- Truyện
- Vọng Đông Hải | Truyện ngắn của Nguyễn Đình Gấm
Vọng Đông Hải | Truyện ngắn của Nguyễn Đình Gấm
Ông vừa nhận chức Chủ tịch tỉnh. Khi các cuộc liên hoan chúc tụng chấm dứt, cũng đúng dịp cuối tuần, ông về quê. Sáng sớm, việc đầu tiên là ông vào thắp hương đền Đức Ông.
Đền thiêng lắm, dân trong vùng từ Hậu Lộc đến Quảng Xương đều về đây dâng hương tế lễ, xin lộc vào đầu tháng 3, trước mùa đi biển. Ai đi biển đều đến thắp hương, khấn vái Đức Ông để cầu bình an, để cầu thuyền đầy tôm cá. Tương truyền, Đức Ông là người có công khai phá vùng này, ông tổ của các làng chài này đã từ mấy trăm năm rồi.
Ông đi dạo một mình trên bờ biển, cảm thấy thư giãn, bao lo toan với nhiều sức ép công việc của người đứng đầu một tỉnh lớn dường như được rũ bỏ. Ông ngắm bình minh trên biển. Những câu chuyện, những giai thoại mà ông nghe được về Đức Ông, về ngôi đền trong nắng sớm và gió biển xôn xao làm cho đầu óc ông mông lung, hư hư thực thực…
“Từ mấy trăm năm trước, một người đã qua tuổi trung niên dạt tới nơi này cùng vợ và 3 đứa con, 2 trai 1 gái. Ông là kẻ sỹ của xứ Nghệ bất đắc chí với đời, từng phiêu bạt nơi chân trời góc bể theo người Tàu, người Nhật lênh đênh khắp nơi cùng chốn.
Hơn nửa đời người phiêu bạt, sống nơi đất khách quê người, khi sức đã yếu ông dạt về đây nương náu, ngày ngày ra đứng trước biển lòng đau đáu một nỗi niềm canh tân đất nước. Nơi đây, cha ông một người không may mắn, đã chết trong một trận bão khi cùng đội Hải binh của triều đình ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Ông khác cha mình là người có học, được đi đây đó nhiều hơn. “Tại sao cũng là người, cũng máu đỏ da vàng mà người ta giàu sang sung sướng thế còn dân mình thì nghèo khổ, cơm chẳng đủ ăn áo không có mặc? Vì người ta có tàu lớn đi ra biển còn mình thì chỉ nhắm mắt trước biển, không ra biển xa đánh cá bắt tôm mà cứ quanh quẩn bên thửa ruộng bạc màu cấy lúa trồng khoai, suốt năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà nghèo vẫn hoàn nghèo”. Ông đặt ra câu hỏi và tự trả lời.
Đêm đêm, ngoài kia biển sóng gầm gió rít ông thao thức bên ngọn đèn dầu lạc vắt óc, tìm lời, dồn tâm huyết vào ngòi bút viết ra kế sách “Vọng Đông Hải chấn hưng Đại Việt”.
Với áo sồi, túi vải, cơm nắm, muối lạc không quản đêm ngày ông lặn lội về kinh dâng sớ cho vua. Ở chốn kinh thành ông thấy bao điều thị phi, bao nỗi oan ức bất công của dân nghèo. Lính cận vệ không cho ông vào cung, ông đút lót mấy nén bạc cho người ta, cuối cùng tờ sớ cũng đến được quan thái giám, người luôn ở bên Hoàng thượng. Quan thái giám xem xong giật mình đốt đi ngay và câu chuyện rơi vào im lặng không ai hay biết gì.
Ông về quê lòng bồn chồn chờ đợi mà chẳng thấy tin tức gì. Hàng ngày ông ra bờ biển từ mờ sáng đến tối mịt mới về. Ông ngồi như pho tượng cứ đăm đắm nhìn ra biển từ lúc bình minh cho tới lúc hoàng hôn. Có lúc biển gầm lên sủi bọt làm ông giận phát phẫn cả người. Tóc ông bạc trắng hơn, lưng còng xuống hơn nhưng đêm đêm ông lại thức cùng ngọn đèn dầu lạc, lại sửa chữa, lại viết bức sớ tâm huyết “Vọng Đông Hải chấn hưng Đại Việt” một lần nữa. Ông lập luận khúc triết, nói rõ thiệt hơn, ý tưởng rõ ràng, giải pháp tường minh với quyết tâm to lớn hơn. Máu và nước mắt hòa với mực tàu tuôn trào nơi ngòi bút đã ra một bản tấu trình tâm huyết.
Một ngày đẹp trời ông lại lên đường với áo sồi, túi vải, cơm nắm, muối lạc lặn lội về kinh. Lần này ông tâm niệm phải quyết gặp mặt rồng, phải yết kiến hoàng thượng thì có chết ông cũng cam lòng. Lính gác cổng thành đuổi không cho ông vào. Ông vật vờ, lang thang ngoài cổng thành. Khi hết lương thực ông phải làm kẻ ăn xin, ăn mày kiếm sống để chờ thời. Trời cũng thấu lòng ông. Một lần, vua ra ngoài tế lễ tiên đế, ông liều chết chắn xa giá Hoàng thượng dâng sớ. Vua còn trẻ, rất tò mò và ấn tượng mạnh trước cảnh một ông già gầy gò, tóc bạc, lưng còng, mắt sáng khấu đầu dâng sớ coi thường cả cái chết. Người cho quân sĩ mời vào cung yết kiến.
Buổi thiết triều ngày Canh Dần, tháng Ất Tỵ, năm Đinh Mão đã đi vào lịch sử còn truyền lại đến ngày nay. Khác với những buổi yết triều mọi ngày, có một ông già tóc bạc như cước, mặc áo sồi ngồi quỳ giữa hai hàng bá quan văn võ. Bên tả quan văn thì mũ cao áo dài, bên hữu quan võ thì áo giáp uy nghi, gươm giáo sáng lòa. Hoàng thượng mặc áo long bào ngự trên ngai vàng có vẻ hưng phấn lắm. Ngài tò mò và thích thú chứ không buồn ngủ ngáp ngắn ngáp dài như mọi khi. Ngài trịnh trọng mà thân mật hơn mọi ngày:
- Các khanh, có kẻ dâng kế sách “Vọng Đông Hải chấn hưng Đại Việt”. Từ khi trẫm được ngự triều chưa có bản tấu nào kỳ lạ như vậy. Ai biết gì về Hoàng Sa, Trường Sa ở Đông Hải nói cho trẫm hay?
Các quan nhìn nhau rồi nhìn Nam Phong. Hoàng thượng cũng nhìn vào Nam Phong, một vị quan tóc đã bạc trắng, nói:
- Ông Nam Phong đại học sĩ, ông biết gì về Hoàng Sa, Trường Sa, nói cho văn võ bá quan nghe.
Nam Phong dáng vẻ một ông già lụ khụ, tóc bạc lưng đã hơi còng, rũ áo bước ra:
- Muôn tâu bệ hạ, theo sách “Dư địa chí” thì Đông Hải là một biển lớn nằm ở phía đông nước ta, nước xanh và mặn chát sinh ra muối; cũng là nơi phát tích của phong ba bão tố, nơi giao thương tàu thuyền của ta với các nước lân bang. Hoàng Sa và Trường Sa nằm xa tít ngoài Đông hải. Hoàng Sa nằm ở phía trên từ bắc miền Trung chiếu thẳng ra, Trường Sa nằm ở phía Nam Trung bộ kéo ra. Dạ, thần đã trấn ải miền Trung, đã từng ra Đông Hải. Được biết các đời vua, các tiên đế đều có đội Hải binh trấn giữ Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhà vua cười sửng sốt:
- Ta khá khen cho quan đại thần, nhưng ta buồn là các khanh ở đây có người chưa biết Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc lãnh hải, chủ quyền của nước Đại Việt ta. Trẫm còn nhớ, khi còn nhỏ có lần theo tiên đế kinh lý vùng Đông bắc, Hải quan đưa đi thăm Hạ Long, Cô Tô sóng to biển lớn, có cả hang động kỳ vĩ. Còn Hoàng Sa, Trường Sa thì tiên đế vẫn luôn nhắc phải quan tâm giữ gìn, dù ở xa khơi cũng là da thịt của Tổ quốc. Các khanh giúp ta cai quản giang sơn gấm vóc mà không quan tâm đến đội Hải binh trấn giữ Trường Sa, Hoàng Sa thì thật là đáng trách!
- Xin bệ hạ tha tội.
Các quan văn võ quì lạy, răm rắp cùng một câu như nhau. Hoàng thượng nhìn ông già đang quỳ dưới trướng và nói:
- Các khanh bình thân, nhà ngươi nói kế sách “Vọng Đông Hải chấn hưng Đại Việt” cho ta và các đại thần nghe xem sao?
Ông già rũ áo đứng dậy tâu với vua và các quần thần. Giọng ông sang sảng, lên bổng xuống trầm, lúc khoan lúc nhặt, hùng hồn thống thiết như chất chứa bao điều của kẻ từng trải, của người có học đau đáu một khát vọng lớn lao về kế sách phát triển canh tân đất nước. “Đại Việt ta muốn quân hùng nước mạnh phải làm giàu từ biển và đi lên từ biển. Chúng ta cần phải mua tàu lớn để bang giao và buôn bán với nước ngoài; cần phát triển nghề đánh cá, nghề làm muối dọc ven biển; cần xây dựng hải quân có tàu to, súng lớn để bảo vệ từ xa”. Ông dừng lại nhìn nhà vua, nói tiếp: “Triều đình cần đầu tư vào xây dựng đội Hải binh Trường Sa, Hoàng Sa. Chúng ta vừa có tiền đồn để bảo vệ từ xa, vừa để vững lòng quân. Muốn vậy phải cử hiền tài ra nước ngoài học hỏi người Tây về tàu biển, người Lang Sa về thương mại, buôn bán, người Trung Hoa về khí tượng, thiên văn, địa lý… Làm được như vậy thì Đại Việt sẽ giàu có, hùng mạnh có thể sánh vai với các lân bang trong khu vực”.
Tất cả ngự triều im phăng phắc bởi người nói thật hùng biện, thống thiết như rút ra từ gan ruột và những điều tâu trình thì thật là mới mẻ. Mọi người như bừng tỉnh khi ông già vừa dứt lời.
Hoàng thượng gật gù vẻ đắc chí lắm:
- Ta khá khen cho tiên sinh, từ khi lên ngôi đến giờ trẫm mới được nghe một bản tấu hay như thế. Trẫm phải ra Hoàng Sa, Trường Sa một phen, làm vua thì tất cả giang sơn, bách tính là của trẫm. Hoàng Sa, Trường Sa cũng là một phần giang sơn của trẫm. Các khanh thấy kế sách này thế nào, khá hay đấy chứ?
Nguyễn Nam Phong, tiến sĩ hoàng giáp, đại thần phò hai đời vua, người có uy tín nhất trong triều lại rũ áo, khấu đầu bước ra:
- Muôn tâu thánh thượng, thần xin liều chết để ngăn can thánh thượng. Người dâng tấu thật là một kẻ ngông cuồng, kế sách này không thể thực hiện được.
Nhà vua giật mình, ngơ ngác. Các quan nhìn nhau chưa hiểu đầu đuôi ra sao nhưng ai nấy đều gật gù.
- Sao lại không thực hiện được, khanh nói trẫm nghe nào?
Nhà vua hỏi lại. Quan đại học sĩ Nam Phong ung dung nói:
- Muôn tâu thánh thượng, nước Việt ta trải dài từ Bắc, Trung, Nam, lưng dựa vào dãy Trường Sơn uy nghi, trông ra biển Đông nhưng từ bao đời nay ông cha ta đều thực hành phương châm “Dĩ nông vi bản” lấy việc canh nông, trồng lúa trồng khoai là gốc của sức dân, sức nước. Nhà nhà đều vậy, người người thấm nhuần cái lẽ ở đời “Gạo là ngọc thực”, “Tương cà là gia bản”; còn bình diện quốc gia bách tính luôn phải quán chiếu “Thực túc binh cường” nên rất coi trọng đắp đê, khai mương, làm ruộng để trồng lúa trồng ngô là cái chính của kinh bang tế thế.
Ngài dừng lại như để lấy hơi lấy sức rồi ôn tồn nói tiếp:
- Các vua chúa, đời nào cũng vậy đều lấy đó làm phương châm, làm nguyên tắc để cai trị mà xây dựng và bảo vệ giang sơn đất nước. Sử sách còn ghi, vua Lê Đại Hành vào đầu xuân xuống đồng đi cày cùng các lão nông tri điền ở Đọi Sơn, Hà Nam đã treo tấm gương cho các hậu thế. Tiên đế cũng không bao giờ quên bài học ấy, thần còn đích thân phò Người đi cày sau Tết Nguyên đán vào mồng 7 tháng giêng ở Đọ Xá, Bắc Ninh, năm Canh Dần… Vậy nên thần cho rằng quyết không thể thực hành kế “Vọng Đông Hải, chấn hưng Đại Việt” của kẻ ngông cuồng kia được.
Nhà vua nghe Nam Phong nói thì bao nhiêu hứng thú vừa mới khởi lên bay đâu hết cả, giờ lại bán tín bán nghi. Nhưng nhà vua vẫn nói, như cố vớt vát cái điều làm cho Người thấy mới mẻ, thích thú:
- Vậy các quan văn võ, các ngươi có ý kiến gì nữa không? Chả lẽ Tiến sĩ Nam Phong đã nói đúng hết cả rồi à?
- Dạ chúng thần không có ý kiến gì, đồng ý với trình tâu của quan đại thần Hoàng Giáp. Ta cứ theo tiên đế, cứ nếp cũ mà làm.
Nhà vua còn đang chưng hửng thì chính Nam Phong lại rũ áo bước ra, nói:
- Muôn tâu thánh thượng, thần xét kỹ thì có một điều thánh thượng nên theo và nên làm ngay.
- Có gì vậy? - Nhà vua sửng sốt.
- Chính là việc quan tâm xây dựng đội hải binh Trường Sa, Hoàng Sa lớn mạnh. Thần được biết nhân lực ở đó còn ít và mỏng mà phải canh giữ hai quần đảo lớn, lương thảo chu cấp không đầy đủ, tàu thuyền cũ và nhỏ nay đã xuống cấp. Thần tấu trình cử ngay một vị Hải quan tài đức, chuyên tâm xây dựng đội hải binh tập luyện tinh thông về quân sự; trang bị ngay thêm tàu thuyền mới, đồng thời có chính sách ưu đãi cho gia đình vợ con họ, để cán binh yên tâm bảo vệ giữ gìn một phần giang sơn đất Việt ta ở mãi tận ngoài trùng khơi.
Lại thêm vài ý kiến ủng hộ đề xuất của Nam Phong. Rồi nhà vua kết luận trước khi bãi triều:
- Buổi ngự triều hôm nay rất đặc biệt, trẫm được nghe và biết thêm nhiều điều, thật đáng tiếc bản tấu “Vọng Đông Hải chấn hưng Đại Việt” của tiên sinh rất tâm huyết nhưng chưa thể thực hiện được. Bây giờ có việc cần làm ngay là tập trung xây dựng đội hải binh Trường Sa, Hoàng Sa. Trẫm giao cho Bộ binh Nguyễn Tuấn chủ trì tiến hành. Bây giờ là đầu xuân, trẫm cho thời hạn một năm là phải xong rồi bẩm báo với trẫm.
Thời gian thấm thoắt qua đi, bản tấu “Vọng Đông Hải chấn hưng Đại Việt” vẫn nằm im trong tủ ở nơi làm việc của các Đại học sĩ.
Ông già trở về quê. Ngày ngày lại thấy ông ra ngắm biển đến tối mù mịt mới về. Rồi người ta thấy ông đi đâu mất hút đến mấy chục ngày mới về, kéo theo một số thợ mộc và hàng chục đàn ông toàn những người to khỏe, sức vóc. Họ khiêng về những cây gỗ lớn, rồi cưa, bào, đục… Một thời gian sau mấy cái thuyền lớn cũng làm xong trước những con mắt ngỡ ngàng của dân làng. Chẳng bao lâu, một làng chài ven biển đã hình thành. Hóa ra, ông già đã bỏ hết bao tiền bạc đã tích cóp được qua mấy chục năm phiêu bạt buôn bán ở xứ người để làm những con thuyền và thành lập đội đánh cá biển. Khi những chiếc thuyền đánh cá ra khơi, ông già ngồi bên bờ biển trầm ngâm, đợi thuyền về. Rồi dân làng chài cũng quen với chuyện đó, đã biết câu chuyện dâng sớ nhằm canh tân đất nước không thành, nay ước mơ và tâm nguyện của ông là xây dựng làng chài này ở ven biển.
Ông qua đời vào một ngày mưa bão, biển dậy sóng ầm ào tung bọt trắng xóa. Người ta mai táng ông ở một doi đất ven biển, nơi mà ông đã trú ngụ sau bao năm lang bạt khắp nơi. Không hiểu sao mộ của ông không đắp mà ngày càng to, càng cao do cát di động vun vào làm thành một quả đồi cát vững chắc, có phi lao vi vút, thông xanh luôn rì rào cùng sóng biển. Người dân làng chài dựng đền thờ trên đó, gọi là đền Đức Ông. Hậu duệ của ông sau này sinh sôi nảy nở rất nhiều, đều làm nghề chài lưới, đi biển. Con cháu đông đúc lập ra nhiều làng chài dọc ven biển suốt từ Hậu Lộc đến Quảng Xương.
“Mình cũng là con cháu của Đức ông”. Ông Chủ tịch như bừng tỉnh, trở về với thực tại. Như có gì khơi gợi, thúc đẩy từ bên trong, lòng ông thấy xốn sang, khó tả. Một nhu cầu được cảm nhận sự vĩ đại to lớn của biển, sức mạnh của biển xâm chiếm tâm hồn. Ông dầm mình xuống biển ngay trong buổi bình minh khi mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt nước tỏa ánh sáng huyền diệu như dát vàng dát bạc xuống trần gian. Sau vài vòng bơi ông thả mình thư giãn, mặc cho nước biển vỗ vào mình như vuốt ve, như ôm ấp. Đã từng được tắm biển nhiều nơi ở nước mình và quốc tế trong những chuyến đi công tác nhưng cảm giác được tắm biển quê hương mình thật là đặc biệt. Ông cảm nhận rõ ràng và trực tiếp cái mênh mông, mạnh mẽ vô biên của biển cả qua làn da. Miệng ông thấy cái mặn mòi của gió và nước biển. Cơ thể ông đang thấy rõ hơi thở phập phồng của đại dương, cả người ông như như tan ra hòa trong nhịp đập đều đều, mạnh mẽ khác thường của biển, của trái tim mẹ đại dương đang co bóp đẩy máu nuôi cơ thể làm nên sức sống của mọi sinh linh trên trái đất. Ông càng rõ dần những điều đã được nghe, được bàn về những nghị quyết, những chính sách, chủ trương về phát triển kinh tế biển. “Phải làm giàu từ biển, đi lên từ biển như thế nào để cho dân vùng này thoát nghèo? Phải làm thế nào để cho người dân bám biển, đi ra biển lớn? Việc trước tiên là phải đầu tư, đầu tư cho ra tấm ra món để có những con tàu lớn, những đội tàu trang bị hiện đại để vừa đánh bắt xa bờ vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Và phải tính đến đầu ra cho ngư dân bằng cách xây dựng những cơ sở chế biến hải sản ở vùng này, ngay bên cạnh nơi Đức Ông yên nghỉ, người đã không sợ chết để đưa kế sách “Vọng Đông Hải chấn hưng Đại Việt” ngày xưa. Ông lẩm bẩm một mình và lặng yên nhìn ra biển xa mênh mông hút tầm mắt.