- Lý luận - Phê bình
- Với nhà thơ Hoàng Cầm, Kinh Bắc như một cõi giao giữa hiện thực và huyền thoại
Với nhà thơ Hoàng Cầm, Kinh Bắc như một cõi giao giữa hiện thực và huyền thoại
Đi hết tháng giêng năm 2022, nếu còn sống nhà thơ Hoàng Cầm sang… tuổi 100 (1922-2022). Hình ảnh người từ trăm năm nhắc độc giả nhớ lại tập Men đá vàng của thi sĩ mà Kinh Bắc như cõi giao giữa hiện thực và huyền thoại.
“Bát Tràng. Một trưa hè không năm tháng. Có một người trai trẻ rời thuyền tìm lối đi lên, như leo dốc núi” – đoạn văn trên được chép lại từ một quyển sách cũ của thi sĩ Hoàng Cầm (in năm 1989), chỉ vỏn vẹn hơn sáu mươi trang. Sách thuộc dạo NXB Trẻ vẫn còn trên đường Thái Văn Lung (Q.1, TP.HCM). Với tranh bìa là một bức tĩnh vật sơn dầu của họa sĩ Đỗ Quang Em, bìa do họa sĩ Đinh Cường thiết kế, nổi lên cái tên Men đá vàng.
Thi sĩ Hoàng Cầm.
Bên trong, dưới chữ Men đá vàng có mở ngoặc đề đôi dòng: Một truyện thơ về người thợ gốm Bát Tràng. Thời xưa, Bát Tràng thuộc trấn Kinh Bắc, một Kinh Bắc của văn hóa và lịch sử, với những trai đời Trần mang “Nợ nước xóa ơn vua”; với gái Hậu Lê “Từng đêm vuốt bụng” như để xoa dịu đứa con “Khóc âm y trước lúc ra đời” . Một Kinh Bắc mà nhà thơ nguyện trở về:
Con đấy ư
Con đã về Kinh Bắc
Những cỏ Bồng Thi
Với dế đầu si
Những lá diêu bông
Với đôi xe hồng
Luân lưu thụ thai qua chín đời
(Luân hồi)
Thi sĩ Hoàng Cầm đi về một chốn không ngày tháng
Mỗi bài thơ Hoàng Cầm viết về vùng đất này như mỗi cuộc trùng sinh, ra đi rồi trở về như bánh xe thời gian. Kinh Bắc của Hoàng Cầm như một cõi giao giữa các thời đại, giữa xưa và nay, giữa hiện thực và huyền thoại. Giữa cõi ấy, Bát Tràng hiện ra dưới mắt Hoàng Cầm: “Thôn Bát Tràng, tả ngạn Hồng Hà, từ kinh kỳ sang phía Đông, chừng mười dặm làng xúm xít tranh, ngói, gạch màu nước vôi, quần tụ trên bãi cao nằm vào chỗ sông uốn khúc. Tường cao, ngõ hẹp dài ngắn dọc ngang chằng chịt bàn cờ”.
Tập Men đá vàng mở đầu bằng phần dẫn mang dáng hình của một truyện ngắn. Truyện kể về một chàng trai đi đến Bát Tràng tìm gặp nàng Phong Kiều. Người con gái như đi ra từ huyền thoại với đôi mắt chỉ cần nhìn cũng khiến kẻ đằng đằng sát khí phải buông dao. Trai gái Bát Tràng đều si mê đôi mắt ấy.
Chỉ tiếc một điều, nàng đã có chồng và như lời nguyền của bao người con gái có chồng trong thơ Việt Nam, nàng không hạnh phúc.
Bìa tập sách là một bức tĩnh vật sơn dầu của họa sĩ Đỗ Quang Em, do họa sĩ Đinh Cường thiết kế.
Phần dẫn truyện in chữ nhỏ li ti, phải đọc xong thì mới hiểu trọn những bài thơ phía sau. Ngày xưa Nguyễn Du diễn thơ Truyện Kiều từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong Men đá vàng, Hoàng Cầm vừa đóng vai Thanh Tâm Tài Nhân vừa đóng vai Nguyễn Du. Một liên văn bản giữa mình với mình, thơ và văn bổ sung cho nhau, như nước, đá, đất cùng hòa quyện tạo thành chất men gốm Bát Tràng.
Thơ Hoàng Cầm gợi mùa xuân. Mùa xuân của Hoàng Cầm khác với Nguyễn Bính. Nếu với Nguyễn Bính, mùa xuân là mùa ly hương, của nỗi cô độc:
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông
(Xuân tha hương)
Một sự ngậm ngùi như trong thơ Thế Lữ trong Giây phút chạnh lòng:
Rũ áo phong sương trên gác trọ.
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.
Xuân của Hoàng Cầm không cô độc, thơ ông lúc nào cũng gợi sự đầy lên, đông đúc, của hội hè, của vẻ đẹp khỏe khoắn, căng tràn như bài Suốt tháng giêng:
Suốt tháng giêng mưa xuân trắng ngõ
Những người gái thôn Dương Ô
Đập sợi thâu đêm
Khi nắng lên se chỉ trắng ngoài thềm
Khi giăng lên đưa con thoi dệt vải
Tiếng hát chập chùng, mái gianh phủ khói
Chị em hẹn nhau ngày hội sang năm
Sẽ hát thi ba mươi sáu giọng bổng trầm
Những người con gái thôn Dương Ô ấy hẳn còn trẻ, còn yêu cuộc đời lắm. Trong không khí mùa xuân này, họ không tiếc nuối xuân xưa mà đã nghĩ đã mùa xuân sau, một mùa hội khác, còn hẹn nhau hội sang năm.
Trong tập Về Kinh Bắc, phần Nhịp 6: Điểm trang dành riêng cho những bài thơ về hội hè, với những cuộc thi sợi bún, thi ăn mía thổi cơm, thi đánh đu, thi hát đúm, thi dệt vải, thi thêu gấm; với hội chen Nga Hoàng, hội Gióng, hội Long Khám, hội Vân Hà…
Có lẽ vì sinh vào tháng giêng, tháng đầu tiên của mùa xuân, nên trong thơ Hoàng Cầm lúc nào cũng căng tràn không khí xuân, với những lời ca, khúc hát, rộn rã khắp nơi. Truyện thơ Men đá vàng gồm các “khúc ca phong kiều”, “câu hát Phù Du” (Phù Du là tên chồng Phong Kiều), “nhịp điệu Hồng Châu” (Hồng Châu là cha Phong Kiều)…
Nàng Phong Kiều tìm chồng đến sức tàn lực kiệt mà hóa đá. Phù Du ôm vợ đá mà đổ lệ. “Cụ già Hồng Châu hứng nước mắt ấy, lấy đá ở thân con gái giã thành bột, hòa lọc thành men, mà cụ đặt tên là Men đá vàng”. Cái đẹp từ tình yêu thủy chung của người vợ:
lửa ráp lò hồng
em níu vai anh mê ly
từng li ti mi li đất chín
ửng rồi men chuốt dáng
thanh xuân
Từ tình yêu của người chồng:
về Bát Tràng phù sa dài silicát lệ
khuấy men em
sống lại
ơi Phong Kiều
Và từ công tạo tác thiêng liêng của tình phụ tử:
Con nghe chứ
Hỡi Phong Kiều! – Cha gọi
Men chảy đâu? Lên ngôi!
Mùa xuân trong thơ Hoàng Cầm có chiều kích rộng nhưng thi nhân ít khi cô lẻ. Bởi mỗi câu thơ ông viết, ông tự tin rằng phía sau mình là cả một truyền thống, một bề dày lịch sử “chống lưng”.
Hoàng Cầm đi như chàng trai trong Men đá vàng đi về Bát Tràng, Kinh Bắc. Ông đi về một chốn không ngày tháng. Thất bại trong hiện tại, ông sống trọn với quá khứ, vịn vào một giá trị vững chãi trước biến thiên. Tất cả cái đẹp, sức sống vững bền nhà thơ phụng hiến cho mùa xuân: “Cho Văn Lang Hồng Bàng Kinh Dương Vương đi? Men đá vàng dào dạt sóng dâng xuân…”.
Và Hoàng Cầm từ cõi trăm năm ấy đi trên con thuyền vượt sông, đến bờ bên kia, như một cuộc thay da, trở về tuổi trẻ.
Huỳnh Trọng Khang/Vanvn