- Bút ký - Tạp văn
- Đón xuân, nhớ đến những bài thơ xuân
Đón xuân, nhớ đến những bài thơ xuân
Xuân đến, Tết về, lòng người hả hê, say mê với cảnh trí xuân và quây quần đón Tết. Đón xuân, đón tết, trước hết, nhiều người lại thích đọc lại thơ xuân.
Nhiều người, nhiều khi đã làm cho xuân đến sớm và rực rỡ hơn. Bởi rạo rực tạo cảm giác, cảm nhận về xuân, cho lòng người tươi nhuần sắc xuân, cũng có thể là cảm xúc về thế thái, nhân quần chủ đạo ở một thời điểm, với hoàn cảnh, sự kiện đang diễn ra trong xã hội Việt Nam:
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Mang chi xuân đến gọi xuân sầu
Với tôi tất cả là vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Đây là cảm lòng của nhà thơ yêu nước, thương nòi, với cảm nhận xuân trong cảnh dân tộc còn chìm trong cảnh nô lệ, cảnh nước mất, nhà tan…
Mùa xuân vẫn đến đúng thời gian, nhưng, do cảm nhận trần thế, nhân quần mạnh hơn cảm nhận thiên nhiên, nên có nhà thơ cảm thấy xuân đến sớm, có nhà thơ cảm thấy xuân đến muộn, như Chế lan Viên và Yến Lan có cảm nhận như nói ở trên vậy. Bài "Hoa đào nở sớm" của Chế Lan Viên, là nói đến mùa xuân đến sớm, như tâm hồn nhà thơ rộn rã trước xuân, trước thay đổi cuộc đời, với hình ảnh con người - thiếu nữ đã làm thay đổi cảnh vật, thời gian trong cảm nhận của nhà thơ và nhiều người khác như là đổi mới thời khắc, thời tiết, thời gian:
Rằng đào trước ngõ em qua
Sáng nay bỗng ướm cánh hoa đầu mùa
Đầy vườn lộc biếc cây tơ
Năm đi chưa hết đã ngờ xuân đâu
Như thế, rõ ràng, khi lòng người đầy xuân thì con người đã có cảm giác khác thường, cho là mùa xuân đến sớm với việc cho là "Hoa đào nở sớm" như lòng người ao ước mùa xuân, có được xuân mới, xuân đời non tươi, đẹp đẽ lạ thường:
Lòng anh từ độ em qua
Hoa bay, bướm dạo cùng ta vào đời
Cảm giác, cảm lòng của Nhà thơ Yến Lan, thì ông cho là, ông không có diễm phúc nhậy bén nhận biết xuân đến tận cùng để hưởng thú xuân đương độ, nên tất cả như ngược lại, khác hẳn với nhà thơ Chế Lan Viên. Và ông cho rằng, mình vụng về, nên để đến nỗi cõi lòng tuột mất xuân, để tiếc nuối vô cùng xuân mới:
Vụng sắm cành đào không kịp Tết
Ra giêng chợt hé một vài bông
Thật buồn, khi để lỡ cả cảnh xuân, mùa xuân thiên nhiên, nhưng nhà thơ lại vui, vì xuân còn mới chớm hồng, đang quấn quít trong lòng nhà thơ:
Xuân nhà hàng xóm bay đi hết
Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng!
Như câu thơ trên, thì nếu không có lòng người đang tràn ngập xuân thì đâu có hồng hào, có xuân xanh đẹp tươi như các câu thơ trên mô tả. Và như thế, cũng không có nét hồng, nét xuân thi vị như bài" Xuân muộn" của Nhà thơ Yến Lan. Cũng có cảm nhận như vậy, nên cảm tác mùa xuân của nhiều nhà thơ cũng đằm thắm xuân ở "Nụ cười xuân"; và xuân ban đầu - xanh; xuân giữa độ - chín, như bài "Mùa xuân xanh" của Nguyễn Bính; bài "Mùa xuân chín" của của Hàn Mặc Tử; bài "Nụ cười xuân" của Xuân Diệu.
Bài" Mùa xuân xanh" của Nguyễn Bính là bức tranh xuân của nông thôn đồng bằng Bắc bộ, với sự miêu tả như những nét khắc họa thành bức tranh đầy cảnh xuân quê:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Gió ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng làng và lúa ở đồng anh!
Bài " Mùa xuân chín" là bài thơ trữ tình đằm thắm về sự cảm nhận của Hàn Mặc Tử với cảnh mùa xuân ở miền Trung bộ một cách khái quát đầy thi vị. Đó là xuân đồng nghĩa với màu xanh của đất trời, của đồng lúa…Đấy là một mùa xuân tươi nhuần, mịn màng, nhè nhẹ, với cảm nhận sắc màu hội họa, với những nét chấm phá những cảnh quê, hồn quê, tình quê lung linh, thanh bình, hạnh phúc:
Khói lũy tre làng tôi mới thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh
Bài " Nụ cười xuân" của Xuân Diệu, lại là mùa xuân của đất trời và tâm trạng cũng bằng con mắt hội họa của Nhà thơ nhưng mộng mơ, huyền ảo, trong cảnh huyên náo, rạo rực, trước cảnh trí xuân tĩnh nặng, mà tràn trề, với sự say mê mạnh mẽ, mãnh liệt, của bứt phá, vượt khỏi ngưỡng vốn có, đầy ắp chi tiết. Đó là: Sáng chói mặt trời, lảnh lót tiếng chim, là rúng động, xôn xao, xúc động, bừng lên cuộc sống trong tâm hồn con người đầy xuân mới, xuân lòng:
Này lượt đầu tiên thiếu nữ nghe
Nhạc thầm nên tiếng hát say mê
Mùa xuân chín ửng trên đôi má…
Đang say mê với xuân, như" Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi", đã nghĩ ngay đến" Mùa xuân chín", là Nhà thơ đã tha thiết, níu kéo xuân, lo sợ xuân đi nhanh:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí bóng xuân sang
Đó, là những cảnh xuân, những cảm nhận xuân trong cảnh đất trời bừng ửng, mờ ảo, và cảnh quê, người quê, tình quê hào sảng, rạo rực hòa quyện, vang lên âm thanh vui lành trong cảnh xuân - " Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời". Tất cả đã cùng hòa điệu, tạo nên sự cảm nhận đến tận cùng xuân đầy sắc thắm, ánh hồng, mênh mông tình đất trời, tình con người, với xuân xanh tươi, kiều diễm…hiếm nơi nào có được như xuân ta:
Tiếng ca vắt vẻo ,lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc…
Mùa xuân của Việt Nam là vậy, tâm hồn con người Việt với xuân là vậy. Qua thơ, ta thấy ở đấy là tràn đầy cảnh trí xuân, cảnh tình xuân tươi nhuần, đẹp đẽ, mông mơ, nên thơ; và lòng người đầy ắp xuân với những cảm nhận vô ngần kỳ diễm trong niềm hứng khởi, tiến tới, đổi mới, hưởng thụ xuân đất trời để xuân lòng trong mỗi người không vơi xuân thắm…
Nguyễn Tiến Bình