TIN TỨC
  • Thơ
  • Đôi lần đôi mươi

Đôi lần đôi mươi

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-06-10 09:52:08
mail facebook google pos stwis
575 lượt xem

Cuộc tụ bạ ăn chơi nhảy múa của những chàng – nàng đã đến tuổi “nửa anh chị, nửa chú bác”, có con cái đủ lớn để không còn thích đi chơi với bố mẹ, bày vẽ ra dưới danh nghĩa “họp mặt cựu sinh viên”. Nhẩn nha đọc từ đầu đến cuối truyện, thỉnh thoảng bắt gặp nụ cười tinh quái của tác giả lấp ló sau mỗi câu chữ, cùng lúc “nghe trong ầm ĩ có phần nhạt phèo” của tuổi tác, của đời người…

“Cậy già chân nắm lấy tay, xưa không dám thật thì nay hóa đùa”, câu thơ bố láo của Cường “quậy”, ai mà ngờ được, lại đóng đinh thần thái các kỳ họp cựu sinh viên khóa 36. “Tình cu nghĩa sữa” gặp nhau xưng xưng “Tao bỏ vợ mày bỏ chồng chúng mình một mái lều tranh hai trái tim vàng nhề”, bên kia thỏ thẻ “Mày bỏ trước đi!”. Bọn trí thức chúa hay biến cái đơn giản thành phức tạp, thì lớp ẩm ương này lại “thô bỉ hóa” tất cả. “Vợ tao ngủ bỏ vú giả ra chuột tha mất sáng tìm chổng tĩ”. “Cái Tâm lên phây váy mới xinh ngùn ngụt làm tao muốn khoe quả trĩ mới cắt”. Mà toàn nửa anh nửa chú, đến chỗ làm bắt đầu có người gọi “sếp” đấy chứ, khiến ai ngoài cuộc dễ chóng mặt quay đơ. Cứ phải bóc mẽ nhau, đứng đắn nghiêm trang thế nào khi từng chăn hôi đắp cùng bát cơm sẻ nửa. Và “có” hộ thằng trốn học, cho chép bài thi, làm “bè trầm” trong đại sự tán gái…

Đấy là quang cảnh các cuộc tề tựu ban đầu. Dăm bẩy năm nay “phong trào” lắng lại, độ “máu” không được như xưa. Nhiều lẽ vô kể. Chủ đề sức khỏe bắt đầu lên ngôi, bài chữa tổ đỉa phổ biến cho tên đau tai, thằng thủng dạ dày phăm phăm chép lại. Đôi ba vị đã phó phòng hay hoàn thành giấc mộng “một vợ hai con ba tầng bốn bánh”, đôi hồi với người vẫn “chân đất mắt toét” đã phải cô cố xóa khoảng cách. Vào một kỳ cuộc, khi ban liên lạc tổng kết nhiêu thạc tiến sĩ nhiêu sắp cấp vụ bị phản ứng “Sao phải lấy đấy ra làm thước đo thành đạt. Ủy viên bộ trưởng sướng thế nào bằng mình được là mình cơ chứ”. Chuyện nhỏ, rút kinh nghiệm nhanh. Nhưng còn vô vàn nốt trầm, mảnh dẻ mà dai dẳng không đổ ra không xong. Như con bắt đầu tách ra chồng giỏi giang càng khó giáo dục. Như diện váy mới chưa hả, phải vũ trang kính râm tổ bố che nửa gương mặt ngày một đỡ xinh. Thiếu phụ xem ngôn tình mắt tuôn lệ mồm cứ tóp tép nhai, đâm chụp ảnh đứng nghiêng cho được thon thả. Đôi thằng bụng bắt đầu thây lẩy thì thào như buôn bạc giả, y như rằng đang truyền bá kinh nghiệm ăn vụng xong lấy “khăn ăn Thái” chùi mép. Bao đại sự cứ đẻ mãi ra, nhất là từ khi bước vào kỷ nguyên sống chiến đấu lao động học tập theo phây búc.

***

Kỳ họp tới đây, tình hình thế giới và trong nước thay đổi, đặt ra những thách thức, cơ hội mới cho ban liên lạc. Đầu tiên là thời điểm bất thường, không năm chẵn, do có tác động ngoài biên giới, từ nhân vật vào loại bí hiểm nhất lớp. Khánh “phi công”, gọi thế vì vài tháng lại bất chợt mắc lưới tình một “máy bay” sung mãn cả sức lực lẫn tiền bạc – chỉ học hết năm thứ ba nhưng bề dầy thi lại rất đáng nể. Có hôm về muộn hắn càu nhàu “Mợ này xinh mà hôn dai nước bọt ra đầy mồm mình”, ra ý khoe. Thỉnh thoảng biến vài ngày, khi về lớ phớ khai đi đánh quả, khao thằng điểm danh hộ chầu no đẫy diều. Lại thỉnh thoảng cảm thán câu tiếng Anh, “thả” vài hợp âm ghi ta. Thơ hắn bí hiểm, vần với chữ lượn vòng vèo đủ làm vài ba bạn gái trong lớp chới với. Khánh lặn lặng lẽ để lại bao đồn đoán kiểu về quê, đi làm xa rồi, thậm chí bị bắt, mãi khoa mới biết mà gạch tên. Hơn chục năm sau Khánh liên hệ lại, hóa đang Ba Lan, dân Việt tập trung cả một khu như cái “ghét tô” Do Thái, buôn bán, nuôi cảnh sát “bảo tiêu” và quan chức sở tại, tất nhiên bầu cho họ. Giầu có, đi lại nhiều lắm, vất vả, nhớ nhà mà không thể về, điều này lại dậy tiếng đồn “phi tình báo cho ta ắt vướng chính trị chính em đây thôi”. Lại luôn xuất hiện cạnh sao ca nhạc trong nước sang diễn, tặng hoa các em xong đọc thơ. Dù sao, Khánh không phải nhân vật không thể thiếu trong các kỳ họp lớp, nhớ ra thì nhắc thôi. Gần đây hắn vào nhóm “Bạn K.36” trên phây thì nhắc mau hơn.

Bờ lờ lờ, như cách gọi ban liên lạc lớp của mấy đứa “không thể trưởng thành”, có ba người. Trưởng ban Đào chả có gì đặc biệt ngoài nhiệt tình và tốt nhịn. Những con tinh tướng chì chiết dai, những thằng tự ái vặt dễ khùng, nó đều hơ hơ “rút kinh nghiệm”. Thành “đen” giầu có luôn chi trước phong bì hiếu hỷ những khi quỹ khô. Phó nữa là Yến “thu ngân viên xuất sắc”. Cựu sinh viên dưới trướng đông nhất là “quần chúng a dua”, còn đâu không “nòng cốt” thì “chậm tiến”. Đột ngột xuất hiện trên phây, Khánh kể những ngày mới sang Ba Lan đứng đường bán quần bò, giờ có “dây” đánh áo rét Cổ Nhuế cho Đông Âu. Nghĩa là ổn rồi, bắt đầu chơi golf, môn thể thao nhà giầu, làm từ thiện, vệ tinh cho sứ quán. Nhưng “càng thế càng nhớ quay nhớ quắt” những trò xưa, một “bóng dáng xa xôi”. Rồi Khánh bỗng đề nghị muốn gặp lại cả lớp, từ xa, chi phí gửi về nhanh và quá ổn làm bờ lờ lờ lâm vào thế khó. Nhưng phải “giải ngân” thôi, với vô số phức tạp về “thể thức”.

Như lại ra kỷ yếu. Vài cuốn đã làm, bao kỉ niệm băm viên nướng chả cả rồi còn gì để nói. Chết cái Khánh gửi về bài thơ tình, địa chỉ đề tặng mập mờ nhưng phải in như một cách “thanh quyết toán”. Thứ đến địa điểm, chương trình. Đào định đến cái rì sọt miền núi cảnh trí thơ mộng tha hồ quay, chụp. Đám con gái nhao lên phản ứng, những là say xe ngại nắng, mạng chập chờn không khoe nóng nhận “lai” ngay được. Thời buổi công nghệ có những sự chưa ra đã lạc hậu, đi đâu tổ mất thời sự. Bàn thảo mãi, bao nhiêu hội nghị cả “đầu bờ” lẫn bãi bia mới ra được cái thỏa thuận khả dĩ trung hòa. Là thuê phòng cưới, phóng lên cánh phông vĩ đại những biển xanh sóng cuộn, ruộng bậc thang trữ tình, thác nước hiểm trở tha hồ thỏa mãn khát vọng sống ảo đang sục sôi của quần chúng – dù khí “dừ” nhưng chăm học tập giới xâu bít. Tất nhiên nhạc nhã khi tưng bừng lúc trang trọng, bàn ăn bên dưới đủ nhiều khăn ăn khô hoặc ướt để tu bổ nhan sắc, thậm chí toa lét thật rộng dễ thay “đạo cụ” nữa.

Kịch bản vừa phức tạp vừa cụ thể phải bàn mãi, đến nỗi Yến phát cáu “Thế hóa ra cái sân khấu, họp mặt thành buổi diễn à”. “Thôi nào, thân lươn bao quản”, Đào vuốt ve. “Gặp nhau chỉ bá vai chí chóe nó nhạt nhẽo lắm. Thế giới hiện đại còn sinh ra công nghệ làm pi-a rất tốn kém, đằng này Khánh đâu có bắt “trình’’ quyết toán mà lo mang tiếng. Cái nó mong muốn chỉ là “một sự kiện hoành tráng, lãng mạn, hiện đại” thôi”.

Dẫu vậy khi nhóm bạn K. 36 trên phây đưa chương trình cùng yêu cầu cụ tỷ về trang phục, thái độ, ngoài những “lai”, “ok” với cả “thả tim” của quần chúng ham vui, bọn phản biện vẫn lạo xạo. Nhưng làm thế nào dân chủ cho khắp, nhất là khi đám trẻ đẹp lấy được chiếm đa số. Thời gian giờ đong bằng lượt “lai” thì đeo túi Louis Vuitton đi mượn, “seo phì” với dòng chua “Đang ở một nơi rất xa” hoặc “Phiền quá, lại có nơi mời trưa nay”, bố đứa nào biết đây trường kỳ cơm hộp. Đăng lên 100 giây thể nào cũng phải kiểm tra ngần nào đứa “ga tô”, “wow”, đứa nào tình cảm hời hợt để rồi sướng phát rồ hay bực dọc mất ngủ. Đến lượt nó đăng thì mình lại liều liệu mà đáp lễ. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, thả tim nhiều có lúc sẽ yêu. Đấy, thời buổi giao hợp mạng nó cứ phải thả thính, nương tựa nhau. “Tính” hiện đại mà Khánh mong muốn ít ra đã được thể hiện ngay từ màn liên kết trên mạng, dạo đầu lễ hội.

***

Thế mà có một chốn tịch mịch như thể đứng ngoài, đến từ Hương “tăm”, để phân biệt với Hương “mít”. Hồi “còn non” Hương “tăm” rất có nét, đôi mắt nâu ẩn dưới hàng mi rợp cho vẻ ưu tư bí ẩn, dáng mà không chuồn chuồn kim đã khối thằng chết ối đứa bị thương. Hương thân trên mức bạn bè với vài tên, trong đó có Khánh. Nhưng chúng cứ chập chờn đậu phát trực thăng ngay, sâu sắc chỉ đến mức thơ chàng bay đi văn nàng nghị luận lại, tình lo ló rất chi e ấp chả như sinh viên giờ nói ít huỳnh huỵch nhiều. Hương có chỗ làm thuận lợi, lấy chồng sinh con sớm, tận hưởng hay chịu đựng chả biết cuộc sống ổn định, phẳng lặng. Ở tuổi “tiền mãn tin” nàng rực rỡ hẳn, gò đống đầy đặn, cái đẹp trăng tròn thật đàn bà. Cơ mà hút hồn nhất là đôi mắt, thăm thẳm nổi loạn có ngày. Con đã đến đoạn không thích đi chơi cùng bố mẹ, ông chồng quá chiều vợ đâm tẻ nhạt, nên thiếu phụ hay xao xuyến, vẩn vơ những so sánh, vừa muôn muốn vừa sờ sợ. Tóm lại rất “tâm hồn”.

Anh không muốn nói những lời yêu

Từng trải quá nên đời thành cõi tạm

Nhưng nỗi nhớ về em thì rất thực

Làm sao dối cái trong trẻo được nào

Không chòng chành sao được, khi Khánh đề “Gửi H.” trong thơ trên kỷ yếu. Chút kỉ niệm mỏng manh đang đắp chiếu bỗng nhỏm dậy, chả hùng dũng day dứt mà rì rào dai dẳng. Bể nước kí túc xá buổi trưa chỉ hai đứa, Khánh múc nước cho Hương thật vụng về. Giảng đường đông chật, “ta” đưa vội “nó” cuốn ngôn tình, lí nhí “trang gấp ấy”. Mảnh như tơ, chỉ là những cảm giác, tưởng ngủ vĩnh viễn rồi mà giờ lại thế là làm sao. Chết đi được khi tưởng mình còn con gái. Hương không ru ngủ được kỉ niệm, bồn chồn đến đoạn phải gọi Yến để khen “Kỷ yếu in rất đẹp đấy”. May phó bờ lờ lờ nhắc ngay kẻ kia: “Không có thơ ông “phi công” thì in làm gì. Kỷ yếu mới ra năm ngoái năm nay bọn nó còn quái mà xúc động đậy. Bài vở nhạt nên cố hoa cỏ chim chóc vào, vắt dép lên cổ mới kịp ngày đấy”. “Thế Khánh tặng “Hờ” là ai?”, hỏi rất run rẩy. “Tao biết thế nào được không mày thì con Hương “mít” con Huệ con Hằng mày tưởng bở thì mày sướng”. Đáp vô tâm nên Hương đành chuyển sang hỏi Yến định mặc gì gấm Thái Tuấn có mầu đỏ tái hợp tuổi bọn mình đấy.Tiếc là Yến ki bo không đầu tư, khăng khăng chơi quả áo dài lười mua từ tám hoánh.

“Buổi lễ” đã có đà, cất được nỗi lo cho ban liên lạc. Cầm chắc cái đông đủ, sôi động. Màn hình đại tướng chạy cảnh Khánh đứng ngoài biệt thự lộng lẫy, ngồi xế hộp đến nhà nghỉ trong rừng, áo phông quần bò ngon dáng chủ trì họp công ty… “Hồi mới sang năm chục ký phải lên xuống hàng cùng thằng Ba Lan nặng một tạ, giờ mình làm ông chủ của nó”. “Đầy đủ rồi có nhà đẹp xe sang càng nhớ các bạn, những buổi học mùi nhà bếp cứ tra tấn”. Giọng thủ thỉ khiến ai nấy cảm động, có cả kẻ quặn lòng rộn lên bao vẩn vơ. Rồi Đào lên cảm ơn Khánh các bạn đây nhớ lắm mừng lắm mong cậu sớm về gặp mặt… Mười lăm phút thì chuyển sang phần “thanh niên làm theo lời nhau”, kịch bản tha hồ cương chính quyền không chịu trách nhiệm. Cốt có sản phẩm nghe được nhìn được gửi sang.

Những là các mợ tiềm năng chân chĩnh hối hả thay cho hết đạo cụ trong va ly biểu diễn, vừa “dân tộc nhắng” xoay tít ô dù dập dờn thổ cẩm trên nương đã mới vào đời vờn nhau cùng sóng biển. Những là Khánh ơi con trai máu lấy vợ quá chưa chi tao đã phải lên ông. Ai mà ngờ chúng mình trẻ trung diễn sâu dường này. Chả mấy khi rồ dại được, rồi trở lại đời thường tẻ nhạt làm người chồng chung thủy người cha nhân từ ông bà chí hiếu Khánh ạ. Và bao ngóc ngách con dâu sẩy thai mẹ chồng quái đản không thể lên cờ líp cứ cuồn cuộn. Cơn máu lửa bỗng lặng phắc khi Hương “tăm” bước lên, lồ lộ đẹp, ánh mắt đủ nghiêm khắc để đàn áp những đứa tanh tưởi nhất. “Tôi rất ngạc nhiên”, giọng trầm ổn, “sao chúng ta có thể vô tâm trước tình cảm của người nơi xa đến vậy. Bạn ấy đang cô đơn sao lại phải chứng kiến người người đều nô nức. Tôi còn muốn nói là chia sẻ thế này còn quá trẻ con nhưng cơ mà thế thôi…”

Dừng một lát, đoạn: “Khánh có những câu thật hay gửi H. Có phải tôi không, chả biết, giờ xin đọc bài này “gửi K.”

Người ấy rất làm tôi bối rối

Trái tim non nớt loạn nhịp

Tinh cầu tôi đau đớn cô đơn

Bỗng dại khờ như lần đầu, lần đầu tiên ấy

Nỗi sầu đau giấu vào đáy mắt

Tình cũ ơi sao hồi ấy lặng im

Giờ mới ngỏ thôi đành…”

Hương nấc cụt, lau mắt đỏ hoe, bước vội xuống để lại dư vị trầm mặc rất khó nói. Đám đông ngơ ngác “trong vài nốt nhạc” rồi trở về bản tính khó giáo dục ngay. Lại bốc hỏa. Vừa phừng phừng dàn váy thoắt đã áo dài thướt tha. Bao phấn khích phải hét lên mới hả, thành thử “quán triệt” đến dường nào thì không khí sâu lắng, cái có thể Khánh mong chờ không xảy ra được. Khổ cho trưởng ban Đào, cảm thấy mình có trách nhiệm chia sẻ tâm trạng với “người có tâm duy nhất”, phải hứng những trách móc chĩu chịt.

***

Bàn ăn góc xa tụ tập những đứa chả thích la hét. “Lạ nhỉ tao chả hiểu thế nào”, ai đó phá vỡ khoảng trầm ngâm. “Có gì mà lạ, tình cũ không rủ cũng đến, nhưng hai đứa còn sâu sắc với nhau thế thì tao chả ngờ được”, Thành “đen” buông. Cường quay sang chọc Hương “mít”: “Tao ngờ Khánh gửi thơ cho mày cơ”. “Tao chả thích nó mà nó cũng chả thích tao mày đừng vớ vẩn”, đáp rất sỗ. Lại im lìm khi Đào tới thông báo “Ổn rồi gớm Hương khóc ghê quá còn chê tôi không ngăn những đứa quá đà không phải lúc”. Đang còn phân trần với kêu khổ thì Cường ném ra “quả tạ”:

– Ai thế nào chứ ông Khánh tôi biết lắm. Một “tập” với mấy phát “rưỡi” rồi, hai con đôi ba dòng. Bài thơ này in trên tuyển thơ người Việt ở Ba Lan đề “tặng B.” Nhiều bố tán gái thay địa chỉ gửi chứ lấy đâu lắm tinh trùng mà lai láng thế.

“Khiếp cái thằng này không ăn nói tử tế được à”, Hương “mít” trách nhưng lại có vẻ khoai khoái. Vài tên kêu ca tụ tập kiểu này không tự nhiên, họp hành nghiêm trang hay chí chóe chả phải, mà cưa sừng làm nghé trình diễn xâu bít cũng chả đến nơi. “Được quả tài trợ cũng phải trả giá chứ”, thủ quỹ Yến đai ác làm trưởng ban đắng hẳn. Buồn thật. Buồn lắm. Những “giá như” với “nếu mà”… hiện lên khiến Đào bật ra: “Tôi không làm nữa đâu. Rặm bụng lắm”.

Chưa ai kịp ngăn, Hương “mít” đã bô bô: “Các ông chả phải lo Hương ‘tăm’ nhẹ dạ cả tin đâu. Chuyện Khánh nay tặng Hờ mai thương yêu gửi Bờ ngày kia dâng hiến Dờ nó lạ gì. Mà nếu đúng là gửi một mình nó thì nó dại gì phá cái gia đình đang rất sung sướng. Năm ngoái tập “ghim” huỳnh huỵch thi hoa hậu quý bà bao nhiêu “còm” trên phây giả lời hết. Xong cuộc này cả nhà đi chơi Nha Trang nó lái là chính đấy ạ. Sướt mướt ngôn tình vậy là vì lo cuộc đời nhạt nhẽo, không ai phẩm bình mình ra cái tóp. Làm sự kiện nó cứ phải thế”.

Ô hay, thế là thế nào? Trưởng ban rón rén quay đầu lại. Chỗ Hương vừa thổn thức giờ là quý bà long lanh, mặt hoa da phấn chả còn hoen lệ.

Trần Chiến/Văn nghệ

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chùm thơ Huỳnh Dũng Nhân
Sáng nay đọc tin tứcMừng thấy bão đã tanNhưng đất thành nghĩa địaChưa kịp chôn Cây xanh
Xem thêm
Đào Văn Sử - Chùm thơ dự thi
Đi chợ, nấu ăn, chia phần, đóng hộprồi chuyển nhanh… theo mệnh lệnh không lờiHọ trao yêu thương nhận hạnh phúc, niềm vuiLan tỏa mãi những trái tim nhân ái!
Xem thêm
Phan Duy – Chùm thơ dự thi
Nếu có dịp về thị trấn cuối cùng giáp biểndọc dài những con đường lao xaodọc dài những ao tôm phơi đáychạnh lòng thươngmùa này giá rẻ như cho
Xem thêm
Khuê Việt Trường – Chùm thơ dự thi
Trong ba lô của cuộc hành trình của chúng taCó những giấc mơ chưa trọnCó những lời hẹn cũ
Xem thêm
Chùm thơ Phạm Thanh Bình
Lang thang ở chốn chợ đời Từ trong âm tạp...vọng lời cha tôiVề đi con, hãy về thôiCòn cha mẹ sao mồ côi chốn này
Xem thêm
Nguyễn Minh Khiêm – Chùm thơ dự thi
Nợ viên thuốc ký ninh cho ta qua cơn sốt li bìNợ ánh trăng khuya quên chênh vênh vách núiNợ nắm lá xông bao nhiêu bàn tay háiNợ cái nhìn thắp lửa những ngày mưa
Xem thêm
Phùng Hoàng Anh – Chùm thơ dự thi
Đêm về nỗi nhớ ngùi hương Thắp trong lòng mẹ yêu thương vô bờ Thời gian thành nấm mộ thờ Bao đêm mẹ thức đợi chờ xót xa
Xem thêm
Chùm thơ Việt Nga
Cho ta một đoá thẫn thờCuối đường mây trắng còn chờ chuông ngânNgười ơi, chưa vẹn đường trầnCớ sao một mối tơ hồng xé đôi?
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn – Thơ dự thi (chùm 2)
Thơ dự thi Nhân nghĩa đất phương Nam lần 2
Xem thêm
Thơ về Huế - những khúc tự tình của Xuân Lộc
Cũng đành tạm biệt Huế thôi/ Sau lưng để lại khoảng trời mờ sương
Xem thêm
Ca khúc Cốm thu | Thơ Trương Nam Hương - Nhạc Hữu Xuân
Thơ: Trương Nam Hương/ Nhạc: Hữu Xuân/ Thể hiện: Quang Minh
Xem thêm
Nguyễn Thánh Ngã – Chùm thơ dự thi
Thơ dự thi “Nhân nghĩa đất phương Nam”
Xem thêm
Giới thiệu thơ Đặng Bá Tiến
Nhà thơ Đặng Bá Tiến sinh năm 1952, quê xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk, thường trú tại Buôn Ma Thuột. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (A.VAPA), Hội viên Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (A.FIAP). Với gần chục tác phẩm văn chương đã xuất bản và nhận được nhiều giải thưởng văn học, nhà thơ Đặng Bá Tiến nổi bật lên như là một trong những nhà thơ có bản sắc nhất của vùng văn học Tây Nguyên. Văn chương TPHCM trân trọng giới thiệu chum thơ được rút trong tập thơ Linh hồn tiếng hú đến với bạn đọc.
Xem thêm
Thơ dự thi của Trần Lê Anh Tuấn & Đào Đức Tuấn
Thơ dự thi Nhân nghĩa đất phương Nam
Xem thêm
Trăng Huế - Chùm thơ Phạm Minh Mẫn
Một thời đạn lửa/ Ta từng lật tung cánh rừng tìm nhau/ Đêm đau đáu tiếng từ quy gọi bạn
Xem thêm
Phạm Thanh Phương – chùm thơ dự thi
Thơ dự thi “Nhân nghĩa đất phương Nam
Xem thêm
Châu Hoài Thanh - Chùm thơ dự thi
Sáng naymột con chim nhỏ bay vào phòng chiếc giường bao năm bỏ trống
Xem thêm
Nguyễn Minh Khiêm – Chùm thơ dự thi
Thơ dự thi “Nhân nghĩa đất phương Nam”
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyễn Thánh Ngã viết thơ cho thiếu nhi vùng cao
Trong số 9 tập thơ của nhà thơ gốc Quảng Ngãi đã xuất bản từ năm 2001 đến nay, “Hạt bắp vỗ tay” là tập thơ đầu tiên mà “gã thi sĩ hoang” Nguyễn Thánh Ngã viết riêng cho thiếu nhi
Xem thêm
Lê Hải Kỳ - Chùm thơ dự thi
cầm bằng không Khéthạt phù sa đau mấy phận ngườitầm ai hát,
Xem thêm