TIN TỨC

Còn hương tình yêu nào ở lại cùng em

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-21 20:18:34
mail facebook google pos stwis
1421 lượt xem

TRÚC LINH LAN

(Đọc Nắng dắt mùa đi, thơ Hà Kim Quy, NXB Hội Nhà văn, 2022)
 

“Còn đêm nay nữa cuối cùng

Tay trong tay giữa ngập ngừng ở, đi

Thôi đừng dang díu làm chi

Thương nhau đi, ở… lỡ thì vẫn thương”

(trang 72)

Nhà thơ Hà Kim Quy quê Nam Định. Vài dòng thông tin ít ỏi về chị cùng với tập thơ đầu tay gồm 45 bài thơ phần lớn theo thể tự do không gò bó số câu số chữ…Một số bài nói về làng quê, về bà… rất cảm động. Đặc biệt những bài thơ nói về tình yêu gây ấn tượng bởi kết cấu cũng như xây dựng nhân vật trữ tình trong thơ cũng khá độc đáo, khác lạ. Nhà thơ Hà Kim Quy tuy tôi không quen, không biết mặt ngoài đời và cũng chưa lần đọc được thơ chị đăng đâu đó nhưng tôi cảm với tâm thế của một người làm thơ tìm ra cung thương đồng điệu. Xin lá bùa yêu làm con đò chữ nghĩa giải mã những câu thơ nghịch lý thú vị trong bài “Bùa yêu” và đi vào khu vườn đầy nắng, gió và đầy lá rụng để cùng nhà thơ nữ xinh đẹp này đi tìm “lá bùa yêu” khi mà nhà thơ hoang mang, rối rắm trước ngã rẽ cuộc tình: “Em chọn lối nào đi về phía anh/Khi nắng chiều rơi hoàng hôn rực cháy/Trong trăm ngả dọc ngang hoang hoải ấy/Biết lối nào thu

cất lá bùa yêu?” (Lối nào cất bùa yêu – tr.31). Một dấu chấm hỏi hàm ý trả lời, nếu biết thì nắng không dắt được mùa đi! Lá bùa yêu ấy vẫn còn bí mật từ những nghìn năm trước rồi. Các bậc tiền bối xưa vẫn loay hoay đi tìm “lá bùa yêu” ấy mà viết lên nghìn bài thơ tình diễm lệ. Tôi không có gì phải ngạc nhiên khi nàng thơ với những lời thú nhận ngọt ngào:

“Anh, mùa thu cho lòng em rạo rực

Xao xuyến, bâng khuâng khi gió lạnh sương chiều

Anh, bầu trời xanh dịu dàng trong trẻo

Để em gửi vào những khao khát thương yêu”

(Mùa anh- tr.14)

Hình như Nhà thơ Hà Kim Quy muốn làm một chứng nhân các cuộc tình, những chủ thể trong thơ có “anh” với một khu vườn tình ái, một cây tương tư và một người đàn bà ươm nắng cần mẫn siêng năng “Bên những mầm cây tình nhân”, của những đa đoan qua hình ảnh “người đàn bà xâu nỗi buồn thành thơ”; “Làm mẹ đơn thân/Chị như gió chông chênh/Đắng cay xâu thành chuổi hạt/Dệt vào thơ/Lung linh nỗi đời”; hay “Người đàn bà xây lâu đài thơ” trên căn gác nhỏ của mình. Và cứ thế nhà thơ quan sát tinh tế những cung bậc cảm xúc từ bao phía. Vậy phía nào là của chính mình để góp nhặt thành một tập thơ “Nắng dắt mùa đi”? Mùa này có phải là các mùa trong thiên nhiên không? Chúng ta khoan khám phá điều này mà hãy cùng tôi nhìn một hình ảnh thật lãng mạn, gợi cho bạn yêu thơ những liên tưởng những cảm nhận thú vị rất dễ thương:

Em gối đầu vào thơ anh trong giấc ngủ

Những con chữ

Chợt vang như những phím dương cầm

Phím nói lời yêu dịu ngọt êm đềm

Phím gợi nhớ thương thổn thức

Phím vang lên cung trầm

Như tan vào mê đắm

Phím của trái cấm mùa yêu”

(Đêm cài khuy xanh – tr.40)

“Những con chữ”, “Phím dương cầm|” như được nhà thơ thổi vào đó những cảm xúc dồn dập qua điệp từ đầu câu “phím nói…”; “phím gợi…”, “phím vang...” bao trùm lên ý thơ nghe được sự va chạm mãnh liệt của nỗi khát khao và độ rung của cung bậc trầm bổng, sự nhớ nhung khắc khoải ngân lên trong trái tim người đàn bà đang yêu “Như tan vào mê đắm”. Hình như nàng mơ đang lạc vào vườn địa đàng và bản nhạc nàng đang nghe trong giấc mơ được dạo lên từ “Phím của trái cấm tình yêu”. Để rồi khi:” Giấc mơ/Bốc hơi theo ngùn ngụt nắng” để lại trong lòng nhà thơ những tiếc nuối muốn níu kéo nhưng đã xa mất rồi. Tôi đọc bài thơ nhiều lần vẫn chưa hiểu hết ý của câu kết bài thơ cũng là tựa bài thơ “Đêm cài khuy xanh”. Có lẽ nàng tan theo phím đàn với những mê đắm cuồn cuộn dòng chảy của yêu viết lên ngôn từ, hình ảnh câu chữ mang tầng tầng ngữ nghĩa cảm xúc? Điều này làm cho thơ của Hà Kim Quy mở ra những liên tưởng bất ngờ thú vị chăng? làm tôi chợt nhớ câu nói của Philippe Bailey: “Ngọt ngào nhất là tình yêu, cay đắng nhất cũng là tình yêu”: nhưng nó ngọt khi nào? Đắng khi nào và trở thành ly rượu độc khi nào? Phụ nữ chúng ta chưa thấu đáo hết, vẫn hồn nhiên, ngây thơ một cách đáng yêu, hình như biết hết nhưng giả vờ không biết: “Em vẫn biết mùa thu không mãi mãi/Phía sau anh bao rét buốt đông về/Em vẫn biết một mai mùa đi hết/Ngọn lửa nào hong nổi giấc mơ?” (tr.14). Shakespeare đã đúc kết: “Phụ nữ yêu bằng đôi tai, còn đàn ông một khi đã yêu thì sẽ yêu bằng đôi mắt” Vì vậy biết rằng “Ly rượu tình yêu ngọt mà đắng/Hai người uống thì ngọt ngào, ba người uống thì chua cay. Còn tự nhiên uống thì ngộ độc” (Tao Xinhzhi) nhưng vẫn uống mới hay chứ! Tôi thấy người đàn bà trong thơ Hà Kim Quy như một bến chờ con thuyền quay về hay một sân ga chờ con tàu không bao giờ ghé lại!: nàng cứ thơ thẩn đi tìm “Mùa ngâu về sao em chẳng thấy/Giọt mưa nào tràn mi”; “Mây nhiều thế sao chẳng làm mưa nữa/Bắc nhịp cầu cho đôi lứa gần nhau”. Để rổi nàng băn khoăn: “ Hay Chức Nữ bây giờ về đâu/Liệu Ngưu Lang có thay lòng đổi dạ/Em chẳng hiểu vì sao lại thế/Có lẽ nào thu cũng khát mùa yêu?” nên tôi cảm thấy thú vị như nhà thơ Trần Mai Hường nói về mình:”Định cư ở lưng chừng trời”. Hình như các nhà thơ chúng ta đều thế nhỉ? Và cũng không ngạc nhiên khi nàng giải bày:

“Em thả nỗi buồn

                      bay thành ngôi sao xa xôi

Anh cứ mải mê tìm kiếm hoài

                      nỗi buồn em trên cát”

Nỗi buồn nàng thả bay lên thành ngôi sao đã cao ngút ngàn, còn chàng thì lại đi kiếm tìm trên cát. An ủi cho nàng là chàng có đi kiếm mà tìm trật địa chỉ, kết thúc cuộc tình thành hai đường thằng song song: “Nên suốt đời chẳng bao giờ có thể/ Bến bờ xa gặp mặt được tinh cầu…” (Lệ biển – tr.29). Nghe mà đứt ruột nhưng đành chịu thôi vì tình yêu nó lạ lắm. Nhà thơ tình Xuân Diệu đã đúc kết kinh nghiệm gửi bạn yêu thơ: “Yêu là chết trong lòng một ít/Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/Cho rất nhiều song nhận được bao nhiêu/Người ta phụ bạc hoặc thờ ơ không biết”. Tôi tâm đắc với điều mà nàng thơ đã hiểu ra: “Có bao nhiêu ngả con đường/Ai người gặp được yêu thương trong đời?/Thế gian hơn bảy tỉ người/Chiều nay chẳng có ai cười với tôi” (Chạm – tr.49)… Đọc bài thơ Bức Tường của chị, tôi rất thích, chị so sánh:

Đàn bà như bức tranh

Treo trên bức tường cuộc đời

Dù buồn hay vui      

               bức tranh lúc nào cũng đẹp

Chiếc đinh hiểu nỗi đau âm thầm của bức tường

Nhói buốt”

Người đàn bà trong thơ Hà Kim Quy dịu dàng, đôn hậu, khoan  dung và chung thủy: “Biết mùa thu sẽ ngập ngừng qua hết/Cũng như anh chẳng thể quay về/Tình em cứ rộn ràng bờ bãi/Trải lòng vàng dang díu một đời mê” (Mùa anh – tr.15) chị trách cứ nhẹ nhàng, luôn tìm nguyên nhân không gian thời gian để tha thứ và tự giải mã cho mình mọi ẩn số cô đơn, khắc khoải cả sự thấu hiểu tận cùng mọi nỗi đau xung quanh mình, trái tim mình, buồn nhưng không bi lụy, than thở, vẫn tự tin, vẫn kiêu hãnh là chính mình. Zayn Mailk đã nói gì nhỉ? “Bạn chưa tìm được hoàng tử không có nghĩa bạn không phải là một công chúa”. Tôi thích phong cách này của chị. “Có thể anh đến hoặc không đến/Em vẫn lăn hạt đi qua mùa thương nhớ/Mong ngày tái sinh gặp gỡ/hạt lại nứt vỏ, nảy mầm yêu” (Chuỗi ngọc tình yêu – tr.90)… “Cách ví von của nhà thơ nữ này rất tinh tế nàng là nắng, mưa, cuồng phong…Nắng sẽ mất dần đi khi đêm về, mưa rồi sẽ tạnh, cuồng phong rồi sẽ tan…Không ai cầm được nắng, mưa hay gió bão. Riêng chàng lại là tờ lịch cuối, xếp vào nàng tháng ngày rồi khi chẳng còn tờ lịch cũ trong lòng nàng vẫn là chiếc lá thắm đậu vào lòng đất em vẹn nguyên….Tôi đọc khá nhiều tập thơ của các nhà thơ nữ, thường nói về nỗi nhớ, chờ mong, cô đơn, trách móc của chủ thể trữ tình là “nàng”. Riêng nhà thơ Hà Kim Quy lại có những bài thơ mang tâm trạng nhân vật trữ tình là “anh”. Tôi trộm nghĩ nhà thơ muốn thử đổi giới tính hay sao? Nhưng tôi chợt nhớ lời dẫn của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm của ba học giả Mỹ: Sylvan Barnet, Marten Berman, William Burto nhận định về thơ trữ tình: “Thơ là nhu cầu tâm sự với chính mình những lúc cô đơn. Cho nên đọc thơ là nghe trộm nhà thơ nói với chính mình”. Tôi đang nghe trộm nàng thơ Hà Kim Quy thì thầm: đâu phải chỉ có phái đẹp mình biết buồn, nhớ… vì yêu đâu nghen, các ông cũng tương tư, thất tình, cũng cô đơn đâu thua gì bọn đàn bà chúng mình, vì mình là một nửa làm đầy thế giới thế, làm vầng trăng khuyết lại tròn đầy…Thế là nàng thơ dẫn ra một loạt làm minh chứng, thật sảng khoái khi đọc câu thơ ta hình dung một gã đàn ông thất tình ngồi ở bến sông

Có nhà phê bình trẻ đã nhận định rằng: “Tình yêu là bến đỗ bình yên của phụ nữ. Bởi phụ nữ sinh ra là để yêu” (Nguyễn Văn Hòa – Mạch đời chảy mãi –tr.90). Tôi nhìn thấy các nụ cười tươi rói của các nàng đi qua trang thơ. Cài một bông cúc họa mi lên mái tóc lắng nghe: “Có phải em – thiên sứ của mùa đông/Chẳng cất tiếng mà sao nghe thánh thót/Chỉ gọi tên đã ngân nga từng giọt/Từng giọt thả vào ấm áp cả mùa đông”(Những nốt nhạc mùa đông – tr.93) Ôi ngọt ngào quá đỗi: “Em là câu kinh/xuyên qua đời tôi rửa sạch bụi trần/Lòng tôi hóa thành hạt mưa trong vắt” Nàng cảm thấy mình quan trọng nha: “Em chợt đến vội vàng như cơn gió/Thổi hồn tôi – chiếc lá nhỏ trên cành/Những yêu thương bừng nhen rồi ở lại/Cây trào dâng nhựa sống mong manh” và thương nhất là câu này: “Đừng vô tình làm cây đau thêm nữa/Để lá vàng thanh thản tự nhiên rơi”. Đôi lúc cho chàng cảm giác chờ đợi cũng là hạnh phúc: “Em có đến như là em đã hứa? Phía trời kia ai ngóng đợi ta về? (Vu vơ – tr.77): “Phía không em cứ bồi hồi trăn trở/Bằng lăng tím hoài/thương nhớ phía người đi”…Khi tiễn nàng đi lấy chồng: “Nhắc về người ấy sang sông

Mang theo cả mối tình không bến bờ

Anh ngồi nhặt những vần thơ

Đợi em đến để giải bùa kiếp sau”

(Bùa yêu – tr.13)

Đợi kiếp sau chắc hơi lâu. Mà kiếp sau chưa chắc gì gặp lại nên mang yếu tố mộng ảo phù du. À thì ra nàng hay chàng nỗi khắc khoải, hay nhớ nhung không kém nhau đâu. Rồi họ sẽ tìm gặp nhau thôi: “Phiến đêm giàn giụa hơi sương/Hồn ta chạm phải cô đơn một người” (Chạm- tr.49). Để cả hai tâm hồn cô đơn cùng nhìn về một hướng biết trân trọng nâng niu nắm lấy thời gian ngắn ngủi: “Chỉ còn lại một ngày/Như ngàn năm đã hẹn/Có một ngày/ Mây núi ở trong nhau” (Thơ tình của núi – tr.85). Có chàng hát du ca cho nàng nghe, cùng đón bình minh tới…để nhận sự ấm áp khi ta bắt gặp hình ảnh hai người nắm tay nhau đi qua cánh đồng băng giá hay một người đàn bà nhỏ xinh bên những mầm cây tình nhân: “Em gieo hạt đợi hoa nhắc anh về”. Yêu thế không biết! Không cần đợi đến kiếp sau. Kiếp này có nàng đến để giải bùa rồi.

    Tôi bước ra khỏi khu vườn thơ còn nuối tiếc vì chưa tìm ra chỗ cất bùa yêu và còn nhiều bài thơ mình chưa đọc hết, tôi dành để lại cho “một nửa mùa thu làm lấy”. Tờ lịch cuối của tháng tám rơi rồi. Mùa thu đang dần đến lên từng chiếc lá vàng rơi. Tập thơ “Nắng dắt mùa đi” của Hà Kim Quy, chị nói rất nhiều về mùa thu, về tình yêu bằng ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc, hình ảnh, trong sáng, tinh tế. Mỗi bài thơ là một chiếc lá thu mang linh hồn riêng rất kiêu hãnh, tự tin cũng rất dịu dàng. Tuy tập thơ đầu tay nhưng tôi tin khi đi hết khu vườn thơ của chị bạn yêu thơ cảm thấy ngọt và say.

“Em sợ một ngày nỗi nhớ ngủ quên

Ta chẳng nhớ nổi tên mình được nữa

Nỗi nhớ có bay đi mất

Còn hương tình yêu nào ở lại cùng em?

(Điều gì ở lại – tr.65)

Tôi tin rằng hương tình yêu trong “Nắng dắt mùa đi” của nhà thơ nữ Hà Kim Quy sẽ ở lại với bạn yêu thơ. Vì nhà thơ Xuân Diệu trong “Bài thơ tuổi nhỏ” đã nói với chúng ta: “Làm sao sống được mà không yêu/Không nhớ không thương một kẻ nào”.

2/9/2022

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm
Trò Chuyện Với Thiên Thần – Những Tai Họa Thế Giới & Giấc mơ Việt Nam
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ (TCVTT/ Trương Văn Dân)
Xem thêm
Thi ca đương đại nhìn từ hệ hình nghệ thuật và chất suy tưởng của thơ
Sáng ngày 12.02.2025 tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Dưới đây là tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Xem thêm
Tôi đọc bài thơ Đừng sợ một mình của thi sĩ Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo và thơ ông đã sớm là “tín ngưỡng” đẹp nhất trong lòng của những người yêu thơ, quý chữ nghĩa chân chính. Từ thời còn trên giảng đường đại học, tôi đã từng nghe thầy tôi đọc những câu thơ trong trường ca Đất nước hình tia chớp. Từ đó, tôi bắt đầu săn sóc sự học, sự đọc về thơ ông.
Xem thêm
Hoàng đế Quang Trung, danh tướng bách chiến bách thắng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hiếm có một anh hùng nào như Hoàng đế Quang Trung, xuất thân áo vải, cả đời chinh chiến, danh vang bốn biển, đánh giặc lập nước, tôn vinh văn hiến, khuyến học khuyến tài, những bậc quốc sĩ danh thần cảm phục uy danh mà theo về giúp rập. Đặc biệt, trong hai lần đại phá quân Xiêm La và quân Thanh, ông đã bằng vào tài năng quân sự thiên bẩm của mình, đánh cho lũ giặc phía Nam, phía Bắc phải kinh hồn táng đởm. Ông từng hào sảng tuyên ngôn trong Chiếu xuất quân khích lệ tướng sĩ khi hành binh ra Bắc Hà đánh tan 29 vạn quân Thanh
Xem thêm
Mùa Xuân trong thơ Dương Xuân Linh
Bài viết của nhà thơ Phùng Hiệu
Xem thêm
Xuân về, đọc thơ Trương Nam Hương
Tuấn Trần viết về tập thơ “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương
Xem thêm
Tình yêu bển đảo trong thơ Lê Tiến Lợi
Nhà thơ Lê Tiến Mợi là một trong những người gắn bó lâu năm với nghiệp văn chương. Anh đã có số lượng tác phẩm khá lớn, trong đó một số sáng tác của anh đã chiếm được cảm tình của người đọc. Sau đây xin trân trọng gửi tới Ban Biên tập Văn chương thành phố Hồ Chí Minh bài viết về tình yêu biển đảo trong thơ anh. Xin chân thành cảm ơn Ban Biên tập khi được cộng tác với Văn chương thành phố Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Mảnh trăng tinh tấn hàng cau trổ buồng
Cảm nhận về tập thơ SỰ MẤT NGỦ CỦA LỬA của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm