TIN TỨC
  • Truyện
  • Ba một một ba | Truyện ngắn dự thi của Bùi Khánh Nguyên

Ba một một ba | Truyện ngắn dự thi của Bùi Khánh Nguyên

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
641 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Anh ra đón chị tại ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. Chị nhận bó hoa rất đẹp từ tay anh rồi khẽ đặt lên vali hành lý, làm anh ngỡ ngàng vì thấy chị rõ ràng không nhận ra sự tinh tế của anh khi chọn loại hoa phong lan anh hay tặng chị từ hồi hai người mới gặp. Có thể chị đang vui mừng quá nên không nhận ra điều nhỏ nhặt nhất từ phía anh chăng, hay chị không muốn gợi lại một quá khứ.

Chị nói liên hồi, vui vẻ, mừng rỡ như đứa trẻ, như thể chưa từng có cuộc xa cách mấy chục năm, cũng như cách nhau đến nửa vòng trái đất. Rồi chị nói:

- Anh kêu taxi đi!

- Không, anh tự lái xe đến đây - Anh nói.

- U là trời, giáo sư Việt Nam giàu thế, có cả xe riêng cơ à?

Chị nói hồn nhiên nhưng anh thì hơi thấy sượng. Không lẽ ở nước ngoài vẫn nghĩ Việt Nam chưa có xe hơi. Chị càng ngạc nhiên thích thú hơn khi chiếc xe anh lái là Range Rover, một chiếc xe Anh quốc lịch lãm.

*

Gần 20 năm trước, họ còn ở tuổi thanh xuân, là vợ chồng, là hai trí thức. Anh khi đó là một thạc sĩ trẻ, giảng viên đại học. Chị là một nghệ sĩ múa, lại đàn giỏi hát hay. Anh chị gặp nhau trong một buổi lễ tuyên dương của ngành Khoa học kỹ thuật, trong đó anh là người lên nhận giải thưởng, còn chị là nghệ sĩ được mời tới biểu diễn để chúc mừng sự kiện này. Chị ngay lập tức bị cuốn hút bởi chàng trai thư sinh, dáng vẻ khiêm nhường mà hào hoa thanh lịch. Còn anh thì thót tim ngắm nhìn chị đắm mình trong điệu múa điêu luyện đến mê hồn. Rồi họ nhanh chóng quen nhau, và hẹn hò. Họ đã đi qua bao nhiêu con đường của Hà Nội, trong mùi hoa sữa, trong gió lạnh, trong những đêm sương cả hai không muốn ngủ. Rồi họ cưới nhau và chuyển vào Sài Gòn.

5 năm sau ngày cưới, anh vẫn là ông thầy đam mê với công việc nghiên cứu và giúp đỡ học trò. Chị từ giã nghề múa vào làm việc cho một nhà xuất bản, vừa đọc morasse vừa viết báo lấy nhuận bút. Họ chưa có nhà, phải ở nhà thuê. Cả hai giống nhau là lương ba cọc ba đồng. Nhuận bút của chị cũng như tiền dạy thêm tiết của anh đều khiêm tốn như nhau. Nhưng họ khác nhau là anh hài lòng với công việc của một trí thức, còn chị thì không. Chị cảm thấy bức bối khi cả hai cứ phải sống cầm chừng với số tiền ít ỏi.

8 năm sau ngày cưới, họ vẫn đang ở nhà thuê. Chị căm ghét cảnh thuê nhà, nhưng giá nhà ở thành phố không dành cho những kẻ mơ mộng. Chị nói với anh:

- Em muốn đi bán bảo hiểm. Con bạn em nó đi bán rồi, được lắm anh à.

- Đừng em ạ. Em đừng bỏ phí tài năng của mình và công việc mang lại cho em hạnh phúc. Công việc bán hàng đó không dành cho em.

Chị rất bất mãn. Xưa nay chị vẫn luôn nghe theo anh, nhưng giờ đây nhìn về tương lai u ám với cuộc sống như sống mòn, trong chị trào lên một cảm giác chống đối.

Một lần khác, chị lại nói với anh:

- Anh à, em có thể làm môi giới bất động sản. Mình tìm khách mua nhà, rồi ăn tiền hoa hồng. Em muốn chúng ta có cuộc sống khác, chứ không phải chỉ có thế này.

- “Chỉ có thế này” là sao? Em không hạnh phúc sao? Chúng ta có một gia đình yên ấm, anh và em đều có những công việc làm trí thức, có khả năng cống hiến, có các đồng nghiệp, và quan trọng hơn hết, giúp ích được cho rất nhiều người. Chúng ta không hẳn là rộng rãi về kinh tế, nhưng cả hai đều có lương.

Chị ngoảnh mặt đi hờn dỗi. Chị đã biết lương của người bạn chị đi làm thuê cho công ty của tư bản nước ngoài ngay tại Việt Nam mà cao gấp mấy chục lần lương hai vợ chồng chị cộng lại. Chị khuyên anh bỏ công việc giảng dạy đi làm như vậy nhưng anh không bao giờ nghe chị. Anh không muốn rời bỏ công việc của anh vì gia đình này, anh quá ích kỷ - chị nghĩ.

Gần 10 năm trôi qua. Chị mất hết kiên nhẫn. Anh vẫn là người chồng tận tụy và chu đáo như ngày nào. Anh được đồng nghiệp kính trọng, học trò yêu quý. Anh vẫn chăm sóc cho chị hàng ngày, nhưng chị không còn hứng thú gì những bó hoa với những bản nhạc. Chị thấy chúng lạc lõng trong cuộc sống của hai người, cũng giống như chị ngày càng thấy lạc lõng trong chính thành phố này, dù chị lớn lên ở đó.

- Anh cho em đi xuất khẩu lao động nha. Em đi trước rồi anh đi sau. Nếu có cơ hội thì chúng ta sẽ có một cuộc sống khác.

- Em điên à? - Anh quát lên - Tại sao em muốn vứt bỏ mọi thứ trong khi em có gia đình, có bạn bè, có sự nghiệp và một cuộc sống đáng mơ ước?

- Sống nghèo, sống mòn mà đáng mơ ước à? - Chị lần đầu cãi lại. Câu cãi lại đó đã mở màn cho những cuộc tranh cãi nảy lửa, đau đớn, gây tổn thương. Đỉnh điểm của cuộc cãi lộn, chị nói: “Em thà làm công dân hạng ba của một nước hạng nhất, còn hơn làm công dân hạng nhất của nước thứ ba”. Rồi chị khóc.

Anh đứng như hóa đá. Anh cũng khóc. Nhưng anh im lặng, im lặng rất nhiều ngày, rồi anh đã để chị ra đi...

*

Anh nhắn tin khi chị đang ở trong phòng khách sạn:

- Anh mời em đi coi kịch xiếc nhé? Có vở “À Ố Show” hay lắm. Khách Tây hay Việt kiều như em về đều rất thích coi vở này.

Nhưng anh như hẫng người ra khi chị gọi lại nói:

- Anh à, em chẳng thích coi kịch cọt gì đâu. Anh mời em đi ăn đi, ăn đồ Việt Nam, em thèm lắm.

Tất nhiên là anh chiều lòng chị, đưa chị đi ăn các món ăn mà chị nhớ, chị ao ước. Khi cả hai đã ngồi trong nhà hàng, anh ngắm nhìn chị đang ăn uống hồn nhiên hệt như một đứa trẻ. Anh ngắm đôi bàn tay chị. Giờ đây nó là đôi bàn tay mũm mĩm, không còn chút gì của đôi bàn tay gầy mỏng manh với vẻ thanh tú từng làm anh xiêu lòng cách đây mấy chục năm ở Hà Nội. Đôi bàn tay ấy từng buông những âm thanh mỏng như lụa, mềm như nước trên phím đàn piano khi hai đứa đang ở trong căn phòng trên tầng 5 của một khu chung cư. Chị nhận ra anh đang nhìn chằm chằm vào đôi tay mình thì bật cười nói:

- Anh à, những hột xoàn em đeo đây đều là công lao động của em cả đấy. Mỗi khi kết thúc một công việc, thì em lại mua một hột để làm kỷ niệm. Hột ngón trỏ này là em mua sau khi kết thúc hai năm làm ở xưởng gà đông lạnh. Anh không hình dung được đâu, mang ủng bước vào nhà đông lạnh của nó thì kinh khủng, từng khớp xương như muốn rụng ra. Vậy mà em trụ được hai năm đấy.

Anh hơi sững người. Con thiên nga bồng bềnh trong những vũ điệu mê hoặc mà anh gặp sao có thể lạc vào cái trại gà quái gở nào đó ở Úc được chứ.

- Còn cái hột xoàn ở ngón giữa là thời gian em đi giũa móng. Em là đứa làm giỏi nhất trong nhóm ấy, khách lúc nào cũng kêu em. Có nhiều ông bà Tây tới tiệm không có em là không làm, hôm khác quay lại. Bên Mỹ họ tip hào phóng lắm anh.

Mắt anh cay nhẹ, anh hỏi:

- Sao bên đó vất vả, cực nhọc tới cỡ đó hả em? Anh đâu có ngờ.

- Đâu có gì đâu anh. Ở bên đó ai mà chả phải làm việc cực nhọc. Tổng thống, tỷ phú gì cũng làm cực hết. Em làm vậy có ăn thua gì. Bên đó được cái cứ làm là có tiền, chịu khó làm là không bao giờ phải sống “cầm cự”. Thời em đi là sướng lắm rồi đó anh, đâu có phải như anh của con bạn em còn phải đi bắt trùn đất để học đại học. Cái thời đó xưa lắm rồi, hồi mới di cư thôi, còn sau này sang chỉ cần biết lao động là sống tốt, sống khỏe.

- Thế em có hài lòng với cuộc sống của mình không?

- Sao lại không? Em sống tự do, thoải mái, muốn làm gì em làm, muốn nói gì em nói. Mỹ mà anh.

Chị nói sống “cầm cự” làm tim anh nhói đau. Nó nhắc về cái ngày, một câu nói của chị đã khiến anh chịu buông: “Em thà làm công dân hạng ba của nước hạng nhất, còn hơn làm công dân hạng nhất của nước hạng ba”. Đầu óc anh quay cuồng với các con số Một, Ba, Ba, Một. Anh hiểu nếu như chị muốn giành lấy con số Ba Một, thì có nghĩa anh chính là con số Một Ba.

- Thế cuối tuần bên đó em làm gì?

- Thì lái xe vào công viên, đi cắm trại, nướng BBQ. Bên đó em ít đi nhà hàng lắm, nhà hàng mắc lắm anh, phải tiết kiệm. Em cũng chưa một lần tới nhà hát nào cả. Chỉ xem TV ở nhà thôi. Có tiền sang chảnh thì mình vào outlet mua sắm.

Vì chị không muốn đi coi kịch xiếc, anh gọi người bồi bàn lại và tặng lại hai chiếc vé. Lúc anh nhận hóa đơn tính tiền, chị nói:

- Để em share tiền với anh.

- Sao thế được, để anh mời nhé, nhà hàng trong nước rẻ lắm chứ không như bên ấy đâu.

- Không, thế để em mời anh, tiền đô dù sao vẫn cao hơn tiền đồng mà - Chị nói đùa.

*

Anh gửi một thiệp nhỏ cùng với những bông hoa trắng - loài hoa mà chị thích - nhờ lễ tân khách sạn chuyển cho chị. Chị đi chơi về nhận được, rất lấy làm cảm kích, nhắn tin cho anh:

- Eo ơi, anh của em lãng mạn thế. Giờ còn viết thư tay gửi tới nữa.

Trong tấm thiệp, anh hỏi: Thư ơi, em có ra Hà Nội, về Sơn Tây thăm thành cổ với anh không?

Chị đáp: Sao anh rủ em đi xa thế? Thôi anh cứ đưa em đi massage ở ngay Sài Gòn, rủ em đi ăn, rồi mua sắm cho thỏa thích cũng được ạ. Em cũng muốn đi làm răng, làm mấy món thẩm mỹ bên này cho rẻ.

Anh nhắn tiếp: Anh xin lỗi, anh vui quá nên cứ rủ em vậy mà quên mất là em đã có gia đình.

Chị trả lời: Ôi anh ơi, không cần giữ ý với em thế đâu. Em giờ là người Mỹ rồi chứ có phải Việt Nam như anh đâu. Em đi chơi với anh thì có gì mà lo, ông chồng em người Mỹ ông ấy chẳng ghen đâu. Ông ấy chẳng cần hỏi em cũng kể về anh với ổng rồi.

*

Gần tới ngày chị đi, anh không sao tập trung được. Đám sinh viên thấy trong phòng giáo sư, người thầy quen thuộc của mình vẫn ngồi, nhưng không giống như mọi lần, đang lơ đãng nhìn ra cửa sổ hàng giờ liền. Họ không dám gõ cửa phòng thầy như mọi lần, đành lặng lẽ quay trở lại giảng đường.

Tới ngày chị ra sân bay, anh hứa sẽ tới tiễn chị. Anh mặc đồ thật lịch lãm như đi tiễn một người vô cùng quan trọng, vô cùng đặc biệt trong đời. Trái lại, chị bận đồ giản dị, đi dép lê. Chị trêu anh: Khiếp, anh mặc đồ như đi dạ hội làm em ngại quá.

Đến phút cuối, chị mới hỏi anh: - Con ổn không?

- Con ổn. Nó đang học đại học ở Singapore.

- Sao anh không cho sang Mỹ. Học ngành STEM sang Mỹ học là tốt nhất.

- Anh biết, nhưng con nó bảo không thích sang Mỹ.

- Anh thử nói chuyện với nó xem. Nếu nó sang Mỹ, em trả tiền học phí cho.

Họ chia tay nhau ở chân cầu thang. Chị đi lên lầu trên để vào cửa an ninh, anh đi xuống lầu dưới xuống bãi xe.

Khi đi lên thang, chị đã bật khóc. Chị thương anh quá chừng! Bao nhiêu năm anh vẫn vậy. Từ lúc tuổi đôi mươi đến lúc thành giáo sư sắp nghỉ hưu, anh vẫn mải mê với lý tưởng của mình. Anh vẫn nhẹ nhàng, tinh tế, bao giờ cũng nghĩ cho người khác trước bản thân mình. Chị thương anh khổ quá, giá anh theo chị thì giờ anh đã phát triển được bao nhiêu lần trong sự nghiệp chuyên môn của mình. Vậy mà anh vẫn chọn làm công dân hạng nhất của một nước thứ ba.

Còn anh, lúc đi xuống thang cuốn, anh nhận ra nước mắt mình rơi thành giọt xuống đôi giày của chính mình. Anh đau lòng, anh nhớ mãi hình ảnh một người con gái tràn đầy thanh xuân, tiếng hát lảnh lót như thiên thần, tung những điệu múa lộng lẫy trên đôi chân thon thả như chim hạc, đôi tay mảnh dẻ rung rinh trong không trung như những đóa phong lan. Chị đã khác. Vì chị đã chọn làm công dân hạng ba của một nước thứ nhất, như lời chị nói.

B.K.N

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm
Trăm năm hương Tết vẫn còn - Truyện ngắn Nhật Hồng
“Tết đến, già trẻ trai gái đều nô nức đón mừng, dù điều kiện kinh tế gia đình mỗi người có khác nhau, nhưng hương tết vẫn nồng nàn tha thiết, sum vầy cùng với bánh ngọt và hoa thơm”.
Xem thêm
Ngôi sao lấp lánh
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Gió bãi trăng ghềnh – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Má mày bị đánh đĩ rồi Nhơn ơi! Chưa kịp hiểu gì Nhơn đã bị Ngỡi lôi tuột ra chiếc xe đạp cũ mòn. Chiều in bóng trên bờ ruộng hai đứa nhỏ hấp tấp chở nhau đi như trối chết.
Xem thêm
Nữ bưu tá – Truyện ngắn của Hữu Đạt
Mỗi lần đến đơn vị bộ đội phòng không đưa thư hoặc báo, Phương để ý thấy một người – một người duy nhất – chỉ đến rồi lại ra về, với vẻ mặt trầm buồn. Đơn giản là chưa bao giờ Phương thấy anh ta nhận một lá thư, hoặc gói bưu phẩm của ai đó gửi cho cả.
Xem thêm