TIN TỨC
  • Truyện
  • Chiếc hộp của má | Truyện ngắn dự thi của Lưu Trần

Chiếc hộp của má | Truyện ngắn dự thi của Lưu Trần

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
734 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Má ơi!

Đó là tiếng gọi thân thương của đứa con dành cho mẹ, gọi có mục đích hoặc gọi chỉ để mà gọi; là tiếng của nũng nịu, của mè nheo hoặc yêu sách; hay là tiếng kêu của thảng thốt hoặc kinh ngạc; nhưng cũng có thể là tiếng rên rỉ khi nỗi đau ập đến hay nỗi sợ dâng cao; và biết đâu lại là tiếng nức nở mỗi đêm của ai đó hoặc cô đơn, hoặc buồn tủi, hoặc đang mắc kẹt trong hang động của chính mình. Ờ mà không biết chừng, đó còn là tiếng thốt ra bất chợt, “má nó”.

Không biết bạn cảm nhận thế nào khi gọi “Má ơi”, nhưng với tôi, tiếng gọi này luôn như một chiếc hộp bí ẩn. Một chiếc hộp mở ra - đóng lại - mở ra, cứ mỗi lần lại một khác biệt. Rất lâu rồi, từ cái ngày ba giận dữ hét “Đừng gọi má mày nữa, má mày bỏ tụi mày mà đi rồi” - thì chính từ lúc đó, tiếng “Má ơi” của tôi không còn là chính nó nữa mà trở thành tiếng ùng ục trong cổ họng mỗi đêm gió lạnh, ầm ì trong những ngày mưa to giông lớn và ư ử trong suốt chặng đường dài, thật dài để tôi - một cô bé chưa tròn 7 tuổi trở thành một người khác - người lớn.

Một đứa trẻ theo thời gian rồi cũng trở thành người lớn. Và một đứa trẻ trở thành người lớn khi có mẹ hoặc không có mẹ bên cạnh đã có sự khác nhau, thì việc một đứa trẻ lớn lên không có mẹ vì mẹ nó bỏ đi lại trở thành một vấn đề khác hẳn. Trường hợp của tôi là vậy. Ai cũng nói thế. Ngay cả nhỏ bạn duy nhất của tôi cũng nói rằng “mày đang có vấn đề, hãy thay đổi nó đi”. Khỉ thật! Tất nhiên đây là câu nói xúc phạm ghê gớm. Thay đổi ư? Bản thân nó đã là vấn đề.

*

Mùa xuân năm 1981, khi tôi vừa đầy tháng, cha bỏ qua lời can ngăn của ông nội nhất quyết đưa má và ba chị em chúng tôi lên đây, vùng đất núi nắng bụi mưa lầy. Bấy giờ, đây là vùng đất hứa. Gia đình nội tôi đông con, đất ruộng hợp tác xã chia không đủ công làm, cuộc sống vốn đã vất vả càng trở nên chật vật hơn. Việc gia đình có người thoát ly lên các vùng kinh tế mới luôn được địa phương khuyến khích, cha và má tôi thuộc thành phần trí thức không quen cày bừa nên việc đi lên miền đất mới coi như là cơ hội. Cha thuyết phục nội vậy. Rồi cả nhà tôi khăn gói lên đây.

Nông trường S.T thuộc huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Khánh (bây giờ là tỉnh Phú Yên) - là vùng đất núi rừng mới được khai hoang sau giải phóng 1975. Đây là cộng đồng của những người con tứ xứ, họ đều là những người rời xa quê hương gốc gác về đây với “tiếng gọi của Tổ quốc”, nhưng sâu thẳm là mong tìm được một sự thay đổi, hy vọng ở tương lai. Cha má tôi cũng không ngoại lệ. Cha tôi được phân vào dạy học khối cấp 2 thuộc trường cấp 1 và 2 của nông trường, má tuy có lời hứa từ lãnh đạo nông trường sẽ “tìm cho một công việc phù hợp” nhưng trong thời gian chờ đợi, tạm thời cứ biên chế vào đội sản xuất. Ngày nắng làm đất, ngày mưa trỉa bắp trồng khoai.

Giữa năm đó, nông trường xuống giống đại trà cây cà phê vối, má trở thành công nhân trồng cà phê. Cha làm thầy giáo mỗi sáng cắp cặp đi dạy, tối về chong đèn chấm bài soạn giáo án. Má sáng dậy thiệt sớm luộc chín nồi sắn mì, cho bầy heo ăn, thả bầy gà khỏi chuồng, kêu chị Thương anh Hoài dậy sửa soạn đi học, má đưa tôi gửi nhà trẻ rồi vác cuốc ra lô tạo bồn, làm cỏ cho cây cà phê; tối mịt má về lại quay mòng mòng với lũ con, heo và gà, rồi may vá giặt giũ tới khuya. Ngày nắng má xoay mù trong gió bụi, ngày mưa má dầm dề trong bùn sình, nhìn má lúc nào cũng đỏ quạch màu của đất.

Ông ngoại là ông giáo làng ngày trước, má lại là con gái duy nhất trong nhà nên được ngoại cho đi học như mấy cậu. Cha cũng là một trong những học trò của ngoại. Biết cha má thương nhau, ông ngoại hài lòng lắm, chỉ có ông nội thì tỏ ra ngại ngần “đàn bà con gái chữ nghĩa nhiều không biết làm ăn lại dễ sinh tật”. Nhưng rồi cha má cũng nên duyên chồng vợ. Cha là con trai trưởng trong gia đình với 7 đứa em. Má về làm dâu, ngày nông vụ, má cùng ông bà nội và các em ra đồng, ngày nông nhàn má theo bà nội ngày ngày gánh gánh bánh tráng nặng trịu đón xe ngựa xuống chợ bán. Ngày qua ngày, cha học hành theo đuổi công danh sự nghiệp, má học làm nông học buôn bán mưu sinh. Rồi lần lượt chị Thương, anh Hoài, rồi tôi - bé Nhớ ra đời.

Ở vùng đất này thời tiết lạ dữ lắm. Trời tháng 3 đang chang chang nắng bỗng giông đâu kéo tới rầm rĩ, gió xoáy ngược xuôi rồi mưa như trút hờn trút giận. Những chiều mưa không đi ra lô, má ngồi trầm ngâm bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời. Có lần tôi hỏi: “Má ơi, có phải má thích mưa?”. Má ôm tôi vào lòng “Không, má chỉ nhớ”. Tôi hít hà mùi thơm ngọt nồng của má. “Vậy chớ má nhớ gì?”. Má lặng thinh, mắt đỏ hoe. Má nói xứ này mưa làm người ta thấy chạnh lòng quá, mà không bởi vì mưa, là vì đất. Chỉ cần cơn mưa xuống là cuốn trôi sạch banh, vậy mà khi mưa tạnh đất lại bám dính lấy người. Má nói đất sao giống con người ta quá, cứ lưu luyến hoài, cứ day dứt mãi nên dễ ôm phiền ôm lụy. Má không thích những ngày mưa, nhưng tôi biết má thích những đêm trăng sáng. Tôi vẫn nhớ những đêm trăng ngày còn má, cả nhà tôi ra sân ngồi trên tấm chiếu má trải ngay ngắn cùng nghe cha đàn má ngâm thơ hoặc má lại kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe, những câu chuyện của má thường có nàng công chúa và chàng hoàng tử. Những đêm trăng má cũng hay làm thơ, má có một chiếc hộp gỗ nhỏ đựng toàn thơ má viết. Tôi còn nhớ câu thơ của má: “Trăng sáng trên đỉnh núi. Tròn xinh mắt em cười” - Má từng nói, đời má đã vậy rồi chỉ mong đời các con đổi khác. Và những đêm trăng êm đềm nghiễm nhiên trở thành thông lệ của gia đình tôi.

Rồi những thứ tưởng là thông lệ hóa ra trở nên không hợp thời. Ngày ấy người ta dùng ánh trăng để tiết kiệm chút tiền đèn dầu chứ không ai lấy nó ra để ngâm thơ, kể chuyện. Rồi nhà tôi cũng giống như bao gia đình khác, những buổi cả nhà cùng nhau trong sân trăng sáng cười nói ngâm thơ bỗng trở thành xa xỉ, ra sân ngồi dưới trăng cũng chỉ để cây đèn dầu trong nhà được nghỉ ngơi. Và những buổi ấy thường không còn có cha bên cạnh. Dạo gần đây cha đi suốt, thời gian cha có mặt ở nhà thì không khí trong nhà cũng lạnh tanh. Tôi không hiểu tại sao má không còn nói cười như trước nữa. Có lẽ như ông Hai Ngô đội trưởng từng nói trong cuộc họp giao ban rằng, ăn cơm độn mà nói chuyện thơ chuyện ca thì có khác nào tự tát vào cái miệng của mình; hoặc có lẽ vì mấy lời xì xào rằng, cha với cô giáo dạy toán ở trường hình như “có cái gì đó”. Có vì lẽ gì thì với nhận thức của tôi ngày đó làm sao hiểu cho nổi. Tôi chỉ biết rằng thèm, rằng nhớ những đêm trăng ngày trước như thèm như nhớ ổ bánh mì thịt cha mua trong lần đi công tác ở thị xã trở về - một ổ bánh mì thịt cắt ra làm ba cho ba chị em. Mỗi lần nhớ, lại thấy nôn nao.

Má rời bỏ chúng tôi vào đêm trăng thiệt tròn. Đêm đó, trăng đủng đỉnh nhú lên trên núi Mái Nhà từ phía xa xa. Đêm yên bình như bao đêm có má, chỉ có tiếng con ễnh ương ngoài vườn nghe đến thê lương. Tôi bật dậy bởi tiếng còi xe hù hụ xé tan cảnh đêm trăng tĩnh lặng. Má về. Tôi cùng chị và anh mình chạy nhanh ra đầu ngõ, nhảy qua luống khoai lang trước nhà, băng qua hàng cà phê nở hoa thoảng hương mùi má, lao nhanh về hướng chiếc xe đang trờ tới. “Má ơi”. Chiếc xe chở má về, chớp đèn liên hồi rồi dừng lại bên gốc cây sung lớn đầu ngõ. Trăng lắc lẻo trên ngọn cây sung. Dưới ánh trăng lạnh lẽo, má nằm trên băng ca, chiếc khăn phủ lên người má trắng chạch, thõng thượt. “Má ơi”. Cú ngã sấp mặt không làm tôi bật khóc như mọi lần. Chỉ cần có má tôi sẽ không đau.

Cả đêm, người ta để má dưới gốc sung đầu ngõ mà không đưa má vào nhà. Nếu có ai đó thắc mắc thì bà Tư Mái tổ trưởng Công đoàn chỉ ậm ừ, chết kiểu đó làm sao đưa vào nhà cho được. Tôi hỏi chị Thương, chết kiểu đó là kiểu gì nhưng chị không nói không rằng chỉ ôm tôi mà khóc. Anh Hoài mắt đỏ hoe chạy ra vườn nhổ hết đám cải má trồng, mấy cành hoa vàng nằm chỏng chơ dưới nắng. Sau này cũng có người nói vầy: má mày là dân trí thức chịu cực không nổi, quen nghĩ xa xôi; nhưng cũng có kẻ độc miệng hơn thì nói: mấy người thi sĩ văn chương gì đó thích bày trò lãng mạn, không quen thực tế, đến chết cũng khác người. Ở đất này, người ta có thể chết do đói, chết do bệnh, chết do lao động quá sức hoặc có thể chết do say rượu, do chồng đánh…  hoặc có nhiều người “muốn chết” nhưng không dám chết, như vụ cô Ngâu xóm dưới bị chồng đánh nhừ tử hết trận này đến trận khác, ngày nào cũng than trời trách đất “muốn chết” lắm nhưng vẫn cứ phải sống, vẫn cứ phải bị chồng đánh mỗi ngày. Người ở đất nông trường kết luận vầy: sống là phải thực tế - nghĩa là số mình nó sao thì mình sống là vậy.

Ngày má ra đi hoa cà phê nở trắng cả nông trường. Nắng chiều tháng 3 vàng chọe chảy dài trên những đôi má chèm nhẹp nước. Cha ngồi trước với chú Chinh lái xe máy cày. Chị Thương 16, Anh Hoài 14, tôi - bé Nhớ chưa kịp lên 7, ngồi bên quan tài của má trên chiếc rơ-moóc chuyên chở phân bón cho cà phê - xe đi qua ngã tư nông trường, rẽ về hướng tây, nơi nghĩa địa nông trường được quy hoạch nằm sâu dưới chân núi. Nắng vàng đã nhạt từ lâu.

Rồi chuyện má ra đi cũng không còn là câu chuyện đầu làng cuối xóm của người nông trường nữa, ai cũng đầu tắt mặt tối còn thời gian đâu mà nhớ đến chuyện của “người ta”. Chuyện đã trở thành quá khứ. Rồi cha cũng cưới một người vợ mới. Vợ mới của cha là cô giáo Cầm dạy toán của trường. Ngày cha đón cô giáo Cầm về nhà, anh Hoài kéo sập giàn bầu trước sân, bỏ nhà đi mất hai ngày mới về. Sau ngày đó, ông nội lên đưa anh về dưới đồng. Chị Thương cưới vội thầy giáo bên trường vừa học vừa làm mà chị đang theo học, rồi dắt díu  nhau rời khỏi nông trường. Ở với nội hơn năm, anh Hoài cũng bỏ nhà đi, biệt xứ.

*

Đó là chuyện của những ngày 20 năm trước, khi tôi - bé Nhớ còn chưa tới 7 tuổi. Hai mươi năm đủ cho một đứa trẻ trở thành người lớn. Nhưng với một người lớn từng là đứa trẻ bị bỏ rơi liệu có thật sự trưởng thành? Hay dù không nhìn nhận thì dấu ấn ngày xưa vẫn còn đó, len lỏi trong mỗi ngóc ngách của tâm can; đọng lại như cái mọng nước nằm dưới da, quên thì thôi, nhớ đến lại ngứa cồn cào, rồi gãi cho trầy da rỉ máu.

Tôi ghét sự thay đổi nhưng mãi vẫn không ổn định; ghét thơ ca, sợ ánh trăng nhưng lại học ngành ngữ văn như là định mệnh. Công việc thay đổi xoành xoạch bởi thấy cái gì cũng đáng ngờ. Yêu ai cũng sợ người ta thay lòng nhưng chính mình lại nói lời chia tay trước. Cứ vậy đó. Thời gian trôi qua, rồi tôi 27 tuổi. Vài mối tình trôi qua không chút gì đọng lại, có lẽ bởi sợ yêu ai đó quá nhiều rồi nhiễu sự, đa đoan.

Tôi quen anh - Hiện Tại khi còn học chung trường đại học, là lớp đàn anh khoa Báo chí. Anh hơn tôi hai tuổi mà như lớn hơn quá chục, nể nhưng không chơi. Con người anh cũng như cái tên, thấy cứ sao sao, kỳ cục. Gần 5 năm sau, chúng tôi gặp lại trong một buổi ghi hình chương trình từ thiện, rồi cứ tự nhiên vậy mà song hành. Khi bên anh rồi lại thấy anh chững chạc và có vẻ đáng tin - bởi có lẽ anh chưa bao giờ phán xét tôi hay bất kỳ hành động nào của tôi. Chỉ duy nhất một lần trong lúc nói chuyện với nhau, tôi nói với anh: “Em cho rằng thay đổi nghĩa là từ bỏ, rời bỏ cái gì đó”. Ánh mắt anh nhìn khiến tôi bối rối: “Từ bỏ đồng nghĩa với trốn chạy”. Tôi gay gắt: “Vậy theo anh thay đổi nghĩa là gì?”. Anh nhìn thật lâu vào tôi: “Muốn thay đổi trước tiên hãy đối diện, dám đối diện mới thật sự thay đổi”. Và vậy là tôi không còn liên lạc với anh nữa.

Chập chờn sau một đêm thức trắng để cắt cắt dán dán đoạn phim hiện trường, tôi giật mình bởi tiếng chuông réo rắt của chiếc điện thoại. Hy vọng là anh. Đầu bên kia, dì Cẩm thông báo ngắn gọn “Cha ốm nặng”. Mắt tôi giần giật, cảm giác như bị ai đó nhìn qua lớp màng bảo vệ mỏng tang, đâm xuyên thấu. Sau ngày má ra đi rồi anh và chị cũng không còn tin tức, tôi cũng chỉ mong đến mình. Ngày đậu đại học chính là cơ hội. Để rời bỏ vùng đất này hay thoát khỏi ám ảnh của chính mình?

Tôi rời đi vào mùa nông trường đang kỳ thu hoạch cà phê. Những cành trĩu quả, sắc đỏ pha lẫn xanh, mùi ngọt thanh dễ chịu. Cà phê được mùa, giá tốt. Sức sống mới về với nông trường, ai nấy vui mừng khấm khởi. Những ngày ăn củ sắn, cơm độn bắp độn khoai đã xa. Vùng đất đỏ quạch hoang sơ ngày nào giờ xanh bạt ngàn. Nông trường đã đổi khác. Và tôi cũng sẽ khác.

Ngày tôi đi, cha lặng lẽ tiễn tôi đến ngã tư nông trường. Khi chiếc xe đò dừng lại đón khách, cha vội nhét vào túi xách của tôi chiếc phong bì. Rồi những năm sau đó, cha vẫn đều đặn gửi cho tôi một số tiền gọi là phí sinh hoạt. Số tiền cha gửi cộng thêm tiền tôi làm các công việc khác nhau, từ dạy thêm, phụ quán đến dọn đất làm vườn  - tiện tặn, rồi 4 năm đại học cũng trôi qua. Tiết trời Đà Lạt giúp tôi tiết kiệm quần áo rất nhiều. Tôi vượt qua những năm dài đi học, một mình. Và không một lá thư nào gửi về cho cha. Ở nơi xứ lạ, lạnh và ẩm ướt, nỗi cô đơn xâm chiếm lấy tôi thường trực. Không bạn bè, không người thân, thèm yêu thương nhưng lại sợ gần gũi. Và cứ thế, thời gian tiếp tục trôi. Lận đận bao phen và giờ đây tôi thành khách trọ trên đất Sài Gòn.

*

Ngủ gà gật trên chuyến xe xuyên đêm từ Sài Gòn về tới Tuy Hòa, tôi bắt tiếp chuyến xe đò đi Sông Hinh - tuyến xe đi trên con đường số 5 ngày trước (bây giờ là tỉnh lộ 645). 8 giờ sáng, xe tới ngã tư nông trường. Khái niệm chung của những người dân ở đây, đến ngã tư nông trường nghĩa là đến nhà. Tôi đã về nơi tôi đã rời đi.

Chiếc ba lô nhẹ đeo trên lưng, tôi đi bộ trên con đường đất ngày nào giờ đã rải sỏi. Suốt con đường tôi chỉ gặp vài người chạy xe máy ù qua rồi mất hút. Đồng cà phê bạt ngàn ngày nào không còn. Mấy năm qua cà phê rớt giá cộng sâu bệnh hoành hành, nông trường cho chặt bỏ hết những cây xanh năm nào là nguồn sống của những công nhân nơi đây. Hun hút sâu hết tầm mắt là những bãi đất trống, hoang vu và bạc thết. Vài khoảnh đất nhỏ nhà ai bắp đã lên cao ngang đầu gối. Vắng lặng và lạnh lẽo.

Tôi không quẹo đường vào nhà mà đi thẳng về hướng hồ. Con đập khô nức nẻ. Ngày trước, để phục vụ cho tưới tiêu, mỗi đội sản xuất đều được khoét những hồ chứa nước mênh mông với con đập được xây cao cùng những đường ống dẫn nước thật lớn. Ngày còn nhỏ, khi còn má, chị em chúng tôi cùng lũ bạn thường kéo nhau ra đây chơi. Chúng tôi leo lên triền dốc trên cao, đứng lên những tảng đá phẳng nhìn xuống đập và hét lớn. Tiếng chúng tôi hòa với tiếng thác nước vang vọng lại từ bên kia núi.

Chị em tôi đến đây một lần sau ngày không còn má, đó là trước ngày chị Thương lấy chồng. Đứng trên bờ kè bê tông, phía dưới con đập nước trắng xóa, sùng sục, chị Thương ôm tôi và anh Hoài thật chặt. Chị nói đây là nơi má tụi mình ra đi. Tôi hỏi: “Có phải chị cũng bỏ tụi em mà đi luôn không?”. Chị không nói gì, ánh mắt chị nhìn đâu đó vào nơi xa tít tắp, ánh nhìn như má ngày nào.

Rồi cha cũng ra đi, lẳng lặng rời đi như cách của cha. Tôi đến bên giường, cha mở mắt nhìn tôi, ánh mắt lặng lẽ như ngày nào. Cha không có lời sau cùng, chỉ đưa tôi chiếc hộp gỗ - chiếc hộp của má. Đưa cha đến nghĩa trang, tôi đi bộ về nhà. Hiện Tại đang đứng bên đường ở ngã tư nông trường. Nhìn thấy anh, tự dưng nước mắt tôi trào ra, nóng hổi.  Anh ôm chặt tôi vào lòng, lần đầu tiên tôi nhận thấy tiếng thình thịch của trái tim mình.

Trong chiếc hộp của má, ngoài tập thơ má viết, thì tất cả là những tờ giấy lĩnh tiền mặt có ghi chú tên người gửi và những lá thư ngắn - tất cả đều của chị Thương và anh Hoài “Gửi cho bé Nhớ”. Dưới đáy hộp, một tờ giấy đã cũ được gấp đôi. Là nét chữ của má.

“Gửi các con của má. Lựa chọn cái chết là điều dễ dàng. Má xin lỗi đã không can đảm đối diện cuộc sống. Mong các con hãy làm điều đó thay má. Mãi yêu các con!”.

Má ơi! Tôi thầm gọi má, tiếng vang trong lồng ngực.

*

Chúng tôi nắm tay nhau đi trong nắng sớm. “Nông trường này đang cần một luồng gió mới” - Hiện Tại nói. Tôi ngước lên nhìn anh, những tia nắng lung linh. Cơn gió nồm mát dịu.

L.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm