Nhà văn ĐÀO PHONG LAN
Họ và tên khai sinh: Đào Phong Lan
Năm sinh: 1975
Thường trú: Quận 7, TP. Hồ Chí Minh
Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC
- Bắt đầu làm thơ từ năm 8 tuổi và có thơ đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam với bài thơ “Chiếc Áo” cùng năm đó.
- Được kết nạp Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai năm 13 tuổi.
- Năm 1993 thi vào Khóa 5, Trường Viết Văn Nguyễn Du và chính thức bước vào con đường văn chương chuyên nghiệp.
- Từ năm 1993 – 2000, tham gia tích cực vào Tập san Áo Trắng và Hội Bút Hương đầu mùa – Hoa Học Trò.
- Được kết nạp Hội Nhà văn TPHCM năm 2006
- Những bài thơ được độc giả yêu thích: Viết Cho Mùa Hoa Phượng, Từ Biệt, Viết Cho Anh Những Ngày Xa, Lời Đá Cuội, Hoan Ca, Lời Mỵ Nương, Giêng Hai, Em Không Thể Nói Lời Từ Biệt…
TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN
- Giêng Hai (Thơ, NXB Thanh Niên, 1995)
- Ma Trận (Tập truyện ngắn, NXB Văn nghệ TP. HCM, 2001)
- và nhiều tập in chung nhiều tác giả như: Truyện ngắn 5 tác giả nữ (NXB CAND 1998); Nghìn câu thơ tài hoa (NXB Hội Nhà văn 2013)…
GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC
- Giải Ba truyện ngắn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam và tuần báo Văn nghệ trẻ tổ chức 1995); cuộc thi không có giải Nhất
- Giải nhất cuộc thi thơ Áo trắng (NXB Trẻ - 1993, 1997)
- Giải Nhì cuộc thi thơ Áo trắng (NXB Trẻ - 1994, 1996, 2001)
- Giải Ba cuộc thi thơ Áo trắng (NXB Trẻ - 1995, 1998)
- Giải thưởng cuộc thi thơ Bút mới (báo Tuổi trẻ, 1995)
- Giải thưởng thơ Tạp chí Phương Mai, Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, 1995
- Giải thưởng Truyện ngắn tạp chí Tiếp thị và Gia đình, 2005
ĐỒNG NGHIỆP VIẾT VỀ ĐÀO PHONG LAN
Đào Phong Lan sinh năm 1975, lớn lên ở thành phố Pleiku, học tập tại Hà Nội và làm việc tại TP. HCM từ năm 2002 tới nay. Chị là hội viên Hội nhà văn TP. HCM.
Chị học âm nhạc từ nhỏ tại Trường Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên và Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam cùng thời gian học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp trung cấp âm nhạc vào năm 16 tuổi, chị đi dạy âm nhạc một năm và công tác tại Ngân hàng Nhà nước Gia Lai một năm. Chị thi đậu vào khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du và tốt nghiệp đại học năm 1998. Ngoài ra, chị có thêm bằng thạc sĩ Quản trị tiếp thị - truyền thông, Đại học Université Libre de Bruxelles (Bỉ), và hai bằng cử nhân nữa thuộc chuyên ngành Luật và tiếng Anh.
Đào Phong Lan ghi dấu ấn riêng trong văn học từ rất sớm, với việc xuất bản tập thơ đầu tiên “Giêng Hai” (NXB Thanh Niên) năm 1995, khi mới 20 tuổi. Thơ của chị, đặc biệt là lục bát, thể hiện nghệ thuật ngôn từ trong sáng mà sắc sảo. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khi ấy phát biểu về chị: “Tôi rất yêu chất dân dã của thơ cô. Những câu lục bát nhuần nhuyễn, ý tứ, lung linh. Thơ Đào Phong Lan đầy nữ tính, thật dịu dàng e ngại và chờ mong khắc khoải. Đào Phong Lan có hồn thơ, và cô dường như đã yêu, đã nắm được cái dịu ngọt, lúng liếng, tình tứ, mênh mang của ca dao”. Nhưng không chỉ có lục bát, nhiều bài thơ của chị được độc giả yêu thích được viết dưới dạng thơ tự do và nổi tiếng nhất là những bài thơ về tình yêu.
Năm 2001, chị cho ra mắt tập truyện ngắn “Ma Trận” (NXB Văn nghệ TP. HCM). Nếu như trong thơ, Đào Phong Lan dịu dàng, trữ tình bao nhiêu, thì trong văn xuôi, chị lại có phong cách viết sắc, lạnh, dữ dội bấy nhiêu. Những câu chuyện của chị khắc họa những mảnh đời, những nhân vật bằng một lối miêu tả rất kiệm lời mà hiệu quả, ấn tượng.
Sau này, Đào Phong Lan không xuất bản nhiều, nhưng thơ và truyện ngắn của chị vẫn phổ biến trên những diễn đàn thơ ca, và tên chị vẫn xuất hiện trong phần giải thưởng của các cuộc thi. Đào Phong Lan từng giành giải Ba truyện ngắn của Hội nhà văn Việt Nam và Tuần báo Văn nghệ trẻ tổ chức năm 1997 ngay từ khi chị còn là sinh viên trường viết văn, chị cũng nhiều lần đạt giải Nhất (1993, 1997) giải Nhì (1994, 1996, 2001) và giải Ba (1995, 1998) về thơ của Tập san Áo Trắng - NXB Trẻ và một số giải thưởng khác.
Thơ của Đào Phong Lan cũng được yêu thích và phổ nhạc, như bài “Đêm xoang Tây Nguyên” được nhạc sĩ Văn Chừng phổ nhạc từ năm 1996 và trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất tại Tây Nguyên hoặc bài “T’rưng” (Bùi Khánh Nguyên phổ nhạc, NSND Rơ Chăm Phiang thể hiện) và bài “Mẹ Ơi” của Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, phổ thơ bài “Bóng Lá” của chị. Chị cũng có khả năng tự viết nhạc và sáng tác bài hát, từng được biết đến với vai trò tác giả ca khúc “Mùa hoa chờ đợi” viết về hoa cúc quỳ Tây Nguyên.
ẢNH TƯ LIỆU
CK "ĐÊM XOANG TÂY NGUYÊN" (ĐOÀN VĂN CÔNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG):
T’RƯNG (NSND RƠ CHĂM PHIANG)
MÙA HOA CHỜ ĐỢI
MỘT SỐ HÌNH ẢNH BUỔI RA MẮT SÁCH "EM KHÔNG THỂ NÓI LỜI TỪ BIỆT" (01/11/2013)
- Thơ Đào Phong Lan tại Thi viện
- Nhớ Đào Phong Lan – Thể thao & Văn hóa
- Thơ Đào Phong Lan trên Zingnews
- Nhà thơ Đào Phong Lan và bài thơ "Từ biệt"
- Đào Phong Lan – Vườn Thơ Tkaraoke
...
Bài đã đăng lên website: