TIN TỨC
  • Truyện
  • Ngọc ngọ || Truyện ngắn Trịnh Tuyên

Ngọc ngọ || Truyện ngắn Trịnh Tuyên

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-03-20 17:34:51
mail facebook google pos stwis
961 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Sáng chủ nhật, tôi đến thăm hắn ở Bệnh viện Ung bướu. Thân hình hắn chỉ còn da bọc xương, nằm ngửa trên giường, phồng lên khối u ác tính thâm sì như quả mít chín. Cái sống mũi khoằm, cái cằm nhọn vễnh lên, da mặt đã vàng ủng như màu trứng ung. Trời ơi! Mới  đầu năm ngoái, vào nhà, thấy hắn vẫn đang còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn,  tay lăm lăm cầm dao nhọn chọc cổ con ngựa già làm món tiết canh đãi tôi, vậy mà hôm nay đã xuống sức thê thảm đến thế này rồi sao?

- Chú Thực! Vào viện từ bao giờ thế? Mãi hôm qua anh mới nghe người ta nói, tranh thủ vào thăm chú. Tôi ngồi xuống cạnh, ân cần. Thằng Thực còn nhận ra tôi. Đôi mắt màu trắng đục như cặn nước vo gạo, lờ đờ nháo lên, mệt mỏi, vô vọng trân trân như đang nhìn về cõi khác rồi.

- Anh Thanh! Ai nói mà anh biết vào thăm em? Em  mới hơn hai tháng nay thôi anh ạ. Không ngờ chứng ung thư xương di căn nó nhanh đến thế... Thì ra hắn bị ung thư xương di căn sang  gan, xuống thận. Xem ra, bệnh của hắn đã đến giai đoạn cuối, hết phương cứu chữa nữa rồi…

*

Đầu năm ngoái, thằng Thực gọi điện, bảo tôi vào nhà hắn ăn tiết canh ngựa. Tôi vốn không phải dân nhậu, nhưng bạn bè quý mến, mỗi khi có món ngon thường hay nhắn gọi. Tiết canh ngựa? Đúng là món này tôi chưa ăn và cũng chưa thấy bao giờ.

Thì ra, thằng Thuần, em nó vừa mới đưa từ dưới thành phố lên một con ngựa màu nâu tía. Nó đã già lắm rồi, gầy giơ xương, lông, bờm vón cục lại từng mảng bám chặt vào lớp da mốc meo, khô cứng như mo nang. Chứng tỏ đã lâu, nó không còn được chủ chăm sóc. Nó đứng cúi đầu, ủ rũ ngoài gốc cây nhãn, dáng vẻ buồn bã, thi thoảng lại gõ móng xuống đất như đang đếm cái gì đó. Có lẽ nó biết sắp bị kết liễu cuộc đời nên gõ móng, nhẩm tính những năm tháng nhọc nhằn khốn khổ và phút giâysắp kết liễu của kiếp ngựa chăng?

Tôi nhìn thấy ngoài thằng Thực, còn thêm mấy thằng nữa, toàn tay bặm trợn. Thấy tôi vào, Thực có vẻ mừng. Hắn bảo, hôm nay em đãi Nhà thơ món tiết canh ngựa, ngon hết sẩy, cứ gọi là ăn xả láng!
Thằng Thực nổi tiếng về ăn món tiết canh. Một mình hắn có thể ăn một lèo dăm bảy bát. Đã có lần tôi nhìn thấy hắn ăn tiết canh lợn. Cánh tay dài như tay vượn của hắn khua đũa soàn soạt. Chỉ lúc sau, trên mâm, xếp đến gần chục cái bát sứ Hải Dương đỏ lòm những máu. Người hắn to cao, mặt hùm tay vượn, nặng có dễ đến bảy tám chục ký. Có một lần hắn đi ăn tiết canh, về đến sân nhà nôn thốc nôn tháo. Con vợ chạy ra nhìn thấy một đống đỏ lòm lòm, tưởng chồng bị xuất huyết dạ dày, hoảng hốt gọi mấy đứa em đưa đi Bệnh viện Đa khoa huyện cấp cứu. Đến nơi, hắn nằm im, giống như chết. Bác sỹ vội đến thăm khám, thấy tim mạch ổn định, huyết áp bình thường, da dẻ hồng hào, bụng ấm, làm sao mà xuất huyết? Đến gần sáng, một bác sỹ nữ  trực ca đêm, đến đo huyết áp, thấy cái “của quý” của hắn cứ vổng lên nhấp nhô theo nhịp thở,  hoảng hồn, vội bỏ ống tai nghe xuống, nói với vợ hắn là đưa ngay bệnh nhân về nhà mà “cấp cứu” là vừa!
Thằng Thực giới thiệu với em nó, nói tôi là Nhà thơ nổi tiếng. Thằng Thuần có vẻ kính nể, nói giọng thao thao:
- Ở thành phố bây giờ phong trào làm thơ sôi nổi lắm bác ạ! Vừa rồi thành phố em lại mới lập ra “Hội những người yêu thơ faceboook”.  Phường em có 200 cụ về hưu, thì đã có hơn trăm cụ vào Hội thơ rồi. Em cũng tham gia làm hội viên và đã  làm mấy chục bài thơ, trong đó có một bài thơ về “Con ngựa già”, hay và cảm động lắm!
- Chú làm thơ về con ngựa đang buộc ngoài gốc nhãn ấy à?
- Vâng! Nó đấy. Đi nước kiệu hay lắm! Cái thời nhà em khó khăn, không có nó, đói rã họng.
Thế là từ chuyện thơ, thằng Thuần kể cho tôi về con ngựa già đang buộc ở gốc cây nhãn chờ chọc tiết.

Trong lúc ngồi chờ món tiết canh, tôi chăm chú lắng nghe thằng Thuần kể chuyện, định bụng cũng sẽ lập tứ, viết một bài thơ về con ngựa già. Nhìn cảnh con ngựa già chuẩn bị chọc tiết, tự nhiên tôi thấy lòng mình rưng rưng cảm xúc. Ôi, kiếp con ngựa kéo cũng có khác chi kiếp người lao động? Cũng đội nắng phơi sương, cần cù khó nhọc. Tứ thơ bắt đầu hình thành, nhưng tôi phải dừng cảm xúc lại để nghe vì thằng Thuần kể nhiều chuyện rất hay về con ngựa già. Chuyện nó kể thì nhiều, nhưng tóm lại là con ngựa này đã đồng hành với gia đình nhà nó trọn một đời ngựa, làm ra bao nhiêu tiền của để vợ chồng hắn nuôi hai đứa con học xong đại học, lại còn xây được một ngôi nhà 2 tầng khang trang ngay ngã tư thành phố.

Trong câu chuyện, nó kể, có một lần con ngựa nhà nó bị kẻ gian cắt gióng dắt trộm. Cả nhà nó khóc lóc kêu than còn hơn cha chết. Không còn ngựa, lấy gì kéo xe? Sáng ra nhìn thấy cái xe kéo để ở trước sân không có ngựa mà xót xa căm giận kẻ tàn ác bất nhân. Đận này thì cả nhà ra đầu phố đứng mà ăn mày là cái chắc! Ấy thế mà đận ấy, con ngựa bỏ trốn được lũ trộm cắp mà tìm về nhà được mới tài! Con ngựa bị mất trộm đã hơn một tháng, cả nhà hắn đinh ninh coi như con ngựa đã mất thì nửa đêm hôm đó, thằng Thuần tả, vợ chồng hắn đang nửa thức nửa ngủ, bỗng nghe có tiếng gõ móng cộc cộc ngoài sân. Hai vợ chồng vội vàng mở cửa, thì trời ơi! Con ngựa đang đứng ở giữa sân, cúi đầu đợi chủ. Vợ hắn ôm lấy đầu con ngựa vào lòng bật khóc hu hu. Ở mõm con ngựa, máu tươi còn chảy ròng ròng. Hóa ra nó đã giật đứt dây cương tìm đường về nhà với chủ cũ. Đêm hôm ấy, vợ chồng hắn ôm chăn ra tàu ngủ với ngựa. Sợ quá, biết đâu, nhỡ bọn kẻ cắp lại lần theo, rắp tâm trộm lần nữa? Con ngựa này kéo xe cực khỏe, mấy chục năm, xương cốt thuộc dạng vô địch. Nhưng rồi cũng như con người, làm sao trường mạnh mãi? Con ngựa cũng thế, mấy năm nay, cứ xuống sức dần, không còn kéo xe được nữa. Dưới thành phố chật chội, với lại nó không còn làm ra tiền, lấy gì để nuôi? Em đành đưa lên cho ông anh ngả thịt, bán được đồng nào thì bán, chủ yếu lấy bộ cốt nấu cao. Con ngựa đã trên ba chục tuổi. Ngựa càng già, cao càng tốt, bác ạ!
 Có tiếng ồn ào bên ngoài. Tôi thò cổ ngó ra, bọn chúng đang chuẩn bị hành quyết con ngựa già. Tôi bỏ dở câu chuyện với thằng Thuần, bước ra sân, chứng kiến một màn bi kịch, đẫm máu.
 Thằng Thao lấy một băng vải đen bịt mắt con ngựa già giống như người ta bịt mắt tù nhân khi xử tử. Mục đích để nó khỏi nhìn thấy cho dễ hành quyết. Con ngựa già vẫn thản nhiên như không. Nó hoàn toàn tin tưởng ở chủ nó, cứ tưởng như những lần chủ bịt mắt để nó khỏi sợ khi kéo xe qua đoạn cầu gập ghềnh nguy hiểm. Nhưng nó đã lầm! Lần bịt mắt này thì không! Người ta bịt mắt để dắt nó về trình báo Diêm Vương. Thằng Thực cầm một cái đinh sắt dài đến 20cm đặt ngay giữa chủm đầu con ngựa, thằng Tèo quai búa.
 “Bụp”! Cái đinh sắt ngập đến tận mũ. Con ngựa già rùng mình. Nó rùng mình không phải như con ngựa chiến nhún chân nhảy qua cầu cứu chủ trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa. Nó không thể nghĩ xa hơn vì não bộ của nó đã bị phá nát và tê liệt rồi. Nó cố rướn người lên nhưng không nổi. Nó chỉ nấc nấc lên vài cái rồi từ từ đổ kềnh, 4 cái chân đã được tháo móng sắt đạp đạp khua khua vào không khí như chạy trốn. Nhưng nó đã già yếu, lại bị đóng đinh vào đầu, thoát làm sao được!
Thế là hết kiếp ngựa! Ăn đứng, ngủ đứng, bây giờ thì vĩnh viễn nằm!
Con ngựa nằm thẳng đừ. Tranh thủ khi trong huyết quản nó máu còn chưa đông, thằng Thực cầm một con dao nhọn, sắc lẹm, dài đến 60cm, nhằm yết hầu con ngựa già chọc ngược thấu tim.
Thằng Mậu bưng cái chậu to, thằng Thi bưng chậu nhỏ hứng tiết.
- Hứng nhanh! - Thằng Thực quát.
Máu con ngựa già phun ra ồng ộc, đầy cả hai cái chậu.
Mấy thằng thay nhau dùng đũa khoắng liên tục vào cái chậu nhỏ để cho máu không đông. Trong hai cái chậu, từng lớp bọt màu hồng đỏ  ngầu lên.
Cả bọn vào cuộc. Thằng lột da, thằng tìm kiếm gia vị, thằng đốt lửa lấy than, sẵn sàng cho món thịt ngựa nướng. Khi thằng Mậu cắt rời cái đầu con ngựa và tháo băng vải bịt mắt nó ra, hai mắt cứ trợn trừng trừng, xung quanh cái viền trắng còn dư lại những giọt nước lóng lánh như là nước mắt. Con ngựa già đã khóc chăng?
Thằng Thực nói nhỏ vào tai tôi:
- Bác có biết trong con ngựa đực, quý nhất là cái gì không?
- Tôi chịu!
- Ba tháng nữa bác vô em nhé! Rồi bác sẽ biết giá trị của món “ngọc ngọ” như thế nào!
Tôi lờ mờ đoán chắc là dái ngựa ngâm rượu. “Ngọc” là ngọc hành, còn “ngọ”, thì ai chẳng biết là ngựa?
Lum sum khoảng một tiếng, mọi việc tạm gác lại, cả bọn rửa tay qua loa rồi cùng ngồi vào mâm.
Quả là tôi phải thán phục tài năng bếp núc của thằng Thực. Nó bảo, nó có thể làm được 7 món từ thịt ngựa. Nhưng hôm nay không có thời gian, tạm ra mắt mấy món thôi: Thịt ngựa nướng, gan ngựa chiên, bít-tết ngựa và cái món cả bọn háo hức là tiết canh ngựa.

Xưa nay tôi vẫn thích món tiết canh, nhưng là tiết canh vịt, ăn vừa ngọt vừa “mát”. Nhưng lần này, nâng bát tiết ngựa trên tay, tự nhiên tay tôi cứ run run, cảm giác như ngửi thấy mùi mồ hôi của nó phảng phất đâu đây. Mùi mồ hôi nồng nồng mằn mặn y hệt mồ hôi những người dân lao động quanh xóm tôi mỗi khi đi làm đồng về, tôi cùng ngồi với họ, uống với nhau cốc nước chè xanh. Đúng rồi! Kiếp người lao động cũng lận đận lao đao, một sương hai nắng, dầm dãi nắng mưa có khác chi kiếp con ngựa già? Một đời trung thành với chủ, đến khi về già, cũng chẳng thoát được cái kết cục bi thảm. Mùi máu tanh tanh lờm lợm bốc lên. Tôi sây sẩm mặt mày chậm chực buồn nôn.
“Choang!”. Bát tiết trên tay tôi rơi xuống nền gạch men trắng tóe ra đỏ lòm. Máu! Máu! Máu ở đâu thế này? Tôi loạng choạng đứng dậy, tay víu vào thành ghế sô-pha, cố nhịn để không nôn ói ra ngay tại mâm cơm. Tôi nói dối là có dấu hiệu lên cơn hen suyễn phải về nhà uống thuốc, mong mọi người thông cảm. Mắt tôi mờ đi, trước mặt nhấp nhô những cái đầu người đen nhẫy như lũ quỷ, những cánh tay nâng lên hạ xuống, khua khoắng vào những cái bát đỏ lòm những máu.

Phải đến gần nửa năm, sau cái ngày con ngựa già bị thằng Thực và lũ đồng bọn của hắn hành quyết, có việc đi qua nhà hắn, tôi mới ghé vào. Thấy tôi, hắn hớn hở, bảo, bác vào đúng lúc quá! Em đã định khui bình rượu quý từ tối qua rồi. Vừa nhắc đến tên bác, nay có mặt ngay. Thiêng thật!

Vợ hắn đi viện vì bệnh tiểu đường biến chứng. Hai đứa con gái đi làm xa, còn mình hắn ở nhà với 3 sào ruộng, với một đàn gà vịt kêu quang quác sau nhà. Hắn vào buồng bê bình ngọc ngọ ra, hạ trước mặt tôi. Bình rượu ngâm đã qua năm sáu tháng, hai quả ngọc hoàn của con ngựa già khốn khổ đã ngấm và tan trong rượu tạo thành một thứ nước đục như sữa. Loay hoay một lúc, hắn mới mở được bình rượu. Hắn thận trọng múc ra hai chén.

- Nếm thử  bác! Đời người ngoảnh đi ngoảnh lại, chưa chi đã già. Độ này em nằm đêm khó ngủ mà hai bên thắt lưng cứ buôn buốt. Thận yếu rồi! Uống hết bình này, may ra cải thiện được tí chút không?

Tôi nâng chén lên, định bụng nhấp chút cho vừa lòng hắn, nhưng vừa đưa lên đã thấy mùi tanh lợm xộc lên.

- Nhường chú! Tôi không quen uống loại rượu ngâm này.  

- Để em thay loại khác! - Thực đứng dậy, vào nhà lấy chai rượu nếp đặt trước mặt tôi, rồi hấp tấp đi ra vườn sau, bảo hái vài quả dưa chuột vào chấm muối ớt. Lúc hắn đi vào, sao tự nhiên hôm nay tôi thấy lưng hắn còng hẳn xuống, mái tóc khô bạc, rũ trên vầng trán đầy nếp nhăn...

Tôi cứ tưởng uống hết bình “ngọc ngọ” ấy và vài ba lạng cao ngựa già, sức khỏe hắn sẽ bình phục trở lại, chứ có ai ngờ sức khỏe của hắn xuống cấp nhanh đến mức không ngờ. Tôi ái ngại  nhìn cái bụng phập phồng theo hơi thở đứt đoạn của hắn như bụng ễnh ương, đôi bàn tay  mới ngày nào còn hăm hở cầm dao chọc tiết con ngựa già, nay gồ ghề những đốt xương rời rạc, không còn sinh khí, móc ví đưa cho hắn tờ 500 ngàn, bảo biếu chú bổ sung thêm thuốc thang, còn nước còn tát, chú cứ phải vững tinh thần mà điều trị. Hắn ứa nước mắt nhìn tôi, muốn gật đầu nhưng cổ đã cứng đơ bởi các tế bào ung thư đã tấn công đến mấy đốt sống cổ của hắn rồi. Hắn thều thào:

- Anh ơi! Bình ngọc ngọ, em mới uống hết non nửa thôi mà đã bị ra nông nỗi này. Thằng Thuần em ruột em, chú ấy cũng dính chứng bệnh giống hệt như em. Xem ra, họ nhà em có nòi ung thư rồi. Đêm nào em cũng mơ thấy con ngựa già hiện về đòi hai hòn ngọc của nó. Cũng có thể là anh em nhà em bị con ngựa ấy báo ứng. Anh bảo, nó đã giật đứt dây cương, tìm đường về với chủ cũ mà lúc về già, chủ nỡ tâm lột da mổ thịt… Thằng Thực khóc, nước mắt hắn ứa ra, đục như nước gạo, như rượu trong bình ngọc ngọ hôm hắn bê ra trước mặt tôi…

Trên đường về, hình ảnh thằng Thực nằm ngửa trên giường, cái bụng mỗi ngày một phồng to, bình “ngọc ngọ” ngâm hai hòn dái ngựa như hai quả trứng ngỗng màu trắng như sữa và hình dáng con ngựa già đứng ủ rũ dưới gốc cây nhãn, đôi mắt ướt buồn rười rượi của nó cứ ám ảnh tôi không sao dứt ra được.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm