TIN TỨC

Tuổi 16 và Một Ngày Từ Bên Trong!

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-01-10 19:10:54
mail facebook google pos stwis
594 lượt xem

LÊ THIẾU NHƠN

Cô gái 16 tuổi Minh Anh đến từ TP.HCM là tác giả trẻ nhất được vinh danh tại lễ trao tặng giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc năm 2023, do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức sáng 4/1 tại Hà Nội.

Với tập thơ song ngữ “Một ngày từ bên trong”, cô gái 16 tuổi Minh Anh được nhận Giải A, giữa sự chúc mừng và ngưỡng mộ của các đồng nghiệp.

Đang theo học tại một trường quốc tế, cô gái 16 tuổi Minh Anh có họ tên đầy đủ là Trần Phú Minh Anh. Năm 11 tuổi, Minh Anh đã viết tác phẩm đầu tay có tên gọi “The Painting” bằng tiếng Anh. “The Painting” phổ biến trong cộng đồng học sinh quốc tế, và tạo được nhiều hiệu ứng tích cực. Nhà xuất bản Kim Đồng đã tình cờ phát hiện tài năng nhí này, và ấn hành “The Painting” thành tác phẩm tiếng Việt “Bức tranh huyền bí” qua bản dịch của Hoàng Ngọc Diệu vào cuối năm 2021.

“Bức tranh huyền bí” được viết theo thể loại văn học kỳ ảo (fantasy) về hành trình của cô bé Amy đi tìm bí mật được đồn đại rùng rợn xung quanh một bức tranh cổ treo góc khuất trong ngôi biệt thự. Cô bé Amy muốn hóa giải lời nguyền bức tranh, để người thân của mình không còn ai bị tai ương gì nữa. Hành động dũng cảm và trái tim lương thiện của cô bé Amy đã dắt độc giả cùng phiêu lưu qua 13 chương ngắn của “Bức tranh huyền bí” khá hấp dẫn.

Tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc diễn ra ở Đà Nẵng tháng 6/2022, Minh Anh là đại biểu trẻ tuổi nhất và được Chủ tịch Nước gửi thư khen ngợi.

Sau tập truyện “Bức thư huyền bí”, Minh Anh tiếp tục có tập thơ “Một ngày từ bên trong” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành. Sáng tác song ngữ Anh – Việt, tập thơ “Một ngày từ bên trong” gồm ba phần “Ngay ở đây”, “Những sắc màu” và “Từ nội tâm”, chứng minh khả năng quan sát tinh tế và phẩm chất suy tư sâu sắc của cô gái 16 tuổi.

Ở độ “bẻ gãy sừng trâu”, Minh Anh phát hiện vẻ đẹp mái tóc thiếu nữ theo cách riêng mình: “Mọc dài, mọc dài ra mãi/ Chảy thành con sông đen tuyền/ Làm tôi chết đuối” và cũng phát hiện vẻ đẹp quá khứ theo cách riêng mình: “Tôi liếc trộm những tấm ảnh cũ/ Chợt nhận ra mình bị ám ảnh bởi/ Những điều đẹp đẽ, giản đơn/ Chúng ta đã từng có dù thoáng qua”.

 

Không câu nệ những khuôn phép vần điệu của thơ truyền thống, “Một ngày từ bên trong” tung tẩy những ý tưởng độc đáo để nhận diện đời sống “Con chó chạy rông trên biển/ Như một đứa trẻ/ Làm xao lãng mặt trời đang lặn/ Mặt trời giống như người mẹ/ Thay chiếc áo lâu hơn/ Trước khi tắt hẳn ánh chiều vàng” và để nhận diện bản thân “Người duy nhất tôi tin/ Vào lúc cô đơn nhất/ Chính là những ngôi sao/ Lung linh lấp lánh đêm trời cao/ Khi chúng ta càng xa khỏi ngôi nhà tâm hồn/ Hoặc khi đời là một mớ hỗn độn/ Những ngôi sao sẽ càng tìm đến/ Như là người bạn đồng hành/ Để yêu thương”.

Thơ Minh Anh có ưu điểm về tính khám phá. Đấy là thế mạnh thanh xuân, khi con đường sáng tạo của họ dễ dàng đi xuyên qua mọi rào cản thói quen và định kiến. Cô gái 16 tuổi đã viết như một cách thực hành sự tin cậy mới mẻ đối với cuộc sống. Ở Minh Anh, ánh mắt trong trẻo và khát vọng tìm kiếm luôn hỗ trợ nhau trong cuộc thăm dò cảm xúc thi ca: “Những bức tượng bên trong ngôi đền kín/ Thường trực nụ cười khiêm tốn/ Trên khuôn mặt của bóng tối/ Và của tia sáng lẻ loi/ Chẳng có lịch sử nào ghi về họ/ Ngay cả khi ai đó đục thủng bức tường một cái lỗ/ Trên khuôn mặt của bóng tối/ Những bức tưọng này/ Vẫn thường trực nụ cười khiêm tốn trên môi”.

Trong tập thơ “Một ngày từ bên trong”, Minh Anh đã có niềm thao thức: “Làm sao nghệ thuật của tôi nở hoa/ Khi chui rúc trong vỏ sò khốn khổ”. Và thế hệ người Việt có thể sáng tác song ngữ như Minh Anh, đang mở ra cho văn chương Việt cánh cửa hội nhập quốc tế.

Với kiểu thơ của Minh Anh, độc giả hôm nay nhận ra một sự thật là cái đặc sắc không cần sặc sụa phấn son. Trong xã hội ngùn ngụt tốc độ đô thị hóa hiện tại, đôi khi chỉ cần một khoảnh khắc tạm dừng (pause) để con người hướng thiện: “Đôi khi tôi ước/ Có một cái điều khiển từ xa/ Để bấm nút pause thời gian/ Để tôi làm tất cả/ Những điều mình thấy cần/ Mổ xẻ mình/ Xây dựng mình/ Yêu thương mình/ Tất cả và tất cả/ Diễn ra trong một đêm/ Mà chính trong lúc pause/ Tháng năm trôi đi mất/ Rồi ngày mai thức dậy/ Trong thế giới loài người/ Tôi trở nên hoàn hảo”.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Thơ Văn Liêm và những khao khát biển bờ!
Bài của Nguyễn Văn Hòa về nhà thơ Văn Liêm
Xem thêm
Giao lưu và ra mắt 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa chân dung thơ của nhà thơ Nguyên Hùng
Sáng ngày 02/ 10/ 2024, Hội trường B lầu 2 số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP HCM, nhà thơ Nguyên Hùng đã ra mắt bạn đọc 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa 81 chân dung văn học.
Xem thêm
Ra mắt tuyển thơ của tác giả từng 2 kỳ Nguyên Tiêu có thơ thả lên trời
Hình ảnh: Nguyên Hùng và NVCC – Dựng clip: Nguyên Hùng
Xem thêm
Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất
Nguồn: Lê Thiếu Nhơn (Nông nghiệp Việt Nam)
Xem thêm
Trao giải Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024
Sáng 20.9, tại TP Phan Thiết, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đã long trọng tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024.
Xem thêm
Gặp gỡ và giao lưu cùng 5 tác giả của bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp
Sáng ngày 21/9, chương trình “Trò chuyện cùng các tác giả bộ sách tiếng Việt giàu đẹp” diễn ra tại Đường sách TP. HCM đã thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng.
Xem thêm
Thêm một nghĩa cử nghĩa tình cao đẹp
Ngày 4 tháng 9 năm 2024, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn số 5133/ UBND-KT về việc hỗ trợ chăm lo cho thương binh, bệnh binh. Theo đó, thành phố chủ trương hỗ trợ đối với thương binh, bệnh binh với số tiền chăm lo tối thiểu 2 triệu đồng / người / tháng. UBND TP giao cho các doanh nghiệp do nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thuộc Thành phố, mỗi đơn vị hỗ trợ tối thiểu 5 trường hợp ( 10 triệu đồng / tháng ) phấn đấu duy trì đến hết năm 2030. Thành phố giao cho các sở Tài chính, Lao động TBXH triển khai ý kiến chỉ đạo này. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM được giao tiếp nhận, quản lý và giải ngân nguồn tài trợ.
Xem thêm
Phóng sự hình ảnh buổi ra mắt sách “Bác sĩ phẫu thuật” của PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Đây là tác phẩm thứ 10 của nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn Nguyễn Hoài Nam, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
PGS.TS. Ngô Minh Oanh: Anh muốn làm lá biếc
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm