TIN TỨC

“Hai phía một đời sông” - thơ Nguyễn Vĩnh Bảo

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-11-23 16:09:42
mail facebook google pos stwis
2508 lượt xem

ĐẶNG NGUYỆT ANH

Mời các bạn đến với “HAI  PHÍA  MỘT  ĐỜI  SÔNG”.

Sông Chanh của Nguyễn Vĩnh Bảo nhỏ bé lắm.

Không sóng trào nước xoáy như Cửu Long Giang của Nguyễn Bính.

Không réo sôi lên truyền thống Bạch Đằng như của Nguyễn Hải Trừng.

Không cuồn cuộn dâng trào như Sông Thao của Đỗ Nhuận.

Không nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ như sông Đuống của Hoàng Cầm.

Không dạt dào như Vàm Cỏ Đông của Hoài Vũ.

Và cũng không nồng nàn da diết như con sông quê hương của Tế Hanh...

Sông Chanh của Nguyễn Vĩnh Bảo nhỏ bé lắm, êm đềm lắm, lặng lẽ lắm, hiền hòa lắm…

Dịu dàng e ấp như thiếu nữ mới lớn

Sông  chảy qua một miền quê cũng lặng lẽ, êm đềm, hiền hòa …

Đó là miền quê  Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Miền đất Học, đất Quan, đất Trạng Trình, đất sinh hương,  đất thuốc lào, đất Cổ Am gái đẹp…

(Tôi đã đến Vĩnh Bảo, đi qua Cầu Mục, Cầu Muôn, không biết đã đi qua sông Chanh của Nguyễn Vĩnh Bảo chưa?)

Qua 6 tập thơ, tập nào NVB cũng nói tới sông Chanh, nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần.

Sông Chanh quấn quýt, vương vấn hồn anh, chảy qua đời anh, chảy qua thơ anh: “Đời ta rồi cũng như sông/ Chảy mãi, chảy đến mênh mông biển chờ...”

Hai phía một đời sông, là những phía nào vậy? Ấy là phía lở - phía bồi, phía đầu nguồn - phía cửa bể, phía xa xưa - phía mai sau, phía anh - phía em, phía thực - phía mơ, phía yêu thương - phía giận hờn, phía quên - phía nhớ... “Có khi nào ngắm bờ quên bờ nhớ/ lở và bồi năm tháng nuôi ta”.

Cuộc mưu sinh khốc liệt, có thể bật con người từ đầu trời đến cuối đất. Nguyễn Vĩnh Bảo cũng nằm trong vòng xoáy ấy. Anh phải xa quê hương, xa sông Chanh yêu dấu với bao kỉ niệm thân thương “Một con đò nhỏ đi về/ Bóng sông trôi giữa bộn bề áo cơm”. Nhớ quê là nhớ Mẹ, nhớ sông : “Mẹ ngồi giặt chiếc áo nâu/ Mồ hôi mặn xuống một đầu con sông”. Sông Chanh và quê nghèo đã gắn bó máu thịt với NVB. Thương quê, thương sông càng thương Mẹ. Càng thương những phận người lam lũ sớm hôm, đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn, vẫn không thoát  khỏi cảnh nghèo khó “Thương cho thân phận nhà nông/ Trông trời trông đất vẫn không thoát nghèo”.

Mẹ là niềm thương cảm lớn nhất, là nỗi trăn trở nhiều  nhất, Mẹ đã tận tụy hy sinh cho con. “Chiến  tranh cong hai đầu Tổ quốc…  Mẹ đã sống những ngày buồn dài, vui ngắn/ Giấu nụ cười vào vầng trăng xa xôi”. Mẹ đã đi xa rồi, nhưng Mẹ vẫn như còn đâu đây, vẫn đi về bên con, vẫn nghe Mẹ kể ngày xưa, thực mơ đan xen hòa quyện “Sông Chanh vỗ khúc ngày xưa/ Mẹ tôi vẫn kể…như vừa hôm qua”. Bóng hình Mẹ vẫn  vô cùng gần gũi.

Và con, đi đâu rồi cũng “Trở về Mẹ”.  Như cây nhớ gốc, như sông ơn nguồn.  “Chẳng có gì xô đẩy được con/ Cắt giọt máu con chảy ngoài tim Mẹ/ Dẫu tuổi con có bao nhiêu lầm lỡ/ Vẫn nhìn trời, hướng Mẹ mà đi”…  “Con trở về những vui buồn đích thực/ Trong ngôi nhà Mẹ đã sinh con”… “Con đã ra đi, con đã trở về/ Nơi Mẹ có con, nơi con có Mẹ”.  Những câu thơ về Mẹ thật giản dị mà người đọc rưng rưng!…            

Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn giữ được cái hồn quê thuần khiết, với giọng lục bát mượt mà duyên dáng:

Và tin nụ sẽ thành hoa/ Thơm cho hết những ngày ta đợi chờ”, “Cuối trời có cuộc bể dâu /Một người ngồi nhớ đẩu đâu một người”, “Như loài hoa đẹp mong manh/ Dẫu không thành quả, cũng thành hương bay” …  Nhưng anh đã tự bứt phá, vượt lên chính mình. Trong “Hai phía một đời sông”, đột nhiên có những tư duy khác lạ lóe lên, mà người đọc không tìm thấy ở những tập thơ trước. Đó là suy ngẫm về những hiện tượng của đời sống sâu xa hơn, khúc chiết hơn, với thể thơ mới tự do, khoáng đạt, tha hồ tung hoành, chữ  nghĩa không bị câu nệ vào vần điệu: “Đó là những gì đã qua, lâu đến bao nhiêu cũng không già/ Chúng bám vào trí nhớ ta như da như thịt/ Đó là những bông hoa/ Bị mùa đông tước đoạt/ Đó là những lâu đài trên cát/  Bị sóng cuốn phăng/ Đó là anh và em/ Cứ hướng vào nhau mà không bao giờ tới/  Đó là những gì vô cùng thương mến/ Đã ở lại sau lưng/… Một đi không trở lại”…                     

Như anh và em, cứ hướng vào nhau không bao giờ tới! Một tứ thơ đẹp. Biểu hiện cho tình yêu đẹp. Biết là không tới vẫn hướng về nhau! Dám hy sinh, hy vọng, đợi chờ chung thủy!

Cùng với cả dân tộc, NVB cũng qua một thời chiến tranh, lửa đạn ác liệt, vật lộn từng ngày “Mặt trời trên đầu chín v/ Bom rơi, đạn lạc cánh rừng”, “Thời bạt ngàn mơ ước/ Thời bạt ngàn hy sinh/ Ta quay về tìm em/ Đốm sao xanh tự sáng/ Trên cung đường im lặng/ Của đêm nào giao liên”  Cái thời “Áo người người nhuộm màu lá ngụy trang/ Chân đi dép cao su, đầu đội mũ sắt/ Hầm cá nhân mọc san sát trước nhà”… Những ngày sống chết cận kề giây phút, lại là những ngày đẹp nhất. Nói như Chế Lan Viên: “Những ngày ta sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả”.  Con người sống có lý tưởng cao đẹp. Sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng dâng hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Bây giờ, cuộc sống thanh bình, không còn phải giành dật với áo cơm. Anh đã đi qua sóng gió cuộc đời, đã đầy đủ trải nghiệm, qua cái tuổi “Tri thiên mệnh”. Anh đã nắm chắc được quy luật của cuộc sống. Mọi cái mất còn, thua được, vui buồn, thành bại đều rất tự nhiên. Đến cái lá cũng có số phận. Vì vậy, chẳng cái gì anh cho là còn, chẳng cái gì anh cho là mất. Anh nhìn mọi vấn đề đều trầm tĩnh và bình thản “Từ có đến không/ từ không đến có/ Trăm phần trăm cuộc đời/ Cái nửa không: chưa hẳn chẳng tiếng cười/ Cái nửa có: chưa hẳn không nước mắt/ Quên hơi thở mùa thu xao xác/ Lá rơi hoài như đến lúc phải rơi”. Vâng,  cái gì đến ắt phải đến…

Từ một cái nền cũ, thơ năm chữ, Nguyễn Vĩnh Bảo đã  quan sát tinh tế và biểu hiện lạ, đầy biến hóa trong sử dụng ngôn ngữ,  gây sự chú ý và  hứng thú cho người đọc: “Một đám cưới đi qua/ Một đám ma đã tới/ Vừa hoa trắng phơi phới/ Đã hoa vàng hắt hiu/ Vừa gặp gỡ nụ cười/ Đã đụng ngay nước mắt/ Vừa trên kia vi vút/ Đã dưới này âm u/ Vui buồn tự nhiên thu/ Son phấn và hương khói…”

Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, ai cũng có ít nhất một dòng sông.

Tôi quả quyết với các bạn, NVB đã phải lòng sông Chanh từ thời trai trẻ, và cho đến bây giờ, tình yêu ấy vẫn đằm thắm, mặn mà…  Sông Chanh với anh vẫn là siêu phẩm… Anh vẫn phải về “nương tựa vào sông”. Anh luôn lo lắng băn khoăn cho số phận của dòng sông, rồi sẽ ra sao? Chảy đến bao giờ? Hỏi sông hay hỏi lòng mình đây! “Lở bồi hai phía ầu ơ/ Ngàn năm chảy đến bao giờ/ Sông ơi!”. Sông sẽ  chảy qua đời anh, chảy qua thơ anh. Chảy qua những phận người lam lũ! Chảy mãi, chảy mãi  đến vô cùng!

Sông Chanh nhỏ bé trong thơ NVB, cũng đủ sức rung, sức ngân  cho ta cảm tình, thương mến.

Nó không có trong bản đồ Địa lý Việt Nam, nhưng giờ đây NVB đã ghi tên sông Chanh trong “Bản đồ thi ca”. Xin chúc mừng anh!

 Sài gòn, ngày cuối cùng của  tháng 6 năm 2021. 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm