- Truyện
- Vượt qua lời nguyền | Nguyễn Quế
Vượt qua lời nguyền | Nguyễn Quế
NGUYỄN QUẾ
Trong số bà con thân thích cả bên nội lẫn bên ngoại ở ấp Đông, Thuấn gần gũi với dì Sáng nhất. Từ hồi còn nhỏ xíu, mỗi lần má Thuấn vắng nhà, cậu lại đeo theo dì như hình với bóng. Thuấn nghe nhiều người khen dì có khuôn mặt khả ái, làn da trắng mịn màng, người cao ráo, thon thả, mái tóc dài óng mượt. Mỗi lần thấy dì đi qua, đám đàn ông con trai trong ấp thường ngâm nga: “Những người thắt đáy lưng ong / Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”. Dì nghe nhưng bỏ ngoài tai. Đã nổi tiếng xinh đẹp, dì lại rất giỏi giang và siêng năng, ăn nói từ tốn, lễ phép nên được mọi người khen hội đủ công, dung, ngôn, hạnh. Dì có đủ thứ nghề hái ra tiền: Nào nấu các món ăn phục vụ đám tiệc, nào làm hoa giấy, may đo, thiết kế thời trang… Cùng bỏ công sức như người ta mà ruộng lúa, đám khoai của dì thường tươi tốt hơn của người khác. Gà vịt lúc nào cũng đầy sân. Người ta nói rằng đó là cái duyên làm ăn. Cái duyên ấy không phải ai cũng có được. Tiếng thơm của dì bàn dân thiên hạ mấy xã xung quanh đều biết. Một người con gái như dì có nhiều nơi dòm ngó là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, bao nhiêu đám, toàn những chỗ bề thế lui tới, dì đều khéo léo chối từ. Chuyện chồng con của dì trở thành câu chuyện thời sự nóng hổi. Ở cái xứ này, hễ có chuyện gì xảy ra là ngay sau đó mọi người đều biết. Lan nhanh còn hơn Covid-19. Họ lấy câu chuyện làm quà cho nhau, một thứ quà họ nghĩ không mất tiền nên cứ ban phát vô tư. Nhiều người còn xem đó là bằng chứng cho cái tài nắm bắt thông tin của mình. Cứ thế, cuộc đua âm thầm giữa những kẻ “buôn lê” cứ vô tư diễn ra hàng ngày.
Những câu chuyện liên quan đến dì Sáng vừa lắng xuống, chợt một hôm, cả ấp Đông xôn xao tin dì sắp đi lấy chồng. Chàng rể tương lai tên Hồng, nhà ở ấp Tây, tham gia công tác Đoàn chung với dì Sáng. Nghe tin, bà Tuất, chủ quầy tạp hóa có dáng người phục phịch, mặt bự nhiều nếp nhăn và cặp mắt sâu hoắm tỏ vẻ bất ngờ. Bà ta đưa hai ngón tay quệt một vòng quanh cái miệng đang nhai trầu bóm bém rồi lý sự:
- Trai lớn lên phải lấy vợ, gái lớn lên phải lấy chồng. Lẽ đời là như thế. Ông bà mình từ xưa đã vậy, bây giờ cũng phải vậy. Chuyện có gì lạ đâu?! - Ngừng giây lát như để thăm dò thái độ của những người xung quanh, bà Tuất nói tiếp: - Nhưng trường hợp cô Sáng thì có khác. Người như cổ là phải chọn nơi xứng đáng, không người ta cười cho…
Bà Tuất mấp máy môi rồi bỏ dở câu nói giữa chừng. Không biết bắt nguồn từ đâu, ngay buổi chiều hôm đó, người ta bàn tán với nhau rằng con gái ấp Đông gả cho con trai ấp Đông thì rất tốt, chứ con gái ấp Đông gả về ấp Tây là điều cấm kỵ vì phạm lời nguyền của các bậc tiền nhân. Lời nguyền linh thiêng ấy có từ thuở khai thiên lập địa. Nếu đôi trai gái nào cố tình vi phạm sẽ có người chết, bằng không cũng ly tán, còn gia đình hai bên tán gia bại sản, có khi còn liên lụy tới xóm giềng. Lời nguyền ấy lâu nay không ai nhắc tới, nay bỗng dưng được mọi người bàn tán và xem như lệ làng buộc phải tuân theo. Một hôm, ông phó chủ tịch xã gặp dì Sáng. Sau vài câu xã giao, ông ta hỏi:
- Nghe nói cháu tính lấy chồng về ấp Tây phải hông?
Dì Sáng lễ phép hỏi lại:
- Dạ có gì không, thưa chú?
Vị phó chủ tịch:
- Chắc cháu cũng nghe nói tới lời nguyền của người xưa rồi thì phải? Chưa biết thực hư thế nào nhưng cháu là cán bộ, lại còn trẻ, tương lai còn ở phía trước. Cháu nên suy nghĩ kỹ. Chồng hổng lấy người này thì lấy người khác. Lỡ có chuyện gì xảy ra đã thiệt mình còn mang tai tiếng.
Dì Sáng:
- Dạ, cảm ơn chú, nhưng cháu nghĩ, nếu chưa biết thực hư thế nào thì phải làm rõ ra chứ ạ. Còn chuyện của cháu, xin chú đừng lo. Nếu quyết định đến với nhau, chúng cháu chắc chắn phải tới chính quyền đăng ký kết hôn. Nếu pháp luật không cho phép thì chúng cháu không dám đâu ạ. Cháu xin phép chú.
Dì Sáng nói rồi khoan thai bước đi. Ông phó chủ tịch nhếch mép cười méo xệch lắc đầu nhìn theo dì Sáng. Chuyện tới tai bà Tuất. Bà giảng giải:
- Các anh chị bây giờ cứ nói không mê tín dị đoan. Xin thưa, đây là niềm tin, là sự ngưỡng vọng trước các bậc tiền bối. Ông bà xưa đã dạy “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Gan bằng trời cũng chớ xúc phạm tới oai linh của thần thánh. Từng này tuổi, tôi đã chứng kiến những cái chết bất đắc kỳ tử. Tiền tài, sự nghiệp cỡ nào cũng suy sụp chẳng mấy hồi.
Nghe bà Tuất nói, nhiều người lè lưỡi, lắc đầu. Mấy hôm sau, nghe tin bà Tuất chọn ngày lành tháng tốt rồi nhờ người mai mối dì Sáng cho cháu trai của bà ta. Chuyện là bà Tuất có ông anh làm lớn trên thành phố. Ông ta có người con trai một tên Vương, học đại học sắp xong, tướng mập phục phịch, cái mặt tròn vịn đầy mỡ lúc nào cũng vênh váo. Nghe nói ra trường gã Vương không lên thành phố làm mà sẽ xin việc gần nhà vì phải thay ông giữ ấm chân nhang bàn thờ tổ tiên. Ông ta quyết định như vậy bởi có lần bà Tuất dẫn ông đi xem bói, thầy bói gieo quẻ nói rằng ông lên chức này tước nọ, tiền vào như nước là nhờ vượng khí từ phần đất hương hỏa tổ tiên để lại. Ông cũng thừa biết cậu ấm nhà ông mà ra đấu đá với thiên hạ thì chẳng làm được trò trống gì. Vậy nên ông xây căn biệt thự lớn, sang trọng bên cạnh căn nhà cũ ngay mặt tiền ở ấp Đông vừa để thủ thân, vừa để cậu ấm gìn giữ cho hương hỏa nhà ông được tốt lành, phù trợ ông chinh chiến thêm một thời gian trước khi nghỉ hưu. Nhưng muốn làm gì thì làm, phải kiếm cho được nàng dâu xứng đáng. Thiên hạ đồn rằng bà Tuất nhắm dì Sáng cho cậu ấm nhằm giúp ông thực hiện mục đích ấy. Bà ta còn khoe với ông rằng, bà dọ xem gần chục đám nhưng chỉ đám này là nhất. Vừa đẹp người, đẹp nết, giỏi giang lại hợp tuổi và có tướng lợi chồng lợi con. Có người còn bảo, nếu dì Sáng và gã Vương thành đôi, anh trai bà Tuất sẽ xây tặng ấp Đông khu nhà văn hóa để tỏ tấm lòng của ông đối với người dân địa phương. Mọi việc ông giao cho bà Tuất lo liệu.
Thực ra, bà Tuất đã nhắm dì Sáng cho cháu trai bà từ lâu. Ngặt nỗi trước đây cháu bà còn nhỏ tuổi lại đang đi học. Giờ gã Vương học sắp xong, mọi việc có thể bắt đầu. Dì Sáng đã dành tình cảm cho ai hay chưa cũng không quan trọng. “Thứ gì không mua được bằng tiền có thể mua được bằng rất nhiều tiền”, câu nói của gã Lã Bất Vi gì đó, bà ta nghe và thuộc lấy nằm lòng từ lâu. Bà ta bảo thế.
Theo sự sắp đặt của bà Tuất, người làm mai tới gặp má Thuấn và dì Sáng. Má Thuấn bảo:
- Em nó lớn rồi, để em tự quyết định cuộc sống của mình.
Dì Sáng nói rằng:
- Người cùng ấp với nhau, có xa lạ gì đâu? Cứ để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên thôi ạ.
Nghe vậy, bà mai lầm lũi quay về. Những ngày sau đó, người ta bắt gặp gã Vương ăn mặc chải chuốt suốt ngày ngấp nghé trước nhà dì Sáng, rồi cả ấp Đông dậy lên tin dì Sáng bỏ anh chàng Hồng ở ấp Tây để chuẩn bị kết tóc xe duyên với gã Vương. Bà Tuất đưa tay vuốt nước trầu dính trên mép rồi khảng khái nói: “Con nhỏ Sáng vậy mà khôn ngoan lại thức thời. Qua ấp Tây có mà mạt rệp! Còn về với thằng Vương của cải xài không bao giờ hết, vinh hoa phú quý một đời, lại được tiếng thơm”.
Chuyện ầm ĩ như vậy nhưng hình như dì Sáng không quan tâm. Dì giành thời gian, tâm sức cùng chú Hồng xây dựng mô hình trồng rau phủ bạt. Khi mô hình này khẳng định hiệu quả, dì và chú giúp bà con nông dân nhân rộng để tăng năng suất, cải thiện mức thu nhập. Vườn khổ qua do dì lai tạo giống dây nào cũng trĩu quả. Tối tối, dì lại dành thời gian đọc sách, nghiên cứu tài liệu hoặc tham gia sinh hoạt các đoàn thể. Khi đại dịch Covid-19 kéo tới, dì cùng chú Hồng tình nguyện tham gia phòng chống dịch. Từ nơi tuyến đầu, hai người vẫn thường xuyên liên lạc với má Thuấn, kể lại những mất mát đau thương của người dân và cuộc chiến đấu đầy cam go ác liệt ở vùng tâm dịch. Dì bảo, mong cho đại dịch qua mau để cuộc sống trở lại bình thường. Thuấn cũng mong như vậy.
Mong ước ấy cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Nhưng Thuấn chưa kịp vui đã cảm thấy lo khi nghe dì Sáng kể với má cậu những sự việc vừa xảy ra. Dì bảo, trong thời gian dì và chú Hồng tham gia chống dịch, nhà chú có cặp bò đực kéo xe, một con bị chặt đứt gân chân sau thành tàn phế. Vườn bưởi đặc sản đang lên mơn mởn, sắp có trái bói bị chặt mấy chục gốc. Nhà đã báo công an xã nhưng không tìm được thủ phạm. Chắc chắn sự việc liên quan đến mối lương duyên của dì và chú Hồng. Nhiều người bất bình trước những hành vi sai trái ấy nhưng không ai dám phản ứng vì sợ bị liên lụy. Phó chủ tịch xã nhà ở ấp Tây lại là đàn em thân tín của anh bà Tuất nên mọi người càng né tránh. Ở ấp Đông vừa xảy ra đợt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, có kẻ tung tin đó là hậu quả của việc làm trái lời nguyền và họ bảo rằng sắp tới sẽ còn xảy ra nhiều thảm họa khác nghiêm trọng hơn nếu “vi phạm” ấy vẫn còn tiếp diễn. Vị trưởng ban công tác mặt trận ấp vừa nêu ý kiến đề nghị ngăn chặn những tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến tình cảm, tư tưởng của người dân và an ninh trật tự địa phương, mấy hôm sau bị cho nghỉ việc với lý do không rõ ràng. Nghe vậy, má Thuấn nói với dì Sáng:
- Những kẻ nắm quyền hành trong tay dám cấu kết với nhau và bao che cho kẻ xấu làm những việc coi thường kỷ cương phép nước như vậy thì chẳng còn ra thể thống gì nữa! Bây giờ em tính sao?
Dì Sáng trả lời má cậu:
- Dạ, em và anh Hồng xác định phải cùng nhau vượt qua lời nguyền, thực ra là chứng minh cho mọi người thấy lời nguyền ấy không có cơ sở, nhằm xây dựng tương lai, hạnh phúc và để cho lớp trẻ về sau không còn bị ngăn cách hoặc phải gặp phiền phức như tụi em nữa. Còn những chuyện tiêu cực kia, em tin sẽ sớm bị ngăn chặn và xử lý thôi chị ạ.
Má Thuấn thân mật bảo:
- Chị và mọi người sẽ luôn ủng hộ và mong chờ tin vui của hai em.
Ngày vui ấy đã đến. Học tập cách làm của một bệnh viện ở thành phố, trên chỉ đạo tổ chức đám cưới tập thể cho các cặp đôi yêu nhau bị kẹt trong mùa dịch. Về mặt pháp lý, họ đã trở thành vợ chồng vì đã đăng ký kết hôn nhưng đại dịch kéo tới, họ không tổ chức được đám cưới và phải tham gia phòng chống dịch. Nay cuộc sống đã trở về bình thường mới, đám cưới tập thể sẽ được tổ chức một cách giản dị nhưng long trọng nhằm tri ân những đóng góp to lớn của họ đối với cộng đồng. Dì Sáng và chú Hồng tuy mới đăng ký kết hôn gần đây nhưng có nhiều thành tích trong tham gia phòng chống dịch nên được mời góp mặt. Đám cưới diễn ra vui hơn những gì Thuấn đã tưởng tượng. Ba Thuấn cũng có mặt làm Thuấn càng thêm phấn khích. Thuấn ngồi giữa ba má cậu, dán mắt nhìn lên phía trên rồi đứng dậy hò reo cùng mọi người khi dì Sáng và chú Hồng nắm tay nhau cùng các cặp đôi khác bước ra sân khấu.
Sau đám cưới không bao lâu, gặp lúc khu công nghiệp kế bên đi vào hoạt động, công nhân đổ về ngày càng nhiều, dì Sáng có cơ hội thi triển tài năng. Vợ chồng dì mượn gia đình khu đất gần đường, một nửa mở quán ăn - giải khát, nửa còn lại làm xưởng may gia công. Với tài tính toán và xoay xở của dì, công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Vừa sản xuất, kinh doanh, vợ chồng dì vừa tập trung chăm lo cho gia đình, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Những buổi sinh hoạt chi đoàn và các chi hội thanh niên, phụ nữ nhà trọ là vui nhất. Thuấn lại có dịp theo đuôi dì Sáng thưởng thức các chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian do dì dàn dựng. Thuấn mừng rơn khi nghe mọi người khen dì Sáng của cậu đã xinh đẹp lại tài giỏi.
Sau đám cưới của dì Sáng, coi bộ bà Tuất tức lắm. Bà ta gằn giọng đay nghiến: “Cái đồ mắc dịch!”. Bà bảo quyết kén chọn giúp ông anh bà một cô con dâu xinh đẹp, có gia cảnh bề thế cho bõ tức. Cháu dâu bà nhà ở ấp Đông, hợp với lời nguyền mà bà thường nhắc tới với thái độ cung kính. Đám cưới cháu bà to nhất xứ, khách đông nườm nượp, nhìn ai cũng sang trọng. Cô dâu chú rể vàng vòng, kim cương đeo đầy tay đầy cổ, quần áo xiêm y rực rỡ. Nhưng có lẽ hương hỏa nhà bà không còn linh thiêng. Chỉ một thời gian sau, nghe tin anh trai bà dính vào mấy vụ sai phạm lớn, bị đình chỉ công tác để cơ quan chức năng điều tra xử lý. Tài sản, bao gồm cả căn biệt thự sang trọng ở ấp Đông bị kê biên. Vương về theo bên gia đình vợ. Còn vị phó chủ tịch xã không hiểu vì sao, làm đơn xin nghỉ việc.
Điều bất ngờ là khi những chuyện trên đây xảy ra, một sự thật khác cũng được phơi bày: “Lời nguyền” riêng của bà Tuất. Trước kia, gia đình bà Tuất gây hiềm khích với bên ngoại Thuấn trong chuyện làm ăn. Không may, ông ngoại Thuấn mất khi má Thuấn và dì Sáng còn nhỏ, rồi bà ngoại Thuấn bị bệnh thập tử nhất sinh. Để trả mối thù cũ và thỏa mãn lòng tham của mình, lợi dụng lúc ngoại Thuấn gặp khó khăn, bà Tuất hỏi thuê rồi tìm cách chiếm đoạt khu đất mặt tiền của ngoại cậu ở gần ngã ba, kế căn biệt thự anh trai bà ta bây giờ. Trước hành vi ngang ngược ấy, ngoại Thuấn làm đơn tố cáo bà Tuất. Một số cán bộ công chức, trong đó có vị phó chủ tịch xã là người trực tiếp giải quyết vụ việc cũng lên tiếng phản đối. Dư luận của quần chúng nhân dân tỏ ra bất bình. Tuy vậy, nhờ sự giúp sức đắc lực của người anh, bà Tuất thực hiện âm mưu của mình một cách trót lọt. Bà ngoại Thuấn gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền nhưng không được xem xét, giải quyết. Một thời gian sau, bà ngoại Thuấn mất, bà Tuất nghĩ mọi việc đã an bài, nhưng rồi mỗi khi nhìn thấy mẹ Thuấn và dì Sáng ngày một lớn khôn, bà ta lại linh cảm điều không hay sẽ đến với mình. Vì vậy, bà ta lập kế lôi kéo người anh trở về ấp Đông làm chỗ dựa cho mình và nhắm dì Sáng cho gã Vương để trừ hậu họa. Chuyện chưa đâu tới đâu, đột nhiên nghe tin dì Sáng sắp thành hôn với chú Hồng, bà Tuất hốt hoảng, bởi chú Hồng chính là cháu ruột của vị phó chủ tịch xã năm xưa từng xem xét vụ chiếm đất của bà ta. Do phát hiện ra sự thật và không chấp nhận giải quyết sự việc theo ý của đàn em anh trai bà Tuất, ông bị ép chuyển công tác và bàn giao hồ sơ cho người khác xử lý. Người ấy chính là vị phó chủ tịch vừa làm đơn xin nghỉ việc. Bà Tuất nghĩ, nếu bây giờ dì Sáng về làm dâu bên đó thì nguy cơ sự việc sẽ bị phanh phui và cái giá của nó là quá lớn. Còn nếu dì Sáng trở thành cháu dâu của bà ta như bà ta sắp đặt thì mọi việc sẽ được hóa giải, thậm chí bà ta còn được mang ơn. Vì vậy, với mưu mô xảo quyệt, bà ta ngăn cản chú Hồng và dì Sáng đến với nhau đồng thời tìm cách cho gã Vương thành đôi với dì Sáng. Để thực hiện ý đồ đó, bà ta đã dùng đủ thủ đoạn và biến nhiều người, trong đó có cả ông anh ruột trở thành con rối trong tay mình. Nhưng rồi mọi chuyện đã không diễn ra theo sự tính toán, sắp đặt của bà Tuất. Qua điều tra các sai phạm của anh em bà, sự thật đã được cơ quan chức năng làm rõ. Trước các chứng cứ không thể chối cãi, bà Tuất buộc phải thú nhận tất cả tội lỗi của mình.
Do kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển nhanh, hai ấp Đông, Tây giờ chuyển đổi thành khu phố nằm giữa vùng công nghiệp - đô thị sầm uất. Vợ chồng dì Sáng cũng đã có hai người con, một trai một gái, trông thật dễ thương. Dì quyết định mở rộng xưởng may ở khu phố Tây và bàn với má Thuấn xây dựng nhà hàng - tiệc cưới trên dải đất mặt tiền vốn là tài sản của ngoại Thuấn ở khu phố Đông. Dì bảo, bên cạnh việc kinh doanh, được phục vụ mọi người và đem lại niềm vui cho họ là công việc mà dì ưa thích. Hàng tuần, nơi đây diễn ra sự kiện quan trọng nhất trong đời của các cặp đôi yêu nhau. Trong số các cặp đôi ấy, Thuấn thấy có nhiều người là “nam thanh nữ tú” của hai khu phố Đông, Tây.
Một hôm, tình cờ Thuấn nghe dì Sáng nói với chú Hồng rằng bà Tuất có sai phạm nhưng đang bị bịnh nên được tại ngoại, dì và chú bàn nhau đi thăm. Dì bảo, dù sao cũng là láng giềng với nhau. Nghe vậy, Thuấn gật gật đầu rồi nở nụ cười tươi rói.