- Thế giới sách
- Từ cầu chữ Y đến Landmark 81
Từ cầu chữ Y đến Landmark 81
(Lời đầu sách “Sài Gòn của em”)
1. Cầu chữ Y và Landmark 81 là hai trong số rất nhiều biểu tượng của hành trình văn hóa - lịch sử, hai điểm nhấn trong thời kì hòa bình - đổi mới - hội nhập của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là nguồn cảm hứng về đất nước, quê hương của văn nghệ sĩ, trong đó có đội ngũ những người làm thơ cho tuổi thơ. Hai công trình kiến trúc như đôi cánh đưa tuổi thơ Thành phố bay lên, hòa nhịp cùng sự thay đổi, phát triển từng ngày của một đô thị năng động, cởi mở. “Chữ nâng người lên cao” để các em tự tin đến với “tiệm kem lưng trời”, thu vào tầm mắt bao diệu kì của quê hương với tâm trạng thích thú, tự hào. Từ chiếc cầu có một không hai đến tòa cao ốc bề thế nhất nước, 50 năm qua, thơ cho các em đã đồng hành cùng Thành phố vươn cao, vươn xa.
2. Thơ, nhất là thơ cho thiếu niên nhi đồng, phải khởi đi từ chính hiểu biết, gắn bó, yêu thương của tác giả, gần nhất là đối với con cháu của mình. Rồi từ chuyện riêng tư mà vươn ra bên ngoài, thành tiếng nói chung, tình cảm chung của người viết cho tuổi thơ. Có nhìn, nghĩ, nói, hành xử như chính các em thì sáng tác mới dễ được các em đón nhận.
Với tập thơ này, bạn đọc nhỏ tuổi sẽ thấy Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh hiện lên thân thuộc mà lạ lẫm, truyền thống mà hiện đại. Vẫn là những nơi, những cảnh hằng ngày em qua, em thấy nhưng rồi bất chợt một ngày không khỏi ngạc nhiên: Thành phố của em sao mà yêu đến thế! Miệt vườn cây trái, sông nước ngọt lành, những cánh đồng rập rờn sóng lúa; rồi những những trò chơi tuổi nhỏ, chuyện học hành, sinh hoạt, những rung động tinh khôi,… đều được người viết thể hiện bằng tấm lòng nâng niu, thương quý. Những vần thơ xinh xắn, bình dị, trong veo như lời con trẻ đã làm được một việc thật đẹp đẽ, thật ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay: kết nối thế hệ, lưu giữ, hòa đồng kí ức của người lớn và trẻ em, để hiện tại, quá khứ và tương lai xanh thắm mãi. Nhiều người rời xa sân ga tuổi nhỏ cũng sẽ tìm thấy ở đây những nơi chốn, kỉ niệm mà mình đã gắn bó, yêu mến một thời.
Những nhịp võng thơ ngân vang khúc yêu thương mang lại bao diệu kì, bao hạnh phúc cho tháng ngày thần tiên tuổi nhỏ. Có lời ru của mẹ, có tiếng thơ của cô thầy, có giọng cười trong trẻo của bè bạn, có tiếng ve réo rắt điệu nhạc hè, có ngọn gió mát lành đồng vọng lời cây, lời của những dòng sông, có thảo thơm tấm lòng con trẻ. Tất cả thành phép màu ươm dưỡng ở các em bao điều tốt đẹp: lòng yêu thương, sự tri ân, niềm vui sống, lòng tin tưởng và chất đề kháng chống lại sự lãng quên, vô cảm, vô tâm,… Tình yêu, lòng biết ơn, sự tự hào sẽ là những nguồn sống quý để trẻ lớn cùng trang thơ, thành công dân đúng nghĩa, biết sống ân nghĩa, thủy chung.
3. Có bao giờ, hòa trong tấp nập phố phường, ta chợt hỏi mình: Đâu là gương mặt tinh thần của trẻ em hôm nay? Giữa cuộc sống gấp gáp này, văn học nghệ thuật có dành cho trẻ thơ sự quan tâm đặc biệt? Thơ văn đã làm gì để góp phần kiến tạo thế hệ tương lai nước nhà? Thế giới tuổi thần tiên giấu những bí mật nào khiến bao người phải mê say, trân quý?… Những vần thơ thấm đượm thương yêu và trách nhiệm với tuổi thơ của thi nhân Thành phố Hồ Chí Minh suốt chặng đường một phần hai thế kỉ sẽ là một đáp án đáng tin cậy. Chúng ta có quyền hi vọng vào sức lan tỏa và kết nối từ cuốn sách.
50 tác giả trong tuyển tập chỉ mang tính tương đối bởi số lượng này quá khiêm tốn so với thực tế. Chúng tôi rất mong những nhà thơ tâm huyết nhưng chưa đủ duyên để góp mặt ở đây lượng thứ. Hạn chế từ cuốn sách cũng là động lực để Hội Nhà văn Thành phố có những công trình đầy đặn, bề thế tiếp theo.
B.T.T.