TIN TỨC

Chữ của Dạ Ngân | Lê Hoài Lương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1524 lượt xem

LÊ HOÀI LƯƠNG

“Bao giờ ti vi cũng cho thấy một hình ảnh biển người. Không gì khác hơn. Muốn xem nhiều hơn cũng không có, muốn nhìn sâu hơn cũng không thể. Và chính vì vậy mà họ không giống ai trên thế giới này. Thật là một đất nước bí ẩn. Bí ẩn hay cá biệt hay dị biệt, hay dị dạng? Hoặc là một biển phụ nữ áo hồng váy xòe vẫy hoa hát múa. Hoặc là một biển trai lính sống áo màu cỏ rầm rập rầm rập ghê răng. Như cố ý, như mô hình, như rô bốt. Xếp đặt quá thành khó tin, trình diễn quá thành khả nghi và đồng phục quá thành phi nhân là cái chắc”. (Đi hàng một). Với lượng chữ không nhiều ấy, người đọc hầu như đã có hình dung căn bản nhất về một đất nước, một mô hình xã hội. Và nhất là, cộng đồng ấy có thực sự được xây dựng vì lợi ích của con người như nỗ lực của hầu khắp trên thế giới hay không. Sao một đoạn văn ngắn lại có thể chuyển tải được nhiều thông tin và nhận thức, cảm xúc vậy? Nó tuyệt nhiên không có bất kỳ từ ngữ nào khó hiểu, từ ngữ phô diễn “trí tuệ”, “cao siêu” nào. Nó bình thường như ngôn ngữ thường nhật. Nhưng chân xác, vừa đủ, điều muốn mô tả. Và tỏa ra ánh sáng của trí tuệ.

Đó là chữ của nhà văn Dạ Ngân, một đoạn trong hàng trăm tạp bút của bà. Cũng văn phong ấy, chữ nghĩa ấy.

Hoặc đây là đoạn văn trong Con chó và vụ ly hôn, một truyện ngắn khá “đình đám” của bà, thời đầu cầm bút: “Chị còn yêu anh không? Chắc là còn. Trước đó, hồi mới cưới nhau, chị đã yêu anh, tình yêu rạo rực của lứa tuổi thấy cái gì cũng đẹp, lứa tuổi dễ vừa ý với mình và với chung quanh. Anh và chị đều mê mẩn khám phá nhau. Vài năm sau, chị có thất vọng đôi chút nhưng vẫn yêu anh, tình yêu tự nhiên của người phụ nữ đối với người đàn ông làm chủ thân thể mình, tình yêu bổn phận đối với người tạo ra đứa con mình, tình yêu ấm áp và bao dung đối với những cái tốt và cái xấu mơ hồ trong anh. Và yêu những kỷ niệm”. Các cung bậc thay đổi của “yêu” được diễn tả thật dung dị, đầy thuyết phục. Hoặc một truyện ngắn khác gần đây, khi bà đã rất danh tiếng, Ai người Hà Nội, cũng chuyện tình cảm nhưng không phải suy gẫm về nó, mà là những tinh tế trong đối thoại, va chạm, tâm lý, tâm trạng: “Tuần trăng mật năm sáu mươi sáu ấy, lần đầu tiên “theo anh ta thì về” ấy, khi hai người nhảy xuống từ một chiếc xe đạp ông mượn ở ga Vinh và đối mặt chiếc cầu treo, cô vợ thất sắc, không ngờ, thấy như bị chơi khăm./ –Anh dân miền núi, ư?/ Người chồng cười ngất, sảng khoái, tự đắc:/ - Miền núi thì sao nào?/ Cô vợ, nghe như mình vừa vấp một hạt sạn, hạt sạn đầu tiên trong cuộc hôn nhân của mình”. Rồi đoạn sau, tiếp diễn: “Gì cũng nhất, mở miệng ra là con cá lá rau tình người đều nhất nhưng người đỗ đạt thì không chịu quay về. Mỗi khi bà nói toạc ra với ông ý nghĩ ấy, ông thường cau mày không chấp và quay sang mô tả gió Lào để bà tự hiểu. Đây rồi những khóm tre bảo vệ của từng nhà, thứ tre mà ông bảo đã cứa vào nhau trong gió ngày hè và tự phát hỏa. Thảo nào! Thảo nào cái gì? Ông lừ khừ đay lại. Bà ý tứ làm thinh, nếu bà nói thêm về cái tính hay phát hỏa thì giữa hai người có âm thanh súng ống chứ không chỉ là sự va chạm của những hạt sạn”.

Tính cách nhân vật, cụ thể, rặt kiểu “đồ Nghệ” giỏi dang, khó tính; sự ấm ức và thấu hiểu, dung hòa của người vợ, đã hiện lên sinh động, thú vị trong đoạn văn phối hợp nhiều tạng kỹ thuật của truyện ngắn. Nó bật ra cuốn hút, giản dị, tài tình, bằng thứ ngôn ngữ có sẵn, chỉ việc xếp vào đúng chỗ.

Hãy khoan nói chuyện tư tưởng: sử dụng chữ chân xác, đắc địa, là một biểu hiện rõ rệt của tài năng văn chương. Còn “đẻ” chữ mới cho một tiếng nói, chữ viết, như kiểu đúc kết sự nghiệp sáng tác vĩ đại của Pushkin nâng tầm đáng kể kho từ vựng tiếng Nga chẳng hạn, thì hoặc là thiên tài hiếm hoi, hoặc còn nhiều hệ thuộc vào sự phát triển của ngôn ngữ ấy, thời điểm ấy. Nhưng đó là chuyện khác.

Tôi muốn nói đến những cây bút sính chữ, nhiều khi thiên về lớp vỏ ngôn ngữ, khoái trá tìm thấy chữ độc, lạ như chơi chữ, trình diễn chữ. Có tài thì thành phong cách, một thời tán tụng kiểu Nguyễn Tuân; làng nhàng thành ra điệu đàng, múa chữ, như khoe mẽ, nhưng che giấu sự cạn cợt ý tưởng.

Cổ nhân có câu “công dục thiệt kỳ sự tất tiên lợi kỳ khí”- người thợ muốn làm ra sản phẩm tốt phải có đồ nghề tinh xảo. Công cụ của nhà văn là chữ, tất nhiên bạn có thể coi ý tưởng cũng là công cụ, nhưng chữ là phương tiện chuyển tải. Nhiều người viết “không tới” thường bị nhận xét “thiếu chữ”, “không có chữ”. Bởi cứ theo lối mòn thiên thu, những “dòng sông đỏ nặng phù sa”, những “hoang hoải”, những “nhân văn”…, quả đáng chán. Làm gì có chữ sang, chữ hèn; chỉ có ngôn ngữ học thuật, hàn lâm, ngôn ngữ đời sống, dân dã, bụi đời, phương ngữ…; xài đúng chỗ là hay, ngược lại là kém, là lạm chữ. Đôi khi chữ bị ghét, bị kỳ thị một cách oan uổng, thậm chí nhiều người né tránh không sử dụng, tìm từ khác như gần đây cư dân mạng chế giễu “hoang hoải” chẳng hạn…

Thực ra về căn bản, chữ là trí khôn muôn đời, là kho tàng sẵn có, vốn thường vượt tầm chữ một nhà văn. Vấn đề là biết sử dụng thế nào cho theo kịp thực tế cuộc sống. Tôi hình dung cách dùng chữ của nhà văn Dạ Ngân như nhặt những vỏ ốc các loại trong rổ ốc quen thuộc; bà chỉ việc nhặt ra, đúng loại mình cần về hình dáng, màu sắc, và sắp xếp thành hình khối, thành bức tranh cuộc sống hay thân phận con người. Không cần đi tìm ốc lạ, ốc hiếm, ốc hóa thạch đâu đó... Quen về chất liệu, nhưng khác biệt một sản phẩm.

2.

Đề tài phụ nữ đeo đẳng trong những sáng tác của Dạ Ngân: những người phụ nữ, người mẹ, người vợ, con gái,… trong truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn; thời chiến tranh, thời hậu chiến, thời điểm khó nghèo bao cấp, hay xu thế hiện đại. Như chắt lòng mà viết. Trong mắt con gái, bà mẹ mọi thời không bao giờ là trẻ và lạc hậu; trong xu thế cứ tiến về phía trước, “Ai chạy thì chạy, chỉ có các bà mẹ thì chậm rãi theo sau con mình, không ai có thể ngang bằng được với chúng. Vì đó là quy luật”. Nếu vậy, cũng là chung chung, có thể ở bất kỳ trang viết nào. Nhưng Dạ Ngân tiếp tục phát triển, người mẹ luôn tự ý thức và gắng gỏi không ngừng, một lòng mẹ bao dung, một bền bỉ phi thường, in dấu sâu đậm vào tâm trí người đọc như cách diễn đạt này: “Chính vì vậy mà không ít lần đứa con lớn tiếng với má việc này việc kia mỗi khi đụng chạm đến những thứ thuộc về kỹ năng của cuộc sống đã khác xưa nhiều. Má không chấp, má không để bụng, má thấu hiểu hơn ta tưởng bởi vì má vẫn âm thầm cố gắng để tiếp cận và thích nghi với cái bậc thềm mà đám con đang khiến má phải ngước nhìn”. (Ngâu và mẹ). Nhà văn nữ nào cũng là đứa con, rồi làm mẹ. Đoạn văn cho thấy bà đã nhập cả hai vai, là con, là má. Chữ là sự thấu hiểu, là tấm lòng. Hãy đọc lại câu sau của đoạn văn sẽ thấy nó thật lung linh, bởi được viết bằng thứ ngôn ngữ giản dị nhất mà mẫn tiệp nhất!

Phải rồi. Chính ánh sáng trí tuệ, độ sắc sảo trong mỗi nhìn nhận, suy gẫm vấn đề khiến những con chữ bình thường đã gánh vác sức nặng nhiều hơn ngữ nghĩa chính nó. Khả năng của chữ thật kỳ diệu.

Một ví dụ khác. Khi khó xử trước việc mình sắp đi dự lễ tang một nhà văn đáng kính, gặp chuyện bị níu chân: chủ căn hộ tầng dưới nhờ ở nhà để thợ “quá bộ” vô sửa cái mái ban công, ngày mai chính rằm “tụi cháu còn cúng bái ông bà tổ tiên với cô hồn phù hộ cho nữa” - cái lý do rất chính đáng. Nói việc mình phải có mặt ở đó giờ đó, và có biết nhà văn Sơn Nam không, cô gái lắc đầu, rồi chống chế, “có nghe loáng thoáng”, bà hạ bút: “Một người gần gũi với cư dân Sài Gòn như Sơn Nam mà không thật được nhiều người biết đến sao? Người bình dân họ bận bịu hay vốn dĩ bạc bẽo?” (Khoảng trống kỳ nhân). Cũng tạp bút này nhắc tới trường hợp khác, về mấy bà giới bình dân một chung cư ngoài Hà Nội: “Mấy chục năm đi về với nhau một cầu thang mà họ thực sự không biết người đàn ông lầm lũi cô độc kia là giáo sư triết học Trần Đức Thảo. Cho đến hôm nhà đài ầm ĩ báo tang ông. Các bà hàng xóm ấy hồn nhiên: “Người ta cũng Đức Thảo mà vang danh thế còn ông Đức Thảo chung cư nhà mình thì cứ như một lão dở hơi kiết xác!” Sự việc ở hai thành phố lớn nhất nước là vậy, và cảm giác những con đường “côi vắng” khi không còn họ đi về; cái “khoảng trống” không sao bù đắp nổi khi thiếu bóng những kỳ nhân… Bà đã viết những dòng thấm thía, sâu hút: “Có những người thực sự vang danh nhưng họ không thể là kỳ nhân. Chừng như sự cô độc thường trực gần với lập dị của nghệ sĩ mới làm ra một kỳ nhân. Cô độc mà vẫn nghe thấy chúng sinh, điều đó mới khó, mới thật phi thường. Như Solzennhitxyn luôn cô độc trên đất Mỹ. Như Trịnh Công Sơn cô độc với mọi thứ thuộc về đời thường. Như Bùi Giáng cô độc với cái xác phàm của mình. Như Trang Thế Hy sớm an lòng với vườn dừa để khỏi xà xận chốn trường văn trận bút. Và như Sơn Nam. Bởi vì bản thân sự cô độc của họ đã là tuyên ngôn, là nhân cách”.

Khó thể viết hay hơn. Vì mỗi bề ngoài chữ nghĩa bình thường nhất ấy như đã được tinh luyện như luyện đan. À không, không phải viên kim đan lấp lánh sắc vàng, là tim là óc chưng cất, từng giọt, đặc sánh. Sức lay động ngôn từ thật kinh sợ!

3.

Người đọc nhanh chóng bị chữ nghĩa gây cảm giác, nhưng điều đọng lại luôn phía sau chữ: vùng không gian âm hưởng, cái xôn xao dư ba thường hình thành muộn hơn: nó là ý, nối dài. Khi mải mê tìm kiếm vẻ ngoài có vẻ đỏm dáng, chải chuốt của chữ, chữ cũng có hiệu ứng về hùa với nhau, nối tiếp sánh vai, cái sâu xa muốn đạt tới thường đứng nánh sang một bên hoặc biến mất. Người ta nói tới văn chương tối giản, không chỉ kiệm lời mà còn là bình thường lời, sao cho điều kỳ vĩ nhất, sâu sắc nhất được diễn tả dung dị nhất, dễ hiểu nhất. Những nhà văn lớn của thế giới đều viết như vậy. Những nhà văn thành công trong nước đều đi qua tâm lý muốn thể hiện chữ nghĩa thời đầu cầm bút của mình.

Chuyện đề tài, tư tưởng trong văn xuôi, tức cái vấn đề hướng tới ấy, cũng là loay hoay tìm kiếm của nhiều người. Qua rồi cái tốt cái xấu đơn giản thời địch ta, chính diện phản diện phân minh, văn chương đi sâu vào khám phá con người đa diện, đa nhân cách, vào những va đập sáng tối; vào các vấn đề có tính triết luận, về ý thức hệ, về bản ngã; vào văn hóa, bản sắc… Riêng đề tài chiến tranh và hậu chiến còn được khai thác nhiều, đương nhiên cũng ở góc nhìn “có độ lùi” về thời gian. Tâm thế thời đại cũng thay đổi, với tất cả.

Có thể thấy, Dạ Ngân trước sau viết về những điều bình thường của đời sống quanh mình, về chính mình- người phụ nữ bị cuốn vào cuộc chiến rồi hậu chiến; về thế hệ mình; về tình yêu, gia đình, những nỗi niềm, trắc ẩn trong cuộc sống; về thiên chức làm mẹ, làm vợ… Nói chung, những va đập trực tiếp vào “cái tôi” bị cuốn vào dòng chảy thời đại, bị động và chủ ý mỗi quan sát, tư duy, với sự am tường nhất. Bà tìm thấy cái bình thường cao sâu ngay chính từ những quan sát, những trải nghiệm sống của mình.

Cái hấp dẫn của văn Dạ Ngân không phải từ “vấn đề” nó nói, mà từ cách nói. Nên các trang viết của bà có thể đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn cuốn hút, vẫn xúc động. Chữ đã làm nên điều ấy.

Như chuyện một trung đội trưởng già dặn trận mạc được cấp vũ khí chống tăng mới là quả pháo dù, quá thích, có thể chơi giáp lá cà với bọn tăng kiêu ngạo, đã cùng mấy chiến sĩ trẻ khác tò mò “khám phá”, nó phát nổ. Tai nạn thế này không ít trong chiến tranh. Có gì đáng nói đâu giữa cuộc chiến tàn khốc những máu xương? Nhưng tiếng nổ ấy với Dạ Ngân là đáng nói, có cách nói để thành truyện ngắn Một lát cắt. Cái chết chưng hửng, cái tổn thất vô lý. Lại trong bối cảnh yên bình hiếm hoi, có thời gian để loay hoay “thán phục” người nghĩ ra loại vũ khí này, và… Hãy đọc hai mảng đối lập: “Sáng sớm hôm ấy không có máy bay trinh sát, không có bom bừa cũng không có trực thăng đổ quân. Nghe thấy tiếng không gian giãn ra thư thái. Nghe thấy tiếng cỏ reo trên cánh đồng để hoang, nghe thấy tiếng những con cá sống sót đớp mồi trong mương liếp, nghe thấy tiếng con sông thong thả rì rầm”. Và: “Một tiếng nổ. Giữa trời quang mây tạnh đã vang lên một tiếng nổ kinh hoàng. Những tiếng nổ từ người mình gây ra bao giờ cũng mồ côi, đanh và gọn như vậy. Nó báo hiệu những tổn thất thê thảm. Những chàng trai khát khao khám phá đã tan tành”. Các thứ “tiếng” của khoảng lặng trong chiến tranh và tiếng nổ “mồ côi, đanh và gọn” từ người mình gây ra, là cái hoàn chỉnh lưu dấu của chữ. Chứ không gì khác. Đôi khi một chi tiết ngang tầm một hình tượng. Và thường khi chữ quyết định giá trị chi tiết ấy!

Và đây, cảnh những người vợ lính Miền Tây, tất tả kiếm ăn, hướng về những chuyến thăm chồng nơi mặt trận: “Sáng sớm thức dậy dội phân heo xuống sông, nước đó múc lên, giặt giũ và lắng phèn nấu ăn. Không kịp chờ xem cứt người và cứt heo trên dòng chảy ấy có trôi xa chưa, ai cũng quáng quàng cơm nước để còn phóng xuống vỏ lãi về với ruộng vườn trồng tỉa thu hoạch. Chân đi như chạy, tay làm như máy, miệng nhai, để có cái vào bụng nhưng bụng thì luôn nhớ đến người đang ở rất xa”. (Vợ lính). Nhanh, gãy gọn, những câu văn có độ dồn nén đáng ngạc nhiên để theo kịp thực tế khắc nghiệt. Và bật ra tâm trạng.

Còn khi cần, nó hòa trộn các biểu hiện xốc nổi, cấn cá, và mềm mại cả quyết… Có thể nói bất kỳ trang văn nào của Dạ Ngân cũng luôn hướng tới sự thấu đáo mỗi trạng thái, tình huống, mô tả, và nhiều suy gợi. Là bởi, với bà dường như chữ như một sinh thể có đời sống của nó: nhà văn cư xử với chữ bằng sự cẩn trọng, nâng niu. Không thừa thãi, phí phạm. Nó chân xác và tinh anh nhất có thể. Nhưng thật gần gũi, thành thật với cảm xúc và không xa lạ với người đọc.

4.

Dạ Ngân có dụng công không? Có, đương nhiên. Dụng công lớn nhất là xóa dấu vết dụng công, trong bày tỏ ý mình và chữ. Cái tinh tế của Dạ Ngân trong sắc sảo, và dữ dội. Quyết liệt mà nhân tình, chính trực. Dấu ấn của gái thời loạn chăng: mười bốn tuổi đã ngấm đủ những ly tan, lăn lộn cùng chiến cuộc? Hay tính cách người Miền Tây ngay thật, hòa ái, trượng nghĩa?

Có lẽ bà gần gũi và yêu tự nhiên, được nuôi dưỡng trong bầu dưỡng khí miệt vườn từ nhỏ: sắc mạ đẹp mê tơi, những cây ổi trong vườn hương hỏa, mênh mang sông nước, những khóm lục bình, những chiếc vỏ lãi, bao nhiêu con vật thân thiết: chó, mèo, le le, rồi bầy trâu rừng, đàn sư tử, con linh cẩu trên ti vi, cả con cóc xấu xí… Và cái nôi miệt vườn ấy được ông nội - một lưu dân gốc gác từ Bình Định - dắt dìu, ngấm đẫm sự hàm ơn đất mới: “Ông nhắc nhở: phù sa kia mới đáng ham thích, phù sa là kho báu, phù sa là ngọn nguồn, con người chỉ có thể đắp đập, đặt bộng, lên liếp, be bờ chứ không tự làm ra được phù sa, vì vậy mà con người cần phải tri ân trời đất chứ đừng có hờn trách, lại càng không được kêu ca, oán thán”. (Nước chum). Hay cúi xuống, để tri nhận sâu xa từ một sinh linh lành hiền như con cóc: “Lắm lúc ngồi viết bỗng thấy có một chiếc lưỡi nhỏ đang dọn muỗi dưới chân mình, êm ái, dễ chịu một cách kỳ lạ. Đưa tay đỡ cóc lên, nhìn vào đôi mắt hiền từ của nó, chợt hiểu vì sao ông trời còn phải sợ. Vì nó quá hiền, chưa thấy cóc hại ai, trừ lũ muỗi. Hiền như cóc mà phải nổi giận tức là ông trời cũng nhiều lúc tác oai tác quái lắm”. (Con cóc ở hốc nhà).

Đọc Dạ Ngân để tin yêu điều thiện, cái đẹp, cái cao cả: “Đã từng biết trên mây xốp là trời xanh thông thống, mọi ý niệm về trời về Thượng đế đều dễ lung lay, thậm chí ngoái nhìn từ ngoài bầu khí quyển thì quả đất quá mong manh. Thế nhưng mây trắng ở Chùa Đồng lại khiến ta tin trời cao đất dày và có sự gột rửa”. (Chỗ tin yêu). Và đau đớn, phẫn nộ, khi con người cư xử với đồng loại, với thiên nhiên tệ mạt: “Đó là màu xanh của xã hội ăn chơi, mươi héc-ta đất chỉ để phục vụ một nhúm người, hạ dân không được bén mảng đến. Không hiểu vì sao đất của mạ lại dễ dàng biến thành đất của cỏ golf, dễ dàng đến mức ai cũng nghi ngờ sao người ta vẫn cần gạo và cơm mà lại nhục mạ đất đai như vậy?” (Nhớ mạ). v.v…

Tôi không có ý lý giải căn nguyên nào hình thành nét riêng biệt chữ nghĩa của nhà văn - việc bất khả và vô ích - nhưng tin rằng người nào yêu thiên nhiên bằng máu thịt và sự thấu hiểu, một tình yêu bất vụ lợi, hẳn đủ điềm tĩnh để tìm thấy những dung hòa tự nhiên nhất trong ứng xử. Kể cả với chữ. Thiên nhiên khác biệt nhưng theo quy luật, không cường điệu, không làm dáng. Chữ cũng vậy, tự tại và không khoe khoang.

Có nhà văn làm ta nể nang về độ uyên bác. Có nhà văn khiến ta kính trọng về nhân cách, về độ dũng. Có nhà văn khiến ta choáng ngợp vì quá gần với Thượng đế những sự thấu suốt lớn lao… Có nhà văn gợi trong ta lòng yêu mến. Chữ quyết định niềm yêu.

Tôi nghĩ, trang văn Dạ Ngân - dù viết thể loại nào, đề tài nào - đã chinh phục nhiều tạng độc giả, trước hết từ những con chữ điềm đạm ấm sáng và minh tuệ của bà.

Nguồn Văn nghệ số 40/2021

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm