TIN TỨC

Diệp Minh Tuyền mãi hát khúc quân hành

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-01-10 22:17:44
mail facebook google pos stwis
3140 lượt xem

PHẠM SỸ SÁU

Những ngày sống và chiến đấu trên những cánh rừng biên giới Tây Ninh, Sông Bé hoặc sau nầy qua các rừng dầu và rừng trọc ở mấy tỉnh Đông Bắc rồi Tây Bắc Campuchia, ngoài những bài nhạc vàng của thời lính cũ thì những ca khúc của Diệp Minh Tuyền và Hoàng Hiệp luôn là những khúc ca mới được cánh lính trẻ chúng tôi ưa thích. Ưa thích vì nó hào hùng mà không lên gân, lên cốt. Nó (những ca khúc như Bài ca tạm biệt, Bài ca người lính, Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay..., rồi sau nầy có thêm Hát mãi khúc quân hành) vừa như tâm tình vừa như thúc giục, không đi không được. Thông qua làn sóng đài phát thanh, nhất là đài phát thanh Giải phóng (Tiếng nói Việt Nam 2), chúng tôi mới biết tác giả của những khúc ca mà mình yêu thích là nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Với những ngôn từ bình dị, với cách đặt câu năm sáu từ như khề khà, thủ thỉ, các bài hát đi vào lòng chúng tôi một cách tự nhiên mà sâu sắc.

Đặc biệt là khi bài hát Hát mãi khúc quân hành được Đoàn Văn công Quân khu 7 của nhạc sĩ Trí Thanh dựng và biểu diễn trên chiến trường trong những chuyến biểu diễn của Đoàn, thì bài hát đã dần thay thế cho Vì nhân dân quên mình trong những sinh hoạt. Đối với những người lính chúng tôi, khi đã gặp nhau, có chút rượu vào, thì những khúc ca từ trong bài hát lại như một tâm tình, lúc thư thả khi cao trào, sinh động. Trực tiếp nghe chúng tôi hát có lẽ nhạc sĩ sẽ không ngờ tác dụng của bài hát đã được đẩy lên như thế nào, nhất là khi nghe tiếng dô như cụng ly ở cuối mỗi câu ngắn. Đời mình là một khúc quân hành (dô), đời mình là bài ca chiến sĩ (dô), ta ca vang (dô) triền miên qua tháng ngày (dô)... Mãi mãi lòng chúng ta (dô), ca bài ca người lính (dô), Mãi mãi lòng chúng ta (dô), hát mãi khúc quân hành ca (dô).

Nghe ca khúc mà tưởng tượng ra dung nhan người sáng tác ra nó. Chắc chắn đây phải là tay nghệ sĩ người Nam Bộ, người dong dỏng cao, dáng ốm ốm, thích khề khà thế sự. Tôi mang theo cái hình dung đó về thành phố Hồ Chí Minh gặp anh trong một cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố và văn nghệ sĩ ở khách sạn Bến Nghé đường Nguyễn Trung Trực, Quận 1. Buổi gặp do ông Sáu Dân - Bí thư Thành uỷ chủ trì, có chiêu đãi rhum Hiệp Hoà mà ông Sáu nói đùa là rhum Bảo Việt (tên nhà thơ Rum Bảo Việt, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ TP). Quả đúng như hình dung của tôi, anh người gầy, dáng cao, chất giọng miền Tây hào sảng. Anh gọi tôi là mầy và xưng tao rất chi gần gụi. Tôi chợt nhận ra không còn khoảng cách giữa anh và tôi - giữa một nhà thơ nhạc sĩ tài hoa và tay lính chiến trường mới thập thò cầm bút. Sau nầy, khi tôi chuyển công tác về 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, cái khoảng cách đó dường như không còn một chút gì, nhất là lúc cùng với những đổi mới trong nước có cơ chậm lại và tình hình Đông Âu đã nát tan, chúng tôi thường cà phê sáng với nhau ở góc sân 81, có sự hiện diện của nhà văn Hạ sĩ quan Ung Ngọc Trí.

Ung Ngọc Trí cũng là dân học sinh miền Nam, nhưng ra Bắc trong những năm 1960 theo con đường đi từ Phnom Penh, Campuchia qua Hồng Kông rồi mới nhập Quảng Châu, Trung Quốc và về Việt Nam. Còn nhà thơ nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền thì đi theo đường cha mẹ tập kết ở Cà Mau, lúc đó anh mới 13 tuổi, về trường Học sinh miền Nam số 14 ở Hải Phòng. Nghe nói từ nhỏ anh đã là cây văn nghệ của trường kháng chiến ở Cà Mau, sau đó là tay văn nghệ có tiếng ở trường học sinh miền Nam số 14 Hải Phòng, từng viết nhạc khi còn là học sinh trung học. Tốt nghiệp đại học Tổng hợp Văn anh về công tác ở Viện Văn học vài năm, mảng Lý luận phê bình trước khi tình nguyện về Nam công tác trong chiến khu R. Hèn gì trong Ban chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, anh được phân công trong Hội đồng Lý luận phê bình, cùng với giáo sư Lê Đình Kỵ, Lê Ngọc Trà, là người đàng cựu nhưng luôn luôn cổ suý cho cái mới trong văn học.
Khi xuất hiện một số truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trên báo chí, anh đã cùng với giáo sư Lê Ngọc Trà, kết hợp với báo Thanh Niên làm một bàn tròn về hiện tượng văn học Nguyễn Huy Thiệp trên báo rất được dư luận chú ý.

Là Uỷ viên Thường vụ rồi Phó Tổng thư ký Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Tổng biên tập tạp chí Sóng Nhạc, là tác giả của hàng chục ca khúc khá phổ biến của một thời, nhưng dường như thơ mới là nơi anh tìm về trú ngụ sau những cơn náo động của thị trường, đặc biệt là thị trường âm nhạc của thành phố luôn không ngừng phát triển. Có lẽ mọi người sẽ thật ngạc nhiên khi thấy sau thành công của những ca khúc Bài ca tạm biệt, Bài ca người lính, hay những khúc ca phổ từ thơ anh như Tình Bác sáng đời ta (Lưu Hữu Phước), Màu cờ tôi yêu (Phạm Tuyên), hay Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay (Hoàng Hiệp), anh lại tìm đến với thơ để giãi bày, để được an ủi. Trong bài thơ Tìm lại chính mình (trong tập thơ Tình ca nơi đất mũi - một trong sáu tập thơ của Diệp Minh Tuyền), anh đã viết:

Xin cho tôi không chỉ một lần
Tìm lại được chính mình trên trang sách
Xin cho tôi không chỉ một lần
Được kết hôn với tận cùng sự thật


Tôi còn nhớ trong những buổi cà phê ở góc sân 81 Trần Quốc Thảo, anh là người thường thông báo những diễn biến tình hình trong nước và thế giới trong ngày mà anh thu thập được qua đài BBC và qua các nguồn thông tin khác. Anh luôn luôn lái những thông tin theo chủ đề của mình, không để cho những người cùng cà phê phân tán theo chủ đề khác. Sau nầy tôi mới biết cái biệt danh là anh Hai Thời sự là có từ những lần trò chuyện như vậy, mà nhạc sĩ Xuân Hồng, thường gọi thân mật là anh Ba Mực, hay mở đầu buổi cà phê bằng câu hỏi: Ê, anh Hai, có gì mới không mầy? Cái góc sân 81 Trần Quốc Thảo ngày ấy với sự hiện diện của nhiều nhạc sĩ lẫy lừng: Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Huỳnh Thơ, Ngô Huỳnh, Hoài Mai, thi thoảng có thêm Phan Nhân, Phạm Minh Tuấn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Phú Quang... và dĩ nhiên không thể thiếu Diệp Minh Tuyền. Cái góc sân ấy đã là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm đẹp về những người đã một thời tạo nên một không khí âm nhạc sôi động, đã là nơi nhen nhóm hình thành nhóm nhạc sĩ Những người bạn, nhóm ca nhạc Dây leo xanh. Rồi đây khi cao ốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố hoàn thành, thì cái góc sân ấy cùng với quán bia Văn nghệ 81 sẽ chỉ còn trong tâm tưởng những người biết đến nó, còn thực tế là một khoảng lặng đến nao lòng.

Tôi biết nhiều về anh, không phải chỉ qua các văn nghệ sĩ ở 81 Trần Quốc Thảo mà còn qua ông bạn rượu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng - người bà con của anh, anh Diệp Kỳ. Biết anh bị bệnh bao tử khá nặng, nhưng dường như cuộc vui nào cũng thấy anh "dô dô" rất tận tình, dù là bia hơi hay rượu đế. Có vài lần tôi có dịp cùng anh về Mỹ Tho quê anh để hỗ trợ văn học, tôi thấy anh luôn trầm lặng khi đứng nhìn dòng nước sông Tiền trôi qua thành phố. Mang tiếng sinh ra ở Mỹ Thọ, nhưng từ nhỏ, khoảng 5 tuổi, anh đã phải tản cư lên Sài Gòn trước khi vào chiến khu Đồng Tháp sống cùng mẹ. Mỹ Tho thành phố quê hương như là một nơi chốn không thực trong thế giới tuổi thơ anh, nên anh đã luôn xem mình là chàng du ca hát lang thang trên quê hương. Chữ du ca được anh nhắc lại nhiều lần trong các ca khúc của mình, có thể một phần là do cuộc đời anh có quá nhiều sự chuyển đổi. Sinh ra trên phố thị sầm uất bên bờ sông Tiền, thuở măng non ở Sài Gòn, thời thiếu nhi ở chiến khu Đồng Tháp và U Minh, tuổi mới lớn ở Hải Phòng, giai đoạn thanh niên làm trai Hà Nội và sau đó vượt Trường Sơn về với miền Nam. Có lẽ cái sự liên tục dời đổi đó đã tạo cho chàng nhạc sĩ trẻ một tâm thức người hát rong. Nhưng Diệp Minh Tuyền là người hát rong có định hướng, anh không ngứa cổ hát chơi mà hát bằng tất cả bầu nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm. Có thể thấy điều đó qua sự phát triển từ Bài ca tạm biệt đến Bài ca người lính và đỉnh cao là Hát mãi khúc quân hành.

Là con người ưa thích hoạt động, không bằng lòng với những điều mình làm được, lại không cố chấp, xơ cứng nên anh nhận được nhiều cảm tình từ người nghe lẫn người đọc. Với chất giọng nhiều âm vang, lại hay nói lớn, nên trong tranh luận nhân lúc cà phê, đôi khi người ngoài nhìn vào tưởng là có chuyện. Anh khá quyết liệt trong tranh luận, nhưng không quá khích hay giáo điều như một số người khác, vì thế anh cũng là người nhận được sự kính trọng trong lòng những văn nghệ sĩ trẻ.

Một con người yêu đời hết mực như nhà thơ nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền mà phải đột ngột lìa đời ở tuổi 57 quả là một sự bất công của con tạo. Như lời một đoạn thơ trong bài Một lần thăm nghĩa trang, nhà thơ Diệp Minh Tuyền đã từng ví:

Đường đời như khúc nhạc
Nghĩa trang - nốt cuối cùng
Đời người khi thôi hát
Về nằm dưới gốc thông


Dù không trải qua những năm tháng trong quân ngũ, dù chưa từng là người lính, nhưng những đóng góp của nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền trong những ca khúc, những bài thơ về người lính đã biến anh trở thành người đồng đội thân thương của nhiều thế hệ chiến sĩ, đặc biệt là thế hệ chiến sĩ sau ngày 30.4.1975. Và ca khúc Hát mãi khúc quân hành của anh đã trở thành hành trang không thể thiếu trong ba lô người lính và không thể tắt trên môi những người đã một thời là lính cụ Hồ.

Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tháng 5.2013.
(Bài đăng An Ninh Thế Giới giữa tháng 5.2013).

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm