TIN TỨC

Báo chí, bạn bè viết về Đoàn Vị Thượng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-16 08:31:34
mail facebook google pos stwis
2101 lượt xem

Hướng tới buổi ra mắt sách THƠ TÌNH & NHỮNG BÀI ÁO TRẮNG
 

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng - Tranh Lê Sa Long.

THƠ CỦA MỘT THẦY GIÁO

Đoàn Vị Thượng chẳng thuộc loại đẹp trai nhưng lại là người có cái duyên ngầm. nhìn lâu dễ "thấm”. Cái giọng miền Trung trọ trẹ và nằng nặng của anh, thoạt nghe rất "dễ xa nhau" nhưng nghe mãi có khi không sao quên được.

Anh thuộc thế hệ thơ trưởng thành sau 30-4-1975, Đoàn Vị Thượng đã có hơn 20 năm cầm bút và 10 năm cầm phấn. Thơ anh xuất hiện khá đều đặn trên các báo TP.HCM và đã được nhiều người lưu ý đến.

Thơ của thầy giáo, vậy thì trước hết anh phải viết về nghề giáo. Bài thơ “Bụi phấn” là một trong những bài tiêu biểu và hay nhất của anh. Chính vì là thầy giáo 100% nên Đoàn Vị Thượng đã hiểu được nỗi khổ nhọc có thật 100% của đội ngũ nhà giáo. Hình ảnh người giáo viên hiện ra trong thơ anh với tất cả sự chân thành cảm động, cao qúy và xót xa, thiêng liêng mà gần gũi. Đây la hình ảnh người thầy giáo gìa hơn 30 năm bám trường, bám Iớp:

Đông nghiệp tôi, mái tóc đã phai màu

Giọng nói khàn như dây đàn cũ...

Và đây, những đồng nghiệp thân thương khác của anh:

Đôi bàn tay đầy bui phấn trắng phau

Như nhà nông bốn mùa lấm láp…

Những nhà giáo chân chính luôn là những con người trở trăn, đau khổ mà kiêu hãnh, hạnh phúc, họ âm thầm hy sinh, Iặng Iẽ với công việc và luôn ngẩng cao đầu giữa bốn bề bão giông khắc nghiệt của đời sống. Đoàn Vị Thượng muốn nhắn gởi đến chúng ta những điều như vậy, cho dù thực tế đau lòng đã có không ít người ngoảnh mặt quay lưng, cho dù:

Bục giảng không cao nhưng đã có bao người vấp té

Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay…

Thơ của thầy giáo, vậy thì hẳn anh cũng viết về... cô giáo. Vâng, Đoàn Vị Thượng đã có một “cô giáo” cụ thể trong thơ mình. Những dòng thơ này đã làm hiện lên hình bóng một “người ta” của riêng anh và đồng thời dường như có cả dáng dấp chung của một “tập thể” nữ giáo viên:

Em dạy học nên chẳng hay nói nặng

Đôi bàn tay cũng dịu dàng sao

Anh thấy nơi em cái gì cũng nhẹ

Mà với anh sao trọng lượng biết chừng nào.

(Nói về em)

Câu thơ tưởng chừng đơn giản mà lại rất kỹ thuật. Tác giả “chơi chữ” bằng biện pháp đối lập văn cảnh: nhẹ trọng lượng. Hai thanh nặng của từ “trọng lượng” như kéo trịch câu thơ xuống những con chữ mỏng manh oằn cong vì sức nặng tình cảm của trái tim con người ập ùa lên. Đoàn Vị Thượng, anh quả là một thầy giáo "ga-Iăng”, một tín đồ xuất sắc của ngày 8-3! Thơ của thầy giao, vậy thì hẳn anh cũng phải viết về học trò. Đã có thơ học trò nhưng không nhiều, dường như thể anh đã dồn hết sức vào một đề tài “ngoại khóa” của giáo dục nhưng muôn thuở của loài người: Tình yêu. Và ở đây, phải chăng chính là “sở trường” của anh? Đọc thơ Thượng, ta thấy anh đã phác họa khá sắc nét những chặng đường phát triển của tình yêu, từ buổi đầu làm quen gian truân, vất vả… mà dễ thương:

Theo em từng bước chậm

Giả vờ- ngó người ta

Ngó hàng cây, ngó phố

Ngó vu vơ, vậy mà...

(Theo em I)

Đến phút giây "gây cấn"... tỏ tình:

Anh thắc thỏm, anh ngập ngừng

Bàn tay vô cớ bẽ từng ngón tay

Ngón tay không bẽ cũng ngay

Lời yêu bẽ mấy cũng hay đi vòng?!

Pha tâm lý này đã được diễn đạt đầy "chất Iượng" cho dù theo kiểu "cổ điển". Và rồi khi đã yêu nhau, bạn ơi, Đòan Vị Thượng như muốn bảo rằng: thầy giáo yêu rất... "chắc ăn”! Phẩm chất đạo đức của người thây không cho phép trái tim lọc Iừa, giả trá. Chung thủy và thủy chung đến tận khi răng long đầu bạc, run rẩy và đắm say dìu nhau đến tận... nấrn mồ. Một chút triết Ií vừa phải trong bài thơ này rất dễ thấm vào bất kỳ ai:

Em, giọt rượu và tôi, giọt nước

Chạm vào nhau đã hóa một rồi

Sẽ thật khó tách lìa nhau được

Đến tận cùng khi bốc thành hơi

(Hai người)

Ở một số bài thơ, Đoàn Vị Thượng có xu hướng viết về nỗi đớn đau, bi kịch trong tình yêu. Nhưng với riêng tôi, có Iẽ anh không phải là nhà thơ của nỗi buồn đau và giọt nước mắt. Anh Ià cây bút của nụ cười, của bao nỗi hồn nhiên, trong sáng. Nét thơ hồn hậu, chân chất, tươi mát, trẻ trung và giàu chất “duyên ngầm” chính là thế mạnh của anh và không phải ai cũng có được. Người đọc mến những câu thơ hóm hỉnh, mộc mạc và nghĩa tình của  anh, nhưng có lẽ vẫn thèm đọc những dòng thơ lộng Iẫy hơn, trau chuốc và ấn tượng hơn của chính anh. Bề rộng cảm xúc trong thơ anh luôn vững chải ở mọi đề tài, song phải chăng một ít bài thơ của anh hãy còn thiếu độ hút sâu thăm thẳm đủ để "dìm chết" đọc giả yêu thơ khó tính?

Vài nét sơ lược về thơ của một thầy giáo, một cây bút rất đáng chú ý của “đội tuyển văn chương” ngành giáo dục và của thi đàn TP.HCM.

Viên phấn và cây bút vẫn còn trên tay anh, chúc anh Đoàn Vị Thượng mãi sáng tác với tư cách một người thầy, sống và yêu cũng bằng tư cách ấy.

VƯƠNG TRUNG NGHĨA (nhà báo)

 

NHÀ VĂN, NHÀ BÁO, NHÀ GIÁO, NHÀ THƠ… ĐOÀN VỊ THƯỢNG

(trích)

Có thể, khi nhắc đến Đoàn Vị Thượng, trước hết, ta biết anh như một thi sĩ. Chàng thi sĩ này với một ngoại hình chẳng có gì hấp dẫn. Chỉ nhìn bên ngoài bói cũng không ra một câu thơ. Anh tạng người trung bình, ăn mặc phi thời trang, có gì mặc nấy, dù anh cố gắng chải chuốt nhưng vẫn cứ luộm thuộm, chạy chiếc xe gắn máy lai hai ba họ, chẳng thể gọi là Yamaha, nhưng cũng không phải là Honda (đọc đến đây, có vị nữ nào yêu thơ họ Đoàn, thương thi sĩ quá gửi tặng một chiếc xe xịn cỡ… Future, xin thay mặt Đoàn Vị Thượng… nhận giùm). Thơ Đoàn Vị Thượng duyên dáng, đằm thắm, mộc mạc. Nhất là những bài thơ lục bát mang hơi hướng chân quê, dù tình yêu trong thơ của anh là tình yêu của một chàng trai phố thị. Thế nhưng, tuy tương đối thành công với thơ, nhưng thơ có lẽ không nuôi nổi thi sĩ cho nên Đoàn Vị Thượng đã trở thành nhà giáo trong một trường hợp khá may mắn. Cả hai “nhà” này dựa vào nhau để tồn tại. Khoảng năm 1991, xuất hiện một Đoàn Vị Thượng mới, một Đoàn Vị Thượng viết văn. Tôi gặp anh ở hiệu sách 210, chủ hiệu là một người khá gần gũi với tôi – anh Nguyễn Hữu Cứ. Nói theo Trần Trọng Đăng Đàn, Cứ là một doanh nhân văn hóa, một doanh nhân rất năng nổ trong ngành xuất bản tư nhân. Cứ cho tôi biết Đoàn Vị Thượng vừa viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tay, đề tài về học trò, tựa tác phẩm: Tóc em còn thả mùa đi học. Một cái tựa có chất thơ nhưng lại khá dở cho một cuốn tiểu thuyết. Tháng 11 năm 91, Đoàn Vị Thượng tặng tôi tiểu thuyết đầu tay vừa được xuất bản. Chúng tôi quen nhau từ đấy. Thượng tỏ ra là một người bạn dễ mến, anh không mắc phải những cái ngông một số những “nhà văn nghệ” trẻ mắc phải...

TRẦN ÁNG SƠN (nhà phê bình)

 

LẶNG LẼ ĐOÀN VỊ THƯỢNG

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng tên thật là Trần Quang Đoàn, có thời gian hơn 20 năm công tác tại Báo GD&TĐ và đảm nhận chúc vụ Phó Trưởng Cơ quan thường trú từ năm 2010 cho tới khi nghỉ hưu (tháng 6/2019). Trước khi chuyển sang làm báo, ông từng có thâm niên 10 năm làm giáo viên.

Bài thơ “Bụi phấn” do nhà thơ Đoàn Vị Thượng sáng tác đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của ngành sư phạm nói riêng và cộng đồng nói chung. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Bình đã trao tặng bằng khen cho ông vì “Bụi phấn” đã góp phần cổ vũ tinh thân giáo viên và học sinh trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn sau ngày thống nhất.

Sự ra đi của anh để lại tình thương tiếc của nhiều đồng nghiệp và bạn bè văn chương. Mặc dù sinh thời anh sống khá nhẹ nhàng và gần như khép kín. Còn nhớ, dịp tờ Tài Hoa Trẻ (một tạp chí chuyên để của Báo GD&TĐ, nay đã ngưng phát hành) phát hành số 1.000, các anh nhà thơ, nhà văn Trấn Quốc Toàn, Bùi Đức Ánh, Nguyên Hùng, Phạm Đức Mạnh... có nhã ý muốn chung tay hỗ trợ anh Thượng in tập thơ riêng (bởi anh chưa in bao giờ)... Tuy nhiên, anh khéo léo từ chối. Anh không muốn rộn ràng, làm phiền người khác.

Nhà thơ Nguyên Hùng chia sẻ: “Đoàn Vị Thượng là nhà thơ tài hoa, được độc giả thơ yêu quý từ rất nhiều năm trước. Anh đồng thời là một biên tập viên giỏi, có thái độ làm báo rất nghiêm túc, chu đáo; đù là người ham vui, nhưng khi đang chuẩn bị cho số tạp chí hay số báo mới, bạn bè có rủ rê mấy anh cũng không chịu rồi khỏi bàn biên tập. Anh cũng là người rất ít nghĩ về mình, mấy lần chúng tôi đề nghị anh tập hợp thơ để bạn bè hỗ trợ in ấn, anh đều lờ đi...”

Biết đến thơ anh từ thời học sinh, đến thời sinh viên, tình cờ một người bạn chép vào cuốn sổ thơ bài “Chim kêu bên nhà người cũ” của anh, tôi đọc và nhớ đến giờ: “Thương con chim cũ/ Hót mãi bên hè/ Gã tình nhân mới/ Biết gì mà nghe”.

Sau này hữu duyên được làm việc chung và hỗ trợ anh thực hiện tờ GD&TĐ ra thứ Hai hằng tuần một thời gian dài. Đến khi tôi chuyển sang làm tờ Tài Hoa Trẻ anh vẫn tiếp tục hỗ trợ mục Tài hoa gỡ rồi cho tận đến khi nghỉ hưu và tờ báo chuyển ra Hà Nội mới ngưng nghỉ. Ngần ấy thời gian thật khó kể hết những kỷ niệm vui buồn, bao lần nâng ly nghe anh đọc thơ, đánh đàn và hát.... Khi anh lâm trọng bệnh cũng muốn thông báo cho mọi người biết để cùng chia sẻ. Nhưng vì tôn trọng ý muốn cá nhân của anh nên chúng tôi dành giữ kín chỉ khi nào có ai hỏi thăm thì mới thổ lộ.

Nay anh không còn nữa, xin thắp nén tâm hương tiễn biệt anh - một nhà báo - một thị sĩ tài hoa... đầy trách nhiệm với công việc, bằng mấy câu thơ:

Nay anh về với đất trời

Tiếc thương cũng đã, khóc cười cũng xong.

Anh về chốn ấy thong dong

Tình xưa nghĩa cũ mãi không phai mờ...
 

CÔNG CHƯƠNG

 

KỶ NIỆM VỚI ĐOÀN VỊ THƯỢNG – NHÀ THƠ CỦA NHỮNG BẤT NGỜ

Hôm ấy tôi nhớ vào năm 1978, đang đi cùng Bùi Chí Vinh ghé chơi với mấy nhà thơ “190 Công Lý (cũ)”, lúc ra cổng thì thấy một anh chàng lực khực bước vô. Nhà thơ Bùi Chí Vinh giới thiệu: “Đây là nhà thơ Đoàn Vị Thượng…”. Thượng nghiêng mình ngoái ngang, chúng tôi chào nhau bằng cái gật đầu. Tôi chỉ nhớ mặt mũi anh chàng này đỏ lựng như trái cà chua. Chắc anh cũng như tôi - mắc cỡ một cách sung sướng khi được Bùi Chí Vinh (lúc ấy là nhà thơ trẻ nổi tiếng nhất Sài thành) giới thiệu. Sau đó 20 năm chúng tôi không gặp nhau, nhưng rất vui mỗi khi đọc thấy nhau trên trang thơ nào đó. Những câu thơ của Đoàn Vị Thượng chắc hạt, chân tình, hồn hậu – thứ ngày càng hiếm trong thơ phú ngày nay.

Sau hai chục năm, chúng tôi gặp lại nhau và trở thành đồng nghiệp, cùng lo bài vở, biên tập tờ Tài Hoa Trẻ. Thượng kém tôi 5 tuổi nhưng tôi coi là bạn thơ cùng lứa “thế hệ vàng” sau 1975, vậy nên chúng tôi lúc nào cũng gọi bạn là “ông”, xưng “tôi” hoặc “mình”. Có Lê Du và Đoàn Vị Thượng ngồi ở tòa soạn, tôi hoàn toàn yên tâm mọi việc. Du lo phần báo và dịch. Thượng lo toàn bộ phần văn nghệ.

Đến khi Tài Hoa Trẻ đứng ra tổ chức Đêm thơ tại Tao Đàn nhân sự kiện Ngày thơ Việt Nam, chúng tôi mới biết tài MC của Đoàn Vị Thượng. Nhờ cách dẫn chương trình rất vui vẻ, hóm hỉnh của anh mà các đêm thơ chúng tôi tổ chức ở TPHCM hay Cần Thơ… đều thành công với nhiều dư vị. Ngoài sáng tác, biên tập và MC, Đoàn Vị Thượng còn là một cây văn nghệ trong các cuộc vui. Với cây ghi ta thùng, anh trở thành nhân vật chính, thu hút nhiều fan nhờ ca bài chòi khu 5 và nhạc Trịnh…

Thượng làm báo chuyên nghiệp nhưng bản chất, tác phong vẫn là của một nghệ sỹ. Và cái ông nghệ sỹ thủng thỉnh này luôn mang tới những bất ngờ. Bất ngờ vì năng khiếu bẩm sinh vào loại thần đồng, vì tài thơ, tài MC, tài diễn xuất ca nhạc. Việc không in một tập thơ riêng nào cũng là một bất ngờ. Khi biết chuyện này, tôi đã nói riêng với Thượng không chỉ một lần, rằng cần tập hợp bản thảo in ra ít nhất một tập thơ, không phải vì cái danh mà vì trách nhiệm của một tác giả. Sách chưa thấy thì bất ngờ Thượng lâm bệnh. May người anh ruột đã gom in được một tập – là món quà quý trước khi Thượng ra đi. Một tài năng và nhân cách anh để lại, có lẽ đó là điều bất ngờ cuối cùng của anh!

Tôi vẫn nhớ nụ cười trên gương mặt đỏ như trái cà chua lần đầu tiên gặp. Chúc anh thanh thản cõi An lành với nụ cười ấy nhé!

VŨ XUÂN HƯƠNG (nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Trưởng BBT Tạp chí Tài Hoa Trẻ)

 

NHỚ ĐOÀN

"Mưa như lệ, nên mưa buồn hơn nắng

Nắng như vàng nên nắng quí hơn mưa

Tôi nằm ngủ như nằm bên con gái

Nên suốt đời thấy hoan lạc mãi không thôi. "

(1971)

Có thể nói, đây là 4 câu thơ đầu tiên trong cuộc đời làm thơ của Trần Quang Đoàn (Đoàn Vị Thượng, lúc 12 tuổi).

Kẻ làm thơ thường ví mình như một thiên sứ, cái số phận ấy Đoàn mang theo suốt cuộc hành trình của thân phận làm người, làm thơ...

Trong cơn cuộc rong chơi giữa chốn trần gian này, đối với Đoàn Vị Thượng là những tháng ngày nối tiếp bao dung và hoan lạc. Đó cũng là sự trầm luân của con người. Đó cũng là điều mà lúc sinh thời Đoàn Vị Thượng luôn luôn tri kiến.

Theo cách nói của J.Krishnamurti: "Tự hiểu biết mình, có nghĩa là hiểu biết sự quan thiết giữa mình với thế gian. Chẳng những với thế giới của ý tưởng với người đời, mà kể cả với thiên nhiên, với những vật sở hữu".

Đoàn Vị Thượng là như vậy đó!

Anh ta, thường hóa thân trong mọi hoàn cảnh và sống hết mình qua những vùng đất dù cằn cỗi hay phì nhiêu.

Biết bao nhiêu điều để nói và nói đến bao giờ cho hết kỷ niệm. Đôi khi chúng tôi cần yên lặng. Yên lặng để lắng nghe và thấu hiểu, để tìm kiếm sự giao thoa của tư tưởng - sự tỉnh thức trí huệ - khi lòng nhân hậu của con người luôn bị giấu kín sau tấm bình phong lộng lẫy hào quang...

TRẦN QUANG CHÂU (nhà thơ)

 

ĐOÀN VỊ THƯỢNG TỪNG XÚI TÔI IN THƠ

Tôi quen biết các nhà báo Lê Du, Đoàn Vị Thượng từ năm 2006, khi đang là cộng tác viên mảng biên dịch của tạp chí Tài Hoa Trẻ lúc bấy giờ do nhà thơ Vũ Xuân Hương làm Trưởng ban biên tập. Thời gian này, tôi góp mặt trên Tài Hoa Trẻ bằng loạt bài giới thiệu các chân dung nhà thơ Nga và các bản dịch thơ Nga tại mục “Chân trời văn học”, chỉ thi thoảng mới đăng vài bài thơ. Chơi với nhau một thời gian, các nhà thơ Đoàn Vị Thượng và Trương Nam Hương mấy lần cứ “xúi” tôi in thơ; và giữa năm 2007 thì tập thơ đầu tay là “Cánh buồm thao thức” ra đời. Trương Nam Hương duyệt qua bản thảo, gợi ý lược bỏ vài bài và “gà” cho vài cái tựa rồi giao việc viết bài giới thiệu cho Đoàn Vị Thượng. Tập thơ thoạt tiên được lấy tựa là “Biển và em” theo tên một bài thơ trong tập, nhưng sau đó tôi đã tìm ra “Cánh buồm thao thức” để thay thế. Việc đổi tên tập thơ đầu tay này đã khiến nhà văn Hoàng Đình Quang, Giám đốc chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại TPHCM, mất công thêm vì phải làm lại Giấy phép xuất bản cho nó.

Đoàn Vị Thượng là nhà thơ tài hoa, được độc giả thơ yêu quý từ rất nhiều năm trước. Anh đồng thời là một biên tập viên giỏi, có thái độ làm báo rất nghiêm túc, chu đáo; dù là người ham vui, nhưng khi đang chuẩn bị cho số tạp chí hay số báo mới, bạn bè có rủ rê mấy anh cũng không chịu rời khỏi bàn biên tập. Anh cũng là người rất ít nghĩ về mình, mấy lần chúng tôi đề nghị anh tập hợp thơ để bạn bè hỗ trợ in ấn, anh đều lờ đi…

Dưới đây là những câu thơ tôi viết để tưởng nhớ anh. Chữ in nghiêng là tên các tác phẩm của Đoàn Vị Thượng:

Ngôi trường, hoa phượng và tôi

Môi thơm lá biếc một thời ngát hương

Chưa quên ánh mắt tựu trường

Hồn thơ bụi phấn còn vương đến giờ...

Viết văn, làm báo, bình thơ

Mát xanh lứa tuổi học trò tài hoa

Khi cau mặt, lúc cười xoà

Chuyện tình chim hót như là mình thôi.
 

NGUYÊN HÙNG (nhà thơ)

 

CHÚT HỒI ỨC VỀ ĐOÀN VỊ THƯỢNG

Tôi vào làm ở Cơ quan thường trú Báo Giáo dục và Thời đại, biên tập chuyên đề Tài Hoa Trẻ gần 4 năm thì mới gặp Đoàn Vị Thượng lần đầu. Bữa đó, tan giờ làm việc, tôi thấy một anh chàng dáng dấp thư sinh, với đôi kính cận, ngồi lặng lẽ nơi phòng khách cơ quan. Thú thực là tôi chẳng có ấn tượng gì về anh và nghĩ đây chắc cũng như nhiều nhà thơ khác đến gặp nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, Trưởng cơ quan, mà thôi.

Thế nhưng vài ngày sau, sếp Tiềm đưa anh chàng này lên phòng tôi và nói: “Đây là nhà thơ Đoàn Vị Thượng, từ nay Thượng sẽ làm việc với cậu”. Tôi “À” lên, vì trước đây đã từng nghe anh em trong cơ quan nhắc đến tên anh khi bàn về đời sống thơ ca thành phố hiện nay, và cách đó không lâu, tôi có đọc mục tin vắn văn nghệ báo TN, đăng tin Siêu thị Bình Dân khai trương ở Gò Vấp, nhà thơ Đoàn Vị Thượng, nhân vật khách mời, rút số được trúng thưởng. Chỉ bấy nhiêu thôi! Còn thơ của Đoàn Vị Thượng thì thú thực tôi không biết bài nào cả. Nghe mọi người nói, anh có bài thơ “Bụi phấn” rất nổi tiếng, tôi vồn vã, “Bài thơ của ông được phổ nhạc ai cũng biết”. Nhưng anh cười bẽn lẽn, nói: “Bài đó không phải của tui. Bụi phấn của tui khác”. Sau đó, bài “Bụi phấn” này thường được mọi người yêu cầu anh đọc vào ngày lễ Nhà giáo hằng năm. 

Từ giữ mục “Điểm sách”, Thượng được giao đi viết về những gương mặt tài hoa, chuyên mục “đinh” của báo. Anh rất siêng đi, chuẩn bị nội dung bài viết rất kỹ, câu hỏi phỏng vấn được sắp xếp trước một cách cẩn thận. Thành ra, những nhân vật mà anh khắc họa trên báo rất đậm nét và sống động.

Qua nhiều lần cải tiến, Tài Hoa Trẻ ngày càng mang nhiều dấu ấn của Đoàn Vị Thượng. Từ  phụ trách các mục “Gỡ rối tài hoa”, “Nhân vật tài hoa”, “Chuyện tình của các tài hoa”, đến cầm trịch những cuộc thi thơ, văn …. Ngoài ra, Thượng còn là một MC duyên dáng trong các sự kiện của cơ quan. Trước đây, tạp chí Tài Hoa Trẻ thường đứng ra tổ chức đêm Nguyên tiêu, quy tụ nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, Thượng là người góp phần làm cho không khí đêm thơ sôi động, gây ấn tượng tốt nơi những người tham dự.

Sau này được đề bạt làm phó trưởng cơ quan, phó trưởng ban biên tập, trực tiếp làm ấn phẩm Giáo dục và Thời đại ra thứ Hai hằng tuần, anh luôn bận bịu. Với người “lãng đãng” thích rong ruổi như anh mà bị bó vào chuyện tổ chức bài vở, lo “bếp núc” của tòa soạn thì quả là một “cực hình”, nhưng Thượng vẫn chăm chỉ, hoàn thành công việc, mặc dù đôi khi vẫn “lãng đãng”, thoắt ẩn, thoắt hiện.  

Mỗi khi ra số báo đặc biệt, báo Xuân, Trưởng ban thường “đo ni đóng giày” anh em trong Ban biên tập để giao nhiệm vụ, Thượng luôn được phân những mảng “đinh”… Những lúc như vậy, anh chỉ chắt lưỡi, hít hà nhưng rồi cũng cười và gật đầu. 

Khi cơ quan dời hẳn về 322 Điện Biên Phủ, quận 10, tôi và Thượng nghỉ trưa ở cơ quan chứ không về nhà. Cơm nước xong, mỗi đứa trải chiếu một góc, nằm nói đủ thứ chuyện trên đời. Từ thơ, văn, triết lý, đạo giáo… Tôi hay khơi mào để anh nói, để rồi phản bác… ngang, có khi cãi nhau phùng mang trợn má nhưng không ai giận ai.

Tính tình Đoàn Vị Thượng hiền lành, rất được mọi người trong cơ quan quý mến, và cũng là đối tượng để các chị em trêu chọc. Mỗi khi bị trêu, không cãi lại được, anh chỉ cười, cái cười mà nhà thơ Trần Quốc Toàn gọi là “cười lỏn lẻn”, rất hiền và rất vô tư.

Cơ quan có tiệc tùng, thiếu Thượng là mất vui, bởi vì với anh “bia vào thì thơ ra”… Giọng đọc thơ rất hào sảng, hút hồn người nghe.

Ngày mà Cơ quan thường trú không còn sản xuất ấn phẩm nữa, tôi từ giã các đồng nghiệp về quê “dưỡng lão” thì cũng là thời điểm Đoàn Vị Thượng phát hiện mình bị K… Từ đó, Thượng cắt mọi liên lạc và sống khép kín với nỗi đau riêng. Tôi chỉ nắm thông tin về Thượng qua một đồng nghiệp trẻ ở gần nhà mẹ anh và luôn cầu mong một phép mầu y học, giúp anh khỏi bệnh, kéo dài cuộc sống ở trần gian này.

Vẫn biết cuộc sống là vô thường. Ai rồi cũng sẽ phải trở về với cát bụi, nhưng nghe tin Thượng ra đi, tôi không khỏi đau lòng. Gần 20 năm làm chung, chia ngọt sẻ bùi, với biết bao kỷ niệm vui buồn. Làm sao quên…

Hôm nay, xác thân Thượng sẽ trở thành tro bụi, nhưng tôi tin linh hồn của anh sẽ an nhiên, luôn nở một nụ cười hồn hậu ở cõi niết bàn. 
 

LÊ DU

 

NHÀ THƠ ĐOÀN VỊ THƯỢNG: 'GIỜ GIỜ PHÚT PHÚT GIÂY GIÂY LÀ… MÌNH'

Dẫu nhiều người cũng biết trong vòng 2 năm qua nhà thơ chống chọi với bạo bệnh và sinh lực cứ vơi dần như cây đèn cạn dầu, nhưng thần thái và nụ cười an nhiên của Đoàn Vị Thượng khiến ai cũng thầm nghĩ tới một phép mầu. Thế nhưng, phép mầu ấy không xảy ra, nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã từ giã chúng ta khi ở tuổi 63.

Trước đó, vào ngày 30-12-2020 tại chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà Văn đã diễn ra buổi ra mắt tập thơ của Đoàn Vị Thượng, nhưng anh cũng không thể xuất hiện trong chương trình này vì đã quá yếu. Toàn bộ ấn phẩm Thơ Đoàn Vị Thượng cũng như chương trình ra mắt sách đều do nhà thơ Từ Nguyên Thạch (anh ruột Đoàn Vị Thượng) cùng gia đình và bạn bè lo liệu.

Có thể nói đó là một buổi ra mắt sách ấm áp, nhiều cảm xúc chân thành. Đồng nghiệp và bạn yêu thơ nói về con người cũng như thơ Đoàn Vị Thượng chân tình, súc tích, thú vị. Giá mà Đoàn Vị Thượng có mặt lúc ấy để chứng kiến tấm chân tình mà mọi người đã dành cho anh.

Lúc ấy, trong tôi chợt dấy lên một cảm giác tiếc nuối, giá mà Đoàn Vị Thượng chịu in thơ nhiều hơn thì bạn yêu thơ anh không phải chịu thiệt thòi đến như vậy. Bởi ai cũng biết từ năm 1991 đến nay, tức đã 30 năm, Đoàn Vị Thượng gần như không màng chuyện in sách thơ.

Ngay cả tập thơ cuối cùng này, anh Từ Nguyên Thạch cũng lặng lẽ tự một mình làm lấy tất cả. Đoàn Vị Thượng còn có "thơ trong ngăn kéo" không? Tôi nghĩ là có, bởi một hồn thơ như anh có thể không in sách nhưng không thể ngừng viết.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì thơ Đoàn Vị Thượng có nét giống thơ Trương Nam Hương ở khía cạnh bóng bẩy và đằm thắm, bởi cả hai đều gốc Huế. Tôi cũng nghĩ như vậy.
 

Nhưng thơ Đoàn Vị Thượng tưởng nhẹ mà không nhạt, tưởng hiền mà không cạn, tưởng nghịch mà không ác...

Thơ Đoàn Vị Thượng không phải là thơ thiền, nhưng tinh thần Phật giáo buông nhẹ mọi bề, khiến thơ anh có lúc như reo vui, đầy nhựa sống nhưng vẫn lẩn khuất nỗi buồn phận người với toan lo vụn vặt đời thường.

Những năm tháng cuối đời, Đoàn Vị Thượng về sống ở căn nhà của cha mẹ anh trong con hẻm nhỏ nằm sau lưng chùa Diệu Giác (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Từ ngôi nhà này có thể nhìn thấy sinh hoạt trong chùa, và dĩ nhiên là nghe thấy tiếng chuông từ đó vọng tới.

Lúc rời căn nhà ấy trong chuyến thăm anh năm ngoái, không hiểu sao tâm trí tôi cứ chắp nụ cười an nhiên của Đoàn Vị Thượng vào tiếng chuông chùa Diệu Giác rồi thầm nhẩm hai câu lục bát của anh:

"Năm năm tháng tháng ngày ngày/ Giờ giờ phút phút giây giây... là mình".
 

TRẦN NHÃ THỤY

 

NHÀ THƠ ĐOÀN VỊ THƯỢNG: LAO ĐỘNG VĂN CHƯƠNG NHƯ MỘT 'LỰC ĐIỀN'

(Thethaovanhoa.vn) - Vì hoàn cảnh riêng, với bệnh hiểm nghèo, tập Đoàn Vị Thượng - thơ có lẽ là tác phẩm cuối cùng của thi sĩ này. Từ 200 bài thu thập được, nhóm làm sách chọn ra 63 bài để in, vì đến Tết Tân Sửu này, Đoàn Vị Thượng bước vào tuổi 63.

Trong lời tựa Cây cỏ hồn nhiên mà Nguyễn Nhật Ánh viết, có đoạn: “Đọc thơ Đoàn Vị Thượng bằng mắt không thích bằng nghe Đoàn Vị Thượng tự đọc thơ mình. Trong các văn hữu cùng thế hệ với tôi, Bùi Chí Vinh và Đoàn Vị Thượng là 2 người thuộc thơ nhiều nhất. Không chỉ thơ mình, cả 2 còn thuộc nhiều bài thơ hay của các thi sĩ khác. Mỗi lần ngồi lai rai và đàm đạo thi ca với Vinh và Thượng, thật thú vị khi nghe cả 2 cao hứng “phun châu nhả ngọc”. Bùi Chí Vinh giọng Nam bộ ngang tàng hào sảng, Đoàn Vị Thượng giọng Quảng Ngãi mộc mạc, chân chất, âm sắc hơi nhừa nhựa nghe rất duyên. Tôi nghĩ, phải yêu thơ cực kỳ mới có thể hứng thú và nhập tâm những bài thơ... không phải của mình đến vậy. Điều đó nói lên thái độ trân trọng với thơ và phải có tấm lòng liên tài đặc biệt, điều hiếm có với giới sáng tác vốn bị đóng khung trong thành kiến “văn mình vợ người”.

Một hứng khởi tự tin với thơ

Đoàn Vị Thượng trọn đời mê đọc và viết nhiều thể loại, nhiều nhất là báo, về mảng văn hóa văn nghệ, giáo dục. Riêng với thơ, anh sáng tác vài trăm bài, nhưng từng bài được trăn trở, trau chuốt cẩn thận.

Anh có cái khùng thật thà kiểu thi sĩ, không biết vòng vo thớ lợ, chỉ thẳng băng một hứng khởi tự tin. Ví dụ như chuyện anh tự tin thi triển lại một thi đề mà đại thi sĩ Tản Đà đã trình làng từ năm 1932 trong bài Nói chuyện với bóng. Cũng đề tài ấy, Đoàn Vị Thượng viết khác hẳn: “Khi anh quay nhìn thì bóng quay đi/ Khi anh quay đi thì bóng quay nhìn/ Bóng là người yêu không có chuyện tình/ Khi mặt trời tắt ai cũng đêm đen/ Anh không thấy anh vẫn nghe hơi bóng/ Bóng là người thù không có oán ghen/ Bóng ở mặt trời bóng ở ngọn đèn/ Ở đâu có sáng thì bóng mới ra/ Bóng mới là người, anh chỉ là ma”.

Không chọn thơ lục bát như bậc thầy Tản Đà, bóng và hình của Đoàn Vị Thượng thật hơn, vì hình bóng bằng nhau trong những cặp câu đăng đối 8/8, chứ không so le trên 6 dưới 8. Bài thơ của Đoàn Vị Thượng vì vậy mà khác và dễ hợp với người đọc thơ thời nay.

Một bài thuộc loại “nổi khùng” khác của anh giáo làng này là Bolero (trang 25): “Bolero của chúng ta/ Đẫm bao máu lệ quê nhà long đong/ Có người nón sắt chết sông/ Có người mũ cối mất trong rừng già/ Bolero đệm đời ta/ Đệm tình yêu với quê nhà mênh mông/ Ô kìa, bạn hát vừa xong/ Mà bao nốt lặng trong lòng còn ngân/ Ta thèm mặc áo bình dân/ Bolero hát chia phần khổ vui”. Thuộc loại “khùng”, vì bài thơ này viết khi thể loại ca khúc bolero chưa mấy "chính danh" tại Việt Nam. Khùng vì thi sĩ chạy hơi nhanh trong cuộc marathon âm nhạc của những người “mặc áo bình dân”. Khùng ấy có một khuôn vần với chữ “dũng”.

Mới đây, khi trò chuyện với nhau về chữ “khùng” này, Đoàn Vị Thượng không nói mà đưa tôi coi lời bạt của tập thơ. Anh viết: “Hồi nhỏ, khoảng lớp 6 lớp 7, có những buổi tối mấy anh em trai nằm chen chúc bên cạnh ba tôi trên một chiếc giường, nghe ông kể những câu chuyện vui buồn về quê xưa người cũ. Thỉnh thoảng ông cất giọng nửa ngâm nửa đọc những bài ca dao, nhưng bài tôi ấn tượng mạnh khi nghe là Thằng Bờm.

Những điệp ngữ “phú ông xin đổi” và “Bờm rằng Bờm chẳng” dẫn dắt liên hồi khiến tôi vô cùng hồi hộp. Đọc xong bài ca dao, ba tôi “liên hệ thực tế”: Trong mấy đứa, ba thấy người giống thằng Bờm nhiều nhất là Đoàn - tức là tôi đó vậy. Thằng Đoàn là người giàu tình cảm, dễ tin, dễ bị phỉnh, nhưng dù ai có phỉnh gì con, cũng khó đoạt được điều gì, vì ba thấy tính con ít ham chuộng vật chất, không thích đấu tranh cho hơn người”.

Cần lao mà lãng tử

Chơi với nhau đã vài mươi năm, nếu ai hỏi, Đoàn Vị Thượng là người thế nào? Xin trả lời ngay: Cần lao, mà lãng tử. Anh lao động văn chương như một lực điền, đọc như cái máy gặt đập liên hợp, viết như cái máy bơm, bơm thứ mực được chưng cất từ đời sống.

Đoàn Vị Thượng từng trải tấm ni-lông xuống lề đường Lê Lợi, Sài Gòn, trước nhà sách Khai Trí, nay là nhà sách FAHASA vào những năm 1980, bày bán sách cũ kiếm tiền. Anh học nghề sư phạm ở một cơ sở mới lập, mở ngay tại trụ sở của Trường Lasan Taberd ngày xưa. Sau đó anh có 11 năm liền gõ đầu trẻ ở các trường tiểu học tại quận 11, trước khi chuyển sang viết báo, sống bằng nghiệp cầm bút.

Đọc như một máy gặp đập liên hợp giúp Đoàn Vị Thương có cái nhìn bao quát và bao dung. Ví dụ khi viết về Trịnh Công Sơn, anh đã lẩy được câu của Nguyễn Quang Sáng: “Lúc sinh thời, Sơn vắng mặt chỗ này chỗ kia, nhưng khi Sơn ra đi, Sơn có mặt khắp mọi nơi”. Đoàn Vị Thượng thường vẽ chân dung văn học dày bối cảnh nền, lại sắc nét chi tiết. Dù viết trên cả chục trang in, viết sau nhiều năm, anh vẫn trung thành với nguyên tắc sắc nét và dày dặn. Anh tra cứu để bắt được các khoảnh khắc sống động, riêng tư về nhân vật.

Nhưng với thơ thì khác, Đoàn Vị Thượng luôn chạy theo cảm xúc tức thời, luôn ghi chép lại, rồi từ từ chắt lọc, chỉnh sửa và xóa. Số lượng còn lại ít cũng vì thói quen xóa bỏ này. Nhiều bạn bè còn nhớ bài thơ mà Đoàn Vị Thượng ứng tác trên sông Tiền, sau đêm thơ Nguyên tiêu do Đại học Đồng Tháp tổ chức nhiều năm trước. Với vài người, ngay ứng tác đó đã hoàn chỉnh, vì nó đầy chất lãng tử, phiêu bồng, nhưng với Đoàn Vị Thượng thì không, anh đã sửa cho “tan nát”, như viết lại một bài khác.

Từ khi về làm việc tại báo Giáo dục và Thời đại, tác phẩm xuất hiện dày đặc đây đó, nhưng không in tập riêng nào nữa.

Bài thơ hay nhất của Đoàn Vị Thương theo Nguyễn Nhật Ánh là bài Cuộc lữ:

Và tôi nghĩ đến ngày mai

Hàng cây kéo miết đường dài sẽ qua

Bụi mù bám cháy bông hoa

Tiếng chim gợi nỗi nhớ nhà mênh mông

Vâng, rằng khi đã lọt lòng

Đứng lên và bước. Mắt không ngó về

Vâng, từ khi phải rời quê

Nón bay ngược gió. Vẫn lê đôi giày

Tôi còn hẹn với trời mây…

Tôi còn hẹn với sông đầy, biển xa…

Tôi còn hẹn với người ta

Gặp nhau lạ mặt vẫn là anh em

Khi vùi mình xuống đất đen

Mộ phần tôi sẽ đắp thêm đường dài…
 

TRẦN QUỐC TOÀN (nhà văn)
 

THƠ ĐVT PHỔ NHẠC:

Bài viết liên quan

Xem thêm
Theo chân VietNamNet về thăm lại chốn xưa: Bến Tre, Tiền Giang
Báo VietNamNet vừa tổ chức hành trình xuôi dòng Mekong bên lề cuộc thi “Chuyện của những dòng sông”.
Xem thêm
Những hình ảnh đẹp, ấn tượng và ý nghĩa về Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong bảng tổng kết sau đó, trong thời gian 36 ngày đêm trên đồi E1, khẩu pháo 75 ly của Phùng Văn Khầu đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi…
Xem thêm
Ngày thơ Việt Nam xuân Giáp Thìn tại TPHCM – Những điều đọng lại
Văn chương TPHCM trân trọng giới thiệu bản tổng kết của Ban tổ chức Ngày thơ cùng các clip hình ảnh tiêu biểu về lễ hội đầu xuân này.
Xem thêm
Đi tìm đồng bạc con cò trong câu hát xưa
Cách gọi đồng bạc hoa xòe cũng chính là dựa vào hình hoa văn dập nổi trên một mặt của đồng xu mà mặt kia là hình con cò.
Xem thêm
Phùng Khắc Khoan - Thái độ của kẻ sĩ trước thời cuộc
Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do học giả Ngô Đức Thọ chủ biên, mục 1503 trang 481 có ghi: “Phùng Khắc Khoan (1528-1613) người xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, nay là thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.
Xem thêm
Báo Quân giải phóng miền Nam - Một công trình khoa học trân quý
Ra đời trong bão táp và xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Miền Nam nói chung, các LLVT GP MNVN nói riêng, cách đây tròn 60 năm, báo Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam- cơ quan ngôn luận của Quân ủy và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam ra đời.
Xem thêm
Một số videoclip tư liệu về cuộc tọa đàm “Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi”
Sáng ngày 12-10, Hội Nhà văn TPHCM, Tạp chí Văn hiến Việt Nam và gia đình đã phối hợp tổ chức rất thành công cuộc tọa đàm “Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi”.
Xem thêm
Người đi tìm hương sắc văn chương
Nguyễn Thanh có tư chất nhà trí thức lớn của Nam Bộ ở phương diện tư duy phản biện, cụ thể: viết về danh nhân đúng, minh bạch và ông không viết một chiều, mà đưa ra một số góc nhìn cho độc giả, ta gọi là tư duy phản biện.
Xem thêm
Tìm đường đi cho những hạt phù sa
Nguồn: “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam” số 6 ra ngày 25/9/2023
Xem thêm
Trái tim thành nhịp cầu tri âm…
Bài viết nhân sự kiện Việt - Mỹ nâng quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện
Xem thêm
55 năm “Đi trong hương tràm”
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Tấm “Giấy thông hành” văn chương
Bài đăng báo Văn nghệ số 35+36/2023
Xem thêm
Bài thơ ĐI HỌC được viết khi tác giả mới 15 tuổi
Hôm qua em đến trườngMẹ dắt tay từng bước...
Xem thêm
Bạn văn ở quê
Đọc Mai Tiến Nghị ( MTN) những năm gần đây, tôi quý giọng văn mộc mạc, chân quê của người vùng chân sóng. Tại trại viết Phú Yên do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, tôi gặp Mai Tiến Nghị. Nhà văn quê hương vốn là lính thời chống Mỹ hẹn hò, dịp nào về quê gặp nhau.
Xem thêm
Thấy gì ở nghệ thuật… xấu?
Bài đăng Văn nghệ số 34/2023
Xem thêm
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! (Phần 2)
Hồi đó ai chẳng thế, Xuân Oanh thường nói vậy mỗi khi các con hỏi vì sao ông theo Cách mạng.
Xem thêm
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! (Phần 1)
Đây là bài viết mà sinh thời anh Châu đã âm thầm chuẩn bị với mong muốn một ngày nào sẽ kể lại cho họ hàng, bạn bè và mọi người biết thêm về một người vừa là nhân chứng lịch sử, vừa là một chiến sỹ ở tuyến đầu trong cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu của Dân tộc
Xem thêm