TIN TỨC

Chế Lan Viên và những vần thơ viết về sự ra đi của Bác

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
701 lượt xem

TRẦN THỊ HỒNG HOA
 

Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới nói riêng và nền thơ ca hiện đại nước nhà nói chung. Cũng như nhiều nhà thơ cùng thời, Chế Lan Viên có một tình yêu lớn với đề tài Bác Hồ. Nói đến đề tài này, với cá nhân Chế Lan Viên là phải nhắc đến Người đi tìm hình của nước, bài thơ hay và phổ biến nhất, được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông nhiều năm. Tuy nhiên bên cạnh Người đi tìm hình của nước, Chế Lan Viên còn viết nhiều bài thơ khác về Bác.

Nhà thơ Chế Lan Viên

Là một nhà thơ ưa triết lí, Chế Lan Viên luôn có cái nhìn riêng, độc đáo trong việc khai thác đề tài Bác. Và tính triết lí suy tưởng riêng mang màu sắc Chế Lan Viên ấy, theo quan điểm cá nhân của người viết, bộc lộ sâu sắc nhất trong chùm bài thơ viết về sự ra đi của Bác. Điều này thiết nghĩ cũng là một sự hợp lí. Từ xưa đến nay, sự sống - cái chết luôn là một câu hỏi đau đáu của nhân loại, thu hút sự quan tâm, trí tuệ của biết bao triết gia. Với một tạng thơ như Chế Lan Viên, cái chết nói chung và sự ra đi về với “thế giới người hiền” của Bác nói riêng là “lãnh địa” thích hợp cho nhà thơ vừa bộc lộ tình cảm yêu thương kính trọng đối với vị Cha già dân tộc, vừa phát huy hết những phẩm chất thơ của mình.

Sinh - lão - bệnh - tử vốn là quy luật vĩnh hằng của tạo hóa, không ai có thể vượt qua được. Mặc dù hiểu rõ quy luật ấy và bản thân tự nhủ Thời gian chảy chẳng gì ngăn nổi nó/ Tôi không dám tranh chấp thời gian từng năm tháng nữa rồi (Giờ phút chót), nhưng Chế Lan Viên vẫn không khỏi đau lòng khi nghĩ đến việc Bác sắp đi xa mãi mãi: Ôi ta sợ mỗi hàng cây xê xích bóng mặt trời/ Mỗi tia nắng đi như cướp theo sự sống của Người (Giờ phút chót). Và nhà thơ thầm mong ước Nắng hỡi nắng hãy ngừng im tại chỗ (Giờ phút chót) để níu kéo thêm những giây phút Bác ở lại với đời: Một đêm này thôi, một sáng sau thôi/ Một phút một giây Người ở lại với đời/ Một tích tắc còn nghe hơi Bác thở/ Một chớp mắt vẫn có Người đâu đó/ Và ta yên tâm đi trên trái đất này/ Có Bác bên mình, có Bác đâu đây (Giờ phút chót).

Khi Bác mất, cả đất nước khóc thương Người - “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” (Tố Hữu). Những dòng nước mắt ấy, qua cái nhìn của Chế Lan Viên, đã nói lên được rất nhiều điều. Tiếng khóc là biểu tượng cho sự đoàn kết của người Việt Nam. Trong giây phút đau thương ấy, toàn dân tộc Việt Nam chung một nỗi niềm, chung một quyết tâm, chung một ý chí: Tiếng khóc đúc Việt Nam thành một khối (Tiếng khóc đúc Việt Nam thành một khối). Tiếng khóc tượng trưng cho sức mạnh của người Việt. Trong đau thương, người Việt Nam bộc lộ sức mạnh của cả một dân tộc: Đấy là Việt Nam, đấy là sức mạnh (Tiếng khóc đúc Việt Nam thành một khối). Trong nhận thức của Chế Lan Viên, tiếng khóc trong ngày 2 tháng 9 năm 1969 ấy không chỉ là lời tiễn biệt khi Bác đi xa mà còn là hành trình cả dân tộc Việt Nam trải qua một cuộc “thanh lọc tâm hồn”, tìm về với bản ngã nguyên sơ, đích thực để trở nên cao đẹp hơn, vĩ đại hơn: Tiếng khóc lọc hồn ta như lửa chói ngời/ Mình nhận ra ta, ta nhận ra người/ Cả dân tộc tìm mình trong tiếng khóc (Tiếng khóc đúc Việt Nam thành một khối).

Sau khi mất, di hài Bác được gìn giữ, bảo quản trong lăng để đời đời nhân dân Việt Nam được trông thấy Bác. Hình ảnh Bác nằm trong lăng là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ, trong đó có thể kể một số bài thơ nổi tiếng, quen thuộc với đại đa số công chúng, đã được phổ nhạc như Viếng lăng Bác của Viễn Phương, Trăng lên của Phạm Ngọc Cảnh… Về đề tài này, Chế Lan Viên cũng có những sáng tác đáng chú ý. Vào lăng viếng Bác, nhà thơ đã có những suy tư sâu sắc về Bác. Chế Lan Viên rất tinh tế khi nhận ra điều đặc biệt trong dáng Bác nằm: Thiên thu im lìm/ Thiên thu tĩnh lặng/ Bác nằm bên trong, ta đi ở bên ngoài/ Đôi tay Bác nghỉ yên trên bụng/ Xếp đấy mà đâu phải buông xuôi (Trong lăng và ở bên ngoài). Từ dáng bàn tay ấy, nhà thơ đã khẳng định sự bất tử của Bác trong lòng dân tộc: Bác mất rồi cái chết uổng công/…/ Bác vĩnh cửu muôn đời không thể mất/ Người trong lăng và Người ở ngoài lăng. Sự bất tử của Bác được Chế Lan Viên lí giải một cách thấu đáo trên bình diện triết học. Suy ngẫm trên cả hai quan niệm duy vật và duy tâm, nhà thơ đều thấy được sự vĩ đại, bất tử của Bác. Chế Lan Viên nhận thấy ở Bác Có cái bất tử của người duy tâm/ Hào quang lóa mắt. Trong tâm thức của người Việt, Bác không chỉ là người khai sinh và kiến tạo nên đất nước - Người hóa dựng xây Người hóa vun trồng, mà còn là biểu tượng cho tinh thần, ý chí khát vọng của dân tộc - Người hóa tinh thần Người hóa non sông. Chế Lan Viên khẳng định Bác Lại có cái bất tử của người duy vật/ Nhập hạt lúa số thành mình vào mặt đất. Theo Chế Lan Viên, sở dĩ nhìn từ góc độ duy tâm hay duy vật, chúng ta đều thấy sự vĩ đại, bất tử của Bác là vì Bác luôn sống cho nhân dân, sống vì nhân dân, trưởng thành và tranh đấu cho nhân dân, biết phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân: Lớn lên trong mùa vĩ đại của nhân dân.

Trong một lần vào lăng viếng Bác, nhà thơ Chế Lan Viên không ngừng suy tưởng, tự hỏi lòng mình Bác là ai mà vĩ đại đến thế. Nhà thơ đã ngược dòng lịch sử, hồi cố về quãng đời trước của Bác những mong tìm ra câu trả lời thấu đáo. Ở mỗi chặng đường đời, Bác lại hiện lên trong những “thân phận”, hoàn cảnh khác nhau. Trong những ngày ra đi tìm đường cứu nước, Bác là người lao động, là “người thủy thủ vượt xong trùng dương sóng bạc ngất trời”. Đến trời Âu, có thời gian Bác đóng vai người lưu lại kí ức của nhân loại - “người thợ ảnh của loài người cùng khổ/ không nỡ chụp con người trong những dáng cô đơn”. Là “người chiến sĩ từng xông pha từ bão tuyết châu Âu đến tù ngục phương Đông”, Bác đồng thời là nhà triết học, thấu hiểu đến tận cùng bản chất nguyên sơ của sự vật - “nhà hiền triết hiểu chỗ đến chỗ đi sự vật”. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của Bác đã chỉ ra Bác vừa là “nhà thơ từng để lại cho đời/ những tứ tuyệt có trăng vàng soi tỏ” vừa là “vị tướng Hồ Chí Minh/ lòng yêu đời là một thanh kiếm sắc/ không thể nhân danh tình thương vứt vũ khí vào bể Đông nước mắt/ Trận tuyến miền Nam là trận tuyến của Người”. Từ những tìm tòi, suy tư ấy, Chế Lan Viên đã “khái quát” về cuộc đời Bác. Theo nhà thơ, Bác là người nối tiếp giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai của dân tộc, giữa người với người, giữa Việt Nam với thế giới: Bác nằm kia như một sự kết tinh/ Trăm cuộc sống/ Cuộc sống nào cũng đẹp/ Bác nằm đấy như cái gì nối tiếp/ Giữa núi sông với núi sông, con người lại con người (Ta nhận vào ta phẩm chất của Người).

Trong Luận ngữ, Tăng Tử đã viết: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” - một ngày ta tự nhắc nhở mình ba điều - bàn về việc tự rèn luyện, tự răn mình để ngày một trưởng thành, sống tốt hơn của con người. Cả ngàn năm sau, Chế Lan Viên cũng đã tiếp thu tinh thần ấy của Tăng Tử theo một cách khác. Thay vì ngày ngày xem mình “vị nhân mưu nhi bất trung hồ, dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ, truyền bất tập hồ” - làm cho ai có hết lòng không, giao thiệp với bạn bè có thành tín không, có ôn tập những điều được thầy truyền dạy không - như bậc tiền nhân, Chế Lan Viên lại soi mình, đối chiếu hành động, việc làm của mình trước cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác để “hoàn thiện” bản thân: Ta rách xé trong riêng tây mà Người cao cả anh hùng/ Người trong veo mà ta chưa giản dị được trong lòng. Quá trình ấy đã giúp nhà thơ trở thành một con người khác, một Chế Lan Viên - nhà thơ - chiến sĩ như chúng ta đã biết đến: Qua xứ tinh thần nơi gạn lọc/ Qua khí hậu thanh cao, ngọn lửa tuyệt vời/ Nhận vào ta phẩm chất của Người/ Ngỡ như cả tâm hồn ta đổi khác (Ta nhận vào ta phẩm chất của Người).

Ngày nay, đọc lại những vần thơ Chế Lan Viên viết về sự ra đi của Bác, chúng ta vẫn thấy xúc động, bồi hồi. Tình cảm yêu mến, kính trọng vô biên của nhà thơ Chế Lan Viên nói riêng và nhiều thế hệ văn nghệ sĩ nói chung dành cho Bác mãi là một di sản tinh thần vô giá của đời sống văn học nghệ thuật nước nhà.

T.T.H.H

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tài ứng đối của Mạc Đĩnh Chi khiến triều Nguyên nể phục
Mạc Đĩnh Chi là vị trạng nguyên nổi tiếng thông minh uyên bác. Sinh thời, ông để lại nhiều giai thoại hay, thể hiện tài ứng đối hơn người.
Xem thêm
Trương Tuyết Mai - Nàng thơ mắt ghe bầu & Ra mắt sách Hòa âm đêm
Videoclip hình ảnh tổng hợp về buổi Gặp gỡ, giao lưu với nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo – Không chỉ là Cõi Nhớ
Phóng sự hình ảnh Lễ khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và chương trình nghệ thuật thơ nhạc “Nguyễn Trọng Tạo – Cõi nhớ”.
Xem thêm
Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài và một số bản dịch chưa được biết đến ở Việt Nam
Cho đến nay có thể nói Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh là hai trong số những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Thế nhưng, cho đến nay số ngôn ngữ đã dịch và số bản dịch được xuất bản của hai tác phẩm này vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ và thống nhất.
Xem thêm
Chuyển hoá thế trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng/BQP
Xem thêm
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh đại đoàn kết
Bài trả lời phỏng vấn của Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng
Xem thêm
Câu đối trong đền thờ liệt sĩ Điện Biên Phủ
Nhớ lại hơn hai chục năm trước, từ miền nam, lần đầu tiên tôi được đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên. Vùng đất bảo tàng với chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đánh dấu sự chấm hết của thực dân Pháp trên đất nước ta; giải phóng một nửa đất nước đã thắm biết bao xương máu của đồng chí, đồng bào; trong đó có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174.
Xem thêm
Theo chân VietNamNet về thăm lại chốn xưa: Bến Tre, Tiền Giang
Báo VietNamNet vừa tổ chức hành trình xuôi dòng Mekong bên lề cuộc thi “Chuyện của những dòng sông”.
Xem thêm
Những hình ảnh đẹp, ấn tượng và ý nghĩa về Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong bảng tổng kết sau đó, trong thời gian 36 ngày đêm trên đồi E1, khẩu pháo 75 ly của Phùng Văn Khầu đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi…
Xem thêm
Ngày thơ Việt Nam xuân Giáp Thìn tại TPHCM – Những điều đọng lại
Văn chương TPHCM trân trọng giới thiệu bản tổng kết của Ban tổ chức Ngày thơ cùng các clip hình ảnh tiêu biểu về lễ hội đầu xuân này.
Xem thêm
Đi tìm đồng bạc con cò trong câu hát xưa
Cách gọi đồng bạc hoa xòe cũng chính là dựa vào hình hoa văn dập nổi trên một mặt của đồng xu mà mặt kia là hình con cò.
Xem thêm
Phùng Khắc Khoan - Thái độ của kẻ sĩ trước thời cuộc
Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do học giả Ngô Đức Thọ chủ biên, mục 1503 trang 481 có ghi: “Phùng Khắc Khoan (1528-1613) người xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, nay là thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.
Xem thêm
Báo Quân giải phóng miền Nam - Một công trình khoa học trân quý
Ra đời trong bão táp và xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Miền Nam nói chung, các LLVT GP MNVN nói riêng, cách đây tròn 60 năm, báo Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam- cơ quan ngôn luận của Quân ủy và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam ra đời.
Xem thêm