TIN TỨC
  • Truyện
  • Chấp chới | Tạ Thị Thanh Hải

Chấp chới | Tạ Thị Thanh Hải

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1006 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

TẠ THỊ THANH HẢI

Mấy đêm nay trời đổ mưa. Tiếng mưa ban đầu ràn rạt như vãi đá, sau thưa dần, thánh thót đều đều như tiếng gõ mõ của bà nội. Những hạt mưa li ti bám trên cửa sổ, trong suốt như giọt nước mắt, nhòe nhoẹt những cơn mơ.

*

Mai mới đúng ngày lễ thất thất lai tuần, nhưng vì hôm nay nhằm chủ nhật nên bố tôi quyết làm luôn. Tôi tần ngần đứng bên cửa sổ, hoa mắt với đám đồ tế lễ đủ sắc màu. Trong nhà lố nhố, xôn xao. Tiếng chuông mõ khô khốc, tiếng sụt sịt, tiếng thì thào, và rặt tiếng thở dài. Ngoài sân, bố đứng chỉ trỏ sai bảo người nhà, bắt tay chào khách vừa thân tình vừa trịnh trọng như đón tiếp họ đến dự một đại lễ. Lễ thôi nôi? Tiệc sinh nhật? Lễ mừng tốt nghiệp? Lễ cưới? À, biểu cảm ấy chắc hợp với lễ cưới nhất.

Bà nội tôi ngồi xếp bằng giữa chiếu. Cái chiếu có một vết cháy của điếu thuốc lá mà tôi từng dụi vội xuống. Lần ấy chắc bà có ngửi thấy mùi khói thuốc nhưng bà không nói gì, chỉ chống gối ngồi xuống bên tôi, cặp mắt đục mờ ngân ngấn. Mãi sau bà mới cất giọng rất khẽ, thầm thì như gió thoảng mà ngàn ngạt nước: “Phượng ơi, đừng làm bà đau lòng thế...”. Tôi đổ gục vào lòng bà khóc không thành tiếng. Vì say hay vì tuyệt vọng? Chân tôi duỗi sõng soài, đạp vào bộ cờ tướng, đạp cả cái gậy của bà lăn xuống sân. Lộc cộc. Khô khốc. Bà vuốt mái tóc ngắn củn xơ xác của tôi, thở dài thườn thượt. Đó là lần cuối cùng tôi được nằm trong vòng tay gầy guộc của bà.

Bên cạnh bà, mẹ tôi ngồi bất động, gương mặt xanh xao, đôi mắt trũng sâu, cặp lông mi dài cụp xuống u ám. Ai cũng khen mắt mẹ tôi đẹp. Nhưng tôi từng rất sợ nhìn vào đôi mắt ấy, nhất là những đêm mẹ ngồi bó gối đợi bố về. Đêm say khướt. Ánh mắt mẹ nhìn vừa u uẩn thê lương lại vừa ngạo nghễ thách thức. Tôi đọc trong cuốn “Nhân tướng học” có đoạn viết: đàn bà mắt đẹp, miệng tươi, răng đều hạt bắp là tướng “vượng phu ích tử”. Sự nghiệp của bố thăng tiến đều đều với những hợp đồng triệu đô, những mối quan hệ bằng hữu keo sơn. Bố là con một. Bố muốn có nhiều anh em, nhiều con nữa, nhất là con trai để “truyền dạy cho nó những điều chỉ đàn ông mới nói được với nhau”. Mà mẹ thì sinh cho bố một bề con gái. Mẹ bệnh tim, bác sĩ khuyên chỉ được sinh mổ hai lần. Bao nhiêu hi vọng của bố đặt trọn vào lần mẹ mang thai tôi. Bao nhiêu ngày mẹ lóc cóc theo bà nội đến khắp các đền phủ linh thiêng. Bao nhiêu đêm bà lần tràng hạt trong gian phòng nhỏ ăm ắp khói hương…

Bên dưới ban thờ Phật, hai người chị gái song sinh của tôi đang cắm cúi tỉa tót cái lẵng hoa cúc trắng. Hai chị đều giống mẹ với mắt đẹp miệng tươi. Bàn tay của hai chị thon nhỏ mịn màng chứ không xương xẩu gồ ghề như tay tôi. Chị Mai vẽ đẹp còn chị Quỳnh đàn giỏi. Hai chị lại nấu ăn ngon nữa. Tốt nghiệp Đại học từ Úc trở về, cả hai đều đã có chỗ đứng vững vàng trong công ty của bố, có gia đình nếp tẻ đề huề với những người chồng do bố tôi đích thân chọn lựa từ hàng chục mối giao hảo. Chồng chị Mai kém chị 2 tuổi còn chồng chị Quỳnh lại hơn vợ đến một giáp.

Tôi lại gần cái bàn học của mình, thấy mong manh lọt thỏm trước kệ sách đồ sộ. Tờ giấy ghi những nguyện vọng đăng kí đại học còn kẹp giữa cuốn Giải tích. Cái giá sách võng xuống ở giữa vì thanh gỗ ngang thì mỏng mà mẹ lại chất lên đó khá nhiều sách. Bà tôi từng bảo: “Nếu giá sách bị võng xuống, người học luôn cảm thấy áp lực nặng nề và khó tập trung”. Trên bàn học, thứ hấp dẫn tôi nhất là bộ cờ tướng làm bằng gỗ hương, quà tặng của Huyền năm tôi sinh nhật 14 tuổi. Bộ cờ thiếu mất một quân xe. Trong cuộc tỉ thí với đám thằng Trung béo, vì nhầm một nước đi mà tôi thua cay cú nên đã ném quân cờ xuống hồ. Vì trận thua ấy mà tôi và Huyền bị chúng nó hành hạ đến xơ xác bầm giập. Quân xe ấy tôi thay bằng cái nắp chai nhựa có gắn thêm đồng xu phía trong, nặng bằng các quân cờ khác nhưng rỗng nên mỗi lần đặt nó xuống bàn nghe tiếng gắt đanh như một lời nhắc nhở cay đắng. Mỗi lần thấy tôi trầm ngâm bên bàn cờ, bà nội lại thở dài: “Con gái con đứa gì mà mê mấy thứ sâu hiểm vậy cho khổ hả con…”.

Giữa năm lớp 11, tôi được bố mẹ chuyển trường về quê để chăm sóc bà nội. Nhưng tôi hiểu đó chỉ là cái cớ. Bố muốn tách tôi khỏi nhóm bạn thân mà bố gọi đó là “đám lêu lổng” chỉ vì một lần bố vô tình trông thấy chúng tôi bước ra từ quán trà sữa vào cái thời điểm lẽ ra là tiết cuối học thêm buổi chiều. Mẹ thì muốn tách tôi ra khỏi Huyền, cô bạn hiền lành học giỏi có gia cảnh “phức tạp”: bố đi tù vì tội làm thất thoát công quỹ, đang phải sống cùng dượng và mẹ. Mẹ Huyền là bác sĩ trực đêm gần như kín tuần, một mình Huyền vừa học vừa chăm hai thằng em biếng ăn và nghịch như quỷ sứ. Trong cuộc họp phụ huynh, cô chủ nhiệm nói bóng gió với mẹ tôi về sự thân thiết khác thường giữa tôi và Huyền. Người lớn có nhiều kinh nghiệm sống nên hay suy đoán và kết luận những điều mà chúng tôi thấy rất bình thường. Mọi người chỉ thấy vẻ ngoài khác biệt: Huyền thì dịu dàng với tóc dài da trắng còn tôi thì ngạo mạn với tóc tém ngông nghênh; chỉ thấy tôi luôn công khai bênh vực Huyền, đỉnh điểm là cái vụ tôi dám cả gan tống một cú đấm dữ dội vào mặt thằng Trung béo, cháu ruột cô chủ nhiệm, khi nó tỏ ý miệt thị gia cảnh của Huyền. Mọi người không biết điều tôi nặng lòng hơn cả là ánh mắt nơm nớp lo sợ của Huyền khi kể về những cử chỉ lỗ mãng của bố dượng, là cái chiều hai đứa trốn học đi thăm bố Huyền ở Trại giam H.T, lúc trở về bị gã lái taxi sàm sỡ. Tôi lặng lẽ tuân theo quyết định đường đột của ấy của bố mẹ vì biết có phản kháng lại cũng vô ích. Tôi nhét mấy bộ quần áo vào ba lô, nhấn máy gọi Grab rồi điềm nhiên bước ra khỏi nhà, đi qua đoạn cổng rợp hoa sử quân tử vẫn nghe tiếng bố riết róng: “Không biết cô ăn nhầm thứ gì mà sinh ra cái loại con gái ngang ngược thế”. Hôm sau, mẹ thuê xe tải chở đồ về, tự tay sắp xếp tủ quần áo và giá sách cho tôi, vừa làm vừa sụt sùi khóc.

Nhà bà nội cách nhà tôi hơn chục cây số, ở phía bên lở của sông Hồng, 4 mùa gió lồng lộng, nước ì oạp xoáy vào bờ. Chiều giữa tuần, đám bạn thân hay chở nhau bằng xe đạp điện về chơi với tôi. Thi thoảng Huyền mới đi cùng. Chúng tôi thường rủ nhau ra bờ sông, trải tấm nilon ngồi trên doi đất chênh vênh, nhẩn nha cắn hướng dương hay nhấm nháp những trái khế còn xanh lét vừa trẩy ở vườn bà, dốc bầu tâm sự về những sự áp đặt vô lý của bố mẹ, cười rũ rượi với nhau về chuyện đứa này trầy trật mới làm xong một bài toán tổ hợp nhưng bố bảo phải thi Kinh tế; đứa kia cứ nhìn thấy máu là run mà mẹ hướng thi Y; đứa nọ “được” giao chỉ tiêu IELST phải đạt 7.0 trong khi chưa thể phân biệt rõ ràng các thì tiếng Anh. Người ta cứ bảo tuổi trẻ hay mơ ước viển vông hão huyền. Chúng tôi thì lại thấy những ông bố bà mẹ của mình mới có nhiều ước vọng xa vời thực tế. À không, có lẽ sợi dây nối kết giữa thực tế và mơ ước của bố mẹ ấy là tiền. Hình như họ nghĩ rằng cứ rót tiền vào các trung tâm gia sư là có thể đưa kiến thức vào đầu con dễ như rót nước vào chai…

Một hồi chuông mõ hối hả rộn lên khiến tôi giật mình luống cuống làm rơi quân cờ “thế mạng”. Nó lăn lông lốc đến chân bố, đúng lúc bố cúi xuống định nhặt cái nắp chai nước vừa đánh rơi. Bố nhón lấy quân cờ của tôi, xoay mãi không khớp vào cái chai Lavie trên tay dù chúng đều có màu xanh. Tôi muốn nhếch mép cười chua chát. Sự đời nhiều khi có những điều bề ngoài tưởng chừng ăn khớp nhưng bên trong lại trầy trật khấp khểnh. Ngay cả mối lương duyên của hai chị gái tôi mà bố vẫn coi là sự lựa chọn hoàn hảo cũng vậy. Chị Mai hơn chồng 2 tuổi nên có tâm lý sợ mình già hơn chồng mà gài hẳn một “thám tử” giám sát anh. Cậu trai tỉnh lẻ có bằng tốt nghiệp loại giỏi và nước da trắng bóc ấy được cất nhắc lên làm trợ lý cho anh rể. Cậu ấy tháp tùng anh trong những chuyến đi công tác xa, chăm chút cho anh từ việc lựa ca-vát hợp màu áo trước mỗi cuộc họp đến việc ân cần dìu anh về phòng khách sạn sau khi tiệc tùng nếu anh say mềm hoặc có khi giả vờ say. Những gì diễn ra sau cánh cửa căn phòng kín bưng ấy chẳng bao giờ chị tôi tưởng tượng ra được. Chỉ có tôi, trong những cơn mơ đắng nghét nghĩ mình có khả năng đi mây về gió và nhìn xuyên thấu mọi điều mới đau lòng giùm chị. Còn chồng chị Quỳnh thì chăm chút vợ như người cha chăm đứa con gái nhỏ, tự tay lựa cho chị từ bộ đầm đến chiếc điện thoại đời mới có cài định vị hay chiếc ô tô sang trọng được trang bị camera hành trình siêu nét; và anh cũng tự cho mình cái quyền kiểm soát mật khẩu các thiết bị liên lạc của chị. Hai chị tôi vẫn mơn mởn xinh đẹp đâu chỉ vì mắt rợp miệng tươi mà có lẽ bởi biết nhẫn nhịn theo lời khuyên của bà nội: “Là phụ nữ, có những điều biết mười mươi mà vẫn phải làm ngơ, thế mới hạnh phúc được con ạ”. 

Hai chị tôi giúp các dược sư mang đám vàng mã ra sân. Mẹ đi sau cùng, ôm theo một tấm hình nhân mỏng dính da trắng tóc dài môi son đỏ chót. Tôi giật mình vì tấm hình nhân trông nhang nhác giống Huyền hơn là giống tôi. Ngọn lửa lan nhanh đám vàng mã, thi thoảng có những tay lửa bứt lên cuốn theo một góc đồng đô la cháy dở, chị Quỳnh lật đật chạy theo nhón nó trở lại. Tự nhiên tôi nhớ trò đuổi bắt của mấy chị em thuở nhỏ. Cuộc đời cũng giống như một trò đuổi bắt. Người ta cứ mải miết chạy theo những điều mà mình chưa chạm tới, dù có thể biết rằng nó thật phù phiếm. Gió xoay chiều, lửa liếm nhanh vào tấm hình nhân, đám tàn tro vẩn thốc lên khiến mẹ tôi ho sặc sụa, khuôn mặt càng xám xịt thiểu não. Tôi thẫn người nương theo những ngọn gió. Trời trong vắt không một gợn mây, sao lại có nước mưa đẫm trên khuôn mặt mẹ thế kia?!

Cái buổi chiều u ám cách đây 7 tuần.

Hôm ấy ngày rằm, bà tôi lên chùa như thường lệ, lũ bạn thân lại về chơi với tôi. Mấy tuần rồi chúng tôi mới gặp nhau. Nhìn Huyền hôm nay khang khác, khuôn mặt bần thần, cặp mắt có vẻ thảng thốt cứ lảng tránh ánh nhìn của tôi. Cả bọn vừa uống trà sữa vừa xôn xao chuyện làm hồ sơ thi Đại học. Có đứa được bố mẹ tư vấn viết đến hơn chục nguyện vọng. Có đứa hào hứng với nguyện vọng là một trường đại học phía Nam, bảo rằng nhất định sẽ “Nam tiến” để thanh xuân được vùng vẫy ở nơi đầy nắng gió ấy, thoát khỏi tầm kiểm soát của bố mẹ. Chúng tôi vẫn nói về tương lai nhẹ hều như vậy. Tuổi trẻ mà. Ai cũng nghĩ mình còn dư dả thời gian để thay đổi nếu muốn. Mấy đứa lại gần giá sách của tôi, cười ngặt nghẽo khi đọc cái tờ A4 tôi ghi nguệch ngoạc những nguyện vọng sẽ đăng kí. Bọn nó chúc tôi thi được điểm cao để đủ điều kiện đi du học, được đi xa thế mới thích. Tôi đã cố bặm môi để không bật lên tràng cười chua chát.

Mới đây thôi, tôi biết mình sẽ vẫn được “đi du học” dù kết quả thi có ra sao, sang tận Mỹ chứ không đi Úc như hai chị. Ông Tony Nguyễn, một Việt kiều kém bố tôi 8 tuổi, sẽ bảo lãnh cho tôi sang theo diện “kết hôn”. Ông ấy là ân nhân của bố tôi, một quyết định hợp tác của ông ấy sẽ cứu công ty của gia đình tôi thoát khỏi nguy cơ phá sản. Cả buổi chiều ấy, tôi ngồi mân mê những quân cờ, mẹ tỉ tê thuyết phục còn bố vẫn dùng các câu mệnh lệnh như một thói quen nhưng ánh mắt thì khẩn thiết van lơn. Bố bảo tôi là cứu tinh của cả gia đình, lại nói số tôi may mắn gặp thời. Ông Tony vừa ly hôn người vợ thứ hai. Ở quốc gia văn minh ấy, tương lai của tôi rồi sẽ xán lạn sung sướng hơn cả hai chị. Việc tôi nghe lời bố mẹ lần này không chỉ để giữ gìn sự tròn trịa của một hình mẫu gia đình hạnh phúc thành đạt lý tưởng nữa mà là sự sống còn của tất cả. Bố mẹ ra về, tôi trân trân nhìn vào tấm hình ông Việt kiều mà bố vừa gửi, bỗng thấy mình giống như một vật thể nhỏ bay lơ lửng trong môi trường chân không. Tôi lôi cút rượu trên bàn thờ xuống uống một hơi, lập cập châm điếu thuốc lá ở cái bao hút dở bố vừa bỏ quên. Ran rát nóng. Sặc sụa ho. Rưng rức khóc. Lát sau nghe thấy tiếng bà chống gậy lộc cộc đi vào, tôi dụi vội điếu thuốc xuống chiếu. Chuếnh choáng. Bất lực. Bàn cờ chỏng chơ. Những quân cờ rơi vương vãi. Tôi cũng chỉ là một quân cờ thế mạng hay sao?

Tôi chưa dám nói cho ai biết, kể cả Huyền, về cái “thương vụ kết hôn” ấy. Nhìn vẻ hồn nhiên vô tư của lũ bạn, tự nhiên tôi thấy mình hèn hạ. Cả bọn lại rủ nhau ra bờ sông chơi. Bên kia bãi bồi, những đám mây xám ngắt đang sà thấp xuống. Những cánh chuồn chuồn tơi tả lượn lờ ngay trên đầu chúng tôi. Có đứa ước trời mưa thật nhanh để được tắm mưa. Chúng tôi ngột ngạt quá rồi. Ngột ngạt bởi lịch học thêm kín mít, ngột ngạt bởi sự kiềm tỏa cứng nhắc trong những hộp vuông bê tông xám ngắt. Mấy đứa kéo nhau chạy đuổi tung cả cát, những tiếng cười trong vắt lanh lảnh tan loãng giữa không gian mênh mông ngút ngàn. Tôi cầm tay Huyền toan đứng dậy thì Huyền níu lại bảo tôi ngồi xuống để giữ cho tấm nilon khỏi bay. Tôi bật cười. Có đáng gì đâu một tấm nilon mỏng manh ấy. Ồ không, chính nó đã từng giúp chúng tôi có cảm giác yên tâm sạch sẽ khi ngồi lên khoảnh đất chênh vênh này để nói những điều “trọng đại” về tương lai của mình. Tôi ngồi xuống, mắt nhìn xa xăm, tay vạch xuống cát những dấu ngang dọc vô thức, bất ngờ Huyền ôm chầm lấy tôi run rẩy. Tôi giật mình: “Có chuyện gì? Lão ta làm gì cậu rồi đúng không? Nói đi!”. Huyền ngẩng mặt lên, ánh mắt dại đờ thảng thốt. Cái gật đầu của Huyền làm tôi nghẹn thở. Tôi gằn giọng: “Khốn kiếp!”. Huyền bất ngờ vùng chạy. Tôi hốt hoảng đuổi theo. Tấm nilon cuốn theo phơ phất. Những thớ đất pha cát lở lún dưới chân. Mưa xiên lộp độp như vãi đá trên đầu. Phía xa xa, tụi bạn tôi hò hét ầm ĩ khoái chí nô nghịch dưới màn mưa mỗi lúc một dày. Huyền bỗng trượt chân, loạng choạng lao xuống triền sông. Mùa mưa, nước sông lên nhanh, đục ngầu cuốn xiết. Cái vóc dáng mảnh mai của Huyền như cánh chuồn xiêu vẹo trong cơn mưa gió. Những bước chân của tôi chập chững chấp chới trước dòng nước đang xoáy nhanh vào triền đất lở dốc. Tôi hét lên trước khi cả hai chúng tôi ngập ngụa trong dòng phù sa chát đắng. Vật lộn giữa dòng nước xoáy. Vật lộn giữa sự sắp đặt nghiệt ngã của người lớn và bản năng muốn vùng vẫy tự do. Sự đồng cảm vô tư của những đứa bạn “lêu lổng” níu kéo tôi. Cái ranh giới mờ nhạt mong manh của thứ tình cảm khó định hình trong ánh mắt rười rượi của Huyền níu kéo tôi. Còn thương vụ kết hôn “nhất cử lưỡng tiện” của tôi và bi kịch đau đớn mới xảy ra với Huyền thì lại muốn nhấn chìm tôi xuống. Những mắt đẹp miệng tươi, đường hoàng thành đạt, nếp tẻ đề huề cứ nhòa dần. Chới với. Xót xa. Rã rời... Những cánh tay của đám bạn rối rít vẫy gọi, gào khan thống thiết. Tôi cố sức đẩy Huyền về phía ấy rồi buông mình theo dòng nước chảy xiết…

*

Chiếc máy trợ tim kêu tích tắc đều đều. Tôi lơ mơ nghe thấy những câu hỏi run rẩy của mẹ và giọng nói trầm ấm của vị bác sĩ già:

Đúng là một kì tích. Tổn thương não, hôn mê sâu hơn tháng trời, tưởng chừng phải sống thực vật vĩnh viễn. Nhưng có dấu hiệu chuyển biến tích cực như vậy là hi vọng phục hồi tốt đấy.

Tiễn bác sĩ ra cửa, mẹ quay vào đứng lặng nhìn tôi, ánh mắt mẹ dịu dàng kéo tôi ra khỏi dòng ảo giác miên man nửa mơ nửa thực về quân cờ “thế mạng” và cái lễ thất thất lai tuần. Người đàn bà mắt đẹp miệng tươi ấy bấy lâu âm thầm chấp nhận coi mình là mạch nước ngầm nuôi dưỡng khát vọng vươn cao của cây tùng cây bách. Chỉ cái nhành cây chưa kịp trổ lá đơm hoa lại vô tình làm vẩn đau mạch nước trong mát ấy.

Ngoài cửa hình như có tiếng nhí nhéo thì thầm, có cả vóc dáng mảnh mai quen thuộc. Tôi cố hết sức hé mắt nhìn ra phía ấy. Cố hết sức quờ tìm và nắm chặt bàn tay mẹ... Những cơn mơ ngổn ngang, những ám ảnh đau đớn về nước cờ toan tính mờ nhạt dần. Chỉ còn lại những tiếng cười nói trong vắt và dòng nước mắt ấm hôi hổi, ấm như một vòng ôm.

Vạt nắng ban mai le lói bên cửa sổ. Những hạt mưa còn đọng trên tấm kính trong suốt lấp lóa sáng. Ngày mai, tôi 18 tuổi.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm