứ lúc nào?
Lâm ngồi im bặt, không tìm được câu nào để đáp lại tôi. Tôi nói tiếp:
- Truyện của cậu dông dài trong khi truyện ngắn là một lát cắt, nếu tác giả biết khai thác thì một ly cà phê cũng trở thành một truyện ngắn hay.
Hình như Lâm đã vỡ ra được điều gì đó. Lâm quay sang nhìn tôi một lúc lâu và hỏi:
- Còn “cái cây” là sao?
- À, ý câu này muốn nói về giọng văn, lúc thì dồn đập lúc nhẹ nhàng và phải tạo ra những mâu thuẫn đẩy lên cao trào và chính cái cao trào đó người ta gọi là “cái cây”.
- Chao ôi văn chương, không ngờ nó lại trừu tượng, nhọc nhằn rứa! Tớ chẳng biết, tớ viết theo bản năng và muốn có một bút pháp riêng.
- Bút pháp mà cậu nói như những chiếc áo tạo kiểu khác nhau nhưng đều phải dùng bằng vải, chưa kể đến vải chất lượng thấp hay cao nữa kìa. Nghề văn không ai dạy ai, mà năng khiếu thì không thể học chưa nói đến mức độ cao hơn là tài năng rồi kết hợp tự học thì mới gọi là thành công một chút. Cậu phải đọc nhiều và học nhiều qua cách đọc.
Tôi thở hắt ra, cho đến giây phút này tôi vẫn nghĩ chắc là ban biên tập đăng để động viên anh bạn của tôi vì gửi quá nhiệt tình chăng? Tôi lật lại truyện ngắn của một nhà văn nổi tiếng trong cuốn tạp chí:
- Cậu hãy nghiền ngẫm nó, sau đó đọc lại bài của cậu, sẽ phát hiện ra cậu thiếu cái chi!
Cuốn tạp chí nằm gọn vào tay Lâm một cách nhanh chóng. Lâm thừa biết tôi không muốn đọc truyện của Lâm nhưng không nở thẳng thừng từ chối. Tự nhiên giữa chúng tôi có một khoảng lặng. Hai người nhìn đi hai hướng, để cho những ý nghĩ đi hoang. Lát sau, tôi quay mặt lại phía Lâm.
- Lâm này!
- Khanh này!
Bỗng chúng tôi đồng thanh nói. Lâm cười:
- Cậu nói trước đi Khanh.
- Mình nhường cho cậu.
- Ừa. Mình rất mê viết truyện ngắn!
Câu nói chân tình của Lâm khiến cái ý nghĩ muốn mời Lâm ra quán làm vài ly đỡ buồn không thể bật lên thành lời. Tôi ngồi yên, lặng nghe bước chân của những cô cậu học trò cùng nhau “đi phượt”. Phá tan khoảng lặng giữa hai người Lâm hỏi:
- Thế lúc nãy cậu định nói với mình chuyện chi rứa?
- Không… Mà có, tớ muốn nói với cậu nên viết cái gì đó cho thiệt giản dị, gần gũi mà cậu hiểu thấu đáo nhất.
Lâm lật lại truyện ngắn của mình và thở dài não nuột.
- Để được đăng quả thật không đơn giản tí mô, tớ đã gửi đến mấy tờ báo và họ đều từ chối.
Mặt Lâm ỉu xìu. Tôi lại im lặng. Chuyện đó rất bình thường không có gì đáng ngạc nhiên. Tôi đã đọc những truyện ngắn của Lâm, giọng kể đều đều, nhàn nhạt, không một chi tiết nào gây ấn tượng, toàn bộ câu chuyện chỉ là một giọng kể thiếu sức hút, rất khó dẫn dắt người đọc đi hết một vài trang đầu. Tôi nén tiếng thở dài. Lâm dán mắt lên truyện ngắn trên cuốn tạp chí:
- Truyện ngắn ni cũng từng lọt vô mắt của một tờ báo nhưng sau đó họ không in vì ưu tiên cho một tác giả đã thành danh, làm mình mừng hụt.
Tôi ngã người vào ghế đá. Lưng gần như khòm xuống, cái cổ nghênh sang một bên vừa đủ để nhìn thấy Lâm, rồi phát ra những câu chắc nịch của người từng trải trong nghề viết lách:
- Tớ nghĩ cậu nên kiếm công việc làm ổn định, truyện được đăng hay không chẳng quan trọng miễn là tìm thấy niềm vui trong khi viết là đủ rồi. Còn nếu cậu muốn kiếm sống thì tớ nghĩ cậu nên theo học một lớp viết văn căn bản cho đàng hoàng.
Cũng đã rất nhiều lần Lâm gật gù rồi tham gia khóa học ngắn hạn, “bữa đực bữa cái”. Về, Lâm lao vào viết như điên. Viết được tác phẩm mới cậu “post” lên các trang mạng xã hội và quảng bá cho tác phẩm của mình. Chao ôi, mọi người “on line” ầm ầm! Nhưng đọc xong, họ chửi: “Tệ quá! Hãy gỡ xuống gấp! Đừng làm ô uế câu từ trong sáng của tiếng Việt…”. Đọc xong những “comment” Lâm rất buồn và tôi cũng cộng hưởng buồn theo. Hôm đó, cả tôi và Lâm say bí tỉ. Lâm thề bẻ bút không viết văn nữa. Vậy mà, hôm nay cậu lại hớn hở vì chuyện viết lách. Tôi lo lắng vô cùng. Lâm xoay tròn cuốn tạp chí trên tay thao thao:
- Lạ thật! Mình gửi bài có biết ban biên tập đâu, họ đọc xong nhắn lại. “Em à, truyện khá đấy, em co lại, nhớ là lật đi lật lại một câu sao cho nó ngắn nhất mà vẫn biểu đạt được hết ý của mình, sửa xong thì gửi lại cho anh luôn nhé!”. Anh ấy là thành viên trong ban biên tập. Anh ấy vui, mình cũng vui. Nhưng chưa kết thúc ở đó, chỉ mới lọt vào mắt xanh của sếp phó, còn một công đoạn gay go hơn nữa là sếp tổng. Đến 90% là được in còn 10% nữa. Mình hồi hộp, anh ấy cũng hồi hộp. Chỉ 2 phút thôi sếp tổng bảo yếu là vạt luôn. Giờ thì nó đã nghiễm nhiên nằm trên tay mình rồi. Mình đã thoát khỏi lối viết đơn tuyến để đến với đa tuyến xoắn bện.
Hiện tượng đa tuyến xoắn bện mà Lâm nói, trong văn chương người ta gọi là truyện trong truyện. Lối viết này rất khó. Câu chuyện của Lâm một lần nữa cuốn tôi vào truyện ngắn trên cuốn tạp chí Lâm đang cầm trên tay. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau lóe sáng hy vọng. Cuốn tạp chí nhanh chống quay lại tay tôi. Lâm cười gượng gạo:
- Thế mà tớ nghĩ cậu không muốn đọc nó?
- Để yên coi nà, tại cậu PR cho tác phẩm của mình chớ!
Lâm ngồi yên không nói và dõi theo những cảm xúc như tần số của sợi dây cao su căng ra co lại trên khuôn mặt tôi. Hồi hộp. Lo lắng. Mươi phút sau, tôi nhìn Lâm với ánh mắt vừa hối lỗi vừa khâm phục. Sao Lâm có thể viết về cuộc sống ở nông thôn và thành phố đan xen vào nhau một cách nhuần nhuyễn như thế! Không để Lâm chờ đợi thêm, tôi thốt lên một thôi một hồi. Tốt rồi, truyện đã có văn, có những chi tiết, có những cái cây, đã là một truyện ngắn và đúng là đa tuyến… Chào mừng cậu đến với làng văn, đến với “con đường khổ”. Nghe tôi nói viết văn là “con đường khổ”, Lâm nhìn tôi cười khúc khích chìa hàm răng vẩu.
Đ.N.S