TIN TỨC

Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-08-25 15:07:28
mail facebook google pos stwis
590 lượt xem

Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .

Thiền sư Nhất Hạnh khi đề cập đến dòng sông tâm thức giảng rằng “Nhà triết học David Hume đã nói: “Thức là một tia sáng hay một chuỗi những tri giác khác nhau diễn ra liên tục với một tốc độ phi thường”. Các tâm hành biểu hiện và tiếp nối nhau như một dòng sông. Khi nhìn vào dòng sông, chúng ta nghĩ rằng dòng sông là một thực thể không bao giờ thay đổi, nhưng đó là do tâm thức của chúng ta tạo ra. Khi ngồi trên bờ sông, chúng ta thấy rằng dòng sông mà chúng ta đang quan sát bây giờ không giống với dòng sông mà chúng ta vừa mới xuống bơi lội. Heraclitus nói rằng chúng ta không thể tắm hai lần trong một dòng sông.

Trong quyển sách Evolution Creatric xuất bản năm 1908, Henri Bergson thường dùng thuật ngữ “kỹ thuật điện ảnh của tâm” (cinematographic mechanism of the mind). Khi xem phim chúng ta có cảm tưởng như có một câu chuyện thật đang xảy ra. Nhưng nếu kéo cuộn phim ra kiểm tra, chúng ta sẽ thấy chỉ có những bức tranh riêng lẻ nối tiếp nhau cho ta cảm giác có một thực thể tồn tại liên tục”.

Trong các câu chuyện kể của Elena ta cảm nhận sự biến chuyển không ngừng của tâm thức dù là trong im lặng. Một bà mẹ không sanh đứa con nào nhưng lại có sự thương yêu của hàng trăm đứa con người khác (mà theo nhà Phật là do nhân duyên cả). “Thế nhưng về sau thì bà cũng hiểu ra là bà còn có một niềm vui to lớn hơn nhiều: làm mẹ của hằng trăm đứa con. Bà đã nuôi dạy chúng, đã từng cạo trọc những mái đầu tí hon, chỉ chừa một nhúm tóc nhỏ, và dạy chúng vắt lên vành tai “và trong thinh lặng bà đã nghe âm thanh của niết bàn…” chính là khi đạt được trạng thái hài hòa trong vũ trụ quan Phật giáo. “Hãy quên bản thân và nghĩ đến tha nhân”, quên sự mưu cầu hạnh phúc cá nhân để chia sẻ và hòa đồng với người khác”. Ngày bà gặp lại một đứa con đã bỏ bà ra đi là ngày bà lìa bỏ cuộc đời này … trong hạnh phúc “Ôi, đã bao lâu bà chờ đợi phút giây này và lòng bà đang trào dâng một niềm hạnh phúc cho người con gái. Lòng bà bình yên và nhìn thấy tất cả niềm hạnh phúc và yêu thương của nàng sáng rực trong đôi mắt. Chẳng cần nói lời nào nữa, dù có là cái Tết cuối của cuộc đời, nhưng với bà đó là cái tết hạnh phúc nhất.”  Kho tàng của sự im lặng)

Hạnh phúc đó có thể là một chuyến đi lên Yên Tử với bao nhiêu khó khăn trắc trở vì đường sá, vì thời tiết. Bản thân tác giả trước kia cũng là một cô gái đua đòi mua sắm bỗng một ngày nghe lời rủ rê “Gặp nhau chắc sẽ vui lắm. Thứ bảy này mình đi ra ngọai thành đi. Lâu quá bặt tin… chắc có nhiều chuyện để kể cho nhau!” và rồi họ đã lên yên Tử, một ngọn núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, và lấy cáp treo để lên đỉnh. Sau đó tiếp tục đi trên những con đường mòn đầy đá. Và rồi khi lên không nổi xuống không xong thì lại gặp mưa, giữa lúc tấn thối lưỡng nan “Bỗng tôi nghe từ phía sau lưng mình một người đang đến và một giọng đàn ông:- “Cố lên. Chỉ còn một chút nữa là đến đỉnh. Cô sẽ làm được!” và rồi, ngạc nhiên chưa! “Chúng tôi đã chinh phục độ cao. Và tôi cũng đã đến đây, bằng tất cả mọi nỗ lực, với đôi giày há mõm và áo quần ướt đẫm! Đó là một cảm giác tuyệt vời mà có lẽ tôi chưa bao giờ được trải nghiệm! …Tiếng nói của một người lạ mặt đã cho tôi cái sức mạnh mà trước đây tôi cứ tưởng là mình không còn nữa. Âm thanh đó còn cho tôi biết là trên đời này tôi không còn cô độc. Nghĩa là tôi cũng có thể có một phần hạnh phúc, tôi phải tin như thế.” Và tác giả cảm nhận sau chuyến đi sức mạnh của sự phấn đấu cho một tương lai tốt đẹp. (Trên đỉnh núi thiêng)

Tác giả còn đưa ta vào không gian của một chuyến đi Hà Nội vào đầu thập niên 1990 “để làm một nghiên cứu cho viện đại học Milano và tôi đã bị mê hoặc ngay bởi cái không gian bí ẩn của cố đô này.”  Bằng một vài nét chấm phá Elena đã bộc lộ cái hồn cốt của thủ đô Việt nam: “Có thể do cái lớp sương mù mỏng manh vào sáng sớm hay những chuyển động phơ phất của hàng liễu rũ bên bờ hồ Gươm hoặc những chiếc cầu vòng xuất hiện sau cơn mưa tầm tã và những tia nắng bắt đầu xuất hiện, đang chiếu qua những vòng cung của đền Ngọc Sơn và chiếc cầu Thê Húc sơn màu đỏ…  Nhưng chắc chắn là tất cả những điều ấy đã cho tôi cái ấn tượng Hà Nội là một thành phố đầy quyến rũ và bí ẩn”.

Tâm thức Elena còn lưu lại “vẻ đẹp của Hà Nội còn nằm ở những góc phố, nơi những cụ già ngồi phì phèo thuốc lá hay thỉnh thoảng rít một hơi thuốc lào để ngẫm nghĩ một thế cờ tướng dưới bóng một tàng cây hay dưới mái hiên trước một ngôi nhà nhỏ”. Và hình dung ra “tôi tưởng mình đang cỡi rồng bay trên thành phố, luớt qua khu biệt thự Pháp và những căn nhà thời thuộc địa được che chắn bởi những hàng rào và cổng vào bằng sắt trang trí theo kiểu Liberty của đầu thế kỷ XX … Giống như một giấc mơ giữa ban ngày. Tôi muốn mình được bay như một cánh chim vừa thoát khỏi lồng, lơ lửng trên những con đường thuốc với những dụng cụ chưng cất đang hâm nóng bát thuốc trường sinh hay cỡi trên lưng một con cá vàng bơi dọc theo sông Hồng” (Hà Nội, nét đẹp bí ẩn).

Một chuyện cãi nhau của hai vợ chồng cũng làm tác giả bồi hồi suy nghĩ khi nhìn hai con chim mớm mồi âu yếm nhau. Tác giả suy ngẫm về tình yêu của loài người khi so sánh với chim “Đó chỉ là bản năng? Cũng có thể… Nhưng tôi tin là tình yêu giữa hai con chim đó còn có điều gì hơn thế: Đó là sự quan tâm của chàng chim này đến cô chim kia, giữa chúng có một ý thức trách nhiệm mà ít khi tôi thấy trong quan hệ giữa những con người trong thời đại ngày nay”. (Tình yêu)

 Nhưng khi tác gỉả viết về tình yêu của chính mình, chị viết với tất cả sự sâu lắng của cảm xúc và trí tuệ từ những chuyện hôm qua, hôm nay và ngày mai…

Với thời gian em hiểu là cả hai ta đều rất cô đơn. Tất nhiên là chúng ta có hai hoàn cảnh khác nhau, đối với em là sự thiếu thốn tình cảm, còn anh thì rời bỏ quê hương, đang sống xa gia đình và cuộc gặp bất ngờ đó đã mang hy vọng đến cho nỗi cô đơn của nhau”.

Và họ đã vượt qua mọi trở ngại “… Em chỉ biết và nghĩ rằng, anh đã viết để nói cho em hiểu rằng, điều mà trái tim của chúng ta cảm nhận có thể sẽ là một tình yêu lớn. Và cái cô vũ nữ bằng giấy bóng ấy chính là quà tặng đầu tiên mà anh đã gửi đến em. Nhưng chắc có lẽ anh cũng không thể nào hiểu là đối với em bức thư và món quà nhỏ ấy đã quan trọng như thế nào! ”.

 Chị còn nhớ như in chuyện hôm qua “Nhiều lần anh nói đùa là anh đã cưới em vì em đã dạy anh nhìn những ánh sao trên bầu trời hay lắng nghe tiếng rì rào của biển và chuyển động cuả thủy triều, còn em thì nói yêu anh vì sự bền bĩ, tính kiên trì và bằng cách mà chúng ta đã gần gũi và chia sẻ cùng nhau trong từng cảnh ngộ vui buồn”.

Thời gian rồi sẽ trôi qua, nhưng không phôi pha và đẹp làm sao, vì cho đến hôm nay chúng mình vẫn còn bên nhau để nhắc lại những kỷ niệm về tình yêu ngày cũ. (Hôm qua và ngày mai)

Tình yêu ấy khiến anh phải bay vào tâm dịch để trở về với chị trong hoàn cảnh “dầu sôi lửa bỏng” lúc ấy. Đẹp và đáng trân trọng thay!

Có chuyện chị thay mặt cho thân phận một cuốn sách kể về hành trình lưu lạc “Trên kệ ở một cửa hàng lớn, người ta lồng tôi vào một chiếc bao nhựa, nhưng tôi không phải nằm lâu trong đó vì chỉ một ngày sau là đã có hai bàn tay háo hức kéo tôi ra khi chân anh chưa bước hẳn ra khỏi tiệm”. Có thể đó một cậu sinh viên ham mê vồ vập nhưng rồi có khi bị bỏ quên trên kệ “Cũng có thể là tôi sẽ nằm yên ở đấy mặc tình cho nhện giăng một thời gian nếu không có đôi bàn tay dịu dàng của một cô gái…” Rồi đột nhiên tôi thấy mình bị nhốt trong một chiếc thùng carton cùng với những vật dụng khác… cuối cùng tôi cũng được mang đến và nằm trong tay người bạn già. Tôi đã thấy sông, thấy biển, nghe được cả những hơi thở hổn hển, của đam mê và niềm sảng khoái trong các động tác ái tình. Và thế là thân phận bị quên lãng của tôi cũng chấm dứt. Để trở thành một người bạn và tôi như lại được sống thêm một lần nữa. (Đời sách)

Nhưng có lẽ câu truyện mà chị lấy làm tiêu đề cho tác phẩm mới đang kể “Hạt bụi lênh đênh- Vivere senza radici” khi nhân vật chính gặp một nhà sư tình cờ trong một chuyến bay. Phải nói thêm là bản thân nhân vật chính cũng là đứa trẻ mồ côi “Tôi là một đứa bé mồ côi, bị bỏ rơi ở một góc đường trong một thành phố nhỏ ở Á châu mà tôi không còn nhớ là đâu... Rồi một ngày, có một nhà sư từ xa đến chùa, lúc ra đi ông dắt tôi theo. Đó chính là sư phụ của tôi. Tôi đã học thật sâu về nỗi đau, làm thế nào để giúp mọi người sống khỏe mạnh thông qua thuật châm cứu, bấm huyệt và ngôn ngữ phù hợp để khuyên họ làm thế nào để vượt qua nỗi đau thể xác và khổ sở tâm hồn…Tôi không biết gì về sự ra đời của mình, tôi sống mà không có gốc rễ, tôi như một hạt bụi lênh đênh, bay từ châu lục này qua châu lục khác nhưng mỗi lần tôi có một cuộc gặp và giúp được một người nào đó thì tôi hiểu lý do vì sao tôi phải sống cuộc sống này.” Khi gặp vị sư già, anh để ý thấy “chiếc mũ lệch về phía sau và rơi xuống, để lộ ra mấy vết cháy hình tròn trên đỉnh đầu, tất cả đều tròn và bằng nhau nên không thể cho đó là những vết phỏng tình cờ.” Nhưng bất hạnh thay, anh bị rơi vào tình trạng đột quỵ và người ta đưa anh đến phòng cấp cứu “Tôi nằm một mình và lòng đầy lo ngại trong một căn phòng vô trùng ở bệnh viện John Hopkins ở Baltimore thuộc tiểu bang Maryland. Người ta đã mang tôi từ sân bay đến đây bằng xe cứu thương. Lúc tỉnh dậy thì bác sĩ cho hay là sau khi máy bay hạ cánh, vừa bước ra thì tôi bị té ngã. Có thể là một cơn đau tim. Các bác sĩ đã khó khăn lắm mới giúp tôi hồi sức, và bây giờ tôi đang nằm trong tình trạng cần theo dõi.” Anh luôn mang trong mình mặc cảm “là người không có quá khứ, tôi cũng sống mà không biết cội rễ nhưng tôi sống mà chẳng có ích gì cho ai, thật khác với vị tu sĩ khiêm tốn này” Và sau cơn mê sảng, anh gặp lại vị sư hồi nãy trên máy bay. Vị sư nói “Ông bác sĩ đang chữa trị cho bạn đã gọi cho tôi nhưng thú thật trước đó tôi không bao giờ tưởng là mình sẽ được gặp lại bạn. Chắc bạn đã trải qua nhiều đau khổ và lo sợ, nhưng bây giờ bạn hãy bình tĩnh nhé. Bạn không còn cô đơn hay chỉ một mình nữa đâu.”

Tôi không còn sợ nữa. Ông chính là người duy nhất mà tôi muốn gặp lại trong lúc này để từ giã, người anh em ạ.

Đó chính là lời nói cuối cùng của tôi và tôi đã vĩnh viễn rời bỏ phút giây ấy, để yên bàn tay tôi trong bàn tay nhà sư, trong khi từ đôi mắt của ông, dường như cũng đang có vài giọt nước mắt đang rơi xuống.”

 Câu chuyện kết thúc trong bi thương nhưng phù hợp với lẽ vô thường. Chúng ta nhớ những nhân vật của William Faulkner đều cảm nghiệm sự quyến rũ của bất hạnh trong “Âm thanh và cuồng nộ” (The Sound and the Fury), của suy đồi hay cái chết. “Hạt bụi lênh đênh “không có bi kịch như trong “Vàng trên biển đá đen” khi nhân  vật ở đây thấu hiểu cuộc đời trong ý nghĩa uyên nguyên của nó, trong tình yêu đời và “hiểu mệnh” nói như Jean Poullon “ Hiểu mệnh  là cởi bỏ mệnh “  Understanding destiny is its undoing “(Time and destiny in William Faulkner) khi nói như ai đó rằng tất cả mọi người, dù sang hèn, giàu nghèo, mạnh yếu, đẹp xấu… đều bình đẳng trước cái chết. Chúng ta đều mang bản án tử hình, chỉ có khác nhau về thời gian thi hành án mà thôi. Nếu hiểu giáo lý nhà Phật, thấu triệt lý Vô ngã, chúng ta hiểu vạn vật trên thế gian này chỉ do duyên hợp, chúng ta càng thấm thía lẽ vô thường của trời đất.

Con người có khác gì bông hoa. Lúc mới nở thì trông thật dễ thương, kiêu sa, lộng lẫy với mùi hương nồng nàn khiến ta ngất ngây. Sau đó vài ngày các cánh hoa tàn úa theo quy luật thành-trụ-hoại-không không ai tránh khỏi! Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có lần băn khoăn:

 Ta còn để lại gì không?

 Kìa non đá lở này sông cát bồi

 Lang thang từ độ luân hồi

 U minh nẻo trước xa xôi dặm về

Vâng chúng ta chỉ là hạt bụi lênh đênh thôi …

Ta như nghe lời bài hát Trịnh Công Sơn:

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi... »

(Trịnh Công Sơn, Cát Bụi)

Nghe vọng vang như Lời Kinh thánh “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3, 19), thân phận con người thật mong manh.

Hiểu được rõ ràng như vậy, ta mới không bị động tâm, không buồn khổ khi lẽ vô thường ứng dụng trên ta. Có đó rồi mất đó. Lý Bạch kêu lên “Xử thế nhược đại mộng. Hồ vi lao kỳ sinh?” Cuộc đời có khác gì giấc mộng Nam Kha, Ngày nay chúng ta đóng vai nghệ sỹ, giáo sư, giám đốc, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống trong một thời gian nào đó rồi chúng ta cũng sẽ già nua đi, phải từ giã công việc, vì không còn cái lộng lẫy, hào nhoáng thưở nào vì vinh quang không bao giờ vĩnh viễn .

 Nghĩ thân phù thế mà đau

 Bọt trong biển khổ bèo đầu bến mê

(Nguyễn Gia Thiều)

Tác giả còn một câu chuyện cảm động về hai bà mẹ, một ở Ý, một ở Việt Nam.

 Tình mẫu tử thiêng liêng bây giờ nhớ lại “Suốt một đời mẹ chỉ muốn tận tình chăm sóc chồng, thế mà sau ngày cưới chẳng bao lâu, người chồng đã bắt đầu làm khổ mẹ. Niềm an ủi duy nhất của mẹ chính là những đứa con: anh trai và con, đứa con gái mà mẹ muốn giữ, chống lại ước muốn của chồng. Tám năm sau lần sinh nở đầu tiên, chính mẹ đã quyết liệt chống đối để con có thể tiếp tục lớn lên trong bụng mẹ..” Rồi đau xót khi phải chia lìa mẹ “Mẹ ơi, trong những ngày cuối, chao ôi, con thấy mẹ dịu ngọt và mỏng mảnh làm sao! Con biết không phải mẹ khóc vì mình sẽ lìa bỏ cõi đời mà khóc cho những đứa con mà mẹ phải rời xa. Đó không phải là ý muốn của mẹ, mà là do cái khối u tàn nhẫn đang lớn dần bên trong và từng ngày cướp đi sức sống.” Nhưng Elena đã kết nối bà với một bà mẹ khác. “Bây giờ thì con xin báo cho mẹ biết là trong những ngày tới, mẹ sẽ có một cuộc gặp gỡ quan trọng. Đến gặp mẹ là một người đàn bà mà mẹ đã từng gặp rất nhiều năm trước: mẹ của chồng con. Con tin chắc rằng hai người sẽ trở thành bạn, sẽ kể cho nhau nghe nhiều rất chuyện, về những cuộc đời ở mãi tận phía bên kia trái đất. Bà ấy hay cười và thích nói đùa. Đây là điều mà con đang tưởng tượng: hai người ngồi bên nhau như thể là hai người bạn lâu năm, vui đùa, cười nói. Mẹ chồng của con sẽ nói về Việt Nam, sẽ giải thích về lễ Vu Lan, một ngày lễ Phật Giáo rất đặc biệt dành cho các bà mẹ vì họ giữ một vai trò quan trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội”.

Ngày lễ đó cũng là một cơ hội để các con có thể nói lên tình yêu thương và báo đáp lòng hiếu thảo với mẹ, người đã chịu đựng biết bao đau đớn để sinh con, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng nên người. Bao nhiêu khó khăn thường nhật mà người mẹ phải vượt qua, kiên nhẫn, hy sinh và xem nhẹ những đớn đau hiện tại để nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp.

Khi một trong hai bà còn sống, Elena phải tốn công giải thích tại sao có  hai đóa hồng hai màu khác nhau “ Con vội giải thích với cô ta rằng chiếc hoa hồng màu trắng là cho mẹ ruột của cô, còn hoa hồng màu đỏ là dành cho mẹ của chồng, mà con xem là bà mẹ thứ hai…..; Còn đứa con dâu ngoại quốc, có dáng vẻ bên ngoài có lẽ rất khác với những gì bà chờ đợi, nhưng luôn dành cho bà một tình thương và lòng kính mến như chính là con gái. Kính mến và yêu thương thật sự, đến nỗi con thường tránh chữ mẹ chồng (vì những ý nghĩa mà thông thường người ta hay đem ra chế diễu); Có khi con xem gọi thế là một sự xúc phạm. Mẹ. Là mẹ, thế thôi.

Nhưng đến khi cả hai đều đã qua đời, tình yêu dành cho hai bà vượt ra ngoài phạm trù không – thời gian, lớn lao ngoài mong đợi vì cả hai đã qua bờ bên kia.

Bây giờ thì mẹ và mẹ của chồng con đang ở bên nhau và ý nghĩ là cả hai đều bình yên đã cho con rất nhiều an ủi. Con sẽ luôn nghĩ đến hai người mẹ và mùa Vu Lan này, giữa các nghi thức cúng kiến, con muốn được đốt một chiếc điện thoại di động bằng giấy theo truyền thống của người Việt Nam để có thể nghe được giọng nói thân thương của mẹ. 

Và bắt đầu từ nay, các em bé sẽ gắn lên trên ngực áo của con hai bông hồng trắng.

Con ôm hôn mẹ, thật mạnh.” (Thư viết cho mẹ)

Đấy là tất cả những gì Elena viết trong phần đầu của tập sách, ngần ấy trang viết chan chứa những tình cảm lắng về tình yêu, về số phận con người, về sự mong manh vô thường của kiếp người, nhưng nói như Andre Malraux “Đành rằng cuộc đời vô nghĩa nhưng có cái gì có nghĩa hơn cuộc đời đâu (Une vie ne vaut rien, mais rien ne vaut une vie). Thế nên nhà Phật dạy ta sự an nhiên khi đối diện cái chết và những biến động của đời sống.  Elena diễn tả tất cả triết lý nhân sinh ấy bằng một bút pháp nhẹ nhàng dung dị nhưng tràn đầy cảm xúc, sâu lắng và không kém phần uyên áo trong tư duy của một ngòi viết am hiểu những nguyên lý căn bản về đạo Phật. Đức Dalai Lama, một trong những nhân cách đáng kính nhất của thời hiện đại có nói: “Tôi không quan tâm đến tôn giáo của bạn hoặc bạn là người có tôn giáo hay không. Điều thật sự quan trọng đối với tôi là thái độ của bạn trước đồng loại, gia đình, công việc, tập thể và thế giới. Bạn hãy nhớ rằng vũ trụ phản ảnh các hành động và suy nghĩ của bạn…”

 Và Elena đã trân trọng mô tả, ghi chép lại tất cả tình yêu thương dành cho gia đình, công việc, cộng đồng và thế giới xung quanh bằng trí tuệ mẫn tiệp và ngòi bút tài hoa của mình… Điều tôi viết chỉ là phần đầu của tác phẩm, còn phần tạp văn và suy tư của Elena dành cho bè bạn chiếm một dung lượng tương đương những gì vừa nói ở trên. Hãy đọc “Hạt bụi lênh đênh và cảm nhận trong tinh thần ấy.

 Sài Gòn, tháng 6, 2021

 Nguyên Cẩn

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm
Đọc thơ Trần Mai Hường
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm