TIN TỨC

Tết ngày ấy

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1263 lượt xem

 

Ninh Giang Thu Cúc

Bao lâu rồi cứ vào những ngày năm cùng tháng tận trên đất khách quê người, những đứa con xa xứ lại quay quắt nhớ về quê mẹ, nhớ về một thuở “sen ngó đào tơ” tập tành đóng vai người nội trợ với những công việc nữ công gia chánh để trổ tài khéo tay hay làm với họ hàng gia tộc trong những ngày tết đến xuân về…

Ngày ấy, hẳn không ai trong chúng ta không trải qua cái tâm trạng hồi hộp chờ mong và bận rộn với muôn ngàn công việc.


Nhà thơ, nhà nghiên cứu Ninh Giang Thu Cúc.

Ngày ấy, cứ từ sau rằm tháng Chạp, khi chị em chúng tôi đã làm xong mứt và các loại bánh khô (măng, mận, bó, sen tán, phục linh, đậu xanh) là mợ tôi ngồi chia bánh mứt thành từng phần cộng thêm hương trầm do tiệm Hồng Phúc ở đường Phan Bội Châu sản xuất mà mợ đã đặt mua từ tháng trước. Những phần quà ấy là lễ vật mà tôi là “con bé” có bổn phận mang đi biếu (ở Huế còn gọi là đi kỉnh) các từ đường của bên nội và bên ngoại gọi là chút lòng thành dâng lên tổ tiên ôn mệ trong ba ngày tết để tỏ niềm hiếu kính của lớp lớp cháu con.

Với tuổi 16, tôi bỗng thấy mình như lớn lên và quan trọng chi lạ khi đứng khoanh tay thưa trình những lời mợ dặn với các bác, chú, o, dì. Tới nhà mô, tôi cũng nhận được những cái vuốt tóc thương yêu của các bà bác, bà mợ, bà dì với những lời khen:

– Con mau lớn hỉ, rứa là thím Ấm khỏe rồi, lo mà học hành đi nghe con…

Cứ thế, mỗi buổi chiều tôi đi đến 2, 3 nhà bà con và phải mất 15 buổi chiều như vậy mới xong công việc lễ nghĩa ấy. Tôi có máu đi lang thang cho nên rất thú vị với loại “công tác đặc biệt” này, nếu không thì dễ gì được phép ra khỏi nhà ngoại trừ giờ đi học.

Mợ tôi thường dạy con gái bằng một câu ví von tổng hợp:

Con gái đi cúi mặt xuống đất, về cất mặt lên trời, ăn tại phủ, ngủ tại công đường, ngoài giờ học là kim chỉ vá may, chớ con gái mà cứ đi xồng xộng ngoài đường là đồ hư.

Thú thiệt tôi có đầy ắp cái máu đi “xồng xộng”, cho nên cứ mong những dịp kỵ giỗ, lễ, tết để được đi xồng xộng hợp pháp. Bởi hồi ấy, tôi được cái mau mồm mau miệng nhất nhà, cái gì động chạm đến “ngoại giao” trừ tôi chẳng ai ham.

Tôi chúa ăn gian thì giờ, cứ làm thật nhanh những việc được giao xong là chạy đến nhà mấy đứa bạn cùng một tạng để “giao đầu dúm mỏ” lên kế hoạch cho một cuộc đi rong…

Trời tháng Chạp ở Huế với những chiều giáp Tết lạnh se sắt và mưa chỉ lay phay, năm đứa chúng tôi trong nhóm “ngũ quỷ” đứa nào túi áo măng-tô cũng đầy ắp bắp rang và mỗi đứa một chiếc hộp dẹp hình chữ nhật màu đỏ (hộp thuốc lá ba con mèo) hầu như là vật bất ly thân của bất cứ đứa học trò nào thuở ấy, trong đó đựng tất cả cái tủn mủn cần thiết, tất nhiên là phải có mấy đồng bạc. Chúng tôi lên chùa Thiên Mụ dựng xe dưới hai cây phượng bên bến đá, rồi nhảy từng bậc cấp và leo lên cầu thang chui vào gác chuông ngồi nhá bắp rang và bàn sôi nổi chương trình mấy ngày nghỉ tết. Chơi chán chê chúng tôi “hạ sơn” vào quán bánh bèo của o Lạc dưới chân chùa, mỗi đứa kêu một dĩa bánh vừa ăn vừa húp nước mắm xì xụp, vừa hít hà và mắt môi đỏ lựng bởi ngoài ớt chìa vôi do o Lạc xé sẵn trong nước mắm, mỗi đứa còn ra sau hè nhà o hái ớt chỉ thiên thi nhau ăn để khoe tài ăn ớt của mình. Sau những lần rong chơi như vậy thường là về nhà trễ giờ, vậy là tôi đi vòng ngõ sau thay vì đàng hoàng vô ngõ trước và “dõng dạc”:

– Thưa thầy mợ, con mới về…

Bây giờ nhớ lại những tháng ngày ấy, có khi tôi thút thít khóc hoài và nhớ vô cùng những ngày chuẩn bị đón mừng năm mới một thời thơ trẻ của gần hầu hết con gái thế hệ chúng tôi.

Xứ sở thân yêu ơi! Để đón mùa xuân sắp về, dọc hai bên đường từ chợ Kim Long lên đường mới để rẽ vào An Ninh Hạ có còn ngọt ngào mùi gừng luộc, gừng đang rim trên lò bay lãng đãng giữa không gian? Có còn mấy cô nữ sinh đạp xe đi xin lá gai ở các chùa về làm bánh ít đen và bẻ lá dừa làm bánh su sê như chúng tôi hồi ấy…

Dòng ký ức cứ cuồn cuộn trôi về với muôn ngàn kỷ niệm, có những kỷ niệm thật đơn sơ, như một dải đất màu mỡ bên triền sông với giàn mướp rợp hoa vàng hay một vạt cải nhà ai đang độ lên ngồng với những nụ hoa lấm tấm mà cứ mỗi lần từ phố đạp xe lên làng, lần nào tôi cũng suýt lao xe xuống cầu An Ninh Hạ bởi mải mê nhìn ngắm biền bãi dọc hai bờ:

Ký ức vàng hoa cải

Dọc triền sông quê hương

Lung linh chiều sương khói

Ôi! Mùa xuân yêu thương

Những mùa xuân yêu thương ấy chẳng bao giờ trở lại nhưng vẫn ấm áp hoài trong trí nhớ của bao đứa con xa…

Quy Nhơn trước thềm xuân 1971

N.G.T.C

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm