TIN TỨC
  • Truyện
  • Phế tích | Phan Nhật Thiện

Phế tích | Phan Nhật Thiện

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
2507 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

PHAN NHẬT THIỆN

1.

Em thề với anh là người gã nhảy dựng lên - Nàng nói. Điền chăm chú ngồi nghe, thỉnh thoảng gật gù vẻ quan tâm. “Phải chọn đúng thời điểm để xuất hiện. Đó là nguyên tắc số một. Với người giàu có như gã thì tiệc mừng, hỷ sự không thiếu. Nguyên tắc số hai là phải nói lớn cho mọi người cùng nghe. Em tiến đến và nói: “Tao sẽ vạch trần bộ mặt ghê tởm của mày, đồ chuột cống!”. Em chỉ chịu bỏ đi khi mặt gã cắt không ra giọt máu. Điều này làm em hởi lòng hởi dạ! “Thế sao em không nói?”, Điền hỏi. “Chuyện xảy ra lâu rồi anh!”, Thùy nói. “Em có nói mọi người cũng không tin, có khi nghĩ em đặt điều. Với lại, em không muốn nói, chỉ nghĩ thôi đã thấy kinh tởm rồi, huống chi phải kể lại thành lời. Em thích chơi trò mèo vờn chuột hơn! Một con chuột cống hôi thối như gã thì xứng đáng với điều đó”.

Hơn 2 năm nay Điền bị cuốn vào mối quan hệ kỳ lạ với Thùy, người anh yêu. Nói theo ngôn ngữ của lớp trẻ là trên tình bạn dưới tình yêu. Điền hiểu giữa anh và Thùy không thể toàn tâm toàn ý đến với nhau khi chính giữa họ là cái bóng đen ngòm của một gã đàn ông xa lạ - với Điền, dĩ nhiên - và với Thùy là nỗi ám ảnh không dứt ra được. Đã nhiều lần Điền cố ôm Thùy, môi kề môi, nhưng trong vòng tay anh là một ai đó xa lạ với đôi mắt ngây dại, ánh nhìn tóe lửa và toàn thân lạnh như một tảng băng. Điền đủ nhạy cảm để biết rằng đó không phải người anh yêu. Em là ai? Nhiều lần thất vọng, Điền thốt lên. Em là Xíu. Có tiếng trả lời, nghe trong veo và hồn nhiên như giọng trẻ con. Điền kinh ngạc buông lơi vòng tay, ngay tức khắc anh nhận thấy thần sắc Thùy trở lại bình thường. Nước da trắng mịn màng, tấm thân mảnh khảnh cân đối, đôi mắt huyền tròn trịa và đặc biệt việc sở hữu chiếc cổ cao, trắng ngần trông nàng thật quyến rũ. Xíu là ai? Nhiều lần Điền gặn hỏi Thùy nhưng chỉ nhận được câu trả lời qua quýt từ nàng. “Hồi nhỏ em tên Xíu”, Thùy nói. “Đó là nhân cách thứ hai chung sống hòa thuận với em, và thỉnh thoảng thay em cất tiếng nói.

2.

“Xíu ơi, sau này nghĩ lại, có khi nào em cảm thấy tiếc vì không chịu mở lòng với ba, khi ông ta cố kết nối với em?”.

Không biết đây là lần thứ bao nhiêu Thùy đặt câu hỏi cho Xíu. Nhưng Thùy luôn nhận được cùng một câu trả lời: “Không tiếc! Em vẫn hành động như vậy à!”.

“Em nói gì? Nếu thời gian quay trở lại em vẫn hành động như vậy à? Em mạnh mẽ lắm, rắn rỏi lắm, như đá tảng; như kim loại. Nhưng em quên rằng những phản ứng mạnh mẽ như vậy thường lóe sáng và cắt cứa, để lại một vệt đỏ lòm, như máu trong tim”.

“Em làm gì có cảm giác với ông ta đâu mà phải sợ những vết cắt cứa! Đơn giản là em đã mất kết nối với ông ta rồi!”. Xíu cương quyết bảo vệ quan điểm của mình trước sự tấn công của Thùy.

Thùy rất thích gợi lại những điều từ sâu hun hút bên trong mình, nhưng chưa một lần Xíu nhân nhượng.

“Nếu ba không bỏ rơi mẹ chúng ta để chạy theo người đàn bà khác, vì thứ tình yêu mù quáng của ông ta, thì đời em đâu phải gặp gã chuột cống hôi thối kia! Lỗi tất cả từ ba mà ra, ba không cho em một mái ấm gia đình đúng nghĩa. Ông ta ở đâu khi em cần ông ta? Chị có thể bỏ qua, còn em thì không!”.

3.

Dưới chân cầu Bông Sao là dãy nhà trọ của Bình Bảnh. Gã thích mọi người trong xóm trọ gọi mình bằng anh Bảnh, nghe sang trọng và có tiền. Gã tuổi ngoài 40, người mập thù lù, tướng tá lùn tịt, mắt đục ngầu nên nhìn bề ngoài không thể gọi là bảnh bao, sang trọng. Nhưng tiền thì gã không thiếu, hai chục phòng trọ nằm cạnh bến xe luôn ở tình trạng kín phòng, đủ cho gã thoải mái chi tiêu và ngó nghiêng một chút. Ngay lần đầu nhìn thấy chị Trang gã đã say như điếu đổ. Hôm chị đến thuê phòng gã đã không ghìm được, cất lời trong hơi thở dồn dập: “Em có chiếc cổ cao thật đẹp!”. Đôi mắt đục ngầu của gã dán vào chiếc cổ thanh tú của chị.

 Nghe gã nói, chị Trang cảm thấy bối rối, không thoải mái. Chiếc cổ cao hơn bình thường chưa bao giờ giúp chị tự tin, chị hiểu đó không phải là tiêu chuẩn của cái đẹp. Nhưng Bảnh không quan tâm. Những người lùn tịt như gã có xu hướng thích những thứ cao và dài. Chị Trang thì hội tụ đủ hai yếu tố đó: chiếc cổ cao trắng ngần và đôi chân dài miên man. Với gã, chiếc cổ cao tượng trưng cho sự tiến hóa nhất về chiều cao. Như khủng long thời tiền sử và loài hươu cao cổ ngày nay. Mỗi người có một sở thích. Bảnh có quyền thích nhìn chiếc cổ của chị. Nhưng khi chị Trang bối rối ngoái cổ nhìn xuống dưới, gã lúc này mới sực tỉnh nhìn theo. Một bé gái chừng 10 tuổi đang trố mắt tròn xoe nhìn gã. Cô bé tên Thùy, sở hữu khuôn mặt đẹp giống mẹ: mắt bồ câu, da mặt trắng ngần, cặp môi hồng. Tuy vậy, vẻ đẹp rạng ngời của khuôn mặt không cứu được bức tranh tổng thể. Thân hình gầy còm của cô bé vừa tố cáo hoàn cảnh nghèo khó của người mẹ, vừa là điểm thu hút ánh nhìn thương cảm của mọi người. Thùy đến xóm trọ một thời gian, mọi người lập tức gọi em bằng tên thân mật: Xíu. Thùy không nhớ ai đặt biệt danh đó, một người rồi nhiều người gọi thì Thùy thành Xíu thôi. Với lại có nhiều thứ làm Xíu để tâm hơn chuyện cái tên, như cái cách chú Bảnh cứ lẽo đẽo theo mẹ và hay mua quà cho Xíu. Chuyện người lớn Xíu không hiểu, chỉ biết là giờ đây phải làm quen với sự có mặt của chú Bảnh, chứng kiến đôi mắt đục ngầu thỉnh thoảng sáng lên khi chú nhìn mẹ. Cuộc sống của Xíu đó giờ chỉ có hai mẹ con với nhau, chuyển nhà trọ hết nơi này đến nơi khác. Thì nay, đến thuê trọ một thời gian mẹ có một công việc bận rộn hẳn hoi. Căn phòng trọ của mẹ trở thành nơi mọi người lui tới. Mẹ bán tạp hóa cho cả dãy trọ và người dân xung quanh bến xe, đủ thứ linh tinh, và lần đầu tiên trong đời Xíu chứng kiến mẹ cầm nhiều tiền. Đồ ăn thức uống trong nhà giờ đây không còn thiếu thốn như trước. Xíu còn được ăn những món yêu thích như càng cua và mực nướng, người Xíu không còn còm nhom nữa mà trông phổng phao hẳn lên. Điều duy nhất làm Xíu khó chịu khi chuyển đến khu trọ này là người trong xóm thích đặt mấy câu hỏi liên quan đến người lớn. Họ hỏi ba Xíu là ai, ở đâu, làm gì, vì sao bỏ rơi hai mẹ con Xíu? Mỗi khi hỏi, họ tỏ vẻ thân thiện, vỗ mấy cái vào vai Xíu. Ừ thì Xíu trả lời, người lớn hỏi thì phải trả lời, mẹ Xíu căn dặn, nếu không thì họ sẽ nói rằng con không ngoan. Xíu trả lời tên ba, ông bỏ đi hồi em sinh ra chừng vài tháng tuổi, sống đâu tận dưới Cà Mau cùng người đàn bà khác. Trong trí nhớ của Xíu là được gặp ba một lần, hồi còn học lớp 2. Ba đón Xíu ở cổng trường, trên tay ba là con gấu bông và  ông nhấc bổng Xíu lên. Ba ôm Xíu vào lòng. Em ngạc nhiên khi thấy một ánh mắt xa lạ đang nhìn em. Rồi ba nói, hỏi đủ thứ chuyện mà lời của ba cứ trôi tuồn tuột từ tai này qua tai kia rồi biến mất vào thinh không. Mặc cho ba hỏi, Xíu có lẽ quá bất ngờ trước sự xuất hiện đường đột của ba - như một người khách lạ không được mời trong dạ tiệc - Xíu đâm ra bối rối. Câu nói duy nhất của Xíu với ba là “Con thấy ba không giống như trong hình cưới, ba gầy và cao hơn trong hình nhiều”. Thỉnh thoảng Xíu hay lục lạo tủ đồ của mẹ, lôi hình ra xem. Trong hình, ba mẹ ngồi tựa lưng vào nhau, cả hai đều cười trông rất ngộ nghĩnh. Rồi khi ba hôn vào trán Xíu, em cảm nhận được những sợi râu dày và rậm của ba trên da em. Cảm giác nhột cộng với thứ mùi nắng khen khét, gắt và có vị mặn tỏa ra từ người ba. Đó là mùi của ba xộc thẳng vào tâm trí Xíu và neo đậu một thời gian dài, vì phải hơn 10 năm sau, Xíu mới được gặp lại ba lần nữa.

Mười năm là một khoảng thời gian rất dài, với nhiều chuyện xảy ra. Mẹ con Thùy đã không còn ở trọ dưới chân cầu Bông Sao. Thùy khi ấy là thiếu nữ 19 tuổi, cái tuổi rực rỡ xuân thì. Hai mẹ con đã bỏ lại phía sau một đoạn đời và không ai muốn nhắc lại chuyện cũ. Dĩ nhiên hình bóng của ba chỉ còn đậu lại ở cái mùi nắng ngày xưa, khi ba nhấc bổng Thùy trên đôi tay của mình. Và lần thứ hai ông xuất hiện, theo trí nhớ của Thùy, trông ông già và gầy guộc hơn trước, đôi mắt khắc khổ, bóng ông đổ dài cong queo trên mặt đất. Ông nói: “Ba sai rồi! Con hãy năn nỉ mẹ cho ba quay trở về!”. Thùy im lặng, mắt nhìn vào màn hình điện thoại, đầu trống rỗng. Nhưng người cất lời không phải Thùy mà là cô bé Xíu 10 tuổi năm xưa: “Với con, ba chưa hề tồn tại, một người không tồn tại thì không thể rời xa để trở về”. Có tiếng trẻ con cười hả hê từ bên trong, Thùy phải tìm cách dập tắt. Căn phòng chật chội, mùi mồ hôi từ người ba len ra ngoài theo cái nồng nã của mùa hè làm Thùy có cảm giác thương cảm. Nhưng giọng Xíu thì cương quyết: “Con và mẹ sẽ không bao giờ chấp nhận có ba trong cuộc đời đâu!”. Bàn chân thoăn thoắt của cô bé 10 tuổi trong hình hài người lớn bước vội khỏi căn phòng. Đọng lại sau cùng là ánh mắt ái ngại khi Thùy ngoái lại nhìn ba. Thùy như dự cảm điều gì không lành khi nhìn vào mắt ông. Đôi mắt nặng nề bất lực, hai mí kéo sụp xuống làm ánh nhìn của ông mỏng manh như sợi chỉ.

Độ nửa năm sau lần gặp thứ hai thì ba Thùy mất. Trong ngày ông mất, Thùy đã khóc rất nhiều.

4.

 8 năm sau khi rời xa dãy trọ dưới chân cầu Bông Sao, Thùy cho rằng đã đến lúc đối mặt với thực tại. Một thời gian dài Thùy ghê tởm đàn ông, ở họ luôn tỏa ra thứ mùi thum thủm, hôi và thối như xác chuột cống. Nhưng thời gian làm xoa dịu vết thương, Thùy cho rằng bản thân cần  vượt qua nỗi ám ảnh. Thùy bàn với Xíu và kế hoạch được thông qua. “Để thoát khỏi nỗi ám ảnh năm xưa, không cách nào khác là mặt đối mặt với kẻ gây ra tội ác. Không thể để gã nhởn nhơ sống như chưa hề có chuyện gì xảy ra trên mặt đất này”, Thùy nhủ lòng.

Từ đó là chuỗi ngày mèo vờn chuột của Thùy. Bình Bảnh vẫn sống giàu có từ nguồn thu nhà trọ dưới chân cầu Bông Sao. Việc tìm ra gã không khó với Thùy. Gã nay đã ngoài 50, trông già khọm và béo ục ịch hơn cả ngày trước. Thùy theo dõi, luôn áp dụng nguyên tắc số một, thình lình xuất hiện bên cạnh gã. Địa điểm khá đa dạng, ngay ngã tư đèn xanh đèn đỏ, ở quán cà phê với đối tác làm ăn, bên cạnh vợ con trong các buổi tiệc tùng. Thùy tiến đến, đôi mắt bình thản nhìn gã và áp dụng nguyên tắc số hai, nói lớn: “Tao sẽ vạch trần bộ mặt ghê tởm của mày, đồ chuột cống!”.

Từ ngày Thùy xuất hiện, cuộc sống của Bình Bảnh trở nên ngột ngạt đến mức không chịu được. Thùy lại thích chọn những dịp vui trong đời gã mà tấn công, càng làm nỗi khổ sở của gã tăng lên gấp bội.

“Hãy tha thứ và bỏ qua cho ta! Cô muốn bao nhiêu tiền ta cũng sẵn sàng trao cho cô!”.

Đến lần xuất hiện thứ năm của Thùy, gã biết cô sẽ không dừng lại việc đeo bám, bằng cách nào đó, gã tìm được số điện thoại và điện cho Thùy.

“Thế bao nhiêu để đổi lấy những ám ảnh của đời tôi?”. Nàng nói, cười lớn trong điện thoại khi nghe chất giọng nhừa nhựa của gã.

“Cô hãy cho ta một con số? Không biết bao nhiêu lần ta ân hận vì chuyện đã gây ra cho cô. Ngày ấy ta say, mẹ cô thì lại đi vắng, ma đưa lối quỷ dẫn đường cô à! Nhưng ta luôn thật lòng với hai mẹ con cô!”.

“Đồ thối tha ngụy biện! - Giọng Thùy căm phẫn - Thứ thối tha như ông thì luôn tìm ra lý do tự bào chữa. Một con số à? Thì tôi nhẩm đây. Ông lấy số tuổi của tôi khi đó, 11, nhân cho 10 ngón tay nhớp nhúa của ông khi sờ vào người tôi. Cả nụ hôn tởm lợm của ông, tôi tính đơn vị là 20. Ông hãy nhân đi, rồi quy thành tiền tỉ cho tôi, có như vậy may ra tôi bỏ qua cho ông!”.

“Cô trêu tôi rồi! Cô biết là tôi không có chừng đó tiền mà! Cô ác vừa thôi!”. Giọng gã nghe bực bội, rầu rĩ và bất lực.

“Vậy thì hãy chuẩn bị tinh thần, bởi tôi sẽ đeo bám theo ông đến suốt đời! Đồ chuột cống thối tha!”.

Thùy chủ động tắt máy, trong lòng hả hê vui sướng. Giờ đây, sau chừng đó năm, lần đầu tiên Thùy dám nhìn thẳng vào quá khứ. Người đàn ông mà mẹ nàng tin tưởng, cuộc sống ổn định mà mẹ nàng hướng đến sau khi ba Thùy bỏ rơi hai mẹ con, những món quà xinh xắn mà gã thường mua cho Thùy mỗi khi ghé phòng trọ… Rồi chuyện đó xảy ra, chỉ một năm sau ngày hai mẹ con ổn định cuộc sống, gã đến phòng và lộ bộ mặt đê hèn. Rượu chỉ là cái cớ. Mười ngón tay gã lần mò động chạm. Đôi môi nhớp nhúa tanh tưởi ngấu nghiến lấy đứa trẻ yếu ớt không khả năng tự vệ. Mọi chuyện chỉ dừng lại kịp thời khi mẹ Thùy bất ngờ trở về. Gã quỳ sụp xuống lạy, van xin hai mẹ con tha thứ. “Một phút nông nỗi!”, gã nói. “Chưa có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Hãy nể tình mà tha thứ cho tôi”. Nhưng chừng đó là đủ để ám ảnh Thùy một đời.

5.

“Anh có thể có mặt ở nghĩa trang? Gã lên cơn đau tim đột ngột và thế là ngủm mất!”.

Điền đọc tin nhắn xong, tức tốc lên đường. Nghĩa trang Thiên Phước nằm cách xa trung tâm thành phố, xe cộ trôi tuồn tuột qua trước mắt Điền. Anh đang di chuyển nhưng tâm trí chỉ nghĩ đến Thùy. Cả hai ngừng liên lạc một thời gian, không tin nhắn, không cuộc gọi. Thùy chủ động rời xa Điền. Thùy không muốn chuyện quá khứ phủ bóng lên mối quan hệ của cả hai, nên tạm rời xa anh. Và hôm nay cái chết của một người là lý do cô gặp lại anh.

Điền đến trước nghĩa trang thì thấy Thùy đứng đợi.

“Em chờ ngoài này cả giờ đồng hồ. Em theo dõi mà. Rồi em nghĩ đến anh. Một mình vào nghĩa trang em sợ!”.

“Thế em định làm gì? Ông ta mất rồi cơ mà!”, Điền nói bằng giọng đều đều, cố giấu sự tò mò.

“Đâu phải cứ chết là xong chuyện!”, Thùy nói. Đôi mắt đen, tròn xoe của nàng ánh lên nét nhìn cương quyết. “Có thể linh hồn ông ta còn luẩn quẩn quanh thân xác chưa chịu rời đi - em nghĩ vậy! - Và em cần làm việc này, chỉ một lần này thôi là xong. Mà suỵt, chờ đã, người nhà ông ta đang ra!”.

Thùy ngồi trên xe, úp mặt vào lưng Điền. Anh nhìn về phía mô đất, đoàn người bắt đầu ra về. Họ đi ngang qua anh, áo tang trắng xóa, hai người phụ nữ một lớn một trẻ hơn, tầm 15 tuổi, đang cầm di ảnh người vừa mất. “Nào, anh chạy đi, hãy tới trước ngôi mộ!”. Nàng từ phía sau, vừa nói vừa đẩy nhẹ vào lưng Điền. Và tuy trong đầu anh xuất hiện một mớ câu hỏi, anh chọn cách im lặng.

Xe đến trước ngôi mộ, nơi an nghỉ của ông ta được xây đơn giản. Mộ đá với lan can và mái vòm che nắng mưa. Vòng hoa được đặt xung quanh, mùi nhang khói nghi ngút. Ngoài hai tấm phù điêu con đại bàng đang tung cánh, điểm nhấn của ngôi mộ là tấm hình tạc vào đá, đôi mắt trắng dã của người chết đang nhìn anh. Điền lẳng lặng châm điếu thuốc, ngồi quan sát Thùy.

Nàng đứng mặt đối mặt với tấm hình người chết, không một động tác thành kính, không một nén nhang được thắp lên. Chỉ có ánh mắt căm phẫn nhìn trân trân vào ngôi mộ. Rồi tiếng cười lanh lảnh cất lên. Điền nghe một giọng nói rắn rỏi kèm sự hả hê không chút giấu giếm: “Vậy là ông đi đời nhà ma! Cứ nằm dưới đó, ông và thân xác mục rữa của ông. Mà ngay cả thân xác thối tha của ông cũng không đáng để đất mẹ tiếp nhận. Linh hồn ông có nghe điều tôi nói không? Ông nghĩ có thể chui vào lòng đất mà yên thân à! Tôi nguyền rủa ông. Cảm giác của tôi khi đối diện ông, dù chỉ là khung hình, cũng làm tôi ghê tởm. Ông nghĩ cái chết là sự kết thúc à? Không! Khi chết là lúc phải nhận lấy sự phán xét của người sống. Tôi đến đây là để chốt hạ quá khứ, để nguyền rủa ông, lần cuối cùng, bởi ông xứng đáng với sự phỉ báng đó!”.

Tiếng cười hoang dại của người con gái làm Điền lạnh người. Nhưng anh hiểu, Thùy cần kiểu giải tỏa này để quên hết mọi chuyện đã qua.

Nắng lên cao khi Điền chở Thùy rời nghĩa trang. Cả hai như chưa có quãng thời gian đứt đoạn. Thùy chủ động ôm Điền nhẹ nhẹ từ phía sau.

“Em lúc này là Thùy hay Xíu?”. Điền quay lại phía sau nhỏ nhẹ hỏi nàng.

“Em là Thùy! Sẽ mãi mãi là Thùy!”.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Thằng Bờm có cái nhà cao… – Truyện ngắn Chinh Văn
 Gọi lão bằng thằng, cả làng này ai mà dám thế? Chỉ trừ duy nhất một người: Ông già vợ lão: Ông Tám Trọng, ngoài ra gặp lão ai cũng chào “ông năm”, “chú năm” dù đằng sau tiếng chào không có vẻ gì kính cẩn.
Xem thêm
Hoàng Phủ Ngọc Tường: Chú dế rong chơi
Sau khi rời xa cõi tạm để lại rất nhiều tiếc nuối cho người yêu thích văn chương, mới đây NXB Trẻ đã cho ra mắt 3 tập sách gồm những bút ký, nhàn đàm, thơ ca đặc sắc của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường như một cơ hội để nhớ đến ông.
Xem thêm
Ngủ giữa trùng sơn – Truyện ngắn của Lê Vũ Trường Giang
Tôi đã bị mê hoặc ngay phút đầu khi thấy lăng Gia Long. Những câu chuyện bí ẩn liên quan đến nơi an táng thật sự của nhà vua, những bí mật trong chốn cung đình đã hấp dẫn, thôi thúc tôi ngồi vào bàn và viết trong gần một tháng trời. Khi ngừng bút, tôi chợt có ước ao được một đêm ngắm trăng thưởng rượu cùng bạn hiền trên Thiên Thọ, bên cung khuyết, bên lăng tẩm im lìm giữa trập trùng núi non, mênh mang sông nước.
Xem thêm
Nhẫn – Truyện ngắn của Lệ Hằng
Tiệc cưới sẽ bắt đầu vào lúc sáu giờ.Tôi còn hơn một tiếng rưỡi đồng hồ để tháo chiếc nhẫn này ra. Nó đã thít lại vào ngón tay tôi lúc nào mà tôi chẳng hay, cho đến khi tôi thấy mình cần tháo nó. Tôi ước gì, ước gì, ước gì… mình đã thấy cần tháo nó ra sớm hơn chứ không phải lúc này. Thời gian thì vẫn cứ đang trôi đi trong khi tôi ngồi đây tháo nhẫn. Tôi xoay, và đẩy, và níu, và giật, ngón tay đã đỏ rưng rức nhưng tôi vẫn mắc kẹt trong chiếc nhẫn của mình. Vô dụng. Không thể kéo nó ra được. Càng kéo ra càng thít vào thì phải. Chết tiệt, nó ôm lấy ngón tay tôi như một lời nguyền.
Xem thêm
Viên đạn ngọt – Truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga
Tùy lặng yên. Trước mắt anh cảnh và người tưởng chừng như thân quen giờ đều trở nên xa lạ. Anh vẫn thường gặp trong giấc mơ của anh dòng sông Gấm trong đêm mùa đông sâu hun hút. Đồng đội anh phải níu vào chiếc dây thừng dài nối hai bên bờ để bơi qua sông trong cái rét tê người, càng không thể quên được khe Ve khi cả tiểu đội chỉ còn lại hai đứa cùng nhau chụm đầu ăn bữa cháo cuối cùng cạnh con khe nồng nặc mùi thuốc hóa học.
Xem thêm
Bí mật của H’Loan – Truyện ngắn của Hồng Chiến
Giờ kiểm tra toán, học trò lặng im chăm chú vào bài vở của mình. Cô giáo H’Xíu ngồi quan sát học sinh làm bài lòng vui vui. Cuối tháng tư rồi, chẳng còn mấy tuần nữa năm học sẽ kết thúc, lớp 3A của cô được nghỉ hè trước khi bước vào năm học mới và chắc chắn có thêm tấm giấy khen treo lên tường lớp học ghi nhận công lao của cô và trò sau một năm phấn đấu. Những gương mặt thơ ngây, thông minh và dễ thương ngày hai buổi đến trường đã trở thành niềm vui, niềm tự hào của chính cô – người mẹ thứ hai của các em.
Xem thêm
Chảy đi sông ơi – Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Tất cả những quang cảnh ấy và cảm giác ấy đều thật tuyệt vời. Tuyệt vời hơn nữa còn là truyền thuyết huyễn hoặc về con trâu đen ở khúc sông này. Những người đánh cá ban đêm quả quyết đã nhìn thấy nó. Nó thường xuất hiện vào lúc nửa đêm. Nó ở dưới đáy lòng sông lao lên mặt nước. Toàn thân bóng nhẫy, đôi sừng cao vút, mõm thở phì phì, con trâu phi trên mặt nước như phi trên cạn. Con trâu phì bọt, nước dãi của nó tựa như trứng cá. Nếu ai may mắn hớp được bọt ấy sẽ có sức lực phi thường, bơi lặn dưới nước giỏi như tôm cá.
Xem thêm
Con mèo của Foujta – Truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà danh họa Foujita, người con của đất nước Phù Tang, những nhà chơi tranh, mua bán tranh trên thế giới đã nháo nhào chạy săn lùng tranh của Foujita. Dò theo bước đường phiêu lưu của ông, giới sành tranh biết rằng ở Việt Nam đang còn vài bức của ông. Từ Mỹ, từ Pháp, từ Úc, từ Canada… bằng thư hoặc bằng điện, họ gửi về những nhà mua bán tranh ở Việt Nam, bằng mọi giá phải tìm mua cho được tranh của Foujita, đặc biệt là tranh con mèo. Trên thế giới, họa sĩ nào cũng có một nét độc đáo, mang theo dấu ấn tài nghệ của mình. Nét độc đáo của Foujita là nét vẽ con mèo.
Xem thêm
Vợ chồng nhà Phó Nhọt – Truyện ngắn của Vũ Hùng
Tui dám khinh các ông nhân viên hành chánh cấp xã dưới chế độ cũ bởi không biết học hành, chữ nghĩa thế nào mà tên tuổi của công dân cứ làm sai be bét, dở khóc dở cười. Không phải chỉ mỗi thầy Dài đâu nghen mà cả thằng bạn thân của tui ở làng Tây Trù cũng chung số phận như vậy!
Xem thêm
Nụ hôn màu lửa – Truyện ngắn của Lại Văn Long
Thành phố thay đổi đến ngỡ ngàng. Những con đường trung tâm ngày thường đông nghịt, đêm lấp lánh muôn màu ánh sáng từ dòng xe cộ bất tận, giờ thênh thang, trống trải. Những tòa nhà bị giăng dây như những gã khổng lồ bị xiềng chân bức bí; những giao lộ lù lù barie, lều dã chiến được kiểm soát bởi công an, quân đội, dân phòng…
Xem thêm
Pháo hoa cổ trấn – Truyện ngắn Tống Phước Bảo
Cô cúp điện thoại và nghe lòng mình trống rỗng một cách lạ kỳ! Đêm đó trong giấc mơ với xứ mây này. Cô mơ về một ngày hội trấn cổ với bập bùng lửa thiêng, trai gái đủ mọi sắc tộc từ những bản làng kéo về. Muông chim tụ hội ríu rít vang động thinh không. Mùa gió thổi tung những lời khấn cầu của dân bản. Gió thổi những cánh hoa đỏ bay phấp phới trên không trung rồi rơi xuống đất. Cô nhặt những cánh hoa hình trái tim lên. Những cánh hoa chợt tan vào tay cô.
Xem thêm
Ông Trời | Truyện ngắn của Đặng Chương Ngạn
Nguồn: Viết & Đọc chuyên đề Mùa Thu 2023.
Xem thêm
Bức nude thứ chín – Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân
Cả hai đứa quỳ xuống! Hai kẻ tội đồ không mảnh vải che thân mặt tái mét không còn một giọt máu sụm gối xuống nền đá hoa lạnh băng.
Xem thêm
Kí ức của mèo đen – Truyện ngắn của Nguyễn Đăng Khương
Nơi tôi sống là nhà kho hẹp sau dãy nhà lớn chứa nhiều sách báo cũ của thế kỷ trước mà chủ nhân của tôi vì bận việc công chức nên ít có thời gian để mắt tới. Tôi thường vuốt râu cười khì “chủ nhà ta là nhà thơ ba xu”.
Xem thêm
Tiếng mõ trong ngõ cụt - Truyện ngắn Kim Uyên
Trước đây, vợ lão Nam thường tụng kinh gõ mõ hai lần trong tháng, vào sáng mồng một và ngày rằm. Đầu năm nay nhân ngày rằm tháng giêng mụ mời một thầy chùa về làm lễ lớn, sau ngày đó mụ Nhung chăm tụng kinh hơn. Việc này khiến mọi người trong khu ngõ cụt không hài lòng, đặc biệt là các nhà liền kề với nhà lão Nam vì tiếng gõ công cốc nổi lên lúc năm giờ sáng.
Xem thêm
Bài điếu văn của lão Tân - Truyện ngắn Kim Uyên
Lão Tân thấy nhà đám náo động thì đứng dậy thất thểu ra về. Vừa đi lão vừa suy nghĩ căng thẳng lắm, lão chưa biết viết thế nào để hoàn thành bài điếu văn về ông chủ tịch cho em trai đọc vào lúc di quan sáng mai.
Xem thêm
Chạm mặt voi rừng - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những cơn gió trong rừng già bao giờ cũng khác với cơn gió bình thường. Trước khi đưa bàn tay mát rượi mơn man lên làn da, mái tóc chúng ta, gió thể hiện vũ khúc của mình bằng tiếng reo ầm ĩ như có hằng trăm, hằng ngàn con nai cùng chạy, làm các cành cây nghiêng ngã, xô đập vào nhau rầm rầm.
Xem thêm
Hai người mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Truyện hay về người mẹ Việt Nam
Xem thêm
Bắt cá trên cao nguyên - Truyện ngắn của Hồng Chiến
H’Lê làm lớp trưởng lớp 9A1, người dân tộc Êđê có nước da bánh mật, mặt trái xoan, tóc xoăn tự nhiên tạo nên một vẻ đẹp huyền bí. H’Lê học cùng lớp nhưng hơn Thanh một tuổi, người rắn chắc, khỏe mạnh ra dáng một thiếu nữ. Còn Thanh sinh ra, lớn lên ở ngoại ô thành phố, quanh năm nghe tiếng gầm của sóng biển.
Xem thêm
Bản năng kép - Truyện ngắn Phùng Phương Quý
Ta nắm tay đấm vào đầu để nhớ lại. Đuổi ngay cái dự án khu công nghiệp ra khỏi bộ nhớ. Mười phần trăm là cái gì. Mười lăm phần trăm cũng chả là cái gì. Lại hai mươi à? Cút xéo ngay cái phần trăm hoa hồng của chúng mày. Tao đếch cần! Tao thích bia hơi, thích tăng gô...
Xem thêm