- Truyện
- Giọt nước mắt chiều muộn | Nguyễn Bá Hòa
Giọt nước mắt chiều muộn | Nguyễn Bá Hòa
NGUYỄN BÁ HÒA
1.
Căn phòng rộng chưa được 10m2, mái tôn thấp lè tè, nằm sâu trong một con hẻm cụt, dù là ban đêm nhưng họ cũng đang vật vã với cái nóng như thiêu như đốt. Ngọn đèn điện mờ mờ treo giữa phòng soi không rõ những khuôn mặt khắc khổ. Thằng Năm, có vẻ cao ráo, chưa được 30, mắt nhìn ra cửa mà tay thì cứ xua muỗi, những con muỗi chẳng biết từ đâu, cứ đợi đến đêm là ào ra tấn công họ. Ông Mận già uể oải hết ngồi nhìn Năm xua muỗi lại nhìn ra đường, thỉnh thoảng lại đằng hắng như có vật gì trong cổ họng.
- Sao giờ này thằng Lắm chưa về?
- Dạ, Lắm cố kiếm thêm ít đồng, nghe nói tuần sau về quê giỗ cha.
Có phải căn phòng này được chủ nhân xây dựng cho bộ ba bán vé số Mận, Lắm, Năm ở hay chỉ là một sự tình cờ, mà sao họ gắn bó thân thiết nhau như ruột thịt. Nhớ ngày đầu tiên gặp ông chủ đại lý vé số sắp xếp ba người ở chung phòng, ông Mận có vẻ không vừa ý bởi thằng Năm có một chân rưỡi, tay cũng chưa đủ hai cái, còn thằng Lắm, hư một mắt, nói thì ú uớ không rõ lời, chỉ vì ông già rồi, mong ở chung với người khỏe mạnh còn mong nhờ vả khi đau khi ốm. Ông Mận bị bệnh tim nên lo xa thế cũng phải, nhưng nghèo khổ như ông, được thế là tốt quá rồi, dám đâu mơ ước, dám đâu đòi hỏi gì hơn nữa, không thích cũng phải yên lặng mà chấp nhận. Mới đó mà đã 3 năm rồi, chừ ông biết ông đã gặp may, hai đứa nhỏ tuy thân thể bị khiếm khuyết nhưng tấm lòng thì đủ đầy, biết sẻ chia an ủi những lúc ông đau ốm buồn khổ.
Ông Mận không vợ không con, không nhà không cửa, sống cô độc từ nhỏ, bán vé số kiếm tiền nuôi thân, chuyện cũng hơi lạ. Ông chưa kể vì sao ông chỉ có một mình, nhưng Năm và Lắm cũng không dám hỏi. Có một lần ông đã vô tình nói đến ước mơ duy nhất của ông là có được một chiếc quan tài để khi chết còn có chỗ mà chui vào. Nghĩa là ngoài việc kiếm ăn mỗi ngày ông còn phải dành dụm để đủ tiền mua một chiếc áo quan, sao mà tội nghiệp, sao mà xót xa đến thế! Nhưng rồi khi thấy thằng Năm cà lê cà lết đi bán vé số, ông lại nghĩ khác, có khi dành dụm góp cho thằng Năm ít tiền mua một chiếc xe lăn còn thiết thực hơn chiếc quan tài mơ ước của ông. Suy nghĩ ấy bắt đầu từ cái đêm thằng Năm cứu ông thoát chết. Chẳng là, một đêm trên đường về phòng trọ, ông đã loạng choạng rồi ngã nhào bên đường, chẳng hiểu do cơn đau tim hay vì quá đói, khiến ông thành ra vậy, may cho ông, cùng lúc đó thằng Năm xuất hiện, hắn kêu gào khóc lóc, đón đầu những chiếc xe chạy trên đường, rồi đưa ông đi bệnh viện. Ừ, không có thằng Năm, chắc ông đã đi rồi!
- Chào bố, chào anh Năm, Lắm đã về?
Ông Mận mừng ra mặt.
- Mày đi đâu chừ mới về, có bán thêm được tờ nào nữa không?
Thằng Năm cũng thở phào nhẹ nhõm như trút được những lo lắng trong lòng từ nãy đến giờ.
- Ăn tối chưa? Có chi vui không?
Lắm hồ hởi khoe:
- Quán Cơm Hoàng hôm nay đông khách, hình như là họp mặt đồng hương thì phải, bán thêm cũng được 20 tờ.
Lắm ra phía sau xối nước rửa mặt mũi chân tay vẫn nói vọng vào nhà.
- Bố và anh Năm ngủ đi chứ, chừ cũng khuya rồi.
Mỗi người một chiếc giường xếp cũ, khi cử động là tiếng kêu phát ra rin rít đến ghê người. Dù nóng hay lạnh cũng trùm chăn kín để khỏi muỗi đốt, nhưng sáng dậy vết muỗi đốt đầy mặt. Lắm không ngủ được, chỉ vài ngày nữa là về quê, giỗ cha mà! Cha chết sau 3 năm bệnh nặng, khi ấy Lắm mới hơn 5 tuổi, năm sau mẹ đi bước nữa. Lắm lờ mờ nhớ về cha, một người ốm tong ốm teo, cứ muốn đổ nhào khi gió thổi, nhưng cha thương Lắm rất nhiều, Lắm nghĩ vậy! Nhưng trời thì lại không thương Lắm, năm học lớp 6, trèo cây ổi té xuống, một nhánh cây đâm phải mắt, không kịp chữa chạy thành ra hư luôn, cũng may còn một con mắt sáng! Chẳng hiểu cái ngã sinh tử ấy đụng dây thần kinh nào mà nói cũng hụt hơi, tiếng được tiếng mất. Cũng cái năm kinh khủng ấy, mẹ theo bố dượng vào miền Nam sinh sống, Lắm ở với chú, chú thì nghèo, thôi tự kiếm sống cho chú bớt vất vả. Nghề bán vé số cũng đã thâm niên rồi! Lần này về quê góp với chú mấy đồng lo giỗ cho cha, nghĩ vậy, nước mắt cứ chảy ra không kiềm lại được. Muốn ngồi dậy bật đèn đếm lại xấp tiền mà cứ sợ phiền bố Mận và anh Năm. Nghiêng qua một bên, lấy tay chùi nước mắt, chiếc giường lại rít lên.
- Chưa ngủ hả Lắm?
Tiếng anh Năm hỏi nhỏ. Lắm giả vờ làm thinh, nhưng không qua được cái nhìn xuyên đêm xuyên cả gan ruột Lắm.
- Cứ ngủ đi còn thiếu bao nhiêu anh cho mượn.
- Tau cũng cho mượn 50.
Ông Mận ngáy khò khò tưởng đã ngủ rồi ai ngờ vẫn còn thức. Lắm không nhịn được cảm xúc của mình òa lên khóc thật lớn. Ông Mận vụt dậy bật đèn, nhưng lại không muốn dỗ dành Lắm, hình như ông nghĩ cứ để hắn khóc cho thỏa lòng, dễ gì được sống thật với mình.
- Nóng quá không ngủ được, tau ra ngoài tìm chút gió.
Ông ra khỏi phòng, đèn đường ngoài phố kia sáng trưng, tiếng xe tiếng người vẫn chộn rộn, đã khuya đâu, thằng Lắm gạt mình đi ngủ sớm, ông mỉm cười một mình. Năm cũng theo ông Mận cà nhắc lết ra ngoài, chắc để cho thằng Lắm tự do khóc.
- Bố Mận ơi! Vì sao thằng Lắm khóc?
Ông Mận cười trong bóng tối.
- Mày không hiểu hay giả đò không hiểu? Tau mà còn nước mắt thì cũng khóc cho đã cái đời!
Tự nhiên, Năm ôm vai ông Mận rồi thầm thì:
- Bố cho con khóc chút nghe!
Không nghe ông Mận trả lời, chỉ có tiếng dế ở bụi cây rên rỉ và... tiếng nấc nghẹn của Năm. Ông Mận nhắm mắt hình dung ra cảnh thằng Năm rơi từ trên cao xuống đất mà rùng mình. Đang khỏe mạnh làm thợ xây nuôi mẹ, tự nhiên té giàn thành người tật nguyền, chẳng biết trách ai đây!
- Con hạnh phúc hơn thằng Lắm, con còn có mẹ, con chỉ làm nuôi thân con cho mẹ đỡ vất vả thôi.
- Sao lâu rồi mày không về thăm bà?
- Mẹ con sống với dì, cũng ổn, con định sau khi thằng Lắm về quê vô sẽ đến lượt con về, phải có đứa ở với bố chứ!
Ông Mận quay lại đấm vào lưng thằng Năm mà không giấu được niềm vui.
- Thì ra là tại tau mà mày không về quê ư!?
Năm nuốt nước mắt vào trong, nhớ mẹ nhớ quê, không buồn sao được! Thằng Lắm thập thò ở cửa giục:
- Con đã làm phiền mọi người, khuya rồi vào ngủ thôi, mai còn phải dậy sớm!
2.
Hôm nay là ngày gì mà cả 3 người đều gặp xui xẻo.
Ông Mận đi ngang ngôi nhà lầu ở góc đường bị con chó to hung dữ từ trong nhà nhảy ra nhe răng sủa ẩu khiến ông sợ khiếp vía. Ông nghe loáng thoáng tiếng chủ nhà, không phải mắng chó mà mắng ông sao lại chọc chó nhà người ta. Trái tim bệnh hoạn của ông nổi loạn đập thình thịch, ông lại thêm một lần nữa ngã quỵ xuống lề đường. Cũng như những lần khác thôi, sau mấy phút ông lại gượng ngồi dậy, nhưng lần này mấy chục tờ vé số cầm tay gió thổi bay biến đâu mất. Ông sờ tay vào túi quần, may quá, mấy đồng bạc vẫn còn nguyên. Ông lê bước về phòng nằm thở, vậy là phải bù mấy trăm ngàn đồng trả cho đại lý vé số chiều nay, ông cũng ngạc nhiên sao mình khổ sở như thế mà không khóc được cho nó trôi đi bao tức tưởi uất nghẹn trong lòng.
Thằng Năm cả ngày bán không được chục tờ vé số, chắc là ngày này phải nhịn ăn thôi. Nói đúng hơn là nó không đi bán mà ra góc công viên nhỏ trước quán cà phê ngồi, thẫn thờ nhìn người qua kẻ lại. Sáng nay lóng ngóng mời khách thế nào đã làm đổ ly cà phê của khách, một vị khách còn trẻ mà giọng nói như chứa cả dao nhọn:
- Mày làm vấy cà phê lên áo ông rồi, nhưng không sao, đi khuất mắt ông là được!
Vậy là người ta không bắt đền bù gì cả chỉ muốn không nhìn thấy cái bản mặt mình thôi, sao nghe nhẹ nhàng mà đau đớn thế! Năm lại nuốt nghẹn, xin lỗi, rồi ra đây ngồi, nỗi buồn ập vào hồn, nhập vào máu chảy tràn cơ thể, giây phút ấy tự nhiên Năm chỉ biết gọi mẹ, chẳng để làm gì, cứ gọi vậy thôi!
Còn chuyện thằng Lắm nửa cười nửa khóc. Mới ra đầu ngã tư, một chiếc ô tô trờ lại, hạ kính cửa nhìn Lắm là một ông đeo kính trắng trông đẹp trai và sang trọng.
- Cho chú 10 vé nhe!
Lắm đếm đến hai lần đủ 10 tờ, chồm lên ấn vào bàn tay đang đưa ra khỏi cửa chờ lấy. Bàn tay rụt vào, chiếc kính cửa nâng lên và... ô tô từ từ lăn bánh. Lắm ngơ ngác chẳng hiểu điều gì đang xảy ra nữa. Sau mấy giây định thần trở lại, Lắm đã hiểu và mỉm cười nghĩ thầm, cũng còn may ông ấy phước đức không định mua hết vé số trên tay mình, nếu không thì... đừng có mơ mà về giỗ cha!
Kể cho nhau nghe xong cả 3 bỗng cười rú lên, không phải tiếng cười điên loạn của những con người bất hạnh mà tiếng cười rất tỉnh táo, rất tự tại. Ông Mận chậm rãi nửa đùa nửa thật:
- Đi buôn có bữa lỗ bữa lời, cũng chuyện bình thường thôi! Đừng buồn nữa, biết đâu ngày mai lại gặp người tốt, họ trúng số, họ cho tiền, khi ấy lại khổ sở cách khác, không biết cất tiền vào đâu, không biết tiêu xài kiểu nào đây!
Lắm đề nghị:
- Hay mỗi ngày nhà mình giữ lại mỗi người một vé, biết chừng đâu...
Năm gạt phắt ý tưởng của Lắm:
- Dẹp ngay cái ý kiến điên rồ ấy lại, nhiều gia đình đang yên đang vui, chỉ vì trúng số vì có nhiều tiền đâm ra nghi kỵ nhau, giành giựt nhau dẫn đến cha con thù hằn vợ chồng cấu xé, có tiền nhiều cũng kinh lắm...
- Thằng Năm nói đúng, không ngoại lệ cả nhà chúng ta nữa. Ngày xưa...
Ông Mận định nói gì đó rồi lại thôi khiến hai đứa nhỏ tò mò:
- Ngày xưa... có chuyện gì hả bố?
Trời vẫn nắng nóng, đã gần 10 ngày không có hột mưa, cái gió cũng hầm hập. Ông Mận tìm miếng giấy bìa cứng làm quạt, quạt lấy quạt để vào người, thỉnh thoảng hất nhẹ cho mỗi đứa một cái. Thằng Năm giục:
- Bố kể chuyện gì đó đi!
Ném miếng bìa vào góc giường, ông Mận kể lể, không đầu không đuôi nhưng bọn nhỏ cũng hiểu được phần nào:
Ngày xưa, cha mẹ ông cưới nhau rồi chia tay nhau sau vài ngày chung sống, bởi ai đó đã đi mừng đám cưới 5 tờ vé số, mà là 5 tờ vé số trúng ngay lô đặc biệt, sau niềm vui bất ngờ là những ngờ vực: có phải chỉ có 5 vé, toan tính thiệt hơn: ai sẽ quản lý số tiền khủng này... May mắn, mẹ ông vẫn cho ông ở lại với cuộc đời này nhưng đưa ông vào trại trẻ mồ côi từ hồi còn đỏ hỏn. Nghe mấy mẹ ở trại kể vậy, không hề biết cha mẹ mình là ai, được nuôi dạy lớn lên cùng với những đứa trẻ mồ côi khác cho đến tuổi trưởng thành. Ở đây ông đã thương yêu một cô gái trạc tuổi ông, cùng cảnh ngộ. Ông quyết định xin phép các mẹ ở trại ra riêng sống đời tự lập. Chẳng quen biết ai, không làm gì được với cái bằng tốt nghiệp cấp 3, nghề bán vé số theo ông từ đó. Trại mỗi ngày một khó khăn, không thể ở mãi đó được, cô gái ấy cũng bắt chước ông rời khỏi trại trẻ mồ côi.
Thằng Lắm buột miệng khen:
- Hay như chuyện cổ tích, nhưng rồi bà ấy chừ ở đâu?
- Chẳng biết ở đâu nữa!
Ông Mận thở dài trả lời thằng Lắm rồi kể tiếp.
Cũng tại cái tờ vé số trúng mà cô ấy đã bán cho người ta. Người may mắn trúng số biết cô ấy là trẻ mồ côi nên có ý nhận làm con nuôi. Cuộc sống vất vả, được người có lòng nhân ái nhận nuôi còn gì bằng nữa. Chẳng biết cô ấy có đắn đo có suy tính thiệt hơn hay không mà đồng ý ngay, ông đành chấp nhận nỗi đau chiều theo ý cô ấy, cứ nghĩ rồi sẽ... rồi sẽ tính sau. Đêm ấy họ lén lút gặp nhau trước giờ chia biệt. Ai ngờ, chỉ một thời gian ngắn, gia đình nhà từ tâm ấy chuyển đi nơi khác. Thân phận của ông làm sao biết được họ đã đi đâu? Mất người yêu, hụt hẫng, đau khổ, ông bỏ cái gọi là quê, đến đây sống quãng đời còn lại, nhưng vẫn cứ tin một ngày sẽ gặp lại nhau, ông sống cô độc và chờ đợi.
Thằng Năm cứ lặng thinh nghe từ đầu đến cuối, chẳng nói gì, bất chợt thốt lên:
- Cuộc đời của bố thảm quá, con không có bố, bố làm bố của con nghe!
Ông Năm nhặt cái quạt bìa giấy ném yêu thằng Năm. Cả 3 cùng cười vui vẻ!
3.
Chiều hôm ấy, Lắm ở quê vô, mang theo giỏ trái cây và chờ đợi ông Mận, anh Năm về cùng hưởng lộc, quà cúng cha mà! Đang loay hoay quét dọn cái phòng thì có bóng người thấp thoáng ở cửa, không phải ông chủ đại lý vé số, chỉ là bọn trộm vặt, Lắm nghĩ vậy chạy vội ra khép cửa.
- Cậu cho tôi hỏi, thằng Năm nhà tôi có ở đây không?
Lắm khựng người nhìn người đàn bà vừa bỏ chiếc nón xuống đất, một tay vẫn xách chiếc giỏ nhựa, mồ hôi nhễ nhại ướt nhẹp mái tóc. Chỉ có thể là mẹ hoặc dì anh Năm thôi, Lắm mừng rỡ:
- Bác vào trong này, anh Năm tối mới về, hay để cháu đi gọi.
Lắm rót môt ly nước trắng từ chai nhựa mời khách, xách cái giỏ ra sau rồi vụt chạy đi tìm Năm.
Chỉ một lát sau Năm đã về. Mấy tháng rồi không về quê, chắc mẹ nhớ nên đi tìm thôi. Định ít bữa nữa về thì mẹ lại đến, ôi tuyệt vời làm sao! Từ ngoài đường Năm đã gọi mẹ:
- Mẹ ơi! Năm đây, con đây!
Thằng Lắm xúc động khi nghe Năm gọi, cái tiếng mẹ sao thiêng liêng và ngọt ngào đến vậy! Mẹ của Năm, bước ra cửa đón Năm sợ nó vội mà vấp ngã.
- Dì mày có việc phải xuống phố, sẵn dịp đưa mẹ đi theo, gặp được con là tốt rồi, rồi phải theo dì về ngay thôi.
Lắm sè sẹ bước ra khỏi phòng để hai mẹ con nhà Năm tâm sự, cũng có thể Lắm chạy trốn sự đoàn viên mà Lắm chỉ có trong những giấc mơ, cũng có thể Lắm sợ người ta thấy mình đang khóc, chẳng biết nữa!
- Ai làm gì mà mày khóc?
Ông Mận lo lắng từ ngoài hẻm hỏi vào làm Lắm giật mình.
- Mẹ anh Năm đến tìm anh Năm.
Ông đã hiểu vì sao Lắm khóc, xoa xoa cái lưng còn ướt mồ hôi của Lắm rồi nói nhỏ:
- Vào nhà chào hỏi cho phải phép rồi tránh đi cũng không muộn.
Ông Mận bước vào phòng, thằng Năm đã bật đèn cho sáng, mẹ Năm ngước nhìn lên, tự nhiên ông Mận quỵ xuống may mà Lắm đi sau dang hai tay đỡ rồi dìu ông lại giường. Mẹ Năm không tránh đường, đứng yên, hồn vía không còn nữa. Cả phút sau bà mới biết ông Mận bị ngất. Năm giải thích cho mẹ bớt lo:
- Mẹ đừng sợ, ông ấy hay bị như vậy, một chặp là tỉnh lại thôi.
Bà Năm chạy vội lại, nắm tay ông Mận lay qua lay lại:
- Tỉnh lại đi ông, ông đã nhận ra tôi rồi phải không? Tôi là Lan của ông đây! Thằng Năm là con của ông, ông có biết không?
Hai đứa nhỏ sững sờ trước hành động của bà Lan. Ông Mận đã tỉnh lại, nhìn bà Lan nước mắt ràn rụa. Lần đầu tiên hai đứa nhỏ mới thấy ông khóc, thì ra ông để dành nước mắt cho ngày hôm nay. Ông gượng ngồi dậy.
- Tôi đã đợi bà đến hôm nay, bà là mẹ thằng Năm ư?
- Nhà ấy phát hiện tôi có thai thằng Năm, họ đuổi tôi, may có chị bạn sống độc thân nhận làm em và cưu mang nên mới sống đến bây giờ, tôi đã trở về trại trẻ mồ côi hỏi tìm ông nhưng ông đã đi mất...
Rồi bà cũng khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc. Thằng Năm đã nghe đã hiểu, nhưng vẫn đứng yên chờ đợi.
- Ông ấy là cha của con, rồi mẹ sẽ kể cho con nghe.
Ngày thường, Năm đã gọi ông Mận bằng bố, nhưng không thể ngờ ông ấy là cha ruột của mình. Một giấc mơ cũng không thể hoàn hảo như vậy được, một câu chuyện cũng không thể có hậu như vậy được nếu không có phép thuật của tình yêu. Năm nhìn ông Mận bệu bạo đến méo cả miệng.
Thằng Lắm quên mất nỗi buồn của mình, chạy đi tìm giỏ trái cây.
Ngọn đèn treo giữa phòng bỗng tắt ngúm, ở đây hay bị cúp điện đột xuất như vậy, trời chưa tối họ vẫn nhận ra nhau, vẫn nhìn thấy những giọt nước mắt lung linh trong chiều muộn.
Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM