- Bút ký - Tạp văn
- Cửa bể Cần Giờ | Bút ký của Nguyễn Minh Ngọc
Cửa bể Cần Giờ | Bút ký của Nguyễn Minh Ngọc
Kết thúc trại sáng tác của Liên hiệp các Hội VHNT Thành phố Hồ Chí Minh, tôi xách theo chùm mầm đước to bằng ngón tay trỏ, dài chừng 25 cm, dính chút sình non của mênh mang rừng Sác, về làm kỷ niệm. Nói chính xác là mấy trái đước cong thuôn, màu xam xám, đầu to rễ đâm tua tủa, đầu nhỏ vót như mũi dùi đỏ sậm, quéo về một phía, rất điệu. Trái nẩy mầm trên cây, khi rụng thì đầu nặng xuống trước, cắm vào bùn hoặc đất nhão. Giả dụ có rơi ngang hay rơi ngửa thì rồi nó vẫn tự xoay trở bám đất, bắt rễ, ngoi lên đứng thẳng tốt tươi mà chẳng cần một sự trợ giúp nào. Kiên cường và độc lập, đước mang cốt cách của người quân tử, thanh tao, mà cứng cỏi biết nhường nào. Cây nọ nối tiếp cây kia, chen vai thích cánh mà lên xanh, nhưng không hề chèn ép, lướt át nhau, mà chỉ lấn sông lấn biển. Hiếm khi đước mọc cô lẻ, cây nọ nương vào cây kia, cứ thế chúng sinh sôi, nẩy nở, bộ rễ chân nơm bám sâu vào lòng đất, giữ và bồi đắp phù sa, tạo nên cả cánh rừng bạt ngàn đưa màu xanh tràn ra tận mí nước.
*
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc trên tàu ra ấp Thiềng Liềng
Cả đoàn di chuyển về Lăng Ông Thủy tướng. Mải mê ngắm mô hình chiếc thuyền xưa và chiếc tĩn đựng mắm, cái lu nước bằng sành bóng láng, những vật dụng lâu đời của ngư dân thủa nào, lòng tôi ắp đầy sự ngưỡng mộ các bậc tiền nhân đã có công mở cõi và giữ đất đai cho muôn đời con cháu mai sau.
Từ bến tàu Tắc Suất mỗi ngày có 2 chuyến đi và 2 chuyến về nối thị trấn Cần Thạnh với Thiềng Liềng, một trong ba ấp của xã đảo Thạnh An. Buổi sớm tinh khôi, chiếc tàu vỏ gỗ lượn giữa mênh mang sông nước, hai bên bạt ngàn đước, tầng thấp rồi tầng cao, đước nối nhau xanh miên man, quyến rũ.
Cái tên ấp gợi về thủa khai thiên lập địa. Theo các nhà tự điển có uy tín, Thiềng Liềng là từ khá cổ còn được lưu giữ trong phương ngữ Nam bộ, đọc theo âm Hán - Việt là “Thành Linh”, nói tắt của cụm từ “tâm thành tác linh”. Có lẽ đây không chỉ là một địa danh đơn thuần, mà còn như một lời nhắc nhở về phương cách sống và đối nhân xử thế.
Vòng vèo mất non tiếng đồng hồ. Lên bờ, gặp nhà dân ken thành một dãy dài ven rạch. Ở cận bến tàu là những hộ chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản. Mấy người đàn ông mải mốt phơi một dãy “rập xếp”, dụng cụ bắt cá, tôm, mực… dài cỡ 4-5m.
Lên bờ, cận bến tàu bên phía tay mặt là dãy nhà thấp, chạy dài ven rạch. Các hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy sản tập trung ở đây. Mấy người đàn ông lúi húi phơi một dãy “rập xếp”, dụng cụ bắt cá, tôm, mực… dài chừng 4-5m. Vài người đàn bà túm tụm vãn chuyện bên chậu ớt quả tím rịm. Ấp đảo bình yên đến lạ, nhà cửa không khóa bao giờ.
Toàn ấp hiện có 6 tổ nhân dân, gồm 243 nóc gia với hơn 900 nhân khẩu. Trong số này số hộ diêm dân chiếm tới 70%. Đây là vùng quy hoạch muối của thành phố, vựa muối Cần Giờ. Vụ muối chỉ diễn ra trong 6 tháng mùa khô, từ tháng 10 năm trước, đến tháng 4 năm sau. Khi chúng tôi đến, cánh đồng muối vào kỳ “nghỉ xả” cạn trơ, đây đó, từng cuộn vải bạt được xếp gọn quanh bờ. Ấp đảo có 390 ha đất sản xuất muối, vụ mùa năm 2023 đạt 17 nghìn tấn, cao hơn năm trước 3 nghìn tấn. Giá bán hiện ở mức 2.200 đồng một ký, là giá cao nhất từ trước đến nay, nên diêm dân phấn khởi. Xong vụ muối, khi mùa mưa đến, bà con chuyển sang nuôi các loại tôm, cua...
Nắng rắc rây trên đám dừa nước ong óng xanh, đem lại cảm giác trong lành, thanh sạch, dẫu dưới gốc bùn đen sệt. Dọc con đường bê tông, rộng chừng 1,2m, những ngôi nhà thấp thoáng giữa um tùm cây trái. Nào ổi, nào xoài, rồi từng chùm quả siro đỏ chon chót. Hàng so đũa lấp ló dâng quả như chào mời. Bên thẻo ruộng cạn, mơn mởn vạt rau dút non, ngỡ là cây xấu hổ, mới đụng là cánh lá khép lại thật nhanh. Hái lên mấy đọt, mềm oặt như sợi bún tưởng có thể ăn ngay được.
Nói đến Cần Giờ là nói đến rừng Sác, vùng đất cổ xưa. Theo sách “Gia Định thành thông chí” thì đầu thế kỷ XIX, Cần Giờ thuộc tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Tổng Dương Hòa có 74 thôn ấp. Về địa danh Rừng Sác, sách chép: “Từ Tam Giang Nhà Bè, xuống phía đông đến cửa Cần Giờ, phía bắc đến cửa Tắc Ký, phía tây đến Ký Giang, trong khoảng ấy có đến trăm ngàn cồn bãi, các bãi ấy đều có rừng chằm cả. Cây ở đó gọi là cây dà, đước, sú, vẹt và những cây tạp khác, rừng xanh cây rậm, tán nhánh giao nhau, che kín mặt trời. Người ta dùng những cây ấy để làm nhà cửa, rào giậu, cột cọc, than củi, không ngày nào ngớt. Còn hải sản như cá, tôm, cua, sam và ốc len thì bắt dùng không hết mà cũng không ai ngăn cấm. Ấy là chỗ chí công vô cùng của trời đất ban cho để nuôi dưỡng người dân Gia Định vậy”[1].
Thời Nguyễn, Cần Giờ là một trạm kiểm soát đường biển “có cửa lạch sâu rộng, thuyền buôn ra vào yên ổn, là cửa biển tụ tập đông đúc của tỉnh Gia Định” (Đại Nam nhất thống chí). Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà cửa bể Cần Giờ trở thành “yết hầu” cả về giao thương lẫn quân sự, nơi chứng kiến sự sầm uất cũng như những trang bi thương trong lịch sử bởi các cuộc thủy chiến giữa nhà Tây Sơn với các chúa Nguyễn. Tiếp đến ngoại bang xâm lược. Sau 5 tháng bị sa lầy ở Đà Nẵng, Rigault de Genouilly liền chuyển hướng vào Nam. Tháng 2-1859, liên quân Pháp - Tây Ban Nha dùng 8 chiến thuyền vào cửa Cần Giờ, lần lượt tấn công các đồn dọc sông Sài Gòn, rồi chiếm thành Gia Định… rồi thôn tính cả Nam Kỳ lục tỉnh.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Ban lãnh đạo cho nghĩa quân phân tán nhiều nơi, một số xuống rừng Sác. Nhờ có quyết định táo bạo này mà về sau, trong cả hai cuộc kháng chiến, lực lượng cách mạng đều dựa hẳn vào yếu địa, để bám trụ và đánh giặc. Với hàng trăm đảo triều lớn nhỏ, trùng điệp, và lủ khủ sản vật có sẵn từ sông nước và đất đai, rừng Sác dư thừa điều kiện để trở thành một căn cứ địa tầm cỡ. Hàng chục năm, Chiến khu Rừng Sác vẫn hiên ngang tồn tại ngay sát nách sào huyệt kẻ thù.
Sinh thời, người chỉ huy của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác năm xưa, Đại tá Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước có lần khều tôi, chú mầy biết hông? Nếu ví Sài Gòn như cái bao tử chiến tranh thì sông Lòng Tàu là cổ họng, sông Soài Rạp và sông Thị Vải là hai động mạch chủ. Còn nếu Ô Cấp (Vũng Tàu), Cần Giờ, Đồng Hòa, Vàm Láng là tứ nhãn ngó ra đại dương, thì rừng Sác là pháo đài xáp chiến quân xâm lược.
Nhận rõ tầm quan trọng mang tính chiến lược, từ đầu năm 1962, chính quyền Sài Gòn cho lập “Biệt khu rừng Sác” trực thuộc khu 31 chiến thuật. Năm sau, thì nâng lên thành “đặc khu” thuộc Quân khu 3 về mặt lãnh thổ, nhưng mọi hoạt động quân sự ở địa bàn hiểm yếu này đều do người Mỹ nắm quyền chỉ huy điều hành và thực hiện.
Về phía cách mạng, Đặc khu Rừng Sác (T10), được thành lập từ tháng 4-1966, chia làm hai khu. Toàn bộ khu B nằm trên địa bàn Cần Giờ. Tháng 1-1968, huyện Duyên Hải được thành lập. Địch phong tỏa, bịt chặt sông Lòng Tàu, nên cán bộ, chiến sĩ ta khó lòng vượt sông bằng ghe thuyền được, khu B gần như bị cô lập hoàn toàn. Kẻ thù dồn vũ khí và binh lực quyết “làm cỏ và lột da rừng Sác, diệt gọn đặc công Đoàn 10”. Đến năm 1971, không quân Mỹ đã rải gần 4 triệu lít chất độc khai quang (bình quân mỗi người dân ở đây hứng chịu 166,6 lít); 42.000 hecta rừng bị hủy hoại. Quá trình sưu tầm tư liệu cho cuốn sử Đoàn 10, tôi có được bản photo copy lời “tưởng thưởng” của Tổng thống Richard Nixon dành cho đội tàu tuần tra đặc khu rừng Sác, lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Bản dịch, trích đoạn: “Dành cho những anh hùng phi thường và việc thực hiện xuất sắc trong hành động chống lại kẻ thù vũ trang ở Việt Nam cộng hòa từ 24 tháng 6 năm 1969 tới 28 tháng 2 năm 1970. Trong suốt quãng thời gian ấy, đội tuần tra đặc khu rừng Sác và trên mặt sông Sài Gòn… bằng sự kết hợp với các lực lượng ở miền Nam Việt Nam, đã bắt đầu một chiến dịch độc đáo, tàn nhẫn bằng các cuộc kết hợp tác chiến phản công…”. Ngần ấy đủ để minh chứng cuộc chiến giữa các chiến sĩ đặc công thủy với kẻ thù cam go tới cỡ nào!
Sức chịu đựng của những người lính vượt quá sức tưởng tượng. Mỗi tuần, một người chỉ được vài lon nước cất từ nước mặn để gội đầu, mọi sinh hoạt còn lại đều dùng nước sông. Thiếu gạo, thiếu muối, chỉ ăn cháo loãng với rau lìm kìm, hay nhai đọt chà là dằn bụng… Đương đầu với 3 đối thủ tầm cỡ trên sông Lòng Tàu là lính Mỹ, sóng to và cá sấu dữ, suốt 9 năm ròng rã, đặc công Rừng Sác đánh 740 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch, nhấn chìm hàng trăm tàu xuồng lớn nhỏ.
Đầu tháng 12-2013, trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Hát mãi về Anh”, truyền hình trực tiếp trên VTV9, tôi ngồi cạnh má Nguyễn Thị Trị (Hai Trầu) quê ở xã Bình Khánh, cơ sở cách mạng chí cốt của đặc công Đoàn 10. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng, má Hai Trầu được cử lên Sài Gòn trong vai người buôn chuyến, đưa trót lọt 4 chuyến dây điện theo đường 15 về giao cho đơn vị. Lần thì má buôn thùng phuy, chuyến sau lại chở trứng, hoặc dưa và khoai lang… Dây dợ được xếp từng cuộn tròn giấu dưới đáy thùng phuy hoặc dưới các giỏ cần xé đựng hàng. Nhờ có dây dẫn tốt và đủ dài, má Hai Trầu đã góp công sức lớn giúp Đoàn 10 đánh đắm tàu Baton Rouger Victory tải trọng 10.000 tấn trên sông Ngã Bảy.
Cùng dự đêm giao lưu có cựu chiến đấu viên Hồ Xuân Cảnh (ngụ ở xã Thạnh An, Cần Giờ). Ông kể, nhận lệnh cấp trên trước đó cả tháng trời, tổ trinh sát đặc công bí mật ra đào hầm bên bờ sông Lòng Tàu. Tới khi nhận tin tình báo biết chính xác lịch trình của kẻ địch, sau nhiều lần dò độ nông sâu của nước và tính toán cụ thể, ông Cảnh cùng các đồng đội (Tấn, Hiếu, Tư) vần 2 quả thủy lôi sừng chạm, mỗi quả nặng 1.075kg vào vị trí đón lõng tàu địch. Bất chấp bầy trực thăng vũ trang lồng lộn vãi đạn “dọn đường” và 4 chiếc tàu quét mìn rà cặp hai bờ, cả tổ vẫn im lìm ém kỹ.
8 giờ 15 phút ngày 23-8-1966, khi con tàu đồ sộ như tòa nhà di động sơn lá cờ 50 ngôi sao ngạo nghễ xuất hiện đúng tầm, kỹ thuật viên liền điểm hỏa. Hai tiếng nổ lộng óc, cột sóng dựng cao như núi, lửa trùm lên nhấn chìm con “thủy quái” xuống đáy sông. 100 xe tăng, 3 máy bay phản lực, hàng trăm khẩu pháo cùng hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm trên tàu bị phá hủy. Chiến công vang dội của trí thông minh, sáng tạo và lòng quả cảm vô bờ bến, đã giáng một đòn choáng váng vào mưu đồ của kẻ xâm lược! Căn cứ lòng dân Cần Giờ là điểm tựa vững chắc để bộ đội đặc công Đoàn 10 trụ vững, đánh giặc. Vậy nên không có gì lạ, khi một huyện chỉ có 7,5 vạn dân (gấp hơn 3 lần thời chiến tranh), với 7 đơn vị hành chính, đã có tới 3 xã cùng với huyện được tuyên dương Anh hùng LLVTND và 111 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
*
Ngồi thuyền vào Vàm Sát.
Nhưng ví thử, nếu chỉ biết “gậm nhấm” quá khứ hào hùng mà không biết tự lực, tự cường, vươn lên làm giàu vì lợi ích của người dân, thì phỏng có ích gì?
Là một địa phương nghèo, lại gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề của chiến tranh, sau ngày non sông liền một dải, huyện Duyên Hải vẫn trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Rừng Sác xác xơ trơ trụi, thảm thực vật, động vật dưới tán rừng, các loài thủy sinh biến mất; hệ sinh thái môi trường bị biến đổi nghiêm trọng. Một số chuyên gia nước ngoài, trong đó có các nhà khoa học Mỹ dự báo ít nhất phải cỡ 100 năm nữa mới hy vọng phục hồi được rừng ngập mặn.
Tháng 12-1978, huyện Duyên Hải được sáp nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh. Lo cái ăn, cái mặc tạm ổn cho dân, những người lãnh đạo nghĩ đến rừng. Thật kính nể tầm nhìn chiến lược không kém phần lãng mạn và tâm đức của ông Võ Văn Kiệt, người đứng đầu Đảng bộ thành phố lúc bấy giờ, về việc khôi phục lại rừng ngập mặn. Nó vừa giải quyết được công ăn việc làm trước mắt cho người dân, vừa hướng tới những mục tiêu cơ bản và lâu dài, tầm quốc gia. Từ việc tổ chức đi mua giống cây đước tận chót mũi Cà Mau, đến việc thành lập các nông - lâm trường để tiếp nhận giãn dân nội thành, được thực hiện đồng bộ. Huyện tổ chức ra quân trồng đước. Hàng ngàn người dân, bộ đội và thanh niên xung phong, cơm đùm, cơm nắm, lội sình, dầm nước, cắm cây đước xuống, lòng tràn trề hy vọng, “nhân định thắng thiên”. Chỉ sau 4 năm kiên trì, bền bỉ, huyện đã phủ xanh 28.000 ha rừng ngập mặn. Có rừng, môi trường được cải biến, các loài thủy hải sản, chim chóc và muông thú kéo về sinh sôi, nẩy nở. Một vùng đất chết trong chiến tranh, nay hồi sinh ngoài sức tưởng tượng của con người, trở thành một lá phổi xanh của thành phố mang tên Bác Hồ. Cuối năm 1991, huyện trở lại với tên gọi Cần Giờ.
Điều kỳ diệu là năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam. Vùng đất nghèo thay da đổi thịt từng ngày, giao thông thủy, bộ phát triển, các xã đều có điện công nghiệp, kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững, đời sống người dân ngày càng khấm khá.
Mới đây, kết quả khảo cổ về kho báu mộ chum tại di tích Giồng Cá Vồ (ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, Cần Giờ), được xác định có niên đại khoảng 2.500 năm đến trước Công nguyên, các nhà khoa học coi đây là một di tích nền hình thành nên văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam xửa xưa…
Với sự hấp dẫn nhiều mặt, trong một tương lai gần, sẽ có một cây cầu hiện đại thay cho phà Bình Khánh. Kế đến, là hai dự án lớn làm nức lòng phấn khởi của người dân. Ấy là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần 6 tỷ USD và khu đô thị lấn biển hơn 9 tỷ USD, được kỳ vọng là bàn đạp để huyện đảo này thay da đổi thịt. Được biết, cảng Cần Giờ dự kiến tạo ra 8.000 việc làm, còn khu đô thị lấn biển sẽ thu hút gần 30 vạn người đến sinh sống (gấp 3 lần dân số Cần Giờ hiện tại), cùng hơn 9 triệu du khách mỗi năm. Hiện tại, dự án khu đô thị đã được Chính phủ phê duyệt, Thành phố Hồ Chí Minh đang thẩm định và điều chỉnh quy hoạch diện tích. Với bấy nhiêu thôi, thì vùng đất bom cày đạn xới năm xưa sẽ là nơi cực kỳ đáng sống! Nói một cách hình tượng thì Cần Giờ, một địa phương đến phân nửa diện tích là rừng ngập mặn, có sông, có biển và có phố thị… sẽ cất cánh. Ngắm biểu trưng chim bồ câu mang dáng hình Cần Giờ giang cánh đủ nói lên tất cả.
*
Nghe giới thiệu, sân chim Vàm Sát có khoảng 2.000 cá thể với 26 loài. Rồi cơ man nào heo rừng, mèo rừng, chồn, rái cá, trăn, rắn… cùng nhiều loài thú đã xuất hiện trên khắp các gò đất cao trong rừng ngập mặn. Cả đoàn ghé thăm đàn khỉ đuôi dài, nghe nói cả ngàn con, rồi đám cá sấu to vật...
Người nọ bám gót người kia khi lội bộ len lỏi trên con đường nhỏ lát bê tông ẩm ướt rong rêu bám đầy, xuyên dưới tán những cành đước giao nhau che kín vòm trời, miệng nhắc nhau cẩn thận, đề phòng ai đó mải ngó nghiêng, mắt dán lên cây, e trượt té. Dẫu đôi chân đặt bước nào cứ phải miết chắc nền đường, trong đầu tôi chợt nẩy câu ca dao: “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát. Sau hàng dừa nước, mái nhà ai”.
Chị chủ nhà trạc ngoài 30 tuổi xởi lởi nhặt đưa một túm trái, bảo tôi cầm lấy, quà của rừng ngập mặn chỉ bấy nhiêu thôi… Và khi tôi viết những dòng này, thì đám mầm đước đã không “chê” đất mới, mà bám rễ, trổ lá kép và lên xanh.
Nguồn: Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) số 35+36, ra ngày 2-9-2023
[1] Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2005, tr. 38.