TIN TỨC

Việt Bắc - Suối nguồn thi ca

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-10-15 00:33:29
mail facebook google pos stwis
1483 lượt xem

 Với người Việt Nam, Việt Bắc còn gọi là Tây Bắc, là ngôn từ có âm thanh sâu lắng và ý nghĩa văn hóa vô cùng trọng đại. Không chỉ là biểu tượng của thủ đô kháng chiến thời chống Pháp mà còn là mạch nguồn cảm xúc của nghệ thuật, thi ca trong mấy mươi năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc đầy gian nan máu lửa mà oanh liệt hào hùng. Chính nỗi đau thương mất mát trong đấu tranh và niềm tự hào về thành tựu chiến thắng vẻ vang đã tạo nên nguồn cảm hứng cho lãnh tụ và văn nghệ sĩ. Những tác phẩm: Cánh rừng Việt Bắc (Hồ Chí Minh), Việt Bắc (Tố Hữu), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên), Cô gái Hưng Yên đi mở mang Tây Bắc (Huy Cận), Truyện Tây Bắc (Tô Hoài)… và họa phẩm của Tô Ngọc Vân, được khơi dòng sáng tạo từ vùng đất lịch sử nơi đỉnh đầu tổ quốc.

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc

Hùng vĩ ngự trị cả một vùng sông núi hiểm trở bao la phía Bắc Hà Nội, Việt Bắc nằm liền kề hữu cơ sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Nơi đây còn hằn in rõ nét dấu ấn lịch sử chói lọi của nhiều chiến công lừng lẫy trong thời kỳ kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp của quân dân ta.

Việt Bắc được gọi là Thủ đô kháng chiến, hay Thủ đô gió ngàn, nơi trú đóng đầu não của chính phủ cách mạng Việt Minh trước cuộc khởi nghĩa năm 1945 trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp. Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt, Bác Hồ và các cơ quan Chính phủ tại Việt Bắc đã chỉ đạo bước đi của cách mạng. Trong những tháng năm ở Việt Bắc, Bác luôn giữ bí mật

để bảo toàn lực lượng. Luôn di chuyển để kẻ thù không thể chủ động đánh được ta. Ngay cả tên những Thư ký của Bác cũng gọi một cách bí mật. Tám Thư ký của Bác được đặt tên một cách ý nghĩa như một phương châm chiến đấu là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Ở đây, Bác có bài thơ được coi là quan điểm để Bác hành động: “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng có bãi ta chơi/ Gần đường tới Trung ương/ Tiện đường sang Bộ, Tổng/ Nhà kín mái thoáng mát/ Gần dân không gần đường”. Câu sau cùng là cả một triết lý: “Gần dân chính là sức mạnh của cách mạng”. Không gần đường để tránh sự lùng sục của địch. Nơi đây, Bác phong Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (mới 37 tuổi), đồng thời cùng Trung ương quyết định tấn công Điện Biên Phủ 1954. Ta nhớ lại người chiến sĩ trẻ mới 20 tuổi Hoàng Đăng Vinh cùng 5 người khác vào bắt tướng De Castries đầu hàng tại Điện Biên Phủ… Trước đó, Việt Bắc cũng là nơi ghi dấu sự kiện Bác Hồ tiễn cụ Bùi Bằng Đoàn đang giữ chức Trưởng ban Thanh tra Đặc biệt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trưởng ban Thường trực Quốc hội Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về xuôi để dưỡng bệnh mà Bác không cho cụ từ chức, sau đó có tặng cụ bài thơ tứ tuyệt: “Xem sách, chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi/ Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ cụ, thơ xuân tặng một bài”. Bài thơ cô đọng chỉ trong 4 câu mà nói lên được cả tâm hồn lớn của Bác với người bạn đồng chí và tinh thần lạc quan cách mạng của nhà lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc.

Việt Bắc cũng là nơi hội Văn hóa cứu quốc, các văn nghệ sĩ, những trí thức lớn đi theo cách mạng đã quây quần xung quanh Bác. Cảm động nhất là phiên họp Chính phủ, Quốc hội, cũng có dinh Chủ tịch, dù chỉ là túp lều được làm bằng tre và nứa. Cũng họp Hội đồng Chính phủ Quốc hội, vừa họp vừa nhóm lửa, nướng khoai, sắn để ăn; uống nước chè tươi từ núi rừng Việt Bắc: “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/ Non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa hạc cũ với xuân này” (Cảnh rừng Việt Bắc).

Bên cạnh nhà thơ – chủ tịch Hồ Chí Minh, những văn nghệ sĩ cách mạng cũng lấy Việt Bắc làm nguồn cảm hứng để sáng tác.

Tố Hữu, ngọn cờ đầu của thi ca kháng chiến suốt cả hai mùa đấu tranh chống Pháp và Mỹ đã để lại cho kho tàng văn học nước nhà nhiều tác phẩm bất hủ viết về Việt Bắc. Trường ca “Việt Bắc” viết theo thể thơ lục bát truyền thống, là những giai điệu  xuất sắc mang hơi hướng thơ ca dân gian qua lời tiễn đưa của kẻ ở lại núi rừng và cán bộ, chiến sĩ rời chiến khu về thủ đô: –“Mình về mình có nhớ ta/ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng/ Mình về mình có nhớ không/ Nhìn cây nhớ núi, nhìn sống nhớ nguồn”//- “Ta về, mình có nhớ ta/ Ta về ta nhớ những hoa cùng người” làm tái hiện lại những kỷ niệm cách mạng đầm ấm và cuộc sống kháng chiến gian khổ mà vui vầy. Tác giả đồng thời cũng gợi lên viễn cảnh sáng tươi của đất nước và ca ngợi công ơn của Đảng và Bác Hồ với dân tộc: “Lòng ta ơn Đảng đời đời/ Ngược xuôi đôi mặt một lời song song”. Xúc cảm về Việt Bắc cũng là nỗi nhớ của người dân địa phương về Bác Hồ: “Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ người những sánh tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân người bước lên đèo/ Người đi rừng núi trông theo bóng người”.

Cảm xúc lớn từ rừng núi Chiến khu Việt Bắc trước tiên hẵn đã bắt nguồn từ chiến thắng Thu – Đông (7/10/1947 – 22/10/1947)  được kể lại qua câu giữa chuyện thắm thiết tình đồng chí yêu thương giữa anh bộ đội và người cán bộ: “Anh là vệ quốc quân/ Tôi là người cán bộ/ Hai đứa mỏi nhừ chân/ Nghỉ ngơi ngồi một chỗ//Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng nghệ/ Anh vệ quân quân ơi/ Sao mà yêu anh thế” (Cá nước), là tiếng hát lạc quan trong gian khổ: “Rét Thái Nguyên, rét về Yên Thế/ Gió qua rừng đèo Khế gió sang/ Em là con gái Bắc Giang/ Rét thì mặc rét, việc làng em lo…” (Phá đường). Cảm xúc nồng ấm từ Việt Bắc là giọng hò kéo pháo (Voi), là nỗi lòng của bà mẹ đau đáu nhớ con đi đánh giặc cũng như anh bộ đội nhớ mẹ ở làng quê (Bầm ơi, Bà ủ),là âm vang rầm rập những bước chân của người chiến sĩ lên Tây Bắc trong tư thế chàng dũng sĩ Hercules *: “Núi không đè nổi vai vươn tới/ Là ngụy trang reo với gió đèo” (Lên Tây Bắc). Đó cũng là cảm xúc tỏa ra nguồn “Sáng tháng Năm” từ căn nhà đơn sơ của Bác, là niềm hân hoan và tự hào trước chiến công lẫy lừng Điện Biên Phủ (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên), là niềm vui chiến thắng và hòa bình cùng nhịp sống rộn rịp của cả nước (Ta đi tới). Và cũng từ chiến khu kháng chiến này, cảm xúc ngập tràn về nỗi nhớ nhung và lời hẹn ước trước khi người cán bộ và chiến sĩ giã từ thủ đô gió ngàn Việt Bắc.

 Đoạn thơ hay nhất trong trường ca bất hủ kết tinh từ cảm xúc nồng nàn của Tố Hữu là đoạn thơ tác giả vẽ lên bức tranh Tứ bình về cảnh núi rừng Việt Bắc, đẹp hài hòa giữa thiên nhiên diễm lệ và con người tràn đầy sức sống trong cả bốn mùa. Giữa bức tranh có hơi thở nồng ấm của con người Việt Bắc đang hoạt động trong kháng chiến: “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”, câu thơ hay nhất của đoạn thơ (strophe) được ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đánh giá là tuyệt bút vì mang màu sắc Việt Bắc. Trong những ngày xuân, nghệ sĩ nhớ: “mơ nở trắng rừng” cũng là nỗi bồi hồi “nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”, câu thơ gợi lên đức cần mẫn, chịu khó của con người cần cù tài hoa đáng nhớ như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng ca ngợi: “Tay người như có phép tiên/ Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ”. Cũng từ cảm xúc thi ca nơi suối nguồn Việt Bắc, câu thơ hay khác: “Nhớ cô em gái hái măng một mình” của nhà thơ đã nói lên hình ảnh cô gái Việt Bắc trẻ trung, xinh đẹp đi hái măng một mình giữa rừng mà như chẳng cô đơn vì con người ấy đang làm chủ thiên nhiên và cuộc đời. Câu kết của đoạn thơ nói lên vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Bắc: ”Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” đã thể hiện hoài niệm trong sáng dào dạt tính nhân văn của tác giả, thật thấm đẫm tình người.

Thủ đô kháng chiến Việt Bắc còn gây nguồn cảm xúc cho họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954) sáng tác nhiều bài thơ bằng màu sắc về Hồ Chủ tịch, về bộ đội và nhà văn Tô Hoài (1920-2014) viết “Truyện Tây Bắc” kể chuyện tình gian nan mà trong sáng giữa cô gái đẹp Mỵ và chàng trai A Phủ cùng là người H’Mông tại Hồng Ngài. Hầu hết những tác phẩm văn học viết về chủ đề Việt Bắc của các nhà thơ Huy Cận (1919-2005) với: Cô gái Hưng Yên đi mở mang Tây Bắc, Chế Lan Viên (1920-1989) với Tiếng hát con tàu cũng lấy cảm hứng từ chiến khu Việt Bắc lịch sử đã có những vần thơ hay, khỏe khoắn về đề tài xây dựng đất nước khi hòa bình được thiết lập trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa đều được đưa vào chương trình văn học các lớp phổ thông. Những chiến tích lịch sử Thu Đông, trận sông Lô, Phố Ràng, Bông Lau, trận Chợ Đồn, Chợ Rã, đèo Bông Lau… cũng được nhắc đến trong bài học lịch sử, văn học nước nhà.

Ngày nay, giữa không gian lồng lộng sáng tươi của một đất nước thanh bình thịnh vượng, mỗi khi có dịp nhắc đến Việt Bắc, ta không tránh khỏi cảm thấy bồi hồi hoài niệm, trong lòng lâng lâng tràn ngập một niềm tự hào về thủ đô kháng chiến, một thủ đô gió ngàn hùng vĩ, liệt oanh còn rạng rỡ hình ảnh vĩ đại cao quý của Hồ Chủ tịch, cùng các tướng lĩnh, của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và nghệ sĩ yêu nước trong thời đấu tranh chống Pháp. Cùng với nhân dân, bằng cảm xúc nồng cháy tự trái tim mình, nghệ sĩ – nhà thơ nhà văn đã đan kết với chiến khu lịch sử Việt Bắc năm xưa với một ân tình chung thủy gắn bó keo sơn – Tình Việt Bắc.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        

                                                              Nguyễn Thanh

* Hercules: Anh hùng có sức mạnh vạn năng trong  thần thoại Ma Lã

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm