TIN TỨC
  • Truyện
  • Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên

Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-07-15 15:41:30
mail facebook google pos stwis
513 lượt xem

Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.

  • Tiền đi đâu?

 Mấy lần Phàm định gọi thằng Tồ vào hỏi xem có thuận tay đút túi đồng nào không, nhưng lại ngại. Từ xưa đến nay nó vốn là thằng thật thà, tử tế, chẳng lẽ giờ sinh hư? Hỏi nó thì coi như nghi ngờ nó gian dối. Không bắt được quả tang mà nghi ngờ người khác lấy tiền của mình là tội tày đình - mẹ gã bảo thế. Tội mất không bằng tội ngờ! Rồi chết không nhắm mắt, đã vậy xuống dưới mười tám tầng địa ngục còn bị quỷ sứ bạnh mồm rút lưỡi hay luồn thanh sắt nung đỏ vào cuống họng. Nghĩ đến lúc chết vẫn chưa hết tội, gã thấy lạnh sống lưng.

Phàm luôn tâm niệm, làm ăn ở chốn dương gian nhọc nhằn, vất vả, dẫu có phải thức khuya dậy sớm thì cố gắng chăm chỉ, không vì bạc tiền mà hủy hoại nhân cách. Gã muốn khi hai tay buông xuôi, thân xác phải thảnh thơi để hồn vía bay lên chốn thiên đường hưởng lạc – bỏ một đời lầm lũi kiếp thảo dân. Hơn thế, bây giờ thằng Tồ mà điên tiết cự cãi rồi tự ái bỏ việc thì gã kiếm đâu ra người. Tìm được đứa giúp việc tử tế khó bằng mò kim đáy biển. Tuyển đi tuyển lại, toàn bọn mắt trước mắt sau gian như cáo, đã lười còn hay đòi hỏi, giở lắm trò ma quay chủ như chong chóng.

Đầu óc miên man, thân xác thẫn thờ, Phàm ngồi bệt xuống nơi gần cửa ra vào đưa tay nắn lại cái mõm giày.  Trưa nay, lúc vội đưa bố ra bến xe về quê, gã vấp phải viên gạch khiến mũi giày bị tung ra. Định đi tìm lọ keo gắn lại nhưng trong lòng cứ thấy nản, gã châm cho mình điếu thuốc lá và ngồi nhìn dòng người qua lại dưới ánh điện đường. Bố lên xe khách ngồi yên vị, Phàm mới quay đầu. Trên đường về gã ghé thăm thằng bạn bị tai nạn giao thông gãy chân nằm bẹp cả tháng. Tất cả thời gian chỉ chừng hơn tiếng đồng hồ, thằng Tồ bán được hai con vịt đã đưa tiền cho gã cả rồi.

- Tồ đâu? Thằng Tồ đâu ra đây xem nào…

Mặc dù đã kìm nén, nhưng Phàm vẫn thấy giọng mình rít qua hai hàm răng vàng ệch khói thuốc. Thằng Tồ đang rửa bát trong góc bếp hỏi vọng ra:

  • Chú gọi cháu?
  • Chả gọi mày… thì gọi ai?

Thằng Tồ lạch bạch chạy ra trên đôi ủng nhựa màu đen, mái tóc nhuộm trắng phất phơ. Hôm nay nó còn mặc áo màu cam, quần xanh lửng ngang gối, tay đeo găng nhựa đỏ trông thật ngộ! Mấy ngày trước thằng Tồ còn bảo sẽ đi bấm tai để đeo khuyên, nhưng gã không cho. Gã bảo: Thiên hạ nhiều đứa giới tính lung tung mày lại thể hiện nửa đực, nửa cái ngứa mắt tao lắm! Chẳng hiểu thằng Tồ nghe ra hay sợ gã đuổi việc mà chưa đi đục lỗ tai.

Thằng Tồ chạy lại gần gã. Phàm bình thản ném mẩu thuốc lá xuống nền gạch, lấy mũi giày di di mấy cái. Sau khi nhìn nó một lượt từ đầu đến chân, gã cất lời nhưng mặt lại quay đi chỗ khác. Gã thấy ngại khi nhìn vào mắt thằng Tồ, tính nó tuy bộp chộp nhưng là đứa ngay thẳng.

  • Hôm nay mày có lấy tiền tiêu gì không?

Thằng Tồ nhanh miệng:

  • Thiếu tiền hả chú?
  • Thiếu nhiều.
  • Cháu chả tiêu gì.
  • Ngày nào cũng bán hết hàng thì tiền lãi gần như mặc định rồi, sao hôm nay thiếu?

 Phàm tiện tay mở cái túi đeo ngang hông lôi ra xấp tiền, có tờ còn dính cả mỡ vịt để lên bàn trước mặt thằng Tồ - Mày đếm đi, hôm nay không đủ gốc.

Thằng Tồ không thèm đếm, mặt đờ ra trước thái độ khó chịu của gã.

  • Cháu chả bao giờ thèm làm cái việc ấy.

Phàm không có bằng chứng, đuối lí quay đi. Rồi bất ngờ gã giơ chân đá mạnh vào chiếc ghế nhựa trước mặt. Cái ghế va vào bàn ăn bật ra lăn lốc trên nền gạch, còn cái mũi giày của gã đã bung giờ thêm phần há hoác. Thằng Tồ dằn dỗi quay vào với đống bát chưa rửa xong.

 

***

 

Vài người khách cuối ngày vào ăn bát cháo đêm. Cơn bực của gã chưa tan vì cảm giác bị mất mát, hao hụt. Gã ngồi nhìn lò nướng đã tàn còn tí mỡ cháy dở thỉnh thoảng bùng lên đụn khỏi nhỏ xèo xèo, khét lẹt. Hơi mỡ hàng ngày bốc lên còn quện vào quần áo, vào da, vào tóc Phàm bên bết. Trong giấc ngủ gã còn thấy hơi thở sền sệt mùi vịt nướng. Hôm trước gã về quê, vợ chưa kịp nhìn thấy mặt chồng đã kêu ngửi thấy mùi nướng. Phàm thấy tự ái, con mẹ nhà quê đầy mùi bùn đất mà còn mở miệng chê chồng! Tuy vậy, buổi tối Phàm tắm gội thật kĩ mà vẫn boăn khoăn ngửi lại mình mấy lượt. Phàm đã từng nuôi gà trang trại, phụ xe đường dài, rồi buôn lậu hàng qua biên giới.., nhưng làm gì cũng thua lỗ, hòa được là may. Chuyển qua chuyển lại nhiều việc, cuối cùng gã thấy mình chỉ có duyên với nghề nướng vịt, bán chỗ nào cũng đông khách.

  • Tại cháu chú ạ.

Đang miên man với phận mình, gã giật mình quay lại thấy thằng Tồ đang đứng ngay sau.

  • Gì?
  • Cháu quên, giờ mới nhớ ra. Lúc chú đi vắng, có ông chủ tịch dẫn sáu người vào ăn hai con vịt, uống 10 chai bia và mua về mỗi người một con, nói là vịt ngon để vợ con thưởng thức. Con hỏi tiền, ông chủ tịch bảo cứ ghi vào sổ.
  • Trời!... -  Gã kêu lên và đập mạnh cái rẻ lau đang cầm trên tay xuống bàn - Mai tao đóng cửa.

Thằng Tồ thận trọng: 

  • Chú chuyển cửa hàng đã mấy lần, ở đâu cũng vậy cả thôi.

Nghe thằng Tồ nói vậy, Phàm chùng xuống đầy nghĩ ngợi. Hình dáng ông chủ tịch lại hiện về trong đầu gã với bản mặt xương xương góc cạnh, lông mày vếch ngược, mái tóc nhuộm đen lâu ngày lộ mảng chân bạc trắng. Bụng ông tròn tròn như người đàn bà chửa bảy tháng, đã vậy dáng đi còn ươn ưỡn như rắn lội.

Phàm mở cửa hàng được vài hôm thì ông chủ tịch xuất hiện cùng tổ trưởng tổ trật tự đô thị và mấy tay thuộc hạ. Ông bước vào hàng vịt nướng của gã. Ông đảo mắt một lượt, hắng giọng mấy cái và ngồi xuống bàn ăn trong góc. Tổ trưởng tổ trật tự đô thị ghé tai Phàm: Thật vinh hạnh cho chú, được ông chủ tịch hạ cố vào ăn. Hôm nay ông đi kiểm tra tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Phàm từ tốn hỏi ông chủ tịch và bầu đoàn cần gì rồi lăng xăng đi dọn đồ. Đoàn năm người ngồi uống bia với vịt nướng đến quá trưa. Hôm đó chẳng hiểu khách qua đường thấy ông chủ tịch ngồi ăn ngại không vào hay vì gã mới mở cửa mà vắng khách. Hai chục con vịt cả luộc cả nướng còn ế quá nửa. Nhưng gã vui vì có ông chủ tịch ghé qua. Ăn xong cả đoàn kéo nhau đi, tổ trưởng trật tự chỉ ngắn gọn một câu: Hôm sau trả tiền! Gã bấm bụng coi đó là bữa thết đãi lấy quan hệ.

Phàm có mối lấy được vịt gié từ một trang trại ở quê. Vịt hơi gầy nhưng thịt mền và ngọt. Chúng được ướp gia vị và lá mắc mật rồi đem quay trên bếp than hồng. Khi vịt chín mỡ chảy vàng ươm, mùi thơm bay khắp không gian khiến ông chủ tịch thích thú.  Nhưng cách pha nước chấm tỏi ớt với vị cay cay rất đượm của gã còn khiến ông mê hơn.

Người ta bảo, ông chủ tịch là người biết sống lại quảng giao nên rất được lòng cấp trên. Địa bàn ông quản lí có trung tâm thương mại, có chợ, có bến tàu, bến xe nên lắm nguồn thu. Tuy nhiên, ông giàu có là nhờ bắt tay với doanh nghiệp lấy đất canh tác của dân làm nhiều dự án. Các đây ba năm ông suýt mất chức vì mấy bao cao su với gái làng chơi trong nhà nghỉ. May nhờ có thân nhân ngày xưa quyền chức nên ông thoát nạn.

Lần sau, ông chủ tịch cùng mấy quan khách bước ra từ hai xe ô tô đen bóng. Họ vui vẻ hỏi Phàm quê quán, bao tuổi, bán hàng lâu chưa và hồ hởi khen vịt nướng rất ngon. Gã phấn khởi, lấy bình rượu táo mèo ngâm năm năm ra mời đoàn ông chủ tịch mỗi người một chén. Men rượu lẫn hơi bia, chủ và khách rổn rảng chuyện trò. Gã vui tưng bừng vì còn nhận được đồng hương cùng tỉnh. Tuy nhiên, lúc họ ra về thằng Tồ đưa giấy thanh toán thì tổ trưởng lại chun mũi, gạt tay bảo:  Cứ ghi vào, cuối năm quyết toán.

Năm hết, tết qua Phàm âm thầm ghi sổ và ngóng đợi vẫn không thấy ông chủ tịch cho người qua thanh toán, cũng không thấy tổ trưởng trả tiền.

 

***

 

  • Tao đã bảo cứ ghi vào sổ.
  • Nhà cháu vào sổ đã lâu.
  • Chúng mày chả biết điều, kinh doanh trên địa bàn này mà không có tính xây dựng thì định làm nữa hay thôi?

Nghe tiếng ông tổ gắt ở phía ngoài, Phàm đang ở trong nhà vệ sinh ngó ra. Hôm nay, tối muộn gã mới thấy ông tổ đến một mình. Phàm định bảo ông hết đồ ăn nhưng phân vân sao gã lại hỏi ông cần gì để thằng Tồ phục vụ.  Bây giờ nghe lời hăm dọa của ông sau khi xong bữa, Phàm rùng mình hình dung ra cảnh tịch thu, bắt bớ trước đây. Đồ nghề như bàn ghế, xô chậu, bảng biển của gã sẽ bị ném bừa lên xe tải chở đi. Rồi gã lại nhẫn nhục chạy đi hỏi han, xin xỏ, nếu may mắn thì nộp phạt rồi mang đồ về, nếu không thì coi như mất hết… Nghĩ đến đây, Phàm vội chạy ra chỗ ông tổ cười sởi lởi:

  • Xin lỗi ông, do thằng Tồ không biết. Hôm trước ông chủ tịch đã thanh toán hết cho nhà cháu rồi.
  • Vậy… à, vậy…à...!

Phàm tưởng nói vậy thì mặt ông tổ sẽ giãn ra, rồi ông sẽ khoái trá thể hiện phong độ bằng động tác giơ hai tay lên khoe cơ bắp cuồn cuộn. Tiếp đến, như mọi khi ông sẽ kể về mấy bà tuổi năm mươi thường kiếm cớ gạ tình ông, khi thì rủ chơi bóng chuyền, cà phê sáng hay. Tuy nhiên, gã lại thấy ông tổ mặt đờ ra đầy kinh ngạc.

  • Mày nói lạ, lão ấy xuống cơ sở ăn chưa bao giờ bỏ ra một cắc!

Phàm khẳng định: - Vâng, ông ấy trả hết rồi.

Thường ngày, giọng ông tổ khe khé, vẻ mặt ông hằm hằm như thù oán với thiên hạ. Ông hay cùng mấy người trong tổ trật tự lái chiếc xe tải nhỏ lượn lờ khắp các ngõ ngách. Từ những cửa hiệu sang chảnh đến hàng cắt tóc gội đầu, mấy bà bán chổi, bán rau đều khiếp vía nếu nhìn thấy xe ông. Tất tật mọi thứ, từ mớ rau con cá đến quả bí rổ khoai, từ bát đĩa sành sứ đến giày dép, áo quần… ông tịch thu hết nếu để chìa ra vỉa hè. Đồ thu được ông đổ thành đống sau ủy ban.

Nhưng đấy là ông tổ của ngày trước. Từ khi người nọ đánh tiếng người kia, tùy mức độ kinh doanh to hay nhỏ, mặt tiền rộng hay hẹp, giá trị hàng hóa cao hay thấp tự nguyện nộp tiền hàng tháng thì ông tha cho.  Tổ của ông không còn bắt bớ, đe nẹt, quát tháo ầm ĩ nữa. Ngày hai buổi sáng chiều ông cắt cử mấy đứa lượn lờ gọi loa nhắc nhở mọi người, hay cùng lắm chỉ đuổi bắt đám bán hàng dong vãng lai không biết điều ứng xử. Hồi mới đến đây gã cũng hay bị thu đồ, sau nhờ lão chủ hàng bán tạp hóa bên cạnh mách cho, Phàm theo nộp phí bảo kê đều đặn vậy mà thỉnh thoảng ông tổ vẫn đưa người đến ăn vịt nướng không trả tiền.

Còn bây giờ, sau khi hăm dọa, sau khi ngạc nhiên Phàm không hiểu sao ông đội lại phân vân thế. Tay ông xoay xoay cái lọ đựng tăm, rồi ông lấy giấy lau miệng. Tiếp đến ông lấy điện thoại vuốt vuốt mấy cái nhưng không gọi cho ai mà lại dúi máy vào túi quần. Ông đưa chén nước chè lên miệng nhấp liên tục miệng lẩm bẩm những gì gã và thằng Tồ nghe không rõ, chỉ thấy vẻ mặt ông từ lo lắng chuyển dần sang căng thẳng. 

  • Phải  trả lại tiền cho ông ấy! - Ông tổ bất ngờ kêu lên.

Thằng Tồ đứng gần đó thốt lên hỏi: Sao phải trả lại?

-  Ngu như chúng mày bao giờ mới khá! Có mấy bữa ăn cũng tính phí thì còn còn nghĩ đến việc làm ăn nữa không?

Rồi ông tổ ngồi phịch xuống ghế. Thằng Tồ bị quát thì nín lặng, Phàm cũng chẳng biết nói sao cho phải. Cuối cùng, ông dằn mạnh chén nước xuống bàn, đứng bật dậy thò tay ra phía sau rút ví trong túi quần. Ông đếm đi đếm lại sấp tiền rồi vẫy thằng Tồ lại:

      - Mày trả lại tiền cho chủ tịch và nhớ nói lại là tao đã thanh toán lâu rồi, do mày không biết mới cầm tiền của ông ấy.

Thằng Tồ giụt tay ra sau: - Lằng nhằng thế cháu sợ lắm!

Ông tổ hạ giọng: - Mày trả lại cho ông ấy. Để ông ấy bỏ tiền ra, không những chúng mày đắc tội mà tao cũng hết cửa nghe chưa.

Nghe đến đây, Phàm chậm rãi tiến lại nhận sấp tiền trên tay ông. Gã chẹp miệng, gãi đầu đầy ái ngại: - Ông nói vậy để lần tới chủ tịch đến tôi trả lại cho. Thằng Tồ trẻ con, nói lời không chuẩn dễ làm mất uy tín, thể diện của ông còn tai hại hơn!

Thấy gã nói phải, ông tổ gật gù hài lòng. Rồi ông chỉ tay sang bãi đất bên đường đối diện với hàng vịt nướng của Phàm đang xây dựng. Ông nói về dự án, về phí an toàn lao động, phí bụi bẩn đường, về phần trăm, phần chục trên bộ, trên quận, ở phường. Ông khen tay chủ thi công phóng khoáng, ngoài phong bao phong bì ngày lễ ngày tết thỉnh thoảng còn chiêu đãi các sếp bề trên ở những nhà hàng kín đáo sang trọng, ông cũng được ăn theo vài bận.

Đêm khuya đường phố đã thưa bớt người xe. Dù đã rất mệt mỏi sau một ngày bán hàng nhưng Phàm nín lặng nhẫn nại nhìn theo cánh tay ông tổ khua khoáng vươn sang tòa nhà bên đường đang làm dở. Gã nhớ tay chủ nhiệm thi công công trình, thỉnh thoảng mặt mũi bơ phờ, dáng đi thất thểu vào ăn bát bún vịt. Phàm hỏi lần nào gã cũng lắc đầu ngán ngẩm bảo vừa đi tiếp một đám khách về.

Chờ ông tổ nói xong, rồi đợi ông ra về cho đến khi khuất dạng trên con đường vắng, thằng Tồ đến bên gã ấp úng:

  • Thế… là… là sao hả… chú? Cháu chưa bao giờ thấy ông chủ tịch trả tiền.

Gã quay sang thằng Tồ.

  • Nói thế mới đòi được nợ.

Thằng Tồ có vẻ tư lự nghĩ ngợi lắm, một lát sau nó thở dài buồn bã nhìn gã:  Nói vậy thì làm sao ở đây được nữa?

Gã trấn an:  Đường cùng tao đi thuê chỗ khác, mày không phải lo.

  • Nhưng ở đâu cũng vậy cả thôi, cháu thương chú không lo sao được!

Phàm sựng lại, thấy cay cay ở sống mũi. Lâu lắm rồi gã mới được nghe một câu xúc động đến vậy. Tối ngày vật vã mưu sinh, thân thể luôn rã rời mệt mỏi, đầu óc lúc nào cũng ong ong bởi vô số những nhiễu nhương, may vẫn còn thằng Tồ thương gã. Phàm gật đầu nhìn nó giục:

  • Mày đi ngủ đi, mai còn dậy sớm bán hàng.

K.U

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm