TIN TỨC

Muôn nỗi gần xa - dư âm & rung cảm

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-08-08 22:44:25
mail facebook google pos stwis
1301 lượt xem

NGUYỄN VŨ TIỀM

Đây là tập thơ thứ hai của nhà thơ Trần Kim Dung. Tôi vẫn lưu giữ ấn tượng khó quên về tập thơ thứ nhất, đó là có 2 bài thơ được giải nhất trong hai cuộc thi thơ do Trung tâm Văn Hóa thuộc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Các cuộc thi được tổ chức vào khoảng những năm 2015 - 2018, nội dung theo các chủ đề khác nhau. Chúng tôi tham gia ban Giám khảo, đọc bài mà không biết của ai, đến khi Ban Tổ chức “khớp phách” mới biết người giải nhất kỳ này lại vẫn là “thủ khoa” của cuộc thi trước. Đành tôn trọng tính khách quan. Vậy là nhà thơ Trần Kim Dung nghiễm nhiên là Thủ khoa của hai cuộc thi thơ.

Ở tập thơ trước, “Bầu trời dưới đáy sông” (Tên của bài thơ được giải nhất) có nhiều bài về thời cuộc, xã hội, thì ở tập thơ này “Muôn nỗi gần xa” có nhiều bài về truyền thống, lịch sử, danh lam thắng cảnh, xã hội và gia đình, quê hương, nhà trường và bè bạn…

Về cội nguồn lịch sử tác giả đề cập đến nhiều đề tài rất phong phú. Một số bài có ấn tượng tốt. Trong bài “Yên Tử”, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông trao ngôi báu cho con khi người còn rất trẻ để lên Yên Tử tu hành, bài thơ có đoạn:

        Đây Chùa Đồng, nơi giao thoa trời đất
        Khói hương hoa ngút ngát quyện mây trời
        Mái cong vén sương, vén mây, bay lên đỉnh núi
        Chuông khánh ngân dài nghiêng ngả khắp trùng khơi.

Không cần nói độ cao của Chùa Đồng mà chỉ viết: “Mái cong vén sương vén mây bay lên đỉnh núi” đủ biết mái chùa đã vượt qua nhiều tầng sương và mây ở lưng chừng núi để ngự ở trên đỉnh núi này, ta đã thấy chùa cao đến khó tưởng tượng. Ở độ cao này, mái chùa là nơi “giao thoa trời đất”. Những câu thơ thật hàm súc, sinh động và rất đẹp.               

Nói về cố đô Hoa Lư:           
        Bông cỏ lau như cờ hội rộn ràng

        náo nức đón dòng người

        thăm Cố Đô lịch sử

        Như những đội lính Vương Hầu, Cấm Quân

        trung thành nghìn năm canh giữ
        Nơi ba triều vua ngự trị sáng non sông

                                             (Hoa Lư)

Bông cỏ lau xưa kia từng làm cờ tập trận của Đinh Bộ Lĩnh thì nay là cờ hội vẫy chào đoàn người đến thăm cố đô Hoa Lư. Sự liên tưởng này cũng rất thơ.

Bài “Tháp Tường Long”, tác giả mở đầu khá bất ngờ:

        Tôi đếnTường Long khi tháp vừa tỉnh dậy

        Bóc tờ lịch Vạn Niên, mười thế kỷ qua rồi!

        Nghe tháp kể :

        - Vua Lý vừa qua đây ngự giá

        Bóng rồng vàng còn lấp lánh ngoài khơi...

Có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, vừa thực lại vừa ảo, từ đó bài thơ được triển khai khá sinh động, hấp dẫn.

Về thăm Thành Nhà Hồ, một công trình nổi tiếng được xây dựng bằng những khối đá lớn cách đây hơn sáu thế kỷ tại Vĩnh Lộc- Thanh Hóa, tác giả lại có những liên tưởng và suy nghĩ sâu sắc về những biến cố lớn trong lịch sử nước nhà vào đầu thế kỷ XV :
            Thành xây để giữ giang san
            Những mong cơ nghiệp huy hoàng vạn xuân
            Ngờ đâu xuân mới bẩy lần
            Thành Hồ thất thủ đứng dầm gió mưa !
            Vọng về câu của người xưa:
           “Không sợ đánh giặc, sợ dân hùa không theo”…

                                                  ( Trước Thành Nhà Hồ)

Về đề tài lịch sử, tập thơ còn có những bài thơ khác như: “Bãi cọc Cao Quỳ” (Thủy Nguyên - Hải Phòng);  “Phương Nam giỗ Tổ”, “Thăm Hoàng thành Thăng Long”, “Vân Đồn”,  “Khiêm Lăng”, “Qua cầu Bạch Đằng”… gần đây hơn có “Tấm bản đồ đảo nhỏ”, “Bến tàu Không Số” …Mỗi bài thơ là một sự liên tưởng phong phú, một bức tranh sinh động với những cảm xúc và suy nghĩ sâu xa bằng những câu thơ hay, những hình ảnh thật đẹp.

       

Nhà thơ rất chịu khó đi và chị có nhiều thơ kỷ niệm viết về danh lam thắng cảnh của đất nước với cái nhìn và những cảm xúc mới mẻ trước con người và cảnh vật :

        Cô gái Dao gùi sương xuống chợ

        Mộc nhĩ, nấm hương, hạt dẻ, măng rừng

        Cô gái Nùng gánh cả nương ngô nếp

        Trám chín, “ thịt bò gác bếp”,  mật ong...

                                      (Lên Bản Giốc)

Cô gái Dao thường ở lưng chừng núi cao đầy mây và gió phải “gùi sương xuống chợ”, cô gái Nùng nơi thung xanh thì có  thể “gánh cả nương ngô nếp”, trám rừng.

Và : 

         Cô gái H’Mông gùi mây bước nhanh

         Gùi cả những con đường mấp mô dốc đá

         Nặng trĩu sơn tra, rau đắng, măng rừng…

                                        (Tháng Chín vùng cao)

Những hình ảnh vừa thực, vừa ảo làm cho câu thơ lung linh và đa nghĩa, có tầm khái quát cao. Chất nghệ thuật khá đậm nét.

Đến bờ biển Phú Yên nhà thơ lại có liên tưởng thú vị:

           Tiệc triệu năm đã qua rồi

           Chỉ còn lưu niệm cho trời biển xanh

           Ai đem đĩa xếp nên ghềnh

           Chơi vơi mây gió, dập dềnh sóng xô?

                                              (Gành Đá Đĩa)

Thì ra sau những bữa tiệc linh đình của trời đất, những chồng đĩa được xếp lên thành gành đá. Hiện thực và lãng mạn lồng vào nhau tạo nên những câu thơ rất sinh động và ấn tượng. Nhân đây lại nhớ bài “Bầu trời dưới đáy sông” in ở tập thơ trước của Trần Kim Dung. Bài thơ viết về con đường hầm dìm sâu dưới đáy sông Sài Gòn, nối quận Nhất với Thủ Thiêm - quận Hai của Thành phố Hồ Chí Minh. Đi trong đường hầm mà tác giả tưởng tượng như đi trong bầu trời dưới đáy sông. Dàn đèn trên đỉnh đường hầm giống như dải Ngân Hà mà bên trên kia nữa lại là dòng sông Sài Gòn có cá tôm bơi lượn, tàu thuyền qua lại nhộn nhịp đêm ngày :

              Tôi đi trong dải Ngân Hà

               Lung linh sáng, lại ngân nga cung đàn

               Trên kia sông nước ngập tràn

              Cá tôm bơi lượn, tàu ngàn tấn qua

Và:
                Tôi đi dưới vạn sao mai

                 Ngỡ huyền thoại, ngỡ trăng cài đáy sông… 

Sức tưởng tượng của nhà thơ là vô hạn, đó là đặc điểm quan trọng nhất trong sáng tạo nghệ thuật. Bài thơ đã đoạt giải Nhất với số phiếu tuyệt đối.   

Đến Chùa Trấn Quốc Hà Nội, ngôi chùa được báo chí nước ngoài xếp hạng là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, chị viết:

        Ngày lại ngày
        những dòng người qua nơi đây

        cửa từ bi thì thầm chia sẻ

        Tôi mang về trong hành trang nhỏ bé

        bài thơ thiền “Nghìn mắt – nghìn tay”.

                              (Đọc thơ ở chùa Trấn Quốc)

Đến chùa Trấn Quốc, bất chợt bên lối vào, được đọc trên tấm pano lớn bài thơ “Nghìn mắt – nghìn tay” khiến nhà thơ xúc động viết được bài thơ hay với nhiều câu thơ đẹp và nội dung ý nghĩa rất sâu sắc.

Về danh lam thắng cảnh và xã hội nhà thơ còn có những bài khác:  “Chiếc lá trên sông”, “Đền Angkor”, “Chuồn chuồn”, “Giấc mơ Tiên”, “Về miền biên ải”... cũng giới thiệu được nhiều danh thắng trong và ngoài nước với những cảm xúc, suy nghĩ sâu xa về cuộc sống xã hội, về những thân phận bằng những câu thơ hay và hình ảnh đẹp.

Qua những bài thơ về đề tài lịch sử và thắng cảnh, tôi thấy nhà thơ Trần Kim Dung dẫu chỉ là khách du lịch, dừng chân không lâu nhưng chị không viết theo lối “cưỡi ngựa xem hoa” mà viết rất kỹ càng, nhiều chi tiết có chiều sâu, chứng tỏ khi đến mỗi nơi, chị đều có cách nhìn và suy nghĩ sâu sắc, tham khảo thêm nhiều tài liệu để viết nên những bài thơ rất phong phú về tư liệu, có tầm khái quát và sáng tạo trong nghệ thuật. Đây là ưu điểm lớn khiến cho tập thơ hấp dẫn, cung cấp cho người đọc những nội dung bổ ích, bài thơ nào đọc lên cũng đều có dư âm và rung cảm sâu xa.

Viết về gia đình, người thân, Trần Kim Dung có những bài chân thực và xúc động về cha mẹ, anh chị em, con cháu…

        Nhớ xưa cha mẹ gánh gồng
        Cho con “chạy loạn” ra vùng “ hậu phương”
        Làng Nôm súng nổ mờ sương
        Sông Đáy rực lửa, khói vương Thành Hồ
        Con đường thiên lý xa mờ
        Dấu chân cha mẹ bây giờ còn nguyên...

                                             (Mẹ tôi)

Cha mẹ đã khuất cả rồi, tác giả vẫn cảm thấy “Dấu chân cha mẹ bây giờ còn nguyên” là sự tưởng tượng tưởng như phi lý mà rất hợp lý. Đó là tình cảm của người con nhớ đến công lao vất vả của bậc sinh thành, những kỷ niệm khắc sâu trong lòng con cái không thể phai mờ.

Trong bài “Gửi chị tôi”, nhớ thương anh trai đã khuất, tác giả khéo đưa vào yếu tố thời sự, đó là dịch Covid 19 với biến chủng Delta rất nguy hiểm, bao trùm khắp thế giới:

        Giỗ anh Cả sau ba mùa sen nở
        Em cũng không có mặt một ngày
        Chắc anh không giận, vì biết Delta hung dữ
        Phá điêu tàn cả thế giới Đông Tây

Về việc anh cả ra đi, rất đau buồn, nhưngTrần Kim Dung có cái nhìn minh triết trên cơ sở quy luật cuộc sống:

        Dời cõi tạm, thoát khổ đau bon chen

        Anh thanh thản về miền xanh thẳm

        Gặp lại em trai, cha mẹ, ông bà
                                      (Tiễn Anh Cả)

Đó là quy luật “sinh – lão – bệnh – tử” mà ai cũng phải trải qua. Câu thơ đau xót mà vẫn điềm tĩnh nhẹ nhàng tỉnh táo.

Viết về gia đình và những người thân, Trần Kim Dung còn có những bài tặng riêng cho các con và các cháu rất cảm động :
          Con đã vượt qua những mùa đông
          và tháng ngày rau mắm
          Một hạt cơm cõng chín hạt mạch, mỳ
          Phiếu đường sữa không đủ ăn nửa tháng
          Con cố lớn dần để biết lẫy biết đi…

                                          (Nhớ mùa giáng sinh)

Cảm thông với các cháu đi học vất vả, xa nhà lại gặp thiên tai, dịch bệnh:
            Hai năm con chưa được về
            Hai lần cầm vé, tưởng về, lại không

                                        (Gửi cháu Tú Anh)

 Và:      Đã gặp bão tuyết bờ Đông
             Đã nghe lửa dữ thiêu rừng Úc xanh

                                          (Chúc mừng cháu trai)

Hoặc:
             Theo hai ông mặt trời

             Đêm nào cũng nghe giảng

             Nhiều đêm chưa xong bài

             Đã nghe gà gáy sáng
                                        (Hai ông mặt trời)
Bài nào cũng có những hình ảnh, chi tiết rất thực nhưng rất sinh động, tránh được chung chung khiến cho người trong cuộc chắc sẽ cảm động, còn người ngoài cuộc đọc lên cũng thấy thú vị. Viết về cái riêng mà diễn tả được như thế không phải dễ chút nào. Tập thơ còn mở rộng ra nhiều đề tài khác như tình cảm đối với mái trường, thầy cô, bè bạn… đó là những đề tài gần gũi, thiết thực.

Điều này cũng hợp với lẽ đời, khi người ta đã qua nhiều trải nghiệm, đến tuổi “xưa nay hiếm” thường là hướng về nguồn cội, những nơi, những người thân thương gần gũi nhất. Lẽ đời, lẽ vô thường là điều tâm đắc nhất. Trần Kim Dung chắc cũng vậy. Lại nhớ câu thơ của Lão Tử trong “Đạo đức kinh”: “Người ta thấm thoắt trên đời được bao”. Lúc này mọi chuyện thế cuộc đua chen kể cả nguyên tử, hạt nhân, tên lửa đạn đạo, siêu thanh ở đâu đó cũng trở nên phù phiếm, nhiều khi vô nghĩa. Chỉ có tình yêu thương mới bảo vệ và cứu rỗi cuộc sống được mà thôi.

Ngoài những ưu điểm trên, so với tập thơ trước, tập thơ này tác giả đã thể hiện được sự lao động nghệ thuật nghiêm cẩn hơn. Chân thực nhưng không có nghĩa là “ quá thật thà ”,  mà trong nhiều bài đã có sự kết hợp thực và ảo, lãng mạn và hiện thực lồng với nhau rất sáng tạo. Nhiều kết hợp từ mới mẻ tạo nên vừa giầu chất thơ vừa chân thực, vừa ảo diệu:
Viết về miền biên giới phía Bắc:                        
             Nơi tôi đến

             núi chồng núi

             giữa lưng chừng mây gió

             Rừng bay lên

             theo Thác Bạc , Cổng Trời

             Lúa chồng lúa

             thành bậc thang huyền diệu
             Đào mận rộn ràng tựa chốn Bồng Lai

                                                   (Về miền biên ải )
Viết về những hàng cây phượng vỹ bên hai bờ sông Lấp vào mùa hoa nở rất sống động :

             Làn môi đỏ thắm bên sông
             Tóc xanh em thả nghiêng dòng nước mây…

Và cảnh thiên nhiên nơi biển đảo Cát Bà cũng rất hấp dẫn:
              Thuyền ai thả lưới vây quanh
              Mà Hòn Rùa vẫn ngâm mình ngủ say?
              Ai về Đảo Khỉ chiều nay
              Mà xem đàn voọc đu mây ngắm trời…

                                                       (Cát Bà)
 

Nhiều câu thơ khác trong các bài: “Yên Tử”, “Hoa Lư”, “Chuồn chuồn”, “Lên Bản Giốc”, “Rừng Cúc Phương”… và nhiều bài khác nữa đều đã thể hiện điều đó.

Đọc xong tập thơ “Muôn nỗi gần xa”, gấp sách lại, những dư âm và rung cảm về tính chân thực gần gũi như vẫn còn đâu đây, ngân vang mãi mãi.
 

N.V.T
TP HCM - Tháng 01- 2022

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm