- Truyện
- Con trai người kép hát - Đào Văn Hợp
Con trai người kép hát - Đào Văn Hợp
Cuộc thi “Truyện ngắn hay – 2022” do Tạp chí Văn nghệ TP.HCM phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức đã và đang nhận được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo cây bút văn xuôi trong cả nước. Từ nay, Văn chương TP. Hồ Chí Minh sẽ lần lượt giới thiệu các tác phẩm dự thi đã qua vòng sơ khảo và được Tạp chí Văn nghệ TP.HCM chuyển qua. Các truyện ngắn đăng trên website này được tập hợp trong một chuyên mục riêng – Cuộc thi truyện ngắn hay 2022 và bạn đọc có thể truy cập bằng cách click vào hình bên từ trang chủ, hoặc click vào dòng TRUYỆN NGẮN HAY 2022 ở đầu/cuối mỗi truyện. Trân trọng mời quý vị và các bạn cùng đọc và cảm nhận.
Con trai người kép hát
ĐÀO VĂN HỢP
Cuối đông, tiết trời vẫn lạnh buốt. Mưa lắc rắc rơi. Không khí u ám bao trùm khắp Thăng Long. Ta ngồi nơi quán trọ mà lòng buồn vô hạn. Cánh cửa trường thi đã đóng sập với ta. Thế là hết. Thế là hỏng cả rồi. Bao công lao mẹ nuôi ta ăn học, bây giờ hóa ra đổ sông đổ bể. Nhưng ta nào có lỗi gì đâu? Chỉ tại thế cuộc xoay vần, chỉ tại quan niệm dân gian cổ hủ mà đời ta thành kẻ chẳng ra gì.
Cha mất khi ta lên năm. Mẹ tần tảo nuôi ta khôn lớn. Mặc bao lời gièm pha con nhà hát xướng, mẹ nuôi chí cho ta dùi mài kinh sử những mong ta đem sở học lập thân với đời.
Ta lớn lên nơi làng quê yên ả. Một ngôi làng bốn bề bao phủ bởi mây trời, sông núi điệp trùng. Những buổi chiều tà, khi ánh hoàng hôn cuối cùng còn sót lại mãi đỉnh núi mờ xa, ta thường cùng lũ trẻ trong làng long nhong thả diều khắp thôn quê. Cánh diều chao liệng chở theo bao nhiêu mơ ước của tuổi ấu thơ. Không chơi với sáo diều chiều quê ta biết bầu bạn cùng ai?
Mười bốn tuổi, ta mới được bước chân vào chốn học đường. Người ta cho ta là con nhà kép hát nên không xứng đáng được bước chân vào nơi tôn kính của Nho gia. Thật là thảm thương cho những qui định và quan niệm lầm lẫn ở đời. Chính nó là nguồn cơn giết chết và vùi dập biết bao nhiêu khí tiết của kẻ sĩ xưa cũng như nay. Con nhà hát xướng, mua vui cho đời ư? Thử hỏi xem, cuộc đời không có kẻ diễn xướng, ngâm thơ, đàn ca sáo nhị lấy ai diễn tả, nói lên cái bất công, cái phi lí, cái giả dối, cái bi cái hài của đời sống đầy nhiễu nhương ô trọc này?
Con nhà kép hát không là người ư? Trăm lần không. Ngàn lần không. Ta cũng được tạo thành từ tinh huyết một người cha người mẹ cụ thể như bao người khác thôi.
Ta còn nhớ. Một lần, khi ta còn rất nhỏ, mẹ biết ta yêu và thuộc nhiều tích hát, trò diễn, người bảo: “Lộc Khê con ơi, mẹ xin con, nếu yêu hát xướng ca ngâm, hãy coi nó như một trò tiêu khiển. Chớ xem nó như một cái nghiệp vận vào thân, cả đời con rồi sẽ không nên cơm cháo gì đâu!”.
Ta biết chứ. Khi mẹ nói câu đó là người đang rơi từng giọt lệ. Người đã phải cố nén nỗi đau giấu kín trong lòng để thốt ra lời trái với lương tâm của mình. Bởi người yêu ca yêu diễn. Cha mẹ ta là những kép hát chuyên nghiệp của sách Vạn Lại trong cung Vua phủ Chúa.
Cha mất, gia cảnh sa sút. Mẹ phải tất tả ngược xuôi việc nông phu, dệt cửi để nuôi ta. Vất vả là vậy nhưng ta chưa thấy người phiền lòng bao giờ. Trong thâm tâm người cũng không bao giờ có ý định tái giá để các con phải chịu cảnh cha kế con vợ, dì ghẻ con chồng. Tình yêu con của người lớn lao như bao bà mẹ khác.
Năm tháng ta trưởng thành là thời kỳ Nam, Bắc triều chiến tranh liên miên. Khi thì Bắc triều nhà Mạc thắng thế. Lúc thì Nam triều vua Lê chúa Trịnh nắm tiên cơ. Dù loạn lạc, đời sống trăm họ lầm than nhưng cả hai bên đều mở các khoa thi cầu hiền rất quy củ.
Nhìn cách chiêu hiền đãi sĩ từ những khoa thi nơi kinh đô Nam triều khi ở Vạn Lại, lúc tại An Trường, ta mong một ngày sẽ vượt vũ môn để đem lương tâm sở học giúp đời. Nhưng có ngờ đâu dâu bể tang thương. Cái tiếng “xướng ca vô loại” sao mà nặng nề, định kiến tai ương. Quan Hiến ty coi việc ghi danh, khi thẩm tra lí lịch đã gạt phéng tên ta khỏi khóa thi năm ấy.
Ta buồn một, mẹ ta buồn gấp bội. Người thường nói với ta: “Con ơi, người ta con công hầu khanh tướng, việc tiến thân chí tiến thủ là con đường vạch sẵn, là thảm trải hoa hồng. Còn chúng ta phận thứ dân, con sãi ở chùa không học chữ không khoa cử biết lấy gì để chứng tỏ tài năng?”.
Còn có con đường nào cho mẹ con ta? Một người già trong họ biết chuyện, hiến kế:
- Chi bằng đổi tên cho thằng Từ, họa may ra…
Mẹ ta ngần ngừ chưa quyết, người hỏi:
- Bằng cách nào, thưa cụ?
Người ấy đáp:
- Việc này phải nhờ đến xã trưởng họ Lưu.
Ta theo mẹ đến nhà họ Lưu. Nhà họ Lưu dưới chân đồi. Men theo con đường làng là tới. Con đường đất ngày mưa lớp đất đỏ nhão nhoẹt ra như mật vàng sóng sánh. Gió rít từng hồi ù ù khiến những tán cây nghiêng ngả. Lập thu, trời còn mưa lớn. Thật lạ.
Xã trưởng họ Lưu người lùn, tướng thô, mắt híp. Kiểu nói chuyện không nhìn người đối diện là kẻ tiểu nhân, thượng đội hạ đạp. Hắn liếc xéo mẹ ta từ đầu tới chân. Mẹ ta đặt lễ vật lên bàn, xoa hai tay cung kính dạ thưa:
- Thưa quan nhân, mẹ con thiếp phận góa con côi. Cháu nó chẳng may lớn lên gặp phải cái qui định ngặt nghèo của nhà Chúa. Nay cậy nhờ quan nhân xem xét, thay tên đổi họ giúp cháu, đặng mở một con đường tương lai phía trước. Được thế, mẹ con thiếp đội ơn suốt đời.
- Nàng nói nghe dễ thế? - Xã trưởng khẽ nhích đôi vai to phè, khụt khịt - Qui định của nhà Chúa nào phải chuyện chơi. Lộ ra ta và mẹ con nàng chỉ có nước chết.
Nghe xong, mẹ con ta đứng bần thần, vô định trong căn nhà gỗ to nhất vùng. Ngoài kia gió vẫn rít từng cơn. Cái lạnh thấm dần vào lòng người. Bỗng viên xã trưởng xởi lởi ngọt nhạt: “Thôi mẹ con nàng về đi. Ở lâu không tiện, miệng đời đàm tiếu. Chuyện này tuy khó nhưng để ta cố liệu thêm. Tất cả vì nàng đấy”.
Ta và mẹ ra về trong ủ ê sầu muộn. Ta chưa đủ lớn khôn để nói lời an ủi mẹ ta. Lòng ta rối bời, hoang mang. Biết đâu rằng mỗi bước công danh tiến thân là danh lợi quyền tiền, là mưu hèn kế bẩn người đời giăng ra hại nhau. Bước chân ta càng lúc càng nặng cứng, tê dại dưới lớp bùn lầy. Tiếng trống Đình lúc nhập nhoạng thúc từng hồi vào thinh không, nghe não nề, thê lương.
Cha mẹ nên duyên từ tiếng trống ấy. Mỗi độ hội làng cha mẹ tạo thành cặp đối đáp huê tình dưới ánh trăng khuya. Người ta bảo cha mẹ là tiên đồng ngọc nữ. Nay tiên đồng về trời, còn một mình ngọc nữ gặp cay đắng, truân chuyên dưới trần gian.
Vài ngày sau, mẹ ta lại đến nhà xã trưởng. Lần này, ông ta không vòng vo mà huỵch toẹt:
- Ta giúp nàng, con nàng hiển vinh, nàng trả công ta thế nào?
- Tiện thiếp là kẻ cô sương quê mùa. Gia cảnh bần hàn. Xin quan nhân cứ dạy.
- Thôi được, ta biết nàng phận góa đơn côi. Từ lâu ta đã thầm thương, nay sẵn việc này ta xin được đón nàng về làm lẽ. Chẳng hay ý nàng thế nào?
Mẹ ta chưa kịp suy nghĩ, ông ta đã bồi tiếp:
- Nếu nàng đồng ý, ngày mai ta sẽ cho người mang lễ vật sang thưa chuyện.
- Chuyện này tiện thiếp chưa nghĩ đến, xin quan nhân cho tiện thiếp thời gian. Chờ khi nào Duy Từ con thiếp công thành danh toại, vinh quy bái tổ khi ấy tiện thiếp sẽ xin nghe theo ý của quan nhân.
- Ta chiều theo ý nàng - Ông ta gằn giọng - nhưng nàng phải kí vào văn tự này, kẻo sau nàng nuốt lời, ta biết tính sao?
- Dạ…
- Thằng Từ thông minh, sáng dạ, đọc rộng biết nhiều, đỗ cao là điều không khó, ta chờ thêm thời gian…
Ông ta gật gù đắc ý. Mẹ ra về trong tiếng cười mãn nguyện của viên nha lại địa phương. Ta biết, mẹ ta đã khóc suốt quãng đường về. Người khóc vì không giữ được lời thề, bội ước cùng cha. Mẹ lớn lên bằng những câu chèo, điệu hò của núi Nguyền sông Mã. Lựa chọn giữa tiết hạnh của mình và tương lai của con. Người đã chọn cái sau. Dù thực lòng người không cam tâm.
Khói lam, sương chiều bảng lảng giăng khắp các nóc nhà ven đồi. Hoàng hôn một màu tím biếc đang loãng dần dưới mây trời xám xịt. Mẹ vừa đi vừa nhớ lại những buổi nam thanh nữ tú kéo nhau xem hội và hò đối đáp từ làng trên qua thôn dưới. Vẳng nghe: “Thương ai đứng bụi nấp bờ. Sáng trông đò dọc tối chờ đò xuôi. Thuyền ngược anh bỏ sào xuôi. Khúc sông bỏ vắng để người sầu riêng”.
Kì thi Hương năm đó ta đã đỗ Á nguyên. Ta và mẹ chưa kịp vui mừng thì nỗi lo ập tới. Cái văn tự giao kèo kết ước với viên xã trưởng vẫn còn đây. Mẹ ta chưa biết tính cách nào thì viên xã trưởng đã tới nhà thúc giục:
- Bây giờ, cá chép đã hóa rồng, giao kèo giữa ta và nàng nên tính hết đi thôi. Thật là song hỉ lâm môn.
- Xin quan nhân thư thư cho. Tiện thiếp trộm nghĩ, giờ mà làm đại hỉ không khỏi dân làng sẽ dị nghị, cười chê.
- Ai cười chê? Ta không quan tâm.
- Tiện thiếp xin có ý thế này. Chẳng hay quan nhân có bằng lòng? Nếu được xin quan nhân cho trưởng nữ sánh đôi với Duy Từ con thiếp. Được vậy, vẹn cả đôi đường…
Chưa nghe mẹ ta trình bày xong, ông ta đã giận dữ hét lên:
- Ta mới là người có quyền ra điều kiện. Nếu không thực hiện lời hứa thì mẹ con nàng đừng trách ta là kẻ bất nghĩa, bạc tình!
Dứt câu, viên xã trưởng đã băng băng qua sân. Mẹ ta chạy theo ông mãi tận hàng rào cúc tần trước ngõ. Một người phụ nữ công dung ngôn hạnh, cả đời chưa phiền lụy ai bao giờ. Thế mà lúc này phải bật khóc tức tưởi.
Ta biết, mẹ ta khóc bởi người lo lắng cho tương lai và tiền đồ của ta.
Nhìn dáng mẹ héo hon, lòng ta quặn thắt. Chỉ vì nghịch cảnh, chỉ vì cái luật lệ xa rời thực tế mà mẹ con ta phải chịu cảnh đọa đày. Lập qui do con người thì cũng chính con người sẽ phá vỡ nó. Một chế định xa dân sẽ là mảnh đất màu mỡ để đám sai nha địa phương nhũng lạm bá tính lương dân.
Ta giận mình đã không nghe lời người bạn đồng liêu khuyên: “Đào huynh chớ muộn phiền. Tôi thường nghe, thời buổi loạn lạc, hôn quân vô đạo, xã tắc lầm than, kẻ sĩ như huynh hoặc ẩn thân chờ thời, hoặc mưu tìm minh chúa mà phò tá. Tôi lại thường nghe ở Đàng trong, chúa Nguyễn ra sức cầu hiền, trọng người tài chí, mến yêu kẻ sĩ. Nếu huynh vào trong đó, lo gì không có đất dụng võ, há không làm nên cờ đồ như Trương Lương, Gia Cát. Chứ cứ nệ theo con đường khoa cử nơi đây e tương lai không thấy”.
Người bạn ta nói đúng. Khi xã hội loạn li, lòng người tan hoang, mọi giá trị và thang bậc xã hội đảo lộn. Việc mua quan bán tước diễn ra ở khắp mọi nơi, những kẻ bạch diện thư sinh như ta không có nơi thi thố hoặc tiến cử mình.
Viên xã trưởng khi không đạt mục đích, đã tố cáo lên quan huyện việc đổi họ đi thi của ta. Ta bị lột áo mũ, xóa tên trên bảng rồng khi quan thái phó Trần Hữu Liêu đang cân nhắc bài văn của ta, bài văn được đánh giá cao nhất của xứ Thanh.
Mẹ ta, vì không chịu được việc đó, đã tự vẫn khi ta còn đang ở kinh thành.
Giờ mọi thứ đã chấm hết với ta. Nhưng lời khuyên của bạn còn đó. Chí ta đã quyết, lòng ta đã dứt. Ta sẽ xuôi dòng Thuận Quảng một phen.
(Truyện đã đăng Tạp chí Văn nghệ TPHCM, số 11/2022).