TIN TỨC
  • Truyện
  • Chuyện hy hữu | Vũ Đại Việt

Chuyện hy hữu | Vũ Đại Việt

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
727 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

VŨ ĐẠI VIỆT

Lay lắt mấy ngày trên đường, rồi ông Phú cũng đến được bến xe đi về các tỉnh miền Tây Nam bộ. Còn hơn 200 cây số nữa mới đến Hậu Giang, ông quyết định nghỉ lại Sài Gòn một đêm cho lại sức để sáng sớm hôm sau đi tiếp.

Đi miền Nam lần này, ông Phú một công đôi việc. Một là thăm lại mảnh đất năm xưa ông đã từng cùng đồng đội hy sinh, đổ máu chiến đấu với quân thù giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Thứ hai là đi cưới vợ cho thằng Quý, con trai ông.

Ở quê có bao nhiêu con gái xinh xắn, đẹp đẽ mà nó chẳng chịu ai. Chỉ cho đám nào cũng lắc, bảo không hợp. Cuối cùng thì lại quyết định lấy một con bé miệt vườn tên Hương, quê tít tận Hậu Giang. Ban đầu khi nghe tin thằng Quý lấy vợ trong đó, ông phản đối quyết liệt bảo Tiền Giang đã là xa lắm, đây lại còn mãi tận Hậu Giang ai mà đi cho nổi? Nghĩ lại mới thấy mình vô lý, chúng nó lấy nhau là tại bởi cái duyên, cái số chứ không hợp thì dẫu có ép buộc mấy rồi cũng chẳng sống được với nhau. Bây giờ thời đại khác rồi, không còn kiểu “Cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi đó” như thế hệ các ông. Cản mãi không được, cuối cùng ông cũng đành phải chấp nhận. Nhưng khi làm đám ăn hỏi, ông giao cho vợ đi. Lần này, cưới vợ cho con, ông định đẩy cho vợ đi tiếp. Nhưng bà Phú không chịu, bà bảo ông phải vào đó gặp thông gia, thông giáo đàng hoàng. Chẳng thà thằng Quý cha mẹ chết rồi thì đành một nhẽ! Đằng này còn sống sờ sờ ra đó, làm thế coi sao được? Bà còn bảo, bên đằng nhà con Hương, cha mẹ rồi chú, bác dì dượng con bé quý người lắm. Hôm bà vào, họ tiếp đón niềm nở, giữ ở lại chơi mấy tuần, còn đưa đi du lịch thăm chợ nổi Cái Răng, nhà vườn Mỹ Khánh, thăm đảo ngọc đảo vàng gì đấy mãi ở bên Kiên Giang nữa cơ! Bỏ ông Phú ở nhà một mình sốt ruột, bà phải nói khó mãi họ mới chịu cho về. Về đến nhà là tấm tắc khen. Nào là đất đai miền Tây màu mỡ phì nhiêu, cây trái tốt tươi, làm chơi ăn thật. Nào là con người miền Nam ngay thẳng thật thà, sống phóng khoáng chân tình…

Bà bảo, ông ráng mà vào. Già rồi như trái chuối chín cây, rụng rơi lúc nào chẳng biết. Không gặp được thông gia, không biết mặt con dâu thì ân hận lắm. Nghe vợ nói thế ông Phú đừng không được, phải lên đường.

… Chiếc xe chất lượng cao, sơn màu huyết dụ khậc nhẹ một tiếng rồi mới tắt máy. Bước xuống xe, ông Phú đang ngó nghiêng thì có tiếng gọi: “Bố… bố! ”, quay lại đã thấy thằng Quý đứng ngay sau lưng. Nó to cao hơn trước, nước da bánh mật trông khỏe khoắn hẳn ra, chả bù cho hồi còn ở nhà, da cứ xanh mét y như người sốt rét rừng. Thằng Quý đi đến hỏi:

Bố đến lâu chưa?

Ừ! Bố cũng vừa đến đây. Mới xuống xe, chưa kịp uống miếng nước!

Từ phía xa, một cô gái dáng thon thả khỏe mạnh đi thẳng tới chỗ hai người đàn ông đang đứng. Quý vội vàng bước tới dắt tay cô gái đến trước mặt bố, ánh mắt rạng rỡ:

Bố ơi! Đây là Hương, con dâu tương lai của bố đấy ạ!

Hương vòng hai tay trước ngực, lễ phép:

Thưa bố mới vô! Bố đi đường có sao không ạ?

Ông Phú tự nhiên thấy lúng túng:

Ờ… ờ… Bố cũng hơi mệt… mệt một chút mà không sao.

Ba bố con vào một quán nước bên đường, bảo cô chủ quán có dáng người thấp đậm nhưng nhanh nhẹn, chặt cho mấy trái dừa lấy nước uống. Nước dừa non pha thêm chút đường quậy trong nước đá vừa mát vừa bổ khiến ông Phú tỉnh táo hẳn ra. Nghỉ ngơi một chút, ba bố con ra xe máy. Quý đèo ông Phú còn Hương chằng buộc đồ đạc, nổ xe phóng đi.

Xe chạy trên đường nhựa láng bóng êm ru, thoáng một cái đã đến ngã ba Cái Nhút, quẹo phải xe chạy nửa tiếng đã đến xã X...

Biết tin có ông sui gia từ miền Bắc vào, ông Hòa - ba của Hương vui lắm. Ông kêu con cháu làm gà, vịt, xuống hầm cá giăng lưới bắt lên cả chục kí lô cá tai tượng làm bữa cơm thịnh soạn đãi khách.

Tối ấy, cả nhà sắp ra 10 mâm cơm từ trong hiên ra đến ngoài sân. Người nhà ngồi chen lẫn với khách, tiếng cụng ly, lời chúc tụng vang lên vui vẻ. Mâm ông Hòa ngồi, ngoài ông Phú sui gia còn có ông Tư Tấn - Chủ tịch, ông Hai Hợi - Bí thư Đảng ủy xã rồi Bí thư, Trưởng ấp cùng mấy người nhà ngồi phụ tiếp khách với ông Hòa. Mọi người vừa nâng ly, vừa xúm xít hỏi chuyện ông Phú, khí thế vui vẻ khiến ông quên cả mệt nhọc.

Câu chuyện nổ ra cứ như ngô rang, hai ông sui gia vẻ tâm đầu ý hợp. Họ nhìn nhau ngờ ngợ, tựa như đã gặp nhau ở đâu đó, lâu lắm rồi. Ông Phú có chút rượu vào ăn nói mạnh bạo hẳn lên, chẳng giấu giếm chuyện gì. Ông khoe với mọi người rằng: Vào những năm 70 của thế kỷ trước, ông đã từng là chiến sỹ quân giải phóng, đơn vị đóng quân và chiến đấu ở nhiều nơi thuộc chiến trường Tây Nam bộ. Trận đánh cuối cùng ông bị thương là vào dịp tháng 1/1975 nhưng ở tít tận trên miệt Tân An, Tân Hội gì đó bây giờ thuộc về tỉnh nào ông không rõ.

Đột nhiên ông quay sang hỏi sui gia:

- Tôi hỏi khí không phải, chứ trước đây trào chế độ cũ ông có tham gia gì không?

Ông Hòa hơi chột dạ, giọng lí nhí:

- Chẳng giấu gì ông sui, hồi trước tôi cũng bị bắt quân dịch vào lính Việt Nam Cộng hòa. Nó cũng đày tôi đi nhiều nơi, cơ cực lắm.

Ngưng một lát, ông tiếp:

- Tôi hỏi thiệt ông sui, việc thằng Quý với con Hương nên vợ, nên chồng, ông có phản đối gì không?

- Ông nói sao? Nếu phản đối thì làm gì có chuyện tôi đến đất này, gặp gỡ và đang ngồi trước mặt ông đây!

- Là tôi hỏi ông có định kiến gì về việc bố con Hương trước kia đi lính Việt Nam Cộng hòa hay không?

Ông Phú cười:

- Đi lính Việt Nam Cộng hòa cũng đôi ba đường, nào ai giống ai. Không phải cứ đi lính Việt Nam Cộng hòa ai cũng là kẻ ác. Có người vì thâm thù với Cách mạng nên hăng hái cầm súng chống Cộng, bắn giết đồng bào mình. Có người vì bị bắt quân dịch, miễn cưỡng phải cầm súng địch. Nhưng không làm điều ác, thậm chí còn ngầm giúp đỡ đằng mình. Ấy, cái hồi tôi bị thương ở chi khu quân sự Cái Sắn đấy, tôi có gặp một anh lính Việt Nam Cộng hòa, tôi bị thương cầm chắc cái chết đến mười mươi, thế mà anh ấy lại cứu sống tôi.

Nghe ông Phú nói thế, mắt ông Hòa sáng lên. Ông nhìn sang hai vị lãnh đạo to nhất xã, nhìn sang mọi người, nhìn ông sui gia lần nữa rồi dè dặt:

- Ông nhớ lại và kể cho mọi người nghe về chuyện ông bị thương xem nào!

Nâng ly rượu lên tợp một hơi nghe cái “ót” rồi ông Phú bắt đầu bằng cái giọng khê đặc thuốc lào. Y như chất giọng của thằng Quý, rể tương lai nhà này.

… Vào đầu 1975, khi ở miền Trung cao nguyên khí thế quân Cách mạng đang nổi lên như vũ bão. Thì ở miền Tây Nam bộ quân địa phương và chủ lực ta cũng đã phát triển lực lượng mạnh mẽ, ở các vùng “da báo”, “cài răng lược” tranh chấp giữa ta và địch liên tục nổ ra rất quyết liệt. Chủ trương của ta là nghi binh, căng kéo lực lượng địch không cho chúng tập trung lực lượng chi viện cho miền Trung cao nguyên. Thời cơ cho phép ta có thể tiến lên, đánh chiếm một vùng rộng lớn sau lưng địch dành đất, dành dân. Mở rộng vùng giải phóng.

Thực hiện chủ trương này đơn vị chúng tôi nhận được lệnh đánh vào chi khu quân sự Cái Sắn - một vị trí quan trọng trên đường vào thị xã, “xóa sổ” lực lượng địch ở đây để làm bàn đạp tiến công vào khu vực nội thành.

Theo hợp đồng tác chiến, đại đội trinh sát của tôi có nhiệm vụ tiếp cận áp sát, khống chế mục tiêu. Sau đó, một bộ phận vòng ra dẫn bộ binh vào nổ súng đánh chiếm chi khu. Nhưng do trục trặc trên đường hành quân, ba trung đội cùng xuất phát một thời điểm theo 3 hướng khác nhau thì không may một trung đội bị lạc, không đến được vị trí tập kết. Còn lại hai trung đội (trong đó có trung đội tôi) vào được khu trung tâm. Đợi mãi, đợi mãi đến tận khi trời bắt đầu hừng đông, không thấy các đơn vị phối thuộc vào vị trí. Lại bị địch phát hiện, lực lượng vào trước buộc phải nổ súng tấn công.

Sau những phút giao tranh ban đầu, địch phát hiện lực lượng ta quá mỏng chúng rời khỏi lô cốt, hầm ngầm xông ra vừa đi vừa hò hét: “Bắt sống Cộng quân!”. Đơn vị chúng tôi toàn những tay súng thiện xạ, chiến đấu rất ngoan cường, lợi dụng từng gốc cây, ụ đất “ăn miếng trả miếng” với quân địch. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá chênh lệch. Quân địch đông hơn gấp bội, lại có pháo binh, máy bay chi viện tối đa nên lực lượng ta rơi vào thế bị động chống đỡ, và dần thương vong gần hết. Tôi bị một quả cối cá nhân M79 của địch nổ gần, mảnh văng vào đầu, vào tay trái nhưng vẫn dạt được vào một khu vực nhà dân phía ngoài chi khu. Đạn nổ tứ bề, tổ tam tam do tôi chỉ huy hai chiến sỹ nhanh chân long được xuống kênh, còn tôi chui vào một cây rơm gần đó rồi ngất đi.

Lúc tỉnh dậy tôi thấy một người lính Việt Nam Cộng hòa ngồi bên cạnh, một chân quỳ xuống đất, chân kia duỗi ra phía sau, hắn đang nâng đầu tôi lên. Mở mắt nhìn thấy hắn, tôi vội gạt phắt tay hắn ra rồi quờ tay tìm súng nhưng không thấy. Người lính Cộng hòa lùi ra một bước. Tôi trừng mắt nhìn hắn, bảo: “Mày bắn tao đi! Tao không bao giờ đầu hàng và cũng không bao giờ chịu làm tù binh của mày đâu”. Rất kỳ lạ là người lính không tỏ ra giận dữ hay căm ghét tôi. Anh ta nói rất nhanh: “Tôi là sinh viên Văn khoa Sài Gòn bị ép buộc vào lính cầm súng Mỹ. Nhưng tôi không làm điều ác, tôi không giết người, nhất là lại đối với đồng bào mình. Thời gian không có nhiều đâu, hãy để tôi băng bó vết thương rồi nằm yên tại chỗ, đến tối hãy tìm về đơn vị”. Thấy cử chỉ và lời nói của hắn như vậy, tôi đành phó mặc thân phận mình cho anh ta. Vậy là rất nhanh anh ta băng bó vết thương cho tôi, sau đó…

Ông Hòa rơm rớm nước mắt, nói trong xúc động:

- Sau đó, hắn móc trong người của hắn ra đưa cho ông mấy lon thịt hộp rồi nói: “Nếu chúng mình còn sống sau cuộc chiến này, thì hãy nhớ lấy kỷ niệm không bao giờ quên hôm nay mà kể lại cho con cháu nghe. Tôi là sinh viên Văn khoa Sài Gòn…”, rồi hắn đi. Ông trừng mắt nhìn theo, không hiểu điều gì vừa xảy ra, đúng không?

Ông Phú ngơ ngác, không hiểu sao ông sui gia lại biết câu chuyện bị thương của mình một cách tường tận đến thế. Vừa lúc, ông Tư Tấn - Chủ tịch xã lên tiếng:

- Này bác! Cái tay lính Việt Nam Cộng hòa ấy đang ngồi trước mặt bác đó! Chính bác Hòa, sui gia của bác chứ ai. Bác không nhận ra sao?  

Tưởng là chuyện bông đùa, mọi người đưa mắt nhìn Tư Tấn. Ông này chưa kịp nói lời giải thích thì Hai Hợi đã quay nhìn sang ông Hòa khi đó đang đưa tay lên lau những giọt nước mắt, nói:

- Tui xin lỗi bác Hòa, xin lỗi bà con. Trước đây, tui đã được nghe những cán bộ nguyên là lãnh đạo xã, cũng như bác Hòa nói về điều này nhưng tôi không tin, mà tin làm sao được cơ chứ. Mọi người nghĩ là bác Hòa vẽ ra để nhằm làm giảm nhẹ tội vì đã đi lính chống lại đồng bào mình… Nhưng hôm nay, có ông sui gia ngoài Bắc vô kể lại chuyện này thì tụi tui tin thiệt rồi. Đúng là anh sinh viên Văn khoa Lâm Thành Hòa là người không có tội ác với đồng bào, với đất nước mình. Không những thế, bác Hòa đây còn có một nghĩa cử cao đẹp là cứu một anh bộ đội giải phóng bên kia chiến tuyến. Thật là chuyện hi hữu.

Những người có mặt ở đó thấy thế ồ lên, bàn tán xôn xao và ai cũng cố len vào để nhìn cho rõ mặt hai ông sui gia một thời đã từng là kẻ thù của nhau, còn bây giờ họ đang sum họp trong một gia đình mà sự kết nối đó chính là đám cưới của hai đứa con sắp diễn ra vào ngày mai.

Ông Phú nhìn ông sui gia rồi đột ngột kêu lên:

- Ôi! Vậy ra chính ông là anh lính Việt Nam Cộng hòa ấy đấy phải không? Thảo nào, khi mới gặp, tôi cứ thấy ngờ ngợ. Trời ơi! đã mấy chục năm rồi còn gì… Anh sinh viên Văn khoa bị bắt đi lính đây rồi. Ân nhân cứu mạng của tôi đây rồi. Vừa nói, ông Phú vừa đứng dậy đi đến ôm riết lấy người ông Hòa. Ông Hòa đứng dậy, hai người cứ thế ôm chặt lấy nhau như không muốn rời xa, bàn tay họ vỗ vỗ lên vai nhau trông thật cảm động.

Tin vui truyền nhanh đi khắp nơi trong xã. Đàn ông, đàn bà, người già người trẻ đổ về xúm quanh hai ông sui gia. Tiếng nói, tiếng cười râm ran. Giọng ông Hòa run run:

- Thưa bà con. Vậy là tui và ông sui gia đã biết nhau từ trước đây rồi. Khi đó, ông Phú đây là chiến sỹ giải phóng quân bị thương nặng, lết vô được một cây rơm, tôi phát hiện ra, nhằm lúc tay toán trưởng mải cùng với nhóm lùng sục “xăm xoi” người dưới kênh, tui đã băng bó cho ông Phú giúp ông thoát chết. Chuyện này tôi đã kể cho vợ con và mấy đời lãnh đạo xã nghe nhưng chẳng ai chịu tin. Mà tin làm sao được kia chứ vì lúc đó chỉ có hai chúng tôi, lấy ai làm chứng? Hôm nay, câu chuyện của ông sui đã minh chứng cho lòng trong sáng của tui. Tui là sinh viên Văn khoa bị bắt quân dịch không có nợ máu với đồng bào. Tui thực sự sung sướng. Vui hơn nữa trời đất lại run rủi cho thằng Quý gặp con Hương nên duyên chồng vợ, để anh em tôi có cơ hội gặp lại nhau. Thật đúng là đại phước phải không bà con? Nào mời mọi người cùng nâng ly “Dô…”.  

Ông Phú cụng ly “chát” một cái với ông Trưởng ấp, rồi đứng dậy nói tiếp:

- Thưa bà con. Hôm đó ông Hòa đi một lúc rồi tôi vẫn còn thấy bàng hoàng, không tin nổi tại sao trong cuộc chiến khốc liệt này lại có những con người vẫn được coi là “kẻ thù” của nhau mà tốt với nhau như thế! Rất tiếc là tôi không kịp hỏi tên tuổi, quê quán của anh ta. Đêm đó tuy vết thương còn đau nhức nhưng tôi vẫn cố lết tìm đường trở về đơn vị. Tới gần sáng thì gặp được anh em trong đơn vị vào lấy xác đồng đội và tôi đã được cứu sống.

Ông Hòa đây có thể nói đã là người thứ hai sinh ra tôi. Chẳng những đã không báo chỉ huy giết chết tôi mà còn băng bó vết thương và cho thịt hộp để tôi bồi dưỡng sức khỏe. Nhờ có tấm lòng nhân đức ấy mà tôi thoát chết được trở lại đội ngũ chiến đấu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, rồi phục viên về quê cưới vợ, sinh ra cháu Quý đây.

Tôi ghi lòng tạc dạ cuộc gặp gỡ có một không hai với ông Hòa từ ngày ấy. Trong bom rơi đạn nổ của cuộc chiến tranh, thật tình tôi cũng không nghĩ là chúng tôi còn sống để gặp lại nhau. Nhưng trong thâm tâm, tôi luôn cầu mong cho người lính Việt Nam Cộng hòa tốt bụng ấy tránh được “mũi tên hòn đạn” để về đoàn tụ với gia đình. Ông trời đã có mắt cho chúng tôi được sống, được gặp lại và trở thành sui gia của nhau... Tôi biết ơn ông Hòa nhiều lắm, tôi cám ơn bà con.

Chứng kiến câu chuyện ân tình từ mấy chục năm về trước và những tình cảm của họ sau bao nhiêu năm gặp lại giữa hai ông bố, Quý - Hương ứa nước mắt. Từ trước đến nay họ đã từng nghe những câu chuyện cổ tích chiến tranh nhưng chỉ có trong phim ảnh, tiểu thuyết… Không ngờ hôm nay câu chuyện ấy lại xuất hiện ngay tại gia đình mình, giữa hai bậc sinh thành đã từng ở hai chiến tuyến khác nhau. Họ không vui sao được, nước mắt của họ là nước mắt của những niềm vui, niềm hạnh phúc.

 Những người trong đám tiệc cũng rân rấn nước mắt, họ cảm động về câu chuyện gặp mặt giữa hai người sui gia ở hai miền khác nhau, từng là kẻ thù của nhau nay lại sum họp trong một gia đình lớn.

Ông Hòa vui như chưa từng có, ông kêu vợ lấy thêm rượu ra tiếp khách. Ông đi lại lăng xăng, nói cười như một đứa trẻ nhỏ. Ông vui vì hạnh phúc của hai con, vui vì từ nay bà con xóm, ấp sẽ hiểu đúng về con người mình mà không nhìn ông với con mắt thành kiến, ác cảm như trước.

Ngay trong lúc đang nâng ly chúc tụng khách, ông đã vạch ra kế hoạch. Đó là, sau khi các con làm đám cưới xong, ông sẽ mời sui gia đi một tua du lịch về vùng đất mà cách nay mấy chục năm, họ đã gặp nhau và có với nhau kỷ niệm đáng trân trọng trong lửa khói của cuộc chiến tranh năm nào.

Niềm vui con cái nên duyên hạnh phúc, niềm vui ngày gặp mặt, khiến hai ông sui gia vui quá cỡ. Ông Phú giờ đây cũng như một chủ nhà thực thụ, ông đứng dậy cùng ông Hòa xăng xăng đi khắp các bàn cụng ly với mọi người. Khuôn mặt hai người tươi tắn, vui vẻ trẻ trung và nhanh nhẹn đến kỳ lạ.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm