TIN TỨC

Đà Nẵng hoài niệm và tươi trẻ trong ảnh Ông Văn Sinh

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1200 lượt xem

 

TIỂU YẾN

 Hình ảnh người phụ nữ xắn quần ngang gối, tay vịn nón lá, tay bưng thúng rổ lội nước trở về căn nhà chồ nằm ven sông Hàn mở đầu tập sách ảnh “Đà Nẵng, ký ức và hiện tại” (NXB Đà Nẵng) của Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ông Văn Sinh, nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, vừa ra mắt đọc giả tháng 5-2022.

Bìa tập sách ảnh Đà Nẵng, ký ức và hiện tại của NSNA Ông Văn Sinh. Ảnh: T.Y

Tập sách chia thành 2 phần “Đà Nẵng ký ức”, “Đà Nẵng hiện tại” với 105 hình ảnh được tác giả chắt lọc trong nhiều năm mang tính kết nối xưa – nay, quá khứ – hiện tại, giúp người xem dễ hình dung câu chuyện phát triển của Đà Nẵng – thành phố đầu biển, cuối sông.

NSNA Ông Văn Sinh cho biết, phần lớn những tác phẩm trong phần “Đà Nẵng ký ức” được ông chụp hơn 40 năm trước, bằng máy film Yashica, Pentax hoặc Canon… Có nhiều tấm, ông phải chụp đi chụp lại, thậm chí hôm nay đi nhìn thấy cảnh đó nhưng chưa chụp vội mà “để dành”, về nhà suy nghĩ bố cục, ánh sáng để hôm sau quay lại “canh” khoảnh khắc bấm máy.

Hàng chục cuộn film về nhà chồ, làng chài hay quang cảnh nông thôn Hòa Vang  được NSNA Ông Văn Sinh lưu trữ cẩn thận, như một phần kỷ niệm trong khoảng thời gian ông công tác tại Tổ Thông tin – Tuyên truyền (thuộc Ngành Văn hóa) thập niên 80, 90. Theo NSNA Ông Văn Sinh, khi ấy, ông được cơ quan giao nhiệm vụ chụp ảnh các sự kiện kinh tế, văn hóa tại địa phương hoặc chụp ảnh phục vụ mục đích tuyên truyền. Nhờ vậy, ông được các sở, ngành tạo điều kiện tác nghiệp, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. “Tôi xem đó là may mắn của người cầm máy, bởi thời điểm đó, phương tiện tác nghiệp khó khăn, chủ yếu chụp bằng máy film, chưa kể việc chụp ảnh phải được phép của cơ quan có thẩm quyền nên hình ảnh đọng lại không nhiều”, NSNA Ông Văn Sinh hồi tưởng.

Quang cảnh làng chài nghèo khó bên biển Mỹ Khê, Mân Thái, Thọ Quang hay những dãy nhà chồ đìu hiu nằm dọc sông Hàn hiện lên trong mỗi khung hình của NSNA Ông Văn Sinh dẫn dắt người xem trở lại ngày xưa cũ: Đà Nẵng thập niên 80. Thời gian ấy, chỉ cách con sông Hàn, nhưng bờ Tây là những tòa nhà cao tầng, đèn điện sáng trưng, người, xe tấp nập; trong khi đó, phía bờ Đông là dãy nhà chồ nhếch nhác, tạm bợ, lay lắt, tỏa bóng xuống mặt sông… NSNA Ông Văn Sinh bảo quang cảnh ấy thân thuộc đến nỗi khiến người dân Đà Nẵng ví von: “Đứng bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn, ngó bên ni Hàn, thấy phố xá thênh thang”.

Lần giở “Đà Nẵng, ký ức và hiện tại”, nhận ra NSNA Ông Văn Sinh dành sự ưu ái đặc biệt cho những phận người sống trong nhà chồ. 15 tấm ảnh nhà chồ với gam màu trắng – đen chủ đạo đặc tả gần như đầy đủ cuộc sống ngư dân các phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, An Hải Đông thập niên 80, 90. Giữa không gian tĩnh lặng, cuộc sống vẫn tiếp diễn khi người đàn ông vác xâu lưới lội nước trở về nhà, người phụ nữ ngồi ở mạn thuyền cột tóc cho con. Cạnh đó, trên mấy cây cầu khỉ, thuyền thúng hay bờ đá xôn xao sóng nước, đám trẻ nhỏ vẫn hồn nhiên vui đùa, đọc sách, nở nụ cười tươi chào đón tương lai…

Khung cảnh nhà chồ ven sông Hàn trong tập sách ảnh Đà Nẵng, ký ức và hiện tại. Ảnh: NVCC

Một cuốn sách không lời bình, chỉ có hình ảnh và vài dòng chú thích nằm khiêm tốn nhưng đã nêu bật mảnh đất, con người Đà Nẵng vài thập niên qua; như cách tác giả nói, là để mỗi người tự nhìn nhận, đánh giá và yêu thương Đà Nẵng theo cách của riêng mình. Ngoài ra, để rõ hơn vấn đề Đà Nẵng xưa và nay, NSNA Ông Văn Sinh đã chọn lọc 105 tác phẩm trong hàng ngàn tấm ảnh mà nghệ sĩ đã chụp về Đà Nẵng hơn 40 năm qua. Ông cho hay, công tác tuyển chọn hoàn thành năm 2021, sau nhiều lần nâng lên, đặt xuống. Đặc biệt, ở phần “Đà Nẵng hiện tại”, nhiều tấm ảnh không xuất hiện riêng lẻ mà được trình bày theo phương pháp so sánh, đối chiếu (ở cùng một vị trí địa lý). Ví dụ, khi nhìn hai bức ảnh chụp về khu vực An Hải Đông xưa và nay, người xem sẽ tự định lượng được Đà Nẵng đã phát triển và thay đổi như thế nào.

Có thể nói, một Đà Nẵng đầy hoài niệm và tươi trẻ thấp thoáng sau mỗi tác phẩm của NSNA Ông Văn Sinh trong “Đà Nẵng, ký ức và hiện tại”. Vẫn là Đà Nẵng, nhưng tác giả đã cung cấp thêm cho người xem những góc nhìn mới mẻ về thành phố, từ bên sông, từ trên cao, từ núi, từ biển, từ những dãy nhà cao tầng… Có những địa điểm, không gian bây giờ không còn nữa, như các dãy nhà chồ nằm dọc sông Hàn, dọc kênh Đầm Rong (nay là đường 3 tháng 2), khu dân cư biển Thanh Bình (nay đã giải tỏa thành tuyến đường Nguyễn Tất Thành), Cầu Vồng đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), Bưu điện Đà Nẵng… Với người yêu văn hóa, tập sách ảnh càng có giá trị khi ghi lại không gian sinh hoạt, lễ hội của người dân: Lễ hội Mục Đồng và cúng Thần Nông tại đền thờ Thần Nông làng Phong Lệ; ngư dân làng Thanh Khê làm lễ an táng cá Ông tại biển Thanh Bình năm 1997; nghề dệt chiếu Cẩm Nê hay hình ảnh hiếm hoi về Nghệ nhân Lê Bền, người có trên 60 năm gắn bó với làng đá mỹ nghệ Non Nước, thập niên 80… Và có lẽ, điều đọng lại và quý giá hơn cả trong tập sách ảnh “Đà Nẵng, ký ức và hiện tại” của NSNA Ông Văn Sinh, là một phần ký ức đã được người nghệ sĩ nâng niu, gìn giữ trong mỗi khung hình. Điều đó không chỉ có giá trị về mặt không gian, thời gian mà mang lại một giá trị tinh thần to lớn với những ai đã, đang và muốn gắn bó cuộc đời, sự nghiệp của mình ở mảnh đất này.

                                                                                                                          T.Y

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Xem thêm
Trần Hà Yên với tình yêu trẻ thơ từ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo
Bài viết về tập thơ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (NXB Hội nhà văn 2024).
Xem thêm
Người lặn dưới những lớp sóng thời gian
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Bài viết của nhà thơ Đặng Bá Tiến
Xem thêm
Một người cầm súng quả cảm - một người cầm bút tài năng
Bài phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi tại Thư viện quân đội trong buổi giới thiệu 2 tập sách của Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, 15/10/2024.
Xem thêm
Trường ca “Mặt trận gần phía trước”
Bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh về tập trường ca của Trần Trí Thông
Xem thêm
Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt
Nguồn: Bùi Việt Thắng (Báo Văn nghệ)
Xem thêm
Bến sông xưa dậy sóng tóc phai màu!
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ “Tự tình với trăm năm” của Nguyễn Hồng Linh
Xem thêm
Bộ sách Đất Việt Trời Nam liệt truyện của Trần Bảo Định
“Đất Việt trời Nam liệt truyện” của nhà văn Trần Bảo Định là bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử kể từ khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho tới khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp và đến đầu thế kỷ XX, với cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong nỗ lực chung cùng giải phóng đất nước.
Xem thêm
“Theo dấu chân Người” để đi tới ngày Quốc khánh 02/09/1945
Đọc tập truyện ký “Theo dấu chân Người” chúng ta càng trân trọng, kính phục sự cống hiến, xả thân của Người cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng con người thoát khỏi sự đàn áp...
Xem thêm
Trái tim tự do luôn rực cháy
Đọc tác phẩm PHIẾN HẠ (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Trần Hạ Vi
Xem thêm
Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn
Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về Mây Phương Nam của Thiên Hà
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Bài đăng Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam
Xem thêm